Home » » Từ huyền tích đến lịch sử (mấy vấn đề phương pháp luận và phương pháp cụ thể)

Từ huyền tích đến lịch sử (mấy vấn đề phương pháp luận và phương pháp cụ thể)

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012 | 02:56

Từ huyền tích đến lịch sử (mấy vấn đề phương pháp luận và phương pháp cụ thể)
I
Thời sơ sử của bất cứ dân tộc, quốc gia nào cũng mở đầu bằng huyền thoại và huyền tích, ở đó những sự thực lịch sử bị khuất lấp toàn phần hay từng phần trong khói sương, khi dày đặc, khi tản loang, của những câu chuyện huyền hoặc, thần kỳ... đó là số phận chung của buổi bình minh lịch sử loài người khi màn đêm tiền sử đang dần tan nhưng hiện thực thân xác của con người tỏ mờ trong làn sương sớm...

Như thế là vì nguyên nhân "khách quan", một khi từ nửa ngày ngoảnh lại để nhận thức một sớm dậy đã qua - hàng ngàn năm đã trôi đi, tạo nên cái hàng rào thời gian kín mít, ngăn cách hôm nay với thời buổi xa xưa ấy: xa cách - về thời gian cũng như về không gian - bao giờ cũng là nhân tố khách quan dễ tạo nên sự hiểu sai, hiểu lầm hay thậm chí là không hiểu... mà vì xa cách, nên thiếu "lượng thông tin", thiếu tài liệu, vật chất và tinh thần, đặng tìm hiểu cho thấu đáo...

Song điều chủ yếu có lẽ là vì nguyên nhân "chủ quan" từ hai phía con người, hôm xưa và hôm nay.

Tư duy hôm nay là một kiểu tư duy lịch sử, một tư duy duy lý, khoa học. Càng ngày chúng ta càng làm ra lịch sử, cho hôm nay và cả mai sau, và viết lại lịch sử đã qua, cũng để cho hôm nay và cho cả mai sau, một cách có ý thức, dưới ánh sáng chói chang của khoa học. Nét đặc sắc của tư duy tiền sử là tư duy huyền thoại, cũng như sắc thái đặc thù của tư duy sơ sử là tư duy huyền tích (1).

Huyền thoại là "thông tin ảo", huyền tích cũng là "thông tin ảo" (hay "nửa ảo") tuy cũng đều phản ánh những hiện thực lịch sử, những sự thật trần gian. Người ngày xưa không cố tình che dấu cái thực hay thay thế cái thực bởi cái ảo. Nhưng cơ chế nhận thức của họ là như vậy: họ sống thực, rất thực nữa là đằng khác, song đầu óc họ, tâm trí họ, bụng dạ họ lại chỉ thấy - hay chủ yếu là thầy cái huyền, là cái thực đã được thăng hoa, biến hoá trong đầu óc tâm hồn bụng dạ họ. Có cái giống nhau và khác nhau giữa họ của ngày xưa và ta của ngày hôm nay trong nhận thức hiện thực khách quan: cái nhìn và ghi nhận hiện thực của họ và của ta giống nhau, vì đều là cái nhìn nhận của con người sống động, sống với và làm ăn với thiên nhiên đồng loại, nhưng khác nhau, như cách nhìn và phản ánh đối tượng khách quan gương lồi và gương lõm. Bởi vậy mà tuy cùng đối vật lại có ảnh ảo và ảnh thật.

Mối bận tâm của họ là cái huyền.

Mối bận tâm của ta là các thực.

Qua di tích và di vật (nay ta gọi là di tích và di vật khảo cổ học), người xưa để lại cho chúng ta cái hình ảnh trung thực về một thời xưa cổ đã qua.

Qua huyền thoại và huyền tích, người xưa để lại cho chúng ta một cách nhìn nhận và phản ánh hiện thực. Huyền thoại và huyền tích là những thông điệp của ngày xưa truyền tới hôm nay, trong đó có cái chân thực lịch sử đã được mã hoá, huyền hoặc hoá tới một cơ chế mật mã buộc ta hôm nay phải lần mò tìm ra cái chìa khoá giải mã họ mã hoá - tự nhiên thôi chứ đâu phải cố tình - bằng một hệ thống những biểu tượng được liên kết bởi hệ tư duy liên tưởng. Biểu tượng là một cái tên, một màu, một đường nét, một bố cục, một đồ vật, hay một loài vât v.v... mà ngoài cái nghĩa thực "rõ như ban ngày" nhưng lại là "nghĩa đen" của nó, còn lên một cái gì khác nữa, còn cái phần nghĩa bóng, ý nghĩa bóng bẩy của nó, tựa như "ý tại ngôn ngoại", như chữ nghĩa nét tạo hình của các nhà nghệ sĩ hay của những "tâm hồn nghệ sĩ" ngày sau...

Hình con chim, con rắn, con hươu, con cá không phải là chim - rắn - hươu - cá theo nghĩa đen, mà còn có thể là trên cao, dưới thấp, trên cạn, dưới nước. Nét "tam giác lô xô" có thể là "núi", hoa vặn "khuông nhạc" có thể là "sóng nước", hoa văn chữ S có thể là mây mưa... "chày cối" có thể là tượng trưng dương vật và âm vật, đàn ông và đàn bà... "chim diều" rồi "cánh diều" có thể là "Sơn Tinh", thế giới núi, trên cao. Rắn nước, thuồng luồng có thể là "Thuỷ Tinh", thế giới sông biển, dưới thấp. Và chim hình tròn hay hình "ngôi sao", màu đỏ... có thể là mặt trời, là lửa: Thỏ, Trâu, Sừng, "Thần độc cước" (chỉ chó nửa thân người) màu trắng, có thể là mặt trăng...

Muốn giải ảo cái hiện thực ẩn náu trong huyền thoại và huyền tích, không thể chỉ hiểu "thoại", "tích" theo kiểu lời nói thông thường, mà phải qua nghĩa đen hay xuất phát từ "nghĩa đen" mà tìm ra nghĩa bóng, xuất phát từ Lý thuyết về biểu tượng và Hệ biểu tượng huyền thoại và huyền tích mà làm sáng tỏ thực tiễn lịch sử thời tiền sử và sơ sử. Biểu tượng huyền thoại và huyền tích có sắc thái phổ quát toàn nhân loại, mà cũng có sắc thái đặc thù của mỗi cộng đồng tộc người ở mỗi thời - không gian khác nhau. Vậy phải vừa học cái chung, vừa làm cái cụ thể để dần dần phục chế được một Hệ biểu tượng Việt Nam trong huyền thoại, huyền tích, cổ tích, truyện cổ, tranh cổ v.v...

Ta không xem huyền thoại, huyền tích... là hoàn toàn phi lý, phi hiện thực, toàn là truyện "yêu ma rắn thần"... rồi gạt phăng ra ngoài lịch sử đích thực, những tưởng đó là thái độ duy lý, khoa học... như có vị học giả Sài Gòn thời trước đã từng nói và làm như thế trong nghiên cứu về thời đại "Họ Hồng Bàng", thời đại các vua Hùng.

Giới sử học và khảo cổ học Việt Nam đồng ý, đồng tình với cách nhìn nhận truyền thuyết của một nhân vật lãnh đạo trong bài viết nổi tiếng "Nhân ngày Giỗ Tổ Vua Hùng Xuân 1969": truyền thuyết thì bao giờ cũng là truyền thuyết, đầy chất mộng, chất mơ nhưng bên trong nó chứa đựng cái cốt lõi của sự thật lịch sử.

Bóc lớp vỏ huyền thoại, huyền tích, thần linh chủ nghĩa... để tìm ra cái cốt lõi của sự thật lịch sử, giải mã hệ biểu tượng Việt Nam trùm phủ nhận thức xưa về thời bình minh của lịch sử, buổi sinh thành của Việt Nam, về thời đại các vua Hùng bắt đầu dựng nước và giữ nước, tìm ra chìa khoá để mở vào trước ngõ của lịch sử Việt Nam... cố nhiên không phải là một việc dễ dàng, giản đơn, chỉ đơn thuần dựa vào suy luận có vẻ là hợp lý... đấy là một công phu lao động khoa học đầy khó khăn, gian khổ, được chồng chất bởi những thắng lợi vinh quang và không ít sai lầm, lạc nẻo...

Trên đây là đôi điểm suy nghĩ về phương pháp luận Fôn-clo (Folklore) học và sử học, khi tiếp cận truyền thuyết về thời đại các vua Hùng.

II
Mấy chục năm qua, giới nghiên cứu Việt Nam đã và vẫn còn đang dấn mình theo phương hướng đó trong công cuộc sưu tầm, hệ thống hoá, xử lý, minh giải phức hệ huyền thoại và huyền tích về thời đại Hồng Bàng, thời đại các vua Hùng.

1. Giới hạn trên của thời đại này, theo một ý nghĩa tương đối, là Kinh Dương Vương (Lộc Tục) - hay thậm chí là Thần Nông - rồi đến Lạc Long Quân (Sùng Lãm) - Âu Cơ.
Đã từng có ý kiến (chẳng hạn Nguyễn Linh) muốn loại bỏ phần này ra khỏi hệ thuyết Việt Nam với cái cớ rằng đó là một hệ huyền tích Trung Hoa được "cắm" thêm lên đầu hệ huyền tích Việt Nam, nhằm nói lên cái "gốc Bắc" của người Việt phương Nam và đó là sự thể hiện một khuynh hướng "Nam nhân Bắc hướng" duy dễ hiểu song thực chất là sai lầm của nhiều thế hệ nhà Nho Việt Nam vốn chủ trương Việt Nam "bất dị" (không khác) Trung Hoa.

Song sự việc có lẽ không đơn giản như vậy.

Từ lâu tôi đã có ý kiến rằng trật tự từ trong khái niệm "Thần Nông" vốn không phải là một trật tự từ Hán ngữ (Theo Hán ngữ phải là Nông Thần). Theo huyền tích Trung Hoa, Thần Nông họ Khương, khi chết mộ chôn ở gò đất Thương Ngô, Trường Sa; đất ấy trước đời Tần - Hán là đất đai Bách Việt, không phải là đất Hoa Hạ. Kết hợp với những huyền tích về Thần Nông của người Tày - Thái (Pú Lương Quân, Ải Lậc Cậc...) và của người Việt (sao Thần Nông trên bầu trời phương Nam và ca dao nông nghiệp), tôi cho rằng đó là vị thần nông nghiệp ("anh hùng văn hoá" theo khái niệm Fôn-clo) của người Việt cổ. Có học giả Trung Hoa (tác giả cuốn Trung Quốc đích thần thoại thời đại) cũng có ý kiến tương tự, cho rằng những nhân vật huyền thoại như Thần Nông, Nữ Oa, Bàn Cổ... không phải của người Hoa mà của người Miểu Man Việt Tộc phương Nam, sau được hội nhập vào hệ thần thoại Trung Hoa. Ý kiến đó rất xác đáng. Gần đây giáo sư E-béc-hác (người Mỹ) đã chứng minh tỉ mỉ là Thần Nông vốn có nguồn gốc không Trung Hoa, là một thần linh nông nghiệp có nguồn gốc văn hoá ruộng nước ở phương Nam (nhưng ông lại cho đó là bắt nguồn từ văn hoá Tây Tạng, đó là điều tôi bất đồng) (2).

Lộc Tục là một cái tên Việt cổ hiếm hoi may mắn còn sót lại trong tâm thức Việt Nam và được huyền tích bao bọc bảo tồn; còn danh hiệu Kinh Dương Vương là một danh hiệu Hán Việt, song đất Kinh Dương, với hồ Động Đình cũng như vùng Bắc Nam Ngũ Lĩnh (trước đời Đông Chu, tức là trước thế kỷ thứ VIII trước Công Nguyên, thời đại Đông Sơn) vốn không phải là đất Trung Hoa (Sở là "nửa Hoa" - một kết luận của đa số các nhà Trung Quốc học). Tên mẹ Kinh Dương Vương là tên chùm sao Vụ Nữ (hay Vụ Tiên Nữ), một chùm sao ngay trên đỉnh bầu trời Bắc Việt Nam (3). Hãy dựng lại sơ đồ hệ thần thoại này:

Thần Nông
? --- Đế Minh --- Vụ Tiên Nữ Động Quân
Đế Nghi Kinh Dương Vương --- Thần Long Nữ
Đế Lai Âu Cơ --- Lạc Long Quân
Đế Dũ VUA HÙNG

Ta thấy, dòng Thần Nông, ở Hoa Nam trước người Hoa, có hai cành:
a) Cành Bắc, con cháu đều mang danh hiệu "Đế" rồi cụt hẳn với Đế Dũ: một bộ phận cư dân cổ phi Hoa ở Nam Hà Nam (bị Hoàng Đế, tổ thần thoại Trung Hoa, diệt) và Hồ bắc (lưu vực Hán Thuỷ và trung lưu Trường Giang) sớm hoà trộn với người Hoa và Hoa hoá.

:rolleyes: Cành Nam, đều gắn với nước (hồ, sông, biển) và Rồng là một con vật thần miền nước (rông Trung Quốc với Long Mã, loài thú bốn chân, miền thảo nguyên).
Đó là một nhánh phổ hệ "thứ thiệt" có chi tiết địa - văn hoá rõ ràng, nếu ta xem xét vấn đề dưới cái nhìn sinh thái - nhân văn.

Tất nhiên lược đồ thần thoại này được cấu trúc hoá về sau - có thể sau thời Bắc thuộc - nhất là cành Bắc, chắc là được thêm thắt về sau để chứng minh là VUA HÙNG cũng lâu đời như HOÀNG ĐẾ của người Hoa, để biện hộ chủ trương Việt Nam "vô tốn" (không thua kém) Trung Hoa của một số khá đông nhà Nho yêu nước, có tinh thần dân tộc tuy cái nhìn của họ có phần hạn hẹp. Nhưng những nhân tố của cành Nam thì có thể có thật từ tâm thức Việt cổ trước Công Nguyên.

Qua đấy ta thấy khi nghiên cứu hệ thần thoại Việt Nam trước hết phải vượt qua cái vỏ ngôn từ Hán Việt, hàng ngàn năm trong và sau Bắc thuộc đã bọc gói những nội dung huyền thoại và huyền tích Việt Nam. Những phức hệ huyền thoại và huyền tích Việt cổ không phải chỉ bị "xuyên tạc" vì cái vỏ Hán Việt khá dày của nó, cái vỏ hậu sinh. Nó còn bị xuyên tạc ở chính ngay nội dung của nó. Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hùng Vương, Chủ Đồng Tử, An Dương Vương, Kim Quy v.v... đã bị đạo giáo hoá bởi rất nhiều thế hệ đạo sĩ (Long Quân trở thành vị thần "đi cầu tất ứng" giáng phúc trừ tai, Kim Quy bị "choán ngôi" ở đền Sái - Thuỵ Lôi, Đông Anh, Hà Nội - bởi thánh Chân Vũ - Trấn Bắc hay Vũ-Đương-Nguyên-Quân của đạo giáo Trung Hoa và trở thành "tay sai" của vị thần này v.v... là những thí dụ tiêu biểu), bị Phật Giáo Hoá bởi thế hệ sư sãi (Chử Đồng Tử và Tiên Dung Mỵ Nương vừa tu Tiên vừa tu Phật...) rồi lại bị Nho Giáo Hoá bởi nhiều thế hệ Nho sĩ (Lạc Long Quân "đặt ra các đẳng cấp quân thần tôn ti, các đạo cha con, vợ chồng" v.v...).

Lý luận Fôn-clo hiện đại gọi những thứ thêm thắt cố tình về sau vào huyền thoại và huyền tích nguyên sơ đó, là giả dân gian. Cũng như ngành nghiên cứu đồ cổ, cần trước tiên, phân biệt trước tiên là cái dân gian chân chính và cái giả dân gian. Cái giả dân gian này thấy đầy rẫy trong Lĩnh Nam Chích Quái, trong Việt Điện U Linh cũng như trong Truyền Thuyết Hùng Vương của hội văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú đã xuất bản và vừa tái bản. Muốn phục chế khuôn mặt chân thật lịch sử thời đại các vua Hùng, còn phải dày công phân tích và quét dọn các giả huyền thoại và giả huyền tích do người các thời sau - và trớ trêu thay, cả người thời nay - thêm thắt.

Sao chăng nữa, sau mấy chục năm sưu tầm, chỉnh lý các huyền thoại và huyền tích trên nhiều vùng văn hoá dân gian (là "vang bóng một thời" của những "vùng địa phương" Việt cổ về sau hợp thành Nước, thành quốc gia Việt Nam) - Sơn Tây cũ (miền "trước núi" Ba Vì), Vĩnh Phú cũ và mới (miền "trước núi" Tam Đảo), Bắc Ninh cũ (miền châu thổ Đông Bắc), Hà Nội (miền trung châu thổ), Hà Đông cũ (miền châu thổ Tây Nam), Hà Nam Ninh (miền hạ châu thổ) v.v... với việc mở rộng diện sưu tầm từ địa bàn Việt đến địa bàn Mường và địa bàn Tày - Thái đối chiếu, so sánh với Fôn-clo Tây Nguyên và toàn Đông Nam Á - một phương pháp hết sức khoa học và cần thiết cho cả Fôn-clo học và sử học - chúng ta đã hiểu ra được nhiều điều về Lớp văn hoá mở đầu của buổi Bình minh lịch sử.

Rất đáng chú ý phân tích nhân vật huyền thoại Lạc Long Quân. Căn cứ vào một chi tiết của huyền thoại (dân gọi Lạc Long Quân là Bố. "Bố ơi sao không lại cứu chúng tôi"), căn cứ vào danh xưng "lạc" trong từ kép Lạc Việt chỉ người Việt cổ miền đồng bằng thấp của sử cũ (ở đây lại thấy sự cần thiết phải đối chiếu Fôn-clo với những ghi chép dù rất hiếm hoi, tản mạn của sử cổ Trung Hoa và Việt Nam), căn cứ vào mọi huyền tích và nét tạo hình cùng tục xăm hình Rồng của người Việt xưa, nhà Fôn-clo học tài danh đã quá cố Cao Huy Đỉnh đã có lý do khi gọi nhân vật này là bố Rồng Lạc hay Vua Rồng Lạc (Vua, Bua cũng gốc từ Bô, Bố mà ra) và cặp vợ chồng khởi nguyên của nòi giống Việt Nam ta là Mẹ Âu - Bố Lạc.

Theo ý tôi, Lạc Long Quân là vị anh hùng văn hoá lớn nhất của thần thoại Việt Nam, từ biển tới, từ sông lên, diệt "Ngư Tinh", "Mộc Tinh", "Hồ Tinh", khai sáng miền châu thổ, dọn đường cho con cháu xây dựng văn minh châu thổ sông Hồng (không nên gọi là văn minh sông Hồng nói chung). Lạc Long Quân cũng là vị anh hùng văn hoá đầu tiên chống sự xâm lấn của phương Bắc (Đế Lai), bảo hộ lãnh thổ riêng cho con cháu dựng nước. Đó là một nhận thức hậu nghiệm về tổ tiên vô danh.

Con cái mẹ Âu - bố Lạc chia đôi là phản ảnh một cơ cấu gia đình song phương. Và người con trai theo mẹ Âu về miền đồi núi đã lên ngôi VUA HÙNG, làm sáng tỏ dòng mẹ và nguyên lý mẹ của gia đình Việt cổ. Nó cũng làm sáng tỏ một quy luật địa - chính trị: miền trung du là xuất phát điểm địa lý của sự hình thành những nhà nước đầu tiên.

Lạc - Âu hoà hợp về văn hoá - hẳn có từ trước sự hoà hợp chính trị trong chỉnh thể quốc gia Âu Lạc thời Thục Phán là sự hoà hợp nước non, như châu thổ sông Hồng là cái hành lang nối miền núi cao nguyên Vân Nam - Tây Tạng - vốn là lãnh phổ phi Hoa vài thế kỷ trước công nguyên trở về trước, không gian xã hội của người Tạng - Miến và Tày Thái cổ - với biển đông của sóng gió Thái Bình Dương, không gian xã hội của cư dân Tam Đảo - Mã Lai cổ. Đó là cái nôi lớn của văn hoá lúa nước - văn hoá xóm làng trên miền đồng bằng, trải dài từ chân núi tới giáp biển...

Thành tựu quý giá nhất của giới khảo cổ học Việt Nam trong mấy chục năm qua là làm sáng tỏ sự phát sinh và phát triển tại chỗ của nền văn minh châu thổ sông Hồng, với bề dày thời gian diễn tiến của nó (vài thiên niên kỷ trước công nguyên tới một vài thế kỷ sau công nguyên), với không gian xã hội qui tụ và toả rộng của nó (địa bàn chính là châu thổ sông Hồng, sông Mã từ đó lan toả lên miền núi phía Bắc, miền ven biển phía Nam...). Đúng ra, đấy là một phức hệ văn hoá sông Hồng với nhiều chặng đường phát triển khác nhau, từ đầu thời đại đồng thau đến đầu thời đại sắt. Con đường dẫn tới Đông Sơn (chặng cuối, dăm bảy thế kỷ trước công nguyên - một hai thế kỷ sau công nguyên), hay đúng hơn, con đường dẫn tới sự hội tụ văn hoá và kết tinh văn minh Đông Sơn là con đường đa tuyến (Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn châu thổ sông Hồng; Cồn Chân Tiên, Bái Man, Quy Chữ - Đông Sơn ở châu thổ sông Mã v.v...) đồng thời cũng là con đường tiếp xúc, đan xen, giao tiếp, biến đổi và hoà hợp của nhiều sắc thái văn hoá các vùng, các địa phương. Một thí dụ tiêu biểu: Phùng Nguyên giao tiếp với Hạ Long ở ven biển Đông bắc, với Hoa Lộc ở ven biển Thanh Hoá dẫn tới sự ra đời của Đồng Đậu, với sự nhảy vọt về kỹ thuật luyện kim đồng thau. Qua đồ gốm, đồ đá... người ta có thể nhìn thấy rõ, tận mắt, sự hoà hợp giữa các sắc thái văn hoá trước núi-văn hoá trước biển của những cư dân Nam Đảo cổ từ ven biển tiến vào, với sắc thái văn hoá trước núi của những cư dân Nam Á cổ Tày, Thái cổ từ miền chân núi tiến xuống và hoà hợp với nhau để nảy sinh văn hoá đồng bằng, với nghề trồng lúa nước đang trở thành đại trà. Sự trở thành của văn hoá Đông Sơn có liên quan đến cư dân Việt cổ ở châu thổ sông Hồng, hay, nói cách khác, cơ tầng sớm của sự hình thành cư dân Việt Nam có liên quan đến sự nảy sinh nền văn hoá Đông Sơn. Hiện vật Đông Sơn, với những đồ án trang trí trên đó cho thấy có hai nguồn gốc cơ bản giao lưu và tiếp xúc văn hoá. Các học giả nưoớ ngoài, người thì thấy "nó biểu hiện một pha của nghệ thuật biển", người thì thấy ảnh hưởng của "nghệ thuật động vật" và "saman giáo" (phù thuỷ) của miền đồng cỏ Á - Âu (4). Cái nhìn của giới khảo cổ học Việt Nam thấy rõ nghệ thuật Đông Sơn, phản ánh một môi trường sinh thái - nhân văn của nghề trồng lúa nước miền đất thấp, với cá - thuyền - chim nước (mỏ dài) - rắn nước. Những đàn hươu đực cái đầu mang cặp sừng, những dao găm cán hình người tết tóc, những móc đai lưng, khoá thắt lưng đeo lục lạc v.v... xuất trình ảnh hưởng của miền thảo nguyên, của cư dân chăn nuôi miền đồng cỏ Trung Á...

Những tài liệu khảo cổ học về phức hệ văn hoá sông Hồng làm bật lên những nét chân thật, chứa đựng trong huyền thoại, huyền tích về thời đại Hồng Bàng, thời đại các vua Hùng, về sự hoà hợp Âu (miền đất cao) - Lạc (miền đất thấp). Cấu trúc khảo cổ học về văn hoá đồng thau và sắt sớm trở thành hệ quy chiếu của cấu trúc huyền thoại - huyền tích về thời đại Hồng Bàng và các vua Hùng.

Thành công kỳ diệu của giới nghiên cứu Việt Nam về thời đại các vua Hùng một phần quan trọng là nhờ ứng dụng và triển khai nhuần nhị phương pháp nghiên cứu tổng hợp, liên ngành, đối chiếu, tận dụng mọi tài liệu bằng vật chất, bằng lời và bằng chữ. Lời huyền thoại từ nền tảng văn hoá vật chất Đông Sơn mà bay lên, "bay bổng diệu kỳ" và biến diễn qua những năm tháng miệt mài...

2. Giới hạn dưới của thời đại Hồng Bàng, thời đại các vua Hùng là sự hình thành, phát triển và sụp đổ của nước Âu Lạc (cuối thế kỷ III đầu thế kỷ II trước công nguyên), thậm chí có thể lấy điểm cuối cùng của nó là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43), những người nữ anh hùng dân tộc được xem là "con cháu nhà Hùng".

Chúng ta đứng trước chặn cuối của sự biến diễn Đông Sơn, với một số lượng cực kỳ phong phú đồ đồng thau và đồ sắt, đứng trước toà thành Cổ Loa to lớn và bí hiểm trên vùng bậc thềm cao cuối cùng nối tiếp trung du và mở ra trước một ô trũng đồng bằng.

Chúng ta cũng đứng trước một khối lượng cực kỳ phong phú những huyền thoại - huyền tích về cuộc chiến Hùng - Thục, Sơn Tinh - Thục Phán, huyền thoại huyền tích về gốc tích vua Thục (hay vua Chủ), về việc vua Chủ đắp thành Cổ Loa với những thế lực chống đối: tinh gà trắng gáy đổ thành, tinh con vua cũ "cú kêu ma ám" cản trở việc xây thành và những thế lực phù trợ: thần Cao Lỗ (ông Nỏ), thần Kim Qui (Rùa Vàng), tiên nữ gánh đất xây thành... huyền tích về kháng chiến chống Tần (truyền thuyết Lý Ông Trọng...) về chiến đấu chống Triệu (huyền thoại Nỏ Thần) và cái kết thúc bi thảm của cơ đồ Âu Lạc (huyền tích Mị Châu - Trọng Thuỷ). Ở đây thấy sự tiếp diễn đối lập và hoà hợp Âu Lạc, Núi - Nước:

Núi: Tản Viên - Thất Diệu
Sông: Thang giang sứ (Kim Quy)
Biển: Ngọc trai, đường vua Thục chạy ra biển, Rùa Vàng rẻ nước đưa vua xuống biển...

Chúng ta đã dựng lại một sơ đồ cấu trúc lưỡng phân lưỡng hợp của huyền tích và lịch sử:
Đất cao ------------ Đất thấp
Núi ------------ Nước
Sơn Tinh ------------ Thuỷ Tinh
Âu ------------ Lạc
Hùng ------------ Thục
Sừng tê ------------ Ngọc trai
Trọng Thuỷ ------------ Mỵ Châu
v.v... v.v...

Cái nhìn sinh thái - nhân văn, cái nhìn tiến hoá luận Mác-xít giúp ta ngày càng hiểu rõ hơn thực chất của huyền thoại nổi tiếng Sơn Tinh - Thuỷ Tinh cũng như huyền thoại Phù Đổng.

Sơn Tinh là tên gọi muộn màng của thần núi, tinh núi. Từ đồng bằng châu thổ sông Hồng nhìn nhìn lên phía Tây thì "cao nhất là Tản Viên". Núi Tản Viên trong huyền thoại Việt Nam có thể vì với Olympus của Thần thoại Hy - La. Thần núi được xem là con của mẹ Âu, bố Lạc, đã theo cha về biển rồi lại ngược về non theo mẹ. Sơn Tinh là hình ảnh người anh hùng văn hoá Núi thắng "cây thần" (tượng trưng miền Rừng Núi) và từ đó có cây gậy thần bằng gỗ. Phù Đổng là hình ảnh người anh hùng văn hoá đồng bằng lúa nước, văn hoá tre, sắt (người anh hùng làng Gióng, lớn như thổi với bảy nong cơm, ba nong cà, cưỡi ngựa sắt, vút roi sắt, tre ngà đánh tan giặc Ân ở núi Vũ Ninh (giặc núi). Phù Đổng là hương hoa của lúa rồi thành người anh hùng chống ngoại xâm.

Có thể đối chiếu, so sánh hai nhân vật huyền thoại lớn của Núi Non và Đồng Bằng sông Hồng này với những huyền thoại tổ tương tự ở miền Đông Nam Á hải đảo Inđônêsia, từ Lom-Bóc đến Kalimăng-tan (5).

Nguồn thư tịch xưa nhất ghi lại huyền thoại Sơn Tinh - Thuỷ Tinh là Việt Điện U Linh có nói rằng hai thần vốn là bạn thân, cùng ở miền khuất nẻo Mê Linh. Huyền thoại sưu tầm từ dân gian Mường - Việt của vùng Ba Vì cũng cho biết với cây gậy thần, Sơn Tinh đã cứu sống con Rắn - là hoá thân của con vua Thuỷ Tề (Bua Khú của người Mường) - bị lũ trẻ chăn trâu đánh chết, Sơn Tinh và con vua thuỷ trở thành bạn, Thuỷ Tinh dắt Sơn Tinh xuống chơi thuỷ cung và được vua Thuỷ trao tặng cuốn sách ước (biểu tượng sức mạnh của nước, như gậy thần là biểu tượng sức mạnh non). Họ trở nên thù địch là vì sự tranh dành nàng con gái vua Hùng, thực chất đấy là cuộc tranh dành quyền lực giữa các thủ lĩnh VÙNG CAO và VÙNG THẤP.

Sơn Tinh dành được con gái vua Hùng là dành được ngôi thủ lĩnh cao. Việc Sơn Tinh thắng Thuỷ Tinh - vượt lên trên sự phản ánh việc chống lũ lụt, đắp đê phòng lụt của người Việt cổ (có người còn cắt nghĩa "Thuỷ Tinh" là biểu tượng "biển tiến" đột ngột, là "giặc biển" v.v... nhưng như vậy là không cắt nghĩa được vì sao hai thế lực Non - Nước này vốn là bạn rồi mới chuyển thành thù) - theo tôi có thể hiểu là sự biểu hiện cái ưu thế chính trị của miền đất cao núi Tản - địa bàn gốc của mẹ Âu, vua Hùng, cũng như của Hai Bà Trưng sau này - đối với miền đất thấp lúc bấy giờ...



3. Trung thành theo đuổi phương pháp tổng hợp - liên ngành, chúng ta còn đạt được nhiều thành tựu khác trong việc "giải mã" huyền thoại và sử cũ về thời đại các vua Hùng. Bằng con đường tiếp cận ngôn ngữ - lịch sử dân tộc - lịch sử, chúng ta đã phục nguyên được danh hiệu VUA HÙNG:

VUA - BUA - BÔ - PÔ = (BỐ)
HÙNG - KHUN = CUN = (THỦ LĨNH)
VUA HÙNG = BỐ CỦA CÁC THỦ LĨNH = THỦ LĨNH TỐI CAO

Cái danh hiệu muộn màng Hùng Vương chỉ là một sự lắp ghép một từ Việt cổ và một từ Hán cổ có nghĩa giống nhau (hay tương tự), y như sự lắp ghép danh hiệu Bố cái đại vương (Bố cái = vua lớn = đại vương).

Cũng vậy, gần đây Cầm Trọng và tôi đã "giải mã" danh hiệu Thục Phán: thời ấy người Việt cổ không thể có họ Thục tên riêng là Phán như thời sau (trong và sau thời Bắc thuộc):

Thục - Túc (như Tô) = đánh giặc, mở đất
Phán - Phắn (như Phanh) = mở đất, mở mường
Thục Phán = vị thủ lĩnh đánh giặc, mở đất, mở mường (cũng như Mỵ Châu = Mế Châu = nàng Ngọc Trai; Ngọc Trai là vật quý miền biển, một đối tượng giao lưu buôn bán và nộp cống quan trọng ở đương thời).

Theo con đường đó, tôi đã nêu giả thuyết về bộ (hay bộ lạc) Văn Lang, Gia Ninh hay Mê Linh của vua Hùng và Hai Bà Trưng là bộ CHIM, bộ Long Biên là bộ Rồng, bộ Luy Lâu là bộ DÂU, bộ Câu Lậu là bộ TRÂU, bộ Tây Vu là bộ RÙA v.v... đó là các vùng địa phương về sau tập hợp thành nước Văn Lang, nước Âu Lạc. Chim - Rồng - Rùa - Trâu - Dâu - không phải là các vật tổ (totem) của cư dân các vùng đó mà là một biểu trưng biểu tượng thiêng liêng của mỗi vùng…

III
Nếu hiện vật khảo cổ Đông Sơn là vật chất thì huyền thoại là hương sắc tinh thần của thời đại Hồng Bàng, thời đại các vua Hùng. Phối hợp các tài liệu trong tổng cấu trúc văn minh châu thổ sông Hồng (văn minh là tổng thể các cấu trúc năng lượng, kỹ thuật, kinh tế, xã hội, tinh thần... với yếu tố liên kết là cấu trúc quyền lực chính trị - Nhà nước) dưới cái nhìn tổng thể đạt được nhờ phương pháp liên ngành, ta thấy ánh lên sự thực lịch sử căn bản này:

Cũng như tiếng Việt là kết quả của sự giao hoà, tiếp xúc giữa các hệ ngôn ngữ Nam Á - Tày - Thái - Nam Đảo của các dân tộc người miền Núi non và miền Biển cả, văn hoá Việt cổ, văn minh Đông Sơn là văn hoá đồng bằng, văn minh lúa nước, là sự hoà hợp của hai nguồn văn hoá núi non và biển cả. Như là sự hoà hợp của Âu Cơ miền núi và Lạc Long Quân vùng biển đã sinh ra vua Tổ Đất Việt, Vua Hùng, ở dưới chân núi Tản bên ngã ba Việt Trì...

Lạc Long Quân còn là "anh hùng văn hoá".

Vua Hùng đã là "anh hùng chính trị", người mở nước, dựng nước đầu tiên.

Việt Nam - đó là văn hoá nước được đắp bồi và liên kết bằng những ảnh hưởng chính trị Núi non.

Nước non, non nước, nước non nhà... là như vậy đó.

(1) Huyền thoại, còn gọi là thần thoại (mythe) là một sản phẩm chủ yếu của thời đại đá.
Huyền tích, còn gọi là truyền thuyết (légende) là một sản phẩm chủ yếu của thời đại đồng thau và sắt sớm. Hai lối tư duy đó tồn tại dai dẳng mãi về sau.
(2) Eberhard, Wolfram: The Local Cultures of South and East China (Những nền văn hoá bản địa ở Nam và Đông Trung Hoa), Leldeh, tr. 219-229.
(3) Hán Thư, Thiên văn chí và Địa lý chí.
(4) Chikameri Masashi (1962) nghiên cứu, đánh giá văn hoá Đông Sơn, dẫn bởi Keith Weller Taylor, The Birth of Vietnam (Sự sinh thành của Việt Nam), California, 1983.
(5) Kenry Ling Roth: The Natives of Sarawak and British North Borneo (Cư dân bản địa ở Xaraoắc và bắc Boócnêô thuộc Anh). Cũng xem K.W. Taylor, đã dẫn trong bài.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved