Home » » TRƯƠNG VĨNH KÝ VÀ PHẬT GIÁO

TRƯƠNG VĨNH KÝ VÀ PHẬT GIÁO

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011 | 00:46

Quan điểm Phật giáo về con người và các nhân vật

Đối với đạo Phật, tất cả mọi người sang hay hèn, thông minh hay ngu si đều có khả năng giác ngộ và giải thoát như bản thân đức Phật vậy. Khả năng đó, sách Phật gọi là Phật tánh, tức là cái tôi linh, tối thiện trong mỗi người. Các tôn giáo và hệ tư tuởng khác có thể gọi cái tối linh, tối thiện đó bằng một ngôn từ khác, cũng như có thể đưa ra những phương pháp khác với Phật giáo để phát hiện, khai thác tối đa cái tối thiện, tối linh đó đều không thành vấn đề. Vì sao? Vì đó chỉ là vấn đề ngôn từ, hay là vấn đề bối cảnh xã hội - lịch sử tác động tới thiên hướng của dân tộc nầy hay dân tôc khác, nhóm người nầy hay nhóm người khác theo tôn giáo nầy hay tín ngưỡng khác thay vì một tôn giáo hay tín ngưỡng khác.
Đó là nói con người nói chung, nhưng đối với những con người cụ thể, Phật giáo lại có cái nhìn uyển chuyển: con người không phải chỉ là tổng hòa những mối quan hệ xã hội, mà con người còn là sản phẩm cho bản thân anh ta tạo ra bằng tất cả những hành vi có dụng ý nghĩa nầy, sách Phật thường nói con người là phức tạp, là cả một thế giới, một vũ trụ. Chính vì con người phức tạp như vậy, cho nên đạo Phật khi đánh giá một con người, nhất là những nhân vật lịch sử thường có thái độ bao dung, rộng rãi, một mặt dựa vào những sử liệu cụ thể, mặt khác lại nhận thức những sự kiện đó tuy là cụ thể nhưng chỉ phản ánh được phần nào, đôi khi lại méo mó tư tưởng đích thực của nhân vật.
Nói như Descartes cũng được: “Tôi tư duy là tôi tồn tại” nhưng cái tư duy đó của tôi là sản phẩm của giáo dục và hoàn cảnh xã hội - lịch sử của đương sự mà như đã nói trên còn là sản phẩm huấn tập của hành vi nhiều đời, nhiều kiếp…
Hơn nữa, thuyết vô thừơng và vô ngã của đạo Phật cũng giải thích người hay nhân vật không phải là cái gì cố định, mà thay đổi thường xuyên, đặc biệt là trong những bước ngoặt chuyển giai đoạn của cuộc đời.
Đạo Phật khuyến cáo nên nhìn con người và nhân vật trong sự phát triển, trong các giai đoạn phát triển khác nhau của cuộc đời với những bối cảnh lịch sử khác nhau, với quá trình tư tưởng phát triển chín mùi khác nhau.
Hãy lấy ví dụ trường hợp một nhân vật lịch sử như Sư Vạn Hạnh. Như chúng ta đều biết, vạn Hạnh là quốc sư đời Tiền Lê, là người cố vấn có tiếng nói quyết định trong cuộc bình Tống, phá Chiêm, trong khi bản thân Lê Đại Hành do dự không tiến quân. Nhưng Vạn Hạnh cũng là người giữ vai trò chính trong cuộc cách mạng ôn hòa phế bỏ nhà Tiền Lê, lập ra triều đại nhà Lý Phật giáo. Hết lòng phục vụ nhà Tiền Lê rồi lại phế bỏ nhà Lê, lập nhà Lý là hai giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước cũng như cuộc đời của Vạn Hạnh. Phế bỏ nhà Lê có khác nào phản bội lại nhà Lê, thế nhưng ai cũng biết lúc bấy giờ, quân Tống đã lăm le ngoài bờ cõi, chỉ chờ ở nước ta có loạn, vua tôi bất hòa là họ sẽ tiến quân. Nho sĩ có thể phê phán hành động phế truất nhà Lê của Vạn Hạnh, nhưng phải chăng thái độ của nho sĩ chỉ là ngu trung? Còn Vạn Hạnh là trung với nước, hiếu với dân.
Bây giờ, nói qua một trường hợp thứ hai cũng là một trường hợp tranh cãi xung quanh nhân vật lịch sử Hồ Nguyên Trừng, người con trai trưởng rất tài ba của Hồ Quý Ly. Hiện nay, người ta thường chê bai Hồ Nguyên Trừng trong giai đoạn sau khi ông bị quân Minh, đưa về Trung Hoa, và làm quan từ chức thấp nhất là chủ sự ở bộ Công cho đến chức cao nhất là Thượng thư bộ Công. Sau khi ông mất, người Trung Hoa xem ông như là ông Tổ đúc súng thần công, và mỗi lần làm lễ tế vũ khí, quân đội nhà Minh cũng kiêm làm lễ tế ông.
Nhưng muốn nhận thức toàn diện về Hồ Nguyên Trừng, thì còn phải xem xét giai đoạn ông làm Tả tướng quân, tổ chức cuộc kháng chiến dù là thất bại chống quân Minh, và cuối cùng ông bị bắt cùng với cha và em là Hồ Hán Thương. Trong giai đoạn nầy, tôi thấy cần ghi nhận lời của ông: “Không sợ đánh quân Minh, chỉ sợ lòng người không theo”. Lúc bấy giờ, ông đã cảm nhận những cải cách tiến bộ của Hồ Quý Ly, tuy có thể làm cho nước giàu dân mạnh, nhưng không được lòng người, không cố kết được nhân tâm trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, như xưa kia quân dân nhà Trần đã làm được trong ba lần chống Nguyên Mông thắng lợi. Và ngay trong giai đoạn cuối đời làm quan cho nhà Minh, Hồ Nguyên Trừng đã viết cuốn “Nam ông Mộng lục”. Ấn bản cuốn nầy chắc là có bị người Tàu sửa đổi, nhưng dù sao cũng phản ánh được tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc của Hồ Nguyên Trừng. Vì ông viết cuốn sách nầy là để khẳng định đất nước Việt Nam cũng có nhân tài, đâu có phải là man di, mọi rợ như người Tàu rao truyền.
Quan điểm của Phật giáo khi nhận định về con người và nhân vật bao giờ cũng tìm đến cái hay, cái thiện để biểu dương, tuy cũng không bỏ qua cái xấu không phê bình. Phật giáo tránh lối nhận thức một chiều, đã khen thì đưa tận mây xanh, đã chê thì vùi dập xuống bùn đen. Lối khen chê như vậy, thiếu thái độ khách quan khoa học, và nhất là thiếu công bằng lịch sử. Mà lịch sử thì công bằng.
Tuy nhiên, Phật giáo cũng thừa nhận, song song với thuyết vô thường vô ngã, ở trong con người cũng có những hằng số cần chú ý, như chất dân tộc trong con người, tình thương đồng loại, hoài bão trí tuệ… Trong trường hợp Trương vĩnh Ký, tôi nghĩ nên nhấn mạnh chất dân tộc trong ngừơi ông, trong khi còn ở Hà Nội, có đọc cuốn sách sưu tập các bài diễn văn năm ứng cử Tổng thống của Robert Kennedy, em của cố Tổng thống John Kennedy. Tôi đọc quyển nầy đã lâu, nhưng vẫn còn nhớ đầu đề quyển sách là một lời thơ của thi sĩ người Anh Tennyson: “Không phải quá chậm để xây dựng một thế giới mới:” Trong các chủ đề được đề cập trong cuốn sách, có chủ đề “Chiến tranh ở Việt Nam”, trong đó Rob. Kennedy khẳng định trong cuộc chiến tranh đó, Mỹ thế nào cũng thất bại, và tốt hơn hết là sớm rút quân về. Ông nói tinh thần dân tộc của người Việt Nam là không thể chiến thắng, và ông nói, mỗi lần cộng sản đánh thắng quân Mỹ là ngay cả những bộ trưởng khét tiếng chống Cộng của Diệm cũng tỏ ra hân hoan, tự hào v.v…
Phải chăng đó là chất dân tộc nổi cộm lên ngay trong trái tim và khối óc của những người Việt ở bên kia chiến tuyến ?

Áp dụng quan điểm của Phật giáo về con nguừơi và nhân vật trong việc nhận định về Trương vĩnh Ký

Với thuyết người ngừơi đều có Phật tính, tức là cái tối linh, tối thiện ở trong mình, cụ thể là hoài bão và khả năng giải thóat và giác ngộ cho tự thân, tôi thấy hoài bão và khả năng đó bộc lộ rõ nét ở Trương vĩnh Ký ngay từ khi còn nhỏ tuổi: năm 11 tuổi đã thông thạo Tứ thư, Ngũ kinh, và năm 13 tuổi, sau khi được gửi sang học tại chủng viện Penang, đã thông thạo đến 10 thứ tiếng. Nếu nói như Lênin, biết thêm một thứ tiếng là sống thêm một cuộc đời, thì đời Trương vĩnh Ký nếu đo bằng độ dày kiến thức, phải tính không phải bằng trăm như người bình thường mà tính bằng cả nghìn năm.
Và sau đó, khi tham gia phái đoàn Phan thanh Giản sang Pháp thương thuyết để chuộc lại ba tỉnh miền Đông, tuy công việc của phái đoàn thất bại, nhưng Trương vĩnh Ký đã tranh thủ tiếp cận được với những nhân vật tiêu biểu của giới trí thức tiến bộ Pháp lúc bấy giờ là Renan, Littré, Victor Hugo và qua đó tiếp cận được mặt trái tiêu cực của Thiên Chúa Giáo La Mã như là một thiết chế quyền lực, đồng thời họ Trương cũng tiêm nhiễm tinh thần bác ái, phụng sự quần chúng bình dân và người nghèo khổ của Jesus… Tôi nghĩ rằng tinh thần của Trương vĩnh Ký rất thông minh nầy phải có một chuyển biến tuy âm thầm mà sâu sắc, khiến cho lúc về nước, Trương vĩnh Ký dám tuyên bố công khai:
“Người Annam đâu có thù ghét đạo Công giáo. Họ chỉ bất bình và phản đối những hành vi quá mức của một số linh mục, dựa vào sự che chở của quân đội Pháp và chính quyền Pháp, để tiếp tục thi hành những việc bạo ngược. Bởi vì xét cho kỷ, Công giáo và Phật chẳng khác nhau bao nhiêu”.
Phải chăng vì câu nóí bộc bạch đó, mà từ năm 1861 cho tới năm 1864 năm toàn quyền Paul Bert qua nhậm chức, Trương vĩnh Ký phần nào bị chính quyền thuộc địa ở Nam Kỳ bạc đãi. Tuy rằng, những điều Trương vĩnh Ký nói là sự thật, mà chính quyền thuộc địa không phải không biết. Chứng cớ là bức thư sau đây của đốc đốc Le Pages đề ngày 25 tháng 12 năm 1859 gửi cho Bộ trưởng Hải quân:
“Những năm đầu lên ngôi, vua Tự Đức có một thái độ đối xử khá ân cần với các giáo sĩ. Nhà vua đã ra lệnh cho các quan lại địa phuương có thái độ khoan dung, rộng rãi với họ (các giáo sĩ) trong những chuyện làm trái pháp luật, những chuyện phạm pháp nhỏ nhưng rồi các giáo dân do các giáo sĩ lãnh đạo đã ngày càng xấc xược, ngạo mạn đến mức độ họ không thèm biết đến cả chính quyền địa phương. Họ công khai nổi loạn, họ tuyên bố người Kitô giáo không thể vâng lời những kẻ theo một tôn giáo khác…”
Trương vĩnh Ký là một người công giáo, từng học ở các trường dòng, mà công khai phê bình các giáo sĩ và linh mục như vậy, quả không phải là chuyên dề. Chúng ta không nên so sánh Trương vĩnh Ký với những nhà cách mạng nòi như Thủ Khoa Huân, Trương Định, cụ Đồ Chiểu… So sánh như vậy sẽ là bất công và khập khiểng. Chúng ta nên so sánh Trương vĩnh Ký với những người Công giáo khác, hay là những người cũng làm việc cho chính quyền thuộc địa như ông, như Tôn thọ Tường, Nguyễn hữu Độ, nhất là với những người cũng làm thông ngôn như ông, nhưng lại ỷ thế người Pháp mà chiếm đất, làm giàu, kiểu như tên Lê phát Đạt học trò của ông ở Trường Thông ngôn ra làm thông ngôn ở Tân An. Tên nầy chỉ làm thông ngôn có ba năm mà giàu to, đất đai cò bay thẳng cánh, và giàu bạc tỷ (nếu đối chiếu số tiền hiện nay). Trương vĩnh Ký cảnh cáo Đạt như sau:
“Chớ vội mừng. Đương lúc vui nên suy ngẫm mà buồn lần lần đi. Đến khi mà nguy khốn thì dễ mà đuổi ta sầu não… Việc gì có vay có trả…
Qua lời nói trên, tôi có cảm giác như Trương vĩnh Ký mặc dù là người Công giáo nhưng cũng thấm thía đạo lý vô thường và nhân quả của nhà Phật.
Họ Trương làm việc đắc lực cho quyền thuộc địa Pháp, ca ngợi, sùng bái những cái hay, cái đẹp của nến văn hóa Pháp, kể cả những tư tưởng bình đẳng và hữu nghị của cuộc cách mạng. Pháp 1789 nhưng trong tư tưởng ông vẫn có một ẩn ý nào đó rất phương Đông khiến ông đi đâu cũng khăn đen áo dài, năm 1872, mặc dù được phong làm tri huyện, nhất từ chối không chịu làm quan cai trị, ông chỉ giữ lại chức vụ Hiệu trưởng Trường Thông ngôn mà thôi. Dấn thân phần còn lại đời mình vào họat động văn hóa, hoạt động mà có lẽ trong thâm tâm ông cho là có lợi lâu dài cho cả hai bên Pháp và Việt: người Pháp thì sẽ tôn trọng Việt Nam hơn, như là một nước có nghìn năm văn hiến, từng có một quá khứ anh hùng vẻ vang, chống xâm lăng và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, còn người Việt Nam thì cũng sẽ hiểu nước Pháp và người Pháp hơn, với truyền thống của nền văn hóa lâu đời Hi Lạp và La Mã, những tư tưởng Bình đẳng, tự do, huynh đệ của Cách mạng 1789…
Đó là tôi làm cái việc, có thể phù hợp với thuyết hành vi chủ nghĩa (Behaviorism), cho rằng mọi họat động tâm lý đều biểu hiện ra ngoài bằng những hành vi có thể nắm bắt và đánh giá, nhưng lại không phù hợp lắm với tâm lý học Phật giáo rằng, tâm lý người vô cùng phức tạp, là thành quả của hoạt động của người đó không phải một đời mà nhiều đời, đồng thời lại có ảnh hưởng của bối cảnh xã hội lịch sử của hành vi một con người không nên cứng nhắc, một chiều mà chỉ nên là giả thiết.
Đối với những hoạt động văn hóa của họ Trương cũng vậy. Bên chống thì dụng ý nói dụng ý của họ Trương chỉ là phục vụ chính sách xâm lăng và thực dân của Pháp, còn bên khen thì ca ngợi như là có tác dụng.
“Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt,
Tây Âu Khoa học yếu minh tâm

(Khổng Mạnh cương thường nên tạc dạ,
Tây Âu khoa học phải ghi lòng”
(Hai câu đối chữ Hán ở cổng trường Petrus Ký cũ)
Tuy nhiên, ý đồ của họ Trương không phải chỉ là giới thiệu triết lý Khổng Mạnh, qua dịch giải các sách Tứ thư, Ngũ Kinh mà ông còn xuất bản và diễn giải truyện Kiều, truyện Lục vân Tiên, viết các sách như Truyện đời xưa, Truyện khôi hài v.v…
Trương vĩnh Ký đã làm được khá nhiều việc trong công tác giới thiệu nền văn hóa và văn minh Âu Tây và Pháp cho người Việt, đồng thời cũng giới thiệu những cái hay, cái đẹp của nền văn hóa Việt Nam cho người Pháp, để người Pháp hiểu biết và tôn trọng người Việt Nam hơn, đất nước Việt Nam hơn. Qua sử dụng rộng rãi chữ Quốc ngữ, họ Trương làm được một công đôi việc là giúp cho đông đảo người Việt hiểu biết hơn về đất nước mình, nền văn hóa truyền thống của mình, khích lệ nền tự hào dân tộc của đồng bào.
Tất nhiên, làm công việc nầy, Trương vĩnh Ký bị không ít người lên án làm tay sai đắc lực cho công cuộc xâm lược của Pháp đối với nước ta. Tất nhiên, nếu họ Trương không làm công việc văn hóa nầy đi nữa, thì công cuộc chinh phục của người Pháp vẫn tiến hành, do thực lực của nhà Nguyễn quá yếu, triều đình lại không đoàn kết, số quan lại tham nhũng quá nhiều, giặc cướp ban đêm, quan cướp ban ngày).
Khi phê phán Trương vĩnh Ký, người ta đã xử dụng rất nhiều văn thư ông gởi cho các quan chức người Pháp, kể cả những ngừơi cao cấp nhất như Paul Bert, đã đánh giá ông rất cao và sử dụng ông tối đa. Theo tôi nghĩ, đấy là chuyện thường tình. Tôi không nói về phía người Pháp, mà mối quan tâm số một là cũng cố và kéo dài sự thống trị của họ. Về phía người Việt Nam, lúc bấy giờ cũng như sau nầy, muốn làm được công việc của mình, nhưng việc có ích cho nước, lợi cho dân, thì chắc chắn là phải tranh thủ sự đồng tình của người Pháp. Trương vĩnh Ký không phải ở ngoài cái lệ thường đó.
Đối với nhân vật Trương vĩnh Ký, một trí thức Công giáo, một nhà bác học biết 26 thứ tiếng, đã viết trên 100 công trình truyền bá văn hóa Pháp và Việt, đã có công truyền bá rộng rãi việc dùng tiếng quốc ngữ, nhưng có cái tội hỗ trợ đắc lực cho chính sách xâm lược và thống trị của thực dân Pháp đối với nước ta. Tội cũng rõ và công cũng rõ, công và tội đều phân minh.
Với quan điểm Phật giáo nhận định về con người và nhân vật:
. Tìm hiểu khía cạnh tốt của nhân vật, phát xuất từ cái tối thiện, tối linh có sẵn trong mỗi con người,
. Đặt nhân vật trong bối cảnh gia đình và xã hội cụ thể nhất định, không những trong cả cuộc đời, mà trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời nhân vật.
. Nhận định nhân vật không phải như con người cố định, mà luôn phát triển.
. Nhận định công việc làm của nhân vật qua kết quả đối với xã hội, đất nước, còn đối với nội dung tư tưởng của nhân vật thì phải hết sức thận trọng trong việc xét đoán, bởi lẽ theo Phật giáo, tâm lý con người rất phức tạp, chịu ảnh hưởng hành động của con người đó không trong đời hiện tại, mà trong nhiều cuộc đời.
Sau khi đã có nhận định về nhân vật rồi. Phật giáo còn khuyến cáo người Phật tử nên sử dụng ngôn từ đúng mức, theo bốn tiêu chuẩn:
1/ Nói thật với mình, với người, không nói dối.
2/ Không nói ác, dao to búa lớn, vì đức Phật dạy rằng, nói nặng lời với người có lỗi không khác gì xát muối vào vết thương của họ. Ngay tội lỗi cũng có thể được phê phán với lời lẽ điều hòa, từ tốn, đúng mức.
3/ Không nói lời chi vô ích và vô nghĩa, nói lời có ích, có nghĩa, Tất nhiên, người Phật tử phê phán nhận định một nhân vật tầm cỡ của Trương vĩnh Ký, thuộc Kitô giáo là tôn giáo bạn, người Phật tử lại càng thận trọng, đúng mức.
MINH CHI
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved