Home » » Arthur Miller - nhà viết kịch vĩ đại của Mỹ và thế giới

Arthur Miller - nhà viết kịch vĩ đại của Mỹ và thế giới

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011 | 01:27

Arthur Miller - nhà viết kịch vĩ đại của Mỹ và thế giới

29/09/2010 11:27
A. Miller còn có nhiều vở kịch nổi tiếng khác như Người toàn gặp vận may (Who had all the luck) - 1944, Kẻ thù của nhân dân (An Enemy of the People) - 1950, Sự biến ở Vichy (Incident at Vichy) - 1964, Chiếc đồng hồ Mỹ (The American Clock) - 1980, Người Yankee cuối cùng (The last Yankee) - 1991-1993, Chiếc cốc vỡ (Broken Glass) - 1994... và tiểu thuyết Tiêu điểm (Focus) cùng rất nhiều truyện ngắn, tiểu luận văn chương, lý luận về kịch
        Văn học Mỹ thế kỷ XX có 12 nhà văn được giải thưởng Nobel, phần đông là các nhà tiểu thuyết, còn lại là thơ. Chỉ có một nhà soạn kịch, đó là Eugene O’neill (1936). Sau O’neill các kịch gia Mỹ vắng hẳn, nhường chỗ cho các nhà soạn kịch châu Âu, những Bernard Shaw (Anh), Strenberg (Thụy Điển), Eugene Jonescu (Pháp), Caragiale (Rumani), Samuel Beckett (Ireland). Cứ nghĩ rằng trên văn đàn thế giới, các tác giả kịch bản Mỹ đã hết thời mặc dù Tennessee William (1914-1983), Elia Kazan (1909), Robert Willson (1944) cũng đã có lúc làm cho sân khấu Broadway (ở Mỹ) vang tiếng khắp thế giới. Tuy vậy, nếu không có Arthur Miller thì kịch trường Mỹ đã rơi vào buổi xế chiều so với sân khấu các nước châu Âu.
A. Miller (1915-2005) là một trường hợp đặc biệt. Cuộc đời ông vắt hết thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, vốn là một thế kỷ đầy bão táp của thế giới và nước Mỹ. Ông đã chứng kiến cuộc Đại chiến thế giới II, cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới 1933. Cùng với chiến tranh thế giới thứ II (1939-1945) là hai quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Hirosima và Nagasaki thiêu hủy hoàn toàn 2 thành phố này với gần 210.000 con người. Rồi cuộc chiến tranh lạnh kéo dài từ 1945 đến 1998 và những cuộc chiến tranh tàn bạo không bao giờ im tiếng súng trên khắp thế giới. Và đặc biệt là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do Mỹ gây nên với vô vàn thảm khốc và dã man.
Cùng với những sự kiện đó là một nước Mỹ hùng cường, phát triển như vũ bão về mọi mặt: kinh tế, quân sự, đặc biệt là khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ và văn hóa với thông tin đại chúng như phim ảnh, ca nhạc, truyền thanh và truyền hình… đã tạo nên hình ảnh một nước Mỹ giàu có, là miền đất hứa cho nhiều người trên thế giới.
Văn học Mỹ trong đó có sân khấu đã phản ánh nước Mỹ ở những góc độ khác nhau. Kịch của A. Miller đã phản ánh một cách lý thú và tuyệt vời cả hai mặt trên đây của nước Mỹ. Để đến khi qua đời, ông được đánh giá là “nhà viết kịch vĩ đại của nước Mỹ và của cả Thế giới” (CNN.com ngày 11-2-2005), bởi kịch  của ông là “Tấm gương phản ánh chân thực sinh động xã hội, con người và những vấn đề của xã hội Mỹ thời kỳ cận đại, nửa cuối thế kỷ XX” (BBC News 11-2-2005), và “Kịch của ông gây xúc động và có ảnh hưởng sâu sắc trên toàn thế giới” (Reuters 14-2-2005).
Trong những ngày chiến tranh ác liệt trên đất nước Việt Nam, khi mà bom đạn Mỹ đang ào ạt trút xuống hai miền Nam Bắc Việt Nam, Nhà Hát kịch Việt Nam ở Hà Nội đã công diễn kịch Arthur Miller và hành trang của các anh bộ đội cụ Hồ trên đường ra mặt trận, ngoài súng đạn, gạo muối còn có cả Tất cả đều là con tôiCái chết của người chào hàng- những vở kịch của Arthur Miller được dịch ra tiếng Việt(1) cùng với Lá cỏ của Whitman. Vậy là ngay những năm 60 của thế kỷ trước, kịch của Arthur Miller đã cùng nhân dân Việt Nam ra trận, chống lại cuộc chiến tranh bẩn thỉu do nước Mỹ tư bản gây nên(2).
Cái nước Mỹ “Của những con chó dại” (chữ của Arthur Miller) ấy đã được ông thể hiện như thế nào? Với phong cách nghệ thuật gì mà ông đã đạt tới hiệu quả như dư luận thế giới thừa nhận và ca ngợi ông?
Arthur Miller nổi tiếng thế giới có lẽ không phải vì ông là chồng (một thuở) của cô đào minh tinh đẹp nổi tiếng: Monroe. Cũng không phải vì ông là Chủ tịch hội văn bút Quốc tế (PENCLUB), mà trên tất cả, ông là một nhà văn, một nhà viết kịch vĩ đại, với 20 vở kịch nói (trong tổng số gia tài đồ sộ 55 tác phẩm văn học đủ các thể loại được công bố). Sinh ngày 17-10-1915 trong một gia đình không lấy gì làm khá giả, ông đã trải qua tuổi thơ nghèo đói, làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Làm thư ký, làm bồi bàn trong khách sạn và tự học ban đêm ở Đại học Tổng hợp Michigan mà thành tài. Năm 1938 ông bước vào nghiệp viết lách. Viết kịch bản truyền thanh nhưng không đủ sống, A. Miller lại phải làm nghề chào hàng. Chính nghề này đã cho ông những kinh nghiệm và thực tế để rồi sau này viết được Cái chết của  người chào hàng (Death of a Salesman), một vở kịch thành công trên mọi phương diện cả về danh tiếng và tài chính cho ông. Cũng từ thực tế nước Mỹ giàu có với nền kinh tế “tư bản nhân dân” mà ông đã trải qua từ thời nghèo đói và chứng kiến xã hội Mỹ  qua những thăng trầm đổ vỡ mà đi lên thành một xã hội không biết là gì nhưng không còn giống tư bản cổ điển của thế kỷ XIX nữa mà là “tư bản nhân dân”, “công nhân cổ cồn”. Công nhân là ông chủ có cổ phần trong công ty. Ai cũng có nhà cửa, ô tô, máy điều hòa, tủ lạnh… nhưng tất cả chỉ là cái mẽ hào nhoáng bề ngoài. Thực chất, bên trong xã hội đó đang chất chứa bao nhiêu vấn đề kinh khủng... Bản chất của cái xã hội đó vẫn là vì lợi nhuận và bóc lột tàn tệ, chỉ khác là dưới hình thức khác. Và chính Arthur Miller đã sáng tạo nên một thuật ngữ tuyệt vời là “Bi kịch của con nhà giàu” mà trước đó chưa ai nghĩ ra được.
Viết về xã hội đó, về nước Mỹ thế kỷ XX với những nét đặc thù, Arthur Miller đã đóng góp cho kho tàng lý luận sân khấu thế giới những kinh nghiệm quý báu. Trước hết kịch của A.Miller là kịch xã hộisân khấu kịch ý tưởng (Theatre of Ideas).
Một trong những vở kịch nổi tiếng của ông là Cái chết của  người chào hàng (1949). Đây là kịch bản sân khấu kết hợp nhiều phương pháp viết kịch của thế giới. Bắt đầu bằng nhân vật Loman, biến âm của Low (thấp, dưới, kém) Man (người đàn ông) với nghĩa bóng là người thấp kém trong xã hội. Thực ra, Willy Loman là người trung lưu bậc thấp, là tầng lớp phổ biến của nước Mỹ thế kỷ XX. Đó là tầng lớp bấp bênh về kinh tế và khủng hoảng về niềm tin yêu cuộc sống, không có vị trí trong xã hội công nghiệp và tiêu dùng. Chính vì vậy Loman trong quá trình vật lộn mưu sinh, với cái mẽ hào nhoáng bề ngoài đã tự lừa dối mình, nhất là ảo tưởng về nước Mỹ vĩ đại của ông dù nó chẳng mang đến cho ông một chút quyền lợi gì cả.
Chính sự ảo tưởng đó đã đánh gục ông khi ông đã có tuổi, không làm ra lợi nhuận cho công ty mà ông đã gắn bó tận tụy, hy sinh ba chục năm trời. Ông chủ mới, con trai ông chủ đã thẳng tay đuổi ông ra khỏi công ty. Thân phận bé mọn của ông được mặc cả tiền công đến thảm hại. 40 đô la một tuần cũng không được chấp nhận. Loman đã phải nói với ông chủ trẻ là người lúc lọt lòng ông đã bế trên tay và đặt tên Thánh cho: “Ông không thể ăn cam vứt vỏ được… Con người không thể là hoa quả”.
Rồi Loman cũng phải chấp nhận thực tế phũ phàng là mất việc, là thất nghiệp. Nhưng với đức tính lạc quan hão, ông hãnh diện, tin tưởng ở 2 đứa con trai mình. Ông tin vào tương lai của họ, theo ông họ là những tài năng kiệt xuất, kiếm được ối tiền mà không phải đầu tắt mặt tối như ông. Nhưng rồi thực tế phũ phàng không làm ông mở mắt. Biff con trai cả của ông đã 34 tuổi, lang thang khắp nơi, làm đủ mọi việc nhưng chỉ kiếm được đồng lương bèo bọt: 34 đô la một tuần. Ông Willy Loman ngỡ ngàng, không sao hiểu nổi là “trong một nước giàu có, lớn nhất thế giới, một thanh niên đầy  hấp dẫn như nó mà lại bị bế tắc ư”. Con  ông còn có vẻ thực tế hơn khi anh nói thẳng với ông “Con không phải người xuất chúng. Mà ba cũng thế, ba chẳng qua chỉ là một anh giao hàng khốn khổ, cuối cùng bị ném vào sọt rác như tất cả những người giao hàng khác… Ba có đem tất cả những ước mơ hão huyền của ba đốt sạch đi không…”.
Con trai thứ của ông không chỉ bất tài mà còn vô đạo đức, chỉ suốt ngày tán gái đã bỏ ông ở tiệm ăn để đi theo gái nhưng ông vẫn hy vọng khi nhận được tiền bảo hiểm do ông tìm cách tự tử sẽ làm cho nó trở nên giàu có…. “Khi nào ngân phiếu của hãng bảo hiểm gửi tới, nó sẽ giàu có vượt qua đầu thằng Berna cho mà xem”.
Là người ảo tưởng viển vông, ông không chịu hiểu rằng ông cũng như các con ông là nạn nhân của cái xã hội “chỉ có gì bán được mới có giá trị” là nước Mỹ hậu công nghiệp, xã hội tiêu dùng, chỉ có đồng tiền mới có giá trị. Và ông đã chết trong nợ nần (những thứ hàng mua trả góp mà hết đời ông không trả nổi: nhà cửa, xe hơi, tủ lạnh, đồ điện tử…). Ở vở kịch này, tác giả đã sử dụng phương pháp cấu trúc khép kín, kết hợp chủ nghĩa biểu hiện và thủ pháp của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Kịch tính được đẩy từ thấp lên cao nhưng đa dạng, phức tạp với những sự việc đồng hiện (nhân vật Ben, một người bạn thành công nhờ quyết đoán và liều lĩnh trong kinh doanh) nhằm làm nổi bật tính cách do dự và sự thật thà tốt bụng của Willy Loman, và đó cũng là nguyên nhân của tất cả những người như ông không thể trụ được trong xã hội tiêu dùng căng thẳng,  tàn nhẫn và quyết liệt ở Mỹ.
Tất cả đều là con tôi (All My Sons, 1947) phản ánh và lên án xã hội Mỹ ở một góc độ khác: làm giàu và đạo đức, trách nhiệm cá nhân, gia đình và xã hội. Là vở kịch chịu ảnh hưởng từ bút pháp nghệ thuật của nhà viết kịch lỗi lạc người Nauy: Henric Ibsen. Trên cơ sở đó, A.Miller đã phát huy nghệ thuật kịch trong sự nỗ lực đẩy mâu thuẫn của cấu trúc khép kín và kịch tính lên cao, vượt qua những quy định của Ibsen. Tất cả đều là con tôi được A. Miller viết thành kịch trên cơ sở thông tin có thật được đăng tải trên báo chí Mỹ hồi đó - khi chiến tranh thế giới thứ II xảy ra. Nước Mỹ đã tuyên chiến với phát xít, đưa quân đội và phương tiện chiến tranh sang châu Âu tham gia chiến tranh. Câu chuyện một cô gái vô tình phát hiện ra cha mình đã bán máy móc hỏng cho quân đội ở miền Tây nước Mỹ, đã tố cáo với chính quyền địa phương sự làm ăn gian dối của cha trong nỗi dằn vặt và xấu hổ. Qua câu chuyện có thật này, A.Miller đã hư cấu thành hai nhân vật kịch là Chris và Larry, hai anh em trai là phi công Mỹ đang chiến đấu ngoài mặt trận, rồi một người trở về, một người tử nạn .
Ông Keller (cha của Chris và Larry) một nhà tư bản, vì lợi nhuận đã giao cho quân đội những sản phẩm hỏng đã gây nên tội ác, nhưng cứ tự huyễn hoặc, lừa dối mình là hành động ấy sẽ không gây ra tai họa hoặc vờ như không biết rằng con trai mình đang bay trên những chiếc máy bay do mình lắp ráp động cơ hỏng, máy báy sẽ rơi.
Tất cả đều là con tôi là vở kịch tố cáo sự gian lận, thói ích kỷ, vô trách nhiệm với xã hội. A. Miller đã  thay đổi nhân vật, chọn lọc sự kiện và cấu trúc lại hành động của nhân vật để phục vụ cho chủ đề đã làm cho vấn đề trở nên sâu sắc và khái quát hơn nhiều, không chỉ ở thời điểm vở kịch ra đời, thời điểm của hành động kịch xảy ra mà còn mãi mãi. Đó là sự cắn rứt lương tâm của những việc làm phi đạo đức, vô trách nhiệm, vì tiền của những ai còn có lòng yêu nước và lương tâm. Cùng với nó là sự tố cáo, sự phẫn nộ trước hành động đểu cáng vô nhân đạo của những ông chủ tư bản ở Mỹ.
Câu chuyện xảy ra trong chiến tranh, giờ đây sau 3 năm mới được các nhân vật kịch hồi cố lại. Một trong hai đứa con trai của Joe Keller đã bỏ mạng trên chiến trường bởi vì bay trên máy bay lắp ráp động cơ hỏng do cha mình làm ra. Mọi việc tưởng đã qua rồi, không ai nói ra nhưng mọi người cứ âm thầm chịu đựng và hy vọng ở một cái gì đó khi Larry chưa trở về dù chiến tranh đã hết. Bà Kate (vợ ông Joe Keller) vẫn hy vọng con trai mình chưa phải đã chết, Larry sẽ trở về. Ông Joe Keller có thể biết rằng con trai mình đã chết vì máy bay rơi bởi động cơ do mình giao cho quân đội là động cơ hỏng. Chỉ có Chris biết em mình đã chết trên chiếc máy bay đó nhưng không dám nói ra. Nói ra là vạch mặt bố, là làm cho mẹ mình đau đớn hơn vì chính chồng bà đã giết con trai… là dư luận xã hội, là pháp lý và đạo đức sẽ xét xử bố mình. Ai cũng sống trong lo âu, dối trá rồi đến khi ông đốc công Steve Deveer, bạn thân của ông chủ tư bản Joe Keller đang ngồi tù rũ xương chợt hiểu ra thì mọi người mới sực tỉnh.
A. Miller đã để cho Steve Deveer (bố đẻ của Ann - trước là người yêu của Larry, và bây giờ biết Larry đã chết lại yêu Chris) chứng kiến tất cả những sự việc xảy ra trước đây 3 năm, khi ông là đốc công nhà máy chế tạo động cơ máy bay của Joe Keller, chuyên sản xuất hàng cho lực lượng không quân Mỹ. Ông đã phát hiện ra lô hàng 120 đầu trục pittong bị rạn nứt do sai sót kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Với trách nhiệm của một đốc công, ông đã gọi điện thoại báo cho giám đốc Joe Keller và hỏi ý kiến giải quyết. Joe Keller đã biết việc này nhưng cố tính trốn tránh, vì nếu hủy số hàng này, ông ta sẽ mất rất nhiều tiền. Ông ta vờ ốm không đến nhà máy nhưng gọi điện chỉ thị cho đốc công Steve Deveer hàn những vết nứt, che mạ ở bên ngoài và xuất xưởng. Và  máy bay rơi, con trai ông là Larry bị chết cùng với 21 phi công khác.
Vụ việc vỡ lở, công ty của Joe Keller bị thanh tra và ông ta bị truy tố. Trước tòa, ông ta trút mọi tội lỗi lên đầu đốc công Steve Deveer và chối bỏ mọi trách nhiệm. Ông ta vô tội, trở lại kinh doanh, tiếp tục làm giàu. Còn bạn ông, đốc công Steve vào tù, bị mọi người nguyền rủa, con cái xấu hổ bỏ đi không dám nhìn mặt cha.
Thời điểm vở kịch xảy ra là 3 năm sau ngày nước Mỹ ăn mừng chiến thắng trong cuộc chiến tranh thế giới II. Nước Mỹ đang hân hoan trong chiến thắng nhưng Arthur Miller đã vạch ra những ung nhọt của chiến thắng đó. Cái giá phải trả là đạo đức xã hội bị chà đạp. Đồng tiền là động cơ của không ít người tham gia chiến tranh và cũng không ít người Mỹ trẻ tuổi đã chết vì đồng tiền bẩn thỉu của cha anh mình. Người ra mặt trận đem xương máu và cuộc sống của mình dâng hiến cho lý tưởng và khát vọng của nước Mỹ “ân huệ cuối cùng của Chúa”. Người Mỹ phải đem sứ mạng Chúa giao cho đến khắp nơi trên trái đất, hòa bình hạnh phúc và lối sống của Mỹ. Nhưng người ở lại hậu phương thì làm giàu, buôn lậu bằng mọi thủ đoạn và “rúc vào chăn của người yêu, của vợ lính”.
Chủ nghĩa hiện thực kiểu Ibsen và sự kết hợp nhuần nhuyễn những thủ pháp chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với sự kết hợp không gian nghệ thuật xã hội như hồi ức, tưởng tượng và ngôn ngữ nhân vật; tác giả nêu lên vấn đề ý thức xã hội của mỗi con người, ý thức nhân văn của những con người với nhau. “Có phải tâm trí của cha chỉ biết có thế thôi sao? Chỉ mỗi chuyện làm ăn?” như Chris nói thẳng vào mặt cha. Và “Chúng ta có thể sống tốt hơn chứ, nếu như mỗi lần mẹ mở cửa nhìn ra thấy cả thế giới”.
Quan hệ giữa Cá nhân - gia đình - xã hội là một quan hệ gắn bó chặt chẽ, quy định nhân cách của mỗi con người. Dù là những con người bình thường thì đó cũng là nền tảng đạo đức cho sự tồn tại của một thế giới văn minh.
Là một vở kịch có cấu trúc khép kín, tuân thủ những nguyên tắc của kịch cổ điển, hành động kịch được đẩy dần lên cao theo mức độ diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật. Kết cấu kiểu Racine và Corneill và thủ pháp của Strinberg: mở đầu, thắt nút- phát triển cao trào và kết thúc. Sự kết hợp của chủ nghĩa biểu hiện và thủ pháp của hiện thực huyền ảo. Phần mở đầu: giới thiệu nhân vật, các quan hệ ràng buộc với nhau – Joe Keller, ông chủ tư bản, chủ công ty sản xuất phụ kiện máy bay. Ann, người yêu cũ của con trai ông. Bà Kate, vợ ông, người vẫn tin là Larry, con bà sẽ về. Chris, anh của Larry cũng là người ở mặt trận trở về. Anh biết cái chết của em mình là do bay trên chiếc máy bay có lắp động cơ hỏng do cha mình sản xuất cho nên không muốn nhận công việc kinh doanh của cha bây giờ giao cho anh thừa kế, bởi anh biết công ty của cha là một công ty bẩn thỉu.
Ann với Chris yêu nhau và định làm lễ cưới vì cô biết Larry (em trai Chris) sẽ không bao giờ trở về. Cô nghi oan và căm thù cha mình, là đốc công của ông Keller, đang ngồi tù vì tội che giấu sản phẩm hỏng (động cơ máy bay) để xuất cho quân đội, gây nên thảm họa máy bay rơi hàng loạt.
George, anh trai của Ann là luật sư ở New York, gọi điện cho Ann, báo tin là anh cũng sẽ đến nhà Keller vì anh mới phát hiện ra một vấn đề quan trọng.
Vợ chồng Keller, lo lắng vì lâu nay họ vẫn che dấu chuyện ông bố Ann bị tòa án xử oan. Ông Keller nói chuyện với Ann rằng sẽ nhận Steve về công ty làm việc sau khi ông mãn hạn tù.
Thắt nút kịch: sự xung đột chính thức bắt đầu: George đến gặp cha trong tù. Anh hiểu ra sự thật rằng cha anh bị oan, bị ông chủ và là bạn thân Keller đổ tội cho vì trốn tránh trách nhiệm. Căm thù Keller làm gia đình anh tan nát, anh cấm em gái Ann không được yêu Chris.
Phát triển kịch tính – đẩy sự kiện lên cao, xung đột kịch phát triển: Chris quyết yêu và xin cưới Ann. Mẹ anh, bà Kate không cho vì như vậy có nghĩa là ai cũng công nhận con trai cả của bà là Larry đã chết và do chính chồng mình gây ra cái chết ấy. Bà là người mẹ không chịu chấp nhận đó là sự thực. Còn Keller thì lo sợ và an ủi rằng có thể Larry, con trai ông không lái máy bay P.40 do ông cung cấp động cơ. Và thanh minh với Chris rằng chiến tranh nên phải giao vũ khí cho quân đội. Chris bỏ đi vì anh biết cha anh nói dối.
Cao trào kịch – xung đột lên đỉnh điểm để chuẩn bị cho phần cởi nút kịch tiếp theo.
Joe Keller tự vấn lương tâm, dằn vặt trước tội lỗi của mình và tự bào chữa là vì hoàn cảnh chiến tranh nên ông phải làm vậy. Ann đưa ra lá thư cuối cùng của Larry trước khi bay ra mặt trận cho bà mẹ Kate, để biết rằng con trai bà không còn nữa.
Chris xấu hổ và dằn vặt. Anh không đủ can đảm để tố cáo bố trước công luận, để bỏ tù cha về những tội lỗi của ông với Đất nước, với bạn, với con mình. Anh bỏ đi.
Kết thúc kịch – xung đột được giải quyết: lá thư của Larry viết cho Ann trước lúc bay chuyến cuối cùng, mọi người được chứng kiến Larry viết về sự đau đớn, nhục nhã khi đọc báo biết cha mình (ông Joe Keller) và cha Ann (ông Steve bị ông Joe vu oan) là những kẻ tội phạm lắp động cơ hỏng cho máy bay chiến đấu. Larry quyết định bay, không về nữa. Qua lá thư, Joe Keller phải chấp nhận chính ông gây nên tội ác, giết chết con trai mình, cùng 21 viên phi công Mỹ - những người bay trên máy bay lắp động cơ hỏng do ông sản xuất. Ông vẫn thanh minh “trong cuộc chiến tranh này, có đứa nào làm không công? Chiến tranh hay hòa bình là vấn đề của đồng đô la… nếu tao phải vào tù thì nửa cái nước khốn kiếp này cũng phải vào tù”. Nhưng rồi chính ông phải tự sát. Vở kịch kết thúc.
Hành động và kịch tính của Tất cả đều là con tôi phát triển theo hai tuyến: chuyện hôn nhân của Ann và Chris và chuyện tội lỗi của Joe Keller trong chiến tranh. Tuyến 1 là hiện tại, là hoàn cảnh cho tuyến 2 hoạt động. Tội lỗi của Joe Keller dần dần lộ rõ. Hai tuyến này đan xen với nhau và là hệ quả của nhau(3).
Cũng với chủ đề tư tưởng này, cùng với thủ pháp nghệ thuật cấu trúc khép kín kiểu Ibsen nhưng có kết hợp kịch và tự sự kiểu Bectolt Bretch thể hiện rõ ở vở kịch Trên cầu nhìn xuống (A view from the bridge).
Một gia đình công nhân gốc Italy sống ở khu ổ chuột dưới gầm cầu Brooklyn của thành phố New York. Eddie nuôi một cô cháu gái của vợ là Catherine 17 tuổi. Cùng sống trong một mái nhà nghèo nhưng ấm áp tình cảm. Eddie yêu cô cháu gái từ lúc nào không hay. Rồi những người Italy nhập cư đến sống nhờ gia đình Eddie trước khi tìm được việc làm. Catherine đem lòng yêu một chàng trai tên là Rodolfo thì Eddie ghen, nói xấu Rodolfo rằng anh ta đồng tính, chỉ lợi dụng Catherine để có hộ chiếu cư trú hợp pháp ở Mỹ. Catherine không nghe, Eddie đau khổ, bất lực và phản lại lời hứa là che dấu đồng bào nhập cư đến Mỹ. Anh đã báo cho cảnh sát bắt 2 người đồng bào của mình. Khi Marco, bạn của Rodolfo, đến hỏi tội anh thì anh cầm dao lao tới một cách điên cuồng và rồi chính lưỡi dao ấy đã đâm vào người anh. Anh chết trước sự tủi nhục của vợ con.
Chúng ta cũng biết, nước Mỹ là nơi hội tụ của dân cư rất nhiều nước trên thế giới. Vấn đề dân nhập cư bao giờ cũng là vấn đề thời sự nóng hổi của đời sống xã hội Mỹ. Vấn đề văn hóa, vấn đề cộng đồng, vấn đề đạo đức và sự ứng xử của chính quyền đối với người dân nhập cư… cũng là một biểu hiện của thái độ nhà cầm quyền. Trong đó là tình cảm yêu thương đùm bọc lẫn nhau của những người tha hương đến nước Mỹ đã được A. Miller đưa lên sâu khấu, thu hút được sự chú ý của hàng triệu người. Với cấu trúc khép kín, kịch tính cao, kết hợp kiểu tự sự đã tạo nên phong cách sân khấu theo kết cấu kiểu cầu vồng (parabol) của Bectolt Brecht, A. Miller đã nhìn sâu vào tâm lý của mỗi con người. Ngay cả những người tốt nhưng trong tiềm ẩn của đạo đức, nếu không cảnh giác thì có thể xuất hiện cái ác, và nếu không ngăn chặn thì chưa biết được sẽ đi đến đâu. Bi kịch của Eddie là ở chỗ: từ lòng tốt mà trở nên mù quáng… cái ác đã làm nên những tai họa cho cộng đồng, xã hội và hủy hoại nhân cách con người. Eddie từ chỗ khinh bỉ những người tố cáo người nhập cư rồi vì ghen tuông mù quáng anh lại phạm tội. Quá trình tha hóa nhân cách của Eddie được A. Miller soi rọi dưới nhiều góc độ tâm lý. Do ghen tuông mù quáng Eddie gây nên tội ác. Tội ác đó gây tai hại cho cộng đồng nhập cư người Italy. Rồi cộng đồng này tước bỏ nhân cách của Eddie. Đó là phong cách sân khấu tự sự biện chứng của B. Brecht.
Người ta nói kịch của A. Miller là kịch xã hội, bởi tác phẩm của ông, nhất là tác phẩm sân khấu đã phản ánh cuộc sống xã hội Mỹ, vừa ở tầm khái quát, vừa ở sự kiện cụ thể. Thế giới những năm 50 là đỉnh cao của chiến tranh lạnh. Nước Mỹ với đặc điểm là một nhà nước tôn giáo (dù hiến pháp và pháp luật Mỹ quy định rõ ràng tôn giáo và nhà nước độc lập nhau) rất sợ chủ nghĩa cộng sản. Nước Mỹ sôi sục và điên cuồng chống cộng với chủ nghĩa Mc Carthy. Sự đe dọa, dò xét, nghi kị tràn lan nước Mỹ bóp nghẹt mọi tư tưởng tự do dân chủ. Những vụ án Vanzetti, vợ chồng Rozenberg “làm gián điệp cho cộng sản” (1953) ám ảnh mọi người. Trong điều kiện đó, vở kịch Thử thách khốc liệt (The Crucible) của A.Miller đã ra đời như một sự vạch mặt giới cầm quyền Mỹ và cảnh báo cho mọi người có lương tâm: Hãy cảnh giác.
Abigail, một cô gái quê ở Salem, đem lòng yêu Proctor và bị vợ anh ta phản đối. Vì ghen tức đã bịa ra chuyện vợ Proctor có liên hệ với quỷ. Rồi dư luận loan truyền khắp vùng. Salem và Abigail tác giả của câu chuyện bịa đặt đó cũng lại nghi ngờ chính mình. Cô và các bạn lại tiếp tục bịa chuyện để vu cáo những người họ ghét. Đến như ông già được trọng vọng và kính nể là Francis Nurse và cụ bà Robecca làm từ thiện cả đời và bà Sarah Good nghèo đói ăn xin, ngủ dưới rãnh nước bẩn vì không nhà không cửa cũng đều là quỷ sứ và bị treo cổ. Vậy là quỷ dữ - người cộng sản chỉ là sản phẩm của sự dối trá, của sự ngồi lê mách lẻo mà thôi nhưng nó đã làm hại bao nhiêu người. Và nữa, chính quyền đã treo cổ những người vô tội sẽ trả lời ra sao trước pháp lý và đạo lý. Thì đây, nhân vật phó thống đốc Danforth đại diện chính quyền điều hành phiên tòa xử vụ án phù thủy này biết rõ sự thật khi xét hỏi. Tất cả chỉ là sự thù ghét, bịa đặt ra. Nhưng ngài đã trót treo cổ 12 nhân mạng ở Salem, dư luận ồn ào lên. Ngài phải tìm cách che dấu và hợp pháp hóa cái sự vô trách nhiệm của mình và để xoa dịu dư luận phản đối gay gắt của quần chúng. Ngài giở thủ đoạn đe dọa và dụ dỗ Proctor là người có uy tín và trung thực ký vào giấy xác nhận có phù thủy, quỷ dữ ám vợ anh. Đổi lại hai vợ chồng anh được ra khỏi nhà tù. Proctor đã từ chối và anh, người nông dân chất phác hiền lành và vô tội cũng lại bị treo cổ - vì anh có liên hệ với phù thủy – những người cộng sản.
Qua xung đột kịch tính, qua các nhân vật kịch có thêm một mục sư Hale hiểu biết, trọng sự thật, cố tìm hiểu sự thật và ngăn chặn. Ông là trí thức bất lực trước cường quyền, chính quyền Mỹ. A. Miller nhớ mãi câu nói của Edop: “Cái ác như bông tuyết đầu mùa, không kịp thời ngăn chặn thì bông tuyết càng lăn càng to”.
Thử thách khốc liệt có cấu trúc mạch thẳng, hình thức parabol. Cái ác sẽ ngang nhiên tồn tại và nảy sinh, nếu không kịp thời ngăn chặn thì tội ác sẽ ngày càng lan rộng và ai cũng là nạn nhân, kể cả kẻ gây ra. Cốt truyện của vở kịch cụ thể và có cấu trúc kiểu bi kịch cổ điển của Shakespeare.
Cái giá phải trả (The Price), nhân vật Walter được nhà viết kịch khắc họa như là một con người ích kỷ hẹp hòi. Đặt mình với quyền lợi ích kỷ lên trên mọi quan hệ tình cảm cha con, anh em. Luôn chỉ nghĩ đến bản thân, anh ta là mẫu người không phải xa lạ của một bộ phận thanh niên Mỹ cuối thế kỷ XX. Năng động, xốc vác  dám dấn thân nhưng đầy tham vọng và trục lợi, bất chấp đạo lý, là những tín đồ của chủ nghĩa Biên cương (Frontie) của F.J. Tuner, Lò luyện (Creuset) của Zang Will và Phồn vinh (Abondance) của David Porter và Thuyết sinh tồn của Darwin và Spencer.
Sinh ra trong một gia đình không lấy gì làm dư dả, sung túc. Mẹ mất sớm, bố già nua nhưng anh ta đã cố gắng vượt bậc, cả bằng trí thông mình, cả bằng thủ đoạn để vươn lên chiếm vị trí xứng đáng trong xã hội. Người anh là Victor, học giỏi hơn nhiều nhưng lại “dại dột” vì có lòng yêu thương gia đình, yêu thương bố già nua nên phải nghỉ học để chăm sóc bố, để đi làm kiếm tiền nuôi em ăn học. Walter tốt nghiệp Đại học y khoa, trở thành bác sỹ danh tiếng, đồng thời qua việc nghiên cứu khoa học và chữa trị cho bệnh nhân, anh  ta phát hiện ra “Mình có thể hái ra tiền từ thảm họa của những người khác”. Bác sỹ Walter mở trại dưỡng lão không phải để chăm sóc sức khỏe cho người khác mà vì “Người già mới có nhiều tiền”. Giàu có nhưng anh ta chỉ gửi nuôi bố đúng 5 đôla  mỗi tháng, mặc dù bố già yếu đói nghèo, anh trai túng thiếu. Mặc, anh ta tự an ủi là đã làm tròn bổn phận với người cha vì “tháng nào ta cũng gửi tiền về”. Bằng rau củ thối của cửa hàng rau củ thải ra, cha và anh Victor đã sống lay lắt. Muốn học thêm, Victor hỏi vay em trai 500 đôla nhưng ông em bác sỹ giàu có lờ đi không cho vay và cũng không trả lời, coi như không biết. Victor đành thất học, phải kiếm sống bằng nghề trật tự viên – giữ trật tự ở một xóm nhỏ với đồng lương chết đói để nuôi cha. Rồi 16 năm sau, anh chuẩn bị về hưu thì cha chết. Hai anh em Victor và Walter mới gặp lại nhau ở đám tang của cha và để bán đi đồ đạc mà bố để lại.
Kịch tính xảy ra ở thời điểm này. Walter biện minh cho tính vị kỷ của mình, cho sự vô trách nhiệm của mình. Có tiền gửi nhà băng nhưng chỉ gửi cho bố 5 đôla là vì “Không muốn tước bỏ quyền hy sinh của người khác”, tức là “quyền hy sinh” của anh trai. Không cho anh vay 500 đôla để đi học là vì “tại sao anh không vay tiền bố” và “tại sao anh không tìm cách kiếm tiền mà đi học” hoặc “không bán cây đàn Harpe (di vật của mẹ để lại) mà lấy tiền đi học”. Ông lái buôn đồ cũ giở lắm mẹo ma lanh để trả giá rẻ thì Walter coi như không để ý, tỏ ra lịch sự và bất cần giá cả nhưng kỳ thực là bẫy người ta với giá cắt cổ. Mặc dù tuyên bố dành phần hơn cho anh trai và nếu bán được sẽ hiến toàn bộ tiền nong cho quỹ từ thiện – và nhờ thế anh ta sẽ không phải nộp thuế thu nhập. Walter như đa số người Mỹ, thực dụng, cạnh tranh ráo riết. Suy nghĩ, lối sống của anh ta nằm trong dòng chảy của văn hóa Mỹ. Lấy đồng tiền làm thước đo trong mọi ứng xử xã hội, gia đình và cả ruột rà máu mủ. Thực tế anh ta thành đạt về cơ bản là dựa trên sức mạnh và sự cố gắng của bản thân mình và đặc biệt là biết tạo ra cơ hội, nắm lấy cơ hội (là một đặc trưng của Dân chủ và Bình đẳng của xã hội Mỹ). Rồi cái gì phải đến sẽ đến, A. Miller đã để cho vở kịch kết thúc trong nỗi dằn vặt của chính Walter sau những lần đau ốm phải nằm bệnh viện. Anh ta nhận ra rằng sự thành đạt và giàu có của mình là nhờ có mọi người, nhờ có sự hy sinh của anh trai Victor. “Ở đời không ai sống cô độc được” (Hemingway) và “Nếu một hòn đất rơi xuống biển Đại Tây Dương thì châu Âu nhỏ bé đi một chút” (John Donn) là mục đích của vở kịch Cái giá phải trả hướng tới.
Phần nhiều những tác phẩm kịch của A. Miller đều lấy nguyên mẫu từ cuộc sống hằng ngày của nước Mỹ, hoặc là tin tức trên báo chí (Tất cả đều là con tôi, Sau sự sụp đổ(After the Fall), Misfits (truyện về Marilyn Monroe), Sự sáng tạo thế giới và các dịch vụ khác (The Creation of the World and the Other Business)… hoặc là sự kiện có thật. Trên cơ sở sự thực, ông đã sắp xếp lại, tái tạo hình tượng nhân vật và chi tiết để tạo nên kịch tính cho từng vở kịch khác nhau với các thủ pháp và nghệ thuật kịch mà ông kế thừa và phát huy. Trước hết là môi trường xã hội- nước Mỹ thế kỷ XX, đặt các hệ thống hình tượng nghệ thuật, nhân vật, không gian, thời gian, ánh sáng, màu sắc sân khấu phải phù hợp với hoạt động của nhân vật trong quy luật khách quan  và chân thực của tâm sinh lý…Vì vậy trong nhiều vở kịch của Arthur Miller khán giả bắt gặp không khí mơ màng, huyền ảo nhưng lại rất hiện thực của Con vịt trời, Nhà búp bê hay hồn ma bóng quỷ của Ibsen. Cũng lại phảng phất hơi thở của Romeo và Juliet, Hamlet của Shakespeares. Ông đề ra nguyên tắc cho mình: “Trước khi viết ra giấy một chữ nào, tôi cần nắm được chắn chắn các hình tượng này đã nảy sinh trong tôi, khi tôi nhìn thấy mọi ngóc ngách của tâm hồn. Bao giờ tôi cũng xuất phát từ một cá nhân cụ thể. Các sự kiện và các hồi lớp của sân khấu, tính tổng hợp của kịch trường – rồi chúng sẽ đến sau, tôi không hề quan tâm đến điều đó khi tôi đã nắm chắc được tất cả đặc điểm nhân vật đó. Tôi cần thấy rõ nhân vật mà tôi sẽ dựng lên từ bộ mặt cho đến chiếc khuy áo cuối cùng, dáng đi, điệu bộ, giọng nói”(4).
Nhân vật Joe Keller xuất hiện như sau: “Keller khoảng gần 60 tuổi, vạm vỡ khỏe mạnh. Một nhà kinh doanh còn dáng dấp của một đốc công. Khi ông đọc nói, hay nghe, ông có vẻ của người ít học, vẫn còn ngạc nhiên trước những điều điên khùng” (Tất cả đều là con tôi) hay nhân vật Willy Loman bước ra sân khấu “Từ bên phải, Willy Loman bước vào, tay xách khệ nệ hai chiếc valy to đùng chứa hàng mẫu… ông đã ngoài tuổi 60, ăn mặc xuềnh xoàng. Ngay khi đi qua sân khấu tiến về phía nhà mình, ông lộ vẻ hết sức mệt mỏi, ông mở khóa đi vào bếp. Khoan khoái đặt 2 chiếc valy nặng trĩu xuống đất, cảm thấy 2 tay tê dại, ông buột miệng thở dài rồi thốt lên khe khẽ... chà chà...”(5).
Ngay cả nhân vật phụ trong mỗi vở kịch cũng được ông chăm chút và được xây dựng đúng nguyên tắc trên đây, Nhân vật phụ, Gus trong Hồi ức về hai ngày thứ hai (A Memory of two Mondays) “Bác Gus 68 tuổi, bụng phệ, trán hói và có bộ ria dài trông rất dữ tợn đã hoa râm và rủ xuống mép trái. Bác đội mũ quả dưa, mặc quần cộc và đeo cavat thắt sẵn. Bác có dáng đi lại tất bật, chân vòng kiềng, bụng phệ cứng như đá chứa đầy bia. Bác là người giản dị khô khan, giọng nói đầy âm điệu Slavo thô kệch(6).
Trong “Lời giới thiệu” Tuyển tập kịch (lần thứ 2-1981) ông đã từng nhắc lại quan điểm của mình khi chuẩn bị cho một nhân vật xuất hiện. Anh ta là ai? Đang làm gì? Anh ta sống như thế nào và kiếm sống ra sao? Quen biết ai? Anh ta giàu hay nghèo? Anh ta nghĩ thế nào về bản thân mình? Và người ta nghĩ gì về anh và tại sao? Anh ta lo lắng và hy vọng những gì? Anh ta nói những gì và thực sự muốn gì?(7).
Chính nhờ sự hiểu biết cặn kẽ ấy mà nhân vật của ông đầy sức sống và sinh động, không bị trộn lẫn. Khi người Mỹ nói “thằng cha Willy Loman” để chỉ ai đó tức là nói đến người nghèo kiết xác nhưng lúc nào cũng tỏ thái đội vui vẻ, ăn mặc đường hoàng, cổ cồn, cavat đỏ, giày bóng lộn, valy to đùng nhưng không một xu dính túi, nhưng lại hay khoe mẽ. Khi nói “Kia kìa Joe Keller” ấy là nói hạng thương gia đểu cáng với bạn và trốn thuế, bất lương làm tất cả chỉ vì tiền. Hoặc nói “Cô nàng Abigail” nghĩa là cô gái nhẹ dạ, cả tin, ngồi lê mách lẻo rồi lại là nạn nhân của chính sự mách lẻo, dư luận do mình tung ra. Cũng giống như ta vẫn nói đồ Sở Khanh, đồ Tú Bà hay Thúc Sinh – kẻ sợ vợ, như người Tây Ban Nha vẫn sống cùng Don Kihote hay nàng Dulxinea cùng con ngựa còm và Xantro Panxa của Xervantex
A. Miller có đến 20 vở kịch nhưng số lượng nhân vật không nhiều. Cái giá phải trả có 4 nhân vật. Thử thách khốc kiệt có 21 nhân vật cả chính và phụ nhưng nhân vật của ông có đủ thành phần xã hội, nghề nghiệp, tuổi tác, chủ xí nghiệp, quân nhân, luật sư, nông dân, thương gia, chủ trang trại, người thất nghiệp, kẻ nghiện rượu, dân nhập cư, cảnh sát, kẻ đâm thuê chém mướn, gái điếm, quan tòa, diễn viên, nhà báo… tất cả là người Mỹ cô đúc lại với đầy đủ tâm lý của một dân tộc trong hoàn cảnh xã hội tiêu dùng và hậu công nghiệp.
A. Miller còn có nhiều vở kịch nổi tiếng khác như Người toàn gặp vận may (Who had all the luck) - 1944, Kẻ thù của nhân dân (An Enemy of the People) - 1950, Sự biến ở Vichy (Incident at Vichy) - 1964, Chiếc đồng hồ Mỹ (The American Clock) - 1980, Người Yankee cuối cùng (The last Yankee) - 1991-1993, Chiếc cốc vỡ (Broken Glass) - 1994... và tiểu thuyết Tiêu điểm (Focus) cùng rất nhiều truyện ngắn, tiểu luận văn chương, lý luận về kịch, trong đó có những trang viết trung thực và xúc động về mối quan hệ với diễn viên điện ảnh xinh đẹp nổi tiếng và là vợ ông: Marilyn Monroe, về mối quan hệ với những nhà văn nổi tiếng thế giới như Elia Cazan, Tennessess William, Saul Bellow, người được giải thưởng Nobel, với Ronald Regan, J. Kennedy và Mikhail Gorbachev.
Với những đóng góp to lớn của ông, A.Miller được nhận giải thưởng Pulitzer, 7 lần nhận giải thưởng Tony Award về kịch, 1 giải thưởng Obie, 1 lần nhận giải thưởng Olivier, giải thưởng của Hội đồng nghệ thuật Nhật Bản. Ông được phong tặng tiến sỹ danh dự của Đại học Oxford (Anh) và Harvard (Mỹ)1
____________
(1) Arthur Miller: Cái chết của người chào hàngTất cả đều là con tôi (Vũ Cận và Đặng Thế Bính dịch). Nxb. Văn học, H, 1971.
(2) Năm 1972 nhà thơ Liên Xô E. Evtusenco đến thăm Việt Nam trong những ngày máy bay B52 rải thảm tàn phá Hà Nội, đã tìm được bản dịch Tất cả đều là con tôiCái chết của người chào hàng. Cuốn sách nhỏ, bìa cong queo, chữ in nhòe nhoẹt trên giấy in nâu xỉn. Ông mang về rồi năm sau 1973 nhân chuyến sang nước Mỹ đọc thơ đã mang sang tặng A. Miller bản dịch này. E. Evtusenco kể lại, nhà soạn kịch Arthur Miller đã xúc động, nghẹn ngào chảy nước mắt nói: là một người viết kịch nhưng ông không thể tưởng tượng bom đạn Mỹ lại tàn khốc đến thế, tướng tá và chính khách Mỹ đang gào thét đe dọa đẩy Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá… mà Hà Nội vẫn dịch và in kịch của ông và dưới tầm bom đạn Mỹ mà Hà Nội vẫn diễn kịch của ông… Theo Cát bụi chân ai của Tô Hoài (Nxb. Văn học, H, 1992, tr.144-146).
(3) Có tham khảo Nghệ thuật biên kịch của Arthur Miller Luận án Tiến sỹ ngữ văn của Trần Yến Chi – bảo vệ tại Viện Văn hoá  Nghệ thuật Việt Nam năm 2009.
(4) A. Xaytlin: Lao động nhà văn (Hoài Lam, Hoài Ly dịch). Nxb Văn học, H, 1965, tr.5.
(5) Arhur Miller: Tất cả đều là con tôi, Cái chết của người chào hàng (Vũ Cận, Đặng Thế Bính dịch). Nxb. Văn học, H, 1971.
(6) Arthur Miller: Eight plays Nelson Double play. Inc. Garden City. New York. P343.
(7) Arthur Miller. Sđd. p5.

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved