chương thứ ba
guồng máy của tâm thức
(le mécanisme de la conscience)
Nói cho đúng, tất cả những Thể của con người từ: Xác Thân, Phách, Vía, Hạ Trí, Thượng Trí, Kim Thân (Thể Bồ Ðề) và Tiên Thể làm ra guồng máy của Tâm Thức với tư cách là cơ quan của ý chí, của tư tưởng và của sự hành động. Nhưng mà có thể nói: Bộ Thần kinh là guồng máy đặc biệt của Tâm Thức, bởi vì do bộ Thần kinh làm trung gian, Tâm Thức mới kiểm soát và điều khiển được tất cả thân thể con người.
Mỗi tế bào trong mình chúng ta gồm hằng hà sa số những sự sống hết sức nhỏ nhít, li ti, mỗi sự sống nầy đều có Tâm Thức mới tượng. Mỗi tế bào đều có Tâm Thức riêng biệt kiểm soát nó và tổ chức nó. Nhưng mà Tâm Thức trung ương cao hơn hết, nó dùng xác thân như là một vận cụ, tới phiên nó, nó kiểm soát và tổ chức xác thân. Guồng máy trong đó nó hoạt động ấy là Bộ Thần Kinh.
hai hạch quí trong đầu con người
Trong đầu con người có hai hạch rất quí:
Một là Hạch mũi (Corps pituitaire).
Hai là Hạch óc (Glande pinéale).
1. hạch mũi (Corps pituitaire).
Hạch mũi là cơ quan của xác thân, trước nhứt để luyện Thần Nhãn rồi sau đó để luyện Thiên Nhãn (Vision mentale).
Nhờ nó mà những điều ta học hỏi trong lúc mở Thần Nhãn mới truyền qua cái óc. Nó cũng dùng để kiểm soát những chỗ giao cảm thần kinh tiếp xúc với Cái Vía, nhờ vậy Tâm Thức vẫn tiếp tục không gián đoạn giữa cõi Trần và cõi Trung Giới. Nhưng phải đề phòng, không nên định trí quá mức, làm cho hạch mũi sưng lên, con người mở mắt trao tráo mà không thấy đường.
Trong Hatha Yoga có nhiều tư thế tập thường xuyên thì hư Hạch mũi, khá thận trọng khi luyện tập một mình.
2. hạch óc –tùng quả tuyến (glande pinéale).
Hạch óc liên quan với Cái Trí. Nó dùng để chuyển di tư tưởng từ người này qua người kia. Trong những trường hợp: Thần giao cách cảm (Télépathie) tư tưởng có thể phóng đi từ Cái Trí nầy qua Cái Trí kia, nó dùng chất Thượng Thanh Khí (chất Trí Tuệ) làm phương tiện chuyển giao hay là nó từ Hạch óc truyền đi, xuyên qua Dĩ Thái Hồng Trần (Ether physique) tới Hạch óc của kẻ khác.
Ðối với người da trắng thì Luân xa thứ sáu và Luân xa thứ bảy đồng qui về Hạch mũi. Hạch mũi làm ra sự liên lạc trực tiếp giữa cõi Trần với các cõi cao siêu.
Ðối với nhiều người khác Luân xa thứ sáu dính với Hạch mũi, còn Luân xa thứ bảy cong xuống, dính với Hạch óc. Nó làm ra sự liên lạc trực tiếp giữa cõi Trần và cõi Hạ Thiên, không xuyên qua cõi Trung Giới làm trung gian như thường lệ. Phải mở Huệ Nhãn mới biết được điều này.
*
* *
chương thứ tư
tâm thức cao siêu hay là siêu tâm thức (super conscience)
Siêu Tâm Thức là Tâm Thức cao hơn Tâm Thức của ta thường dùng hằng ngày:
Ấy là: Tâm Thức Cái Vía
Tâm Thức Cái Trí (Hạ Trí và Thượng Trí).
Tâm Thức Bồ Ðề hay Bồ Ðề Tâm (Conscience Bouddique).
Tâm Thức Niết Bàn hay là Tâm Thức Tiên Thể (Conscience Nirvanique).
Xin xem Phần Nhì – Chương: Sự mở mang Tâm Thức.
những điềm chiêm bao
Nhưng thiết tưởng cũng nên nói vài lời về những điềm chiêm bao, bởi vì thường thường người ta gọi chiêm bao là những điều Cái Vía thấy trong lúc ngủ. Như vậy thì chúng nó thuộc về Tâm Thức cao siêu.
Nhưng thật sự, tất cả những điềm chiêm bao không phải đều do Cái Vía thấy.
Có bốn thứ chiêm bao:
1. Chiêm bao Xác thịt.
2. Chiêm bao Cái Phách.
3. Chiêm bao Cái Vía.
4. Chiêm bao linh.
Tuy nhiên muốn thật biết cái nào là chiêm bao xác thịt, cái nào là chiêm bao Cái Phách thì phải mở Thần Nhãn, quan sát tỉ mỉ mới chắc không lầm.
Những chuyện thuật lại dưới đây, xem xét theo cách suy diễn cũng có thể biết được chút đỉnh mỗi chuyện thuộc về loại chiêm bao nào. Thật sự chúng vốn vô hình, không thể lấy việc hữu hình mà giải nghĩa cho đúng được.
1. chiêm bao xác thịt
Trong lúc ngủ, con người không còn kiểm soát cái óc nữa, cho nên nó lập lại những sự rung động của nó đã ghi trong lúc ban ngày, có khi của mấy ngày trước nữa.
Cũng nên biết xác thân lưu giữ một Tâm Thức riêng biệt còn mơ hồ lắm; chúng ta cũng phải kể thêm Tâm Thức tập thể của những tế bào của xác thân nữa.
Những sự biến đổi dù ở ngoại giới hay ở trong mình như nóng, lạnh, đói, khát, trược khí, no hơi, sình bụng, máu huyết không điều hòa, những tiếng, những sự đụng chạm, và nhiều nguyên nhân khác đều có ảnh hưởng đến cái óc và sanh ra chiêm bao.
Tỷ như những chuyện sau đây
– I –
Một người kia nằm ngủ chiêm bao thấy mình bị thắt cổ, chừng giựt mình tỉnh dậy thấy cổ áo sơ mi mình chật quá, muốn nghẹt thở.
– II –
Một người khác bị cây kim gút đâm, chiêm bao thấy mình đánh gươm bị một vết thương nặng.
– III –
Một vị nữa tên Maury thuật lại rằng một đêm kia ông nằm ngủ bị một cây nuông mùng rớt xuống trúng nhẹ cần cổ ông. Bao nhiêu đó cũng đủ làm cho ông thấy một điềm chiêm bao dữ dội. Ông thấy ông đóng một vai tuồng trong cuộc Cách Mạng Pháp rồi lên đoạn đầu đài.
– IV –
Chiêm bao thấy một bầy quạ.
Ông Camille Flammarion nói:
Tôi chiêm bao thấy ở trên một cái núi cao. Một bầy quạ bay ngang qua và kêu quạ quạ. Chúng nó cổi lớp giống như mấy con sâu lột da và mấy con bướm thay lớp nhộng.
Những lớp nầy rớt xuống chung quanh tôi, nhưng tôi lấy làm lạ, chúng không giống những con quạ mà lại giống đầu những con dã nhơn bằng da giấy. Nhà Thiên văn học Babinet ở tại đó, ông lấy những đầu nầy nhét đầy túi.
Ông Camille Flammarion giải nghĩa điềm chiêm bao:
Ngày trước tôi chăm chỉ xem chòm sao Ô Thước (Constellation du Corbeau) trong Thiên văn đồ Flamsteed.
Nhà Bác học Babinet không được đẹp. Gương mặt của ông, cũng như gương mặt của Littré làm cho chúng ta nhớ đến giống khỉ, tổ tiên loài người.
(Ðiều chưa biết và những vấn đề Tâm Linh rút trong Quyển II–L'Inconnu et les problèmes psychiques, Tom II par Camille Flamm-arion).
– V –
Chiêm bao thấy người giậm gót chân trên nấc thang lầu.
Ông Camille nói:
Sáng sớm hôm nay, ngày mồng 6 tháng 6 năm 1897, tôi chiêm bao thấy một người giậm mạnh gót chân trên một nấc thang lầu bằng cây. Tiếng giậm mạnh làm cho tôi giựt mình thức dậy. Ấy là tiếng "hỏa pháo" do người ta đốt hồi sáu giờ sáng cách Thiên văn đài hai trăm thước để báo tin Lễ Thánh Linh giáng lâm (Pentecôte).
Cái tiếng đánh thức tôi là nguyên nhân sanh ra một cái hình. Tôi thấy hình nầy trước khi tôi thức dậy. Ðây có nghĩa là hình nầy sanh ra trong khoảng một thời gian rất ngắn có lẽ trong một phần mười giây đồng hồ (1/10 de seconde) làm cho tôi thức dậy.
Khi tôi thấy người giậm chân trên nấc thang lầu thì tôi chiêm bao thấy mình trần truồng. Tôi phải đi ra khỏi phòng tôi ở và kiếm quần áo để mặc. Tôi đi ngang qua phòng khách thấy có lối ba mươi người ngồi nói chuyện với nhau. Tôi lo lắng rất lâu, tôi tìm cách đi ra, bỗng chút tôi giựt mình thức dậy.
Tôi mở mắt ra, cảm thấy lạnh. Tôi thấy cái mền của tôi đắp rớt ra ngoài. Chắc chắn sự lạnh này làm cho tôi chiêm bao thấy mình trần truồng cũng như tiếng pháo nổ sanh ra hình một người giậm chân trên nấc thang lầu.
(Ðiều chưa biết về những vấn đề Tâm Linh, Quyển II – L'Inconnu et les problèmes psychiques, Tom II par Camille Flammarion).
– VI –
Bị thú rượt cắn.
Steffens, nhà văn sĩ Ðức thường luận về các thứ chiêm bao có thuật lại điềm chiêm bao của ông hồi còn nhỏ như sau đây:
Một hôm tôi ngủ với anh tôi, bỗng thấy mình đi trên một con đường vắng vẻ bị một con thú rừng dữ tợn rượt theo. Tôi sợ quá, chạy trốn không la được tiếng nào, cho tới khi tôi gặp một cái thang tôi leo lên. Song bị hoảng hốt nên yếu sức, và con thú đó chạy mau quá, nó đuổi theo kịp tôi. Nó cắn tôi một vít sâu ở bắp chuối. Tôi giựt mình thức dậy thì chính là lúc đó anh tôi ngắt bắp chuối tôi, ngay chỗ con thú cắn.
– VII –
Ðang ngủ nghe tiếng súng nổ.
Ông Richers cũng là một nhà văn sĩ Ðức, có thuật chuyện một người kia đương ngủ bỗng nghe tiếng súng nổ liền nằm chiêm bao thấy y nhập ngũ, rồi bỏ trại trốn đi, bị đói khát và cực khổ vô cùng.
Kế y bị bắt đem về. Tòa án quân sự xử bắn. Tiếng súng nổ làm cho y giựt mình thức dậy.
2. chiêm bao cái phách
Cái óc của Cái Phách rất nhạy cảm hơn cái óc của xác thịt. Nó phản ứng rất lẹ làng đối với những ảnh hưởng bên ngoài. Nên biết có những luồng Dĩ Thái (Courants éthériques) trên không gian đi từ Ðông sang Tây, từ Bắc chí Nam . Nếu những luồng Dĩ Thái này đi ngang qua chỗ hôi hám, dơ dáy thì chúng hóa ra trược.
Khi nó đi ngang qua Cái Phách thì nó làm cho cái óc này sanh ra chiêm bao, thường thường là dữ dằn, hãi hùng như bị cọp rượt, rắn đuổi theo, mộc đè vân vân . .
Giấc ngủ hóa ra nặng nề. Vì thế nên chọn lựa chỗ ngủ tinh khiết, nếu có thể làm được việc nầy.
Cũng nên biết rằng mùng mền chiếu gối áo quần của người lạ nhiễm từ điện của họ, mình dùng đồ đó sẽ chiêm bao có thể thấy những việc dị kỳ.
3. chiêm bao cái vía
Nói tiếng Anh trong giấc ngủ.
Trong quyển II Ðiều chưa biết về vấn đề Tâm Linh Ông Camille Flammarion cũng có thuật chuyện, ông nói tiêng Anh trong lúc ngủ như sau đây:
"Ðã nhiều năm rồi, trong lúc tôi học tiếng Anh, tôi rất quan tâm đến những động từ có những giới từ theo sau. Tôi nằm chiêm bao thấy tôi nói tiếng Anh. Tôi muốn nói với một người kia rằng hôm rồi tôi có đến viếng y. Tôi dùng câu: I called for you yesterday.
Người đó trả lời với tôi: Anh nói sai rồi, phải nói: I called on you yesterday.
Sáng ra thức dậy, tôi nhớ lại điềm chiêm bao, tôi lấy một quyển văn phạm Anh để trên bàn kế đó xem lại thì thấy người trả lời với tôi nói đúng.
Ðây có thể nói: Ấy là chiêm bao Cái Vía. Người trả lời với ông Camille Flammarion rất giỏi tiếng Anh và cố ý dạy ông.
4. chiêm bao linh
Còn một thứ chiêm bao nữa gọi là chiêm bao linh gồm chiêm bao báo tin trước, chiêm bao bỗng dưng hay là chiêm bao tượng trưng. Con người thấy cái chi thì chẳng bao lâu sẽ xảy ra cái đó in như điều đã thấy, không sai chút nào.
Việc này do một trong hai nguyên nhân sau đây:
Một là: Chơn Nhơn thấy những biến cố sắp xảy ra có liên hệ đến Phàm Nhơn nên cố gắng làm cho cái óc xác thịt ghi nhớ điều đó.
Hai là: Một người khác tới báo tin cho mình
Tôi xin kể vài chuyện ra đây:
a. chiêm bao thấy mình chết đuối.
Ngày 25 Novembre 1860, chúng tôi đi săn bắn ngoài biển, trên một chiếc ghe. Lối bốn giờ chiều, thì chúng tôi trở về. Còn hơn hai mươi thước nữa thì tới bờ, bỗng nhiên người bạn tôi nói với tôi rằng: "Ðêm trước anh nằm chiêm bao thấy hôm nay anh chết đuối".
Tôi an ủi anh và nói trong mười phút nữa chúng ta sẽ lên bờ.
Một chập sau chiếc ghe chìm, anh và một người bạn nữa chết đuối, mặc dầu chúng tôi tận tâm cứu chữa.
Anh của người chết mà tôi nói đây, hiên giờ làm Trạng sư tại Havre là nơi đã xảy ra tai nạn. Người ta có thể đọc tin này trong những nhựt báo xuất bản tại Havre ngày 26 Novembre 1860.
E.B.
78 Rue de Plalsbourg au Havre
(Thơ số 194)
(Ðiều chưa biết và những vấn đề Tâm Linh, Quyển II – L'Inconnu et les problèmes psychiques, Tom II).
Theo lời tường thuật trong thơ thì có thể nói Chơn Nhơn báo cho con người biết rằng y đã mãn kiếp trần rồi. Người chết nhớ rõ ràng điềm chiêm bao trước khi xảy ra tai nạn.
b. hồn ma đáp ơn.
Có một lần kia, thi sĩ Hy Lạp Simonide đi chơi ngoài mé biển bỗng gặp một cái thây ma. Tuy không biết là ai, nhưng thi sĩ cũng lo chôn cất tử tế.
Một ngày kia thi sĩ sửa soạn vượt biển bỗng chút nằm chiêm bao thấy người mà thi sĩ đã chôn đó cản trở không cho đi. Thi sĩ nghe lời. Chiếc tàu biển mà thi sĩ định đi bị chìm, hành khách trên tàu đều chết tất cả.
Ðọc chuyện này rồi ta tự hỏi: Nếu anh đi săn ngoài biển bữa đó không nghe theo lời chúng bạn rủ ren, anh ở lại nhà, anh có chết đuối không? Như trường hợp của thi sĩ Simonide không vượt biển nên không chết.
Vẫn biết có định mệnh mà cũng có tự do ý chí.
Ví như ngày 25-11-1860, anh đi săn không chết thì cái chết của anh sẽ dời lại, không biết mấy ngày, mấy tháng hay mấy năm, và anh sẽ chết cách nào? có chết đuối không? làm sao nói cho đúng được bây giờ.
c. chuyện một người thợ rèn bị cưa chƠn.
Một người thợ rèn làm việc trong một cái máy xay chạy bằng bánh xe nước, y biết cái bánh xe hư cần phải sửa lại. Một hôm y nằm chiêm bao thấy ông chủ hãng cầm y lại sau khi hết giờ làm việc đặng sửa cái bánh xe đó. Y rủi té, chơn mắc kẹt giữa hai bánh xe, bị thương nặng phải cưa đi.
Sáng ra thức dậy y thuật chuyện nầy cho vợ con y nghe và hứa chắc chắn nếu chiều người ta bảo y sửa cái bánh xe thì y sẽ bỏ ra về liền.
Qua ngày sau, ông chủ cho hay, chiều lại, sau khi thầy thợ ra về, thì sửa bánh xe. Anh thợ rèn hay vậy, nhứt định về trước khi mãn giờ làm việc. Y mới lén trốn vào một lùm cây gần đó. Chẳng dè đi tới chỗ chứa cây nhà máy y gặp một đứa nhỏ ăn trộm cây. Thấy mặt y nó liền bỏ chạy. Y quyết định rượt theo bắt nó trả cây lại. Y ham rượt cho đến đỗi quên phứt sự quyết định của y, y chưa kịp nhớ tới ý nghĩ của y hồi sớm thì y đã tới cái máy xay đương lúc thợ thầy ra về. Y tránh không được, người ta đã thấy y. Bởi y là thợ rèn chánh, nên phải ở lại sửa cái bánh xe. Y hứa trong lòng sẽ chủ ý hơn ngày thường. Nào dè y trượt té kẹt chơn giữa hai bánh xe và bị thương nặng.
Người ta chở y vào nhà thương Bradford và cưa chơn y phía trên đầu gối.
Ðiềm chiêm bao đã ứng nghiệm.
(Rút trong "Real ghost stories", trang 77 của M.W.I. Stead. Ông Leadbeater có đem vô quyển sách "Les rêves" của ông).
d. thấy cha chết trước mười lăm ngày.
Cha tôi chết hồi tôi mười tám tuổi, sau một trận tấn công. Mười lăm ngày trước đó, tôi nằm chiêm bao thấy cha tôi chết, nằm dài trên giường, mặc y phục đàng hoàng, có năm người bà con ruột canh chừng. Tới khi cha tôi chết, quả thật chính năm người đó canh chừng trọn đêm. Sự nhận thấy lạ lùng này làm cho tôi xúc động mãnh liệt rất lâu.
P.B.
Marseille (Thơ số 251)
(Ðiều chưa biết và những vấn đề Tâm Linh, Quyển II – L'Inconnu et les problème psychiques, Tom II).
e. thấy việc sẽ tới.
Năm 1865, tôi mười tám tuổi, tôi làm nữ giáo viên trong một ký túc xá tại Anh quốc. Khí hậu xứ nầy không hạp với tôi, tôi thường đau ốm, luôn luôn muốn trở về Pháp.
Tôi qua Anh tính ở hai năm, thời gian nầy đủ cho tôi học tiếng Anh. Tôi qua Anh hồi tháng giêng. Tới cuối tháng bảy, tôi chiêm bao thấy tôi phải học mau lẹ vì tôi không còn ở lâu tại xứ nầy, nhưng tôi không biết vì lý do nào tôi bị bắt buộc phải rời khỏi Anh quốc. Tư tưởng nầy ám ảnh tôi, mỗi lần nó đến, tôi xua đuổi nó đi, tôi nói: "mộng là ảo". Nhưng ngày 15 tháng 8, mẹ tôi từ trần, tôi phải trở về Pháp.
Léonie Serres (nhủ danh Fabre) à deaus, canton de vésénabre (Gard). (Lettre 406)
(Ðiều chưa biết và những vấn đề Tâm Linh, Quyển II – L'Inconnu et les problèmes psychiques, Tom II).
Có thể nói rằng: Hai chuyện này vốn do Chơn Nhơn báo tin trước vì thấy biến cố liên hệ đến Phàm Nhơn.
Thường thường muốn biết vị lai phải mở Huệ Nhãn xem Tiên Thiên Ký Ảnh (Clichés Akasiques). Người thường không khi nào làm được việc nầy, nhưng Chơn Nhơn ở cõi Thượng Thiên tiến hóa khá cao thì thấy được.
chiêm bao bÓng dÁng hay là chiêm bao tượng trưng
Có khi Chơn Nhơn báo tin trước bằng những tượng trưng, không hiểu vì lẽ nào.
Tỷ như thường thường thấy răng rụng là trong thân quyến có người chết. Tuy nhiên sau khi nhổ răng mà nằm chiêm bao thấy răng rụng thì là tại cái óc nhớ lại lúc bị nhổ răng chớ không phải là chiêm bao tượng trưng.
Chiêm bao thấy nước lớn thường có nghĩa là mất tiền bạc hoặc mất của, hoặc bị tai nạn.
Thấy rắn là gặp kẻ nghịch, còn cả trăm thứ khác nữa. Có điều lạ là Rắn và Voi là tượng trưng Ðức Minh Triết, có lẽ là tùy theo Chơn Nhơn của mỗi người.
Nhưng đừng quá tin chiêm bao bởi vì mỗi Chơn Nhơn, Chơn Nhơn của người da đen, Chơn Nhơn của người da vàng và Chơn Nhơn của người da trắng đều có cách tượng trưng riêng biệt của mình, không ai giống ai.
Tỷ như mấy chuyện sau đây
1. điềm chiêm bao của Ðốc Tơ sermyn.
Ông Ðốc tơ De Sermyn chiêm bao thấy ông bồng đứa con trai nhỏ của ông đứng trước lò sưởi đang cháy. Bỗng chút thằng nhỏ chùi xuống và té vô lò. Ông đã không kéo nó ra mà lại còn đóng cửa lò tức tốc. Ông nghe tiếng thằng nhỏ giẫy giụa rên la vì bị lửa thiêu. Ông giựt mình thức dậy thì đứa con của ông vẫn ngủ yên ổn như thường. Sáng ra nó thức dậy cũng vui chơi như mọi bữa. Nhưng tới trưa nó khởi sự đau. Mạch nhảy mau lắm, ông coi thì nó bị sưng hai lá phổi. Bốn ngày sau đứa nhỏ bỏ mình.
2. điềm chiêm bao của sir noel platon.
Sir Noel Platon gởi cho Bà Crowe bức thư nầy có đăng trong cuốn The night side of nature, trương 54. Mẹ tôi có nằm một điềm chiêm bao như vầy: Bà thấy ở trong một cái nhà dài, tối và không bạn ghế chi cả. Một phía thì cha tôi, tôi và tất cả gia quyến đứng ngay một hàng theo tuổi tác. Chúng tôi đứng lẵng lặng và im lìm. Bỗng chút có một vật, không thể tưởng tượng được, vô phòng, bóng nó hiện ra thì gieo kinh khủng cho mọi người. Nó lén đi từ ba nấc thang xuống. Mẹ tôi cảm biết đó là Tử Thần ([4]) đi qua. Tử Thần vác trên vai một cái búa lớn. Mẹ tôi nghĩ rằng: Nó đến giết mấy đứa tôi một lần một. Khi nó vô rồi, em gái tôi, Alexes, liền bước ra ý muốn xen chính giữa mẹ tôi và Tử Thần. Tử Thần giơ búa lên cao giáng xuống Catherine, em gái tôi, mẹ tôi hoảng sợ, ngăn cản không được, dẫu rằng lúc đó bà đã xách một cái ghế đẩu. Bà biết rằng không thể nào ném Tử Thần mà không trúng chết Alexes, vì nó ra đứng giữa bà và Tử Thần.
Cái búa giáng xuống thì Catherine té nhào. Tử Thần lại giơ búa chém xuống đầu em trai tôi, vì nó lại đứng hàng trước. Nhưng Alexes lại lẻn ra sau lưng Tử Thần. Mẹ tôi hét lên một tiếng, xách ghế ném vào đầu Tử Thần. Tử Thần biến mất, mẹ tôi giựt mình thức dậy.
Ba tháng sau, mấy anh em tôi đều mắc bệnh Tinh hồng nhiệt (Fièvre scarlatine), nổi mụt đỏ cùng mình và trong cuống họng. Chẳng bao lâu, em gái tôi, Catherine, bỏ mình. Khi nó khởi sự đau thì mẹ tôi vẫn biết tuyệt vô hy vọng. Bà hết sức kinh sợ cho Alexes vì bịnh tình của nó dường như thêm trầm trọng. Một phần điềm chiêm bao đã ứng nghiệm. Tôi cũng vậy, tôi thập phần tử nhứt phần sanh, các thầy thuốc đều chạy, nhưng mẹ tôi chắc ý cứu tôi mạnh được. Còn em trai tôi, quan thầy coi nó như không có điều chi nguy hiểm, mà mẹ tôi hết sức lo sợ, vì thấy Tử Thần giơ búa lên ngay đầu nó, nhưng bà không nhớ Tử Thần có hạ búa xuống hay không lúc y biến mất.
Em trai tôi mạnh rồi, song chẳng bao lâu trở bịnh lại, cứu nó sống được cũng hết sức khó khăn.
Còn Alexes không được hạnh phúc ấy, nó đau gầy mòn trong hai mươi hai tháng rồi nó nắm tay tôi mà từ giã cõi đời.
Ðiềm chiêm bao của mẹ tôi đã ứng nghiệm như vậy.
3. chiêm bao thấy cá.
Trong cuốn Night side of nature, trương 54, của Bà Crowe cũng có thuật chuyện một bà kia mỗi lần chiêm bao thấy một con cá lớn, là mỗi lần bà có việc buồn xảy đến. Một bữa kia, bà nằm chiêm bao thấy một con cá lớn đó cắn hai ngón tay của đứa con trai nhỏ của bà. Chẳng bao lâu, đứa nhỏ này bị một đứa anh em bạn học lấy búa nhỏ chém vào hai ngón tay in như điềm chiêm bao đã thấy.
nhớ lại những sự kinh nghiệm trong lúc xuất vía
Trong Quyển nhì Huyền Bí Học trong thiên nhiên (L'occultisme dans la nature, Tom II) của Ðức Leadbeater có chuyện Nhớ lại những sự kinh nghiệm trong lúc xuất Vía. Tôi xin thuật sơ lược câu chuyện đó ra sau đây:
Một nhân viên trong Ban Phò Trợ Vô Hình, xin tạm gọi là anh X, được cử đi an ủi một người bị chất nổ giết chết. Cho hay trước vài phút, anh vừa có đủ thì giờ tới chỗ xảy ra tai nạn để làm xong phận sự. Sáng ngày, anh lại thuật cho tôi nghe những điều anh làm đêm hôm, nhưng anh lại nói anh có cảm giác anh chết vì chất nổ, anh bị văng lên trên không.
Một lần khác anh được lịnh tới giúp đỡ Linh Hồn một anh lính làm tài xế một chiếc xe chở thuốc đạn chạy trên đường núi gồ ghề. Y té xuống xe bị bánh xe cán chết.
Sáng hôm sau, anh X nhớ lại là anh nằm chiêm bao thấy anh làm tài xế một chiếc xe chở thuốc đạn, anh té xuống xe bị bánh xe cán chết, anh đồng hóa với tên lính làm tài xế.
Một buổi sáng kia, anh lại thăm tôi và thuật cho tôi nghe điềm chiêm bao kỳ lạ anh thấy đêm rồi, anh chắc chắn không phải là chiêm bao.
Anh nhớ lại anh thấy một cô gái đang lặn hụp dưới biển. Tôi nghĩ anh có cảm tưởng rằng cô gái đó bị người ta ném xuống biển, nhưng tôi không chắc anh thấy tên sát nhơn. Anh thấy chuyện này trong lúc anh ở trong Cái Vía, nhưng anh chưa biết cách hiện hình ra, anh không thể cứu cô gái, anh biết rằng nguy cơ sắp xảy ra. Anh bèn cho tư tưởng vô trí hôn phu của cô. Anh này lật đật chạy đến nhảy xuống biển, vớt cô đem vô bờ và để nằm trên bãi, rồi dắt cô về nhà giao cho cha cô. Anh nói: Anh nhớ rành rẽ gương mặt của ba người nầy, nếu anh thấy thì anh nhận ra liền. Anh xin tôi xem xét coi sự nhớ của anh có đúng với điềm chiêm bao hay không.
Tôi bèn quan sát, tôi rất ngạc nhiên mà thấy điềm chiêm bao nầy là chiêm bao tượng trưng, sự việc đó đã xảy ra như sau:
Cô gái vốn mồ côi mẹ, ở với cha. Cô đã đẹp lại giàu sang nên được nhiều thanh niên gắm ghé. Nhưng câu chuyện này liên quan đến hai cậu trai thôi.
Một cậu bé dễ thương nhưng nhút nhát. Cậu và cô gái từ nhỏ đến lớn là bạn thân với nhau. Cậu thường tới nhà cô, cả hai đứa yêu nhau. Cậu trai hứa hôn với cô gái, phân nửa ngấm ngầm, phân nửa ưng thuận, việc nầy thường xảy ra giữa đám thanh niên nam nữ.
Bỗng chút một thanh niên khác đến. Cậu nầy thuộc về hạng phiêu lưu đẹp trai, mặt mày sáng sủa, có tài quyến rủ song giả dối, mong đào mỏ và không đáng tin cậy chút nào. Cô gái lại thích cậu này vì bị những loè loẹt bên ngoài làm chóa mắt. Cô cho là tình cô thương cậu nầy vốn thành thật, còn cảm tình của cô đối với cậu trước là tình bè bạn hồi nhỏ. Nhưng cha cô thấy xa hơn cô; khi cậu nầy tới hỏi cô làm vợ thì ông từ chối một cách có lễ phép nhưng cương quyết. Ông không khứng gả con cho một người mà ông không biết chi về y.
Ðây là một cú đau thương cho cô gái. Cậu trai mới lén tới thăm cô và tìm cách thuyết phục cô. Cậu nói: "Em bị bạc đãi, cha em không hiểu em. Ông là người độc tài chuyên chế, khó chịu. Em phải tỏ ra có đầu óc, em phải cho người ta biết em muốn cái gì. Em hãy trốn theo tôi, rồi cha em sẽ đổi ý. Ông sẽ thấy phải và tương lai sẽ rực rỡ đối với đôi ta".
Cô gái nghe mấy lời nầy rất hữu lý bèn bằng lòng theo y.
Chính là đêm cô gái sắp sửa trốn ra khỏi nhà mà anh X thấy tấn kịch này.
Cậu trai đương chờ ở một góc đường với một cái xe sẵn sàng, còn cô gái sắp đặt đồ hành lý trong phòng.
Nhưng cô gái trong lòng hồi hộp, cô do dự, chưa rời khỏi phòng. Cũng may lúc đó có anh X xuất Vía đi tới gần nhà cô. Sự hồi hộp của cô và ý cô muốn được nghe lời khuyên bảo làm cho anh chú ý đến cô. Anh đọc tư tưởng của cô, anh biết liền tình trạng khẩn cấp; anh hết sức cố gắng ngăn cản cô không cho cô làm chuyện khờ dại đó. Nhưng bị tâm tư cô xáo động quá, tư tưởng của anh không vô trí cô nổi. Anh dòm chung quanh kiếm coi có ai ảnh hưởng đến cô được. Anh muốn nhờ cha cô, nhưng ông đang ở trong phòng đương đọc một cách say mê một quyển sách nói về văn học, không thể làm cho ông nhớ đến đứa con gái của ông.
Thời may, anh chàng trai bị bỏ rơi, đêm nay lại đi dạo mát gần đó, anh dòm lên lầu người yêu, theo cách mà tất cả các thanh niên si tình trên thế gian đã làm. Hữu phước thay! Anh lại rất nhạy cảm. Vì quá thương người yêu, anh chàng rất lo lắng cho cô gái, thế nên rất dễ ảnh hưởng đến anh và dắt anh đi tới góc đường có một cái xe đương chực sẵn.
Tình thương làm cho anh sáng mắt. Anh chợt nghĩ ra giật mình và hổ thẹn vì biết việc đó là cái gì rồi. Phải lấy sự công bình mà nói, trong lúc khẩn cấp nầy, anh không nghĩ đến anh hay là việc anh sắp mất người yêu, mà anh lo cho cô gái làm một việc điên rồ hư hỏng tương lai. Anh lật đật chạy vô nhà, leo lên thang và gặp cô gái lúc cô ra khỏi phòng.
Hai người nói với nhau những gì, không người nào nhớ rõ, nhưng anh chàng năn nỉ cô gái hãy suy nghĩ cho chính chắn trước khi làm một chuyện nguy hiểm có hại cho thân thể và thinh danh. Anh chỉ cho cô gái thấy cô sắp sa vào cái hố sâu và xin cô hãy thú thật việc cô muốn làm cho cha cô nghe.
Sự hiện diện thình lình của chàng trai nầy và những lời nói chân thành thức tỉnh cô gái, cô hết cơn mê, cô riu ríu đi theo chàng xuống phòng sách gặp ông cha đương chăm chỉ đọc sách. Ông nghe thuật lại câu chuyên thì giựt mình, vô cùng hoảng hốt, không ngờ cô gái lại định làm một việc táo bạo như thế. Cô gái và ông rất cảm ơn chàng trai và cô gái nhớ lại lời hứa hẹn trước kia nên ưng thuận lấy chàng trai nầy làm chồng.
Tấn tuồng đã diễn ra như thế mà Chơn Nhơn của anh X lại cho anh nhớ lại một cách khác. Vì lẽ nào, không rõ.
Thế nên, như tôi đã nói trước đây, muốn biết thật sự ý nghĩa của điềm chiêm bao thì phải nhờ một vị Sư Huynh hay một nhà Huyền Bí Học lão luyện có Thần Nhãn xem xét kỹ lưỡng câu chuyện. Ðừng vội tin là thật mà cũng đừng quá nghi là mộng mị. Cứ để đó và đề phòng. Trong Trời Ðất còn không biết bao nhiêu sự bí mật mà con người chưa khám phá ra được, bởi vì sự tiến hóa của chúng ta chưa được cao siêu.
vấn đề không gian và thời gian trong chiêm bao
Trong giấc chiêm bao không có không gian và thời gian vì nó thuộc về cõi Trung giới mà cõi Trung Giới có bốn thứ Nguyên, không phải chỉ có ba thứ Nguyên như ở thế gian.
Chơn Nhơn có cách đo thời gian khác hơn Tâm Thức ta tại cõi Trần.
Trong giấc chiêm bao ta có thể trong giây phút thấy những việc tính theo thời gian ở cõi Trần thì kéo dài cả chục năm.
Xin xem những chuyện dưới đây:
A.- Trong cuốn Cô Răn (Coran), Kinh Thánh của Ðạo Hồi Hồi có thuật chuyện Ðấng Tiên Tri Ma Hô Mê (Mahomet) nằm chiêm bao thấy mình lên viếng mấy từng Trời, có người cắt nghĩa cho Ngài nghe đủ các chi tiết; Ngài có diễn thuyết rất lâu với các hạng Thiên Thần. Chừng Ngài về nhập xác, thì Ngài mới rời cái giường của Ngài ngủ trong vài giây đồng hồ.
B.-Addison thuật lại rằng: Một ngày kia có một Hoàng Ðế xứ Ai Cập không tin chuyện nói trên đây. Ngài thưa với Sư Phụ Ngài rằng: Ngài coi chuyện đó như là một chuyện đời xưa.
Sư phụ Ngài phép tắc cao cường, muốn tỏ cho Vua biết rằng chuyện đó có thể xảy ra được, bèn dạy đem một chậu nước và xin Vua nhúng đầu vào đó rồi ngước lên liền. Vừa nhúng đầu vào chậu nước, thì Vua lấy làm ngạc nhiên mà thấy mình ở giữa một chỗ kia lạ lùng, trên bãi vắng vẻ, dưới chơn một núi cao. Sau khi hết giựt mình rồi, Ðức Vua cho rằng Thầy mình phản bội, nên dùng tà thuật hại mình, bèn nguyền rủa người thậm tệ. Nhưng ngày giờ qua, Vua thấy đói, nên nghĩ rằng trước hết phải kiếm phương thế đặng nuôi mình trong xứ lạ quê người. Ngài đi bơ vơ trong giây lát thì gặp những người đốn cây trong rừng, họ kêu Ngài lại tiếp sức với họ, rồi họ cho Ngài theo làm công và dắt Ngài về thành của họ ở.
Ngài ngụ tại đó trong vài năm, nhờ tiện tặn được một số tiền lớn, nên cưới được một người vợ giàu có. Vua ở với người vợ đó đặng mười bốn đứa con, trong bao nhiêu năm gia đình dẫy đầy hạnh phúc.
Bỗng chút người vợ thác đi, rồi Vua bị những cuộc tai biến xảy tới, cửa nhà, sự nghiệp tan tành. Vua trở nên nghèo khổ và lúc già lại trở thành ra người hái củi như trước.
Một ngày kia, Vua đi gần mé biển, mới cổi quần áo xuống tắm. Ngài lặn xuống biển rồi trồi lên, lấy tay chùi nước nhểu trên mặt thì Ngài lấy làm lạ thấy mình đứng trước Quần Thần cũ của mình, gần bên ông là Thầy của Ngài, trước mặt là chậu nước. Giấc mộng đã tan, có ai tưởng rằng trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như thế, nhúng đầu vào chậu nước rồi ngước lên mà Vua thấy những chuyện xảy ra cả một đời người.
Nhưng hai chuyện trên đây xảy ra đã lâu đời rồi, ta không đủ bằng cớ quả quyết rằng chúng nó có thật. Còn chuyện sau nầy mới xảy ra cho một vị Bác sĩ (tiếc rằng không cho biết tên). Ông rất thích khảo xét những vấn đề mà ta đương bàn luận đây.
C.- Một ngày kia, ông có hai cái răng phải nhổ, người ta cho ông hít thuốc mê. Ông định lưu ý tới những cảm xúc của ông trong lúc người ta làm việc. Song lúc hít thuốc mê rồi ông mơ màng quên phứt ý định của ông rồi ông ngủ mê man.
Ông thấy sáng bữa sau ông thức dậy lo những công việc khoa học hằng ngày, diễn thuyết trước những Hội Thông Thái vân vân . . . Ông thấy vui vẻ lạ lùng và tăng cường sức lực, mỗi bài diễn văn là một tác phẩm phi thường, mỗi sự thí nghiệm đem tới cho ông những sự phát minh mới mẻ và vinh diệu. Cứ như vậy mãi, ngày nầy qua ngày kia, tuần nầy qua tuần nọ, lâu lắm, cho tới một bữa trong lúc ông đang diễn thuyết trước Vương Hội (Société royale), ông bị một thính giả vô lễ chận ngang mà nói rằng: "Ông quay lại coi cái đó có nghĩa chi", thì nghe một tiếng khác nói: "Ðây nầy hai cái răng đã nhổ hết". Ông còn ngồi trên ghế của nha y mà ông đã sống một khoảng đời nhiệt liệt chỉ trong bốn mươi giây đồng hồ (40 seconds).
Hai bài trên đây không khác nào chuyện Hoàng Lương Mộng hay là Giấc Kê vàng bên Trung Hoa.
- I -
A. hoàng lương mộng
Ngày xưa, Lư Sinh, đời Ðường bên Trung Hoa, thi rớt, trở về quán trọ than thở vì số phận không may của mình. Tại quán trọ có một vị Ðạo sĩ thấy vậy mới đưa cho Lư Sinh một cái gối và bảo: "Hãy kê đầu lên gối thì sẽ được hiển vinh". Lư Sinh nghe lời. Vừa nằm xuống thì thấy mình thi đỗ Tiến sĩ, làm quan to và có vợ giàu. Nhờ có công lớn dẹp giặc nên danh tiếng lẫy lừng trong mười năm. Sau Lư Sinh dâng sớ hạch tội Lý Lâm Phủ lộng quyền nên bị cách chức.
Lư Sinh sanh được năm đứa con trai đều học giỏi, thi đỗ làm quan. Lư Sinh kết sui với những nhà quí tộc, cháu chắt đầy nhà. Lư Sinh sống tới tám mươi tuổi mới chết.
Bỗng có tiếng động, Lư Sinh giựt mình thức dậy thì nồi kê bắc trên bếp chưa chín. Lư Sinh lấy làm lạ mới ngó Ðạo sĩ dường như muốn hỏi thăm duyên cớ.
Ðạo sĩ mỉm cười đáp: "Việc đời vẫn như thế đó".
Công danh phú quí là một giấc chiêm bao không hơn không kém.
- II -
Hoàng Lương Mộng trên đây khác với giấc Huỳnh Lương kể trong truyện Ðông Du Bát Tiên, quyển I, trang 36, dịch giả: Tô Chuẩn.
Xin chép y nguyên văn ra sau đây:
. . . . Ðạo sĩ nói: Ta là Vân Phòng tiên sinh, ở núi Triều Hạc, người muốn đi chơi với ta chăng? Lữ Ðộng Tân còn lưỡng lự. Chung Ly Vân Phòng biết ý vì chưa đậu Tấn sĩ nên còn muốn trổ danh tiếng với đời. Liền hối quân nấu Huỳnh Lương (là bắp), Vân Phòng đưa gối cho Lữ Ðộng Tân nằm, còn mình ngồi chụm lửa cho mau chín. Chẳng ngờ Chung Ly Vân Phòng có làm phép trong cái gối.
Khi ấy, Lữ Ðộng Tân nằm chiêm bao thấy Cái Vía đi thi, ghé nhà giàu kia gặp nàng nọ tuổi vừa hai tám, dung nhan lịch sự trong đời, nói hứa rằng: "Nếu chàng thi đỗ Trạng Nguyên, thiếp chịu nâng khăn sửa trắp". Lữ Ðộng Tân vào khoa đỗ Trạng, cưới nàng ấy, sau lại kiếm hầu. Vua bổ ra làm chức Giám Nghị, lần lần tới bốn mươi năm, làm chức Thừa Tướng mười năm nữa, có sui gia cũng bực quan lớn, cháu nội cháu ngoại đông đầy.
Sau bị nịnh vu oan giá họa, đến nỗi mắc tội. Vua tịch ký gia tài, bị đày qua núi Lãnh Biên, cực khổ vô cùng; kế giựt mình thức dậy. Vân Phòng cười lớn ngâm thơ:
"Nồi bắp hãy còn ngòi,
Chiêm bao đà thấy cháu".
Lữ Ðộng Tân lấy làm lạ hỏi rằng: "Thầy biết sự chiêm bao của tôi sao? Vân Phòng nói: "Chiêm bao năm chục năm, công việc cả muôn, thiệt không đầy một lát; đặng chẳng khá mừng, mất không nên thảm, hết vinh tới nhục là lẽ thường".
Bây giờ hay nói giấc mộng Huỳnh Lương (giấc Nàng Ðang) cũng là tích ấy.
*
* *
chương thứ năm
ký ức
A. bản chất của ký ức
Ký ức là gì? Nó hoạt động cách nào? Làm sao nó làm cho ta nhớ lại những việc thuộc về quá khứ dầu quá khứ đó mới đây hay đã xa lâu?
Nói tóm lại dầu cho quá khứ đó xảy ra trong kiếp nầy hay là thuộc về nhiều kiếp trước, nhưng Luật Quản Trị nhớ lại quá khứ phải luôn luôn là một, và điều ta tìm kiếm là một lý thuyết bao hàm tất cả những trường hợp của ký ức và nó giúp ta giải thích được mỗi trường hợp đặc biệt.
Công việc đầu tiên phải làm là đạt đến một lý thuyết để hiểu biết sự cấu thành bản thể của chúng ta, sự cấu thành Bản Ngã và lớp vỏ bao bọc nó với những sự liên lạc mật thiết giữa những Thể này. Ðừng bao giờ quên rằng Tâm Thức chúng ta là Một đơn vị và đơn vị nầy hoạt động nhờ trung gian của những thể xác khác nhau làm cho bề ngoài người ta tưởng lầm những trạng thái là Nó.
Ðơn vị này là Chơn Thần ở tại cõi Ðại Niết Bàn. Nhưng mà thường thường về mặt thực tế người ta dùng Bản Ngã gồm: Ba Ngôi Thiêng Liêng, Tam Vị Nhất Thể: Atma – Bouddhi – Manas tức là Chơn Nhơn thay thế Chơn Thần. Cũng đừng lầm lộn Ba Ngôi Thiêng Liêng nầy với Ba Thể của Ba Ngôi dùng, ấy là:
a)- Thể của Atma là Tiên Thể (Corps Atmique).
b)- Thể của Bouddhi là Thể Bồ Ðề (Corps Bouddhique).
c)- Thể của Manas là Thượng Trí hay Nhân Thể (Corps Mental supérieur ou Corps Causal).
Chính Chơn Nhơn hiện ra nhờ những Thể của nó làm trung gian trong năm cõi: Hạ Giới, Trung Giới, Thượng Giới, Bồ Ðề, Niết Bàn. Những sự rung động của thể xác, về phương diện vật chất cân xứng và phù hợp với những sự biến đổi của Tâm Thức. Nghĩa là: Những sự rung động của các Thể xác sanh ra những sự rung động trong Thể xác. Vấn đề những Thể xác trong đó Tâm Thức hoạt động vốn quan trọng nhứt trong sự học hỏi về ký ức. Chính là Cái Trí mô phỏng lại hình dạng những sự việc xảy ra với chất Trí Tuệ, và nhờ việc nầy mà con người mới nhớ lại những biến cố đã hiện đến trong quá khứ.
Nên nhớ rằng Ðức Thái Dương Thượng Ðế vốn toàn năng, toàn tri, vô sở bất tại. Chơn Thần là một thành phần của Ngài, hay là Con của Ngài cũng toàn năng, toàn tri, vô sở bất tại như Ngài. Nhưng có một điều khác nhau là những Thể của Chơn Thần, vì thế phải được phát triển toàn diện như ở Ðức Thượng Ðế.
B. sự biến đổi trong thể xác
và trong tâm thức
Bây giờ ta hãy xem xét xác thân đặng coi cái chi xảy ra khi nó thâu nhận một cảm giác nào đó và cách nhớ lại cảm giác đó. Một sự rung động ở ngoài tới đập vào một cơ quan cảm giác và truyền vào một trung tâm đối chiếu với nó trong cái óc. Một nhóm tế bào trong óc rung động và khi sự rung động ngừng thì các tế bào ở trong trạng thái khác hơn lúc trước một chút.
Sự ứng đáp nầy để lại một dấu vết làm ra một khả năng rung động cho nhóm tế bào đó. Nhóm tế bào nầy đã rung động một lần với một cách đặc biệt thì nó bảo tồn sự rung động nầy trọn đời của nó. Nó có thể rung động một lần nữa với một cách đó khi nó bị ảnh hưởng của sự kích thích bên ngoài giống như lần trước. Mỗi lần lập lại một thứ rung động là mỗi lần thêm sức mạnh cho khả năng rung động và để lại một dấu vết đặc biệt. Nhưng mà sự rung động nầy phải lập lại cả ngàn lần như vậy trước khi nó đủ sức tự động tái diễn.
Cũng nên biết những sự rung động không phải ngừng lại ở tế bào xác thịt mà thôi. Chúng nó truyền qua những tế bào đối chiếu trong mấy Thể như Cái Vía, Cái Trí rồi cuối cùng gây ra một sự biến đổi trong Tâm Thức.
Tâm Thức phản động lại nó sanh ra những sự rung động từ trong ra ngoài dưới ảnh hưởng của sự biến đổi của nó.
sự lập lại nẦy làm ra sự nhớ lại
vật đã gây ra loại rung động đó
Sự biến đổi sanh ra trong Tâm Thức cũng để lại trong Tâm Thức năng lực lập lại sự biến đổi đó dễ dàng hơn trước, và mỗi sự biến đổi đem Tâm Thức đến gần lúc nó có năng lực tự động gây ra sự biến đổi đó.
Nói tóm lại, chúng ta nên nhớ điều nầy:
Sự kích thích ngoại giới đụng đến xác thân thì gây ra một sự biến đổi trong Tâm Thức. Tâm Thức phản ứng sanh ra những sự rung động từ trong ra ngoài.
Sự xao động thứ Nhứt có nguyên nhân là một vật ở ngoại giới và sanh ra cái điều mà người ta gọi là Sự Nhận Thức.
Sự xao động thứ Nhì do sự phản ứng của Tâm Thức và sanh ra cái điều mà người ta gọi là: Sự Nhớ Lại hay là Hồi Tưởng.
ký ức là gì?
Bây giờ ta đề cập đến câu hỏi chánh: Ký Ức là gì?
Ta biết rằng sau khi con người thác rồi một ít lâu thì ba Thể: Xác Thân (Phách), Vía, Trí (Hạ Trí) đều tan rã. Mỗi Thể để lại một phần tử trường tồn ghi tánh nết và những sự kinh nghiệm của nó.
Xác Thân để lại một nguyên tử gọi là Nguyên Tử Trường Tồn của Xác Thân (Atome physique permanent). Cái Vía để lại một nguyên tử gọi là Nguyên Tử Trường Tồn của Cái Vía (Atome permanent astral). Cái Trí (Hạ Trí) để lại một phân tử gọi là Phân Tử Trường Tồn của Hạ Trí (Molécule permanent mentale).
Cả ba xỏ xâu vào một sợi chỉ làm bằng chất Bồ Ðề gọi là Sutrâtma rồi vô nằm trong Thượng Trí. Tới kỳ đi đầu thai, con người trở xuống Trần thì Bộ Ba Trường Tồn nầy hoạt động lại như trước. (Xin xem đoạn Kim Quang Tuyến)
Các nguyên tử, các tế bào đã tan rã rồi thì còn cái chi lại mà gọi là Ký Ức. Vậy thì Ký Ức ở đâu?
Ðức Bà A. Besant nói: Câu trả lời rất giản dị. Ký Ức không phải là một năng lực, không có chỗ nào để bảo tồn nó. Nó không phải có sẵn trong Tâm Thức, không có sự nhớ lại những biến cố được ghi trong Tâm Thức cá nhân.
Mỗi biến cố đều hiện diện trong Tâm Thức của Vũ Trụ và trong Tâm Thức của Thái Dương Thượng Ðế.
Tất cả những gì đã xảy ra, đương có đây và sẽ xảy ra trong Vũ Trụ thuộc về Quá Khứ, Hiện Tại và Vị Lai đều ở trong Tâm Thức của Ðức Thượng Ðế, nó bao hàm tất cả trong một Hiện Tại Vĩnh Cửu (Eternel présent). Từ đầu tới cuối, từ buổi bình minh cho đến lúc chiều tàn của Vũ Trụ, tất cả đều ở đó, luôn luôn hiện diện, luôn luôn sống và linh động; trong đại dương của ý niệm này, tất cả đều tồn tại.
Khi ta tiếp xúc được với một mảnh nhỏ của những gì mà nó chứa đựng, thì sự ứng đáp của ta làm ra: Sự hiểu biết. Khi ta thấy một lần rồi thì trong tương lai rất dễ cho ta tiếp xúc một lần khác với những mảnh nầy.
Sự lập lại sự tiếp xúc làm ra các điều mà ta gọi là Ký Ức.
Sự nhớ lại tất cả những điều đã xảy ra trong kiếp này và trong những kiếp trước đều có thể phục hồi bởi vì tất cả những khả năng rung động sanh ra những hình ảnh đều chất chứa trong Tâm Thức của Ðức Thái Dương Thượng Ðế và chúng ta có thể chia sớt Tâm Thức nầy dễ dàng khi ta thường thu nhận những rung động đồng một loại. Vì thế chúng ta lập lại những sự rung động mà chúng ta cảm biết dễ dàng hơn những sự rung động mới mẻ. Bởi vì những sự rung động ở ngoại giới đã cảm đến ta và sanh ra những sự biến đổi trong Tâm Thức của ta thì bây giờ ta có thể lấy lại được trong Tâm Thức của Ðức Thượng Ðế những điều mà ta đã sống trong Tâm Thức cá nhân. Tại cõi Niết Bàn chúng ta chia sớt với Ðức Thái Dương Thượng Ðế Tâm Thức của Vũ Trụ vì tại cõi này sự Ðồng Nhất ngự trị, không còn sự chia rẽ như ở mấy cõi thấp nữa.
Không có Ký Ức nào ngoài Tâm Thức luôn luôn hiện diện của Ðức Thái Dương Thượng Ðế. Chúng ta sống và hoạt động trong Tâm Thức nầy.
ký ức của Thượng Ðế
Tất cả những điều ghi trong Tâm Thức của Ðức Thái Dương Thượng Ðế làm ra Ký Ức của Ngài (Mémoire du Logos) cũng gọi là Clichés Akasiques, xin dịch là Tiên Thiên Ký Ảnh. Thường thường người ta nói Clichés Akasiques, ở tại cõi Thượng Giới, và trong quyển Cái Trí (Le Corps Mental) của Powell, Chương XXVIII gọi Akasa là chất khí của cõi Thượng Giới (cõi Trí Tuệ). Nhưng nói cho đúng: Akasa là chất khí làm ra cõi Niết Bàn chớ không phải cõi Thượng Giới.
Nên biết rằng trước khi tạo lập Tiểu Vũ Trụ nầy Ðức Thái Dương Thượng Ðế sắp sẵn một Bản Ðồ gọi là Thiên Cơ trong đó có ghi sẵn ngày giờ sanh hóa các Dãy Hành Tinh, nhơn vật trên mấy Dãy đó, sự tiến hóa của họ đến mức độ nào vân vân . . ., đủ các chi tiết, từ khi Thái Dương Hệ mới sanh cho tới lúc nó tan rã. Ấy là một hình tư tưởng rất lớn ở tại cõi Trí Tuệ hay là Thượng Giới Hư Không (Plan Mental Cosmique) cao hơn bảy cõi của Thái Dương Hệ chúng ta hai bực. Mở được Tối Thượng Huệ Nhãn thì thấy được Thiên Cơ.
Thiên Cơ gọi là Annales Akasiques, Tiên Thiên Ký Ảnh rất đúng.
Tưởng cũng phải nói thêm rằng tất cả những điều con người làm từ tư tưởng, ý muốn, lời nói và hành động cho tới y phục, hình dáng đều có ghi hình ảnh trên Tiên Thiên Khí (Akasa) và làm ra Tiên Thiên Ký Ảnh. Vì thế những người tu hành có Huệ Nhãn xem Tiên Thiên Ký Ảnh đều biết được những tiền kiếp của mình và của những người khác.
Ðọc được Tiên Thiên Ký Ảnh thì biết được chẳng những lịch sử của Dãy Ðịa Cầu mà còn biết lịch sử của Thái Dương Hệ từ lúc mới sanh ra cho tới ngày nay và luôn cho tới ngày cuối cùng. Các Sử gia viết lịch sử nhân loại còn nhiều chỗ sai lầm vì có những nguyên nhân, những chi tiết và những chỗ ẩn khuất mà con người không biết được. Sự xét đoán của con người thường ít đúng với sự thật.
Phải tu hành tới bực La Hán và từ đó sắp lên mới đọc được Tiên Thiên Ký Ảnh tại cõi Bồ Ðề một cách rõ ràng hơn. Tại cõi Bồ Ðề thời gian và không gian chẳng còn là những sự giới hạn nữa. Vào cõi nầy quan sát viên không cần phải quan sát những hiện tượng từ cái nầy tới cái kia, bởi vì quá khứ, hiện tại, vị lai đều xảy ra một lượt với nhau trong "Cái mà người ta gọi là Hiện Tại Vĩnh Cửu". Tại cõi Trần danh từ Hiện Tại Vĩnh Cửu (Eternel présent) đối với ta vô nghĩa, không ai tin được, vì không ai quan niệm nổi điều đó. Khi đắc đạo thành Chánh Quả làm một vị Siêu Phàm lên tới cõi Niết Bàn và dùng được Tiên Thể (Corps Atmique) thì vị lai với những chi tiết trải ra trước mắt. Tới bực này mới không còn lầm lạc nữa.
Tiên Thiên Ký Ảnh cũng rọi xuống cõi Trung Giới nhưng mà đứt đoạn, người có Thần Nhãn thấy được song không biết được trọn vẹn những biến cố. Thế nên những lời tiên tri của những người mới học Ðạo chỉ đúng có một phần, trừ ra những biến cố sắp xảy ra và ý chí của con người không còn sửa đổi được nữa. Vậy thì chớ quá tin Sấm giảng nói đều trúng hết.