Home » » VÀI ĐIỂM TRÁNH TRONG TÂM THỨC HỌC-PHẦN3

VÀI ĐIỂM TRÁNH TRONG TÂM THỨC HỌC-PHẦN3

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012 | 21:16

chương thứ sáu
ý chí ham muốn cảm xúc (volonté désir emotion)
ý muốn sống
Ý Chí Minh Triết Hoạt Ðộng (Vonlonté Sagesse Activité) là Ba Trạng thái của Chơn Thần mà cũng là Ba Trạng thái của Chơn Nhơn.
Chúng ta biết rằng: chúng ta sanh ra ở cõi Trần bởi vì chúng ta muốn sống ở mấy cõi thấp và ấy là ý chí quyết định sự tạm cư của chúng ta tại thế gian. Thường thường, lúc đầu tiên của sự tiến hóa thì con người thật hiện một cách bất toàn Bản Tánh, quyền năng và công nghiệp của ý chí biểu hiện ra như là Sự Ham Muốn.
Ý Chí là gì? Ý Chí là quyền năng của Tâm Thức, luôn luôn nó bị che khuất trong Bản Ngã, nó ẩn mình sau trạng thái Minh Triết và Hoạt Ðộng, nhưng nó thúc đẩy hai trạng thái này biểu hiện ra. Bởi nó bị che khuất cho nên nhiều người cho nó với sự hoạt động chỉ là một và không công nhận nó là một trạng thái của Tâm Thức. Ý Chí là quyền năng làm ra nền tảng của sự hiểu biết, nó kích thích sự hoạt động. Tư tưởng là một sự hoạt động sáng tạo còn ý chí là nguyên động lực.
Những Thể của con người chỉ là những Thể mà thôi, Bản Ngã uốn nắn vật chất thành ra những hình dạng đặng xuyên qua những hình dạng nầy nó hiểu biết và ảnh hưởng đến những gì ở chung quanh nó.
Trong quyển Chandogyopanishad, VIII, XII, 1, 4, 5 có mấy câu nầy:
"Ô Maghatvan! Xác thân này phải chết, nhưng nó là chỗ nghỉ ngơi của Atma bất tử không có thể xác. Hai con mắt ở đó như là những cơ quan để quan sát của Ðấng ở trong con mắt. Ai nói: Tôi sẽ ngửi. Ấy là Atma nó muốn ngửi mùi vị. Ai nói: Tôi sẽ nói. Ấy là Atma nó muốn nghe những âm thanh. Ai nói: Tôi sẽ suy nghĩ. Ấy là Atma.
Cái Trí là con mắt của Trời quan sát những vật đáng chuộng. Nhờ con mắt của Trời mà Atma thưởng thức tất cả".
Ấy là quyền năng bí mật, quyền năng phát động sự tiến hóa.
Quả thật ý chí của Thượng Ðế đã vẽ ra con đường của sự tiến hóa, quả thật có những Ðấng Cao Cả đủ các cấp bực dìu dắt những sanh vật trên con đường nầy, song người ta ít chú trọng đến vô số những kinh nghiệm, những sự thất bại, những sự thành công, những con đường khúc khuỷu, những chỗ quanh co do những sự dò dẫm của những ý chí riêng biệt.
mỗi ý muốn sống
đều tự mình tìm cách biểu hiện
Thật ra ấy là Bản Ngã thiêng liêng đang mò mẫm, tìm kiếm, chiến đấu. Lúc ban sơ, nó có thể bị những Thể của nó tạo ra đặng biểu hiện hạn chế nó, nhưng thời gian qua, dần dần nó tiến hóa, nó khắc phục và sử dụng được những Thể bao bọc nó, nó thành ra một vị chủ nhơn thay vì trước kia nó ngơ ngác.
Ðiều nầy rất dễ hiểu là tại Phàm Nhơn ở dưới Trần nghe theo lời xúi giục của ba Thể: Thân, Vía, Trí nên gây ra muôn vàn tội lỗi.
quyền năng của ý chí
Quyền năng của ý chí là năng lượng tinh thần tạo lập và bảo tồn các thế giới.
Trong mình con người, bộ thần kinh là khí cụ của ý chí dùng để biểu hiện tại cõi Trần.
Muốn mở mang ý chí thì phải tập trung tư tưởng vào một vấn đề thôi, giải quyết nó xong thì mới bắt qua việc khác. Ðừng cho Cái Trí vởn vơ thả hồn theo mây khói. Nếu biết việc nào lành rồi thì cương quyết đem nó ra thực hành, mặc dầu phải vượt qua không biết bao nhiêu chướng ngại. Phải luyện tập từ việc nhỏ nhặt cho tới việc lớn lao. Phải tập cho có thói quen thì sau tất cả đều sẽ dễ dàng.
Thí dụ mỗi ngày quyết định năm giờ rưởi sáng thức dậy, thì đúng năm giờ rưởi sáng phải ngồi dậy, dù còn buồn ngủ cũng đừng ngủ nữa. Nội trong nữa tháng như vậy là có thói quen. Ðúng năm giờ rưởi sáng thì tự nhiên thức dậy, khỏi đợi ai gọi.
Phải tập đứa trẻ cho có thói quen cương quyết. Mỗi ngày bắt nó phải làm một việc nào đó, thí dụ lại ngồi trên ghế đọc một bài trong quyển sách Luân Lý vào giờ nó rảnh.
Phải bền lòng tập ý chí từ kiếp này qua kiếp kia.
Trong quyển Dưới Chơn Thầy đoạn "Lòng Tin Cậy" có hai câu nầy:
a). "Con là một Ðiểm Linh Quang của Ðức Thượng Ðế và Ðức Thượng Ðế toàn năng ở trong mình con và vì lý do nầy: không có cái chi con không làm được nếu con có ý chí.
b). "Nếu con muốn bước vào Ðường Ðạo thì ý chí của con phải cứng cỏi như thép đã trui".
Những người thuộc về Cung thứ Nhất, ý chí rất cứng cỏi, rất cương quyết. Nếu tôi nhớ không lầm thì Ðức Leadbeater có nói như vầy: "Khi tôi muốn hiện hình ra thì tôi phải chọn lựa các chất Thanh Khí rồi kết hợp lại. Còn người bạn của tôi muốn hiện hình thì hiện ra liền, ý chí của ông rút những chất khí cần thiết lại khỏi phải chọn lựa". Thấy việc nầy rồi mới hiểu được quyền năng ý chí như thế nào.
Trong quyển Giảng Lý Ánh Trên Ðường Ðạo, qui tắc 5-8, Ðức Leadbeater cũng có nói: Một người hoàn toàn tin chắc ở sức mạnh của mình thì có thể trải qua những sự nguy hiểm khác nhau mà không bị hại bởi vì sự tin chắc của y rất xác thực. Sức mạnh hoàn toàn làm tiêu mất sự ghê tởm. Chúng ta lùi bước trước một bịnh truyền nhiễm vì sợ bị lây, nếu chúng ta tin chắc ở sự không bị nhiễm của chúng ta thì chúng ta không có ý tưởng về sự truyền nhiễm nữa.
Ngày nay người ta biết rất nhiều về sự ích lợi của quyền năng ý chí.
Những Trường của các Phái:
1. Nguyên lý Cơ Ðốc Giáo (Science Chrétienne).
2. Khoa Học Tâm Ý (Science mentale).
3. Gợi cảm trị liệu (Thérapeutique saggestive) nhờ lợi dụng quyền năng của ý chí mà thành công trong nhiều trường hợp.
hãy đề phòng
Có nhiều quyển sách dạy tập trung tư tưởng vào Tùng Thái Dương (Pléxus solaire) có phải là trong Ðạo Ðức gọi là Ðơn Ðiền không? Nhưng hãy đề phòng. Theo Huyền Bí Học, Tùng Thái Dương là trung tâm của bộ giao cảm thần kinh. Luyện sái một chút thì nó gây ra nhiều tai hại cho người như buồn bực mãi rồi thành điên, khùng, hoặc xụi bại, đau tim, đau phổi, dạ dày, không thuốc nào chữa lành được. Không phải Tùng Thái Dương mà thôi, tập trung tư tưởng vào Tùng (Pléxus) nào cũng có hại cho xác thân. Trừ ra khi học với một vị Chơn Sư hay là một nhà Huyền Bí Học lão luyện. Ông thấy học trò mình làm sái thì phải sửa liền không để cho tánh mạng bị nguy hiểm.
ý chí sửa đổi được số mệnh
Xin nhắc lại rằng: Con người có thể dùng ý chí sửa đổi được số mệnh mình kiếp nầy và kiếp sau nữa.
Con người khỏi tốn tiền bạc chi cả, chỉ ra công mà cũng không phí sức nhiều.
Ðiều cần thiết là tinh luyện tánh tình để thay đổi mục đích việc làm từ ích kỷ, tật đố ra bác ái, khoan dung, đại độ. . . . Coi người như mình, luôn luôn sẵn sàng và tìm dịp giúp đỡ tùy phương tiện mà không hề nghĩ đến việc người báo ân.
Nội bao nhiêu đây mà thật hành một cách thường trực thì bước lần tới cửa Ðạo và gầy dựng một tương lai tốt đẹp. Tôi xin giải nghĩa theo khoa học tại sao quả báo tốt trừ được quả báo xấu. Hễ động thì có phản động, động và phản động vẫn cân phân với nhau. Ấn Ðộ gọi điều đó là Karma.
Nói một cách khác, mỗi việc làm dầu cho tư tưởng hay ý muốn cũng vậy, đều sanh ra một hiệu lực hoặc tốt hoặc xấu tùy theo bản tánh của nó lành hay dữ. Người ta gọi hiệu lực nầy là Nghiệp Quả và luôn luôn trở về với người sanh ra nó. Khi ta biết Luật Trời rồi thì cố gắng làm những việc lành. Hiệu lực của những việc lành này chống lại hiệu lực của những điều ác do ta đã gây ra và càng ngày càng làm cho hiệu lực ác mất lần sức mạnh của nó. Nên biết một hiệu lực lành, tùy theo thứ, có sức mạnh hơn cả chục hay cả trăm lần một hiệu lực ác. Vì thế, tới một ngày kia, hiệu lực ác tan mất và không còn ảnh hưởng tới ta được nữa. Người ta gọi là trả sạch Quả Báo.
Bây giờ hãy lấy một thí dụ cụ thể. Một cây nước đá lớn để trong thùng nội trong hai giờ đồng hồ mới tan hết.
Bây giờ ta lấy nước sôi đổ lên cây nước đá thì nội trong năm phút không còn nước đá nữa.
Nếu cây nước đá tượng trưng cho quả xấu, còn nước sôi tượng trưng cho quả tốt thì ta thấy khối quả tốt phá vỡ khối quả xấu một cách dễ dàng.
Nhưng có một điều phải nói là ta có chịu ra công nấu nước sôi hay không. Ðây mới thật là việc đáng ngại. Chúng ta phải tự giải quyết lấy.
*
* *
chương thứ bảy
sự ham muốn
bản tính của sự ham muốn
Ý chí ở tại cõi Niết Bàn. Nó xuống cõi Bồ Ðề, cõi Thượng Giới và khi tới cõi Trung Giới thì nó cũng thành ra sự ham muốn. Qua cõi nào nó cũng lấy chất khí của cõi đó bao mình.
Thế nên sự ham muốn là ý chí bị mất quyền năng, nó là ý chí bị giam hãm trong vật chất. Nó không tự mình hoạt động nữa, mà bị sự hấp dẫn của những sự vật ở chung quanh thúc đẩy nó hoạt động.
Ðây là sự khác biệt giữa ý chí và sự ham muốn mặc dù bản tánh của chúng nó vẫn in như nhau.
Ở mấy cõi cao, ý chí làm ra quyền năng tích cực, còn ở mấy cảnh thấp sự ham muốn nắm giữ nhiệm vụ nầy.
Khi mà sự ham muốn yếu đuối, tất cả bản tánh của con người sẽ yếu đuối trong sự phản ứng của nó đối với ngoại giới.
Sức mạnh thực sự của bản tánh con người được ước lượng theo sức mạnh của ý chí hay là sự ham muốn của y tùy theo trình độ tiến hóa của y cao hay thấp.
Câu ngạn ngữ sau nầy chứa đựng một Ðại Chơn Lý: "Những Ðại Tội nhân làm ra những vị Ðại Thánh".
Những người bản tánh hững hờ, lãnh đạm thì không bao giờ hết sức tốt hay là hết sức xấu.
Những người học Ðạo đều biết rằng Ba Thể Thấp của con người thường dùng mỗi ngày là Xác thân, Cái Vía và Cái Trí, mỗi Thể đều có những sự ham muốn riêng biệt, thường thường là xấu xa hơn là tốt lành. Ðáng sợ hơn hết là những sự ham muốn quấy quá của Cái Vía khi nó cấu kết với Cái Trí. Muôn vàn tội lỗi của con người đều do Ba Thể: Thân, Vía, Trí gây ra khi chúng xúi giục con người hành động đặng thỏa thích những sự ham muốn của chúng nó.
Ðừng quên rằng người ta gọi Cái Vía là Thể Ham Muốn.
Sau khi nhiều kiếp kinh nghiệm, con người mới bắt đầu chiến đấu với bản thân, diệt trừ những sự ham muốn xấu xa bằng cách biến đổi bản tánh của chúng nó, từ cái dữ ra cái hiền, từ cái thấp hèn ra cái cao siêu, từ cái ích kỷ ra cái vị tha, chớ không phải tiêu diệt Cái Vía cũng gọi là Thể Nguyệt Tinh do các Vị Siêu Phàm ở Dãy Nguyệt Tinh (Chaîne Lumaire) gọi là Barishad Pitris làm ra. Không có Cái Vía, con người không còn tình cảm thì không biết hung dữ tới bực nào.
Dưới Chơn Thầy dạy các sanh viên đề phòng những sự ham muốn trong mấy câu nầy:
"Khi xác thân con ham muốn điều chi, con hãy ngừng lại rồi suy nghĩ coi có phải thật con muốn điều đó không? Bởi vì con là Đức Thượng Ðế, con chỉ muốn điều nào mà Ðức Thượng Ðế muốn mà thôi, nhưng con phải đi sâu vào tâm con đặng gặp Ðức Thượng Ðế trong mình con và con nghe lời của Ngài, lời Ngài cũng là lời của con vậy".
sự biến đổi ý muốn
­ Ðiều cần thiết là nên biết Tư tưởng có thể uốn nắn sự ham muốn và điều khiển nó. Thay vì coi sự ham muốn như là kẻ thù nghịch thì phải làm cho nó thành ra bạn đồng minh giúp mình. Khi sửa đổi chiều hướng của sự ham muốn thì tư tưởng làm cho sự ham muốn thành ra một thứ lực kích thích, đưa ta đi mau tới trước chớ không phải là thứ lực làm chậm trễ sự tiến hóa của ta. Trước kia sự ham muốn những điều thấp hèn ở ngoại giới cột trói ta dưới bùn lầy thì bây giờ sự ham muốn lý tưởng đưa ta lên đến tận mây xanh trên vòm trời cao vút.
*
* *
chương thứ tám
cảm xúc
Cảm xúc không phải là tình trạng đầu tiên của Tâm Thức. Chính là Trí Tuệ ảnh hưởng đến sự ham muốn rồi sanh ra nó. Thế nên cảm xúc có những đặc tánh của Trí Tuệ và sự Ham Muốn một lượt.
cảm xúc thương yêu và cảm xúc thù hận
Cảm xúc thương yêu một người nào lâu ngày biến thành một tánh tốt, còn cảm xúc thù hận nuôi mãi trong lòng thì thành một tật xấu.
Sự biến đổi nầy do Trí Tuệ tạo nên, Trí Tuệ cho sự cảm xúc tốt một tánh cách thường trực và kiếm thế sanh ra sự hòa thuận trong tất cả những sự giao thiệp giữa cá nhơn với nhau. Như vậy thì đức hạnh do tình thương sanh ra và hiệu quả của nó là Hạnh Phúc.
Còn sự thù hận sanh ra tật xấu và đưa đến sự bất hòa và nghèo khổ trong gia đình. Nếu nó làm ra những sự xung đột, những hãm hại nhau và có thể gây ra chiến tranh giặc giã.
hậu quả sự mở mang cảm xúc thương yêu
Khi người ta thấy rõ bản tánh của tật xấu và bản tánh của đức hạnh thì rất dễ hiểu rằng phương pháp hay hơn hết để nuôi dưỡng những đức tánh và loại trừ những tật xấu là hành động trực tiếp về phía cảm xúc tốt lành của tánh nết.
Chúng ta phải hết sức cố gắng mở mang cảm xúc thương yêu đặng làm cho đời sống Ðạo Ðức của chúng ta càng ngày càng thêm tốt đẹp hơn trước bởi vì những đức tánh là bông trái của cây TÌNH THƯƠNG.
chánh lý phải điều khiển cảm xúc
Cảm xúc là nguyên động lực trong con người. Nó kích thích tư tưởng và sanh ra sự hành động được. Không có nó, con người trơ trơ thành ra thụ động.
Nhưng mà có không biết bao nhiêu người bị những cảm xúc không lành lôi cuốn, chẳng khác nào con thuyền không bánh lái trôi giạt ở phương trời xa thẳm, bị sóng dập gió dồi. Dưới ảnh hưởng của chúng nó, con người khi thì bị thảy qua bên nầy, khi thì bị thảy qua bên kia, không giữ vững được thăng bằng.
Chánh lý phải kềm chế và điều khiển cảm xúc nếu muốn cho nó đem lại kết quả tốt đẹp. Ðừng quên điều nầy: Mặc dầu cảm xúc sanh ra được sự hành động, nhưng không nên để nó điều khiển sự hành động, bởi vì công việc nầy phải thuộc về phần trí khôn. Phải suy nghĩ cho sâu xa, phải cân phân từ chút trước khi thật hành. Ðừng để cảm xúc, nhứt là cảm xúc tình yêu, lôi cuốn mà sa vào chốn bùn lầy, khó gội rửa được trong sạch như trước.
Người nào lý trí sáng suốt, hành động với một sự cảm xúc tốt lành, mạnh mẽ, người đó là một người Hiền Triết rất hữu ích cho nòi giống y.
*
* *
phần nhì
Sự mở mang và sự tiến hóa của Tâm Thức trong năm cõi: cõi Trung Giới, cõi Hạ Thiên, cõi Thượng Thiên, cõi Bồ Ðề và cõi Niết Bàn được trích trong những quyển của Ðại Ðức Leadbeater và Jinarajadasa viết ra như:
1. Sự Tiến Hóa Huyền Bí của Nhân Loại (Evolution Occulte de L'umanité Jinarajadasa).
2. Chơn Sư và Ðường Ðạo (Les Maître et le Sentier Leadbeater).
3. Giảng lý Ánh Sáng trên Ðường Ðạo (Commentaire sur la Lumière sur le Sentier Leadbeater).
4. Huyền Bí Học trong Thiên Nhiên, Quyển II (L'Occultisme dans la Nature, Tome II Leadbeater).
chương thứ nhất
sự lạ lùng đầu tiên và
lớn lao trong tâm thức
Sự lạ lùng đầu tiên và lớn lao trong Tâm Thức là: Tất cả trong một phần; toàn thể trong một đơn vị.
Cho hay Tâm Thức chứa đựng trong một điện tử nhỏ bằng mũi kim, nhưng đơn vị nhỏ này vẫn liên lạc với Tâm Thức vô cùng rộng lớn là Ðức Thượng Ðế và chứa đựng Tâm Thức của Ngài trọn vẹn mặc dầu vì trí hóa eo hẹp của chúng ta chỉ biết sự cấu tạo của điện tử mà thôi.
Một thí dụ sau đây cho ta hiểu chút ít về sự tiến hóa của Tâm Thức.
Một bức màn che lấp một ánh sáng. Ta vén bức màn lên ánh sáng dọi ra, việc vén bức màn không có thêm cái chi cho ánh sáng. Mặc dầu ánh sáng không được lợi lộc nào cả, nhưng nó xua đuổi được sự tối tăm. Ngày nào mà chúng ta chưa đồng hóa một cách có ý thức với ánh sáng thì ngày đó chúng ta chưa biết được nó muốn cái chi.
Sự hành động của nó là một sự hy sanh và một sự vui một lượt. Hy sanh đặng chịu đựng một giới hạn, còn vui là tự hiến mình. Dự phần vào việc hy sanh nầy và sự vui nầy là đi đến địa vị Siêu Phàm.
Ở nơi con người, Tâm Thức tiến hóa bằng cách cho ra.
Còn nguyên tắc chi phối sự phát triển của loài thảo mộc, thú vật là sự tranh đấu, sự ganh đua, sự tìm kiếm những lợi lộc cho bản thân.
Về con người, nguyên tắc chi phối sự phát triển là sự hợp tác, sự từ khước và sự hy sanh Phàm Ngã. Ðức Thái Dương Thượng Ðế đời đời kiếp kiếp hy sanh trên Thập Tự Giá của đời sống và vật chất. Con người phải bắt chước Ngài mới giống Ngài được.
Ðây là Ðại Nguyên Tắc phải ghi nhớ trong lòng mãi mãi.
Tâm Thức con người phô trương những khả năng của mình từ giai đoạn nầy qua giai đoạn kia, nhưng không có sự hy sanh của Phàm Nhơn thì việc bước qua giai đoạn kế đó không thể thật hành được.
Phải diệt trừ tất cả những gì thuộc về thú tánh trong con người. Việc này đòi hỏi cả muôn kiếp Luân Hồi. Sau khi trải qua không biết bao nhiêu lần sanh tử, tử sanh, sự hy sanh thành ra bản tánh tự nhiên thì con người mới biết được sự vui của sự hy sanh và sự vui nầy là sự vui duy nhất mà con người có thể quan niệm được. ([5])
sự hy sAnh của Ðức Thái Dương Thượng Ðế
Khi sanh hóa Tiểu Vũ Trụ nầy thì Ðức Thái Dương Thượng Ðế phân làm Ba Ngôi:
Ngôi thứ Nhứt, Ấn Giáo gọi là Shiva (Si-Hoa). Thiên Chúa Giáo gọi là Ðức Chúa Cha.
Ngôi thứ Nhì, Ấn Giáo gọi là Vishnou (Quích-Nu). Thiên Chúa Giáo gọi là Ðức Chúa Con.
Ngôi thứ Ba, Ấn Giáo gọi là Brahma (Phạm Vương) Thiên Chúa Giáo gọi là Ðức Chúa Thánh Thần.
Ngôi thứ Nhất ngự tại Cõi thứ Nhứt gọi là Cõi A-Di hay là cõi Tối Ðại Niết Bàn hoặc cõi Thái Cực.
Ngôi thứ Nhì ngự tại Cõi thứ Nhì gọi là Cõi Anupadika ([6]) hay là Cõi Ðại Niết Bàn hoặc Cõi Lưỡng Nghi.
Ngôi thứ Ba ngự tại hai cảnh cao hơn hết là Cảnh thứ Nhứt và Cảnh thứ Nhì của Cõi Niết Bàn.
Khi phân làm Ba Ngôi và xuống Ba Cõi Thấp thì quyền năng của Ðức Thái Dương Thượng Ðế bị hạn chế. Ðó là sự Hy sanh thứ Nhứt.
vũ trụ sAnh ra để làm gì?
Nêu ra câu hỏi: Vũ Trụ sanh ra để làm gì? Thì câu trả lời là: Vũ Trụ sanh ra để giúp cho Chơn Thần tiến hóa.
Ngày sau, trong tương lai kể ra cả chục tỷ năm thì mỗi Chơn Thần sẽ tiến đến địa vị Thái Dương Thượng Ðế và sẽ sanh ra một Tiểu Vũ Trụ khác như Thái Dương Hệ nầy vậy. ([7])
Ðây là sự Hy sanh thứ Nhì.
*
* *
chương thứ nhì
muốn tiến hÓA tâm thức phải nhập thế
Xin nhắc lại: Tâm Thức (Conscience) và Sự Sống (Vie) vốn đồng nghĩa với nhau và dùng để chỉ định một sự vật duy nhứt tùy theo người ta quan sát vật nầy từ bên trong hay là bên ngoài. Không có Sự Sống nào mà không có Tâm Thức và cũng không có Tâm Thức nào mà không có Sự Sống.
Khi chúng ta chú ý đến "Ðơn vị" thì chúng ta nói về Sự Sống. Nếu chúng ta chú ý đến "Ða số" thì chúng ta nói đến Tâm Thức. Nói tóm lại, Tâm Thức duy nhứt là một Ðơn vị, ấy là Ðức Thượng Ðế.
Còn đa số là những phần tử của Tâm Thức duy nhứt, ấy là những Linh Hồn làm ra Nhơn Loại cũng gọi là Tâm Thức cá nhân. Ðiều cần thiết ta nên biết là Sự Sống tiến hóa, Hình Dạng tiến hóa, Tâm Thức tiến hóa.
Mà trước khi tiến hóa Tâm Thức phải nhập thế. Nó phải trải qua nhiều giai đoạn.
Trước nhứt Tâm Thức ở trong loài kim thạch, kế đó qua loài thảo mộc, cầm thú rồi đến con người. Ta không biết rõ rằng Tâm Thức trong ba loài: Kim Thạch, Thảo Mộc, Cầm Thú hoạt động và phát triển cách nào, ta chỉ nghe nói Sự Sống nào cũng có Tâm Thức cả.
Về Con Người, ta biết rằng Chơn Thần biến đổi Hồn Thú ra Thượng Trí. Cho nên trong mình con người còn nhiều thú tánh. Con người phải trải qua muôn kiếp Luân Hồi, mới mở rộng lần lần Tâm Thức và gội rửa lòng phàm tức là diệt trừ tất cả những gì còn lại thuộc về tánh thú vật.
Ta nên nhớ lại thí dụ một nguồn ánh sáng bị bức màn che lấp. Ta nên biết đây là nói bóng dáng về Tâm Thức và những Thể của con người. Chính là mấy Thể nầy án mất Tâm Thức. Ta có bổn phận phải tinh luyện ba Thể: Thân, Vía, Trí đặng chúng nó trở nên trong sạch, nhẹ nhàng, tinh khiết và rung động mau lẹ. Làm chủ được chúng nó, sai khiến lại chúng nó, bắt chúng nó ngoan ngoãn vâng lời, ấy là vén được bức màn lần lần lên cao để cho ánh sáng dọi ra càng ngày càng nhiều đặng xua đuổi cái tối tăm.
Phải tập rèn tánh nết cho thật tốt, phải học hỏi cho sâu rộng đặng biết Cơ Tiến Hóa rồi nương theo đó mà tiến tới. Việc khắc kỷ, tự chủ, phụng sự vô tư lợi không phải là việc dễ làm, nó khó lắm, hết sức khó, song cố gắng và bền chí thì thành công, ban đầu ít, sau nhiều. Cái điều gì con người đã làm thì bây giờ con người làm lại được.
Thật sự, nói đến sự tiến hóa của Tâm Thức tức là nói đến sự tiến hóa của con người chớ không có chi lạ.
sự mở mang tâm thức
Muốn tiến mau phải biết cách mở mang Tâm Thức từ Thể này đến Thể kia.
Tâm Thức vẫn là Một song nó biểu hiện ra nhiều trạng thái khác nhau, khi nó nhập vào những thể xác dị biệt.
Thế nên lúc nó ở trong xác thân, người ta gọi nó là Tâm Thức Hồng Trần.
Khi nó qua Cái Vía, người ta gọi nó là Tâm Thức Cái Vía vân vân . . . . Chung qui chỉ có một Tâm Thức mà thôi. Ðiều này không khác nào ánh sáng mặt trời màu trắng, nhưng khi nó dọi qua tấm kiếng màu vàng thì thấy nó màu vàng, khi nó dọi qua tấm kiếng màu đỏ thì thấy nó màu đỏ. Thật ra chỉ có một thứ ánh sáng trắng trong trẻo.
Trong chu kỳ tiến hóa nầy người ta biết được sáu trạng thái Tâm Thức như sau đây:
1). Tâm Thức xác thân hay Tâm Thức Hồng Trần (Conscience physique) tại cõi Trần.
2). Tâm Thức Cái Vía (Conscience astral) tại cõi Trung Giới.
3). Tâm Thức Hạ Trí (Conscience mental inférieur) tại cõi Hạ Thiên.
4). Tâm Thức Thượng Trí (Conscience mental supérieur) tại cõi Thượng Thiên.
5). Tâm Thức Bồ Ðề hay Bồ Ðề Tâm (Conscience Bouddique) tại cõi Bồ Ðề.
6). Tâm Thức Tiên Thể hay là Tâm Thức Niết Bàn (Conscience Nirvanique) tại cõi Niết Bàn.
Ðiều cần thiết là ta nên biết chút ít về mỗi Tâm Thức.
1. tâm thức hồng trần
(Conscience physique)
Trong bảy Thể của con người chỉ có xác thân được tổ chức hoàn bị hơn hết, nhưng nó đương tiến hóa. Sự tiến hóa của nó kéo dài tới Dãy Hành Tinh sau, Dãy Hành Tinh thứ Năm, mới chấm dứt.
Hiện giờ đối với nhiều người Tâm Thức Hồng Trần chưa được mở mang lắm. Thời gian qua nó sẽ dần dần phát triển. Hơn nữa, chúng ta chưa biết cách xử dụng cho đúng mức Tâm Thức Hồng Trần.
Một lẽ khác, hầu hết nhơn loại không giữ đúng phép vệ sinh. Ðiều nầy do một trong hai nguyên nhân sau đây:
a. Hoặc không biết vì không ai chỉ dạy.
b. Hoặc biết mà bị vật dục lôi cuốn nên không tuân theo và bất chấp những lời khuyên bảo. Vì thế mà thân thể bạc nhược mang nhiều chứng bịnh hiểm nghèo và giảm thọ. Tâm Thức không thể mở mang cho đúng phép. Nếu cái óc bịnh hoạn hay to sớ, những dây thần kinh không được mảnh mai thì con người không ứng đáp được với những thần lực từ cõi cao siêu tuôn xuống. Vì thế nên không được sáng suốt về phần tinh thần. Chớ nên quên rằng Tinh Thần ảnh hưởng đến Vật Chất mà Vật Chất cũng ảnh hưởng đến Tinh Thần. Nhưng đừng để Vật Chất lấn lướt Tinh Thần, kẻo con người phải bị sa đọa.
Muốn tiến mau thì:
Thân phải tráng kiện, tinh khiết.
Tâm phải sáng suốt.
Trí phải minh mẫn.
Thật sự, chỉ có những vị Dô-Ghi (Yogi), những vị tu trì ẩn dật, Sannyasi bên Ấn Ðộ, những nhà Huyền Bí Học, những Cao Ðồ của Chơn Sư mới hội đủ ba điều kiện trên đây một cách hoàn toàn.
Tuy nhiên chúng ta cứ cố gắng mãi vì không ai xây dựng được Kinh Thành Paris trong một ngày đâu.
Trong Phần Nhứt, Ðức Bà A. Besant đã giải rất rành rẽ về Tâm Thức Hồng Trần, tôi tưởng bao nhiêu đó cũng đủ cho chúng ta lắm rồi. Bây giờ xin đề cập đến mấy thứ Tâm Thức khác.
2. tâm thức cái vía
(Conscience astral)
Lúc ta thức đây ta dùng Cái Vía để biểu hiện ý muốn và tình cảm.
Lúc ta ngủ, Cái Vía xuất ra ngoài, ta ở trong Cái Vía qua cõi Trung giới ([8]). Nhưng nhơn loại chưa biết phương pháp điều khiển Cái Vía, ngoại trừ một số rất ít là những nhà Huyền Bí Học.
Qua cõi Trung Giới, Cái Vía con người bị ảnh hưởng tại cõi nầy rất nhiều, song chúng không cảm con người được trọn vẹn là vì Tâm Thức của Cái Vía chưa thật sự mở mang.
Tùy theo trình độ cao hay thấp và nhiều bực khác nhau, có người mơ mơ màng màng, có người gặp bà con thân thích hoặc bằng hữu còn sanh tiền hay đã quá vãng, chuyên vãn với họ. Có người thấy mình đi viếng cảnh nầy cảnh kia, có cả trăm chuyện không giống nhau. Cũng có người một đêm chiêm bao thấy ba, bốn chuyện khác nhau hết, chuyện nầy không liên quan đến chuyện kia. Sáng ra, có người nhớ chút đỉnh, có người nhớ mài mại mà cũng có người không nhớ gì hết. Ðối với họ giấc ngủ chỉ có ích cho họ là bồi bổ sức lực đã mất mà thôi. Ðiều này đúng với Chơn Lý bởi vì trong lúc ngủ Tinh Chất xác thịt (Elémental physique) mới tiêu hóa được sanh lực vô mình con người trong lúc thức, do ba ngõ: thực phẩm, hơi thở và luân xa của Cái Phách tại Trái Thăng (Chakra splénique du Double éthérique).
Tuy nhiên người học Ðạo nên biết đó có hai nguyên nhân làm cho con người lúc thức dậy không nhớ cái chi đã thấy hay đã học hỏi tại cõi Trung Giới.
1). Nguyên nhân thứ nhứt là: Tâm Thức chưa mở mang, Cái Vía giống như sương mù, chưa có hình dạng rõ rệt như xác thịt. Một lẽ khác nữa, nó chứa đầy những chất khí nặng nề, không được thanh bai, màu sắc tối tăm, rung động chậm chạp.
2). Nguyên nhân thứ nhì: Tại bức màn bảo vệ Cái Phách.
Các nhà Huyền Bí Học đều biết những Luân xa của Cái Vía và những Luân xa của Cái Phách đều thâm nhập lẫn nhau và liên quan mật thiết với nhau. Chính giữa hai thứ Luân xa có một bức màn bảo vệ Cái Phách làm bằng những Nguyên tử căn bản Hồng Trần ([9]) rất khít khao, ép cứng lại và thấm nhuần một thứ sanh lực đặc biệt. Bức màn nầy do thiên nhiên làm ra đặng đề phòng sự thông thương quá sớm giữa cõi Trung Giới và cõi Trần, vì điều nầy có hại cho con người rất nhiều khi con người chưa chuẩn bị. Chính là bức màn nầy ngăn cản không cho những điều con người thấy ở cõi Trung Giới truyền qua cái óc xác thịt. Vì thế con người quên mất những điềm chiêm bao.
Cũng là nó làm cho con người sau khi bỏ xác, tắt hơi rồi thì mê man trong một thời gian thường thường là bốn mươi tám giờ.
Nếu bức màn nầy rách thì tà ma, quỉ mị và nhơn vật ở cõi Trung Giới nhập vô xác con người giờ phút nào cũng được. Họ muốn vô chừng nào thì vô, muốn ra chừng nào thì ra, không ai ngăn trở được.
Những điều làm hư hại bức màn này là: những cảm xúc dữ dội thình lình như sợ hãi, giận dữ, những khói thuốc hút, thuốc phiện, các chất ma túy và rượu.
Mà nhứt là "cách giở xác" làm cho bức màn nầy rách mau lẹ, con người thành đồng cốt.
Có khi một tai nạn hay một trận đau thiết lập một cái cầu làm cho Cái Vía thông thương với xác thịt.
Tôi tưởng cũng phải nói thêm rằng có người mở mang Tâm Thức khá cao, ban đêm làm việc đắc lực tại cõi Trung Giới, nhưng chừng về nhập xác, không nhớ chi hết. Không biết chắc vì lý do nào bởi có nhiều nguyên nhân và nhiều trường hợp khác nhau. Mà lý do đáng kể là một khi thể xác nhẹ nhàng rồi thì những lời nói nặng nề cũng làm cho nó nhức nhối, khó chịu, huống chi là những tiếng động ầm ầm, két két của nhà máy, tiếng xe chạy rầm rầm rộ rộ. Những sự rung động dữ dội nầy làm cho xác thịt hao mòn, mau chết. Phải học cách bảo vệ nó trước khi nhớ lại những việc làm tại cõi Trung Giới.
Xin đọc quyển ‘Nhớ lại những kinh nghiệm trong lúc Xuất Vía’ phía sau.
sự nối liền hai tâm thức:
tâm thức cái vía và tâm thức hồng trần
Muốn nối liền hai Tâm Thức: Tâm Thức Cái Vía và Tâm Thức Hồng Trần thì phải biết cách Xuất Vía, khai mở những Luân xa của Cái Vía và xử dụng nó như xử dụng xác thân, bởi vì Cái Vía thành ra một thể độc lập. Một khi lập được dây liên lạc rồi thì từ đó Tâm Thức Cái Vía không còn bị gián đoạn nữa. Những việc làm xảy ra trong lúc ngủ chừng thức dậy con người nhớ lại rõ ràng, không sót chi cả.
Ðối với y, không có ngày, không có đêm, vì đời sống của y không bị chia đôi. Sự thác đối với y không còn nữa, vì Tâm Thức của y vẫn liên tục, không hề bị đứt quãng từ năm nầy qua năm nọ. Không những lúc y sống tại cõi Trần mà sau khi bước qua cửa tử lên cõi Trung Giới và trọn thời gian ở tại cõi nầy y vẫn sáng suốt. Tâm Thức nầy chấm dứt khi y bỏ cõi Trung giới lên cõi Thiên Ðàng.
Có nhiều phương pháp Xuất Vía, song phương pháp hay hơn hết và cao siêu hơn hết là khai mở luồng hỏa hầu Kundalini. Nhưng nó rất nguy hiểm. Phải ở dưới quyền điều khiển của Chơn Sư mới tránh được tai hại có thể xảy ra. Ðừng học với thầy phàm mà có ngày phải bỏ mạng.
Nhưng nên biết, có nhiều người Xuất Vía được, qua cõi Trung giới làm việc, sáng ra không muốn trở về nhập xác chút nào, bởi vì Cái Vía rất nhẹ nhàng, không bị câu thúc ràng buộc. Còn xác thân nặng trịu như núi Thái Sơn mang đủ các phiền não, bịnh tật, bợn nhơ và bị hạn chế đủ thứ.
Hơn nữa, từ cõi Trung Giới về cõi Phàm Trần không khác nào đương ở ngoài trời sáng rỡ chun vô hang sâu thăm thẳm tối tăm mù mịt.
Nếu không bị những bổn phận ràng buộc tại cõi Trần và phải thật hành đầy đủ thì không có nhà Huyền Bí Học nào lại muốn sống tại thế gian nầy đâu. Không vị nào quyến luyến nó. Nếu ngày nào người học Ðạo chưa tự chủ được thì ngày đó tưởng chớ nên ham học cách Xuất Vía một mình vì ngoài sự thất vọng còn nhiều điều nguy hiểm khác nữa.
*
* *
chương thứ ba
3. tâm thức hạ trí
(Conscience mental inférieur)
Cái Trí hay là Hạ Trí của con người mới vừa mở mang, qua cuộc Tuần Hườn sau, cuộc Tuần Hườn thứ Năm nó mới phát triển đầy đủ.
Chúng ta dùng Cái Trí để học hỏi, phân biệt, xét đoán, tưởng tượng, ghi nhớ, song chưa biết cách điều khiển nó. Trước nhứt phải Ðịnh Trí và làm chủ nó, bắt buộc nó phải tuân theo mạng lịnh của mình. Nhiên hậu mới học phương pháp biến nó thành một thể độc lập. Như vậy mới có thể dùng nó để lên cõi Thiên Ðường học hỏi và kinh nghiệm. Tới chừng đó Tâm Thức Hạ Trí mới thật mở mang và con người hoàn toàn thức tỉnh tại cõi Hạ Thiên. Con người đã phá vỡ bức rào ngăn cách Cái Vía và Cái Trí và hoạch đắc được một trí nhớ liên tục trọn kiếp sống ở cõi Thiên Ðường.
Những vị Cao Ðồ của Chơn Sư khi ngủ thì để xác thân và Cái Vía trên giường rồi lên Thượng Giới làm việc. Khi muốn hoạt động ở cõi Trung Giới thì lấy chất Thanh Khí làm ra Cái Vía giả gọi là Mayavi Roupa. Xong công việc rồi thì để cho nó tan rã. Ðánh đập thể nầy thì không khác nào đánh đập gió, không có ảnh hưởng tới xác thân tại cõi Trần.
4. tâm thức thượng trí (Conscience mental supérieur)
Về điểm nầy, trước hết phải nói vài lời về Thượng Trí và Chơn Nhơn.
thượng trí
Thượng Trí là một trong ba Thể tương đối trường tồn bất diệt, nó theo con người từ đời nầy qua đời kia. Nó làm bằng ba chất khí cao hơn hết của cõi Trí Tuệ hay là cõi Thượng Giới, ấy là chất thứ Nhứt, chất thứ Nhì và chất thứ Ba ở tại cõi Thượng Thiên (Plan mental supérieur) tiếng Phạn gọi là Karana Sharira.
Karana có nghĩa: Nguyên do
Thượng Trí có hai nhiệm vụ:
1). Nhiệm vụ thứ nhứt là: Làm dụng cụ cho Chơn Nhơn. Thượng Trí là thể xác của Manas thức là Ngôi thứ Ba trong Ba Ngôi (Atma Bouddhi Manas).
2). Nhiệm vụ thứ nhì: Nó chứa đựng tinh hoa của những sự học hỏi và kinh nghiệm của con người từ kiếp nầy qua kiếp kia. Ðó là những nguyên nhân ngày sau sanh ra những hậu quả. Vì vậy người ta gọi nó là Nhân Thể (Corps Causal). Nhân Thể cũng có những Luân xa như Cái Phách và Cái Vía (song điều này không có tiết lộ ra cho nên người đời không ai biết nó ra sao cả).
nhân thể chỉ chứa đựng những điều tốt lành
Không có một tư tưởng xấu nào mà con người có thể qui định cho Chơn Nhơn. Ta nên biết tình thương không ích kỷ và sự sùng tín hoạt động trong cảnh thứ Nhứt của cõi Trung Giới. Chúng nó phản chiếu trong chất khí tương đối của cõi Thượng Giới (cõi Trí Tuệ) và tiếp xúc với cõi Thượng Thiên chớ không phải cõi Hạ Thiên. Vì thế chỉ có những tư tưởng vị tha, không ích kỷ, mới có ảnh hưởng đến Chơn Nhơn. Những tư tưởng xấu xa thấp hèn thì chỉ cảm đến những Nguyên tử trường tồn mà thôi.
Cái điều mà người ta gặp trong Thượng Trí đối chiếu với những tính xấu là những lỗ trống, chớ không phải những màu sắc đen tối như trong Cái Vía và Cái Trí (Hạ Trí), mặc dầu Nhân Thể vẫn có màu sắc tốt đẹp.
Tỷ như: Tánh ích kỷ dưới Phàm Trần hiện ra trong Thượng Trí là sự khiếm khuyết tình thương và thiện cảm. Khi con người mở mang tình yêu thương và thiện cảm rồi thì lỗ trống trong Thượng Trí sẽ lấp đầy.
Thế nên muốn biết chắc chắn sự tiến hóa của con người tới bực nào thì phải mở Huệ Nhãn xem coi Thượng Trí của y. Nếu xét đoán theo bề ngoài thì sẽ lầm ngay ([10]).
đem tâm thức lên tới chơn nhơn
Khi tiến hóa cao rồi, con người đem Tâm Thức mình lên tới Chơn Nhơn tại cõi Thượng Thiên, sau khi được Ba lần Ðiểm Ðao. Như thế con người nhớ mãi trong lòng những kiếp quá khứ của y và hoạch đắc được quyền năng điều khiển có ý thức những thời kỳ phát triển của y
chơn nhơn ([11])
Xin nhắc lại: Khi con thú tiến hóa tột bực cao rồi và đúng kỳ đi đầu thai làm người thì Chơn Thần biến đổi Hồn Thú ra Thượng Trí và sanh ra Chơn Nhơn. Nói cho dễ hiểu, Chơn Nhơn là một phần tử của Chơn Thần còn Phàm Nhơn là một phần tử nhỏ nhít của Chơn Nhơn.
Chơn Nhơn ở tại cõi Thượng Thiên. Có những Chơn Nhơn sanh trước, có những Chơn Nhơn sanh sau, vì vậy có thể nói rằng: Có những Chơn Nhơn già, có nhiều kinh nghiệm và có những vị Chơn Nhơn trẻ chưa hiểu biết nhiều. Những vị Chơn Nhơn già, thức tỉnh đã lâu nên ý thức được những cái chi xảy ra ở chung quanh họ và lẽ tự nhiên họ biết được những vị Chơn Nhơn khác. Họ hoạt động tại cảnh giới nầy và có những việc lo lắng riêng.
Nhưng Chơn Nhơn chỉ để một phần nhỏ nhít của mình làm ra Phàm Nhơn trong trong ba lớp vỏ là: Thân, Vía, Trí. Chúng ta cũng nên nhớ: Phàm Nhơn có những quyền lợi thường bất hòa với sự hoạt động của Chơn Nhơn. Luôn luôn Chơn Nhơn hướng về việc loại trừ điều ác, còn Phàm Nhơn lại thường hướng về việc loại trừ điều thiện. Vì lẽ ấy Chơn Nhơn không đặc biệt chú ý đến Phàm Nhơn, ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt.
sự liên lạc giữa Chơn Nhơn và phàm nhơn
Có đường thông thương giữa Chơn Nhơn và Phàm Nhơn gọi là Antakarana. Nhưng thường thường đường liên lạc nầy rất mỏng manh và bị nghẹt lối vì những tư tưởng, ý muốn quấy quá và thấp hèn của con người.
Phải nhờ tham thiền đặng mở lại con đường thông thương nầy và làm cho nó càng ngày càng thêm rộng lớn. Như vậy Chơn Nhơn sẽ ảnh hưởng đến Phàm Nhơn rất dễ dàng. Chơn Nhơn dùng quyền năng rộng lớn của mình đặng truyền từ điện cho Phàm Nhơn và làm cho những sự rung động của Ngài hòa hợp với những sự rung động của Phàm Nhơn và như thế Ngài giúp cho Phàm Nhơn phát triển mau lẹ. Quyền năng nầy chiếu vào Phàm Nhơn cũng như mặt trời chiếu vào cái bông làm cho cái bông mau nở vậy.
Nói một cách tổng quát, thường thường Chơn Nhơn ít khi kiểm soát và săn sóc Phàm Nhơn được, vì chỉ có một phần nhỏ Tâm Thức của Chơn Nhơn nhập vô Phàm Nhơn và Phàm Nhơn hay ương ngạnh vì có những ý kiến riêng và cách hành động riêng. Ðiều này rất dễ hiểu là bởi Phàm Nhơn vẫn nghe theo và phục vụ ba Thể: Thân, Vía, Trí của nó.
tại sao chơn nhơn đi đầu thai
Ta biết rằng ngày sau, không biết bao nhiêu tỷ năm nữa, con người sẽ tiến tới bực Thái Dương Thượng Ðế và sẽ sanh hóa một Tiểu Vũ Trụ khác giống như Thái Dương Hệ nầy. Cũng có những Dãy Hành Tinh chứa đựng muôn loài vạn vật, cũng có Mặt Trời, Mặt Trăng vậy.
Nhưng mà Chơn Nhơn chỉ ở tại cõi Thượng Thiên, Ngài chỉ đáp ứng với những sự rung đông xảy ra tại cõi nầy mà thôi. Còn ở ba cõi dưới: Hạ Thiên, Trung Giới và Hạ Giới, Ngài không biết chi cả. Thế nên Ngài mới sanh ra Phàm Nhơn để học hỏi và kinh nghiệm ở ba cõi dưới thay thế Ngài. Trong mỗi kiếp, tinh hoa của sự học hỏi của Phàm Nhơn đều truyền lại cho Ngài. Nếu không biết cách cấu tạo ba cõi nầy thì làm sao sanh hóa chúng nó được. Ðây là câu trả lời: Tại sao Chơn Nhơn đi đầu thai?
Phật Giáo gọi điều này là Trishna hay là Tanha: Tức là sự ham sống (Soif de vivre).
Nhưng con người còn phải qua sáu Bầu Hành Tinh còn lại của Dãy Ðịa Cầu nầy đặng học hỏi và kinh nghiệm. Con người phải đi từ Bầu Hành Tinh nầy qua Bầu Hành Tinh kia, bảy bận như vậy mới trở nên trọn sáng trọn lành làm một vị Siêu Phàm gọi là Chơn Tiên. Từ đó về sau con người thoát khỏi đọa Luân Hồi dưới Trần Thế và lần lần tiến lên nhiều bực cao hơn nữa như: Ðế Quân, Bồ Tát, Phật, Ngọc Ðế vân vân . . . . Những nấc thang tiến hóa cao tột Trời, chẳng biết đâu là giới hạn, là mức cuối cùng.
*
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved