Home » » Nghịch lý ít người quan tâm

Nghịch lý ít người quan tâm

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011 | 02:32

1. Nghịch lý ít người quan tâm
Hàng năm, mỗi khi đến mùa tuyển sinh đại học lại thấy có không biết bao nhiêu là chương trình “tiếp sức” cho các em học sinh lớp 12 ở bậc phổ thông như:“Tư vấn tuyển sinh”, “Tiếp sức mùa thi”…. Hay trước mỗi đợt sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường lại có những chương trình như: “Tư vấn kỹ năng xin việc”, “Kỹ năng trả lời phỏng vấn”… diễn ra rất rầm rộ trên khắp cả nước. Ví như vừa qua báo Tuổi Trẻ đã kết hợp với các đơn vị tài trợ, các trường đại học tổ chức hàng loạt các chương trình “Tư vấn mùa thi” cho các em học sinh phổ thông lớp 12 trên khắp mọi miền đất nước như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nội, Cà Mau… Trước hết, phải nói rằng chương trình tư vấn này của báo Tuổi Trẻ là rất rất đáng hoan nghênh vì đã góp phần cùng xã hội chung tay chăm lo cho thế hệ trẻ - đội ngũ kế thừa của đất nước. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là tại sao một tổ chức ngoài giáo dục như báo Tuổi Trẻ phải “xắn tay” vào để lo chuyện này trong khi lẽ ra trách nhiệm chính phải thuộc về ngành giáo dục với một hệ thống quản lý giáo dục rất đồ sộ (Bộ, Sở, Phòng, Viện, Trường học…) cùng mạng lưới giáo dục rất đa dạng và phong phú. Nói cách khác, ở đây có một câu hỏi đặt ra là suốt 12 năm ngồi trên ghế nhà trường phổ thông các em học sinh đã tiếp thu được những gì; mục tiêu và triết lý giáo dục của chúng ta như thế nào mà sao con em chúng ta – những người bạn trẻ đã bước sang tuổi 18 nhưng tư duy và nhận thức về xã hội, về cuộc sống nói chung gần như chỉ là con số không?
 Qua báo chí, chúng ta được biết trong quá trình tổ chức các cuộc tư vấn tuyển sinh nhiều thầy cô ở các trường đại học nhận được những câu hỏi và thắc mắc từ các em học sinh lớp 12 nhiều khi rất “ngô nghê” và “tội nghiệp” (đại loại như “Tại sao em học bài hoài không thuộc?; Bây giờ em rất hoang mang chưa biết chọn ngành nào, em phải làm sao?; Em muốn học ngành kiến trúc xây dựng vậy em thi khối nào?; Em muốn học để trở thành bác sĩ nhưng em sợ sức em không thi đậu vậy em phải làm gì…?); những câu hỏi “ngô nghê” ấy phản ánh năng lực tư duy và nhận thức độc lập về những vấn đề của cuộc sống của các em học sinh sắp rời mái trường phổ thông rất đáng để chúng ta (nhất là lãnh đạo ngành giáo dục nước nhà) phải suy nghĩ. Tại sao lại như vậy? Tại sao học đến lớp 12 rồi, đã sang tuổi 18 rồi mà các em không thể tự mình định hướng nghề nghiệp cho mình; lớp 12 rồi mà mỗi khi ra khỏi nhà là phải có cha mẹ theo kèm cập mới an tâm; lớp 12 rồi mà còn để cha mẹ lo lắng đủ thứ chuyện về học hành, thi cử của bản thân mình? Lớp 12 rồi mà khả năng nhận thức và tính độc lập trong việc chọn nghành, chọn nghề, chọn trường sao cho phù hợp với sở thích, năng lực học vấn của bản thân, năng lực tài chính của gia đình… còn rất mơ hồ?
Đáng nói hơn, thậm chí sau khi tốt nghiệp đại học rồi, trở thành những “cậu cử, cô cử” rồi mà những kỹ năng giao tiếp và ứng xử với xã hội đôi khi chỉ là con số không, xã hội lại tiếp tục mở những cuộc “tiếp sức” về “kỹ năng trả lời phỏng vấn” và “kỹ năng xin việc làm”…?
 Trong khi đó, tuy không có một suy nghĩ, một nhận thức đúng đắn để có thể tự quyết những chuyện quan trọng của đời mình nhưng các bạn trẻ lại thừa những suy nghĩ “độc lập” trong nhiều vấn đề “linh ta linh tinh” khác. Không dám từ quê ra phố một mình để tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh nhưng lại rất hăng hái trong việc lập những “băng nhóm” rồi “thanh toán” bạn mình chỉ vì những xích mích nhỏ trong trường học; không biết tìm hiểu và truy cập vào những trang web của các trường đại học để biết thông tin về ngành, nghề tuyển sinh và đào tạo nhưng lại rất sành sỏi trong việc tìm và truy cập vào những trang “web đen” thiếu lành mạnh; không biết chọn ngành, chọn nghề, chọn trường nào cho phù hợp với năng lực, sở trường và ước mơ của mình nhưng rất “cá tính” trong việc tung video clip “sex” lên mạng để chứng tỏ mình là “dân chơi” và “sành điệu”; không dám và cũng không biết tự giới thiệu về bản thân mình trước một hội đồng tuyển dụng khi đi xin việc nhưng lại rất “hăng hái” trong việc “yêu đương nhăng nhít” hay vùi đầu vào những thú vui thâu đêm suốt sáng với game online dẫn đến những hậu quả rất đau lòng mà xã hội đang phải lên tiếng…?
Có thể nói, những điều vừa phân tích ở trên phản ánh rất rõ cái nghịch lý “cười ra nước mắt”, cười mà đau xót và xấu hỗ cho thực trạng buồn của giáo dục nước nhà hiện nay – một thực tế mà ít người quan tâm và dũng cảm “đối mặt”.

2. Lỗi tại ai?
Công bằng mà nói, các bạn trẻ (học sinh, sinh viên) - đội ngũ kế thừa của chúng ta hiện nay không phải tất cả đều thụ động, vẫn có không ít các bạn trẻ rất giỏi và rất năng động và sáng tạo trong học tập. Tuy nhiên, nhìn chung đại bộ phận các bạn trẻ thật sự vẫn chưa “trưởng thành”, chưa có nhiều những “đột phá” trong nhận thức và tư duy để có thể tự quyết định những vấn đề mang tính “bước ngoặt” của cuộc đời mình và rộng hơn nữa là những vấn đề của đất nước (dĩ nhiên ở mức độ các bạn trẻ có thể tham gia phát biểu chính kiến). Có nhiều nguyên nhân lý giải cho vấn đề này nhưng nghiêm túc nhìn nhận thì lỗi này phần nhiều hoàn toàn do cơ chế và môi trường giáo dục của ta hiện nay. Cụ thể hơn, sở dĩ giáo dục nước nhà đang tồn tại nghịch lý “cười ra nước mắt” như đã phân tích ở trên là do nền giáo dục mang nặng tính “giáo điều” chỉ chăm chăm hướng đến những “mục tiêu” nhất thời; là hệ quả của cách làm giáo dục theo kiểu “ăn xổi ở thì”; một nền giáo dục không có “triết lý” rõ ràng. Ví như ở cấp phổ thông thì mục tiêu giáo dục chỉ là “tỉ lệ đậu tốt nghiệp” sao cho “đẹp mắt” lãnh đạo và “nở mày nở mặt” với địa phương bạn; cấp đại học thì “xã hội hóa” bằng cách ồ ạt mở trường đào tạo và cấp bằng theo “nhu cầu xã hội” (mà xã hội thì vốn mang trong mình căn bệnh nan y là “trọng bằng cấp hơn trọng năng lực”). Và để đạt được những mục tiêu nhất thời ấy chỉ có cách duy nhất là bắt buộc và yêu cầu học sinh học “thuộc lòng” sách giáo khoa và sách “chuẩn kiến thức” nhằm đối phó với các kỳ thi. Hoặc không thì tìm “cách này cách nọ” để “đảm bảo tỉ lệ tốt nghiệp” và “nâng cao mặt bằng dân trí” cho đơn vị mình, địa phương mình. Nói tóm lại, chất lượng giáo dục gần như chỉ được đánh giá qua những bảng báo cáo thành tích về “tỉ lệ bình quân” trên… giấy. Điều này tất yếu dẫn đến hậu quả học sinh, sinh viên sau khi ra trường ngẫm kỹ lại phần nhiều chỉ là những “bản sao”, là “thế hệ F1” của giáo viên và sách giáo khoa; nhận thức và tư duy độc lập của học sinh, sinh viên gần như bị thủ tiêu; nền giáo dục từ đó lâm vào căn bệnh trầm kha có tên là “thành tích”;…   
Không dừng lại ở đó, có thể thấy nền giáo dục “giáo điều” và “ăn xổi ở thì” vốn thường chỉ xem trọng và hay chạy theo những cái gọi là “phong trào” mang tính bề nổi (nhằm đối phó) mà thiếu những cái nhìn mang tính chiến lược căn cơ và lâu dài. Mà giáo dục làm theo kiểu “phong trào” thì cùng lắm chỉ giải quyết được “phần ngọn” chứ thực chất bên trong thì vẫn “giậm chân tại chỗ” bởi cái căn nguyên, cái gốc rễ sâu xa không được xem xét tường tận, thấu đáu. Ví như, trong khi nhiệm vụ chính của giáo dục là phải rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách và tri thức cho học sinh thì nay nhiệm vụ ấy phải đưa xuống hàng thứ yếu vì tất cả đang phải cùng nhau triển khai và thực hiện cái “phong trào”“nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục” (và chỉ “nói” là chủ yếu chứ thực “làm” thì chẳng bao nhiêu).
Hay như lẽ ra trong thời điểm hiện tại, nguyên nhân cốt lõi của thực trạng chất lượng giáo dục phổ thông thấp là do sự hạn chế về kiến thức, tri thức của đội ngũ giáo viên (là nguyên nhân mang tính “dây chuyền” và là cái vòng luẩn quẩn liên quan đến việc đào tạo giáo viên ở các trường đại học) và nội dung và chương trình dạy học (sách giáo khoa ở phổ thông, bài giảng và giáo trình ở đại học) thì không chịu thừa nhận lại đi phát động phong trào “đổi mới phương pháp dạy học” ở tất cả các cấp (suy cho cùng “phương pháp” chính là “cách tư duy” về đối tượng, một khi không có tri thức, không có “tư duy”, không “biết tư duy” thì làm sao có “phương pháp”, nếu có chăng vẫn chỉ là những “phương pháp” mang nặng sự “giáo điều”). Và khi tiến hành “đổi mới phương pháp” lẽ ra, trước hết phải xuất phát từ tình hình thực tế về điều kiện, môi trường dạy học hay sâu xa hơn là đặc trưng văn hóa xã hội của đất nước thì không chịu xem xét, nghiên cứu lại đi “bê nguyên xi” và áp dụng một cách máy móc những “phương pháp” của nước ngoài (vốn có tiền giả định là nền giáo dục đã phát triển ở trình độ cao). Cho nên hậu quả là năm nào cũng “đổi mới phương pháp”, năm nào cũng tổ chức “hội thảo”, tập huấn về “phương pháp mới”; đi đâu cũng nghe người ta bàn luận về “phương pháp”’; tiền bạc, thời gian và công sức đổ ra không biết là bao nhiêu nhưng thực tế thì chất lượng giáo dục thì vẫn cứ giậm chân tại chỗ…; các “chuyên gia phương pháp” thì trong lòng hoang mang còn giáo viên – những người được lệnh phải “đổi mới phương pháp” sau khi được tập huấn “phương pháp mới” lại e dè không dám áp dụng vào thực tế dạy học (sợ học sinh học theo “phương pháp mới” thi rớt tốt nghiệp, không đảm bảo chỉ tiêu tốt nghiệp đã đề ra)… Cứ như thế, cả một hệ thống giáo dục cứ mãi rơi vào cái vòng luẩn quẩn của sự giáo điều, hình thức và “ăn xổi ở thì” để rồi cuối cùng người học (học sinh, sinh viên…) là người lãnh đủ; xã hội lại phải mất thời gian, tiền bạc và công sức để “tiếp sức” cho các em.

3. Thay lời kết
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh trong khi nói về thành phần và lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật (đồng thời cũng là đội ngũ trí thức) nước nhà trước 1945, trong sách Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam giai 1930-1945 có viết:“Nếu lấy năm 1930 làm mốc thì hầu hết những cây bút này tuổi đời chỉ từ 10 đến 20 (Nguyễn Tuân, Thạch Lam 20 tuổi; Thanh Tịnh 19 tuổi; Vũ Trọng Phụng, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Huy Tưởng 18 tuổi; Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương 14 tuổi, Nam Cao 13 tuổi; Huy Thông, Mộng Tuyết, Nguyên Hồng 12 tuổi; Huy Cận, Nguyễn Bính, Bùi Hiển 11 tuổi; Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tô Hoài 10 tuổi… Lớn hơn có Khái Hưng 34 tuổi, Hoài Thanh 21 tuổi. Nhỏ hơn có Tế Hanh 9 tuổi)[1]
Đọc thông tin này làm chúng ta không khỏi giật mình và kinh ngạc về khả năng tư duy và nhận thức về cuộc sống, xã hội của thế hệ trẻ nước nhà những năm trước 1945 nếu so với khả năng tư duy và nhận thức của thế hệ trẻ nước nhà hiện nay. Làm thế nào mà những người có tuổi đời còn rất trẻ lại có thể cầm bút sáng tác thơ văn, thậm chí là viết phê bình và tranh luận các vấn đề học thuật trên báo chí thời ấy một cách đầy tự tin và bản lĩnh như thế? Chắc chắn là do nhiều yếu tố nhưng có một yếu tố quan trọng hơn cả đó là do tư duy của nền giáo dục thời ấy (khoa học, dân chủ và cầu thị…) đã tác động và rèn luyện cho họ. Không biết những người trong bộ máy điều hành và quản lý giáo dục của chúng ta nghĩ gì nếu như biết rằng ngày nay các em học sinh lớp 12 và nhiều sinh viên đại học ra trường rồi nhưng viết không nổi một câu văn; không dám đứng lên trình bày quan điểm và suy nghĩ của mình trước lớp; cả xã hội năm nào cũng vậy đến mùa thi phải “đầu tắt mặt tối” “tiếp sức” cho các em… Trong khi đó cùng trang lứa với các em thì Chế Lan Viên ngày xưa đã cho xuất bản tập thơ Điêu tàn nổi tiếng, Hoài Thanh thì cho ra đời “Thi nhân Việt Nam” – công trình phê bình văn học xuất sắc của  thế kỷ XX…?
Thê thảm lắm rồi, phải dũng cảm “nhìn nhận” để cải cách thôi (nhưng không phải bằng các “phong trào” mang nặng tính “đối phó” rất hình thức như hiện nay)!
Cần Thơ, 13/4/2011
Nguyễn Trọng Bình


[1] Nguyễn Đăng Mạnh - Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam giai 1930-1945. Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2000
Nguồn: viet-studies
Và tôi trả lời: “Bắt đầu từ Thế hệ chúng tôi – Những người sinh ra những năm 80 của thế kỷ XX!”
Ừ thì về thành tích chính trị, thế hệ chúng tôi chưa có những Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc. Về tư duy kinh tế cũng chưa thấy xuất hiện những cá nhân như ông Kim Ngọc. Về nghiên cứu khoa học lại thua đứt các anh 7X với điển hình là giải Fiels lừng danh Ngô Bảo Châu... Nhưng đó là “Chưa” chứ chắc gì đã là “Không”!
Tiền đề cho khả năng sáng tạo và phát triển của con người luôn luôn khởi nguồn từ sự TỰ DO. Tự do trong nhận thức, tự do trong tư duy, tự do trong phát biểu, tự do trong hành động,... Và khi khả năng sáng tạo phát huy, chắc chắn sẽ chắp cánh cho toàn bộ thực tiễn bay lên.
Không chịu sự ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa lý lịch kìm kẹp nhân tài (Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt – “Con hùm xám đường 4” mãi không lên nổi quân hàm chỉ vì thành phần gia đình là ví dụ mới nhất). Thế hệ chúng tôi cũng không chịu sự trói buộc tư tưởng một cách khắt khe, cứng nhắc như những người đi trước (Bác Hồ, người một thời đầu tàu của dân tộc Việt Nam còn nói “Tôi không có tư tưởng gì ngoài tư tưởng Marx – Lê” cơ mà). Những “vòng kim cô” trong cách hành xử nhẫn nại chịu đựng và chấp nhận như thế nay không thể có nữa, tôi dám nói quyết như vậy. Tất nhiên chúng tôi có sự gắn bó mật thiết với một truyền thống đạo đức dân tộc, được rèn cập từ trong gia đình, để không trở nên những kẻ vô chính phủ, coi trời bằng vung, , hoặc không như ai, rất liều lĩnh trong điều hành đất nước, vì rất thiếu học, tưởng có quyền trong tay thì muốn làm gì thì làm.
Thế hệ chúng tôi cũng đã trải qua thời non nớt, thỏa mãn sự (tưởng là) sung sướng như 9X (Xin lỗi nhé, ấy là nhiều báo nhà mình nói thế)
Chúng tôi cũng là những người chứng kiến sự chuyển giao giữa “đóng” và “mở” cửa hội nhập nên vẫn còn nhớ lại nhiều ấn tượng thích thú một cách ngây thơ khi moi một củ khoai, miếng sắn trong nồi cơm độn, cũng như không quên những ngày đầu háo hứctìm vào Internet mà biết được thế giới đổi thay như thế nào, Việt Nam mình đang ở đâu?
Khi đã thấm thía quá khứ và cháy bỏng khát vọng hướng tới tương lai thì không gì có thể cản nổi chúng tôi đi tìm cho mình một mục tiêu lý tưởng nhưng không phải là không tưởng, trong buổi lắm biến động tốt, xấu này. Giống nhiều người, chúng tôi đọc, tìm hiểu, tiếp thu và biến những điều cần thiết thành giá trị của mình. Khác nhiều người thuộc thế hệ khác có nhiều ưu thế hơn chúng tôi là ở chỗ, chúng tôi vừa đủ độ chín của một cánh cung kéo căng hết mức.
Lại Nguyên Ân
Lâu nay trong xã hội ta, nhất là trong đời sống ở các đô thị, đề tài về sự ứng phó với giới nhà giáo không còn chỉ là chuyện của học sinh, sinh viên mà đã thành mối bận tâm thường trực của các bậc cha mẹ, của toàn xã hội.
Những gương giáo viên tận tụy với nghề thì vẫn có, song, những lời kêu ca từ cha mẹ học sinh về những khoản đóng góp có tên và không tên, những tin tức về mua điểm, về chạy lớp, chạy trường, v.v. lại nổi trội hơn. Lương giáo viên nhìn chung vẫn thấp nhưng không ít thầy cô đã giàu hẳn lên, nhờ những nguồn thu ngoài lương như luyện thi hoặc tham gia các vụ chạy điểm, chạy trường, chạy lớp…
Trong mắt người dân, nhất là dân đô thị, nghề giáo viên từ chỗ là nghề “ốm đói”, “lương ba cọc ba đồng”, trở nên nghề dễ kiếm tiền, và do đó trở nên nghề cao giá hơn trước, nhưng trong cư dân cũng thấy giảm dần niềm tin vào tính mô phạm, vào đức độ của giới nhà giáo; khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” thường gặp nơi khuôn viên các trường học, đang lộ ra những nét mỉa mai…
Vậy thì nên nghĩ thế nào về người thầy, về nghề giáo viên, về quan hệ thầy trò trong đời sống hiện tại?

Học đạo lý hay học từ chương khoa cử?
Tôi muốn nêu lại một sự lý giải - mà theo tôi rất đặc sắc tuy không dễ nghe - về sự học và về điều vẫn được gọi là “tình thầy trò” trong xã hội.
Sự lý giải này là của Phan Khôi (1887-1959), một tác gia vốn nổi tiếng về sự thẳng thắn, “thiết diện vô tư” trong ngôn luận.
Quan hệ thầy trò nảy sinh là do ở xã hội con người nảy sinh sự học, tức là hoạt động tiếp nhận, đào luyện tri thức và kỹ năng; “sự học” trong ý niệm của các lớp người trước còn mang nghĩa rộng hơn, chỉ hoạt động học thuật, tức là hoạt động nghiên cứu, phát minh, sáng chế, bổ sung và làm giàu các nguồn tri thức và kỹ năng.
Ở nước ta, sự học xuất hiện từ việc tiếp nhận chữ Hán và Khổng giáo, hai thứ ban đầu không tách rời nhau. Sự kiện Sĩ Nhiếp, một viên Thái thú do triều đình phương Bắc cử đến trị nhậm đất này, được hậu nho người Việt tôn xưng “Nam Giao học tổ”, là minh chứng về nguồn gốc nêu trên của sự học ở nước ta.
Nền học thứ nhất hiện hữu trên đất Việt suốt gần hai ngàn năm chính là Hán học (chữ Hán, Khổng giáo, văn hoá Hán); chỉ từ cuối thế kỷ XIX mới xuất hiện nền học thứ hai, được gọi là “Tây học” (ngày nay hẳn có những người muốn gọi khác đi tuy chưa thấy ai quyết liệt lên tiếng).
Trong một bài viết đăng báo năm 1931, Phan Khôi lưu ý rằng cái mà ở ta gọi là “Hán học” hoặc “Nho học” đó vốn có hai phương diện khác nhau:
“Một là cái học về nghĩa lý, tức là cái học của thánh hiền; một nữa là cái học về từ chương khoa cử, cũng kêu là tục học. Hồi Khổng Mạnh bắt đầu đề xướng ra, nguyên chỉ có cái học nghĩa lý mà thôi; đến sau lần lượt ngày một sai đi, mới thành ra cái học từ chương khoa cử” (1) .
Theo Phan Khôi, “cái học nghĩa lý” bao gồm: một phần lớn là cái mà ngày nay gọi là triết học, “xét về bản thể của vũ trụ, cùng tính mạng đạo đức là cái cần thiết cho sự sống của loài người”(1), bên cạnh đó có một phần là cái học tu thân, “dạy về sự làm người cho đúng đắn”(1), và một phần nữa là cái học kinh tế, “dạy về chánh trị kinh tế, cái cách để trị nước và an thiên hạ”(1); ngoài ra, tất cả những lĩnh vực tri thức mà người xưa gọi là “kinh học”, “sử học”, “lý học”, “đạo học”, v.v…, theo Phan Khôi, đều thuộc cái học nghĩa lý.
Từ triều Hán trở đi, các vua Trung Quốc dùng khoa cử để chọn người cho bộ máy cai trị. “Ban đầu cũng do theo cái học nghĩa lý của thánh hiền làm tiêu chuẩn, hễ ai tinh thông nghĩa lý thì được trúng cách, tức là thi đậu; nhưng sau rồi mỗi ngày mỗi sai đi, mà cái học khoa cử đi một đường, còn nghĩa lý đi một đường. Khi họ bỏ quên nghĩa lý rồi, chỉ chuyên trọng về mặt từ chương. Từ chương tức là làm từ phú văn chương cho hay cho đẹp, lấy đó làm tiêu chuẩn cho sự thi cử. Vì vậy nói luôn là từ chương khoa cử(1).
Ở Trung Quốc suốt thời trung đại, Phan Khôi nhận xét, thời nào số đông sĩ phu cũng chuộng cái học khoa cử nhưng thời nào cũng vẫn có không ít người theo đuổi cái học nghĩa lý. Có những người vẫn theo đuổi mục tiêu thi đậu làm quan đồng thời “còn muốn cái thân của mình có quan hệ đến xã hội đời sau, muốn vậy thì duy có gieo mình vào cõi học mới được; cho nên có nhiều người đã làm đến bậc đại thần, công danh rực rỡ, mà cũng còn chen chân vào đám học giả mới nghe”(1).
Lại có “những người cả đời theo học vấn mà nhất định không thèm thi cử, không thèm tranh cái danh tầm thường với đời, chỉ chăm một đường khảo cứu trước thuật, hiến thân cho sự học(1). Tóm lại, “sĩ phu dầu bị cái học khoa cử làm hư đi cũng nhiều, song cái học nghĩa lý của thánh hiền đời xưa vẫn không đến nỗi mờ tối” – đó là nhận xét của Phan Khôi về Nho học hay là cái học cổ truyền ở Trung Quốc thời cổ và trung đại.
Học chỉ để "gõ cửa giàu sang"
Chính Hán học là nền học thứ nhất đã từ Trung Quốc truyền vào nước ta. Hán học ở Việt Nam thời Bắc thuộc, theo Phan Khôi, tựu trung mới chỉ là lối giáo dục “chấm câu” (tức là lối dạy lối học qua loa, giống như bài văn chỉ chấm câu mà không khuyên điểm).
“Cái học nghĩa lý của thánh hiền thật chửa thấm khắp trong óc người mình chút nào”.
“Học “chấm câu” như vậy non ngàn năm, đến lúc nước mình độc lập, lại vội vàng lập ra ngay phép khoa cử.Từ đó Hán học ở nước ta chỉ biết có từ chương khoa cử mà thôi, không hề biết đến cái học nghĩa lý.
Theo lịch sử Việt Nam thì có hai thời kỳ mà người ta cho là Nho học rất thịnh, là hồi triều Lê và triều Nguyễn […] Nhưng thịnh đó là chỉ thịnh về đằng từ chương khoa cử; nếu bảo rằng Nho học thịnh thì oan cho Nho học lắm, vì Nho học tức là cái học nghĩa lý, mà ở nước ta nó hầu như không có”(1)
Nguyên nhân tình trạng lệch lạc này trong sự học ở nước ta, theo Phan Khôi, là quan niệm của người nước ta về sự học.
Người mình coi sự học cũng như cục gạch để gõ cửa, khi cửa mở ra rồi thì cục gạch ném đi. Cái học của ta là để gõ cửa giàu sang, khi giàu sang rồi thôi không nói đến học nữa(1).
Quan niệm này, theo Phan Khôi, vẫn còn được người nước mình duy trì trong nền học mới, tức Tây học:
Hiện ngày nay Tây học cũng chia làm hai như vậy; một cũng là cái học nghĩa lý; một nữa lại là cái học “kiếm cơm”. Nếu ngày nay ta chỉ chuyên theo cái học kiếm cơm thì nó cũng sẽ di họa cho ta như cái học từ chương khoa cử ngày xưa vậy(1).
Nhận định như trên về nguồn gốc và đặc tính sự học ở nước ta của Phan Khôi là nhất quán với (và là cơ sở cho) nhận định về quan hệ thầy trò, điều mà ông đề cập trong một bài khác, cũng đăng báo năm 1931.
Không chiếm riêng một “luân” nào trong “ngũ luân” của Khổng Mạnh (quân thần; phụ tử; phu phụ; huynh đệ; bằng hữu), quan hệ thầy trò chỉ thuộc về luân “bằng hữu”, nhưng từ xưa vẫn được xem trọng. Ba đấng “quân, sư, phụ” (vua, cha, thầy) được người ta thờ kính như nhau. Cái nghĩa của quan hệ này được gói trong sự “thi” và “báo”: thầy thi ân, ban ơn tác thành (về học vấn, về năng lực, phẩm cách…) cho trò, trò báo đáp cái ơn tác thành ấy của thầy; hai hành vi của hai phía là tương ứng, tuỳ thuộc lẫn nhau.
Ở ngọn nguồn của Nho học, thầy dạy trò không chỉ bằng sách vở, tư tưởng, mà còn bằng chính con người mình.
Ông thầy nào có hoài bão cao, đạo đức lớn mà được người học trò hiểu cho mình, làm theo mình, thì sự quan hệ với nhau lại còn đặc biệt hơn những trò khác(2).
Sự tương tri, tương đắc của thầy trò nó cũng thân thiết như là vợ chồng bầu bạn. Nhiều khi cha con không hiểu nhau mà thầy trò lại hiểu nhau. Giữa cha con thường có một cái gì mà như bức tường để ngăn trở sự hiểu nhau; chớ còn thầy với trò mà đã vừa ý nhau rồi thì không còn bức tường ấy nữa, tương tri tương đắc thì thật là tương tri tương đắc. Thầy trò mà đến bậc ấy thì khi một người chết đi, trong lòng người kia mang một cái vết thương trọn đời, chớ không những tâm tang ba năm mà thôi(2)
Những quan hệ như giữa thầy Khổng Tử với trò Nhan Uyên thời cổ đại, giữa trò Phí Mật (1625-1701) với thầy Tôn Kỳ Phùng (1585-1675) thời trung đại mà nét đặc trưng là sự tương tri tương đắc với nhau về học thuật và đạo lý, được Phan Khôi nêu ra như hai ví dụ về tình thầy trò trong “cái học nghĩa lý”, “cái học của thánh hiền”.
Ở thế giới hiện đại, có lẽ chỉ có quan hệ giữa người phát kiến, đề xướng một xu hướng, một trường phái, một lý thuyết, một phương pháp, v.v. với những môn đồ kế thừa và phát triển chúng, mới có sự tương ứng phần nào với quan hệ “sư đệ” trong cái học nghĩa lý xưa kia, như Phan Khôi hình dung.
Tuy nhiên, theo Phan Khôi, cũng ngay từ xa xưa:"Sau đức Khổng, trong cõi học bị văn chương khoa cử choán mất rồi thì đạo thầy trò cũng kém xưa. Lúc bấy giờ chỉ là mấy anh thợ làm văn truyền nghề cho những thợ bạn của mình, chớ không còn phải là thầy trò. Không có cái hoài bão cao, đạo đức lớn nêu ra, thì lấy đâu có được sự tương tri tương đắc?
Anh thợ làm văn ấy chết thì còn thiếu chi anh thợ làm văn khác; có điều đã theo Nho giáo thì cũng làm ra bộ tâm tang cho có, chớ thiệt tình, trong lòng họ chẳng có cái gì là cái vết thương. Hồi nhà Đường, Hàn Dũ than thở mà nói đời nay không còn sư đạo nữa, thật không phải là quá đáng vậy(2).
Quan hệ thầy trò trong lối học khoa cử, theo Phan Khôi, là khác hẳn quan hệ ấy trong cái học nghĩa lý, “Vì trong cái học nầy, thầy chỉ dạy cho trò làm văn hay để thi đậu làm quan mà thôi; so với bên kia vì nghĩa, bên nầy vì lợi, không thể đồng nhau(2).
Nhận định về sự học ở nước ta từ khi du nhập Hán học, Phan Khôi cho rằng: “Nói đến sự thầy trò nước ta thì phải thú thật rằng chưa hề có thứ thầy trò như Khổng Tử với Nhan Uyên, Tôn Kỳ Phùng với Phí Mật, mà đều là hạng thầy trò trong cái học khoa cử cả(2).
Thời kỳ khoa cử Hán học còn thịnh tại Việt Nam, ở các trường của các thầy đồ, học trò thường lập những hội “đồng môn”: Các hội này có vốn, có hoạt động làm cho vốn sinh lợi, trước để cung cấp nhu cầu đời sống cho thầy, sau cũng chi phí cho sự vãng lai thù tạc trong đám trò với nhau. Nhiều hội đồng môn làm nhà cho thầy, đặt đất hương hoả cho thầy, và sau khi thầy mất thì giữ ngày cúng giỗ như giỗ cha mình vậy. Tục lệ này được xem là một cái tục rất hậu.
Người ta cho là tục hậu; hậu thật. Nhưng tôi xin hỏi: cái tục ấy có ích gì cho đời không? Có ảnh hưởng gì đến học giới không? Hỏi sao từ xưa đến nay, mấy ông thầy nước ta không tác thành ra thánh hiền mà chỉ tác thành ra dòng những quan lớn? Thầy tác thành ra một đống quan lớn nên người được tác thành đền đáp như vậy cũng phải; song xét kỹ thì chỉ là lấy lợi ban ra, lấy lợi trả lại đó thôi, chớ có gì đâu mà khen ngợi trầm trồ!”(2)
Bàn về "sự học ngày nay"
Rất có thể có không ít người trong hoặc ngoài giới nhà giáo, cả trong thời Hán học xưa kia lẫn trong học chế ngày nay, không tán đồng sự phân tích nêu trên của Phan Khôi. Tuy nhiên, bình tĩnh lại, ta sẽ thấy sự phân tích ấy khá phù hợp với lẽ phải.
Hãy tạm gác lại chuyện “học” trong các nhóm phái văn hoá hay khoa học thời hiện đại.
Ta hãy chỉ nói đến sự học ngày nay ở hai hệ thống: phổ thông và chuyên nghiệp (đại học, cao đẳng, trung học, dạy nghề); sự học ở đây rất hợp với chữ “tục học” mà Phan Khôi đã gọi tên. Ở hai hệ thống này, cả hai thành phần là người học và người dạy đều tham gia hoạt động giáo dục theo nguyên tắc lợi ích.
Người học (học sinh, sinh viên, học viên…) tham gia hoạt động giáo dục để được trang bị những tri thức và kỹ năng nhất định; chính vì lợi ích ấy, người học phải đóng góp tài chính để góp phần tạo nguồn kinh phí trả lương cho người thầy, trang trải phí tổn và duy trì cơ sở đào tạo, v.v.
Người dạy tham gia hoạt động giáo dục với tư cách người hành nghề. Dạy học là một nghề trong các loại nghề. Những phẩm chất như trình độ tri thức (về lĩnh vực mình giảng dạy), nhân cách đạo đức, v.v…, cần được xem như những điều kiện cần có để được phép hành nghề.
Nguyên tắc lợi ích vừa nói ở trên chính là cơ sở của các hoạt động giáo dục đào tạo trong đời sống hiện đại; nguyên tắc ấy hoàn toàn tương ứng với nguyên tắc “lấy lợi ban ra, lấy lợi trả lại” mà Phan Khôi rút ra từ thực chất của cái học khoa cử thời xưa.
Nhưng sự “thi” (ban ơn) và “báo” (đền ơn) song phương ở quy mô cá nhân hoặc nhóm nhỏ xưa kia (một ông thầy với nhóm “hội đồng môn” gồm các thế hệ học trò từng thụ giáo ông ta), trong hoạt động dạy và học ngày nay, đã được thể chế hoá ở quy mô toàn xã hội; người dạy thực thi việc truyền thụ kiến thức và kỹ năng là ở quy mô xã hội, tuy người ấy dạy cho những người học cụ thể; người học trả công cho người dạy thông qua lệ phí, học phí đóng cho nhà trường hoặc cơ sở đào tạo, tức là thông qua những “đại lý” của ngành giáo dục và đào tạo; những dạng thức “báo đền” trực tiếp (quà biếu, tiền bạc…) đều là dấu hiệu “có vấn đề”.
Sự học trong đời sống hiện đại đã vận hành theo nguyên tắc lợi ích, đã được thể chế hoá ở quy mô toàn xã hội như vậy, thiết tưởng ta cũng nên hiện đại hoá quan niệm về quan hệ thầy trò. Đó chỉ nên xem là quan hệ chuyển giao tri thức và kỹ năng giữa con người với nhau, một sự chuyển giao đã được tổ chức thành những thiết chế xã hội. Những tri thức hoặc kỹ năng được chuyển giao đó không phải là vốn riêng, sở hữu riêng của người “giao” (= người dạy) mà là vốn chung, sở hữu chung của cộng đồng (nhân loại, dân tộc).
Quan hệ tình cảm giữa lớp người “giao” và lớp người “nhận” là có, có một cách tự nhiên, nhưng không nên thần thánh hoá vai “thầy” và chế định ra những bổn phận quá đáng cho vai “trò”.
Những quan niệm thông tục cũ, từng được đúc vào những mệnh đề như “nhất tự vi sư bán tự vi sư” (= người dạy cho mình một chữ hay nửa chữ, mình cũng phải xem là thầy), cần được coi như những định kiến hạn hẹp. Ngay khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn”, vốn là châm ngôn của Nho học, cũng không diễn đạt đúng tinh thần “vừa dạy kiến thức vừa làm hình thành nhân cách” của nhà trường hiện đại.
Trong đời sống hôm nay, học tập là một phần việc mà mỗi người phải theo đuổi suốt đời; ai cũng phải học và ai cũng có thể truyền thụ cho người khác được ít ra là một vài hiểu biết hay kỹ năng nào đó. Vậy mà, mỗi người chuyên làm nghề dạy học chỉ có thể “làm thầy” ở một môn học nào đó, trong một thời điểm nào đó, và cũng phải thường xuyên cập nhật những cái mới trong chuyên môn của mình thì mới duy trì được vai trò nghề nghiệp của mình; tức là trong thực chất, khả năng “làm thầy” thiên hạ bao giờ cũng rất hạn hẹp. Ở đời sống hiện đại, có rất ít bậc thầy đúng nghĩa; ở đời sống hiện đại, không tồn tại thánh hiền.
Quan hệ thầy trò ngày nay, thiết nghĩ, nên đặt trên một quan niệm thoáng như thế.

(1) Phan Khôi (1931), Hán học ở bên Pháp (Cảm tưởng sau khi đọc bức thư luận học của người bạn ở Paris) // Đông Tây, Hà Nội, s. 74 (23.5.1931), s. 75 (27.5.1931), s. 76 (30.5.1931). Xem: Phan Khôi , Tác phẩm đăng báo 1931 // Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb. Hội Nhà Văn và Trung tâm Văn hoá & Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2006 (sách đang in).
(2) Phan Khôi (1931), Thầy trò đời nay với thầy trò đời xưa // Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.98 (3.9.1931). Xem: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1931 // Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb. Hội Nhà Văn và Trung tâm VH&NN Đông Tây, Hà Nội, 2006 (sách đang in). 
Nguồn: chungta.com
Vương Trí Nhàn
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Ông Tú, nhân vật chính trong truyện ngắn Một thời gió bụi (1991), của Nguyễn Khải là một cán bộ vốn sống ở thành phố, khi nhận sổ hưu, liền có ý định về sống hẳn ở quê. Song chỉ về quê thăm thú ít ngày, ông đã phải bật ra, quay trở lại với vợ con ở thành phố, làm chân phụ việc bán hàng cho vợ.
Tại sao? Theo cách miêu tả của tác giả, nhân vật tưởng đã rất từng trải ở đây đã thực sự bị sốc trước tình trạng xảy ra trên quê hương. Con người gian giảo lừa lọc. Niềm tin và sự bình thản trong tâm tư không còn. Mối quan hệ thuần hậu giữa người với người đã bị biến dạng.
Chữ lợi làm mờ cả mắt. Người ta sẵn sàng làm bất cứ việc gì, kể cả đào trộm một ngôi mộ cổ của một bà thứ phi của chúa Trịnh Doanh, bẻ đầu bà ta, để kiếm vàng. Ấn tượng còn lại ở ông Tú là “một cái làng, một vùng quê không còn quá khứ, không còn lịch sử ”. Quay trở lại với gia đình nơi đô thị, ông nghe một đứa con hỏi : “Về quê có vui không?”, đành đáp: “Cuộc sống gay gắt lắm”. Lại khi nghe hỏi: “Vùng ấy phong cảnh đẹp lắm hả bố”, ông chỉ còn cách trả lời: “Bây giờ thì trần trụi tan hoang cả” (xem Tuyển tập Nguyễn Khải ba tập, tập III, NXB Văn học 1996, các trang 269 và 280).
Nguyễn Khải từng có nhiều thiên truyện viết về nông thôn miền Bắc những năm 60-70 thế kỷ trước, trong đó có truyện Tầm nhìn xa chế giễu ông Tuy Kiền, phó chủ nhiệm hợp tác chuyên xoay xở kiếm lợi. Văn xuôi Nguyễn Khải hồi ấy cho thấy một nông thôn hài hòa mà sôi động, con người đầy khao khát song rất tự chủ, và luôn tự chứng tỏ là có thể đứng vững trước bất cứ thay đổi nào của thời cuộc.
Nay với Một thời gió bụi, tác giả vẫn sắc sảo như xưa, nhưng lại hai lần đáng ca ngợi vì là một sắc sảo phát hiện ra những gì ngược với niềm tin của mình hồi trẻ. Trong phút xuất thần của ngòi bút, Nguyễn Khải thật đã dự cảm chính xác sự băng hoại của nông thôn cổ điển trước công cuộc hiện đại hóa tự phát có pha một chút dã man hôm nay.
Thứ nữa, điều quan trọng không kém, nhà văn còn gọi ra được một lối phản ứng trước hoàn cảnh đang chi phối nhiều người chúng ta. Đó là một cái nhìn tĩnh, một nếp nghĩ trì trệ, chỉ biết mơ màng với những giáo điều cũ kỹ, lúc chạm vào thực tế thì sợ hãi lảng tránh. Trong khi vẽ ra một bức tranh thực tế xa lạ hẳn với thói quen cảm nhận của số đông, tác giả như thoáng có một chút chế giễu cái sự lãng mạn quá lâu của mọi người, và thầm đề nghị rằng mọi suy nghĩ về nông thôn phải thay đổi.
Cần nhấn mạnh cái khía cạnh thứ hai này của tác phẩm vì thời gian gần đây - ngót nghét hai chục năm sau khi Một thời gió bụi ra đời - dường như vẫn đang có một lối nhìn, một mạch suy nghĩ cảm xúc ngự trị trong xã hội, chảy ngầm trong những câu chuyện và len lỏi trong tâm tư mỗi cá nhân lúc họ cô đơn. Đó là niềm lưu luyến khôn nguôi với nông thôn thời quá khứ, là việc lý tưởng hóa mối quan hệ giữa người với người hôm qua, tiếp đó lẽ tự nhiên là tiếng thở dài than vãn vì một cái gì tốt đẹp vừa bị đánh mất, và niềm ao ước thầm kín, giá kể đồng hồ có thể quay ngược, giá kể có thể trở về với những ngày xưa thân ái, tình làng nghĩa xóm, rau cháo có nhau, nghèo khổ nhưng mà đầm ấm.
Con người vốn yếu đuối. Trước những thay đổi quá chừng đột ngột, lại ngả sang dữ dằn ghê gớm của công cuộc hiện đại hóa ít nhiều phi nhân văn hiện nay, cái sự co lại trong hành động, sự mệt mỏi trong tâm tư là điều dễ hiểu. Nhưng tôi tưởng đây chính là lúc chúng ta cần một ít lý trí sáng suốt. Quay về làm sao nổi. Đúng là không thể làm giàu bằng bất cứ cách nào. Nhưng cũng không thể nghèo mãi như cũ. Chỉ có dấn bước đi tới với nghĩa nhìn thẳng vào thực tế, nhận ra những quy luật chi phối sự vận động của xã hội, người ta mới có cơ tìm ra cách ứng xử hợp lý nhất.
Trong việc này, số lượng những tác phẩm văn chương có cái nhìn tỉnh táo như của Nguyễn Khải còn ít, mà - thường tình thay mà cũng đáng tiếc thay - là lối nhìn nhận ngược lại.
Trong một bài phiếm luận, một nhà văn gần đây có tâm sự rằng thuở nhỏ sống với một bà mẹ rất tình cảm và nay mỗi lúc khó khăn trong cuộc đời, tác giả lại tìm thấy sự chỉ bảo nâng đỡ trong những lời mẹ dặn.
Để sang một bên những trường hợp cụ thể, tôi chỉ nghĩ rằng nếu tính đại trà thì nay là lúc con người gặp phải những khó khăn mà các thế hệ trước chưa bao giờ gặp phải. Vậy nên kinh nghiệm sống và suy nghĩ của lớp người đi trước không đủ nữa.
Trong cái việc tự mình cứu mình, có bao hàm cả cái việc chủ động tìm tòi để bứt phá khỏi cái vòng vây của những tư tưởng cũ. Những tư tưởng ấy vốn trước kia đã đúng, lại gắn liền với kỷ niệm của tuổi ấu thơ chúng ta, nên dễ lan truyền và làm tổ trong chúng ta. Dứt bỏ là chuyện đau đớn. Nhưng làm sao khác được! Đi tìm cho được những cái mình cần, đó là trách nhiệm mà cũng là số phận của con người hiện đại.
Nguồn: chungta.com
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved