Home » » QUAN NIỆM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ NHỮNG ĐẶC TRƯNG BẢN CHẤT CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

QUAN NIỆM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ NHỮNG ĐẶC TRƯNG BẢN CHẤT CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011 | 02:48

TRẦN VĂN PHÒNG (*)

Đưa ra và luận giải quan niệm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, về những đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội, trong bài viết này, tác giả đã khẳng định, với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là xã hội do nhân dân lao động làm chủ, có chế độ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất chủ yếu, là xã hội công bằng và hợp lý, không còn mâu thuẫn giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay, tôn giáo và tín ngưỡng được thực sự tự do.

Đại hội IX của Đảng đã chỉ rõ, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong hệ thống quan điểm toàn diện ấy thì tư tưởng của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một bộ phận đặc biệt quan trọng. Trong đó, có quan niệm của Hồ Chí Minh về những đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội.
Hồ Chí Minh không để lại cho chúng ta những tác phẩm chuyên khảo về chủ nghĩa xã hội nói chung, về đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội nói riêng. Nhưng, trong nhiều bài báo, bài phát biểu, bài nói chuyện với cán bộ, đảng viên, với bộ đội, thanh thiếu niên, nhi đồng, v.v., Người đã thể hiện rõ những đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội. Để hiểu rõ những đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội trong quan niệm của Hồ Chí Minh, trước hết chúng ta cần hiểu rõ quan niệm của Người về chủ nghĩa xã hội nói chung và về những đặc điểm của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Bởi lẽ, trên cơ sở quan niệm về chủ nghĩa xã hội nói chung và những đặc điểm của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Hồ Chí Minh đã nêu lên những đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.(*)
Chủ nghĩa xã hội nói chung trong quan niệm của Hồ Chí Minh khá phong phú, nhưng bao gồm trước hết là lý tưởng chính trị - xã hội; là phong trào hiện thực giải phóng người lao động và các dân tộc thuộc địa; là xu thế tất yếu của lịch sử nhân loại; là giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản.
Hồ Chí Minh với những năm tháng trực tiếp tham gia phong trào công nhân ở các nước tư bản phương Tây, đặc biệt sống trong lòng tư bản Pháp, lại được tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, nên Người sớm nhận ra rằng, chủ nghĩa tư bản có những mâu thuẫn vốn có mà nó không thể tự giải quyết được. Mâu thuẫn vốn có quan trọng nhất là mâu thuẫn giữa tính xã hội hóa của lực lượng sản xuất (tính chất sản xuất là công cộng) và tính chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất (tư liệu sản xuất lại nằm trong tay một số rất ít người). Để giải quyết được những mâu thuẫn vốn có ấy cần đi lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Chỉ có chế độ xã hội chủ nghĩa mới giải quyết được tận gốc những mâu thuẫn vốn có ấy của chủ nghĩa tư bản. Do vậy, chủ nghĩa xã hội với Hồ Chí Minh trước hết là lý tưởng chính trị - xã hội để giải phóng con người mà trên hết, là người lao động khỏi ách áp bức, nô dịch, bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Trong tác phẩm Thường thức chính trị viết năm 1953, Hồ Chí Minh viết rõ: “Hiện nay, chế độ tư bản có những mâu thuẫn to, nó không giải quyết được. Một là nhà tư bản sản xuất hàng hóa quá nhiều, quá mau nhưng không bán hết được; vì công nhân thì nghèo khổ, lớp trung và tiểu tư sản thì nhiều người đã phá sản. Hai là tính chất sản xuất là công cộng - hàng nghìn hàng vạn công nhân cùng làm ở một nhà máy. Mà tư liệu sản xuất lại nằm trong tay một số rất ít người. Mâu thuẫn ấy gây ra nạn thất nghiệp và nạn kinh tế khủng hoảng. Chỉ có chế độ xã hội chủ nghĩa (cộng sản chủ nghĩa) mới giải quyết được mâu thuẫn ấy”(1). Mặc dù, hiện nay, chủ nghĩa tư bản đã có những điều chỉnh nhất định, nhưng nhận định của Hồ Chí Minh về mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản vẫn giữ nguyên giá trị thực tiễn.
Chủ nghĩa xã hội với Hồ Chí Minh còn là một phong trào hiện thực nhằm giải phóng người lao động khỏi mọi áp bức, nô dịch của chủ nghĩa tư bản và giải phóng các dân tộc thuộc địa. Bởi lẽ, “nhà tư bản chẳng những bóc lột công nhân trong nước họ mà còn xâm lược và bóc lột các nước khác”(2). Do vậy, Hồ Chí Minh nhận thức hoàn toàn đúng rằng, “tất cả những người lao động trên thế giới đều có một mục đích chung là thoát khỏi áp bức, bóc lột, được sống trong sung sướng, tự do, tức là thực hiện chế độ cộng sản”(3). Do vậy, ngay trong lòng các nước tư bản, các Đảng Cộng sản cũng lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản vì chủ nghĩa cộng sản. Do đó, chủ nghĩa xã hội (chủ nghĩa cộng sản) đã trở thành một phong trào hiện thực: “Ngay ở các nước tư bản cũng có những đảng cộng sản và đang đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản. Thế là chủ nghĩa cộng sản không chỉ ở trong lý luận mà đã thực hiện dần dần ở phần lớn trong thế giới”(4). Ngay từ những năm 1923 - 1924, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận thức rất sâu sắc rằng, “chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của sự nghiệp cách mạng thế giới”(5). Như vậy, chủ nghĩa xã hội (chủ nghĩa cộng sản), theo Người, là một phong trào hiện thực giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức tư bản chủ nghĩa. Đặc biệt, từ sau Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản từ ước mơ của những người lao động đã trở thành phong trào hiện thực giải phóng người lao động trên thế giới: “Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ chỉ là ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã trở thành một hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn lôi cuốn hàng nghìn triệu người vào hành động cách mạng, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(6).
Hồ Chí Minh cũng nhận thức sâu sắc rằng, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là tất yếu trên con đường phát triển của lịch sử loài người: “Từ cộng sản nguyên thủy đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản, đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) – nói chung thì loài người phát triển theo quy luật nhất định như vậy”(7).
Với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cộng sản gồm hai giai đoạn. “Giai đoạn thấp, tức là chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn cao, tức là chủ nghĩa cộng sản. Hai giai đoạn ấy giống nhau ở nơi: Sức sản xuất đã phát triển cao; nền tảng kinh tế thì tư liệu sản xuất đều là của chung; không có giai cấp áp bức bóc lột. Hai giai đoạn ấy khác nhau ở nơi: Chủ nghĩa xã hội vẫn còn chút ít vết tích của xã hội cũ. Xã hội cộng sản thì hoàn toàn không còn vết tích xã hội cũ”(8).
Với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội còn là một chế độ xã hội ưu việt hơn hẳn chủ nghĩa tư bản; là xã hội do nhân dân lao động làm chủ. Theo Người, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản “mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hòa thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau”(9). Rõ ràng, chủ nghĩa xã hội phải là xã hội ưu việt hơn hẳn chủ nghĩa tư bản. Xã hội ấy đem lại cho người lao động trên thế giới không phân biệt chủng tộc, nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no, hòa bình, hạnh phúc; mang lại cho con người cơ sở để yêu thương, giúp đỡ nhau. Đồng thời, chủ nghĩa xã hội từ trong bản chất của mình là xã hội do nhân dân lao động làm chủ. Theo Người, không có một chế độ xã hội nào tôn trọng cá nhân người lao động như chủ nghĩa xã hội. Bởi lẽ, chủ nghĩa xã hội là xã hội do nhân dân lao động làm chủ, “trong chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là chế độ do nhân dân lao động làm chủ, thì mỗi người là một bộ phận của tập thể, giữ một vị trí nhất định và đóng góp một phần công lao trong xã hội. Cho nên lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thỏa mãn”(10).
Về những đặc điểm của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực tế ở Liên Xô, Hồ Chí Minh đã khái quát năm đặc điểm có tính bản chất của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô:
“1- Công cụ sản xuất và tư liệu sản xuất đều là của chung. Ở nông thôn thì có nông trường chung. Ngoài nông trường, nông dân vẫn có ít của riêng như: nhà ở, lợn gà, vườn trồng rau, một con bò sữa, nghề phụ, v.v..
2- Tư bản, địa chủ, phú nông không có nữa.
Chỉ có công nhân và nông dân. Không ai bóc lột họ; cố nhiên họ cũng không bóc lột ai.
Khoa học ngày càng phát triển, máy móc ngày càng nhiều, cho nên công nhân và nông dân ngày càng đỡ khó nhọc.
3- Nguyên tắc sinh hoạt là: “Ai không làm thì không được ăn” và “làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít hưởng ít”.
4- Kinh tế có kế hoạch. Cả nước có một kế hoạch chung. Mỗi ngành theo kế hoạch chung đó mà đặt kế hoạch riêng: Sản xuất thứ gì và bao nhiêu. Mục đích là nâng cao đời sống của nhân dân và củng cố quốc phòng của Tổ quốc. Do kinh tế có kế hoạch mà không có nạn khủng hoảng, không có nạn thất nghiệp; mà sức sản xuất thì phát triển mau chóng.
5- Không có sự đối lập giữa thành thị và thôn quê, giữa lao động chân tay và lao động trí óc. Vì thôn quê ngày càng văn minh, công nông ngày càng thông thái”(11).
Từ quan niệm về chủ nghĩa xã hội nói chung, từ những đặc điểm của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, Hồ Chí Minh đã kế thừa, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của nước ta và đưa ra những đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - cho phù hợp điều kiện, hoàn cảnh thực tế nước ta. Do vậy, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mang đầy đủ đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội nói chung, nhưng trong điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam được Người nhấn mạnh những đặc trưng bản chất chủ yếu sau:
Một là, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là xã hội do nhân dân lao động làm chủ.
Trong nhiều bài viết, bài nói chuyện, Hồ Chí Minh luôn xác định rất rõ: “Chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là chế độ do nhân dân lao động làm chủ”(12). Điều này được Người cụ thể hóa trong điều kiện Việt Nam:
“Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(13).
Hai là, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là xã hội có chế độ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể đối với tư liệu sản xuất chủ yếu.
Trong Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh đã nêu rõ, trong nước ta hiện nay có những hình thức sở hữu chính về tư liệu sản xuất như sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân; sở hữu hợp tác xã tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động; sở hữu của người lao động riêng lẻ; sở hữu của nhà tư bản. Nhưng, “mục đích của chế độ ta là xóa bỏ các hình thức sở hữu không xã hội chủ nghĩa, làm cho nền kinh tế gồm nhiều thành phần phức tạp trở nên một nền kinh tế thuần nhất, dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể”(14). Trong một bài nói chuyện với giáo viên và hội nghị sư phạm, Người lại nói: “Như vậy chủ nghĩa xã hội là lấy nhà máy, xe lửa, ngân hàng, v.v. làm của chung”(15). Đây là quan niệm đúng trong những điều kiện lịch sử khi đó và hiện nay, đã có những đổi mới trong nhận thức về vấn đề này, nhưng rõ ràng là, khi nói về đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội không thể không khẳng định chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu.
Ba là, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là xã hội mà mọi người ai ai cũng được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do, hạnh phúc.
Trong bài Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ đảng ngành giáo dục, tháng 6 - 1957, Hồ Chí Minh nói: “Chủ nghĩa xã hội là gì? Là mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do. Nhưng nếu muốn tách riêng một mình mà ngồi ăn no mặc ấm, người khác mặc kệ là không tốt. Mình muốn ăn no mặc ấm, cũng cần làm sao cho tất cả mọi người được ăn no mặc ấm, như thế mới đúng”(16). Trong bài Ba mươi năm hoạt động của Đảng, năm 1960, Người đã viết: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”(17). Trong Bài nói chuyện với Trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình, ngày 17 - 8 - 1962, Người viết: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt. Đó là chủ nghĩa xã hội”(18). Cách diễn đạt của Hồ Chí Minh về đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với từng đối tượng khác nhau có khác nhau. Nhưng nhìn chung, một đặc trưng bản chất quan trọng nhất mà Người muốn nhấn mạnh là, chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta xây dựng là xã hội mà mọi người ai ai cũng được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do, hạnh phúc. Đây là cách nói đơn giản, dễ hiểu của Người về đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bởi lẽ, khi ấy đời sống của cán bộ, nhân dân ta còn rất khó khăn, chúng ta phải dành nhiều chi viện cho tiền tuyến, đồng bào miền Nam của chúng ta vẫn chưa được độc lập, tự do. Chỉ trong bối cảnh ấy, chúng ta mới hiểu hết được những điều giản đơn mà Người nói khi bàn về đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội.
Bốn là, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là xã hội công bằng, hợp lý.
Theo Hồ Chí Minh, “chủ nghĩa xã hội là công bằng hợp lý: Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom”(19). Với Người, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại công bằng và bình đẳng xã hội cho tất cả mọi người. Chỉ dưới chủ nghĩa xã hội, nhân dân lao động mới thực sự được hưởng quyền “bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ”(20), còn những người già yếu hoặc không may mắn sẽ được Nhà nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ, chăm nom. Trong một bài viết khác, Người đã diễn đạt đặc trưng bản chất này của chủ nghĩa xã hội như sau: Chủ nghĩa xã hội là “ Ai làm nhiều thì ăn nhiều, ai làm ít thì ăn ít, ai không làm thì không ăn, tất nhiên là trừ những người già cả, đau yếu và trẻ em...”(21). Rõ ràng, quan niệm này của Hồ Chí Minh đã phản ánh đầy đủ tinh thần của chủ nghĩa   Mác - Lênin về công bằng xã hội - nguyên tắc phân phối theo lao động trong chủ nghĩa xã hội, nhưng lại thể hiện được tinh thần nhân đạo sâu sắc của Người, đồng thời cũng biểu đạt được những giá trị tương đồng của chủ nghĩa xã hội với truyền thống quý báu của dân tộc ta. Không phải ngẫu nhiên mà điều này được Người coi là một đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Năm là, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là xã hội không còn mâu thuẫn giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay.
Chủ nghĩa xã hội, theo Hồ Chí Minh, là xã hội thật sự quý trọng những người trí thức. Chế độ thực dân và phong kiến chỉ lợi dụng trí thức, có ý tách rời trí thức ra khỏi khối công nông. Chúng đã tạo ra ý thức “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao” – (Mọi nghề đều thấp kém, chỉ có đọc sách là thanh cao - T.V.Ph). Chúng lợi dụng trí thức trong bộ máy thống trị của chúng. Chia rẽ lao động trí óc với lao động chân tay. Đó cũng là một chính sách chia để trị(22). Theo Người, chỉ có “cách mạng mới thật sự quý trọng trí thức. Dưới chế độ dân chủ mới và xã hội chủ nghĩa, trí thức mới có dịp phát huy hết khả năng của mình”(23); “Tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản thì sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn bị xóa bỏ, sự phân biệt giữa lao động chân tay và lao động trí óc cũng bị xóa bỏ”(24). Trong chủ nghĩa xã hội, người lao động không phân biệt lao động trí óc hay lao động chân tay đều được tôn trọng. Do vậy, sự phân biệt giữa hai hình thức lao động này sẽ mất dần trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên, sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn cũng sẽ bị xóa bỏ dần. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng lưu ý rằng, bản thân trí thức cũng phải chủ động đến với công nông, còn công nông thì nhiệt liệt hoan nghênh trí thức. Đồng thời, việc xóa bỏ dần sự tách rời giữa lao động trí óc và lao động chân tay, giữa thành thị và nông thôn không phải tự động diễn ra trong chủ nghĩa xã hội, mà bản thân mỗi người trong chủ nghĩa xã hội đều phải cố gắng vươn lên xóa bỏ dần sự tách rời này.
Sáu là, trong chủ nghĩa xã hội, tín ngưỡng và tôn giáo được thực sự tự do.
Trong bài Trả lời những câu hỏi của cử tri Hà Nội, ngày 10 - 5 - 1958, khi cử tri hỏi: “Tiến lên chủ nghĩa xã hội tôn giáo có bị hạn chế không?, Hồ Chí Minh đã trả lời dứt khoát và khẳng định rõ: “Không. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam cũng vậy...”(25); công dân của nhà nước xã hội chủ nghĩa “Có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”(26). Những đặc trưng cụ thể trên của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội phải được đặt trong tính chính thể trong quan niệm của Người về chủ nghĩa xã hội với tư cách “một xã hội bảo đảm cho đất nước phát triển rực rỡ một cách nhanh chóng chưa từng thấy, đưa quần chúng lao động đến một cuộc sống xứng đáng, vẻ vang và ngày càng phồn vinh, làm cho người lao động có một Tổ quốc tự do, hạnh phúc và hùng cường, hướng tới những chân trời tươi sáng, mà trước kia không thể nghĩ tới”(27).
Vận dụng sáng tạo những tư tưởng của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội nói chung, về đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội nói riêng vào điều kiện cụ thể Việt Nam hiện nay, Đảng ta đã nêu lên sáu đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta phấn đấu xây dựng. Sáu đặc trưng đó là:
“- Do nhân dân lao động làm chủ.
- Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.
- Có một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân.
- Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.
- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”(28).
Thực tiễn thời đại và đất nước đã có nhiều đổi thay, nhưng những quan niệm về đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội ở Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đèn pha soi sáng cho Đảng ta trong việc hoàn thiện, bổ sung, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. q

(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
(1) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.7. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.246-247.
(2) Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.205.
(3) Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.209.
(4) Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.247.
(5) Hồ Chí Minh. Sđd., t.1, tr.46.
(6) Hồ Chí Minh. Sđd., t.12, tr.303.
(7) Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.247.
(8) Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.244.
(9) Hồ Chí Minh. Sđd., t.1, tr.461.
(10) Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.292.
(11) Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.244 -245.
(12) Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.291.
(13) Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr.698.
(14) Hồ Chí Minh. Sđd., t.9, tr.588.
(15) Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.226.
(16) Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.396.
(17) Hồ Chí Minh. Sđd.,  t.10, tr.17.
(18) Hồ Chí Minh. Sđd., t.10, tr.591.
(19) Hồ Chí Minh. Sđd., t.9, tr.175.
(20) Hồ Chí Minh. Sđd., t.10, tr.310.
(21) Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.226.
(22)  Xem: Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.215.
(23) Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.216.
(24) Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.395.
(25) Hồ Chí Minh. Sđd., t.9, tr.176.
(26) Hồ Chí Minh. Sđd., t.9, tr.593.
(27) Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.560.
(28) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.111-112. Hoặc xem: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nxb Sự thật
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved