Home » » VÀI ĐIỂM TRÁNH TRONG TÂM THỨC HỌC-PHẦN4

VÀI ĐIỂM TRÁNH TRONG TÂM THỨC HỌC-PHẦN4

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012 | 21:17

chương thứ tư
5. tâm thức bồ đề
Tâm Thức Bồ Ðề ra sao? Tôi xin tóm tắt ra đây những lời của Ðức Leadbeater nói về Tâm Thức Bồ Ðề trích trong Quyển I, Huyền Bí Học trong Thiên Nhiên (L'Occultisme dans la Nature, Tom II).
. . . . Người ích kỷ không thể nào hoạt động trên cõi Bồ Ðề được vì tinh hoa của cõi này là sự thiện cảm, sự hiểu biết trọn vẹn, nó loại ra ngoài tính ích kỷ, ghen ghét.
Con người không thể tạo ra Thể Bồ Ðề nếu chưa làm chủ được mấy cõi thấp. Có sự liên quan mật thiết giữa cõi Trung Giới và cõi Bồ Ðề, nhưng đừng kết luận rằng con người có thể đem Tâm Thức từ cõi Trung Giới lên cõi Bồ Ðề mà không mở mang những Thể làm trung gian là Hạ Trí và Thượng Trí.
Quả thật trên những cảnh cao siêu của cõi Bồ Ðề - con người chỉ là một đối với tất cả nhơn loại, nhưng đối với mấy kẻ khác vẫn in như nhau. Không có điều đó đâu. Ðức Phật rất thương Ananda, còn Ðấng Christ yêu mến Jean hơn các đệ tử khác. Vì lẽ nào? Chúng ta không hiểu được. Có phải là vì Nhân quả chăng? Nhưng sự thật là chúng ta phải thương tất cả mọi người cũng như họ là những người thân yêu nhứt của chúng ta.
Tâm Thức Bồ Ðề bao hàm một số lớn Tâm Thức, người ta có thể vô Tâm Thức của kẻ khác và tưởng in như họ bằng cách xem họ từ bên trong chớ không phải từ bên ngoài. Trong trường hợp nầy người ta không tìm thế tránh xa; không đoái hoài đến kẻ hung dữ ([12]) vì người ta nhận biết nó là một thành phần của mình, nhưng là thành phần yếu đuối hơn. Người ta tìm thế giúp đỡ nó bằng cách ban rải sức mạnh cho phần yếu đuối nầy.
Chúng ta phải có thái độ nầy, chúng ta phải làm việc theo chiều hướng nầy chớ không phải chỉ nói đến việc đó hay là tưởng đến nó một cách mơ hồ, nhưng đây không phải là một chuyện dễ đạt đâu.
Trong quyển Giảng lý Ánh Sáng trên Ðường Ðạo, Qui tắc 5-8 và Qui tắc 21 có giải về Tâm Thức Bồ Ðề. Tôi xin chép hai đoạn đó ra sau đây:
I
qui tắc 5 - 8
C.W. Leadbeater. . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Nếu trong không gian, thể xác của chúng ta bị chia rẽ thì nói cho đúng sự chia rẽ nầy không có đến đỗi như người ta tưởng. Chúng ta chịu ảnh hưởng lẫn nhau, người nầy đối với người kia, cho đến đỗi không có một ai có thể thật sự sống cô độc một mình được. Một Thể xác thọ bịnh, những Thể khác ở gần nó dễ bị truyền nhiễm. Thể Vía thọ bịnh ư, theo ý nghĩa của bịnh đây là hay nóng giận, tham lam, đố kỵ, ích kỷ vân vân . . . nó thành ra một trung tâm truyền nhiễm, bởi vì sự rung động của nó truyền ra xa và những Thể Vía ở kế cận, trong một mức độ nào đó, phải thọ nhiễm những làn rung động nầy. Thí dụ: Khi những người hội họp trong một căn phòng thì Thể Vía của họ thâm nhập với nhau một cách khá rõ ràng, bởi vì Thể Vía của một người thường ló ra ngoài thể xác lối chừng bốn mươi lăm phân, đôi khi nhiều hơn nữa, cho đến đỗi không cần đụng chạm nhau, những người nầy cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ lẫn nhau. Ðiều nầy cũng còn đúng với Hạ Trí và Thượng Trí hay là Nhân Thể ([13]) của chúng ta, tự chúng nó cũng chia rẽ trong không gian cũng như do tình trạng của chúng nó. Như thế, khi giải thích qui tắc nầy là diệt ý niệm chia rẽ, chúng ta đừng quên những sự kiện tự nhiên nầy.
Không có sự chia rẽ trên cõi Bồ Ðề, nơi đây ở cảnh thấp hơn hết, những Tâm Thức không cần phải hòa hợp với nhau, nhưng lại mở rộng ra từng bực. Khi tiến tới cảnh cao nhứt của cõi Bồ Ðề và sau khi chúng ta tự mở mang trọn vẹn trong tất cả bảy cảnh của cõi nầy thì chúng ta mới nhận thấy mình vẫn là Một với nhơn loại. Ấy vậy chỉ kể từ trình độ nầy mà sự chia rẽ mới hoàn toàn không có thật, còn sự hợp nhứt có ý thức với tất cả vạn vật là thuộc về cõi trên kế đó tức là cõi Niết Bàn.
Huynh hãy tưởng tượng rằng tất cả chúng ta đều có thể tự mình khai triển đồng một lượt Tâm Thức Bồ Ðề (Bồ Ðề Tâm). Mỗi người sẽ nhận thấy rằng mình tiến lên cao đến cõi đó và Tâm Thức của y chứa đựng tất cả Tâm Thức của những kẻ khác; nhưng y luôn luôn biết rằng Tâm Thức của kẻ khác cũng là Tâm Thức của y nữa. Mỗi người trong chúng ta không mất cái ý niệm về cá tánh của mình, trái lại, cá tánh nầy sẽ bành trướng như chưa bao giờ có điều đó. Hình như mỗi người cũng biểu lộ ra ở những kẻ khác. Kỳ thật, cái Tâm Thức mà chúng ta hiểu biết được là Tâm Thức duy nhứt mà tất cả chúng ta là thành phần trong đó. Nó chính là cái Tâm Thức của Ðức Thượng Ðế vậy.
Chính ở trên cõi Niết Bàn, chúng ta mới lãnh hội Chơn Lý nầy một cách sâu xa hơn hết. Tất cả những điều gì chúng ta tưởng là Tâm Thức của chúng ta, Trí Tuệ của chúng ta, tình thương của chúng ta, sùng tín của chúng ta thì thật đó là Tâm Thức của Ngài, Trí Tuệ của Ngài, tình thương của Ngài, sùng tín của Ngài, do chúng ta biểu hiện chút ít ở bên ngoài như một luồng ánh sáng đi ngang qua một thấu kính. Ðối với con người, sự hiểu biết nầy không được toàn diện ở trên cõi Bồ Ðề, nhưng nó trở nên toàn diện ở trên cõi cao kế đó là cõi Niết Bàn.
Trong Kinh Stances de Djyan ([14]) có một đoạn nói về con người như vầy: "Ðốm lửa nối liền với ngọn lửa nhờ sợi chỉ làm bằng Fohat mảnh mai, tinh vi nhứt". Ðiều nầy, tôi tưởng có thể áp dụng cho nhiều trình độ khác nhau. Còn riêng về chúng ta thì chúng ta có thể giải thích như vầy: "Chơn Nhơn dính liền với Chơn Thần nhờ một sợi chỉ mảnh mai nhứt và sợi chỉ nầy đi ngang qua suốt cõi Bồ Ðề. Chúng ta có thể tưởng tượng sợi chỉ nầy hết sức tế nhuyễn; đó là tất cả những gì tiêu biểu cho người thường trên các cảnh của cõi Bồ Ðề nầy. Khi con người chú ý đến những lãnh vực cao vút đó, khi mà y hằng tâm niệm đến đó và lấy đó làm mục đích của đời mình thì sợi chỉ ấy bắt đầu nở to ra càng ngày càng giống như sợi dây cáp và về sau, như cái quặng, bởi vì nó lớn phần trên (một người có Huệ Nhãn trình bày như thế), kế đó nó xuống Thượng Trí (Nhân Thể), lúc bấy giờ thì Nhân Thể nhờ những thần lực tuôn xuống như thác nước mà nở lớn ra và cái quặng trở nên to lớn hơn nhiều, nở vừa phần dưới, vừa phần trên. Trong cuộc Ðiểm Ðạo lần thứ Nhứt (đã có nhiều người trải qua cuộc kinh nghiệm nầy sớm hơn) con người bỏ Thượng Trí (Nhân Thể) và nhập vô cõi Bồ Ðề. Trong khi đó, như tôi đã giải thích, Nhân Thể hoàn toàn tan rã. Thể nầy là yếu tố duy nhứt trường tồn mà con người biết được, trong vô lượng số kiếp luân hồi dài đăng đẳng sau khi thoát khỏi kiếp thú. Ðồng thời, cái quặng lại hóa thành hình cầu. Diễn tả cho đúng thật rất khó cho tôi, vì lẽ ở cõi nầy có nhiều bề hơn ở Thế gian mà những sự vật hiện ra trước mắt người có Huệ Nhãn như thế đó.
Sau khi đã được Ðiểm Ðạo lần thứ Nhứt, người Ðệ Tử trước khi có thể được Ðiểm Ðạo lần thứ Nhì thì phải hoàn toàn thoát khỏi cái ý niệm chia rẽ, ngoài những nhược điểm khác. Ý niệm này là chướng ngại đầu tiên trong mười chướng ngại (Samyojana) mà y cần phải loại trừ đặng tiến bước trên con Ðường Ðạo và sự loại trừ cuối cùng và nhứt định nầy y có thể thực hiện được nhờ đã có kinh nghiệm trong cuộc Ðiểm Ðạo lần thứ Nhứt: Y nhập vào Tâm Thức Bồ Ðề trong chốc lát. Cố nhiên, không phải do đó mà y có thể tìm lại trạng thái Tâm Thức nầy chừng nào cũng được. Ít ra y cũng có cảm giác Bồ Ðề Tâm: Lúc ấy y cảm thấy được sự hợp nhứt, y biết rằng sự hợp nhứt có thật, mặc dầu y không đủ khả năng tự mình lên cõi đó một lần nữa, nếu không có sự giúp đỡ của Ðức Sư Phụ. Như thế, cái ý niệm chia rẽ, đối với y, đã trở thành một ảo tưởng. Ở thế gian, thật ra chúng ta dường như không thể nào nhận thức được điều nầy trong thể xác. Chúng ta không ngớt bàn luận về nó, chúng ta cố gắng tin rằng chúng ta cảm thấy sự hợp nhứt đó, nhưng tôi tưởng kỳ thật điều đó chưa có thể được ngày nào mà con người còn mang lấy cái hình hài xác thịt nầy và chưa có thực hiện sự kinh nghiệm cao cả đó. Chúng ta tin chắc bằng trí khôn thôi, nhưng cảm thấy thật sự hợp nhứt là cả một vấn đề khác nữa.
Khi bắt đầu hoạt động trên cõi Bồ Ðề, con người bước vào đó từ cảnh thấp nhứt (cảnh thứ Bảy), nhưng thoạt tiên, y không nhận thức được điều gì cả, vì là cảnh thấp. Y cảm thấy một luồng phúc lạc mãnh liệt không thể tả nổi và đồng thời, Tâm Thức y bành trướng, nó nối tiếp theo tất cả những điều y đã cảm được từ lúc trước, có lẽ Tâm Thức nầy làm cho y tưởng rằng nó lan rộng khắp thế gian. Vả chăng, đây là một điều sai lầm hoàn toàn. Khi mà y quen thuộc với cảnh giới cao siêu nầy rồi thì y phân tách được, y nhận thấy sự bành trướng Tâm Thức của y, tuy được rộng lớn, nhưng nó cũng vẫn chưa trọn vẹn, chưa đại đồng. Y mở rộng phạm vi hoạt động của y từng chút, từng bực, giống như một đạo quân trú đóng trong một phần đất mới chiếm được: Trước hết họ đặt chân lên đó, sau lại và dần dần, khu vực hàng phục lan rộng trọn khắp xứ. Xong rồi, con người chú tâm luyện tập đặng lên cảnh trên kế cận một cách có ý thức; nhưng y có thể lên từ cảnh nầy đến cảnh khác, cho đến cảnh thứ Nhứt cao hơn hết mà không cần cấu tạo Thể Bồ Ðề. Con người nhờ tham thiền hay cố gắng tiến tới Tâm Thức Bồ Ðề thì luôn luôn có thể đạt được nó. Ðối với người đã cấu tạo xong cho mình Thể Bồ Ðề (Kim Thân) thì Tâm Thức nầy làm căn bản cho Tâm Thức Hồng Trần thấp thỏi của xác thân, của Cái Vía và của Hạ Trí. Ðó là một sự tiến bộ khác nhau và đặc biệt mà cũng khó khăn nữa, bởi vì nó bắt buộc phải loại bỏ Nhân Thể ([15]), phá tan bức tường chia rẽ nầy.
Người mà Tâm Thức hoạt động trên cõi Bồ Ðề, trong lúc tham thiền thấy rằng, nếu y chia sớt được tất cả Tâm Thức kỳ diệu của cõi nầy thì cũng vẫn còn một vòng tròn nhỏ trống không chia đôi Tâm Thức nầy với khoảng ở bên kia Vũ Trụ, lẽ cố nhiên, tấm vách ngăn mỏng manh này là Nhân Thể, chính nó phải tan rã hầu để cho Thể Bồ Ðề phát triển. Rồi thì, người ta mới cảm thấy được Ðời Sống tự do thực sự là thế nào và ở Thế gian chẳng có cách nào diễn tả được. Bà Blavatsky trình bày như vầy: "Một vòng tròn mà trung tâm ở khắp nơi, còn chu vi cái vành thì lại không có". Ðịnh nghĩa này rất đẹp đẽ và rất có ý nghĩa. Quả thật, đó là điều vô lý trái ngược nhau nhưng không thể bàn gì về những tình trạng siêu việt nầy của tôi nói lại mà không tương phản với nhau.
Khi ta đạt được cái ý niệm hợp nhứt chắc chắn rồi, con người có cảm tưởng rằng ở trình độ nầy, Thể Kim Thân của nó choán hết toàn diện cõi Bồ Ðề, và tuồng như nó có thể tự mình chuyển di tiêu điểm Tâm Thức của nó trên khắp cõi nầy bất câu ở chỗ nào và cũng không vì lẽ đó mà rời bỏ trung tâm của vòng tròn, mặc dầu tất cả những lời nói đây có thể bị người ta cho là vô lý. Sự kinh nghiệm đó không thể nào diễn tả được. Mối cảm xúc nầy đến cực độ và kèm theo luôn luôn cái ý thức phúc lạc vô biên, cái phúc lạc mà ở những cõi thấp không thể cho ta chút quan niệm nào cả, cái phúc lạc mãnh liệt, linh động và nồng nhiệt mà trí con người tưởng tượng không nổi. Ở Thế gian, trong những cơ hội rất hiếm hoi mà chúng ta nhận thấy, không có cái gì xứng đáng với danh từ phúc lạc ấy, cái phúc lạc vốn không cảm thấy sự đau khổ nào cả. Tại Trần thế chúng ta hưởng được hạnh phúc hay phúc lạc là khi nào, trong chốc lát, chúng ta không mệt mỏi và không đau khổ, khi nào chúng ta có thể nghỉ xả hơi, chúng ta thưởng thức được những ảnh hưởng tốt đẹp. Ðó là một ý niệm có hơi tiêu cực. Trên cõi Bồ Ðề, phúc lạc là một cảm giác mãnh liệt phi thường và linh động; tôi không biết làm thế nào để bày tỏ nó ra.
Hãy tưởng tượng sự hoạt động mãnh liệt nhứt mà huynh chưa hề cảm thấy, hãy thay thế sự hoạt động linh mẫn nầy, nhiệt liệt nầy bằng một ý niệm toàn phúc; kế đó hãy tinh thần hóa ý niệm toàn phúc nầy rồi đem nó lên tới một cõi thật cao và nhơn nó với một con số gọi là con số n lần (lũy thừa n), có lẽ như thế, huynh sẽ có được một quan niệm về cái phúc lạc cõi Bồ Ðề.
Ấy là một sự thật linh động của một sức mạnh không có cái chi chống lại nổi. Nó không có gì là thụ động cả. Người ta không có nghỉ ngơi. Ở Thế gian, chúng ta bắt buộc phải có nhiều nỗ lực siêng cần mà sự nghỉ ngơi chiếm luôn luôn một địa vị rất lớn trong lý tưởng của chúng ta, dù lý tưởng đó thế nào cũng vậy; nhưng ở trên cảnh cao đó, con người trở thành hóa thân của một năng lực phi thường, tự biểu thị bằng cách ban rải ra ngoài. Trong Tâm Thức của y, quan niệm về sự cần thiết nghỉ ngơi tuyệt nhiên không có. Ðiều mà ở Thế gian người ta gọi là sự nghỉ ngơi thì ở trên cõi Bồ Ðề dường như là một sự không có thật. Chúng ta liên kết với sự biểu thị của khí lực thiêng liêng và khí lực nầy là một sự sống linh động. Người ta có thể nói đến sự an nghỉ ở cõi Niết Bàn, nhưng đứng về phương diện thấp thỏi mà thôi. Sức mạnh của khí lực mới thật là đặc tánh của đời sống cao siêu nầy, khí lực quá cao diệu cho đến đỗi không thể lấy một thứ vận động thông thường nào mà giải thích được, chính nó là một triều lưu vô biên không có chi chống lại nổi, ở dưới dòm lên thì nó in như là sự yên lặng nhưng nó có nghĩa là Tâm Thức của Quyền Lực tuyệt đối. Không có danh từ nào để trình bày tất cả những điều nầy. Ði đến đó chúng ta mới thắng phục được cây cỏ dại to lớn. Kẻ thù nguy hiểm của chúng ta tức là cái ý niệm chia rẽ. Tóm lại, đó là phận sự khó khăn hơn hết đang chờ đợi chúng ta, bởi vì nó bao hàm tất cả cái gì còn lại.
Khi Thể Bồ Ðề phát triển trọn vẹn trên bảy cảnh rồi và chỉ lúc đó, con người mới làm chủ được toàn cõi Bồ Ðề và có năng lực đồng hóa một cách mỹ mãn với toàn thể nhơn loại. Cái năng lực nầy giúp cho y biết được tư tưởng và tình ý của tất cả mọi người. Trước khi đạt được Tâm Thức Bồ Ðề, chúng ta có thể gắng sức làm giảm bớt cái ý niệm chia rẽ và nói về mặt trí thức thì sự thành công to tát lắm, tuy nhiên, chúng ta còn đứng ở bên ngoài, đó có nghĩa là chúng ta chưa biết được đồng loại mình. Ðối với chúng ta, họ cũng còn là một sự bí mật tuyệt đối, bởi vì đối với con người, thì con người là một sự bí mật to lớn nhứt. Chúng ta có thể giao thiệp mật thiết trong một thời gian khá lâu với nhiều người, nhưng mà chúng ta không am hiểu họ tường tận. Có thể, trước khi đi đến cõi Bồ Ðề không ai biết rành rẽ một người nào cả, nhưng sau khi lên cõi Bồ Ðề rồi, y có thể hòa mình vào Tâm Thức của những kẻ khác và biết rõ những việc làm của họ và vì lý do nào họ hành động như thế nầy hay như thế kia. Tại đó, tất cả vạn vật đều ở trong Tâm y, chớ không ở bên ngoài và y quan sát vạn vật cũng như y quan sát những bộ phận của chính mình y vậy. Ở Thế gian thì không thể làm như vậy được, nhưng cảm giác được bấy nhiêu cũng là đủ lắm rồi. Tất cả niềm vui vẻ, tất cả nỗi đau khổ của nhơn loại cũng chính là niềm vui vẻ và nỗi đau khổ của y. Khi y muốn xuống cõi Thấp, y mượn một trong số những vòi, những tua nghĩa là Tâm Thức của những người khác bởi vì y với những kẻ khác chỉ là một mà thôi. Y có thể cảm giác được và thật ra, y cảm giác được hết thảy những điều gì làm cho người ấy xúc động. Y biết được tất cả những niềm đau khổ của Thế gian, nhưng y hiểu biết một cách chắc chắn và tuyệt đối rằng sự đau khổ là một thành phần cần thiết của cõi nầy và khi lên tới cõi cao thì nó không còn nữa.
Không chia sớt sự đau khổ một cách ít thấm thía hơn, y biết rằng Phạm Thiên Brahman là Toàn Phúc và hợp nhứt với đời sống thiêng liêng là một tình trạng phúc lạc vô biên ở nội tâm. Phải tới trình độ phát triển nầy trước khi có thể giúp đỡ đầy đủ đồng loại mình.
Khi con người đạt được Tâm Thức mới nầy, thì một thời gian trước đó, y đã lìa khỏi mấy cõi thấp, nơi đó y còn có nguy cơ mất sự an tĩnh và sự quân bình của y, chính y mới là yếu tố của niềm hoan lạc thiêng liêng. Khi trở về nhập vào ba Thể: Trí, Vía và Xác Thân thì y có thể bị những sự lo lắng nhỏ nhặt làm cho y xúc động. Nhưng cũng không nên có điều đó nữa, tuy nhiên có một khoảng lớn chia đôi đời sống cao siêu với đời sống ở Thế gian và khi chúng ta còn ở trong xác phàm thì những chuyện không ra gì cũng còn có thể làm cho chúng ta nổi cơn thạnh nộ. Có thể mất bình tĩnh trong nhất thời, vì một lý do thuộc về cõi Trần; ở một cảnh giới thật cao cũng vẫn còn điều đó, nhưng chỉ hoàn toàn phớt qua thôi. Dưới Thế gian, những sự vật làm cho người ta đau khổ thật sự vốn là những sự vật mà người ta tưởng rằng là không phương cứu chữa. Không thể nào bị thất vọng sau khi đã đạt được Tâm Thức siêu việt nầy, thực tại luôn luôn là hạnh phúc, nhứt định chắc chắn như vậy. Chúng ta biết rằng, ở những cõi thấp, tất cả những sự đau khổ đều là tạm thời và chúng ta không còn chịu đau khổ nữa, nếu chúng ta tiến rất gần đến sự toàn thiện.
Chúng ta có cái năng lực đồng hóa, chẳng những Tâm Thức của kẻ khác mà còn cho đến tất cả cái chi ở trên cõi Bồ Ðề. Chúng ta học hỏi tất cả theo đường nội tâm chớ không theo ngoại cảnh ([16]). Chúng ta muốn khảo cứu một vấn đề nào, một cơ thể nào hay hoạt động của một Luật thiên nhiên nào hoặc các vấn đề khác cho đến tất cả Tâm Thức của Nhân Thể nữa, chúng ta bắt buộc phải xem xét từ bên ngoài và coi nó như ở ngoài chúng ta. Ở trong Nhân Thể, chúng ta có thể quan sát việc nầy với một Tâm Thức vô cùng mở mang, với cái năng lực thu hoạch được những điều hiểu biết hết sức sâu rộng hơn là những cõi thấp. Nhưng khi tiến đến cõi Bồ Ðề, sự sai biệt thật là trọng yếu. Ðối tượng của sự quan sát của chúng ta lại trở thành phần tử của chính mình chúng ta. Khó mà phô diễn bằng lời nói, bởi vì ở Thế gian, chúng ta không có cái gì hoàn toàn giống như thế; nhưng khi khảo sát sự vật bằng cách lấy phương diện nội tâm thay thế cho những phương diện ngoại cảnh thì có được một sự ích lợi to tát cho chúng ta.
Những đặc điểm đó mới mẻ cho đến đỗi như là chúng ta có thể nói rất đúng: "Ðây là sự thấy đầu tiên của chúng ta về cách thức mà Ðức Thượng Ðế quan sát Vũ Trụ của Ngài". Bởi vì kinh nghiệm nầy chính thật là kinh nghiệm của Ngài, điều mà Ngài quan sát phải là một phần tử của chính Ngài, bởi vì không cái gì có ra đây mà không phải là Ngài. Tâm Thức của Ngài vốn là Tâm Thức Bồ Ðề nầy nhơn cho một số gọi là số n (lũy thừa n) và thêm vào đó một sự thông tuệ, một sự vinh quang và một sự huy hoàng mà không cái gì, bất cứ ở cõi nào, có thể gợi cho chúng ta một ý niệm nào cả. Người ta mới hiểu rõ rằng tại sao ta gọi cõi này là cõi Chơn và tất cả những cái thấp là cõi Giả, bởi vì sự sai biệt thật to tát, sự thay đổi thái độ của chúng ta thật hoàn toàn cho đến đỗi tất cả cách thức khác để quan sát sự vật dường như là hư ảo, không thực tế mà lại còn kỳ cục nữa, khi mà chúng ta tập quan sát sự vật theo con đường nội tâm.
Ðạt được sự thấy cao siêu nầy cũng không phải là khó như như nhiều sanh viên đã lầm tưởng. Có một số người đã thành công trong kiếp hiện tại, ở nơi đây và ngay bây giờ đây, chắc chắn những người bằng lòng tuân theo kỷ luật và thật hành lòng vị tha vong kỷ một cách tuyệt đối thì tập được; bởi vì ngày nào một yếu tố cá nhơn chia rẽ còn tồn tại trong quan điểm của người Ðệ Tử thì ngày đó y không thể nào tiến bộ được trong Tâm Thức Bồ Ðề vì sự mở mang Tâm Thức nầy tùy thuộc sự loại trừ Bản Ngã.
II
qui tắc 21
"Sau khi thật hành xong 21 qui tắc thì trong lúc sanh viên được Ðiểm Ðạo, Tâm Thức Bồ Ðề hay là sự hiểu biết Sự Ðồng Nhứt hiện ra cho anh thấy một sự kiện Thiêng Liêng vĩ đại ([17]). Sau sự kinh nghiệm nầy, thí sanh khác hẳn thường nhơn chỉ biết cầu xin với Trí năng mà thôi. Người ta thường nói: Ðơn nhứt là đặc điểm của cõi Bồ Ðề. Ðiều nầy, có lẽ cần phải có vài lời giải thích phụ thêm. Ở trong Nhân Thể (Thượng Trí), một người có thâu thập sự hiểu biết khá đầy đủ về một vật nào đó; anh thấy cái tinh hoa, cái cốt yếu của nó, bởi vì Chơn Nhơn tác động qua trung gian của Nhân Thể (Thượng Trí). Chơn Nhơn tưởng một cách trừu tượng, chớ không cần hạ xuống cho tới những thí dụ, bởi vì tư tưởng của Ngài soi thấu cặn kẻ vấn đề. Mấy điều nầy thật kỳ diệu nhưng mà còn hành động từ bên ngoài.
Ðặc điểm lớn lao của cõi Bồ Ðề là hoạt động từ trung tâm phát ra ngoài (ly tâm lực). Nếu ta muốn bày tỏ thiện cảm với người nào đó và hiểu biết trọn vẹn hầu giúp đỡ họ cho có hiệu quả thì ta hoạt động trong Thượng Trí (Nhân Thể). Ta phóng một tia sáng như tia sáng của đèn khí đá vào Nhân Thể của y (đây là nói một cách bóng dáng) rồi ta học hỏi những đặc tánh, những cái riêng biệt. Chúng nó rất rõ ràng và rất dễ xem xét, nhưng luôn luôn chúng ta thấy từ bên ngoài. Nếu chúng ta có năng lực Bồ Ðề và muốn đạt được sự hiểu biết nầy thì ta đem Tâm Thức ta lên cõi Bồ Ðề và tại đó ta nhận thấy Tâm Thức của người mà ta muốn học hỏi là một thành phần của chúng ta. Tại đây, ta gặp Tâm Thức ta, một điểm, có thể nói là một kẽ hở hơn là một điểm, nó tiêu biểu cho Tâm Thức của y, đây là mức độ thấp mà ta đã chọn lựa. Ta thấy tất cả mọi vật đúng như y đã thấy. Ta thấy chúng nó bằng cách ta vào ở trong tâm y, thay vì ở ngoài mà nhìn vô.
Người ta hiểu dễ dàng rằng phương pháp nầy giúp chúng ta hiểu biết và có thiện cảm một cách trọn vẹn.
Khi tầm mắt ta mở rộng nhờ những sự hiểu biết mới mẻ nầy thì tất cả những vấn đề liên hệ đến chúng nó trở thành một thành phần của chúng ta. Chúng ta học hỏi chúng nó từ bên trong, chớ không phải từ bên ngoài, chúng ta có thể nhứt định điều khiển Tinh lực chúng ta theo chiều hướng nào. Ðây là một sự lợi ích rất lớn lao và rất mới mẻ. Chúng ta biết phải bàn đến những vấn đề dưới thế gian cách nào".
Như vậy, chúng ta mới xử dụng được Bồ Ðề Tâm, chớ không phải chỉ nghe nói mà thôi.
Nói tóm lại, phải lên tới cõi Bồ Ðề mới thấy Tâm Thức mình chứa đựng trọn vẹn cõi Bồ Ðề. Không phải giọt nước tan trong biển cả mà trái lại trọn cả biển cả chun ở trong giọt nước. Thật là kỳ lạ. Ở mấy cõi trên, có những việc gọi là bình thường, mà ở tại cõi Trần người ta thấy chúng nó trái ngược nhau rõ rệt. Khi chúng ta chưa lên tới mấy cõi đó thì chúng ta không quan niệm được điều ấy. Ngày sau hay là nhiều kiếp nữa chúng ta sẽ kinh nghiệm được điều này.
Bây giờ hãy để nó qua một bên: nghe vậy hay vậy.
6. tâm thức niết bàn hay là tâm thức tiên thể
(Corps Atmique)
Thật sự chúng ta chưa xử dụng được Tâm Thức của Cái Vía mà nói đến Tâm Thức Niết Bàn thật là không khiêm tốn chút nào. Tuy nhiên, chúng ta có thể thuật lại những điều mà các vị La Hán đã có kinh nghiệm tại cõi Niết Bàn nói cho các em nhỏ nghe.
Các nhà học giả Ðông Phương bên Âu Châu dịch chữ Nirvana là tiêu hủy, theo nghĩa một ngọn đèn cầy bị thổi tắt. Ðiều này trái hẳn với Chơn Lý. Nói cho đúng ấy là tiêu hủy tất cả những cái chi tiêu biểu cho con người, bởi vì không còn con người nữa mà chỉ còn Ðức Thượng Ðế trong con người, một vị Thượng Ðế ở giữa những vị Thượng Ðế lớn hơn Ngài.
Hãy tưởng tượng một đại dương ánh sáng rực rỡ linh động, và chuyển động như thủy triều dâng lên không có chi ngăn cản được. Ánh sáng nầy tiến tới trên một cõi không có sự tương đối.
. . . . Ánh sáng nầy có một mục đích nếu điều đó có thể hiểu được. Thật ra không có lời để diễn tả. Vào cõi Niết Bàn trước nhứt ta cảm thấy một sự an lạc tuyệt vời, một hạnh phúc vô biên. Trong ánh sáng nầy lại có những điểm sáng rỡ hơn nữa.
Lần lần chúng ta biết được những Mặt Trời phụ thuộc này là những Ðấng Cao Cả như những Ðại Thiên Thần, những Ðấng Nam Tạo Bắc Ðẩu, những vị Phật, những vị Bồ Tát, các Chơn Sư và những vị khác mà chúng ta không biết tên. Ánh sáng và sự sống xuyên qua các vị ấy mà ban rải cho chúng ta.
Ðức Bà Blavatsky nói về trạng thái của Tâm Thức nầy như sau đây: "Chỗ nào cũng có một trung tâm mà không có cái vòng tròn làm ra chu vi ở ngoài".
Người ta cho câu nầy vốn của Pascal thốt ra hoặc của Hồng Y Giáo Chủ Cardinal de Cusa hoặc trong quyển Zohar, nhưng thật sự nó ở trong sách của Hermès ([18]).
Vào Niết Bàn không phải bị hoàn toàn tiêu diệt. Con người không mất cá tánh của mình mà còn hưởng được một sự phúc lạc vô biên, một sự sống cao thượng và mới mẻ và tin chắc rằng: Có sự trường tồn bất diệt. Ở vào mức độ này, Chơn Thần vẫn còn bao phủ mình bằng một bức màn khó mà diễn tả được.
Tâm Thức Niết Bàn của Chơn Sư là một điểm, nhưng nó chứa đựng trọn cõi Niết Bàn. Ngài có thể đem nó xuống mấy cõi dưới rồi trải rộng nó ra. Ngài ở trong hình cầu nầy, còn những người Ngài muốn giúp đỡ ở chung quanh hình cầu. Như vậy Ngài ban thần lực cho họ dễ dàng. Thiết tưởng cũng nên biết rằng: Lần đầu tiên vị La Hán phải nhờ Chơn Sư bao bọc trong hào quang của Ngài rồi đem lên tận cõi Niết Bàn và nhờ Ngài vị La Hán mới thấy được vài sự vinh quang của cõi nầy trước khi có đủ quyền năng tự vào đó một mình.
Quí bạn nên đọc quyển Nirvana của Ðức Arundale trong đó Ngài ghi lại những kinh nghiệm của Ngài, nhứt là Chương XI: "Những sự nguy hiểm của Niết Bàn". Trong Chương nầy Ngài thuật lại vì sơ ý nổi nóng có một chút mà các Thể của Ngài bị xáo trộn và Ngài bị loại ra khỏi cõi Niết Bàn. Tôi nhấn mạnh về điểm nầy để cho quí vị thấy tánh tình quan trọng là dường nào và ghi nhớ mãi trong lòng mười chướng ngại Samyojana.
*
* *
h ế t
([1]) Xin xem Phần Ba Về sự thực hành.
([2]) Ngôi thứ Ba (3è Logos) biến đổi Hỗn Nguơn Nhứt Khí (Mulaprakriti) ra những nguyên tử đặng thành lập Bảy Cõi Trời. Ngôi thứ Nhì phối hợp các nguyên tử làm ra những hình dạng và cho sự sống của Ngài vô những hình dạng nầy.
([3]) Xin xem hình nguyên tử căn bản Hồng Trần trong tập "Thái Dương Hệ của chúng ta".
([4]) Tượng trưng của Tử Thần là Bộ cốt vác cái phãng.
([5]) Sự Tiến Hóa Huyền Bí của Nhân Loại (Evolution Occulte de l’ Humanité).
([6]) Chữ U của Phạn ngữ đọc OU theo tiếng Pháp.
([7]) Xin xem hai tập:
1. Vũ Trụ và Thượng Ðế.
2. Thái Dương Hệ của chúng ta.
([8]) Cái Vía xuất ra ngoài rồi, chất Thanh Khí ở ngoài lại bao phủ xác thân làm một Cái Vía giả. Tới chừng con người về nhập xác, Cái Vía giả tan rã.
([9]) Nguyên tử căn bản Hồng Trần là nguyên tử làm ra cảnh thứ Nhứt của cõi Trần.
([10]) Quí bạn nên đọc hai quyển: L’ homme visible et invisible của Ðức Leadbeater và quyển Le Corps Causal của A. E. Powell.
([11]) Xin đọc quyển nhỏ: Chơn Nhơn và Phàm Nhơn của Ðức Leadbeater.
([12]) Ðây nói về trên cõi Bồ Ðề. Còn ở tại cõi Trần, không nên cho trẻ con ở gần những người hung dữ, chúng nó sẽ nhiễm tính xấu nầy vì những tư tưởng và những tình cảm truyền nhiễm lẹ làng.
([13]) Nhân Thể (Corps Causal ou Corps mental supérieur). (Lời dịch giả)
([14]) Ấy là cuốn "Thiên Thơ". (Lời dịch giả)
([15]) Xin nhớ Nhân Thể là Thượng Trí. (Lời dịch giả)
([16]) Nghĩa là đi từ trong ra ngoài, chớ không phải đi từ ngoài vào trong. (Lời dịch giả)
([17]) Xin nói thêm: Sau khi được Ðiểm Ðạo lần thứ Nhứt hay là lúc thuận tiện thí sanh nhờ Tôn Sư hay một vị Ðại Sư Huynh đem lên cõi Bồ Ðề tập luyện một vài cách. Không có sự giúp đỡ nầy, không khi nào vị Tu Ðà Huờn lên tới cõi Bồ Ðề được. Anh mới hoạt động ở cõi Trung Giới và cũng có thể ở cõi Hạ Thiên.
Không có sự luyện tập nầy sanh viên không thể diệt được ba chướng ngại đầu tiên của mười chướng ngại, Phật Giáo gọi là Samyojana.
([18]) Hermès là tiền kiếp của Ðức Phật Thích Ca lúc Ngài còn ở ngôi vị Bồ Tát. Ðức Bồ Tát giáng phàm dạy Ðạo tại Ai Cập lấy tên là Hermès Trismégiste.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved