Tuy nhiên sự méo mó siêu hình học áp đặt vào chủ nghĩa Marx trong thời sùng bái cá nhân, đã gạt bỏ ngay từ đầu tất cả cái gì trong những trước tác của Marx có thể gọi và hướng tới xây dựng một cơ sở lý luận như thể để liên hệ vấn đề khách quan của xã hội với ý thức sinh thức của con người cá nhân. Kết quả là tôi chỉ có sẵn những dữ kiện hiện tượng học, để tìm hiểu sự chuyển biến từ tính khách quan của những quan hệ vật chất lên tính chủ quan của sự hiện tồn sinh thức. Mà cái chân trời rốt cuộc cá nhân của sự phô tả hiện tượng học trong Hegel cũng như trong Husserl chỉ cho phép nhận thấy trong sự sở hữu hóa cái cái mặt chiếm đoạt của nó. Còn cái mặt cộng đồng của nó thì bị bỏ qua và chuyển sang hình thái bên ngoài của một lý tưởng vô hạn định. Như thế là tự nhiên không còn gì để làm trung giới cho cái ý thức xuất phát từ thực tế.
Tóm lại, cái cách hiểu chủ nghĩa Marx ở thời sùng bái cá nhân đã đưa cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng mà tôi đã viết năm 1951, đến chỗ sa lầy trong ngõ cụt: tức là đặt kề bên nhau một bên là nội dung hiện tượng học, một bên là nội dung vật chất, thực ra theo lối siêu hình học. Và chính như thế là mở đường trở lại một thứ chủ nghĩa nhị nguyên ít nhiều duy tâm.
Đến giai đoạn sau, để tránh cái nguy cơ như thế trong công trình nghiên cứu của tôi những năm 1960-1970, tôi chỉ có thể cố gắng giảm bớt phần hiện tượng học, nhưng cũng không khắc phục được sự đặt kề nhau cái chủ quan với cái khách quan như mới nói.
Phải đến khi gặp bầu không khí đổi mới của phong trào cải tổ, thì tôi mới đi đến chổ tìm ra được ý nghĩa của đoạn mô tả quyết định, mà Marx đã viết trong tập Grundrisse, bàn về sự vận động khởi nguyên của sự sở hữu hóa nguyên thủy, với tư cách là thái độ sinh thức của người sản xuất nguyên thủy đối với cộng đồng xã hội và với đất đai, là cơ sở lao động gồm toàn bộ tư liệu sản xuất của mình, sự sở hữu hóa cộng đồng nguyên thủy là sự trung giới khởi nguyên, ở đấy thực hiện sự chuyển hóa lịch sử từ vật chất lên ý thức từ thiên nhiên lên tinh thần, Marx nói:
“Quyền sở hữu đầu tiên không có nghĩa gì khác hơn là thái độ của con người đối với những điều kiện tự nhiên của sự sản xuất của mình, coi chúng là thuộc về mình, như là đã có cùng với sự thực tại của mình rồi. Đấy là thái độ của con người coi những điều kiện ấy như những tiền đề tự nhiên của bản thân mình, coi những tiền đề ấy như chỉ là sự kéo dài thân thể bản thân của mình ta ngoài mình… con người như thế là tồn tại bằng đôi cách. Một mặt là chủ quan với tư cách bản thân nó, và một mặt là khách quan trong những điều kiện tự nhiên của sự thực tại của nó ngoài thân thể của nó.
“Đối với cá nhân đương sống, một điều kiện tự nhiên của sự sản xuất là nó thuộc vào một xã hội tự nhiên, một bộ lạc v.v… sự thực tại chủ quan của nó với tư cách chủ quan bao hàm các điều kiện ấy, cũng như nó có một điều kiện nữa là thái độ của cá nhân đối với đất đai, coi đất đai là cơ sở lao động của mình….
“Sự sở hữu hóa như thế có nghĩa là con người sở hữu thuộc vào một bộ lạc (một cộng đồng) (có sự thực tại chủ quan – khách quan của mình trong ấy). Sự sở hữu như thế được môi giới do thái độ của cái cộng đồng ấy đối với đất đai coi đất đai như cái thân thể vô cơ của nó. Vì sự môi giới ấy mà cá nhân có thái độ đối với đất đai, đất đai là điều kiện khởi nguyên bên ngoài của sự sản xuất của nó, (vì đất đai là nguyên liệu, dụng cụ, đồng thời là thành quả), cá nhân coi đất đai như tiền đề của sự thực tại cá nhân mình, như phương thức tồn tại của cá nhân mình”. (Marx, Grundrisse der Kritik der politischen Ökonomie, tr. 391-392).
Trong những âm vang sâu sắc của cái bức tranh sống động và sinh thức mạnh mẽ như thế, mô tả sự sở hữu hóa nguyên thủy, trong ấy biểu hiện ý nghĩa khởi nguyên, vừa xã hội, vừa cá nhân, vừa khách quan, vừa chủ quan của cái quan hệ xã hội với tư cách sở hữu cộng động, chúng ta nhận thấy nội dung cơ bản của sự phát sinh tiếng nói và ý thức, xuất phát từ sự sản xuất vật chất của thời khởi nguyên và từ những liên hệ vật chất mà nó bao trùm.
Marx nói: “Cái tiền đề đầu tiên của tất cả lịch sử loài người dĩ nhiên là những tồn tại của những cá thể người sinh sống. Cái tình hình thực tế cần phải xác nhận trước hết như thế là cái tổ chức cơ thể của những cá nhân ấy, và cái quan hệ của họ với thiên nhiên bên ngoài, xuất phát từ cái tổ chức cơ thể ấy….
“Con người bắt đầu tự phân biệt với động vật ngay khi người ta bắt đầu sản xuất những phương tiện sinh sống của mình, một sự tiến bộ thực hiện trên cơ sở cái tổ chức cơ thể của mình (Hệ tư tưởng Đức, Dietz-Verlag, trong 16-17).
Chúng ta có thể coi những Người khéo (“homo habilis”) đầu tiên như những “cá thể người sinh sống”, có một tổ chức cơ thể người, tức là một bộ óc hơn 700 cm3, một bàn tay có khả năng sử dụng một hòn ghè và một bàn chân thích nghi với việc đi thẳng thường xuyên. Với tổ chức sinh học như thế, xuất phát từ sự tiến hóa của khỉ Nam Phi cao cấp trong điều kiện của một môi trường có tính cách sa mạc, thì ngay từ đầu Người khéo đã có thể dùng một hay hay nhát ghè, để luyện một cái Chopper. Dụng cụ này, vì chưa có hình thù điển hình, nên chỉ xuất phát từ lao động luyện, chứ chưa đòi hỏi phải có lao động sản xuất.
Theo đấy thì có thể suy đoán rằng người khác đầu tiên như thể có tính tập đoàn cao hơn những đám khỉ tinh tinh ngày nay trong thiên nhiên, nhưng chưa có tính xã hội. Vì nói “xã hội”, thì phải có quan hệ xã hội xuất phát từ lao động sản xuất.
Cái tính tập đoàn của những người khác đầu tiên có thể là bao hàm việc sử dụng những chỉ hiệu ở trình độ ngang với những chỉ hiệu mà khỉ tinh tinh học tập được ở phòng thí nghiệm ngày nay. Như thế có nghĩa là chưa có tiếng nói theo nghĩa tối thiểu của những từ của trẻ em 15 tháng bấy giờ.
Đến một mức phát triển nào đấy, Người khéo đã tiến lên sản xuất cái chopping bằng 5 đến 8 phát ghè, tức là đã có một kế hoạch lao động hướng theo một hình mẫu trong đầu óc. Sự vận động sản xuất tập thể có nghĩa là một “tiếng nói của đời sống thực tế”, do đấy mà sinh ra ý thức khởi nguyên với tính cách ý thức sinh thức. Như thể là “những con người bắt đầu tự phân biệt với giới động vật, ngay khi người ta bắt đầu sản xuất những phương tiện sinh sống của mình, tức là do sự vận động của sản xuất vật chất với tư cách tiếng nói của đời sống thực tế, tạo nên ý thức.
Marx nói “Sự sản xuất những ý kiến, những ý tưởng, sự sản xuất ý thức lúc đầu là trực tiếp quấn quyện trong hoạt động vật chất mà trong những quan hệ vật chất của những con người, trong tiếng nói của đời sống thực tế (Sprache des wirklichen Lebens). Ý tưởng, tư duy, những quan hệ tinh thần của người ta ở đấy là còn xuất hiện theo lối như toát ra từ cử chỉ vật chất của họ” (Marx, hệ tư tưởng Đức, Dietz- Verlag, tr.22)
Cái “tiếng nói của đời sống thực tế” mà Marx nêu lên ở đây, coi như cái vận động của vất chất của đời sống xã hội, mà căn bản là sự sản xuất xã hội, thì dĩ nhiên bao hàm hình thái tiếng gọi. Sự hoạt động vật chất và những liên hệ vật chất của mỗi người lao động (trong ấy có những dấu hiệu làm hiệu và chỉ hiệu tự phát kế thừa của thời Tiền nhân) thì tự nó gọi người khác, và sự hoạt động của những người khác ấy cũng có chức năng gọi người này, để hợp tác theo cái hướng mà tình hình lao động chỉ dẫn và đòi hỏi, nhằm cùng nhau thực hiện cái nhiệm vụ chung của sự lao động xã hội đương tiến hành.
Như thế thì tiếng nói của đời sống thực tế chính là cái chức năng biểu hiện tự phát của những động tác sản xuất và liên hệ của mỗi người và mọi người lao động, theo nghĩa là trong ấy mỗi người gọi các người khác và các người khác gọi mỗi người cùng nhau kết hợp mọi sự tham gia, đóng góp của các cá nhân vào công việc chung. Mà vì chính toàn diện những vận động như thế của sản xuất xã hội thiết định sự thực tại của cái cộng đồng, nên cái thực tại ấy tự nó nổi lên trong cái chức năng biểu hiện tự phát của những vận động đó. Tóm lại, với tư cách là tiếng gọi biểu nghĩa của tiếng nói của đời sống thực tế và của tiếng nói ngôn ngữ phát triển từ đấy thì “bản thân tiếng nói là sự thực tài của cái cộng đồng, và là cái thực tại cộng đồng tự nó nói nên nó” (Marx, Grundrisse, tr 390).
Tiếng nói của đời sống thực tế, với tư cách là tiếng gọi biểu nghĩa của sự lao động sản xuất và của những khách hàng vật chất (trong ấy có cái di sản dấu hiệu làm hiệu và chỉ hiệu của thời Tiền nhân) giữa những người sản xuất với nhau, thì dĩ nhiên trước hết là gửi cho người khác, do đấy thì cũng là mỗi người lại tự gửi nó cho bản thân mình, qua sự môi giới của cái hình ảnh xã hội bên trong mà mỗi người có trong bản thân mình. Và chính trong sự vận động tự gởi tiếng nói cho bản thân mình như thế, mà sinh ra ý thức với tư cách một sản phẩm xã hội.
“Tiếng nói là ý thức thực tế, ý thức thực tiễn, tồn tại cho những người khác, và chính do đấy thì cũng là tồn tại cho bản thân mình… Như thế thì ý thức ngay từ đầu là một sản phẩm xã hội” (Marx, Hệ tư tưởng Đức, Dietz-Verlag, tr 27).
Thật vậy, trong khi lao động tác động vào đối tượng bên ngoài thì mỗi người thực hiện công việc ấy trong cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân. Và cái hình ảnh thân thể bản thân lao động như thế, đương tác động vào đối tượng lao động bên ngoài thì gửi tiếng nói của đời sống thực tế, tức là gửi tiếng gọi biểu nghĩa của nó cho cái hình ảnh xã hội bên trong của nó, cũng như cái hình ảnh xã hội bên trong này gửi tiếng gọi hiểu nghĩa tương ứng của nó cho cái hình ảnh thân thể bản thân: lý do là vì cái hình ảnh xã hội bên trong chính là hình ảnh xã hội của những người khác lao động tác động vào cùng một đối tượng bên ngoài như cái hình ảnh thân thể bản thân đương lao động. Tức là với tư cách hình ảnh bên trong, các hình ảnh xã hội thực hiện những vận động lao động xã hội tác động vào cùng cái đối tượng lao động xã hội bên ngoài và những vận động lao động như thế cũng có chức năng tiếng gọi hiểu nghĩa tức là tiếng nói của đời sống thực tế.
Mà khi ta nói rằng cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân, đương lao động tác động vào đối tượng bên ngoài gởi tiếng gọi hiểu nghĩa, hay tiếng nói của đời sống thực tế của nó, cho cái hình ảnh xã hội bên trong, thì như thế có nghĩa thực tế rằng cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân tự chiếu vào cái hình ảnh xã hội bên trong, tức là nó nói lên nó với cái hình ảnh xã hội bên trong. Và khi ta nói rằng cái hình ảnh xã hội bên trong gửi tiếng gọi biểu nghĩa hay tiếng nói của đời sống thực tế của nó cho cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân, thì như thể có nghĩa thực tế rằng cái hình ảnh xã hội bên trong tự chiếu vào cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân, tức là nó nói lên nó với cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân.
Kết quả là cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân, khi tự chiếu vào cái hình ảnh xã hội bên trong, thì lại được gửi lại, tức là tự phản chiếu về bản thân nó do cái hình ảnh xã hội bên trong tự chiếu vào nó. Như thế có nghĩa rằng do sự môi giới của cái hình ảnh xã hội bên trong, thì cá nhân lao động trong cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân nó đương lao động tác động vào đối tượng lao động xã hội bên ngoài, thì lại nói lên nó với bản thân nó.
Trong sự vận động của cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân tự gửi lại, tức là tự phản chiếu về bản thân nó, thì cá nhân đương lao động lại có cái hình ảnh của cái hình ảnh của thân thể bản thân đương lao động tác động vào cái đối tượng lao động xã hội bên ngoài. Điều ấy có nghĩa rằng do sự môi giới của cái hình ảnh xã hội bên trong của nó, nó có trong bản thân nói cái hình ảnh ý tứ (image intentionnelle) của nó nhằm đối tượng, và chính đấy là cái ý thức sinh thức (conscience vécue) của nó – nhằm đối tượng bên ngoài.
Khi Marx nói “ý thức ngay từ đầu là một sản phẩm xã hội”, thì cái nguyên lý ấy có giá trị toàn diện cho đời sống bên trong của mỗi con người. Trong cái đời sống bên trong như thế, sự biện chứng của những cơ cấu tâm thần khởi nguyên, xây dựng trong xã hội cộng sản nguyên thủy và tái lập trong tuổi trẻ nhi đồng của những thời gian sau do sự giáo dục xã hội của cái cộng đồng gia đình – thì lắng đọng xuống bề sâu vô thức của ý thức, khi lên tuổi thiếu nhi, nhưng cũng không thể nào mất cái bản chất xã hội khởi nguyên của nó trong cái hình thức vô thừa như thế, cái hệ thống ý thức gồm những tầng lớp đương phát triển và những tầng đã trầm tích từ cái sinh thức đến cái hữu thức, đến cái tiềm thức và cái vô thức, là xây dựng trong lịch sử ba triệu năm lao động sản xuất và liên hệ xã hội, tái diễn trong sự giáo dục cá nhân.
Như thế là chứng tỏ nội dung toàn diện luận cương VI về Feuerbach: “Bản chất con người trong cái thực tế của nó là toàn diện những quan hệ xã hội” – theo nghĩa là toàn diện lịch sử của những quan hệ xã hội trầm tích từ nguồn gốc giống Người trong tâm thần con người, do truyền thống giáo dục tuổi trẻ, và hoạt động dưới sự thống trị của những quan hệ xã hội ngày nay.
Sự phát sinh ý thức là cơ sở khoa học để giải đáp cụ thể “vấn đề cơ bản lớn của triết học” (Marx) “Giữa vật chất với ý thức, cái nào là cái có trước” (Lenin).
Thiên nhiên, vật chất, sinh ra ý thức, tâm thần nhờ sự trung giới của tiếng gọi biểu nghĩa trong tiếng nói, mà trước hết là tiếng nói của đời sống thực tế trong lao động sản xuất và quan hệ chiếm hữu. Tiếng nói bên trong với cái tiếng gọi bên trong của nó là hình thái phát triển cao nhất của vận động vật chất với tư cách hoạt động thần kinh cấp trên ở trình độ cao nhất. Đồng thời sự vận động thần kinh ấy tiến hành trong sự qua lại giữa cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân và cái hình ảnh xã hội bên trong. Tức là cái hình ảnh thân thể tự chiếu vào cái hình ảnh xã hội bên trong, thì lại được cái hình ảnh này gửi nó lại, về bản thân nó. Điều ấy có nghĩa rằng cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân, đương lao động tác động vào đối tượng lao động xã hội bên ngoài, thì trở lại bản thân nó, do đó tự phản chiếu từ cái hình ảnh xã hội bên trong, và chính đấy là hình thái cơ bản của cái sinh thức, với tư cách là hình ảnh của cái hình ảnh bản thân. Như thế là cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân đương lao động tác động vào đối tượng bên ngoài, thì lại tự nó gấp đôi nó. Mà chình vì bản thân nó đã có chức năng của một tiếng gọi biểu nghĩa, nên sự gấp đôi như thế làm cho nó gọi hai lần, tức là kích thích hai lần hệ thần kinh. Tức là nó làm cho sự sản xuất năng lượng thần kinh tăng lên, và cái thặng dư năng lượng thần kinh như thế lại nuôi dưỡng tiếng gọi biểu nghĩa của cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân đương lao động tác động vào đối tượng bên ngoài. Kết quả là tạo nên một vận động xoay vòng, trong ấy cái tiếng gọi biểu nghĩa bên trong tự nó gấp đôi nó, do nó tự phản chiếu từ cái hình ảnh xã hội bên trong, và thế là kích thích hai lần hệ thần kinh, tăng cường sự sản xuất năng lượng thần kinh, và cái thặng dư năng lượng thần kinh sinh ra như thế lại làm cho cái tiếng gọi biểu nghĩa của tiếng nói bên trong cứ tiếp tục gấp đôi, với tư cách là hình ảnh bên trong của thân thể bản thân luôn luôn tự gọi mình cùng với tiếng gọi của cái hình ảnh xã hội bên trong để tiến hành lao động xã hội tác động vào đối tượng bên ngoài. Đấy là ý thức sinh thức nhằm đối tượng của lao động xã hội bên ngoài.
Tóm lại, ở đây đã sinh ra một cấu trúc mới, trong ấy sự vận động gấp đôi của cái tiếng gọi biểu nghĩa bên trong cứ tiếp tục kéo dài vô hạn định bằng cách tự nó kích thích sự sản xuất năng lượng thần kinh thặng dư cần thiết để vận động bản thân nó. Kết quả là sự kéo dài cái vận động gấp đôi như thế của tiếng gọi biểu nghĩa về cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân, ở đây xuất hiện cái sinh thức với tư cách là hình ảnh của hình ảnh ấy, thì lại ấn định cái sinh thức ấy thành một hình thái sinh tồn thường xuyên. Trong cái hình thái ấy, cái hình thức biểu hiện như tự nó lại tiến hành nó trong bản thân nó, coi như một vận động hình ảnh tự túc tự phản chiếu, tức là một vận động ý tưởng (idéal). Như thế là tạo nên cái ý tưởng (idéalité) của ý thức sinh thức, nó tự gọi nó hoạt động tác động vào đối tượng bên ngoài, do đấy mà từ cái chủ quan của nó, nó động viên lực lượng thân thể bản thân, phát triển sản xuất xã hội và quan hệ xã hội.
Tóm lại, ý tưởng của ý thức là sinh ra từ sự vận dụng một năng lượng đặc thù là năng lượng của tiếng gọi biểu nghĩa sinh thức. Đấy là năng lượng tâm thần (énergie psychique) xuất phát từ cái thặng dư năng lượng thần kinh sinh ra và tái sinh theo lối xoáy vòng, do tác động của tiếng gọi sinh thức kích thich hệ thần kinh sản xuất năng lượng thần kính thặng dư.
Ở đây chúng ta nhận thấy nội dung chân chính của cái bức tranh đầy ý nghĩa sống động và sinh thức của Marx về sự sở hữu hóa cộng đồng nguyên thủy xuất phát từ kinh nghiệm vừa khách quan vừa chủ quan của sự sản xuất nguyên thủy.
Theo Marx thì con người nguyên thủy, với tư cách vừa là người sản xuất vừa là người sở hữu coi cái cộng đồng xã hội nguyên thủy và thông qua đấy coi địa bàn đất đai cộng đồng “như cái gì thuộc về mình, cái gì của mình…. Như tiền đề tự nhiên của bản thân mình kéo dài ra ngoài mình. Theo nghĩa chính xác thì không phải là con người cư xử với điều kiện của sự sản xuất của nó như thế, mà chính là nó sinh tồn theo hai tư cách: một là chủ quan với tư cách bản thân nó, hai là khách quan trong đôi điều kiện tự nhiên ngoài nó của sự sinh tồn của nó. Đôi điều kiện tự nhiên của sự sản xuất như thế là:
1- Sự sinh tồn của con người với tư cách thành viên của cộng đồng…
2- Thái độ của con người với địa bàn đất đai thông qua cộng đồng mà coi đất đai như là của mình, quyền sở hữu đất đai là chung đồng thời có quyền sử dụng riêng cho cá nhân, hoặc chỉ có quả thực là được chia.
“Quyền sở hữu như thế có nghĩa là thuộc vào một bộ lạc (một cộng đồng) có sự sinh tồn chủ quan – khách quan của mình trong ấy, và thông qua thái độ của cái cộng đồng ấy coi địa bàn đất đai như là cái thân thể vô cơ của mình, thì cá nhân cũng có thái độ đối với đất đai, coi địa bàn đất đai như tiền đề của cá tính của mình, như phương thức tồn tại của cá nhân mình (Grundrisse, tr. 391-392)