Home » » Văn hóa góp phần giúp thế giới xích lại gần nhau

Văn hóa góp phần giúp thế giới xích lại gần nhau

Written By kinhtehoc on Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012 | 13:08

Văn hóa góp phần giúp thế giới xích lại gần nhau

(ĐHVH) - Trong một thế giới toàn cầu hoá như hiện nay, hội nhập không chỉ là tất yếu mà còn đang trở thành yếu tố quyết định sự sống còn của một dân tộc, một quốc gia. Hội nhập có thể thông qua nhiều con đường: giao lưu kinh tế, giao lưu chính trị, giao lưu văn hoá...
Theo quan niệm thông thường, giao lưu kinh tế, giao lưu chính trị thường được coi là quan trọng hơn, còn giao lưu văn hoá giống như một sự hỗ trợ, bổ sung, làm tươi mát thêm cho mối quan hệ giữa các bên. Trên thực tế,giao lưu văn hoá ngày càng chứng tỏ vai trò của mình và ngày càng thực hiện được nhiều chức năng hơn người ta vẫn từng nghĩ.

Điều dễ nhận thấy nhất là giao lưu văn hoá giúp các dân tộc hiểu biết hơn về văn hoá của nhau. Nếu như khi nói tới Nhật Bản ta nghĩ ngay tới trà đạo, kịch Nô, tinh thần võ sỹ đạo Samurai, nghệ thuật cắm hoa Ikebbana...; nói tới Hàn quốc ta hình dung tới áo Hanbok, món kim chi, tập quán sinh hoạt trên nền nhà... thì những điều đó chính là nhờ giao lưu văn hoá.
Giao lưu văn hoá mang những tinh hoa của trí tuệ nhân loại tới các vùng, miền, các lãnh thổ khác nhau, không phân biệt biên giới. Những tác phẩm văn hoá nổi tiếng của nước này được lan toả và lưu hành rộng rãi ở nước khác đã không còn là chuyện xa lạ nữa. Nếu như Lev Tonstoi, Puskin, Mark Twain... được đọc ở hầu khắp các nước trên thế giới, thì Việt Nam cũng tự hào là Truyện Kiều của Nguyễn Du được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, trong đó những bản dịch tiếng Pháp có tới 10 phiên bản[1], chữ Hán có 7 phiên bản khác nhau[2].
Hay như vào giờ phút chuyển giao năm mới, ở rất nhiều nước trên thế giới, mọi người cùng hát ca khúc Happy New Year bất hủ của ban nhạc ABBA, thì người Việt Nam cũng rất tự hào khi biết rằng vào giây phút giao thừa thiêng liêng như thế, ở đất nước mặt trời mọc, có tới khoảng một nửa dân số Nhật cùng hồi hộp chờ đợi để nghe ca khúc Diễm xưa của cố nhạc sỹTrịnh Công Sơn (được dịch sang tiếng Nhật với tên gọi "Nét đẹp xưa") do một ca sỹ Nhật trình bày[3].
Nghĩa là, nhờ giao lưu văn hoá, một tác phẩm của dân tộc này có thể trở nên thân thiết, thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của một hoặc nhiều dân tộc khác.
Nhưng đó mới chỉ là những điều rất nhỏ mà giao lưu văn hoá mang lại cho loài người. Những lợi ích mà nó có thế thực hiện được ngày nay lớn hơn thế rất nhiều. Có thể nói, văn hoá đang giúp cả thếgiới xích lại gần nhau. Đến mức, người ta đang nói tới, không phải "giao lưu văn hoá" mà là "ngoại giao văn hoá" với ý so sánh nó với ngoại giao chính trị truyền thống. Và ngoại giao văn hoá đang ngày càng tỏ rõ ưu thếcủa mình.
Nếu ngoại giao chính trị mang tính chính thống, xã giao, công thức, khó thiết lập, thì ngoại giao văn hoá giống nhưmột hoạt động "bên lề" các sự kiện, mang tính giao lưu và không công thức. Hơn thế, là những sản phẩm mang tính thẩm mỹ, văn hoá như một tiếng nói chung giữa các dân tộc có ngôn ngữ khác nhau nên dễ nhận được sự đồng cảm, dễ đi vào lòng người, dễ để lại ấn tượng cho người thưởng thức. Bởi vậy, ngoại giao văn hoá thường dễ dàng được tiếp nhận và đạt hiệu quả hơn ngoại giao chính trị. Rất nhiều khi, ngoại giao văn hoá đã làm được những điều mà ngoại giao chính trịkhông thể làm được (do một nguyên nhân nào đó).
Ví dụ điển hình trong lĩnh vực này là một sự kiện nổi tiếng, được thế giới đặt biệt danh là sự kiện "ngoại giao bóng bàn" mà Trung Quốc đã thực hiện rất thành công năm 1971, giữa lúc cao điểm của chiến tranh lạnh. Vào thời điểm mà việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai kẻ thù không đội trời chung là Mỹ và Trung Quốc gần như không thể,thì cả thế giới đã bị bất ngờ khi đội tuyển bóng bàn Mỹ (sau khi dự Giải Vô địch Bóng bàn Thế giới lần thứ 31 ở Nhật Bản), được Trung Quốc mời sang thăm với toàn bộ chi phí đã được trả. Đây là nhóm người Mỹ đầu tiên được phép đặt chân vào Trung Quốc đại lục kể từ khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền lãnh đạo đất nước năm 1949. Trong một tuần ở thăm Trung Quốc, đội bóng bàn xếp thứ 17 thế giới đãđược đội chủ nhà (vô địch) thi đấu với tinh thần giao hữu sao cho tỷ số thua củađội khách không đến nỗi cách biệt. Và đi thăm nơi nào họ cũng nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của người dân sở tại. Những ấn tượng tốt đẹp đó làm thay đổi thái độ đối với Trung Quốc không chỉ trong lòng các cầu thủ Mỹ, mà cả trong quan điểm của Chính phủ của họ. Kết quả là, một năm sau, tổng thống Mỹ lúc đó-Richard Nixon- đã chính thức tới thăm Bắc Kinh để đàm phán về việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước[4]. Có thể nói, sự kiện ngoại giao bóng bàn đã làm được một kỳ tích.
< !--[if !supportLineBreakNewLine]-->
Một điều tương tự cũng đã từng xảy ra trong quan hệ Việt- Mỹ sau chiến tranh. Những năm sau 1975 có thể coi là khoảng thời gian thù địch giữa hai bên, bởi Chính phủ Mỹ lại tiến hành một cuộc chiến tranh khác chống lại Việt Nam– Cuộc chiến tranh lạnh. Khi đó, các nhà chính trị,ngoại giao và doanh nghiệp của mỗi bên chưa thể tiếp cận được với dân chúng của "phía bên kia", và chính các nhà văn hoá, các văn nghệ sỹ và các trí thức Việt Nam- nhất là những người may mắn được tới Mỹ- đã là những người tiên phong mang văn hoá Việt Nam đến với người dân Mỹ. Chính những nhà tiên phong này đã hé lộ cho người Mỹ thấy những nét đẹp của một văn hoá mà trước đây họ chưa bao giờ được tiếp cận, khiến cái nhìn của họ mất dần đi những ngờ vực và nghi ngại. Rồi tập "Thơ từ những tài liệu thu được", bao gồm những bài thơchép trong sổ tay của các chiến sỹ Việt Nam bị quân đội Mỹ thu giữ, được xuất bản tại Mỹ và lập tức gây tiếng vang. Bởi lẽ trong những bài thơ không phải là nỗi sợ hãi hay lòng hận thù, mà là khát vọng tự do, khát vọng sống và khát vọng yêu cháy bỏng. Mối thiện cảm và mong muốn khám phá văn hoá Việt Nam được nhen nhóm và cháy dần lên trong lòng người dân Mỹ. Kết quả là, trong vòng 20 năm sau cuộc chiến, đến năm 1995, đã có khoảng 3000 đầu sách viết về Việt Nam được xuất bản tại Mỹ[5]. Những cuốn sách này góp phần không nhỏ giúp người Mỹ hiểu và thay đổi cái nhìn đối với Việt Nam. Nó cũng tác động không nhỏ đến làn sóng ủng hộ bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, để rồi, cùng với bao nỗ lực lớn lao khác, cuối cùng Tổng thống Bush đã thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam vào nămm 2006, mở ra một chương mới trong quan hệ Việt- Mỹ.
Ngày nay chúng ta cũng thường được chứng kiến những sự kiện ngoại giao văn hoá:
Tháng 2/2008 vừa qua, khi Dàn nhạc Giao hưởng New York tới trình diễn tại thủ đô Bình Nhưỡng của CHDCND Triều Tiên, những pano áp phích chống Mỹ trên đường phố đã được dỡ bỏ. Người dân Triều Tiên đã tạm quên đi những bất đồng, căng thẳng giữa hai nước, nồng nhiệt đón chào các nghệ sỹ Mỹ bằng những điệu múa và màn đánh trống truyền thống. Chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởngNew York đã sưởiấm mối quan hệ đang khủng hoảng giữa hai nước để hướng tới sự hàn gắn và cải thiện.
Đây chỉ là một sự kiện trong "sứ mệnh" của Dàn nhạc Giao hưởng New York, vốn đảm trách việc "phá băng" những mối quan hệkhông thân thiện với Mỹ. Và trên thực tế, dàn nhạc này đã làm được nhiều việc đáng kể. Ví như cuộc biểu diễn lịch sử của đoàn tại Liên Xô năm 1956, khi quan hệ giữa Mỹ và nước này đang căng thẳng, đã gây được thiện cảm của người dân xô viết với "cực đối lập" của mình.
Rõ ràng là văn hoá- thứ ngôn ngữ toàn cầu, ai cũng hiểu- có thể làm nên rất nhiều việc kỳ diệu. Chính văn hoá đang góp phần làm cho cả thếgiới xích lại gần nhau.
Abstract
Cultural exchanges not only help cultural values of diferrent nations spread all around the world and make better understanding among countries but also get the whole world to become tighter through what so-called “cultural diplomacy”. This activity is getting more and more effective because culture is considered as a common language among nations so people perceive it and have good impressions of it easily. In many cases, cultural diplomacy can do the things that official diplomacy cannot (for some particular reasons) such as “warming up” the relationship between countries having disagreements, easing tensions, and solving conflicts in order to make nations have better understanding and get on well with each other.
PGS.TS Đinh Thị Vân Chi
Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
< !--[if !supportLineBreakNewLine]-->


[1] Hà Đình Nguyên., Truyện Kiều: 5 kỷlục thế giới và 7 kỷ lục Việt Nam(http://www1.thanhnien.com.vn/Vanhoa/2005/5/19/110218.tno)
[2]http://vietbao.vn/Giai-tri/La-Truong-Son-dich-Truyen-Kieu-ra-chu-Han/40164397/236/
[3] Tương Lai., Văn hóa và hội nhập (http://vietnamnet.vn/baylenvietnam/2006/11/630648/)
[4] Nền ngoại giao bóng bàn khai thông quan hệ Mỹ- Trung (http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_ej0406_vii.html)
T. Huyền ., "Ngoại giao bóng bàn" từng diễn ra như thế nào? (http://vietbao.vn/The-gioi/Ngoai-giao-bong-ban-tung-dien-ra-nhu-the-nao/10952384/159/)
[5] Minh Luận., Văn hóa và sự hóa giải những hận thù (http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/chuyende/4857/index.viet)
 
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved