Home » » HỒI KÝ TRẦN ĐỨC THẢO-5

HỒI KÝ TRẦN ĐỨC THẢO-5

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011 | 01:50

Nói con người nguyên thủy có sự tồn tại khách quan của mình trong cái cộng đồng xã hội nguyên thủy, thì có nghĩa rằng anh thấy cái cộng đồng ấy thông qua cái hình ảnh xã hội trong thống nhất với cái hình ảnh thân thể bản thân, do sự phản chiếu lẫn nhau trong tiếng nói bên trong tức là tiếng gọi biểu nghĩa bên trong xuất phát từ lao động và quan hệ vật chất của sự sản xuất tập thể nguyên thủy. Hai hình ảnh bên trong, hình ảnh bản thân và hình ảnh xã hội, luôn luôn trao đổi với nhau như thế là tạo nên ý thức sinh thức về cái cộng đồng xã hội bên ngoài, nên con người nguyên thủy coi cái cộng đồng của mình “như cái gì thuộc về mình, cái gì của mình…., như tiền đề tự nhiên của bản thân mình, giống như thân thể của bản thân mình kéo dài ra ngoài mình”. Do đấy thì trong ý thức sinh thức, con người nguyên thủy nhận thấy mình “sinh tồn theo hai tư cách: một là chủ quan với tư cách bản thân mình, hai là khách quan trong cái cộng đồng xã hội nguyên thủy của mình. Mà vì hai hình ảnh bên trong, là hình ảnh thân thể bản thân và hình ảnh xã hội bên trong luôn luôn liên hệ quấn quyện với nhau trong sự phản chiếu lẫn nhau, nên con người nguyên thủy tự thấy “có sự sinh tồn chủ quan – khách quan của mình trong cái cộng đồng xã hội của mình.
Tiếng nói, mà trước hết là tiếng nói của đời sống thực tế, xét về bản chất, thì chính là “cái thực tại của cái cộng đồng, nó sẽ tự nó nói lên nó”. Cái thực tại ấy là hoạt động của cái cộng đồng sản xuất những phương tiện sinh sống của nó từ địa bàn đất đai của nó.
Marx nói “Sự sản xuất bao giờ cũng là một sự chiếm hữu / cá nhân chiếm hữu thiên nhiên trong và thông qua một hình thái xã hội nhất định (Grundrisse, tr. 9)
Cái thực tại của cái cộng đồng, biểu hiện trong cái hình ảnh xã hội bên trong của mỗi thành viên của nó, nó tự nó nói lên nó, thì chính là sự chiếm hữu thiên nhiên trong sự sản xuất cộng đồng, cụ thể là sự sở hữu hóa cái địa bàn đất đai trong cộng đồng, tức là cái cộng đồng có thái độ: “coi địa bàn đất đai như là cái thân thể vô cơ của mình”. Và do hai hình ảnh bên trong của mỗi người, hình ảnh thân thể bản thân với hình ảnh xã hội bên trong luôn luôn phản chiếu lẫn nhau, nên cá nhân thông qua cộng đồng “cũng có thái độ đối với đất đai, coi địa bàn đất đai như tiền đề của cá tính của mình, như phương thức tồn tại của cá nhân mình” như tiền đề tự nhiên của bản thân mình giống như thân thể của bản thân mình kéo dài ra ngoài mình. Quan điểm của con người sở hữu khởi nguyên thì chính là đồng nhất với cơ cấu của ý thức sinh thức. Tức là từ sản xuất tập thể, ý thức sinh thức đã sinh ra cùng với sự sở hữu hóa cộng đồng khởi nguyên: nó là cái vận động chủ quan của sự sở hữu hóa khởi nguyên. Từ người khéo Homo Habilis lên người khôn, Homo Sapiens, ý thức phát triển trên hai mặt. Theo chức năng biểu nghĩa (fonction sémantique) của nó, với tư cách là nhằm đối tượng bên ngoài, ý thức thành hình nhận thức về thế giới thực tế khách quan. Đồng thời theo chức năng hô hào (fonction vocative) của nó, nó luôn luôn tự gọi hai lần bản thân nó, kích thích hệ thần kinh sinh ra một thặng dư năng lượng thần kinh, chuyển hóa thành năng lượng tâm thần và tinh thần, trong ấy ý thức thành hình cảm tính, ý chí và thiết định giá trị. Trên cơ sở tiếng gọi của cái hình ảnh xã hội bên trong, ý thức cá nhân tự gọi bản thân mình, xác định sự đòi hỏi đạo đức trong hành động, chân lý trong nhận thức, thẩm mỹ trong sự hoàn thành những quá trình sống động và sinh thức.
Lenin nói: “Ý thức không phải chỉ có phản ánh thế giới thực tế,  mà nó còn tạo nên thế giới ấy” (Bút ký triết học, tiếng Nga, tr. 194) – Ý thức “tạo nên thế giới” theo nghĩa là nó cải tạo chất lượng thế giới, xây dựng một thế giới có tình Người, có giá trị đối với con người.
Sự biện chứng của ý thức, đúng trong sự biện chứng của con người, dĩ nhiên tiến hành theo quy luật chung của sự biện chứng duy vật, và như thế là giải quyết vấn đề bế tắc trong phép siêu hình: hoặc là vật chất, hoặc là ý thức – hoặc là con vật, hoặc là con người.
Theo phép siêu hình, thì cái vấn đề cơ bản lớn của triết học chỉ có thể đưa đến hai đường lối mãi mãi mâu thuẫn với nhau tức là không thể nào giải quyết. Hoặc là chủ nghĩa duy tâm: ý thức tinh thần sinh ra vật chất, tức là trên thực tế thì không có vật chất. Vật chất chỉ là một thứ tình trạng sa ngã của tinh thần.
Hoặc là chủ nghĩa duy vật tầm thường, tức là duy vật siêu hình: ý thức, tinh thần, chỉ là một vận động vật chất, một thứ biến dạng trá hình của cái bản năng sinh vật, tức là hoạt động thần kinh.
Giữa duy tâm với duy vật siêu hình, thì cái bế tắc không có lối thoát. Vấn đề cơ bản như thế chỉ có thể được giải quyết theo phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Marx-Lenin.
Vật chất sinh ra tinh thần theo sự trung giới của sự phủ định vật chất, liên hệ với sự phủ định sự phủ định ấy. Vận động vật chất đạt tới trình độ cao nhất của nó trong sự vận động thần kinh của tiếng gọi biểu nghĩa bên trong tức là tiếng nói bên trong của đời sống thực tế. Ở đây tiếng gọi của tiếng nói tiến hành giữa hai hình ảnh: hình ảnh thân thể bản thân và hình ảnh xã hội bên trong, do đấy thì sinh ra ý thức sinh thức, trong ấy cái tính ý tưởng phủ định tính vật chất của sự vận động thần kinh. Dĩ nhiên, vận động ý thức vẫn là một vận động của vật chất: đấy là vận động ý tưởng (không có tính vật chất) của vật chất, Marx nói: “Không thể nào tách rời tư duy khỏi một vật chất tư duy. Vật chất là chủ thể của tất cả mọi sự biến chuyển” (Gia đình thần thánh, Dietz-Verlag, tr 259)
Marx cũng nói “cái bộ óc tư duy của con người” (Biện chứng thiên nhiên, Marx-Engels Werke, tập 20, tr 468).
Mà vì vật chất vẫn là chủ thể, nên sự phủ định tính sinh vật trong ý thức vẫn duy trì mặt tích cực của cái tính sinh vật bị phủ định như thế. Tức là cái hệ thống ý thức duy trì cái thặng dư năng lượng thần kinh và giữ lại những nhu cầu sinh vật sáp nhập vào quan hệ xã hội. Như thế là sự phủ định có ý nghĩa là gạt bỏ đồng thời vẫn duy trì và vượt lên trên cái mà nó phủ định. Cái gì tích cực bị phủ định thì không mất đi, nhưng trầm tích thành bản chất lớp dưới, và biểu hiện thành xúc cảm trong ý thức.
Đấy là sự phủ định thứ nhất: nó tạo nên ý thức con người từ sự vận động vật chất cao nhất, là vận động thần kinh trong lao động sản xuất sinh ra tiếng gọi biểu nghĩa của tiếng nói bên trong, tự chiếu và phản chiếu qua lại giữa cái hình ảnh thân thể bản thân với cái hình ảnh xã hội bên trong, cái hệ thống ý thức thành hình như thế là sự thống nhất mâu thuẫn giữa hai hình ảnh bên trong, phản ánh trong trí óc con người sự thống nhất mâu thuẫn giữa sự phát triển của sức sản xuất với cái hình thái của sự sở hữu giữa cá nhân với xã hội trong đời sống thực tế.
Đồng thời sự phát triển của sức sản xuất có xu hướng đi xa hơn cái hình thái đương thời của sự sở hữu, tạo nên đấu tranh mâu thuẫn trong xã hội, do đấy mà trong cái hệ thống ý thức cũng sinh ra đấu tranh mâu thuẫn giữa cái hình ảnh thân thể bản thân với cái hình ảnh xã hội bên trong. Cái mặt tích cực của tính sinh vật vẫn được duy trì trong ý thức, thì sáp nhập vào mâu thuẫn giữa hai hình ảnh bên trong do đấy mà cái hình ảnh thân thể bản thân trong quần chúng tạo ưu thế cho cái mặt tiến bộ của cái hình ảnh xã hội bên trong, tức là thúc đẩy sự tiến bộ xã hội đưa lên một hình thái xã hội cao hơn, bảo đảm những nhu cầu vật chất đầy đủ hơn, rộng rãi hơn. Như thế là sự phủ định thứ nhất, tức là sự phủ định tính sinh vật lại bị phủ định: đấy là sự phủ định sự phủ định tính sinh vật nó tăng cường cuộc đấu tranh của quần chúng lao động đưa xã hội tiến lên một trình độ cao hơn.
Tóm lại trong sự chuyển hóa từ hoạt động sinh vật lên hoạt động con người, cái hệ thống ý thức lại thu nhập, đồng hóa trong cảm tính của nó, cái xung lực của nhu cầu sinh vật tiến hóa thành nhu cầu của con người. Sở dĩ là vì sự phủ định tính vật chất có nghĩa vừa gạt bỏ, vừa là duy trì dưới hình thái cảm tính, và nó lại đi với sự phủ định hướng lên một trình độ phức tạp khác xét toàn diện là cao hơn.
Từ tuổi nhi đồng lên tuổi thiếu nhi ngày nay, cái ý thức sinh thức và hữu thức xây dựng trong công đồng gia đình theo truyền thống giáo dục xuất phát từ sự tiến hóa của xã hội cộng đồng nguyên thủy, khi lắng đọng xuống chiều sâu của ý thức, tức là trở thành một đoàn vô thức và tiềm thức của ý thức. Đây là cái bản chất bề sâu của con người duy trì ở dưới cái bản thân bề trên, là tính tập đoàn, tính giai cấp, tính dân tộc, tính người ngày nay.

TP. HCM, ngày 20 tháng 4 năm 1989
Trần Đức Thảo
*Dưới đây là bút tích của Trần Đức Thảo về bản Hồi Ký và trang bản thảo đánh máy đề tặng ông Phạm Văn Đồng (Anh Tô)  (Chú thích của TS. Cù Huy Chử)
http://www.viet-studies.info
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved