Home » » Ý KIẾN CỦA TRẦN ĐỨC THẢO VỀ MỸ HỌC, NGHỆ THUẬT

Ý KIẾN CỦA TRẦN ĐỨC THẢO VỀ MỸ HỌC, NGHỆ THUẬT

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011 | 01:54

Ý KIẾN CỦA TRẦN ĐỨC THẢO VỀ MỸ HỌC, NGHỆ THUẬT

Ý KIẾN CỦA TRẦN ĐỨC THẢO VỀ MỸ HỌC, NGHỆ THUẬT

1.
“Mỹ thuật cũng là một cách hiểu biết trực quan, hạn định một phạm vi đối tượng đặc biệt, là vẻ đẹp xuất hiện một cách hiển nhiên và khách quan trước ý thức thưởng ngoạn, vậy ta cũng phải công nhận cái đặc tính và cái chân lý của nó. [….] Đối tượng của mỹ thuật là một vật lý tưởng, tuy vẫn khách quan. Ví dụ như trong một bức tranh vẽ con chim, vật thể thiết thực là tấm vải nhuộm màu, nhưng đối tượng mà ta trông thấy là con chim, mà con chim này thì lại không có”. Trần Đức Thảo, 1951, Triết lý đã đi đến đâu? Minh Tân, Paris, tr 50.
3. “Trong ngôn ngữ hiện tượng học, ta nói rằng cuộc sống trần gian này, kinh nghiệm về thế giới này bao gồm một tập hợp ý nghĩa, trong đó có ý nghĩa mỹ thuật. Dáng dấp tổng quát của tập hợp này tất nhiên đã được phác họa bởi một số điều kiện sơ đẳng nào đó – điều kiện kinh tế. Đây không phải là một quy định dưới dạng nhân quả, mà đơn giản là sự phân ranh cần thiết nhằm định nghĩa nghiệm sinh đó như kinh nghiệm của thế giới này. Những thời cứ đặc thù không vì thế mà mất đi phần chân lý của chúng như loại trực quan đã từng được sống thực, và chính trên phần chân lý đó mà các sản phẩm văn hoá được xây dựng. Tất nhiên, trực quan nói đây không phải là sự trực nhận thụ động những tiết lộ về một cõi-bên-kia không ai biết, nó đơn giản chỉ cái khả năng hiểu ngay tức khắc ý nghĩa của cuộc sống trong thế giới này, ý nghĩa của những sinh hoạt mà ta tiến hành, bởi vì và chỉ vì ta sống cuộc đời của một con người. Chính cái thế giới cuộc sống hay thế giới nhân sinh [Lebenswelt] này đã gánh chở mọi kiến trúc của thế giới văn hoá.
Cái đẹp trong nghệ thuật Hy Lạp nói lên phong cách cảm nhận thế giới độc đáo của xã hội Hy Lạp dưới dạng thức mỹ thuật và trong sinh hoạt nghệ thuật vô thức. Trong kinh nghiệm mỹ thuật này, với điều kiện sinh sống vật chất của người Hy Lạp thời đó, cái đẹp đã được biểu lộ bằng cách duy nhất nó có thể bộc lộ. Giới hạn trên không giảm thiểu mà diễn đạt tính chân chính của nó như một kinh nghiệm sống có thực trong thế gian này. Như thế, tương quan giữa mỹ thuật Hy Lạp với phương thức sản xuất cổ đại không thủ tiêu mà đặt nền cho giá trị riêng biệt của các kiệt tác đương thời. «Hạ tầng cơ sở» trên đó toàn bộ lâu đài này được xây dựng không phải là cơ sở kinh tế, mà nói đúng ra, chính là cái thế giới mỹ thuật tự phát được cấu tạo bởi óc tưởng tượng của người Hy Lạp: thế giới thần thoại. Cái thế giới này không phản ánh những quan hệ sản xuất vật chất; nó diễn tả cách thức người Hy Lạp mang ý nghĩa mỹ thuật vào đời sống, cách họ sống đời dưới dạng thức mỹ thuật. Nghệ thuật của họ chỉ là sự soi sáng ý nghĩa và dạng thức mỹ thuật trong cuộc sống của họ.” Trần Đức Thảo, 1946, Chủ nghĩa Marx và hiện tượng học, Phạm Trọng Luật dịch,  Revue Internationale, N°2, 1946, p. 168-174.
2. “Trên nền tảng các tiếng gọi của hình ảnh xã hội bên trong, ý thức trong tiếng gọi của nó với bản thân đặt ra yêu cầu về cái thiện trong hành động, cái đúng trong nhận thức, và cái đẹp trong việc hoàn tất các quá trình sống trải. Do vậy, ý thức làm cho thế giới tự nhiên trở thành thế giới con người, có giá trị với con người”. Trần Đức Thảo, 2004, Sự hình thành con người, Nxb ĐHQG HN, tr 27.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved