Home » » Sự hình thành cư dân ven biển Nam bộ

Sự hình thành cư dân ven biển Nam bộ

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013 | 16:27

Việt Nam là quốc gia có 3.260 km bờ biển kéo dài từ Bắc đến Nam. Biển chứa nhiều nguồn tài nguyên quí giá cho nước ta trên hành trình hội nhập và phát triển hôm nay. Nghiên cứu về biển Việt Nam đang thu hút nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, ở nhiều chuyên ngành khoa học khác nhau. Vùng ven biển Việt Nam có nhiều cộng đồng ngư dân sinh sống, chuyên nghề đánh bắt thủy hải sản. Những cộng đồng này có vai trò quan trọng trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của biển cũng như góp phần lớn vào việc giữ vững chủ quyền lãnh hải. Do đó, quá trình hình thành, phát triển cũng như các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa của họ đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Bến Tre là địa phương có 65 km bờ biển với 4 cửa sông Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cửa Đại. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nơi đây đã hình thành được 2 cộng đồng ngư dân An Thủy-nằm kề cửa Hàm Luông và Bình Thắng- bên cạnh cửa Đại. Tìm hiểu một số nét chính về quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre chính là góp phần hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của họ trong việc khai phá, mở mang, phát triển kinh tế-xã hội vùng ven biển ở đây nói riêng và Nam bộ nói chung.
1. Về khái niệm cộng đồng và cộng đồng ngư dân
Cộng đồng và cộng đồng ngư dân là hai khái niệm cần thiết để nghiên cứu. Khái niệm cộng đồng bao gồm các thực thể xã hội có cơ cấu tổ chức chặt chẽ cho đến các tổ chức ít có cấu trúc chặt chẽ, là một nhóm xã hội có lúc khá phân tán, được liên kết bằng lợi ích chung trong một không gian tạm thời, dài hay ngắn như phong trào quần chúng, công chúng khán giả, đám đông,…Đây là một tuyến nghĩa rất hay được sử dụng trong khoa học xã hội, gắn với các thực thể xã hội nhất định [1]. Mỗi một cộng đồng đều có thuộc tính riêng như tình cảm cộng đồng, tinh thần cộng đồng, ý thức cộng đồng,…và được gọi là cộng đồng tính. Ngoài ra, căn cứ vào qui mô của từng cộng đồng, có thể nhận biết những nhóm người, nhóm xã hội thuộc thể nhỏ, thể vừa, thể lớn và thể cực lớn, đó là từ gia đình đến quốc gia đến nhân loại, và gọi đó là cộng đồng thể. Các nhà nghiên cứu còn phân loại cộng đồng thành những loại hình khác nhau như: Loại hình cộng đồng thuần khiết và không thuần khiết, loại hình cộng đồng theo tính trội (cộng đồng lãnh thổ, cộng đồng tộc người, cộng đồng nghề nghiệp, cộng đồng tôn giáo, cộng đồng địa dư,…) với 2 loại chính là cộng đồng địa dư và chức năng, loại hình cộng đồng lịch sử [2]. Để nhận biết một cộng đồng cụ thể thì cần dựa vào các thành phần tạo lập cơ bản của nó gồm địa vực, lịch sử, văn hóa, kinh tế và xã hội.
Cộng đồng ngư dân được phân bố phổ biến ở các quốc gia có sông ngòi, đầm phá, biển cả trên thế giới. Theo tiêu chí phân loại trên, cộng đồng ngư dân thuộc loại hình cộng đồng nghề nghiệp. Trong cộng đồng ngư dân có thể chia làm 2 bộ phận chính: Cộng đồng ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên sông ngòi và trên biển, ven biển. Tuy nhiên, tùy vào cảnh quan tự nhiên khác nhau của từng quốc gia mà có nhiều tiêu chí phân chia cụ thể hơn nữa. Chẳng hạn như ở Việt Nam, Nguyễn Duy Thiệu đã chia cộng đồng ngư dân thành 7 loại: Cộng đồng ngư dân thủy cư đánh cá nước ngọt trên các dòng sông, cộng đồng ngư dân thủy cư đánh cá nước lợ ở các cửa sông và các vùng đầm phá, ngư dân bãi dọc, ngư dân bãi ngang, cộng đồng ngư dân thủy cư ở các vịnh, các cộng đồng ngư dân sống trên các đảo nhỏ và các cộng đồng ngư đánh cá trên các hồ thủy điện hoặc hồ tự nhiên [3]
Vậy, có thể tạm hiểu rằng, cộng đồng ngư dân ven biển là một cộng đồng người có cùng một quá trình lịch sử hình thành và phát triển, định cư ở một địa bàn ven biển cụ thể, có nhiều nét tương đồng văn hóa do sự chi phối từ điều kiện tự nhiên của biển và chung một điều kiện kinh tế-xã hội, đặc biệt với nghề đánh bắt thủy hải sản ven biển, trên biển là chủ yếu. Do nguyên nhân từ địa vực cư trú, do lịch sử hình thành và phát triển, do điều kiện kinh tế-xã hội mà cộng đồng ngư dân ven biển nói riêng và cộng đồng ngư dân Việt Nam nói chung lại là loại hình cộng đồng mang tính không thuần khiết. Điều này phù hợp với nhận định: “Do vậy, việc xác định số lượng lao động ngư nghiệp và các cộng đồng nghề cá cụ thể diễn ra trên bề mặt rộng khắp nhưng thất thường và không thể nhận ra được của hàng triệu người sống ở khắp mọi nơi ở vùng nông thôn Việt Nam, họ sử dụng một phần thời gian bất định vào việc tìm kiếm đánh bắt các giống loài thủy sản. Do vậy có thể nói, nếu chúng ta mong muốn xác định được số lượng ngư dân chính xác, thì đó chỉ là một điều ảo tưởng” [4]
2. Cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre-quá trình hình thành và phát triển
Có thể nói rằng, lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, được gắn liền với quá trình thích ứng các điều kiện sinh thái vùng ven biển và quá trình giao lưu tộc người. Cộng đồng ngư dân An Thủy (huyện Ba Tri) và Bình Thắng (huyện Bình Đại) hình thành và phát triển tương đối khác biệt, chủ yếu về thời gian. Cộng đồng ngư dân An Thủy có lịch sử  phát triển lâu đời hơn Bình Thắng.
Ngay từ những buổi đầu, cư dân từ miền Trung đã đến vùng đất An Thủy (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) lập nghiệp. Những cuộc điều tra về nguồn gốc dân cư và gia phả cho biết rằng vùng ven biển Ba Tri là một trong những điểm định cư sớm nhất của tỉnh [5].Theo đường biển, một lớp cư dân đã chọn con giồng Tang cao ráo và các nơi phụ cận bên cửa sông Hàm Luông để định cư. Ban đầu, họ tổ chức trồng trọt và làm nghề nông để sinh sống. Còn các vùng xung quanh đó vẫn còn thưa thớt mãi đến khoảng 1954. Qua hồi cố, những ngư dân cao tuổi cho biết: Cách đây chừng 100 năm, vùng Tiệm Tôm (ấp An Thuận-xã An Thủy ngày nay) vẫn còn vắng vẻ, có nhiều cọp và cá sấu sinh sống, ít ai dám đến gần. Chính vì vậy, cho đến những năm đầu thế kỷ XIX, thôn An Thủy mới được thành lập qua sự giới thiệu của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí. Thôn An Thủy bấy giờ thuộc tổng An Bảo, huyện Tân An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh. Bấy giờ, dân cư ở đây đã tương đối:“ hai bên bờ sông này có ruộng vườn nhà cửa dân cư” [6] . Hiện nay, ở An Thủy còn lại một số dòng họ định cư tương đối lâu đời như họ Hồ, Lưu,Văn,…. Họ Lưu là một kiến họ lớn, có con cháu khá đông. Qua tư liệu điền dã cho biết, ông tổ của dòng họ này là Lưu Hữu Phú, quê ở Vĩnh Long sang đây định cư, sinh con đẻ cháu, tiếp nối nhiều đời đến nay.
Vì nằm ngay cửa Hàm Luông, nên hằng năm An Thủy đã đón nhiều chuyến ghe bầu từ miền Trung xuôi theo đường biển vào buôn bán. Cứ độ từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch (mùa gió Nam), ghe bầu từ miền Trung mang hàng hóa vào đây bán và mua lại sản vật như củi, gạo, mắm,….Đến khoảng tháng 9 đến tháng 12 âm lịch (mùa gió chướng), họ mang hàng hóa đã mua được chở về ngoài ấy. Như vậy, trước đây, người dân An Thủy đã có mối quan hệ giao lưu kinh tế, trao đổi hàng hóa, sản vật với miền Trung. Điều này được phản ánh qua câu ca dao mà chúng tôi sưu tầm được:
“ Anh về ngoài Huế
                              Thắt rế tai bèo
Gửi vô em bán, đỡ nghèo nuôi con
 Do có nhiều tôm cá, đặc biệt là các bãi nghêu đông đúc (qua địa danh Bãi Ngao), một số chủ ghe bầu đã phát triển nghề đáy rạo [7]-một hình thức đánh bắt cá tôm phổ biến của ngư dân miền Trung và tổ chức thu mua nghêu. Hoạt động này dần thu hút một số người dân địa phương cùng tham gia. Từ đó, nghề chài lưới ở An Thủy bắt đầu phát triển và mở rộng. Nhìn chung, họ vẫn là những nhóm đánh bắt nhỏ, lẻ từ cửa sông trở vào và chỉ tập trung ở địa bàn thuộc ấp An Lợi, An Thạnh ngày nay. Một số hình thức đánh bắt chủ yếu của ngư dân ở đây là đáy rạo, xiệp, chài,…Mặt khác, người dân địa phương vẫn tiến hành các hoạt động nông nghiệp khác như: Trồng giồng, trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm, làm muối,…bên cạnh nghề chài lưới.
Mãi cho đến đầu thế kỷ XX, An Thủy là địa phương có nghề chài lưới phát triển hơn các nơi khác trong vùng như Bảo Thạnh, Bảo Thuận,…Đời sống của ngư dân ven biển Bến Tre lúc này có phần khá hơn: “Hơn 300 gia đình sống về nghề này sung túc ở 2 tổng Bảo Trị và Minh Trị, đáng kể nhất là sản xuất được mỗi năm hơn 300 tấn xuất khẩu”[8]. Các làng ven biển của tổng Bảo Trị và Minh Trị lúc này bao gồm các làng: An Thủy, Bảo Thạnh, Giao Thạnh, Thạnh Phong, An Thuận,… (thuộc 2 huyện Ba Tri và Thạnh Phú ngày nay).
Vào lúc này, người Hoa đã bắt đầu có mặt ở An Thủy. Qua hồi cố thì biết được, phần lớn họ có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Đông- Trung Quốc. Có thể họ đã rời quê hương theo đường biển đến đây trước những biến động chính trị và xã hội của Trung Quốc vào đầu thế kỷ XX. An Thủy là nơi mà trữ lượng tôm, cá khá nhiều, nên người Hoa đã tìm đến: “Bà Hiền Tân Thuỷ hằng hà cá tôm”. Họ góp phần khai phá vùng Tiệm Tôm (ấp An Thuận) ngày nay nhanh chóng trở thành một nơi sầm uất với nghề chài lưới và buôn bán, mà trước đó những ngư dân người Việt chưa làm được. Người Hoa tập trung vào nghề chài lưới với hình thức đóng đáy sông cầu [9] là phổ biến và tổ chức hoạt động chế biến tôm khô, cá khô để chuyển về Chợ Lớn buôn bán. Phải chăng địa danh Tiệm Tôm được hình thành từ đây? Sách Monogaraphie de la province de Bến Tre cho biết thêm: “ Mỗi năm có hơn 50 tấn tôm khô xuất khẩu về Sài Gòn và Chợ Lớn, tính phỏng số tiền là 45.000 đồng”[10]. Mặt khác, họ thuê  người Việt ở các nơi lân cận đến để làm nhân công trên các khẩu đáy và các lò chế biến tôm khô, cá khô. Qua hồi cố, vào thời điểm này, ở Tiệm Tôm có đến 4 chủ đáy sông Cầu lớn nhất của người Hoa: Chú Xình, chú Phệt, bà Xôi, ông Òn. Sự hiện diện của người Hoa đã góp phần phát triển nghề chài lưới và đánh bắt thủy sản. Song song đó là việc hình thành 2 nhóm đánh bắt khác nhau trên cùng một địa bàn làng An Thủy: Nhóm ngư dân người Việt (ấp An Thạnh, ấp An Lợi) và nhóm ngư dân Việt-Hoa do người Hoa làm chủ (ấp An Thuận). Sự khác biệt này được thể hiện chủ yếu qua hai cách đánh bắt tôm cá khác nhau. Đó là hình thức đánh bắt bằng đáy rạo và đáy sông cầu. Tuy nhiên, nghề đáy sông cầu hiệu quả hơn nghề đáy rạo, nên người làm đáy sông cầu có phần khá giả hơn. Chính điều này dẫn đến đời sống kinh tế của 2 nhóm có sự khác biệt rõ nét.
Cho đến trước 1975, An Thủy là địa phương phát triển nghề chài lưới, đánh bắt thủy hải sản ở vùng ven biển của Bến Tre với số lượng ngư dân khá đông đúc. Sau năm 1975, một số người Hoa ở An Thủy đi định cư ở nước ngoài. Hiện nay, số lượng người Hoa ở đây chỉ còn 64 hộ và 208 nhân khẩu [11]. Phần lớn họ làm nghề đánh bắt thủy, hải sản và buôn bán nhỏ.
Khác với cộng đồng ngư dân An Thủy, cộng đồng ngư dân Bình Thắng có độ tuổi“ trẻ” hơn. Trước 1950, địa bàn xã Bình Thắng chỉ có một số ấp như: Bình Xô, Bình Thuận,… thuộc làng Bình Đại (nay là thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Dân cư ở đây phần lớn là người Việt và một số ít người Hoa. Họ sống bằng nghề trồng lúa, trồng giồng và nghề đáy sông Cầu, kéo chài, xiệp…ở ven sông. Tuy nhiên, đây chỉ là một vùng đất còn thưa thớt. Vào thời điểm này, chiến tranh nổ ra ác liệt ở địa bàn các xã ven biển Bình Đại như: Thới Thuận, Thừa Đức,…, nên ngư dân (Việt và Hoa) ở các nơi này di tản về làng Bình Đại sinh sống. Họ định cư ở những nơi còn hoang vắng và mưu sinh bằng nghề chài lưới. Qua tìm hiểu thực tế, có thể biết cụ thể hơn: Vào khoảng đầu năm 1950, chừng 100 hộ gia đình gốc ở xã Thới Thuận, Thừa Đức (huyện Bình Đại) và Phước Kiểng (huyện Gò Công-tỉnh Tiền Giang) phiêu dạt đến đây định cư vì lý do chiến tranh đang lan rộng. Từ đó, ông Ngô Minh Châu (còn gọi là Hai Châu) đứng ra vận động chính quyền xin lập ấp, lấy tên mới là ấp Bình Châu thuộc làng Bình Đại, quận Bình Đại, tỉnh Mỹ Tho. Từ năm 1956, quận Bình Đại được sát nhập vào tỉnh Bến Tre. Sau 1975, tên gọi Bình Châu được đổi thành Bình Thắng. Theo giải thích của ngư dân địa phương, chính quyền lấy tên của ông Sáu Thắng (bí danh Tám Lân), nguyên là bí thư chi bộ xã, hy sinh trong kháng chiến để đặt tên, thay thế tên gọi Bình Châu trước kia.
Tại sao người dân phiêu dạt lại chọn vùng Bình Thắng để làm nơi trú ngụ, sinh sống? Có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, đây là nơi có nhiều tôm cá và chưa được khai thác nhiều. Thứ hai, vùng này khá yên ổn do nằm trong làng Bình Đại-trung tâm của quận Bình Đại bấy giờ. Những ngư dân cao tuổi kể lại rằng: Tôm cá ở đây thì nhiều vô kể, tha hồ đánh bắt vì con rạch Bà Khoai nằm gần sông Cửa Đại (thuộc sông Tiền). Với kinh nghiệm dày dạn sẵn có, những ngư dân đến lập nghiệp đã nhanh chóng bắt tay vào việc khai thác nguồn lợi thủy hải sản. Từ đó, Bình Thắng nhanh chóng trở thành nơi phát triển nghề biển nhất của Bình Đại. Vì vậy, người dân ở các nơi khác tiếp tục chuyển về Bình Thắng sinh sống, tìm kiếm cơ hội mưu sinh. Mặt khác, lúc này một số người Hoa ở đây tiến hành phát triển nghề đánh bắt với hình thức nghề đáy sông cầu khá hiệu quả, bên cạnh nghề đáy rạo của người Việt. Phần lớn người Hoa ở đây có quê quán từ huyện Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Các chủ đáy người Hoa nổi tiếng ở Bình Thắng vào thời điểm trước 1975 như: Bà Chí, chú Phúc, chú Tắc,… Sau năm 1975, phần lớn người Hoa ở đây di cư sang nước ngoài sinh sống. Do vậy, người Hoa ở Bình Thắng hiện chỉ còn 31 hộ với 140 nhân khẩu. Hiện tại, phần lớn họ sinh sống ở ấp 2, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại. Vì thế, xóm này được gọi là “xóm xẩm” cho đến nay.
 Từ sau năm 1975 cho đến nay, tỉnh Bến Tre xác định một trong các lợi thế của mình là việc phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản ở vùng ven biển. Do vậy, song song với việc xây dựng các khu nuôi trồng thủy, hải sản ở các huyện ven biển như: Xã Thừa Đức, xã Thới Thuận (huyện Bình Đại), xã Bảo Thạnh, xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri), xã Thạnh Phong, xã Thạnh Hải, xã Giao Thạnh (huyện Thạnh Phú),…, Bến Tre chú trọng đầu tư, hỗ trợ cho nghề đánh bắt xa bờ thuộc 2 xã An Thủy (huyện Ba Tri) và Bình Thắng (huyện Bình Đại). Đây là chủ trương hết sức hợp lý và tạo tiền đề quan trọng để An Thuỷ và Bình Thắng phát triển nhanh thành 2 cộng đồng ngư dân chuyên nghề đánh bắt thủy sản ở vùng biển Bến Tre. Cũng cần nói thêm rằng, cho đến trước năm 1986, hoạt động đánh bắt của 2 cộng đồng ngư dân này còn nặng theo lối đánh bắt truyền thống (đóng đáy, kéo lưới, xiệp, câu kiều, lưới sỉ…), chưa mang lại hiệu quả cao, chỉ ở ven bờ với các loại ghe nhỏ, công suất máy thấp và đi về trong ngày. Từ sau năm 1986, bằng chủ trương đánh bắt xa bờ của Nhà nước, ngư dân Bình Thắng, An Thủy được vay vốn và họ đã đóng tàu lớn với công suất bình quân là 60CV/ chiếc. Đây là tiền đề cho việc nâng cao chất lượng và mở  rộng phạm vi  đánh bắt thủy hải sản ở Bình Thắng và An Thủy. Do vậy, đời sống ngư dân có sự chuyển biến rõ rệt, sung túc hơn trước kia. Mặt khác, các hình thức đánh bắt truyền thống và gần bờ ngày càng bị hạn chế và tiến tới thu hẹp dần. Bởi vì nó dẫn đến nguy cơ làm cạn kiệt các nguồn lợi thủy hải sản ven bờ, hủy hoại khả năng tái sinh của tôm cá. Hiện nay, cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre đánh bắt không chỉ ở vùng biển của tỉnh nhà mà còn mở rộng hoạt động trên vùng biển Nam bộ. Họ đã cùng các cộng đồng ngư dân  khác ở Nam bộ như: Phước Tỉnh (Bà Rịa-Vũng Tàu), Vàm Láng (Tiền Giang), Mỹ Long (Trà Vinh), Sông Đốc (Cà Mau),… góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế biển và giữ vững chủ quyền lãnh hải ở vùng biển phía Nam của Việt Nam.
Bình Thắng và An Thủy có số lượng dân cư sinh sống khá đông đúc. Dân số xã Bình Thắng là 2.398 hộ với 10.176 nhân khẩu và có diện tích tự nhiên là 1.302 ha [12]. Dân số xã An Thủy là 3.502 hộ với 16.590 nhân khẩu, có diện tích tự nhiên là 2.506,80 ha [13]. Do nghề đánh bắt thủy sản có thu nhập cao, cần nhiều nhân công, nên An Thủy và Bình Thắng đã thu hút dân từ các địa phương khác đến sinh sống, làm ăn. Ngày nay, hoạt động kinh tế của cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre có sự phát triển hơn trước kia. Đời sống của họ được cải thiện do nghề đánh cá được mở rộng ra vùng ngoài khơi với trữ lượng đánh bắt ngày một dồi dào. Mặt khác, hàng loạt các dịch vụ khác có liên quan như: Mua bán xăng dầu, thu mua thủy hải sản, sửa chữa cơ khí, nhà máy nước đá và chế biến thủy hải sản,…xuất hiện khá nhiều, nhằm phục vụ cho việc đánh bắt và buôn bán thủy hải sản. Một số chỉ tiêu về hoạt động kinh tế của ngư dân An Thủy và Bình Thắng đã phản ánh điều đó:
Một số chỉ tiêu hoạt động kinh tế của cộng đồng
        ngư dân xã An Thủy và Bình Thắng    
STT
CHỈ TIÊU
AN THỦY
  BÌNH THẮNG
1
GDP bình quân đầu người/năm
7.500.000 đồng
13.000.000 đồng
2
Số lượng ghe tàu
645 chiếc
480 chiếc
3
Sản lượng đánh bắt
26.000 tấn
38.350 tấn
4
Cơ sở thương mại-dịch vụ
699
298
5
Cảng cá
1
1
6
Diện tích/sản lượng nuôi tôm và
 nghêu
590,5 ha/ 1.220 tấn
tôm và nghêu/năm
385ha/2.117 tấn
 tôm/năm
(Nguồn: Uỷ ban Nhân dân xã An Thủy và Bình Thắng cung cấp năm 2008)
Các con số này cho thấy, ngư dân Bình Thắng có đời sống kinh tế cao và sản lượng đánh bắt nhiều hơn An Thủy. Điều quan trọng là cơ sở cho sự phát triển kinh tế và sản lượng đánh bắt lại phụ thuộc chính vào số lượng ghe tàu đánh bắt xa bờ nhiều hay ít. Ở An Thủy, trong số 645 ghe tàu đánh bắt có 274 ghe tàu đánh bắt xa bờ. Ngược lại, ở Bình Thắng, trong số 480 chiếc ghe tàu thì có đến 385 ghe tàu đánh bắt xa bờ, cao hơn An Thủy khá nhiều. Từ đó, muốn phát triển đời sống kinh tế và nâng cao sản lượng đánh bắt của ngư dân bắt buộc phải tiến hành đầu tư vào số lượng ghe tàu đánh bắt xa bờ cùng với việc trang bị phương tiện kỹ thuật đánh bắt hiện đại,…
Hiện nay, hoạt động đánh bắt thủy hải sản chủ yếu của ngư dân An Thủy và Bình Thắng là đánh bắt xa bờ với công suất bình quân 78CV/ chiếc. Lực lượng khai thác đã bám biển dài ngày hơn, trung bình từ 20-30 ngày/ chuyến, đã mạnh dạn ra xa vùng khơi Bình Thuận, Côn Đảo, hay chuyển cửa đến 100 hải lý cách bờ nam của đảo Phú Quốc, Thổ Chu và đã đạt được kết qủa ban đầu khá cao [14].
Do nghề đánh bắt thủy sản ở Bình Thắng và An Thủy khá phát triển, cho nên Bến Tre đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây. Phần lớn các con đường đã được bê tông hóa, nối liền với các tỉnh lộ để vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Nhưng quan trọng hơn, chính là sự đầu tư hệ thống cảng cá ở Bình Thắng và An Thủy để việc thu mua được tiến hành tại chỗ, thu hút ngư dân nơi khác đến buôn bán, phát triển thương mại địa phương. Năm 2000, cảng cá An Thủy được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Năm 2003, cảng cá Bình Thắng được khởi công và hoàn thành vào năm 2007. Cảng Bình Thắng với diện tích 1,7 ha, tổng vốn đầu tư là 19,5 tỷ đồng, đảm bảo cho 13.000 lượt tàu khai thác thủy sản cập bến mỗi năm [15]. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ mang một ý nghĩa quan trọng cho việc phát triển kinh tế biển vốn được xem là một lợi thế của Bến Tre. Thực hiện chủ trương về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của Nghị quyết Hội nghị lần 4 của Ban Chấp hành TW.Đảng khóa X, Chính phủ đã ra Nghị quyết và chương trình hành động vào năm 2007. Theo đó, nhà nước sẽ chú trọng đầu tư và phát triển ngành kinh tế biển. Một trong các vấn đề trọng tâm sẽ thực hiện là đầu tư hơn nữa vào việc đánh bắt xa bờ, hỗ trợ nhiều phương tiện đánh bắt hiện đại,….cho ngư dân. Như vậy, hy vọng trong thời gian tới, cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre sẽ có cơ hội mở rộng việc đánh bắt ở vùng biển khơi và có nhiều thuận lợi hơn nữa để tự phát triển mình.
Đời sống văn hóa-xã hội của cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre cũng được chính quyền địa phương quan tâm. Xã Bình Thắng có 2 trường học cấp mẫu giáo và cấp I. Ở xã An Thủy, hệ thống các trường học từ mẫu giáo, cấp I và cấp II nhằm phục vụ nhu cầu nâng cao dân trí của con em ngư dân. Mặt khác, trên địa bàn các xã này đều có  trạm y tế để chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Hệ thống phát thanh được mở rộng toàn xã để phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin hằng ngày, đặc biệt là tình hình thời tiết cho ngư dân mỗi khi ra khơi đánh bắt. Chính quyền địa phương đã phát động phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở từng gia đình ngư dân, góp phần tạo nên nếp sống văn minh, hiện đại cho miền biển Bến Tre. Xã Bình Thắng có 6/6 ấp văn hóa với 2.169 gia đình văn hóa[16]. Xã An Thủy có 5/5 ấp văn hóa với 2.768 gia đình văn hóa [17]. Như vậy, chất lượng đời sống văn hóa -xã hội của người dân An Thủy và Bình Thắng được cải thiện tốt hơn trước. Đó là kết quả của sự phát triển kinh tế địa phương và sự đầu tư của nhà nước cho các địa phương ven biển Bến Tre.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, hiện nay, trong quá trình phát triển, cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre lại xuất hiệnvấn đề cộng đồngVấn đề cộng đồng là những khó khăn, những trở ngại, những rào cản trong quá trình thực hiện nhu cầu chính đáng, hợp pháp ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quản lý, xã hội,…, ngăn cản quá trình phát triển của cộng đồng [18]. Thứ nhất, vấn đề cộng đồng đầu tiên của cộng đồng ngư dân này chính là hiện nay với tình hình lý do xăng dầu tăng cao, hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Thắng và An Thủy gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2008 và 2009, đa phần các chủ tàu cá chỉ hoạt động cầm chừng và phải trả nợ vay tiền Nhà nước để đóng tàu trước đó. Số tiền hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân ra khơi của nhà nước khi đến tay ngư dân thì chậm chạp, thủ tục gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, vào mùa nắng nóng, Bến Tre là tỉnh bị nước mặn thâm nhập sâu vào đất liền đến hàng chục km. Đặc biệt năm 2010, các địa phương ven biển của Bến Tre bị nước mặn thâm nhập là 60 km. Do thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân xã An Thủy và Bình Thắng. Thứ ba, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo vùng ven biển Bến Tre nói riêng và Nam bộ nói chung là nơi chịu tác động mạnh mẽ nhất của quá trình nước biển dâng, thậm chí trong tương lai có thể bị “biển nuốt”. Nếu mực nước biển tăng lên 1m có thể làm mất 12,2% diện tích đất nơi 23% dân số sinh sống, tương đương  với 17 triệu. Nghĩa là đến năm 2070, độ 8 triệu người Việt Nam có thể bị mất nơi sinh sống. Các địa phương ven biển của Bắc bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu tác động nhiều nhất [19]. Do gần kề 4 cửa sông lớn (Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cửa Đại), nên Bến Tre là địa phương ở Nam bộ chịu tác động mạnh mẽ nhất của quá trình nước biển dâng. Gần đây nhất, theo Trung tâm Quốc tế Quản lý Môi trường, khi nước biển dâng cao 1m thì 10 tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất. Trong đó, nặng nhất là tỉnh Bến Tre, nước triều có khả năng ngập 50,1% diện tích, kế đó là Long An 49,4%, Trà Vinh 45,7%, Sóc Trăng 43,7% [20]. Điều này là thách thức quan trọng nhất đối với sự phát triển của cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre trong tương lai. Nhà cửa, ruộng đất của họ phải chăng sẽ bị cuốn trôi do nước biển xâm thực? Cộng đồng này sẽ tồn tại trong tình trạng thế nào hay bị biến mất? Vấn đề này cần được nghiên cứu sâu hơn. Thứ tư, hiện nay do nguồn tôm cá ở cửa sông Cửa Đại và Hàm Luông bị cạn kiệt do đánh bắt cũng như chủ trương hạn chế đánh bắt trong bờ, ven bờ của nhà nước và chính quyền địa phương, nên ngư dân làm nghề đóng đáy, sáo điêu, xiệp, chài lưới,… buộc phải chuyển đổi sang các nghề khác. Điều này dẫn đến thách thức về việc làm cho địa phương đối với những người vốn quen  việc mưu sinh dưới nước và nay phải chuyển lên bờ sinh sống. Thứ năm, trong thời gian qua, một số người dân địa phương ở An Thủy và Bình Thắng đã chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đào ao nuôi tôm. Trong quá trình đi thực tế ở xã Bình Thắng, chúng tôi thấy rằng ở địa bàn ấp 5 và 6 qua một thời gian chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang nuôi tôm không có hiệu quả. Một bộ phận người dân bị lỗ vốn, không thể quay về nghề cũ – nghề trồng lúa. Hiện tại, cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là không có việc làm và đất đai đang bị “mặn hóa” từng ngày do việc dẫn nước mặn vào nuôi tôm. Trên đây là một số vấn đề xã hội mang tính cấp bách của cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre. Do vậy, tiếp tục đi sâu nghiên cứu các vấn đề xã hội của cộng đồng này cũng như gắn liền với phát triển cộng đồng là vấn đề mang tính khoa học, cần thiết. Nếu không giải quyết những vấn đề cộng đồng đang nảy sinh thì chắc chắn sẽ có các tác động xấu đến sự phát triển bền vững cộng đồng này trong tương lai.
3. Kết luận
Tóm lại, qua quá trình lịch sử hình thành và phát triển cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre, có thể chỉ ra một số đặc trưng cơ bản như sau:
_ Một là, cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre có xuất phát điểm ban đầu là các nhóm đánh bắt nhỏ, lẻ ở trong và ven bờ. Dần dần, với nhiều lý do chủ  quan và khách quan khác nhau đã hình thành nên cộng đồng ngư dân ven biển. Ngày nay, để tồn tại và phát triển, họ cố gắng chuyển từ một truyền thống khai thác biển cận duyên sang hình thức khai thác xa bờ. Đó là một tiến trình mà nhiều thế hệ tìm cách thích ứng với một điều kiện sinh thái ven biển, tìm cách mưu sinh, phát triển kinh tế-xã hội qua một thời gian khá dài.
_ Hai là, cộng đồng ngư dân này là cộng đồng không thuần khiết, phù hợp với đặc điểm của cộng đồng ngư dân Việt Nam như đã trình bày ở trên. Tính không thuần khiết thể hiện ở chỗ là thêm sự có mặt và đóng góp của bộ phận người Hoa với nghề đáy sông cầu nổi tiếng cùng hoạt động mua bán tôm, cá khô. Do đặc thù của quá trình phát triển cũng như địa bàn cư trú mà có cả hoạt động nông nghiệp như trồng giồng, làm muối, làm ruộng, chăn nuôi…. Vậy là trong cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre có cả nông dân và diêm dân. Ngày nay, với sự phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động thương mại-dịch vụ ở An Thủy và Bình Thắng đã thu hút người dân từ nhiều nơi khác đến tham gia ở các lĩnh vực khác nhau, từ tham gia đánh bắt, thu mua, vận chuyển thủy hải sản đến sửa chữa máy móc, buôn bán ngư cụ, mở xưởng nước đá….để đáp ứng nhu cầu ra khơi của ngư dân. Điều này tạo nên tính đa dạng trong đời sống kinh tế-xã hội của cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre.
_ Ba là, Nguyễn Duy Thiệu cho biết có 2 cách ứng xử của người Việt khi tiếp xúc với biển. Cách thứ nhất là lấn biển để lấy đất làm nông nghiệp. Còn cách thứ hai thường là một bộ phận dân nghèo tìm cách tách khỏi nông nghiệp để kiếm sống bằng nghề cá. Trừ một bộ phận rất nhỏ dân thủy cư, còn lại đa phần ngư dân Việt Nam, mặc dù làm nghề cá, nhưng họ vẫn hướng về nông nghiệp, làng của họ thường bám vào những nơi có nước ngọt để có thể làm thêm nông nghiệp [21]. Cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre thuộc cách ứng xử thứ hai. Những sản vật nông nghiệp của bộ phận nông dân đã góp phần nuôi sống cộng đồng, đa dạng hóa nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của một số người dân không đủ điều kiện tham gia hoạt động đánh bắt ngoài khơi, đặc biệt tạo thêm việc làm cho người phụ nữ trong các gia đình ngư dân.
_ Bốn là, trong tiến trình phát triển của cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre có sự đóng góp của người Hoa. Do vậy, dấu ấn của văn hóa Hoa và sự giao lưu văn hóa Việt-Hoa vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, tiêu biểu là còn một số cơ sở tín ngưỡng của họ như: Chùa Thanh Minh (xã Bình Thắng) thờ Quan Công, Miếu Bà An Thuận (xã An Thủy) thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu,…Cho đến nay, một số gia đình người Hoa vẫn còn giữ lại một số phong tục tập quán của cộng đồng mình. Sự có mặt và đóng góp của người Hoa đã tạo nên phần nào tính khác biệt giữa cộng đồng ngư dân ven biển Nam bộ và Bắc bộ.
_ Năm là, qua lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre, có thể cho rằng đây chính là ngư dân bãi dọc. Theo Nguyễn Duy Thiệu: “ Mẫu số chung của các nhóm ngư dân được xếp là ngư dân bãi dọc là họ có cửa sông để đưa thuyền vào sâu bên trong đất liền, giấu thuyền tránh bão và khi biển động” [22]. Ngư dân Bình Thắng và An Thủy nằm vào phía trong của Biển Đông. Xã Bình Thắng nằm trong con rạch Bà Khoai, cách Cửa Đại chừng 15 km. Xã An Thủy nằm kề con rạch Bà Hiền, rạch Ngao Châu và cách cửa Hàm Luông chừng 10km.
                                            Chú thích
[1]: Tô Duy Hợp, Lương Hồng Quang,  Phát triển cộng đồng lý thuyết và vận dụng, Hà Nội,  Nxb.Văn hóa thông tin, 2000, trang 16.
[2]: Tô Duy Hợp, Lương Hồng Quang, Phát triển cộng đồng lý thuyết và vận dụng, Hà Nội,  Nxb.Văn hóa thông tin, 2000, trang 33.
[3]: Nguyễn Duy Thiệu, Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam, Hà Nội, Nxb.Khoa học Xã hội, 2002, trang 46.
[4]: Nguyễn Duy Thiệu, Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam, Hà Nội, Nxb.Khoa học Xã hội, 2002, trang 36.
 [5]: Thạch Phương-Đoàn Tứ (chủ biên), Địa chí Bến Tre (tái bản lần 2)Hà Nội,  Nxb.Khoa học Xã hội, 2001, trang 477.
[6]: Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí ( Lý Việt Dũng dịch), Đồng Nai, Nxb.Đồng Nai, 2005, trang 87.
[7]: Theo tư liệu điền dã của chúng tôi, đáy rạo là cách đánh bắt mà ngư dân Việt sử dụng phổ biến ở An Thủy và Bình Thắng. Đáy rạo vốn có nguồn gốc từ miền Trung. Trước khi đóng đáy, ngư dân dùng ghe ra cửa sông dò tìm và chọn nơi nằm giữa có lạch nước chạy qua và hai bên đó phải tương đối cạn. Sau đó, họ chọn chừng 500 đến 700 cây rạo là tràm hoặc đước để đẻo nhọn gốc, mỗi cây dài chừng 7-8m. Các cây rạo được cắm chặt theo 2 bên của lạch nước. Sau đó, người ta chọn 2 cây dừa làm 2 cây nọc, dài chừng 10 m trở lên. Hai cây nọc cặm ở 2 đầu rạo, xung quanh có 2 cây nọc phụ và 2 cây chọi nọc phụ. Trên 2 cây nọc cột 2 cây rượng và dựng chòi cho người ở trên đó. Vào lúc nước ròng (khoảng mùng 10 âm lịch), người ta thả lưới xuống dưới đáy (gọi là đóng đáy), phần phía dưới của đáy gọi là đục. Đến khi nước lên (khoảng 15-20 âm lịch), sức nước chảy sẽ xô hàng rạo lắc lư và giữ cho đàn cá không dám tách đàn, theo lạch nước để chui vào đục. Ngư dân sẽ kéo lưới lên, đổ tôm cá  vào ghe để chở về chợ bán. Dân làm đáy rạo sử dụng loại ghe có mũi và lái đều nhọn, bụng bầu, buồm tam giác.
[8]: Nguyễn Văn Bá, Địa phương chí tỉnh Bến Tre (Bản dịch Monogaraphie de la province de Ben Tre), Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Bến Tre phát hành, 1980, trang 35.
[9]: Theo tư liệu điền dã của chúng tôi, đáy sông cầu (còn có cách viết khác là song cầu) của người Hoa ở An Thủy và Bình Thắng sử dụng vật liệu chính từ thân cây dừa, cặm theo hàng ngang, cứ 2 cây là một khẩu đáy. Do vậy, một hàng ngang có đến hàng chục khẩu đáy. Tên gọi các bộ phận và vật liệu của đáy sông cầu được sử dụng bằng tiếng Hoa Quảng Đông. Mỗi một khẩu đáy là một cái lưới có hình tam giác được thả xuống, được gọi là đục. Phía lưới ở trên chủ yếu là loại lưới 3-4 phân, phía dưới đục là loại lưới từ 1-2 phân. Ở giữa lưới có sợi dây kéo được gọi là ôi mị. Phía trên, để kết nối từng khẩu đáy lại, người ta dùng dây mán xuyên qua cả hàng đáy. Ở phía 2 bên ngoài cùng của hàng đáy, có 2 sợi dây giữ chặt 2 đầu hàng đáy gọi là: hoàng chứng. Từng khẩu đáy có 2 sợi dây cột chặt xuống nước được gọi là  hạ lầu  (dùng chịu nước lớn) và  sườn sũi (dùng chịu nước ròng), 2 sợi dây này giúp cho từng khẩu đáy được vững chắc hơn. Phía trên từng khẩu đáy có phân công người phụ trách, họ ở trên những cái chòi ngang theo từng hàng đáy. Vào đầu con nước, người ta đợi nước êm mới đóng đáy. Sau đó, cứ mỗi ngày sẽ có ghe của chủ đáy ra lấy tôm cá. Người giữ đáy đổ đục và ghe sẽ mang tôm cá về. Đến cuối con nước, người ta sẽ mang lưới lên để vá lại. Nghề đáy sông cầu sử dụng loại ghe tam bản (ghe ba be) là chính. Loại ghe này có mũi và lái đều bằng, sử dụng loại buồm cánh dơi.
[10]: Nguyễn Văn Bá, Địa phương chí tỉnh Bến Tre (Bản dịch Monogaraphie de la province de Ben Tre), Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Bến Tre phát hành, 1980, trang 35.
[11]: Số liệu này do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã An Thủy cung cấp cho tác giả năm 2008.
[12]: Số liệu này do Uỷ ban Nhân Dân  xã Bình Thắng cung cấp cho tác giả năm 2008.
[13]: Số liệu này do Uỷ ban Nhân dân xã An Thủy cung cấp cho tác giả năm 2008.
[14]: Thạch Phương-Đoàn Tứ (chủ biên), Địa chí Bến Tre (tái bản lần 2)Hà Nội, Nxb.Khoa học Xã hội, 2001,  trang 482.
[15]: Số liệu này do Uỷ ban Nhân dân xã Bình Thắng cung cấp cho tác giả năm 2008.
[16]: Số liệu này do Uỷ ban Nhân Dân xã Bình Thắng cung cấp cho tác giả  năm 2008.
 [17]: Số liệu này do Uỷ ban Nhân dân xã An Thủy cung cấp cho tác giả năm 2008.
 [18]: Nguyễn Kim Liên,  Giáo trình phát triển cộng đồng, Hà Nội,  Nxb.Lao động Xã hội, 2008, trang 41.
[19]: Trần Văn Đạt (chủ biên), Tuyển tập vài suy nghĩ về phát triển nông nghiệp Việt Nam trong thế kỷ 21, Hà Nội, Nxb. Nông nghiệp, 2010, trang 51.
[20]: Đức Khánh, Biến đổi khí hậu - thách thức lớn cho Đồng bằng Sông Cửu Long. In trong : Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 1/7/2010, trang 53.
[21]: Nguyễn Duy Thiệu:, Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam, sđd………., trang 35-36.
[22]: Nguyễn Duy Thiệu:, Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam,  sđd…………, trang 58.

                                                Tài liệu tham khảo

1.      Tô Duy Hợp, Lương Hồng Quang,  Phát triển cộng đồng lý thuyết và vận dụng, Hà Nội,  Nxb.Văn hóa thông tin, 2000.
2.      Nguyễn Duy Thiệu, Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam, Hà Nội, Nxb.Khoa học Xã hội, 2002.
3.      Thạch Phương-Đoàn Tứ (chủ biên), Địa chí Bến Tre (tái bản lần 2)Hà Nội,  Nxb.Khoa học Xã hội, 2001.
4.      Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí (Lý Việt Dũng dịch), Đồng Nai, Nxb.Đồng Nai, 2005.
5.      Nguyễn Văn Bá, Địa phương chí tỉnh Bến Tre (Bản dịch Monogaraphie de la province de Ben Tre), Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Bến Tre phát hành, 1980.
6.      Nguyễn Kim Liên,  Giáo trình phát triển cộng đồng, Hà Nội,  Nxb.Lao động Xã hội, 2008.
7.      Trần Văn Đạt (chủ biên), Tuyển tập vài suy nghĩ về phát triển nông nghiệp Việt Nam trong thế kỷ 21, Hà Nội, Nxb. Nông nghiệp, 2010.

Tóm tắt:
     Cộng đồng ngư dân vùng ven biển Bến Tre có vai trò quan trọng trong việc đánh bắt thủy hải sản cũng như phát triển kinh tế biển cho địa phương. Qua lịch  sử hình thành và phát triển của họ đã cho thấy quá trình tiến dần khai thác biển khơi bằng nhiều hình thức đánh bắt khác nhau, mối quan hệ giữa hai tộc người Việt-Hoa, sự đan cài giữa ngư nghiệp với ngư nghiệp, diêm nghiệp tạo nên tính đa dạng trong đời sống cộng đồng. Hiện tại, cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre, bên cạnh sự phát triển ở nhiều mặt, lại đang đối mặt với nhiều vấn đề, thách thức. Nếu không có biện pháp cụ thể giải quyết chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Abstract

THE TYPICAL FEATURES FOR FORMED AND DEVELOPMED PERIOD OF THE FISHERMEN COMMUNITY
LIVING ALONG BEN TRE COAST

The fishermen community living along the Ben Tre coast has played a crucial role in fishing as well as economical development for the location. Through their formed and developed history, the community demonstrated to exploit ocean by fishing forms gradually, the relationship between the Viet and the Vietnamese Chinese, the intertwining of fishery and agriculture, which have formed the diverse cultures in the communal life. Today, fishermen of Ben Tre coast, besides developing aspects, is facing with matters, and challenges. If the authority does not have any official solutions for solving, it is sure these matters will affect into stable development for the community. 
 Dương Hoàng Lộc
 (Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) 
 Nguồn: Tạp chi Nghiên cứu phát triển số 100 (2/2013)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved