Home » » Chương trinhfVostok Phần 1

Chương trinhfVostok Phần 1

Written By kinhtehoc on Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012 | 01:57

Loạt bài viết này được Nguyễn Mạnh Dũng(redflag)- thành viên CLB thiên văn nghiệp dư TP.HCM, dịch từ quyển Rockets and People - Hồi ký của Boris Chertok (1912 -) - Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (Nga), Phó Tổng công trình sư Hệ thống điều khiển tàu vũ trụ, là một trong những nhân vật then chốt trong chương trình không gian của Liên Xô.
Ảnh: Nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin trên bìa báo Time số ra ngày 21/4/1961

Phần 1: Quá trình chuyển bị cho chuyến bay

Theo như những nghiên cứu lịch sử chính thức, thời đại của những chuyến bay có người vào vũ trụ được bắt đầu với chuyến bay của Yuri Gagarin ngày 12 tháng 04 năm 1961. Nhưng với chúng tôi – những người làm việc trong lĩnh vực chế tạo và phát triển tàu vũ trụ, ngày thực sự được công nhận là ngày 15 tháng 05 năm 1960.
Suốt từ sự kiện 15 tháng 05 năm 1942 với chuyến bay đầu tiên trên máy bay dùng nhiên liệu tên lửa BI-1 của Bakhchivandzhi, ngày 15 tháng 05 có liên quan nhiều đến các sự kiện hàng không vũ trụ của chúng tôi: 15/05/1957 - tên lửa đầu tiên R7, 15/05/1958 – Sputnik-3, 15/05/1960 – Korabl – Sputnik đầu tiên (Korabl – Sputnik có nghĩa là phi thuyền – vệ tinh, tên đặt cho các phiên bản tương tự tàu Vostok, được phóng vào khoảng thời gian 1960 – 1961), và nhiều sự kiện nổi bật khác liên quan tới ngày này.

Ba mươi năm sau chiến thắng của Gagarin, có một vài nhà báo đã tung những tin giật gân về bí mật của các phi hành gia Xô viết. Không có bất cứ bằng chứng nào, họ viết về bi kịch của các phi hành gia – những người đã bay vào không gian trước Gagarin. Một trong số họ đã vĩnh viễn ở lại không gian, những người khác thì bị thiệt mạng vì tên lửa nổ ở bãi phóng, một kịch bản thứ ba là những người mở radio nghe thấy những tiếng thổn thức hoặc thở dài của họ trước khi họ thực hiện nhiệm vụ. Thêm vào những câu chuyện bịa đặt này, các bài báo còn cung cấp cả họ tên những phi hành gia xấu số đó. Tất cả những điều này hoàn toàn là giả dối!

Nhưng sự việc đó không chỉ xảy ra trên đất nước chúng tôi. Đối với người Mỹ, 3 năm sau khi các phi hành gia lần đầu tiên đặt chân tới Mặt Trăng, một cuốn sách được xuất bản tuyên bố rằng không có chuyến bay đó, và những thước phim giả dối đó được dựng trong trường quay bí mật. NASA đã phản ứng mạnh mẽ, scandal xảy ra sau đó đã vô tình góp phần cho thành công lớn “vang dội” của cuốn sách vu khống. Tác giả và nhà xuất bản đã tạo ra “một cái chết” từ những lời nói dối trơ tráo.

Tôi cũng từ đó mà chứng minh và nghiêm túc khẳng định một lần nữa rằng: trước chuyến bay của Gagarin, không có bất kỳ con người nào đã bay vào không gian từ lãnh thổ của Liên bang Xô viết. Trước chuyến bay của Gagarin, vào ngày 03/03 năm 1961, Valentin Bondarenko, một thành viên của đội phi hành gia thứ nhất, đã tử nạn bởi hỏa hoạn trong buồng áp suất trong một buổi tập định kỳ. Đó là lỗi sai sót cá nhân và điều đó là không thể tránh khỏi trong công nghệ vũ trụ. Trong suốt diễn biến của kỷ nguyên vũ trụ đến giờ, các phi hành gia Komarov, Dobrovolsky, Volkov và Patsayev đã hy sinh trong các tai nạn tàu vũ trụ. Người Mỹ trong thời gian tương tự, đã mất 17 phi hành gia: 3 người trong hoả hoạn kiểm tra mặt đất tàu Apollo, 7 người trong vụ nổ tàu Challenger khi phóng và thêm 7 người trong vụ tàu Columbia bốc cháy khi trở về Trái Đất.
Valentin Bondarenko (1937 - 1961), người đầu tiên hy sinh trong sự nghiệp chinh phục vũ trụ
Các phi hành gia vẫn qua đời sau khi họ trở về, bởi những tai nạn và bệnh tật. Yuriy Gagarin đã tử nạn trong khi tập luyện với máy bay. Pavel Belyayev đã trở về Trái Đất một cách thần kỳ khi nhiệm vụ Voskhod 2 gặp trục trặc (nhiệm vụ con người lần đầu tiên bước ra ngoài khoảng không vũ trụ) tuy nhiên sau đó có 5 năm, Belyayev đã qua đời trên giường bệnh vì bị nhiễm trùng sau ca phẫu thuật. Nhà vật lý Boris Yegorov là thành viên của phi hành đoàn 3 người bay trên Voskhod 1, chuyến bay không cần trang bị bộ quần áo bảo vệ, anh đã qua đời nhiều năm sau đó vì bệnh tim. Các phi hành gia G.Titov, N.Rukavishnikov và G.Strekalov đã vượt qua những tình huống hiểm nghèo trong chuyến bay vũ trụ, họ không chết trong không gian nhưng đã chết dưới mặt đất bởi bệnh tim mạch và ung thư.

Các tai nạn đã xảy ra với tàu vũ trụ trước chuyến bay của Gagarin nhưng đó là các chuyến bay thử nghiệm tự động hoặc mang theo chó. Hệ tư tưởng thời bấy giờ chỉ cho phép chúng tôi công bố những thành công và giữ bí mật với những thất bại.

Thật là bất ngờ vì đối lập với hệ tư tưởng tự do, không cần giữ bí mật thì thế giới lại không biết gì về những kiến trúc sư thật sự trong chương trình không gian của người Mỹ, ngoại trừ Wernher von Braun, người chỉ đạo phát triển động cơ tên lửa. Ai là các kiến trúc sư trưởng của tàu vũ trụ Mặt Trăng, của động cơ, của hệ thống điều khiển? Tên và địa chỉ của các tập đoàn, các trung tâm khoa học, tên của những người quản lý đứng đầu được công bố rộng rãi, nhưng tên của những kiến trúc sư thật sự chỉ gói gọn trong hai từ “chuyên gia”.

Các Tổng công trình sư của chúng tôi được dựng tượng đài hoặc bia mộ sau khi họ qua đời để tỏ lòng tôn kính, trong khi họ còn sống, họ được nhận Huân chương Anh hùng Lao động, phong tặng danh hiệu và được nhận nhiều Huân huy chương cao quý khác, trong khi những người Mỹ “nghèo nàn” nhận được tiền, những căn nhà tiện nghi, xe ô tô sang trọng và được công nhận là công dân kiểu mẫu.

Điều khiến tôi muốn “lạc đề” trong những dòng viết này là bởi những cảnh phát trên TV mà hàng triệu người xem về những thước phim phóng tàu vũ trụ, phỏng vấn các phi hành gia và những người đứng đầu quản lý, nhưng rất hiếm khi xuất hiện với những người đã tạo ra công nghệ tên lửa và vũ trụ, mặc dầu họ là những người mang gánh nặng và chịu trách nhiệm chính, tạo ra các kỳ tích nhưng họ hoạt động vô hình.
Những bước đi đầu tiên

Những khảo sát ban đầu về tính khả thi cho việc chế tạo một vệ tinh quỹ đạo “với một người trong tàu” được khởi xướng vào tháng 8 năm 1958. Mikhail Tikhonravov và Konstantin Feoktistov là những cá nhân đầu tiên đóng góp cho dự án. Năm 1958, lên kế hoạch thực hiện phát triển hệ thống điều khiển, hỗ trợ sự sống và các hệ thống khác.
Kỹ sư, phi công vũ trụ K.Feoktistov (1926 - 2009)K.Feoktistov làm việc như một công trình sư về mặt lý thuyết. Trải qua các dự án tham gia thiết kế tàu vũ trụ, từ dự án Vostok tới Soyuz, anh ấy đã cho thấy là người có những ý tưởng sắc sảo trong số tất cả các nhà thiết kế mà tôi đã từng làm việc. Điều đó thật ngoài sức tưởng tượng khi hình dung sự kiên nhẫn của Korolev để chịu đựng tính bảo thủ của Feoktistov – và sự thiên vị quá mức của Korolev cũng là nguồn gốc ranh giới cho sự cuồng tín. Một vài đồng nghiệp của tôi phàn nàn về tính độc đoán của Feoktistov, cách anh ấy thảo luận về các vấn đề thiết kế, điều này là phù hợp khi trong các thiết kế không thể xét tới các mối quan hệ cá nhân. Về sau, Feoktistov phải thích nghi với các khuôn phép văn hoá. Sự cuồng tín của anh ấy được giải thích bởi ước mơ sẽ được bay vào không gian và giấc mơ của anh ấy thành sự thật chỉ không lâu 3 năm sau chuyến bay của Gagarin (Voskhod 1- 1964).

Tháng 04 năm 1959, bản vẽ bí mật về sơ đồ tàu vũ trụ Vostok đã được hoàn thành, trong khi những tính toán đạn đạo với module quỹ đạo hoàn thành sau tháng 05. Kế hoạch cho chuyến bay có người có thể được đẩy nhanh chỉ với sự trợ giúp của giới quân sự. Chúng tôi đã kéo dài sự kiên nhẫn của giới quân sự bằng cách dùng tầm xa của tên lửa, khiến bất ngờ đối với các chuyên gia quân sự và từ đó các tên lửa tập trung để phóng tới Mặt Trăng, sao Hỏa và sao Kim. Tên lửa R-7 và phiên bản cải tiến của nó R-7A (8K74) với tầng thứ 3 – block Ye được thêm vào, có khả năng mang một tải trọng với khối lượng trên 5 tấn lên quỹ đạo gần Trái Đất. Điều này đủ để bắt đầu những thực nghiệm với phóng tàu mang theo người.
Người Mỹ đã vô tình gián tiếp cung cấp cho chương trình của chúng tôi. Theo sáng kiến của CIA, họ bắt đầu phát triển một vệ tinh gián điệp. Những thước phim trong đó cảnh vệ tinh Discoverer quay về Trái Đất trong một khí cụ đặc biệt. Tôi phải thừa nhận rằng người Mỹ đã vượt chúng tôi ở những vệ tinh này, cho đến năm 1959, chúng tôi vẫn chưa có công nghệ thu hồi những thiết bị phóng từ quỹ đạo.

Câu hỏi làm thế nào để quay về Trái Đất là vấn đề hàng đầu trong cả các chuyến bay có người lẫn các chuyến bay mang thiết bị chụp ảnh và hoạt động do thám khác. Một bản nghị quyết quan trọng bí mật của Chính phủ đối với chương trình Vostok ngày 22/05 năm 1959, nhằm thống nhất các tầm quan trọng này. Văn bản chỉ định cục OKB-1 chịu trách nhiệm phát triển các thiết kế hệ thống vệ tinh gián điệp tự động. Việc phát triển các vệ tinh do thám, hàng hải được tuyên bố là nhiệm vụ quân sự khẩn cấp. Với sự giúp đỡ của Mstislav Keldysh và Konstantin Rudnev, Korolev đã thêm 7 từ vào trong bản nghị quyết này: “…và còn là một Sputnik cho chuyến bay có người, and also a sputnik for human flight”. Điều này đưa đến kết quả là sự hợp nhất công nghệ các thành phần thiết kế chính của tàu vũ trụ Vostok với tàu Zenit – tàu vũ trụ trinh sát đầu tiên.
R7- Rocket

Văn phòng của Uỷ ban Hội đồng Kỹ thuật Quốc phòng đưa ra nghị định, có thêm tên của Korolev và các Tổng công trình sư khác. Tổng bí thư Nikita Khrushchev đã nhận và ký ngay mà bỏ qua bất cứ thủ tục rườm rà nào. Khrushchev hiểu sâu sắc về thành công của chuyến bay có người vào vũ trụ sẽ nâng thanh thế và chứng minh tính siêu cường của Liên Xô trên toàn hệ thống xã hội.

Kết quả thu được từ việc phóng các tàu vũ trụ đầu tiên trong chương trình thám hiểm Mặt Trăng, sao Kim và sao Hỏa nói lên rằng chúng tôi cần phải có những cải tiến thiết kế để đạt tới độ tin cậy cho một chuyến bay có người.

Khi chúng tôi thảo luận để chọn lựa cấu hình thiết kế tàu quay trở lại Trái Đất, chúng tôi đã xem xét hàng loạt phương án về hình dạng và cấu trúc của module thu hồi. Vào một trong những phiên họp sôi nổi, khi mà tất cả thời gian dành cho những tranh luận, dưới áp lực từ Tikhonravov và Feoktistov, Korolev đã quay lại sử dụng cấu hình hạ cánh kiểu đạn đạo và module thu hồi có dạng hình cầu. Kiểu module này có vùng chịu nhiệt đáng tin cậy và đơn giản nhất cho cả các chuyên gia khí động học và các nhà thiết kế. Tất cả phần cứng không cần thiết sẽ được ngăn với module thu hồi thành 2 phần riêng biệt: một bộ phận thiết bị và một bộ phận lắp ráp, phần này sẽ tách ra trước khi tàu quay lại bầu khí quyển. Không giống với máy bay, chúng tôi có cơ hội để kiểm tra độ tin cậy của phương tiện mang người mà không cần có người điều khiển!

Mục tiêu của chuyến bay có người vào không gian được quy định trong nghị định của Chính phủ đưa ra ngày 10/12/1959. Một sơ đồ bản vẽ về phiên bản tàu vũ trụ 1K tự động được hình thành trong thời gian 3 tháng. Korolev duyệt nó ngày 26/04/1960.

Tuy những chuyến bay không người gặp thất bại nhưng có những lời đồn đại thổi phồng tràn ngập trong các bài báo của người Mỹ về sự chuẩn bị cho những chuyến bay có người bằng tên lửa Atlas. Cuộc phóng thử nghiệm của tên lửa đánh chặn này bắt đầu vào ngày 11/06/1957, gần như đồng thời diễn ra với tên lửa R7 của chúng tôi. Tuy nhiên, nó không đạt tới tầm xa theo thiết kế cho đến lần phóng thứ 11 vào ngày 28/08/1958. Sau một loạt các cải tiến, tên lửa này đã có khả năng mang một tải trọng trên 1,300kg vào quỹ đạo. Điều này cho phép người Mỹ có cơ sở để thiết kế tàu vũ trụ Mercury và lên kế hoạch chuyến bay có người vào năm 1961.

Sự từ bỏ quyền ưu tiên và để người Mỹ đưa người vào không gian sau tất cả các chiến thắng trước đây của chúng tôi là một điều không thể. Vào ngày 11/10/1960, Khrushchev đã ký nghị quyết quy định thời hạn cuối cùng phải thực hiện nhiệm vụ chuyến bay có người vào vũ trụ…
(Còn tiếp)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved