Home » » LỊCH SỬ TRIẾT HỌC TRƯỚC MAX

LỊCH SỬ TRIẾT HỌC TRƯỚC MAX

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011 | 02:16

Chương 2: KHÁI LƯỢC LỊCH SỬ TRIẾT HỌC TRƯỚC MÁC



2.1. TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG CỔ TRUNG ĐẠI

2.1.1. Triết học Ấn Độ cổ trung đại.

2.1.1.1. Điều kiện kinh tế-xã hội và đặc điểm về tư tưởng triết học Ấn độ cổ, trung đại.

a. Điều kiện kinh tế-xã hội:

* Điều kiện tự nhiên:

Ấn Độ cổ trung đại là một lục địa lớn ở phía nam châu Á, có những yếu tố địa lý rất trái ngược nhau: vừa có núi cao lại vừa có biển rộng; vừa có sông Ấn chảy về phía Tây, lại vừa có sông Hằng chảy về phía Đông; vừa có đồng bằng phì nhiêu, lại có sa mạc khô cằn; vừa có tuyết rơi giá lạnh, lại có nắng cháy nóng bức...

* Điều kiện kinh tế-xã hội:

+ Đặc điểm nổi bật về điều kiện kinh tế-xã hội của xã hội Ấn Độ cổ, trung đại là sự tồn tại từ rất sớm và kéo dài của kết cấu kinh tế-xã hội theo mô hình “công xã nông thôn”.

+ Trong xã hội Ấn Độ cổ, trung đại đã phân hóa và tồn tại dai dẳng bốn đẳng cấp lớn: tăng lữ (Bràhman), quý tộc (Ksatriya), bình dân tự do (Vai’sya) và tiện nô (K’sudla). Ngoài sự phân biệt đẳng cấp, xã hội Ấn Độ cổ đại còn có sự phân biệt về chủng tộc, dòng dõi, nghề nghiệp, tôn giáo.

* Về văn hóa: người Ấn Độ cổ đại đã tích lũy được những kiến thức phong phú về thiên văn, sáng tạo ra lịch pháp, giải thích hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, đã biết quả đất xoay tròn và tự xoay xung quanh trục của nó. Ở đây, toán học cũng xuất hiện rất sớm. Từ thời đó họ đã phát minh ra số thập phân, biết đại số, biết lượng giác, biết phép khai căn, giải phương trình bậc 2, 3. Về y học, ở đây đã xuất hiện những danh y nổi tiếng, chữa bệnh bằng cây thuốc, bằng thuật châm cứu, chủng đậu, ngoại khoa, ..v.v..

Nét nổi bật của văn hóa Ấn Độ cổ, trung đại là thường mang dấu ấn sâu đậm về mặt tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh và có yếu tố thần bí.

Triết học Ấn Độ cổ đại được chia ra làm hai phái: chính thống và không chính thống.

Phái chính thống (àstika) là phái thừa nhận kinh Vêda gồm có: Sàmkhya, Mimànsa, Vedànta, Yoga, Nỳaya và Vai’sesika.

Phái không chính thống hay tà giáo (nàstika) là phái không thừa nhận kinh Vêda gồm có: Jaina, Lokàyata và Buddha (phật giáo).

b. Đặc điểm của triết học Ấn độ cổ đại

Thứ nhất: Nền triết học chịu ảnh hưởng lớn của những tôn giáo, triết học có sự đan xen với tôn giáo, các quan niệm triết học, kể cả các quan niệm duy vật đều bị ẩn sau các nghi lễ huyền



bí của kinh Vêda, các quan niệm hiện thực pha trộn các quan niệm huyền thoại, cái trần tục trực
quan xen lẫn cái ảo tưởng xa xôi, cái bi kịch của cuộc đời xen lẫn cái thần tiên, cõi niết bàn...

Tôn giáo Ấn Độ đều tập trung lý giải và thực hành những vấn đề nhân sinh quan dưới góc độ tâm linh tôn giáo nhằm đạt tới sự “ giải thoát”, tức là đạt tới sự đồng nhất tinh thần cá nhân với tinh thần vũ trụ (Át man với Brahman).

Thứ hai: Triết học Ấn Độ cổ trung đại thường tôn trọng quá khứ và có khuynh hướng phục cổ:

+ Đa số các hệ thống triết học đều dựa vào tri thức đã có trong kinh Vê da, lấy các tư tưởng trong kinh Vê da làm điểm xuất phát.

+ Các luận thuyết triết học về sau thường dựa vào các luận thuyết triết học có trước và tuyên bố sự lệ thuộc vào hệ thống triết học có trước.

+ Các nhà triết học sau chỉ là bảo vệ, lý giải, hoàn thiện thêm các quan niệm ban đầu

Thứ ba: Khi bàn đến vấn đề bản thể luận, một số trường phái triết học xoay quanh vấn đề “tính không” đem đối lập “không” với “có”, quy cái “có” về cái “không” thể hiện một trình độ tư duy trừu tượng cao.

2.1.1.2. Các tư tưởng triết học cơ bản của các trường phái triết học

a. Các trường phái triết học chính thống

Một là: Trường phái Sàmkhya:

* Theo ngôn ngữ Ấn độ cổ đại Samkhya là người đếm, người tính toán. Phái này đặt cho mình mục đích nhận thức đúng hiện thực bằng cách tính đếm các khách thể và là phương tiện cơ bản để nhận thức.

* Những tư tưởng của phái Sàmkhya sơ kỳ đã bộc lộ những tư tưởng có tính duy vật và ít nhiều biện chứng về bản nguyên hiện hữu. Đây là trường phái triết học đi sâu vào cặp nhân-quả, từ đó họ đưa ra những luận điểm nhân quả là quá trình liên tục. Theo họ, kết quả đã tiềm ẩn trong nguyên nhân; bởi vậy, nếu vạn vật của thế giới này là vật chất thì yếu tố tạo nên vạn vật của thế giới với tính cách là nguyên nhân cũng phải là vật chất; đó là “vật chất đầu tiên” (Prakriti) - một dạng vật chất không thể dùng cảm giác mà có thể biết được.

* Bất kỳ vật thể nào trong thế giới cũng đều là kết quả của sự thống nhất, hợp nhất, chuyển hoá, tác động liên hệ của ba yếu tố:

+ Sattva: nhẹ, trong sáng, thuần khiết, tươi vui.

+ Rajas: kích thích, động, linh hoạt.

+ Tama: tính ỳ, thụ động, nặng.

Khi sự cân bằng của ba yếu tố này bị phá vỡ thì nó biến hoá không ngừng, phát triển trong không gian và thời gian, chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác, do đó, nó chính là nguyên nhân tạo ra sự đa dạng của giới tự nhiên

* Những nhà tư tưởng của phái Sàmkhya hậu kỳ lại có khuynh hướng nhị nguyên khi thừa nhận sự tồn tại song song của hai yếu tố đầu tiên là vật chất (Prakriti) và tinh thần (Purusa). Yếu tố Purusa - yếu tố tinh thần mang tính phổ quát vĩnh hằng và bất biến, nó truyền sinh khí, năng lượng biến hóa vào yếu tố vật chất.



Hai là: Trường phái Mimànsà

* Xuất phát điểm của nó chủ yếu dựa vào bộ kinh Vêda và Upanishad.

* Mục đích cơ bản là chú giải, diễn tả những phương pháp cúng bái, lễ nghi, tế lễ và thực hiện các quy tắc xã hội theo bổn phận của mỗi người một cách cụ thể, chặt chẽ.

* Các nhà triết học Mimànsà sơ kỳ không thừa nhận sự tồn tại của thần. Họ cho rằng, không tìm được bằng chứng nào về sự tồn tại của thần. Cảm giác không thể nhận ra thần mà các nguồn khác của tri thức thì suy cho cùng cũng dựa trên cảm giác.

Họ chống lại quan điểm triết học duy tâm vì nếu tin rằng thế giới hiện thực là không tồn tại, chỉ
do ý thức sinh ra thì nghi lễ mà Mimànsà coi trọng và hiệu quả của nó trở nên vô nghĩa.

* Những nhà triết học Mimànsà hậu kỳ thừa nhận sự tồn tại của thần.

Ba là: Trường phái Vedànta

Vêdànta chính là:

+ Sự hoàn thiện kinh Vêda.

+ Là học thuyết triết học Tôn giáo, ra đời trên cơ sở tư tưởng của Upanishad.

+ Trên cơ sở chú giải kinh Vêda và Upanishad, trường phái Vêdànta đưa ra những kết luận triết lý siêu hình biện giải duy tâm về nguyên nhân hình thành vũ trụ và vạn vật.

Họ coi Brahman là linh hồn vũ trụ, vĩnh hằng; còn Atman là linh hồn cá thể, một bộ phận của linh hồn tối cao, tức Thượng đế Brahman.

Bốn là: Trường phái Yoga

Là trường phái có tính cực đoan của chủ nghĩa duy tâm, biểu hiện khuynh hướng suy thoái về tư tưởng của xã hội Ấn Độ trong thời kỳ cổ điển.

Yoga có nghĩa là “ sự liên kết” hay “ hợp nhất tâm thể về một khối”. Nội dung cơ bản là đề cập tới những phương pháp tu luyện mà người tu hành phải thực hiện, nhằm giải thoát linh hồn khỏi sự tác động của các giác quan và sự giàng buộc của thể xác, của thế giới vật chất để trở nên trong sạch, để đạt dược sự hiểu biết siêu phàm, tối cao và vĩnh hằng.

Trường phái Yoga, Vedànta và Mimànsà đều có xu hướng giải quyết vấn đề nhân sinh quan theo chủ đích đạt tới sự “giải thoát” tối hậu: hòa đồng cái Tôi (Tiểu ngã) với cái vũ trụ (Đại ngã).

Năm là: Trường phái Nyàya - Vai’sesika

Đây là hai phái khác nhau nhưng có những quan điểm triết học tương đồng, nhất là vào giai
đoạn hậu kỳ của mỗi phái.

Những tư tưởng triết học căn bản của hai phái này là học thuyết nguyên tử, lý luận nhận thức và lôgic học.

* Thuyết nguyên tử:

- Bản nguyên của thế giới: đó là bốn yếu tố vật chất: đất - nước - lửa - gió (hay không khí). Những yếu tố này lại được quy vào bản nguyên duy nhất chính là các Anu- hay còn gọi là nguyên tử. Đó là những hạt nhỏ vật chất không đồng nhất, bất biến, vĩnh hằng, được phân biệt ở chất lượng, khối lượng và hình dạng, tồn tại trong một môi trường đặc biệt, trong không gian và thời gian, sự kết hợp của các nguyên tử khác nhau sự tạo ra sự đa dạng của giới tự nhiên.


Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved