Home » » Hoài Thanh với Viện Văn học (Nhân 100 năm sinh Hoài Thanh (1909-2009))

Hoài Thanh với Viện Văn học (Nhân 100 năm sinh Hoài Thanh (1909-2009))

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011 | 01:46

Hoài Thanh với Viện Văn học (Nhân 100 năm sinh Hoài Thanh (1909-2009))

09/09/2010 11:16
Điều có ý nghĩa đối với tôi: 100 năm sinh của Hoài Thanh(+) là cùng dịp, là trùng hợp với 50 năm Viện Văn học. Năm 1959 - đó mới là năm chính thức khai sinh Viện Văn học - trực thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước, và về sau là Ủy ban Khoa học xã hội, rồi Viện Khoa học xã hội. Một Viện chuyên công việc nghiên cứu, phê bình, lý luận văn học với dàn cán bộ sáng lập gồm những tên tuổi rất sáng giá, trong đó có hai người, trước đó là Thầy của thế hệ chúng tôi ở Đại học; và vào lúc này, một người là Viện trưởng - tức Đặng Thai Mai, một người là Phó Viện trưởng - tức Hoài Thanh.
        Điều có ý nghĩa đối với tôi: 100 năm sinh của Hoài Thanh(+) là cùng dịp, là trùng hợp với 50 năm Viện Văn học. Năm 1959 - đó mới là năm chính thức khai sinh Viện Văn học - trực thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước, và về sau là Ủy ban Khoa học xã hội, rồi Viện Khoa học xã hội. Một Viện chuyên công việc nghiên cứu, phê bình, lý luận văn học với dàn cán bộ sáng lập gồm những tên tuổi rất sáng giá, trong đó có hai người, trước đó là Thầy của thế hệ chúng tôi ở Đại học; và vào lúc này, một người là Viện trưởng - tức Đặng Thai Mai, một người là Phó Viện trưởng - tức Hoài Thanh.
Từ 1959, và một vài năm sau đó, lần lượt đóng vai trò những người có công đầu xây dựng Viện, là những tên tuổi rất quen thuộc của giới nghiên cứu - học thuật Việt Nam như Hoàng Ngọc Phách, Cao Xuân Huy, Vũ Ngọc Phan - Hằng Phương, Trần Thanh Mại, Nam Trân, Hà Văn Đại, Phạm Thiều, Nam Mộc, Vũ Đức Phúc, Hoàng Trinh... trong đó Đặng Thai Mai và Hoài Thanh là hai gương mặt được kính nể nhất, một người mới ở tuổi 57, một người vừa chẵn 50.
Nhiều năm sau, và cho đến tận bây giờ, trong tôi, lúc nào cũng ủ ấp một niềm sung sướng, có lúc thật là bâng khuâng về cái hạnh phúc quá lớn, là sinh viên tốt nghiệp khóa thứ nhất Đại học Tổng hợp; một mình được phân công ngay về Viện, làm một thành viên bé mọn nhất, như chuột sa chĩnh gạo, mà được cùng sinh hoạt với những tên tuổi là bậc thầy, hoặc là những bậc thợ cả trên công trường văn chương chữ nghĩa mà mình đã được biết, được quen thuộc, được ngưỡng mộ từ khi còn là học sinh, sinh viên... Đối với tôi, cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn luôn nghĩ, không có nghề nào không cần đến những bậc thầy, kể cả những nghề buộc phải có những tìm tòi riêng, mang dấu ấn riêng, với “tính chủ thể” cao trong cá tính, phong cách, giọng điệu - nói theo ngôn ngữ nghề nghiệp - như lao động văn chương... Bởi theo đạo lý của phương Đông, nếu “nửa chữ cũng là Thầy”, thì việc có một người Thầy ở bên mình, để cho mình được tiếp xúc, quan sát và nghĩ ngẫm phải nói là một may mắn lớn, vì nó giúp cho mình không những sớm tránh được sự chọn nhầm nghề, mà còn rút ngắn được con đường đi, hoặc có thể đến được với những cái đích gần hoặc xa, mà không để quá muộn. Và nói đến thầy, đúng với tư cách người thầy, trong cái nghĩa đúng đắn và sâu sắc nhất của từ này, ở giới chúng ta, theo tôi hiểu, đó là sức hút và sức tỏa từ hai phía: nhân cáchtri thức; cả hai phải là cân bằng, không nghiêng lệch về mặt nào; cả hai cùng nương dựa, bổ sung cho nhau; và tìm được sự thể hiện ở cả hai phương diện: vừa là qua các công trình, vừa là trong cách sống; những công trình đạt đến tầm chuyên gia, và cách sống phải là sự gương mẫu, hoặc ít nhất cũng phải là người tử tế. Không hiểu có là liều lĩnh hay không khi tôi nói: thật hiếm có một đơn vị cơ quan hoặc trường học nào hội được nhiều tên tuổi đáng ngưỡng mộ như Viện Văn học vào nửa đầu những năm 60 (thế kỷ XX) - những tên tuổi để lại dấu ấn rất sâu cho một thanh niên học việc như tôi, ngay từ khi vào đời và vào nghề; và tôi nghĩ - nếu như cho đến bây giờ, tôi có được ít nhiều dấu ấn nghề nghiệp thì cái nguyên cớ đầu tiên là được hưởng bầu không khí học thuật của Viện; và nhận được những bài học cơ bản về nghề, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, từ hai bậc Thầy, trong nghĩa hẹp và nghĩa rộng của nó, là Đặng Thai Mai và Hoài Thanh.
Từ những hiểu biết và cảm xúc như trên, tôi muốn trình bày, trước hết, nhân dịp này, về Hoài Thanh, trong tư cách người Thầy và người lãnh đạo Viện Văn học trong 10 năm ông công tác ở Viện (1959-1969).
*
Ở tuổi 50 về Viện Văn học giúp Viện trưởng Đặng Thai Mai trong cương vị cấp Phó, Hoài Thanh vừa có đủ uy tín học thuật, kinh nghiệm và sự từng trải trong nghề nghiệp, vừa có năng lực bao quát và sâu sát trong công việc quản lý hành chính cơ quan - điều mà Viện trưởng Đặng Thai Mai phải “hàm ơn”. Mười năm ông góp công chủ yếu khởi động và thúc đẩy công việc nghiên cứu và phê bình văn học của một Viện lớn trong Uỷ ban Khoa học Nhà nước, và về sau là Viện Khoa học xã hội; và không hẳn chỉ là trong Ủy ban Khoa học hoặc Viện Hàn lâm mà còn là trong giới nghiên cứu và giảng dạy văn học cả nước nói chung. Hãy nghe Đặng Thai Mai viết sau ngày Hoài Thanh qua đời: “Tôi muốn nói ngay rằng nếu như trong thời kỳ chúng tôi được Đảng giao phó cho công tác phụ trách cơ quan, công việc có phần nào trôi chảy và hoạt động của Viện có ghi được ít nhiều thành tích thì phần lớn công lao phải nói là của đồng chí Hoài Thanh. Tinh thần làm việc cần cù, tính đảng vững chắc, óc tổ chức rộng rãi và chu đáo, vốn tri thức phong phú và đặc biệt thái độ điềm đạm của anh thật sự đã đóng góp nhiều vào bước trưởng thành đầu tiên của Viện...”(1).
Trong Bản Tự thuật Hoài Thanh viết ngày 21-5-1970, ở phần khai Quá trình hoạt động cách mạng(2) thời kỳ 1959-1969, ông ghi như sau: “Trong 10 năm làm Viện phó Viện Văn học” đã “góp phần xây dựng Viện, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết giữa Viện trưởng và Viện phó, giữa các cán bộ trong Viện, giữa Viện và các trường Đại học”. Còn “vấn đề đoàn kết giữa một số anh em ở Viện và một số anh em ở Hội Nhà văn” thì “chưa thành công lắm, nhưng tôi luôn luôn cố gắng làm sao giảm bớt những sự va chạm vô ích”.
Có lẽ những “chuyện phiền”, thậm chí là chuyện “bị vu cáo, bị nói oan”(3) mà ông đã gặp trong phê bình có liên quan ít nhiều đến mối quan hệ này, tất nhiên không phải chỉ riêng với ông, mà còn cả với một đội ngũ cốt cán của Viện, vào một thời Viện được giao chuyên công việc phê bình. Ấy là thời có khẩu hiệu “Toàn Viện làm Tạp chí”, tờ Tạp chí ra hàng tháng, duy nhất làm nhiệm vụ nghiên cứu, phê bình văn học trên miền Bắc; ngay trong chiến tranh, số phát hành có lúc lên mỗi kỳ hơn một vạn bản.
Trong tư cách Thư ký Toà soạn (tức Tổng biên tập) Tạp chí Văn học, ông viết: “Tạp chí Văn học được xuất bản đều đặn và không phạm sai lầm nào nghiêm trọng. Do đó đã góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình. Với cách làm việc cần cù, thận trọng, cách góp ý kiến tỉ mỉ với từng bài, có khi với từng câu, từng chữ, tôi đã góp phần đào tạo và bồi dưỡng nhiều cây bút trẻ về nghiên cứu, lý luận, phê bình”.
Tôi thấy cần thiết phải dừng lại ở đây để nói về phong cách làm việc cẩn thận, chu đáo ở Hoài Thanh đối với tất cả mọi người viết cho Tạp chí Văn học, đặc biệt đối với lực lượng trẻ của Viện, cũng như ở ngoài cơ quan. Có thể nói, không bài viết nào của lớp trẻ chúng tôi – những người mới về Viện ở tuổi ngoài 20, lại không nhận được trên trang bản thảo của mình những nét gạch nhỏ, có lúc chi chít ở bên lề, để, sau cuộc gặp với ông mà nhận ra những vụng về hoặc sai sót về ý và lời; để với trường học viết văn đó mà trưởng thành trong nghề viết của mình. Những nét gạch nhỏ như những gạch nối (trait d’union) ấy là đặc trưng cho cách duyệt bài của Hoài Thanh, chứ ít khi là sự thò bút để gạch xoá và viết thay. Phần tôi, là một người học việc bình thường không có gì xuất sắc, trong mười năm đầu về Viện, tôi đã có cái may mắn, qua sự nghiêm khắc của bậc thầy Hoài Thanh mà thấy rõ cái vụng dở và lủng củng trong câu chữ; cái lù mù sương khói của ý tưởng; cái lối làm văn vô duyên mà dần dần nhập môn được cái quy trình phải viết đúng, viết không nhàm lặp – ý và lời, viết mà phải biết mình đang viết gì... trước khi có văn, chưa nói đến văn hay. Nghĩa là muốn có văn hay trước hết phải viết đúng, và đúng và hay thường là đồng nghĩa với sự trong sáng và giản dị - nó là phong cách viết rất đặc trưng của Hoài Thanh.
Như vậy là về phần tôi – tôi không dám nói đến các anh chị đồng nghiệp khác cùng thế hệ – tôi đã là người học nghề vụng về và chăm chỉ trước các chỉ dẫn cụ thể và nghiêm khắc của Hoài Thanh. Đồng thời là một người đọc rất mực chuyên cần các bài viết của ông; đọc để học có lúc gần như thuộc nhiều đoạn văn trong các bài của ông về Truyện Kiều, về Từ ấy, về Thi nhân Việt Nam, và còn là để tạo hứng thú mỗi khi bắt tay vào một bài viết mới. Đọc Hoài Thanh, ngẫm nghĩ về câu văn Hoài Thanh, tôi hiểu vì sao người rất dụng công trong nghệ thuật viết, nhằm sao cho đạt cái đẹp của ngôn từ phê bình, hẳn đã không ít lần phải khó chịu và khổ tâm đối với sự viết nhàm, viết ẩu, viết lấy được, viết không chút công phu, có thể nói là tràn lan trong thế giới chữ nghĩa. Cái nỗi khổ tâm ông từng nói đến, từ rất sớm, năm 1935, trong bài Phê bình văn: “Ở xã hội bây giờ mỗi lần có thể viết một câu văn nhảm mà không viết, tôi cho là làm một việc đại nghĩa, vì công chúng ngày nay đã phải xem nhiều văn nhảm quá rồi, không nên làm người ta mất thêm thì giờ nữa”(4).
Tưởng chẳng khó khăn gì trong việc so sánh tình hình ấy với thực trạng văn chương bây giờ.
Ở bản Tự thuật đã nói trên, trong phần khai quá trình công tác ở Viện, ông có nêu một khuyết điểm: “Chưa thật chủ động và tích cực trong vấn đề lịch sử văn học”.
Chính do yêu cầu viết lịch sử văn học đặt ra cho một Viện nghiên cứu mà từ giữa năm 1969, ông được chuyển sang Hội Nhà văn, làm Chủ nhiệm báo Văn nghệ cho đến khi nghỉ hưu. Công việc của ông ở Viện được giao cho ba vị Viện phó, và Tạp chí Văn học từ 1970, chuyển sang hai tháng một kỳ.
Nghĩ cũng lạ, người từng tham gia viết Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam từ nửa sau những năm 50 với Nhóm Văn Sử Địa, cùng Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi... lúc này lại tránh, hoặc quay lưng với công việc viết văn học sử. Còn những người tiếp tục sau ông thì, sau một bộ sử chỉ mới có Tập Một, vào năm 1980 cho đến nay đã gần 30 năm, vẫn còn ngổn ngang nhiều bề...
Từ 1970 cho đến 1976, trước khi nghỉ hưu vào Thành phố Hồ Chí Minh, theo tôi nhớ, ông rất ít trở lại địa chỉ 20 Lý Thái Tổ.
Những năm cuối đời, ông có tâm trạng buồn. Buồn vì sức khoẻ. Vì xa công việc. Vì muốn làm việc, muốn sống có ích mà không có việc. Tâm trạng này ông gửi gắm vào thư từ gửi các con và bè bạn; và một đôi khi, cả vài nơi cần gửi, để mong tìm một việc làm, hoặc một... khoản trợ cấp chính đáng. Nhưng ngoài cái buồn vì sức khoẻ và công việc còn cái buồn cả về nhân tình thế thái. Chẳng hạn thư đi thư lại cho một địa chỉ đến ba lần trong nửa năm mà vẫn không có hồi âm. Cái địa chỉ, đối với ông vốn là rất quen biết; còn với người nhận tuy bận “trăm công nghìn việc”, nhưng lại có cả một hệ thống người giúp việc. Thư cuối cùng, sau ba thư đã gửi, ông dành chỉ để nói lại chuyện đó: “Các anh đều có thư ký riêng. Sao các anh không giao trách nhiệm cho thư ký? Nếu thư ký thứ nhất cũng bận không trả lời được thì thư ký thứ hai, thứ ba trả lời”(5)... Hoặc việc làm một bộ Hợp tuyển thơ sau 1945 ông đã có thư gửi tới nhiều người, nhiều cơ quan ngay từ giữa năm 1977, với năm đề nghị cụ thể nhưng không nơi nào trả lời.
Những chuyện buồn như vậy đã đến với ông hơi sớm, khi vừa vào tuổi nghỉ hưu; - có lẽ cũng là chuyện quen thuộc với nhiều người; một người từng trải như ông chắc là biết, nhưng vẫn làm ông sửng sốt.
*
Ngoài tình Thầy - trò, tình đồng nghiệp trong cùng cơ quan, tôi muốn nói thêm một ít về tình bạn - là điều tôi thường hay quan tâm và ao ước cho mình - đó là tình bạn giữa Đặng Thai Mai và Hoài Thanh, trong những năm hai người có cùng một nhiệm sở 20 Lý Thái Tổ. Theo nhận thức và cảm tưởng của tôi lúc ấy: Họ đã sống và ứng xử với nhau trong sự quý mến và tôn trọng lẫn nhau, không phải chỉ vì cả hai là đồng hương mà chủ yếu là vì họ cùng có nhiều điểm tương đồng trong tư cách của những trí thức chân chính, của Kẻ Sỹ xứ Nghệ. Không chỉ là sự tôn trọng, mà dường như họ còn có cả sự bổ sung và hô ứng cho nhau. Trong kháng chiến chống Pháp, một người Giảng văn “Chinh phụ ngâm”, một người Nói chuyện thơ kháng chiến; một người viết Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ văn hóa Phục hưng, một người viết Quyền sống con người trong “Truyện Kiều”. Từ sau ngày về Viện, một người phụ trách văn học cổ điển, một người chuyên lo văn học hiện đại và phê bình. Khỏi phải nói thêm hiện tượng Phan Bội Châu - nhà chí sĩ yêu nước xứ Nghệ, như là điểm giao thoa và tiếp tục giữa hai người; một người soạn Văn thơ Phan Bội Châu trước khi về Viện, một người viết truyện danh nhân Phan Bội Châu sau khi nghỉ hưu...
Sự giống nhau hoặc “đồng điệu” giữa hai người còn có thể nhận ra ở cả những gì là “thái quá” hoặc “bất cập”, nó là hiện tượng diễn ra có tính phổ biến trong giới trí thức văn nghệ sĩ nói chung, sau một bước ngoặt lịch sử như Tháng Tám 1945, mà cả hai vẫn không thể là ngoại lệ. Người say sưa với văn học cổ điển trong Giảng văn “Chinh phụ ngâm” cũng là người từng khe khắt với lịch sử văn học dân tộc: “Ta chưa có một nền văn học cao cấp vì ta chưa hề có một nền văn học bình dân”(6). Người say đắm Thơ mới rồi sẽ là người kết án rất sớm và rất gay gắt Thơ mới: “Những câu thơ buồn nản hay vẩn vơ cũng đều là bạn đồng minh của giặc”(7).
Được đọc rồi được tiếp xúc, được học việc rồi được công tác với những người mình yêu mến, kính trọng và ngưỡng mộ; tôi nghĩ đó là hạnh phúc không dễ lúc nào, thời nào cũng có được; và càng là không dễ, trong những năm tháng sống hôm nay.
*
Về sự nghiệp phê bình của Hoài Thanh, một sự nghiệp dài trên 50 năm, tính từ những bài viết đầu tiên của ông đăng trên các báo Le Peuple, Phổ thông, Sông Hương, Tràng An... trong đó đáng chú ý nhất là bài Thơ mới, đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy (số 31; 29-12-1934) cho đến Tuyển tập (2 Tập) năm 1982, cũng là năm ông qua đời ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã hai lần có cơ hội được đề cập. Lần thứ nhất, với bản Đề dẫn trong Hội thảo kỷ niệm 10 năm ngày mất Hoài Thanh và 50 năm cuốn sách Thi nhân Việt Nam, do Viện Văn học phối hợp với một số cơ quan tổ chức(8), diễn ra trong suốt cả ngày 27-3 năm 1992 ở địa chỉ 20 Lý Thái Tổ. Lần thứ hai, kỷ niệm 90 năm sinh của ông do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với một số cơ quan tổ chức, vào ngày 1-7 năm 1999, tuy không có mặt ở Hà Nội, nhưng nhân cơ hội này, tôi đã hoàn thiện bài viết Hoài Thanh: sự nghiệp phê bình; với tôi, đây là bài tôi ưng ý nhất, và cảm thấy, cho đến nay vẫn chưa có gì phải thêm bớt, hoặc sửa chữa, với Phần I: Hoài Thanh trước 1945 - Con đường đi đến “Thi nhân Việt Nam”, và Phần II: Hoài Thanh sau 1945: Vui buồn nghề nghiệp. Ý tưởng cơ bản và xuyên suốt trong cả hai lần viết, cách nhau 7 năm, tôi muốn dẫn lại như sau: “Có thể nói mà không phân vân: Ông đã chân thành và trung thực đến cùng trong yêu mê và say Thơ mới; và ông cũng đã chân thành và trung thực đến cùng trong phủ định Thơ mới và Thi nhân Việt Nam, khi đã nhận ra một chân lý nào đó. Có điều chân lý ông tìm ra có khớp được với chân lý khách quan của cuộc sống hay không, lại là chuyện khác. Ông đã bị thời đại quy định nghiệt ngã, cũng như tất cả chúng ta, cũng như rộng ra khỏi chúng ta”(9)... “Người chủ trương chuyên đi tìm cái hay để bình, chứ không phê; và bình với lối viết nhỏ nhẹ, tinh tế và tài hoa, đầy chất văn lại là người đã trải những sóng gió bên trong, thậm chí là những phủ định bản thân gay gắt, quyết liệt. Cũng là người đã phải chịu những áp lực bên ngoài, dẫu là vô hình và âm thầm, nhưng không thể nói là dễ chịu; và ông đã chịu đựng được trong một kiên tâm không dễ dãi. Cũng có thể hình dung ông là người kiên trì con đường đi tìm chân lý trong văn chương- học thuật; chân lý đó trong thế kỷ XX đầy những sự kiện, những biến động, những đổi thay, những cách mạng... là không dễ dàng tìm kiếm, và do vậy mà không thể dứt điểm một lần. Với Hoài Thanh, thật đúng cái định nghĩa: chân lý, kể cả chân lý trong văn chương- học thuật là cả một quá trình. Quá trình của khách quan, thông qua trải nghiệm chủ quan. Một chủ quan không chút dễ dãi mà phải trải bao trăn trở, kiếm tìm. Có điều cuối cùng, trong kiếm tìm, Hoài Thanh đã không tự đánh mất bản thân, và ông vẫn là ông”(10).
Hành trình nghề nghiệp của Hoài Thanh như tôi hiểu là hành trình tiêu biểu, và có ý nghĩa điển hình cho giới trí thức Việt Nam thế kỷ XX1
                                                                             Thái Hà 5-8/6.2009
______________
(1) Văn nghệ số 15; 10-4-1982.
(2) Di bút và Di cảo; Nxb. Văn học, H, 1993; tr.19-20.
(3) Di bút và Di cảo; Sđd; tr.200.
(4) Tiểu thuyết thứ Bảy, số 68; 14-9-1935.
(5) Thư lưu giữ ở gia đình.
(6) Văn học bình dân và văn học cao cấp; Tập san Sáng tạo số 2 (10-1948) và số 3 (11-1948).
(7) Nói chuyện thơ kháng chiến; Nxb. Văn nghệ; 1951.
(8) Gồm Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy ban trung ương Liên hiệp văn học- nghệ thuật Việt Nam, Báo Văn nghệ, Nhà xuất bản Văn học, Khoa Văn Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Hà Nội.
(9) Sách Hoài Thanh và “Thi nhân Việt Nam”; Nxb. Hội Nhà văn; H, 1995, tr.18.
(10) Sách Hoài Thanh với khát vọng Chân - Thiện - Mỹ; Nxb. Hội Nhà văn, H, 2000, tr.112-113.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved