Home » » VÀI ĐIỂM TRÁNH TRONG TÂM THỨC HỌC-PHẦN1

VÀI ĐIỂM TRÁNH TRONG TÂM THỨC HỌC-PHẦN1

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012 | 21:11

MỤC LỤC
PHẦN NHẤT
CHƯƠNG THỨ NHẤT
Tâm Thức là gì? Tâm Thức và Sự Sống.
Tâm Thức hiện ra dưới phương diện: Một Hình dạng.
Không có gạch nối giữa Tâm Thức và Vật Chất.
chương thứ nhì
Tâm Thức tuyệt đối.
Những trạng thái Tâm Thức của con người.
Tâm Thức Tự Tri.
Tiềm Thức (Subconscience).
Tâm Thức Bình Thường (Conscience de Veille).
Tâm Thức Hồng Trần. Tâm Thức chỉ là Một.
Tâm Thức Hồng Trần duy nhứt.
CHƯƠNG THỨ BA
Guồng máy Tâm Thức.
Hai hạch quí trong óc con người.
Hạch mũi (Corps pituitaire), Hạch óc (Glande pinéale).
CHƯƠNG THỨ TƯ
Siêu Tâm Thức. Những điềm chiêm bao.
Chiêm bao Xác thịt. Chiêm bao Cái Phách.
Chiêm bao Cái Vía. Chiêm bao báo tin trước.
Chiêm bao bóng dáng tượng trưng.
Trong chiêm bao không có thời gian và không gian.
CHƯƠNG THỨ NĂM
Ký Ức. Bản chất của Ký Ức.
Sự biến đổi trong Thể xác và trong Tâm Thức.
Ký Ức là gì? Ký Ức của Thượng Ðế.
CHƯƠNG THỨ SÁU
Ý chí. Ý muốn sống.
Mỗi ý muốn sống đều tự mình tìm cách biểu hiện.
Quyền năng của Ý chí.
Ý chí sửa đổi được số mạng.
CHƯƠNG THỨ BẢY
Sự ham muốn.
Bản tánh của sự ham muốn.
Sự biến đổi ý muốn.
CHƯƠNG THỨ TÁM
Cảm xúc. Cảm xúc thương yêu.
Cảm xúc thù hận.
Hậu quả của sự mở mang cảm xúc thương yêu.
Chánh lý phải điều khiển cảm xúc.
phần nhì
CHƯƠNG THỨ NHỨT
Sự lạ lùng đầu tiên và lớn lao trong Tâm Thức.
Sự hy sanh của Ðức Thái Dương Thượng Ðế.
Vũ Trụ sanh ra để làm gì?
CHƯƠNG THỨ NHÌ
Muốn tiến hóa Tâm Thức phải nhập thế.
Sự mở mang Tâm Thức: 1. Tâm Thức Hồng Trần.
2. Tâm Thức Cái Vía.
Sự nối liền hai Tâm Thức.
Tâm Thức Cái Vía và Tâm Thức Hồng Trần.
CHƯƠNG THỨ BA
Tâm Thức Hạ Trí. Tâm Thức Thượng Trí.
Thượng Trí (Nhân Thể) chỉ chứa đựng những điều tốt lành.
Ðem Tâm Thức lên tới Chơn Nhơn.
Chơn Nhơn.
Sự liên lạc giữa Chơn Nhơn và Phàm Nhơn.
Tại sao Chơn Nhơn đi đầu thai?
CHƯƠNG THỨ TƯ
Tâm Thức Bồ Ðề.
Tâm Thức Niết Bàn.
vài điểm chÁnh
trong tâm thức học
vài lời nói đầu
Tâm thức, Sự sống và Vật chất là ba vấn đề khó giải nhứt trong Huyền Bí Học. Chúng nó thuộc về Khoa Triết Học Bí Truyền để dành riêng cho những sanh viên đã tiến bước khá cao trên Ðường Ðạo. Vì vậy không thể nào giải thích một cách rành rẽ cho ai nấy đều biết.
Một điều khó khăn khác nữa là trong Tâm Thức Học có nhiều chỗ không giống như Khoa Triết Học hiện đại đã bàn đến, gặp mấy điểm đó xin quí bạn lượng thứ và miễn nghị.
Tuy nhiên, thiết tưởng chúng ta cũng nên biết một cách tổng quát về vài điểm chánh của Tâm Thức Học hầu hiểu được sự tiến hóa của con người khởi đầu từ đâu.
Chúng ta thường nói đến Tâm Thức, nhưng nếu hỏi đố: Tâm Thức là gì? Thì chắc chắn chúng ta phải nín thinh vì không biết phải trả lời làm sao.
Phải tu hành tới bực La Hán và cao hơn nữa, mở được Huệ Nhãn và Tối Thượng Huệ Nhãn mới thấy được Tâm Thức và sự hoạt động của nó, bởi vì Trường Tiến Hóa của Tâm Thức bao hàm một Thái Dương Hệ, chớ không phải chỉ ở trong mình nhỏ bé của con người mà thôi đâu.
Ba vị Cao Ðồ của Chơn Sư là Ðức Bà A. Besant, Ðức Leadbeater và Ðức Jinarajadasa có giải về Tâm Thức và sự tiến hóa của nó trong những quyển sau đây:
1. Etude sur la Conscience (Khảo cứu về Tâm Thức hay là Tâm Thức Học).
2. Evolution Occulte de l'humanité(Sự tiến hóa huyền bí của nhơn loại). Nguyên văn chữ Anh có nghĩa là: Les 7 principes de la Théosophie: 7 nguyên lý của Thông Thiên Học.
3. Les Maîtres et le Sentier (Chơn Sư và Ðường Ðạo).
4. L'Occultisme dans la Nature, Tom II (Huyền Bí Học trong Thiên Nhiên, Quyển II).
5. Commentaires sur la Lumière sur le Sentier (Giảng lý Ánh Sáng trên Ðường Ðạo).
Tôi lấy tài liệu trong năm quyển này đặng viết quyển Vài điểm chánh trong Tâm Thức Học. Tôi chia nó ra làm ba phần:
1. Phần Nhứt: Giải thích về Tâm Thức và những trạng thái của nó theo lời Ðức Bà A. Besant nói trong quyển Tâm Thức Học.
2. Phần Nhì: Sự mở mang và sự tiến hóa của Tâm Thức trong năm cõi:
- Cõi Trần.
- Cõi Trung Giới.
- Cõi Thượng Giới.
- Cõi Bồ Ðề.
- Cõi Niết Bàn.
theo sự hiểu biết của hai vị Ðại Ðức Leadbeater và Jinarajadasa.
3. Phần Ba: Phần thực hành. Phương pháp tập luyện đặng mở mang Tâm Thức. (Không có trong Tập sách nầy, có thể tìm trong những quyển Đạo Lý Thực Hành, Cách Tu Hành, Minh Triết Thiêng Liêng, Học Cơ tiến hóa theo khoa Minh triết Thiêng liêng . . . của tác giả)
Nhưng tiện đây tôi xin nói vài lời về cách viết khác nhau của hai Bà: Ðức Bà Blavatsky, Ðức Bà A. Besant và của Ðức Leadbeater.
Ðức Bà Blavatsky và Ðức Bà A. Besant thuộc về Cung thứ Nhứt. Khi hai Bà suy nghĩ về một vấn đề nào thì vấn đề đó từ trên cõi cao tuôn xuống như thác đổ. Hai Bà cứ viết, từ đoạn nầy tới đoạn kia với nhiều chi tiết e cho người mới học Ðạo không thể lãnh hội nổi.
Ðức Bà A. Besant, lúc Bà đương diễn thuyết, Bà vừa nói câu nầy rồi thì ba, bốn câu khác xuất hiện trước mắt Bà để Bà chọn lựa.
Từ xưa đến nay, ít có người sánh kịp tài của Bà. Thường thường Bà không có đủ thì giờ để xem lại những bản tốc ký vì phải làm nhiều việc khác không ngớt, cái nầy vừa xong thì cái kia tới.
Còn Ðức Leadbeater thuộc về Cung thứ Nhì. Khi luận về vấn đề nào thì Ngài sắp đặt kỹ lưỡng, đoạn nào trước, đoạn nào sau, rất có thứ tự rồi Ngài giải nghĩa thật rành rẽ.
Thế nên đọc những sách của Ðức Leadbeater dễ hiểu hơn sách của Ðức Bà Blavatsky hay là của Ðức Bà A. Besant.
Về quyển Vài điểm chánh trong Tâm Thức Học này, trước hết xin quí bạn xem qua những tập giải về những chỗ khó khăn trong Khoa Minh Triết Thiêng Liêng gọi là Thông Thiên Học như:
1. Vũ Trụ và Thượng Ðế.
2. Thái Dương Hệ của chúng ta.
3. Dãy Ðịa Cầu.
4. Nguyên tử căn bản Hồng Trần và Kim Quang Tuyến.
5. Hồn Khóm.
6. Sự sinh hóa các Giống dân trên Dãy Ðịa Cầu.
7. Tại sao sự tiến hóa của dân chúng không đồng bực với nhau.
8. Quần Tiên Hội và sự cai trị Thế gian.
9. Vài sự nhận xét về Hỏa Tinh và Thủy Tinh của các nhà Huyền Bí Học và Danh Hiệu của các vị Siêu Phàm.
10. Hỏa Hầu khái luận.
Chúng sẽ giúp quí bạn hiểu được dễ dàng những đoạn trong quyển Tâm Thức Học của Ðức Bà A. Besant nói về Ðức Thái Dương Thượng Ðế, Ba Ngôi của Ngài, Bảy cõi của Thái Dương Hệ, Chơn Thần, Hồn Khóm, Nguyên tử trường tồn, Kim Quang Tuyến, vân vân . . . .
Quí bạn sẽ có một quan niệm đúng đắn về mục đích sanh hóa con người trong Thái Dương Hệ và chúng ta phải làm điều gì đặng tiến mau, tức là lo cho sự mở mang và sự phát triển Tâm Thức.
Mỗi người đều cầm số mạng của mình trong tay, muốn đi mau hay đi chậm, muốn vào chốn tối tăm hoặc ra nơi sáng suốt, cũng tự nơi mình. Mỗi người phải tự cứu mình chớ không ai cứu mình được. Mình hãy tự giúp mình trước rồi Trời sẽ giúp mình sau. Mình phải lo mở rộng Tâm Thức mình, mình tự khai sáng cho mình lần lần mới đi tới chỗ ánh sáng vô tận, vô biên. Ðừng quên rằng: bức màn nầy vừa hạ xuống thì bức màn khác lại hiện ra. Phải lần lượt vén từ bức màn. Một ngày kia, bức màn chót vén lên rồi thì con người sẽ thành một vị Siêu Phàm và đoạt được mục đích đã định sẵn cho nhơn loại trong Thái Dương Hệ nầy.
Cầu xin con thuyền của quí bạn đang lèo lái sớm ghé vào Bờ Giác đặng cứu vớt những bạn hành hương còn chìm đắm nơi bến mê sông khổ.
Lành thay! Lành thay!
Bạch Liên
Phạm ngọc Ða
53 Nguyễn đình Chiểu Châu Ðốc
-----------------------------------
PHẦN NHỨT
chương thứ nhỨt
tâm thức là gì ?
Người học Ðạo thường nghe nói đến Tâm Thức (Conscience). Nhưng nếu hỏi Tâm Thức là gì? Thì trong chúng ta không một ai trả lời nổi ngoại trừ từ bực La Hán sắp lên mở được Huệ Nhãn và Tối Thượng Huệ Nhãn.
Vật chất, Sự sống và Tâm Thức là ba vấn đề khó khăn nhất trong Huyền Bí Học.
Nếu con người thật hiểu Tâm Thức là gì? Thì sẽ cầm được trong tay bí quyết của tất cả những vấn đề của Cơ Tiến Hóa. Bởi vì Tâm Thức là sự biểu lộ của một Ðơn vị Vô hình vừa là sức mạnh và vật chất, vừa là hình dạng và sự sống một lượt.
Làm sao hiểu nổi một định nghĩa như thế.
Trong Ánh Sáng Phương Ðông (La Lumière de l'Asie) có câu nầy cho là Phật nói: Om! Amitaya! Chớ nên dùng lời nói mà đo cõi vô biên, chớ nên quăng dây tư tưởng vào cõi vô tận. Người hỏi cũng lầm, mà người trả lời cũng lầm. Ðừng nói chi hết!
Mặc dầu biết vậy, nhưng chúng ta phải tìm hiểu nguyên do của mọi việc, đặng nhận định được cái nào là phù du, mộng ảo, cái nào là vĩnh viễn, trường tồn.
Ở vào trình độ tiến hóa của chúng ta hiện thời, chúng ta không biết rõ Tâm Thức tiến hóa cách nào, chỉ nghe nói rằng: Việc lạ lùng đầu tiên trong Tâm Thức là tất cả ở trong một thành phần và toàn diện ở trong một đơn vị.
Mặc dầu Tâm Thức ở trong điện tử nhỏ bằng mũi kim (của Tâm Thức), đơn vị nhỏ nhít nầy vẫn liên lạc với Tâm Thức của Đức Thượng Ðế và chứa đựng trọn vẹn Tâm Thức nầy.
Người ta có thể so sánh sự tiến hóa của Tâm Thức với việc xảy ra khi người ta vén một bức màn che đậy một nguồn ánh sáng. Việc vén bức màn không thêm cái chi cho ánh sáng cả. Ánh sáng không được lợi ích nào, nhưng nó xua đuổi được sự tối tăm. Ngày nào người ta chưa đồng hóa với ánh sáng nầy thì ngày đó người ta chưa biết nó muốn cái chi. Sự hành động của nó là sự hy sanh và thú vui một lượt. Hy sanh vì nó bị hạn chế còn thú vui là cho ra.
Ở nơi con người, sự tiến hóa vốn do sự cho ra. Còn nguyên tắc chi phối sự phát triển loài thú vật và thảo mộc là sự cạnh tranh, sự đối địch, sưu tầm, kiếm những sự ích lợi riêng tư.
Về con người, nguyên tắc chi phối sự phát triển là sự hiệp tác, sự từ bỏ và sự hy sanh Phàm Nhơn.
Ðức Thượng Ðế đời đời kiếp kiếp hy sanh trên Thập Tự Giá của đời sống và vật chất. Con người phải bắt chước Ngài mới giống như Ngài được.
Mà muốn tiến hóa, Tâm Thức phải nhập thể và phải trải qua từ gia đoạn nầy tới giai đoạn khác, từ hình thể nầy đến hình thể kia, khi hết ở trong Tinh Chất thì qua Kim Thạch, Thảo Mộc, Cầm Thú, Con Người và các hạng Tiên Thánh và Thiên Thần.
Trường tiến hóa của Tâm Thức là Thái Dương Hệ, chớ không phải chỉ trong thân mình nhỏ bé của chúng ta mà thôi đâu. Ðây là một vấn đề dài dòng và cực kỳ khó khăn, không phải diễn tả trong vài trăm trang giấy là đủ.
Tôi xin tóm tắt là: Không có Sự Sống nào mà không có Tâm Thức, và cũng không có Tâm Thức nào mà không có Sự Sống.
Sự Sống và Tâm Thức đồng nghĩa với nhau và liên quan mật thiết với nhau.
Nếu ta ướm thử phân giải Sự Sống và Tâm Thức, thì ta thấy: Sự Sống là Tâm Thức quay vô trong, còn Tâm Thức là Sự Sống quay ra ngoài.
Khi chúng ta chú ý đến Ðơn Nhứt hay là Một thì chúng ta nói đến Sự Sống. Khi chúng ta chú ý đến Ða Số thì chúng ta nói đến Tâm Thức và chớ nên quên rằng đa số do vật chất cấu thành.
tâm thức hiện ra
dưới phương diện một hình dạng
Ta hãy xem xét Tâm Thức khi nó hiện ra dưới Phương Diện Một Hình Dạng.
Luôn luôn điện hiện ra dưới hai mặt: điện Âm và điện Dương. Khi nó trung hòa thì điện biến mất.
Trong mọi vật đều có điện trung hòa. Người ta có thể làm cho điện hiện ra. Nhưng trong trường hợp nầy điện hiện ra dưới một hình thức đặc biệt gồm điện âm và điện dương đồng cân với nhau chớ không phải toàn là một thứ điện âm hay toàn là một thứ điện dương. Hai thứ điện âm và dương này chống đối với nhau luôn luôn và có khuynh hướng hiệp với nhau rồi biến mất trong Hư Không là nguồn cội chung của chúng nó.
không có gạch nối
giữa tâm thức và vật chất
Ta tưởng tượng một vật gọi là Tâm Thức, rồi ta tưởng tượng một vật nữa khác hơn, riêng rẽ mà ta gọi là Vật Chất. Rồi ta tự hỏi Tâm Thức ảnh hưởng đến Vật Chất cách nào?
Mà hai vật riêng rẽ như thế không có, mà cũng không thể có được. Chúng nó là hai trạng thái của vô cực, Bất khả tri, chúng vốn phân ra chớ không phải khác nhau.
Không có chúng nó vô cực không hiện ra được. Khi hiện ra thì vô cực hiện ra dưới hai trạng thái đồng cân với nhau tức là Âm và Dương, chớ không hề hiện ra dưới một mặt, hoặc Thuần Dương hay hoặc Thuần Âm.
Không có chỗ nào chỉ có bề mặt chớ không có bề trái, chỉ có cái dưới chớ không có cái trên, chỉ có cái ngoài chớ không có cái trong, chỉ có Tinh Thần mà không có Vật Chất.
Hai trạng thái vẫn ảnh hưởng lẫn nhau bởi vì chúng nó là hai phần, không thể chia rẽ nhau của Một Ðơn vị biểu hiện như là Ðối Nguyên hay là Nhị Nguyên trong không gian và trong thời gian.
Cái hố sâu giữa Tâm Thức và Vật Chất không có bởi vì không có Tâm Thức thuần túy hay là Vật Chất thuần túy. Dầu cho Chơn Thần tối cao cũng có một lớp vật chất bao mình, và Vật Chất luôn luôn có sự sống bên trong làm cho nó linh động.
Ðức Bà A. Besant nói: "Không phải chúng ta muốn vật chất hóa Tinh Thần, nhưng chúng ta muốn chỉ cho quí bạn thấy, Tâm Thức và Vật Chất, hai vật đối kháng nhau, thật sự là dính liền mật thiết với nhau; chúng nó không hề chia rẽ nhau, cho đến thân thể của Ðấng Cao Cả nhất cũng vậy".
Vật chất đồng nghĩa với "Sự giới hạn".
Vật chất Hồng Trần đặc cứng hơn hết cũng có Tâm Thức của nó. Kim Thạch, các thứ khí đều là những vật sống, chúng nó có Tâm Thức, chúng nó biết cái chi bao phủ nó.
Như dưỡng khí ở vào một nhiệt độ kia thì biết được sự hiện diện của khinh khí nên nhập với nó đặng làm ra nước.
*
* *
chương thứ nhì
tâm thức tuyệt đối (conscience absolue)
và những trạng thái tâm thức của con người
A. Tâm Thức Tuyệt đối.
Tâm Thức tuyệt đối là Tâm Thức chứa đựng tất cả. Ấy là Vô Cực, Bất khả tri, cái Trường Tồn Bất Diệt, vô tận, vô biên, bất biến.
Tâm Thức của mỗi người là Tâm Thức cá nhân riêng biệt, nhưng nó là một thành phần của Tâm Thức của Ðức Thượng Ðế và có đủ quyền năng như Ngài.
B. Tâm Thức tự tri (soi conscience).
Khởi đầu, sự ham muốn tìm thú vui bằng cách dọ dẫm chỗ nầy, chỗ kia, nhưng không hề lo nghĩ đến vật khêu gợi thú vui bởi vì Tâm Thức bị hạn chế trong cảnh giới của nó. Nó chỉ biết bên trong và những sự biến đổi xảy ra tại đây. Sự chú ý của nó chưa quay ra bên ngoài và chưa biết có một thế giới bên ngoài. Những sự va chạm dữ dội không ngớt đập vào những Thể của nó, nhứt là xác thân chịu những ảnh hưởng bên ngoài nhiều hơn ảnh hưởng bên trong.
Với thời gian, những sự biến đổi thay phiên nhau, cái này đến rồi ra đi, kế cái khác tới, làm cho Tâm Thức bắt đầu thức tỉnh và biết có một sự khác biệt. Sự biết này lần lần trở thành cái cảm giác có một cái gì còn lại trong đám hỗn loạn không ngừng nầy. Ðây là sự biết có "một cái ở trong" và "một cái ở ngoài", mà nói cho đúng hơn, có "một cái ở ngoài" và "một cái ở trong" bởi vì những sự đụng chạm không ngừng ở ngoài làm nảy sanh trong Tâm Thức cái cảm giác có một cái ở ngoài và một cái ở trong.
Chỉ khi nào Tâm Thức nhận ra sự hiện diện của "cái ở ngoài" thì nó mới biết được "cái ở trong". Nếu chỉ có "một cái" thôi thì không thể nói được "cái ở trong" và tất cả đều gom vào "một cái đó” rồi. Nhưng khi "cái ở ngoài" bắt buộc Tâm Thức nhìn nhận nó thì "cái ở trong" đối chọi với nó hiện ra tức khắc.
Cái cảm giác có "Cái Ở Ngoài" hiện ra ngay ở những chỗ Tâm Thức liên tục tiếp xúc với cõi đời hỗn loạn và biến thiên nầy và điều nầy xảy ra trong xác thân của ta. Chính là trong xác thân ta phân hóa lần lần sự nhận biết có "Kẻ Khác" và cái cảm tưởng "Tôi Ðây" hay là Bản Ngã đối chọi với kẻ khác cũng hiện ra cái "Tôi Ðây" bây giờ hiểu biết những vật ở ngoài thay vì chỉ biết những sự biến đổi. Rồi lần lần nó nhận biết rằng những sự biến đổi vốn ở trong mình nó, còn những vật thì ở ngoài nó.
Ấy tại cõi Trần, trước nhứt Tâm Thức biến thành Tâm Thức Tự Tri.
Sự tiến triển đem đến sự hiểu biết những vật bên ngoài rất phức tạp. Nên nhớ rằng những sự vật ở ngoại giới cảm tới xác thân chúng ta bằng nhiều cách.
Chung quanh chúng ta có không biết bao nhiêu sự rung động khác nhau mà chúng ta không hay biết bởi vì giác quan của chúng ta chưa được tinh vi cho nên chỉ thâu nhận những làn sóng rung động nào hạp với chúng nó mà thôi.
Những làn sóng rung động nói trên vô Trung Tâm Cảm Giác của cái óc rồi qua Trung Tâm Hiểu Biết của Cái Vía. Dưới Hình Thức những cảm giác của Màu sắc, Tiếng tăm, Hình dạng, Mùi vị, vân vân . . ., chúng từ Cái Vía truyền qua Tâm Thức đang hoạt động ở trong Cái Trí. Tại đây chúng phối hợp lại với nhau rồi làm ra một hình duy nhứt. Sự nhập lại những làn sóng khác nhau rồi làm ra một làn sóng duy nhứt, sự tổng hợp những cảm giác khác nhau là cơ năng của Cái Trí. Thế nên Tâm Lý Học Ấn gọi Cái Trí là giác quan thứ Sáu.
Bây giờ đây chúng ta hãy xem năm giác quan của sự hành động (Karmandryas): Tay, chơn, cuống họng, cơ quan sanh dục, cơ quan bài tiết như là dụng cụ của Trí khôn thì ta thấy sự diễn tiến trái ngược lại từ trong ra ngoài như sau đây:
Trí khôn tạo hình dạng của một việc nào đó. Những làn sóng rung động về hình dạng nầy truyền qua những Trung Tâm hành động của Cái Vía rồi lập lại trong những Trung Tâm hành động của cái óc. Những Trung Tâm nầy mới phân phát chúng nó cho những cơ quan có phận sự biểu hiện việc đó xuyên qua thần kinh hệ làm trung gian.
Về phương diện hai sự liên lạc nầy Cái Trí thành ra giác quan thứ Mười Một. Xin giải nghĩa:
Năm cơ quan của hành động (Karmandryas): mắt, tai, lưỡi, mũi và da, và năm cơ quan thu nhận những cảm giác bên ngoài (Jnanandryas): thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác, cộng lại với nhau là mười, thêm Cái Trí là Mười Một.
Trong chu kỳ tiến hóa nầy, người thường đồng hóa với Tâm Thức Tự Tri trong cái óc. Vì vậy cho nên nó bị hạn chế trong Tâm Thức bình thường lúc thức đây (Conscience de veille). Tâm thức nầy hoạt động trong Não tủy Thần kinh hệ.
Chỉ tại cõi Trần mà thôi, con người tự biết mình và tự nói "Tôi Ðây", nó phân biệt rõ ràng nó với ngoại giới, những tư tưởng của nó với cái gì bao phủ chung quanh. Những vật nầy đối với nó phải là "thật" và ở ngoài nó.
Còn ở mấy cõi khác, Tâm Thức Tự Tri của con người chưa mở mang, cho nên những gì xảy ra ở mấy cõi cao siêu nầy đối với con người vẫn "Không có thật" bởi vì con người không nhận thức được cái chi cả.
tiềm thức
(sub-conscience)
Chúng ta thấy rằng một số lớn những hoạt động của Tâm Thức khi có những phận sự nhứt định rồi thì thành ra Tự động và lần lần rơi xuống dưới mức độ Tâm Thức. Người ta gọi nó là Tiềm Thức.
Tỷ như tỳ vị làm tiêu hóa đồ ăn, trái tim nhảy điều hòa, bóp vô nở ra, sự bài tiết, vân vân . . . Tâm Thức không cần lo nghĩ đến chúng nữa mà chúng nó vẫn làm việc như thường: Cơ quan nào phận sự nấy.
Còn một số hiện tượng khác ở trong Tiềm Thức nhưng không thuộc về sự dinh dưỡng xác thân chẳng hạn như: thình lình phát sợ không lý do, không dám vào chỗ tối tăm lúc ban đêm, bản năng tự vệ, tình thương cha mẹ vợ con, ái tình nam nữ, oán ghét, thù hận, mến yêu, giận dữ, vân vân . . . Chúng là những sự rung động của Cái Vía rồi ghi vào Hột Lưu Tánh Nguyên Tử hay là Nguyên Tử Trường Tồn (Atome astral permanent) của thể nầy. Nếu có những làn sóng rung động ở ngoài đến kích thích chúng nó và hạp với chúng nó thì chúng nó hoạt động lại liền không khác nào than đỏ vùi dưới tro tàn gặp đồ bổi thì phát cháy tức khắc.
Hãy xem trên mặt dĩa hát có những lằn ghi. Khi để cây kim lên trên và cho máy chạy thì cái dĩa quây và phát ra những tiếng đã thâu vô.
Vì mấy lẽ trên đây mà các nhà Huyền Bí Học đều khuyên chúng ta nên nuôi dưỡng và sản xuất những tư tưởng tốt lành. Nếu chẳng may Cái Trí tưởng một việc thấp hèn thì lập tức diệt trừ nó bằng cách sanh ra một tư tưởng cao thượng đối lập ([1]), đừng để nó ghi vào Tiềm Thức rồi một ngày kia sẽ biến thành sự hành động mà ta không ngăn cản kịp. Các Ngài cũng nói: Trong mình con người bộ giao cảm thần kinh là kho tàng lưu trữ dấu vết còn để lại những biến cố đã xảy ra trong những kiếp quá khứ, từ lúc Linh Hồn mới đi đầu thai làm người hay là hồi còn ở trong mình thú vật và tính ra không biết bao nhiêu triệu năm rồi.
Ðức Bà A. Besant nói rằng: Trong Tiềm Thức của chúng ta có một chỗ do những Tâm Thức phụ thuộc làm ra. Chúng lấy thân mình chúng ta làm trường tiến hóa. Ấy là những nguyên tử, những phân tử, những tế bào đủ loại. Ða số những hình ảnh quái dị, lạ lùng từ Tiềm Thức hiện ra. Thật sự chúng không phải thuộc về chúng ta. Chúng là những sản phẩm của những đơn vị Tâm Thức mà trình độ tiến hóa còn thấp hơn chúng ta. Chúng là những khách tới ở trọ với chúng ta.
Tiềm thức của con người hoạt động tại cõi Trần gồm nhiều yếu tố rất khác biệt nhau. Ðiều cần thiết là phải tách nó ra và hiểu biết nó mới phân biệt được những sự hoạt động của nó với những sự hoạt động của Siêu Tâm Thức. Siêu Tâm Thức giống như Bản năng vì những sự hoạt động thình lình của nó. Nhưng Siêu Tâm Thức hoàn toàn khác hẳn Bản năng bởi bản tánh của nó và vị trí của nó trong Cơ Tiến Hóa. Tiềm Thức thuộc về quá khứ. Còn Siêu Tâm Thức thuộc về vị lai.
C. tâm thức bình thưỜng. (CONSCIENCE DE VEILLE)
Tâm Thức Bình Thường là Tâm Thức của ta dùng trong lúc ta đương thức đây. Nó hành động trên hai cõi: Trung Giới và Thượng Giới (cõi Trí Tuệ). Trung tâm của nó là cái óc. Nó xử dụng cái óc xác thịt và bộ thần kinh như là khí cụ của ý chí, của sự hiểu biết và những sự hành động tại cõi Trần. Trong Tâm Thức Bình Thường, cái óc luôn luôn làm việc. Nó là cơ quan chuyển giao, nó có thể bị những sự rung động ở ngoại giới tới kích thích nó xuyên qua giác quan, nó cũng ứng đáp không ngớt với những ảnh hưởng bên trong. Ðối với phần đông nhơn loại, cái óc là cơ quan duy nhứt trong đó Tâm Thức thành ra Tâm Thức Tự Tri (Soi conscience) rõ rệt, do đó con người cảm biết "Tôi Ðây" và hiểu rằng mình là một cá nhơn riêng biệt.
Theo lời của Ðức Bà A. Besant thì người ta có thể nói rằng: Tâm Thức Bình Thường là một phần của Tâm Thức toàn diện hoạt động trong cái óc và bộ thần kinh, nó thật là Tâm Thức Tự Tri.
Hãy tưởng tượng Tâm Thức là Ánh sáng mặt trời dọi ngang qua một bóng tròn lớn làm bằng pha lê gắn ở trên trần nhà. Ánh sáng xuyên qua bóng tròn chỉ chiếu sáng một khoảnh của cái phòng ở dưới trần nhà, còn ánh sáng trên trần nhà vẫn được tự do dọi ra khắp nơi.
Cũng có thể ví dụ Tâm Thức giống như một cái Trứng lớn chói rạng rỡ, mà đầu nhọn của nó nhận vào cái óc. Ðầu nhọn nầy là Tâm Thức Bình Thường.
Tâm Thức này lệ thuộc cái óc nên bị hạn chế trọn kiếp sống của con người tức là khi con người còn ở trong xác thân nầy.
Nếu vì một lý do nào mà cái óc bị rối loạn, mắc bịnh hoạn hay bị một vết thương thì con người mất bình tĩnh, khờ khạo, không học hỏi rộng sâu được, có khi phát điên khùng.
Tiện đây tôi xin nói thêm vài lời: Một người kia thông minh tuyệt thế là nhờ Quả lành của y gây ra ở kiếp trước nên cái óc của y rất mảnh mai. Nếu kiếp nầy, y không tu nhơn, tích đức như xưa mà lại dùng sự khôn ngoan hãm hại kẻ khác và làm những điều tàn ác thì kiếp sau đầu thai lại, cái óc của y sẽ không được lành mạnh. Y không có phương tiện để học hỏi như kiếp mới rồi. Y phải đền tội những việc làm của y trái nghịch lòng Trời.
Ðây là Luật Nhân Quả hay là Luật Báo Ứng Tuần Hườn không hề sai chạy. Con người gieo giống chi thì gặt giống nấy.
d. tâm thức hồng trần.
(LA CONSCIENCE PHYSIQUE)
Thường thường người ta giải thích Tâm Thức Hồng Trần với hai ý nghĩa:
Một là: Tâm Thức Bình Thường của ta dùng trong lúc ta đương thức đây (Conscience de veille).
Hai là: Tâm Thức hoạt động trong vật chất là xác thân ta. Nó thâu nhận những cảm giác ở cõi Trần và ứng đáp với chúng nó song không chuyển giao lên mấy cõi cao mà cũng không thâu nhận những cảm giác từ mấy cõi nầy đưa xuống có ảnh hưởng đến xác thân. Theo một nghĩa hẹp và đúng hơn thì Tâm Thức Hồng Trần gồm:
Một là: Những làn rung động từ những nguyên tử và những phân tử phát ra ngoài. Những nguyên tử và những phân tử này hoạt động vốn do sự sống của Ngôi thứ Ba ([2]).
Hai là: Những làn rung động do những hình dạng có sự sống sanh ra. Những hình dạng nầy nhờ sự sống của Ngôi thứ Nhì dinh dưỡng.
Ba là: Tất cả những sự rung động từ sự sống của Chơn Thần do những Nguyên Tử Trường Tồn phát ra mà không trực tiếp liên lạc với những vòng xoắn (spirilles) ([3]). Khi những vòng xoắn nầy hoạt động thì Tâm Thức Bình Thường trong lúc thức mới bị ảnh hưởng.
Chính là những sự biến đổi trong Tâm Thức ở trên mấy cõi cao nhờ những sự biến đổi trong Tâm Thức Bình Thường của chúng ta.
Ngày nay Tâm Thức Hồng Trần rơi xuống dưới mức độ Tâm Thức, có thể nói rằng nó là sự hoạt động thấp thỏi hơn hết của Tâm Thức và nó chỉ có phận sự là điều khiển những cơ năng cần thiết cho sự dinh dưỡng xác thân mà thôi.
tâm thức chỉ là một
Khi chúng ta học hỏi những sự biểu hiện khác nhau của Tâm Thức thì chúng ta thường quên hai việc đại khái quan trọng sau đây:
Trước nhứt: Tâm Thức của mỗi người là một Ðơn vị riêng biệt, riêng biệt cho đến đỗi dường như nó khác với những sự biểu hiện khác.
Kế đó là: Tất cả những đơn vị nầy là những thành phần của Tâm Thức của Thượng Ðế, thế nên chúng phản ứng một cách với nhau trong những điều kiện in như nhau.
Các nhà Huyền Bí Học thường nhắc nhở rằng Tâm Thức vẫn Duy Nhứt. Tất cả những Tâm Thức bề ngoài tuy khác nhau nhưng chỉ làm ra một Tâm Thức mà thôi.
Thí dụ nước biển từ nhiều lỗ trống của một con đê chảy ra ngoài. Nếu mấy lỗ nầy chứa những màu khác nhau thì nước từ lỗ đó tuôn ra cũng nhuộm những màu khác nhau. Vậy, màu tuy không giống nhau song nước của tất cả đều là nước của một cái biển cùng những đặc tính như nhau.
Cũng thế đó, tất cả những Tâm Thức đều từ một Ðại hải Tâm Thức sanh ra, tất cả đều có những điểm đồng nhứt chánh yếu và cũng bị bao phủ trong một lớp màn vật chất như nhau. Thay vì một Ðơn vị, Tâm Thức cá nhơn dường như rất phức tạp vì những sự biểu hiện của nó. Nhưng thật sự Tâm Thức là một Ðơn vị Duy Nhứt, còn những dị hình mà người ta thấy trong những sự biểu hiện của nó vốn do những vật liệu của nó dùng đặng hoạt động.
tâm thức hồng trần duy nhỨt
Trong tập Hồn Khóm, tôi có thuật chuyện Ông Jagadish Chandra Bose, Tiến sĩ Khoa học, Cử nhơn Văn khoa, Giáo sư tại Ðại Học Ðường Calcutta bên Ấn Ðộ đầu thế kỷ XX nầy có thí nghiệm nhiều cách với các loại kim khí, thảo mộc và bắp thịt thì thấy những phản ứng của chúng vẫn in như nhau khi chúng nó bị các thứ thuốc làm cho phấn khởi, suy nhược hay chết vậy. Những sự phản ứng nầy ghi bằng những đường cong trên một cái ống quây tròn. Bao nhiêu đấy cũng đủ để chứng minh rằng Tâm Thức Hồng Trần vẫn Duy Nhứt. Xin quí bạn xem hình và đọc lại đoạn đó và bài Sự phản ứng của thảo mộc của Ông John Coats, Chánh Hội Trưởng Hội Thông Thiên Học Quốc Tế trong tập Hồn Khóm.
*
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved