Home » » Căn bản triết lý người anh hùng Phù Đổng và hội Gióng

Căn bản triết lý người anh hùng Phù Đổng và hội Gióng

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012 | 02:57

Căn bản triết lý người anh hùng Phù Đổng và hội Gióng
Triết lý xã hội và người anh hùng Phù Đổng, theo tôi đã được kết tinh trong đôi câu đối tuyệt vời của Cao Bá Quát, danh sĩ Hà Nội - Bắc Hà - Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX:
Phá tặc dân hiền tam tuế vãn
Đằng không do hận cửu thiên cơ
(Đánh giặc, lên ca hiềm đã muộn
Lên mây, từng chín giận chưa cao)

Đó là một triết lý lãng mạn mà cao đẹp, cái tinh thần lãng mạn cao đẹp của sĩ khí nhà nho binh dân cuối mùa Quân chủ tiếp nốu, ghép nối với tinh thần lãng mạn cao đẹp của huyền thoại, huyền tích và huyền sử trăm ngàn năm trước của kỷ nguyên lịch sử nghìn xưa... Cái nhìn sinh thái - nhân văn về hội Gióng, theo tôi, đã kết tinh trong câu nói dân gian văn vẻ, giản dị mà đạt lý:
Lâm râm hội Khâm, u ám hội Dâu, vỡ đầu hội Gióng
(Mồng bảy (tháng tư) hội Khâm, mồng tám hội Dâu, mồng chín đâu đâu đều về hội Gióng)

Sức cuốn hút văn hoấ như nam châm của hội Gióng, theo tôi, đã được kết tinh trong câu ca dao dân gian, hồn nhiên mà thấu tình:
Ai ơi mồng chín tháng tư
Không đi hội Gióng cũng hư mất đời!

Câu chuyện về người anh hùng kỳ lạ này có một cấu trúc đối ứng, với những nhân tố, những chi tiết tương phản và vì tương phản mà được tôn cao, nổi bật hẳn lên:

- Ông là con của mẹ Đất (mẹ trồng lúa, trồng cà) và cha Trời (mưa giông, gió giật). Là con của mẹ thực và cha ảo (người khổng lồ vũ trụ).

Về mặt xã hội, so với người cha, mẹ là một nhân vật lịch sử có trước, đích thực, tự nhiên, vô điều kiện. Còn cha là một nhân vật lịch sử có sau, chưa chắc đã đích thực, không phải tự nhiên (vì cha không đẻ) và có điều kiện (điều kiện là "giống cha". Vì thế xuất thân người anh hùng tuy "ảo" mà rất "thực". Về mặt này thân phận người anh hùng Phù Đổng huyền sử rất giống (cùng cấu trúc) với những người anh hùng lịch sử trong câu chuyện dân gian: Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn... (Lý Công Uẩn từng ở chùa Kiến Sơ hương Phù Đổng và là người sáng lập nhà Lý và khai sáng Phù Đổng từ một thổ thần thành một thiên vương. Chính ông đã tự hoá thân vào nhân vật Phù Đổng).

- Người anh hùng nhỏ tuổi mà sai khiến được người lớn.

- Người anh hùng con bà mẹ nghèo mà sai khiến được triều đình.

- Người anh hùng tuổi nhỏ mà chí lớn, như tính cách Trần Quốc Toản và biết bao thế hệ trẻ nhỏ anh hùng từ nghìn xưa cho đến hôm nay. Cho nên sự tích Phù Đổng tuy rất ảo mà lại rất thực và chính lối cấu trúc tương phản mà đối xứng đó đã làm nên sức cuốn hút đến say mê của biết bao thế hệ người Việt Nam: "Yếu thắng mạnh, nhỏ thắng lớn", bình thường mà phi thường, dân thường mà anh hùng.

Phù Đổng là biểu tượng của tuổi trẻ anh hùng Việt Nam, biểu tượng của chính Việt Nam, của cả Việt Nam anh hùng. Bởi vậy tôi đã nói đến một hằng số Phù Đổng của lịch sử tuổi trẻ Việt Nam và riêng về lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, thì quả thật có một phép biện chứng Phù Đổng Việt Nam mà nhiều nước lớn, nước mạnh không lường hết được, không lường trước được.

Cấu trúc đối ứng của câu chuyện đậm đà sắc thái văn hoá dân gian này còn thể hiện ở mô-típ vũ khí đánh giặc:
Roi sắt và gậy tre ngà

Về chi tiết này cũng vậy, roi sắt là hữu hạn, gậy tre là vô cùng, roi sắt rồi cũng gãy, tre ngà thì cứ còn mãi mãi. Roi sắt là của Vua quan sai rèn cho Phù Đổng, tre ngà là của Tự nhiên, của dân trồng lên theo tinh thần trường tồn đánh giặc:
Thù này mãi mãi còn sâu
Trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què!

Roi sắt, cũng như vua quan, là cái nhất thời, tre ngà cũng như nhân dân là muôn thuở trường tồn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng "cốt lõi của sự thật lịch sử" trong câu chuyện đầy chất thơ, chất mộng - tức là lãng mạn - về người anh hùng làng Gióng là "một trang sử vẻ vang chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam trong đó nổi bật lên chiến công của con em người dân thường" (Nhân ngày giỗ Tổ đền Hùng 1969).

Người anh hùng đích thực là người anh hùng vô danh và mãi mãi vô danh. Lớn lên "như thổi" trong gian lao vì nạn nước và lớn lên là để cứu nước. Cứu nước xong, thì biến đi chứ không ở lại để kể công, cầu danh, như con em người dân thường, khi có giặc thì đi đánh giặc, giặc tan, lại trở về làm dân, trở về với dân, vô tư vì nghĩa lớn... Vô danh mà tên tuổi vẫn để đời. Đấy là biện chứng lịch sử.

- Trong lễ hội làng Gióng tháng tư mồng chín, không hề có hình tượng Phù Đổng (mà chỉ có hình tượng con ngựa Gióng). Nhân vật Phù Đổng không hề hiện diện trong lễ thức hội Gióng (mà lại có tới 28 nhân vật tướng giặc Ân). Ấy thế nhưng mà Phù Đổng và chiến công của người anh hùng vẫn là cốt lõi trung tâm độc đáo của đám rước ngày hội Gióng. Nghệ thuật ẨN mà HIỆN đến thế thì thực là tài tình.

Ở đầu câu chuyện, ta đã thấy hiển lộ cấu trúc đối ứng - tương phản (nhỏ/lớn). Đến cuối câu chuyện, ta vẫn phát hiện được cấu trúc đối ứng - tương phản:
Ông Gióng cưỡi ngựa sắt bay lên Trời.
Áo giáp còn mắc trên cành cây. Cới áo lưng chừng núi Sóc.

Và "những vết chân ngựa Gióng" còn in hằn trên mặt Đất, mãi mãi in sâu trong lòng Đất, trong lòng Người, trong lòng lịch sử... như chứng cứ muôn đời không phai của kỳ tích anh hùng...

Đấy, theo tôi, cấu trúc thực mà vô thức của câu chuyện người anh hùng làng Gióng được ghi trong sách vở và được kể trong dân gian lưu truyền đến nay là như vậy. Một cấu trúc ĐỐI ỨNG hay có người coi đó là nghệ thuật VANG và BÓNG, làm nên sức hấp dẫn của câu chuyện thần kỳ.

Từ sự phát hiện ra cấu trúc đó mà minh giải các mô-típ tạo thành chủ đề câu chuyện, ta ngày càng hiểu thêm căn bản triết lý người anh hùng Phù Đổng. Bằng trực cảm hay linh giác, danh sĩ Cao Bá Quát đã viết được đôi câu đối "thần cú" về TRIẾT LÝ NHÂN SINH PHÙ ĐỔNG. Nhưng khoa học hôm nay thì thích lý sự và cần lý sự.

Điều quan trọng khi bắt tay lý giải câu chuyện này, cũng như mọi câu chuyện dân gian khác, huyền tích, huyền thoại, huyền sử, Folklore nói chung, theo ý tôi, là sự cần thiết phải thấy rằng CON NGƯỜI, từ xưa đến nay, luôn luôn có hai thế giới:

- Một thế giới thực, "sống ở đời", từng ngày...

- Một thế giới những biểu trưng mà văn hoá, văn nghệ nói chung, Folklore nói riêng, chính là một hệ thống những biểu tượng, những chuẩn mực, những giá trị, những "mã" (codes, mã số, mật mã)... đòi hỏi nhà nghiên cứu phải giải mã... "Vết chân (người khổng lồ) vừa tày năm gang", "Ba năm chẳng nói, chẳng cười trơ trơ", "ngựa sắt", 28 tướng cường nữ nhung", "Ba ván thuận, ba ván nghịch", "làng áo đỏ", "làng áo đen", cái nghĩa thực, còn mang một nghĩa hàm ẩn khác, đòi hỏi chúng ta phải giải mã để hiểu được cái "thông điệp" mà người xưa, qua câu chuyện thần kỳ, muốn truyền đạt lại cho ngày sau...Muốn hiểu thông điệp, thì cần "giải ảo hiện thực" các huyền tích, huyền sử về thánh Gióng...



Mùa thu 86 vừa qua và Xuân 87 mới đây, tôi đã đi thăm lại hầu hết những di tích vật chất có liên quan đến câu chuyện Người anh hùng làng Gióng và nghĩ suy lại về Hiện thực lịch sử Việt Nam được xạ ảnh trong huyền thoại Gióng.

Về thời gian có sự chênh giữa thời gian hội Gióng và thời gian huyền tích Gióng. Cũng như có sự chênh vênh giữa tích truyện thánh Gióng và lễ hội Gióng. Đó là chuyện thường tình của Folklore nói chung.

Hội đền Sóc Sơn - mà có người gọi là hội Gióng đền Sóc diễn ra vào ngày mồng sáu tháng Giêng lịch Trăng, trùng hợp với hội Cổ Loa đền vua Thục, Hội Mê Linh đền Hai Bà, hội Đu Đuồm đền Dương Tự Minh (ở Bắc Thái)... "Thánh" ở đây vốn là Sóc Thiên vương, trấn tướng phương Bắc, muộn màng sau thế kỷ X mới được đồng nhất với thánh Gióng. Phù Đổng vốn là "Xưng thiên thần vương" của Lý. Hội đền Sóc, đó là hội Xuân, một loại hình hội mùa Việt Nam.

Triết lý hội Xuân căn bản là triết lý PHỒN THỰC: Sự gặp gỡ, giao duyên, giao phối gái trai. Ở hội đền Sóc Sơn có lưu hành rộng rãi một hiện vật mang tính biểu tượng mà dân gian vùng đó gọi là cái HOA TRE và được giải thích một cách hữu thức muộn màng là chiếc roi ngựa của thánh Gióng (vọt tre - giang được vót tạo thành một túm xơ ở đầu). Thật ra, dưới mắt nhìn của một nhà dân tộc học, nh khi nhìn chiếc đũa bông cắm trên bát cơm đặt trên quan tài cúng người chết, giáo sư Tứ Chi và chúng tôi phát hiện thấy ngay rằng đó là biểu tượng của DƯƠNG VẬT (Linga) cũng như chiếc NÓ trong cặp đôi NÔ NƯỜNG (Dương vật và âm vật, Linga và Ioni) trong hội Xuân Dị Nâu (Vĩnh Phú) và nhiều nơi khác.

Sau khi lễ thánh, tục giành cướp HOA TRE ở đây diễn ra khồngkhác gì lệ "cướp kén" (NÔ NƯỜNG) ở Dị Nâu. Ngay hội CHÙA HƯƠNG tháng hai khi trước vẫn mang triết lý hội xuân với tín ngưỡng "vào động cầu non" (động Hương Tích với những thạch nhũ được biến thành biểu tượng Linga "Cậu" và Ioni "Cô").

Hội Gióng tháng Tư mồng Chín lịch trăng là hội kết thúc các hội xuân, mùa nông nhàn, để bước vào mùa làm ruộng, vụ mùa tháng tư, là đầu mùa mưa Việt Nam, đầu mùa làm ăn ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ ngày xưa. Đầu tháng tư, đầu mùa mưa miền Bắc thường có dông. Đây là bằng cớ cho huyền tích ông Đổng về hái cà. Cao Huy Đỉnh có lý khi gán các tên Đổng, Dông với Dông. Tiếp nối dòng suy nghĩ đó của bạn mình, tôi đã từng mệnh danh Hội Gióng là Tết Mưa Dông. Tiến hành hội Gióng là tuân theo một nghi lễ nông nghiệp - như tết Pi May của Lào, Chôchnăm Timây của Cămpuchia (khoảng giữa tháng Tư dương lịch). Đó là tín ngưỡng CẦU MƯA. Ở Lào là nghi thức té nước, ở hội Gióng là nghi thức MÚC NƯỚC và RƯỚC NƯỚC về đền tế Thần, ngày mồng Tám. Tôi cho rằng Tết Mưa Dông tháng Tư mở đầu vụ mùa và Tết Cơm Mới tháng mười kết thúc vụ mùa là hai nghi lễ nông nghiệp vào loại cổ nhất của cư dân Việt cổ trồng lúa nước. Như giáo sư Đào Thế Tuấn đã chứng minh từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ này, cây lúa trồng xưa nhất là Lúa mùa và muộn, nó được trồng ở đầu mùa mưa.
Tháng Tư cày vỡ ruộng ra...
Tháng Năm gieo mạ chan hòa nơi nơi.

Nó lớn lên trong suốt mùa mưa và chín (được gặt) vào đầu mùa khô.
Một "vết tích Đông Sơn" khác còn tồn tại nơi Hội Gióng là tục Thờ Mặt Trời. "Mặt trời Đông Sơn" đã chuyển từ biểu tượng "ngôi sao giữa mặt trống đồng" với những cánh chim bay ngược chiều kim đồng hồ sang biểu tượng con ngựa sắt ở huyền tích Gióng (1). Tôi đã có dịp chứng minh huyền thoại về Thần Bạch Mã ở giữa thủ đô Hà Nội (đền Bạch Mã 76 Hàng Buồm) ở Đông Hà Nội. Thần cưỡi ngựa trắng đi từ Đông sang Tây rồi lại quay về Đông và biến mất ở trong đền, để lại các vết chân ngựa trắng, vua Lý Thái Tổ dựa theo các vết chân ngựa mà xây đắp thành Thăng Long. Thần Bạch Mã và đền Bạch Mã trở thành thần trấn (phương) Đông và là một trong "tứ trấn" ở Thăng Long. Đó là một "vết tích Đông Sơn" của nghi thức thờ mặt Trời, có chịu thêm ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ (người Aryens hàng năm giết ngựa trắng tế thần mặt trời). Nghi thức giết ngựa trắng tế thần còn tồn tại ở Việt Nam đầu thời Lê thế kỷ XV (xem Đại Việt sử ký toàn thư).

Trong huyền tích Gióng, con ngựa sắt khạc lửa phi về Đông (núi Châu cầu Thất Gian ở Phả Lại - Lục Đầu) rồi từ Đông phi về tây (Sóc Sơn cuối dãy Tam Đảo ở xứ Đoài cũ, nay thuộc Hà Nội) là tượng trưng sự vận động biểu kiến của Mặt Trời: Ánh sáng, nguồn sống, nguồn sức mạnh trần gian: MƯA và NẮNG, hai nhân tố cần thiết nhất của TRỜI đối với người và với việc làm nông trồng lúa nước. Nếu thời gian Hội Gióng là cuối Xuân (cầu mưa) thì thời gian của huyền tích Gióng lại là cuối Thu (tế thần MẶT TRỜI sắp vắng mặt suốt mùa Đông). Trong huyền thoại Gióng có tích kể rằng: Thánh Gióng có mặc áo giáp sắt vua Hùng trao cho còn hở lưng - do Thánh Gióng sau khi ăn
Bảy nong cơm, ba nong cà
Uống một hớp nước cạn đà khúc sông
đã vươn vai đứng dậy, lớn như thổi thành "người khổng lồ". Vì thế bầy trẻ chăn trâu Hội Xá (Phường Tùng Choặc) đã giắt đầy bông lau quanh lưng Thánh Gióng. Có sách (như Nam Hải dị nhân) chép Thánh Gióng thành người khổng lồ, phải ken cỏ lau lợp thành một cái nhà to để ngài ở. Ai cũng biết: Bông lau chỉ có vào mùa thu, khi mùa mưa kết thúc... Lê Nhân Tuyết đã phát hiện ra "Người Đông Sơn" được chạm khắc trên trống đồng có giắt bông lau trên mũ hóa trang và từ đó bà định vị Hội mùa Đông Sơn là Hội Thu. Mà quả vậy, theo sử sách muộn màng thời cuối Bắc thuộc (như sách Thái Bình hoàn vũ ký...) mà suy thì ở thời đại Đông Sơn - Văn Lang - Âu Lạc (thời kỳ các vua Hùng), hội mùa diễn ra vào dịp sang Thu, khi mùa mưa Việt Nam chấm dứt.
Đầu mùa khô, bông lau nở trắng rừng trắng bãi, Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ X và lớp trẻ mục đồng Hoa Lư (Hoa Lau) còn "dấy binh lấy lau làm cờ" vào hội tập trận giả. Đám trẻ mục đồng xứ Bắc - Phù Đổng Hội Xá - ngày xưa cũng làm như vậy. "Người Đông Sơn" - cũng làm như vậy trong ngày hội mùa thu...

Đầu mùa khô, sau khi gặt hái xong vụ mùa, khi trước là mùa săn bắn: Phong tục này còn đọng lại trong văn hóa Đại Việt Lý Trần (xem An Nam chí lược, An Nam chí nguyên...). Mùa Hội Thu khi trước còn là mùa đua thuyền trên sông biển. Đây là vết tích và biểu hiện của Hội Nước. Đấy cũng là mùa Thả Diều. Cánh Diều như tên gọi (chim Diều) và như hình ảnh thả trên cao - là một biểu tượng của mặt trời thì ngày xưa là nghi lễ nông nghiệp của người lớn, của cả cộng đồng.

Đây cũng là mùa Vật cầu, Hất phết, các trò chơi có liên quan đến quả bóng tròn (ngày trước quả cầu Kinh Bắc để thờ trong các đền thánh Tam Giang đều sơn đỏ, hoặc sơn nửa đen nửa đỏ). Quả bóng tròn và màu đỏ đều là biểu tượng của mặt trời. "Làng áo đỏ" trong hội Gióng, sắc phục đỏ của các "Ông Hiệu" thì cũng như sắc phục đỏ của các "Ông Đảm" trong hội Đồng Kỵ đều là biểu tượng của Mặt Trời. Vì như vậy "Làng Áo Đen" là tượng trưng bóng đêm, để đối lập với sắc đỏ của mặt trời ban ngày.
Nếu Ông Gióng khổng lồ và ngựa sắt là biểu tượng của Mặt Trời thì "28 tướng nữ của giặc Ân" là biểu tượng của "Thần Đêm u ám": Con số "28" là biểu tượng "Nhị thập bát tú" - các vì sao sáng ban đêm, và phải chọn tướng giặc là nữ, vì nữ tượng trưng Âm, để đối lập với Ông Gióng tượng trưng Dương. Nếu giáo sư Tử Chi đã phát hiện ra ở Hội Đống Kỵ qua chi tiết nghi thức "Rô Ông Đám" (khiêng ông Đám mặc sắc phục đỏ chạy vòng tròn theo chiều ngược kim đồng hồ. Chi tiết này cũng y hệt nghi thức "niềm Quân" ở hội "Rước Giá" - vùng Sáu Giá, Hoài Đức - do tôi phát hiện. Một "vết tích Đông Sơn" sống động của tục lệ thờ Mặt Trời, thì ở hội Gióng, tôi cũng phát hiện ra "Vết tích Đông Sơn" thờ mặt trời (mặt trời chính là Ông Gióng và Ngựa Gióng) qua chi tiết rước Ngựa Gióng về Đông (Đống Đàm, Soi Bia) rồi mới rước lại về Tây (về Đền). Và các việc gọi là "Đánh ba ván cờ thuận, nghịch" là biểu tượng trừu tượng nhất ở Hội Gióng về vận động của Mặt Trời: Cờ đỏ tượng trưng Mặt Trời, "Thuận - Nghịch" (đều xoay tròn xuôi, ngược) là tượng trưng vận động của mặt trời từ Đông sang Tây lúc ban ngày và từ tây trở lại đông lúc ban đêm: phải có đủ 3 ván thuận và 3 ván nghịch mới biểu trưng đầy đủ sự vận động biểu kiến của mặt trời trên bầu trời. (Và dân gian ngày trước có quan niệm ban đêm mặt trời "quay ngược lại" từ tây về đông (mà ta không thấy) để đến sáng mặt trời lại bắt đầu quay từ Đông sang Tây cho đến xế chiều).

Ta có thể thấy rõ: Huyền tích Gióng thoạt kỳ thủy là một huyền tích về mặt trời và Hội Gióng thoạt kỳ thủy là một nghi lễ nông nghiệp cấu trời "Mưa nắng phải thì" cho dân quê làm ruộng trồng lúa.

Chi tiết hay nhất của cư dân làm ruộng lúa phú cho ông Gióng trong huyền tích "lớn lên như thổi" là nhờ " Bảy nong cơm" tức là nhờ LÚA GẠO của nền VĂN MINH LÚA NƯỚC Việt Cổ và Đông Nam Á cổ. Mô-típ về một đứa bé sau khi ăn rất nhiều cơm đã lớn lên phi thường với tầm cỡ anh hùng khổng lồ được tìm thấy trong truyền thuyết dân gian ở nhiều vùng Đông Nam Á, ví dụ ở anh hùng dân gian đảo Lambok nói về cội nguồn cư dân Sasak (2).

Không gian phân bố các di tich có liên quan đến huyền thích Gióng là một miền chân núi châu thổ Bắc Bộ, được khoanh lại trong vùng Tam Giác nâu, với 3 đỉnh là:

1 - Làng Phù Đổng bên bờ sông Đuống: Quê hương và là nơi xuất phát của Thánh Gióng, người khổng lồ ba tuổi.

2 - Núi Châu Cầu (Vũ Ninh nay thuộc Quế Võ) ở Lục đầu Giang: "Chiến trường" chống "Giặc Ân xâm lược, nơi Thánh Gióng giết tướng giặc Ân là Thạch Linh (tinh Đá). Ta chú ý rằng ở đâu chỉ có di tích về "giặc", còn đền thờ Gióng là ở phía nam sông Đuống ("đền Thượng" thuộc Cao Đức, Gia Lương). Dường như ở đây có hai tuyến: tuyến "giặc" ở bắc Đuống, tuyến "ta" ở nam Đuống.

Đây vẫn là một cấu trúc "đôi" văn hóa - xã hội thường thấy.

3 - Núi Sóc hay đặng núi Sót - đúng hơn là miền "trước núi" của dải Tam Đảo hùng vĩ: Nơi Thánh Gióng cưỡi ngựa bay lên trời.

Nối Châu Sơn và Sóc Sơn là một sống đất cao dần lên, trên đó điểm từng cụm - "Vết chân ngựa Gióng".

Đó là không gian của một "bộ" (vùng) - bộ Tây Vu trong phức thể gọi là 15 bộ hợp thành "nước" Văn Lang của các vua Hùng - hay là vùng chân núi giáp đồng bằng, cái nôi của văn hóa Việt và người Việt cổ.

Sau này, từ đầu thời Lê, khi hinh thành cụm đền Hùng trên núi Hi Cương thì xuất hiện "Đền Thượng" thờ Thánh Gióng, đền Trung, đền Hạ và đền Giếng muộn màng thờ các "công chúa" con gái vua Hùng. Đây là một bố cục rất đáng lưu ý và góp phần cho ta tìm hiểu lại "Đền Thượng" (thờ Gióng), đền Hạ (thờ mẹ Gióng) ở Phù Đổng. Cụm "đền Thượng", "đền Hạ" ở Sóc Sơn cũng vậy.

Tôi nhấn mạnh chi tiết này: Đền Hạ hay đền Giếng thờ Mẹ hay các Nàng là tượng trưng "thế giới bên dưới" ĐẤT - NƯỚC. Còn các đền thờ Gióng bao giờ, ở đâu cũng được gọi là ĐỀN THƯỢNG. Rõ ràng trong xạ ảnh về bố cục và tên gọi đền, dù muộn máng (tên Hán - Việt), Gióng vẫn là tượng trưng của "thế giới bên trên": MÂY - DÔNG - TRỜI.



Tôi đã ra đi từ chân núi Sóc, qua Phù Đổng tời Châu Cầu, Thất gian, lần ngược trở lại "Hành trình của người anh hùng làng Gióng", băng qua Tam giac nâu không gian sinh tồn của người Việt cổ với những mối bận tâm chính là LÀM ĂN và ĐÁNH GIẶC rồi/và sự DI TRUYỀN BẢO TỒN NÒI GIỐNG, SỰ VUI CHƠI TRAO DUYÊN TRAI GÁI trong khi và sau khi lao động trồng trọt và đánh thắng giặc xâm lăng. Tôi nhận diện:

1 - Vết chân ngựa Gióng: Làm ăn, chủ yếu là làm ruộng trồng lúa, thì mối quan tâm chính là nước. Nước mưa, trời cho, theo thời mà làm ruộng. Vậy phải mong mưa cầu trời, "ơn Trời mưa nắng phải tì". Nhưng trời cũng hay hạn hán, thiếu nước, nhất là trên đất "đồng đường", dải gờ cao sóng đất chạy từ chân núi Sóc đến chân núi Châu Cầu. Dọc theo sóng đất đó, từ Quế Võ qua Đông Ngàn - Đa Phúc là một mạng vừa rải rác, vừa đặc dày những "vết chân ngựa Gióng". Đi theo vết chân ngựa Gióng, tôi cùng các giáo sư Đào Thế Tuấn, Tử Chi... phát giác rằng đó là những ao chuôm trữ nước, tát trợ thời cho các cánh ruộng lúa quanh vùng khi chờ mưa hay phải năm hạn hán. Đó là một hệ thống thủy lợi khôn ngoan của người dân quê Việt cổ trồng lúa nước miền chân núi và miền châu thổ... Dân cổ xưa và dân hằng xuyên là người NÔNG DÂN TRÒNG LÚA "chân cứng đá mềm" KHOE VÌ LÚA và LỚN LÊN NHỜ LÚA GẠO.

2 - Những bụi tre đằng ngà xưa kia còn mọc thành rừng, ở quanh Hồ Tây, ở ven sông Đuống, sông dâu, sông Cầu.... CHẶT TRE NÊN GẬY; Kho vũ khí thông thường và phổ biên của người dân quê. Xin chú ý: theo Sử Giao châu tập thì cho đến thế kỷ XIII vũ khí luôn cầm thay của quân đội thời Trần là CÂY GẬY TRE. Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo cũng cầm gậy tre bịt sắt nhọn một đầu, sau e ngại cái mặc cảm của triều đình đã bỏ luôn cả phần bịt sắt.

3 - Cọc buộc ngựa trên một sườn của đất Vũ Ninh sơn (Châu Cầu thất gian) tôi đã tận mắt nhìn thấy cái gọi là "Cọc buộc ngựa của giặc Ân". Đó là một trụ đá nhân tạo, cao trên dưới 4 mét, trên nhỏ có ngãng, dưới to cò ngõng cắm xuống một PHIẾN ĐÁ thời Lý tựa như trụ đá chùa Đạm (cũng ơ Quế Võ tức châu Vũ Ninh thời Lý,nơi sử sách chép nhà Lý dựng nhiều chùa: Lâm Sơn, Sùng Nghiêm, Chúc Thánh... với hình tượng gương vật và ám vật, biểu tượng của Sự sống, của Sức Mạnh Trần Tục, sự sống và sức mạnh vĩnh hằng... Đại Việt sử lược có đoạn chép (Quyển TT, tờ 7b): Năm Minh Đạo thứ 2 (1043) mùa Hạ, tháng Tư, vua (Lý Thái Tôn, Phật mã) ngự đền chùa Tùng sơn ở châu Vũ Ninh, thấy trong tòa điện đó, cột đá bỗng nhiên dựng thẳng lại. Nhân đó, vua sai nho thần làm bài phú để ghi lại việc lạ ấy. "Phải chăng đó là cột đá Châu Cầu"?

4 - Ngựa đá giặc Ân. Theo huyền thoại, Thạch Linh, tướng giặc Ân rất tàn cá, sai làm con ngựa đá rồi bắt dân phải cắt cỏ cho ngựa đá ăn, nếu ngựa không ăn, người dân bị giết chết...

Thánh Gióng thắng giặc Ân, ngựa đá bị quật gãy, đầu một nơi, mông đuôi một nẻo, lá gan "tím sậm" phòi cả ra ngoài.

Trước mắt tôi, trền sườn núi Châu Cầu, là một tượng ngựa đá thời Lý, tạc theo phòng cách nghệ thuật điêu khắc Chăm. Nhìn "ngựa đá giặc Ân", mỹ cảm của tôi liên tưởng ngay đến hình ngựa đá Trà Kiệu của vương quốc Champapura với thủ đô Sinhapura của nó. Ngựa Trà Kiệu cũng như ngựa Châu Cầu là biểu tượng của môn thể thao HÁT PHÉT (Polo) rất thịnh hành ở Campapura và Đại Việt các thể kỷ X - XIII.

Như thể trên núi Chân Cầu Vũ Ninh xưa đã chứa đựng một công trình kiến trúc mỹ thuật thời Lý, một kiến trúc chùa tháp nào đấy mà việc xây dựng - như An Nam chí lược đã ghi, có bàn tay của nhiều thợ xây dựng Việt - Chăm, gốc gác từ từ bình trong chiến tranh.

Chỉ với 4 di tích nói trên, được kết cấu trong một huyền thoại muộn màng trong và sau thời Lý, ta thấy nổi bật hình ảnh Đại Việt - Việt Nam: SẢN XUẤT (lúa gạo), CHIẾN ĐẤU (gậy tre), YÊU ĐƯƠNG và DI TRUYỀN NÒI GIỐNG (Linga và Inoi), VUI CHƠI GIẢI TRÍ (hất phết, vật cầu, tàn tích được trò-chơi-thế-tục-hoá của tín ngưỡng mặt trời xưa).

Công việc "giải ảo hiện thực", trong câu chuyện huyền thoại người anh hùng làng Gióng dẫn ta đến việc tìm hiểu được Tâm thức dân gian - dân tộc, tìm hiểu được mối bận tâm hằng xuyên của Đại Việt - Việt Nam, từ triều đình đến thôn quê. Đó là làm ơn - đánh giặc - giao phối - vui chơi.

Ở cả bốn khẩu đó trong sinh hoạt người đời đều nổi bật lên một yêu cầu, một chủ đề biểu hiện: Sự khoẻ khoắn, cái khoẻ Việt Nam, cái khoẻ vĩnh hằng mang tính nhân loại...

*
* *

Ai cũng biết, như một Quy luật, huyền thoại phai dần, vỡ dần ra và còn từng mẩu tách rời hay được ghép vào các truyện cổ tích...

Như một quy luật, huyền thoại được thời sự hoá và lịch sử hoá. Anh hùng thần thoại trở thành anh hùng trong tôn giáo, trong đạo giáo, như ở nước ta.
Từ một thần thoại về MÂY DÔNG - MẶT TRỜI, nó biến dần thành một câu chuyện truyền kỳ về đánh giặc.

Từ một người anh hùng văn hoá, anh hùng huyền thoại, ông Gióng được biến dần thành người anh hùng chống ngoại xâm được tôn thờ. Chiến trường Thánh Gióng đánh giặc Ân là chiến trường truyền thống của người Việt chống giặc Bắc: Lý chống Tống, Trần chống Nguyên - Mông và trước đó, Lê Đại Hành phá Tống...

Một khi kiến trúc trên núi Châu Cầu đã trở thành phế tích thì ở nơi chiến trường xưa, từng mẩu thần thoại cổ được sử dụng để hư cấu ra một huyền thoại mới...

Với huyền thoại Gióng, người anh hùng làng Phù Đổng đã trở thành người tượng trưng vĩnh hằng của các anh hùng Việt Nam chống giặc Bắc...

Và Hội Gióng, từ một tín ngưỡng về lễ nghi nông nghiệp cổ truyền CẦU MƯA, THỜ THẦN MẶT TRỜI, với thời gian lịch sử đắp đổi, đã trở thành một tín ngưỡng thờ ANH HÙNG CHỐNG GIẶC và một nghi lễ diễn xướng ANH HÙNG CA.

Giờ đây người anh hùng văn hoá - thần thoại đã chìm trong vô thức mà người anh hùng chống giặc luôn hiện hiện trong hữu thức.

Giờ đây, nghi lễ nông nghiệp đã chìm trong vô thức mà lễ diễn xướng anh hùng ca dân gian thì luôn luôn là phần HỮU THỨC của Hội Gióng.

Hà Nội, cuối Xuân 1987.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved