Home » » NHỚ ANH ĐẶNG XUÂN KỲ

NHỚ ANH ĐẶNG XUÂN KỲ

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011 | 03:01

 NHỚ ANH ĐẶNG XUÂN KỲ
LẠI VĂN TOÀN (*)
         
 
Tôi biết Anh từ thuở chúng tôi học đại học triết học ở Mátxcơva. Anh là một đảng viên và từng là sĩ quan quân đội. Anh được giao phụ trách công tác Đoàn Thanh niên (là Bí thư Đoàn trường Lômônôxốp và là Uỷ viên Ban chấp hành Thành đoàn Mátxcơva). Anh hơn lớp trẻ vừa tốt nghiệp “phổ thông” chúng tôi đến ngót cả chục tuổi, vậy mà ứng xử với chúng tôi gần gũi và thân thiết như là bạn bè cùng lứa tuổi. Đức tính này Anh vẫn còn giữ được ngay cả khi đã ở cương vị thủ trưởng một cơ quan nghiên cứu khoa học lớn tầm cỡ quốc gia. Tôi mến Anh ngay từ ngày đầu trước hết là ở đức tính này (đức tính mà Anh vẫn giữ không thay đổi cho đến tận những ngày cuối đời).
Sau ngày về nước, Anh và tôi công tác tại những cơ quan khoa học khác nhau và trên những cương vị công tác cao thấp khác nhau. Anh về một cơ quan nghiên cứu triết học vừa mới được thành lập, còn tôi về giảng dạy triết học tại một vài trường ở Hà Nội rồi chuyển sang công tác nghiên cứu và quản lý hoạt động thông tin khoa học. Do vậy, chúng tôi có nhiều dịp gặp nhau: khi tại các buổi toạ đàm sinh hoạt hội thảo khoa học, khi thì Anh ghé đến cơ quan tôi, khi vợ chồng tôi đến thăm vợ chồng Anh tại nhà riêng.
Một lần tôi ngạc nhiên đến sửng sốt khi thấy Anh đến cơ quan tôi không phải bằng xe ô tô dành cho các thủ trưởng cấp bộ hay tổ chức khoa học lớn cấp quốc gia mà bằng xe gắn máy. Thấy tôi ngạc nhiên, Anh giải thích làm vậy để có thể ngồi với nhau được lâu hơn và thoải mái hơn trong câu chuyện. Anh đến với tôi vì nhiều lẽ, ngoài tình bạn cùng học, còn do cơ quan tôi có nhiều tài liệu sách báo trong nước và nước ngoài về khoa học xã hội và nhân văn, là một đầu mối cung cấp thông tin cho các cơ quan, các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, do vậy mà từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều nhà khoa học và Anh là một trong số những người đó.(*) Nhân đây, tôi muốn nhắc đến một cử chỉ văn hoá ứng xử đẹp của Anh: Anh thuộc số không nhiều người hằng năm vào dịp cơ quan tôi tổng kết công tác hay đón năm mới, Anh không quên gửi thư đều đặn đến chúc mừng anh chị em cán bộ và nhân viên chúng tôi, Anh chúc mừng thành tựu đạt được do sự cố gắng chung của chúng tôi, cảm ơn việc đã cung cấp cho Anh nhiều tài liệu có ích đối với công tác nghiên cứu, Anh cũng không quên nhận xét là có nhiều tài liệu quý được xử lý rất công phu, nhiều bản dịch có chất lượng tốt.
Tôi còn nhớ có lần Anh đến cơ quan tôi vì một số tài liệu gốc có liên quan đến vấn đề mà Anh đang quan tâm. Xong việc, Anh hỏi tôi hồi này đang làm gì ngoài công tác quản lý. Tôi cho Anh biết là tôi và anh Phạm Nguyên Long đang chuẩn bị tư liệu nghiên cứu một vấn đề mà chúng tôi cho là xuyên suốt di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là vấn đề tự do. Chúng tôi tiếp cận vấn đề tự do như một đối tượng luôn phát triển qua các bài viết, bài nói của Người trong các thời kỳ khác nhau được tập hợp chủ yếu trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập, gồm 12 tập, nghĩa là trước hết theo quan điểm lịch sử và trên cơ sở đó, dựa vào lôgíc phát triển của lịch sử, vạch ra ý nghĩa và giá trị đích thực của tự do đối với vấn đề độc lập dân tộc. Vừa nghe tôi trình bày vừa theo dõi bản đề cương tôi chuyển, Anh đưa ra một số nhận xét ngắn gọn, mà theo tôi, pha chút động viên, khích lệ. Tôi còn nhớ điều Anh nói, rất hoan nghênh “các bạn” (Anh hay gọi chúng tôi như vậy), chắc “các bạn” đã cảm nhận được rằng đây là một vấn đề lớn mà “các bạn” có lẽ phát hiện thấy đầu tiên. Thế nhưng không thể giữ nguyên tiêu đề “Vấn đề tự do – vấn đề xuyên suốt trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh”. Bởi lẽ, nghiên cứu vấn đề tự do ở Hồ Chí Minh không phải như một quan niệm lý luận khoa học, đúng là tự do cần được tiếp cận từ rất nhiều phương diện mà trong giáo trình triết học “bạn” đã gọi là phương pháp xem xét toàn diện, lịch sử, cụ thể. Chúng ta không được quên rằng, “tự do” từ lâu đã được cả thế giới phương Tây và phương Đông bàn luận, điều cần thiết là tập trung xem xét tự do, ý nghĩa và giá trị đích thực của tự do trong mối quan hệ với vấn đề độc lập dân tộc như trong đề cương đã ghi thành một mục. Và còn nữa, tất cả các lý thuyết Đông Tây kim cổ và lý luận khoa học Mác – Lênin bao giờ cũng được Hồ Chí Minh tiếp nhận, vận dụng cụ thể hoá vào việc giải quyết các vấn đề của cách mạng nước ta, trong đó có vấn đề rất lớn là độc lập dân tộc. Do vậy, tự do và độc lập mới là vấn đề xuyên suốt di sản tư tưởng Hồ Chí Minh và trên thực tế, đây là vấn đề Người theo đuổi suốt cả đời mình.
Một lần Anh gọi điện mời tôi đến nhà Anh chơi. Tôi biết là Anh sẽ nói chuyện công việc nên không đưa vợ đi cùng như một số lần trước. Đến nơi, tôi thấy Anh đang làm việc hay giao một công việc gì đó cho một cán bộ trẻ. Anh giới thiệu với tôi đó là một cán bộ đã được đào tạo cơ bản, rất cần được bồi dưỡng và hướng dẫn càng sớm càng tốt về những bước đi cần thiết trong nghiên cứu khoa học. Đó là một trong những buổi thực khó quên đối với tôi. Hôm đó chúng tôi trao đổi, tranh luận khá thoải mái (như ngày nào còn học tập ở Mátxcơva), tập trung chủ yếu vào vai trò, ý nghĩa của phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học, một vấn đề có liên quan mật thiết đến phương pháp tiếp cận, cách nhìn nhận và việc xác định, lựa chọn phương pháp nghiên cứu thích hợp để giải quyết thành công một vấn đề khoa học. (Vấn đề quan trọng này thường ai cũng nói đến nhưng không phải ai cũng thực hiện thành công). Bẵng đi một thời gian, tôi được Anh gửi cho cuốn Phương pháp luận nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh qua chính người cán bộ trẻ hồi nào đã cùng làm việc với Anh và tôi tại nhà Anh. Ngồi ngẫm lại tôi hiểu ra rằng, Anh quan tâm đến nhường nào công việc bồi dưỡng, dìu dắt các cán bộ nghiên cứu trẻ trên con đường khoa học và tin tưởng nhiều ở họ.
Anh Kỳ ơi, nay Anh đã yên giấc ngàn thu. Tôi rất nhớ Anh, càng nhớ Anh tôi càng nhớ lại những kỷ niệm tuy không nhiều nhưng rất đẹp về Anh, hiểu rõ hơn về Anh. Anh là một trí thức trung thực, giầu nghị lực và tâm huyết với công việc nghiên cứu lý luận, Anh nghiêm túc, âm thầm, lặng lẽ và tận tụy làm việc, cống hiến mà không hề đòi hỏi. Anh trưởng thành và đi lên bằng chính đôi chân và trí tuệ sáng tạo, đổi mới của bản thân mà không ỷ thế là con của một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta.
Tôi biết Anh có nhiều lợi thế và điều kiện thuận lợi, tràn đầy tâm huyết và ham muốn đến nhường nào trong công việc nghiên cứu di sản tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Qua mấy tuần tiếp xúc với Anh tại bệnh viện không bao lâu trước ngày trái tim Anh ngừng đập, tôi biết Anh có nhiều trăn trở vì còn nhiều việc Anh dự định mà chưa kịp làm. Nhưng Anh là người “đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng ngành Hồ Chí Minh học ở nước ta”. Anh là một trí thức trung thực, ngay thẳng, luôn nhất quán trong suy nghĩ và hành động đổi mới, sáng tạo. Anh trung thành với lý tưởng cách mạng, vững vàng tiếp bước theo thân phụ Anh trên con đường giành lại tự do và độc lập cho dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước ta ngày càng thịnh vượng, phồn vinh.
Trung tuần tháng 5/2010 tôi vào điều trị tại bệnh viện, ở cùng tầng với Anh. Ngay sau khi làm xong các thủ tục “nhập viện”, mặc bộ đồ bệnh nhân, tôi đến thăm Anh ngay. Anh ngạc nhiên hỏi tôi đau gì… Anh đã sút cân rõ rệt so với lần trước tôi vào thăm, nhưng da dẻ vẫn hồng hào, đôi mắt vẫn khoẻ khoắn, tinh nhanh. Anh ngồi nói chuyện với tôi rất vui như thể rồi bệnh tật sẽ qua đi. Tôi cố lái Anh sang những chuyện vui mà không bàn chuyện khoa học như những lần trrước. Anh cho biết đã bị sút mất hơn 10 kg và muốn được về nhà ít ngày để thay đổi môi trường, vui vẻ cùng các con các cháu rồi lại vào viện tiếp tục điều trị. Nhưng bác sĩ không đáp ứng nguyện vọng của Anh. Chắc là bệnh tình của Anh đã chuyển biến theo chiều hướng xấu. Ngày 1/6/2010 trước khi ra viện, tôi vào cạnh giường Anh. Tôi thấy Anh đã mệt đi rõ rệt, bắt đầu phải thở ôxy. Tôi không còn giữ nổi xúc động, nước mắt trào ra. Ngay khi đó người y tá vào truyền thuốc cho Anh, Anh còn hỏi tên thuốc truyền và nói: “Thế thì tốt”. Anh vẫn tỏ ra tỉnh táo. Nắm tay Anh, tôi chỉ biết nói: “Anh Kỳ ơi, nếu là gánh nặng chúng tôi sẵn sàng ghé vai gánh giúp Anh”. Tôi thấy đau đớn quá và báo tin là tôi ra viện, Anh nhìn tôi và nói: “bạn” về trước với vợ con và các cháu, gia đình, rồi mình cũng sẽ về sau. Biết Anh khó qua khỏi nhưng tôi không nghĩ Anh lại ra đi sớm đến như vậy. Vì thế, khi nhận được điện bạn bè gọi báo tin Anh đã mất tại nhà riêng trưa 6/6/2010, tôi không sao tránh khỏi bàng hoàng. Tôi hiểu tại sao Anh nói rồi mình cũng sẽ về sau.
Nhớ Anh mãi mãi, Anh Kỳ ơi!

(*) Giáo sư, tiến sĩ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved