- Mắt đêm (Vương Mông):
Mắt đêm là câu chuyện mang tính chất “dòng ý thức” miên man dàn trải, và cũng chính vì vậy đã mang lại một sự băn khoăn dai dứt triền miên cho người đọc khi nhập vào dòng suy tư của nhân vật để cùng trăn trở, cùng suy ngẫm. Nhân vật Trần Cảo là một người sống vì lí tưởng, anh viết văn để cống hiến hết mình, bằng cả lòng tâm huyết mà phải chịu nhiều lận dận. Vùng quê yên ả thanh bình đã làm phẳng lặng tâm hồn và xoa dịu vết thương lòng của Trần Cảo, nhưng khi anh trở về với thành phố rực rỡ ánh đèn thì mọi sự đều xa lạc hẳn, anh không còn (hay không thể) hiểu nổi lòng người, hiểu nổi cuộc đời. Con người ta sống với nhau lại hời hợt và thực dụng đến thế sao? Đồng tiền lại có sức mạnh ghê gớm đến thế sao? Mọi người mãi chạy theo xu hướng hiện đại xa hoa mà bỏ quên những giá trị truyền thống tốt đẹp hay sao?… Tất cả đã làm cho Trần Cảo phải suy nghĩ ưu tư và có gì đó thật sự chán nản. Hai mươi năm long đong, hai mươi năm cải tạo đã dạy cho Trần Cảo bao điều quí báu, nhưng đồng thời cũng làm mất đi những cái đáng ra không nên mất, anh đã gần gũi với những người dân lao động giúp anh hiểu họ và yêu mến họ, mong ước làm giàu có đời sống tinh thần và cải thiện đời sống vật chất của họ, kêu gọi mọi người nhất là tầng lớp thanh niên chung tay thực hiện thật tốt mục tiêu ấy bằng cả lòng nhiệt huyết và cả lòng tin tưởng. Nhưng hai mươi năm cải tạo cũng cho anh thấy rõ sự ích kỉ nhỏ nhen của những con người hám lợi, vì tiền mà quên đi tình nghĩa. Dù sao, với tấm lòng yêu đời yêu người, với một trái tim dạt dào yêu thương chân thành Trần Cảo vẫn yêu ánh đèn, yêu những người thợ đi làm ca đêm, yêu dân chủ, yêu tiền thưởng và đùi cừu ướp…