Phong Lê - Người viết phê bình
23/01/2008 01:48(Suy nghĩ và cảm nhận từ tập "Người trong văn, chân dung và tiểu luận", 2006, Nxb Văn hoá Sài Gòn, của tác giả Phong Lê)
1. Hơn 40 năm làm công việc nghiên cứu văn học, với hơn mười lăm đầu sách in riêng và hơn hai mươi công trình chủ biên, ấy là chưa kể số lượng đồ sộ những bài viết về nhiều vấn đề văn chương, học thuật và đời sống in trên các báo và tạp chí, từ lâu, tác giả Phong Lê luôn được biết đến trong tư cách một học giả, một nhà nghiên cứu tâm huyết và đầy xông xáo, đặc biệt trên lĩnh vực mà ông đã gắn bó mấy chục năm qua – bộ phận văn học Việt Nam hiện đại, mà nói rộng ra là văn học Việt Nam thế kỉ XX trong quá trình giao lưu, hội nhập và hiện đại hoá. Bút lực mạnh mẽ ấy đã sớm định hình từ Mấy vấn đề văn xuôi Việt Nam (1972), đến Văn học trên hành trình của thế kỉ XX (1997), rồi đến Một số gương mặt văn chương – học thuật Việt Nam hiện đại (2001)... và đấy cũng chính là những thành tựu nổi bật đã đưa ông đến với Giải thưởng Nhà nước về Khoa học 2005. Song, nếu từ “một cách nhìn nghiêng” (theo cách nói hình ảnh của một nhà phê bình), ta còn có thể nhận ra trên những trang viết của ông, một dòng mạch khác, cũng không kém phần dồi dào và bền bỉ, bắt đầu từ Văn và người (1976), qua Vẫn chuyện văn và người (1998), đến Người trong văn (2006), và những công trình ấy còn cho thấy một diện mạo tinh thần mới của ông, vừa như một sự bổ sung, vừa như một sự gắn nối, mở rộng, diện mạo của Phong Lê – người viết phê bình.
Dĩ nhiên, sự chia tách và phân biệt nào cũng chỉ mang tính tương đối, nhưng theo tôi, đây chính là một mảng viết tập trung sắc nét cá tính của tác giả. Chính ở đây, có thể nhận thấy, với Phong Lê, cảm hứng về nền văn học Việt Nam hiện đại, về cái hiện tại, cái đương thời, đương vận động và phát triển với muôn mặt đa dạng và phức tạp của nó dường như là một cảm hứng có tính thường trực và đầy sôi nổi. Chính nó tạo nên một sự chi phối mạnh mẽ và nhất quán đến sự lựa chọn đối tượng phê bình của ông. Mặt khác, cách viết phê bình với nhãn quan của một nhà nghiên cứu, kết hợp chặt chẽ sự thụ cảm cá nhân tinh nhạy với những thao tác phân tích và lập luận xác thực, đã tạo nên những đặc điểm, cũng là những đặc sắc không thể trộn lẫn trong văn phong phê bình của ông. Trong giới hạn bài viết này, chỉ xin đề cập tới một tác phẩm tiêu biểu của ông – tập chân dung và tiểu luận Người trong văn.
2. Trước hết, cần nói ngay rằng, Người trong văn là một tập hợp đầy ấn tượng của hơn 30 gương mặt văn nghệ sĩ và trí thức Việt Nam hiện đại, với những tên tuổi nổi bật như Ngô Tất Tố, Thạch Lam, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Võ Quảng, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ... (phần 1); và Tạ Quang Bửu, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Hoàng Xuân Hãn, Hoài Thanh, Nguyễn Khắc Viện, Vũ Đức Phúc, Cao Huy Đỉnh, Ninh Viết Giao... (phần 2).
Chọn viết về những con người nổi tiếng này, Phong Lê có quan niệm cũng như cách viết riêng. Ông hình dung và mô tả về các tác giả chủ yếu dựa trên tác phẩm và văn nghiệp của họ (dĩ nhiên ở đây, khái niệm “người” cũng như “văn”, đều cần được hiểu theo một nghĩa rộng rãi). Đó cũng là lí do vì sao khi viết về tác giả, nhưng tri thức về tác phẩm cụ thể trong nhiều bài viết được huy động khá phong phú (đặc biệt ở phần viết về văn nghệ sĩ) và cũng có thể xem đây như là một trong những điểm nhấn nổi bật của cách dựng chân dung văn học này. Đây cũng là phần thông tin chiếm dung lượng áp đảo trong những trang viết ấy. Bên cạnh đó, tác giả thường đặt các chân dung văn học trên nền những bối cảnh văn hoá - xã hội rộng lớn, xem xét sự nghiệp sáng tạo của các tác giả ấy như những quá trình lịch sử, với nhiều khúc quanh, lối rẽ, nhằm làm nổi rõ hơn những sắc thái đa dạng trong cá tính hay phong cách nghệ sĩ. Chẳng hạn, đặt Ngô Tất Tố trên độ lùi thời gian đầu thế kỉ XX, trong tương quan với nhiều cây bút cùng thời, từ đó đi đến nhận diện vị trí xứng đáng của nhà văn này trên văn đàn Việt Nam, đó là “bậc tiền bối của số rất lớn, nếu không nói là tất cả những người làm nên diện mạo hiện đại của văn học Việt Nam thời 1930-1945” (tr.9); “soi ngắm” Tô Hoài từ trong con mắt và “lịch sử tiếp nhận” trải dài suốt năm mươi năm của một độc giả trung thành và nhạy cảm; mô tả Ma Văn Kháng trong sự nối dài của danh mục tác phẩm và sự tiếp tục của những tìm tòi sáng tạo, cũng là những băn khoăn không ngừng về con người và đời sống, để nhận ra cái trữ lượng tinh thần giàu có của nhà văn này, v.v... Dĩ nhiên, để có một hình dung đầy đặn hơn về đối tượng, cùng với việc phân tích tác phẩm của nhà văn, tác giả còn huy động tới cả những hồi ức về cuộc đời và cá tính của họ, giai thoại về cách hành xử của họ trong văn chương và đời sống, hay kỉ niệm về những cuộc gặp gỡ tươi tắn và sống động của chính tác giả với các nhân vật được mô tả v.v... Đây chính là những “gia vị” hết sức cần thiết để bức chân dung văn học, một mặt, vẫn đảm bảo việc chuyển tải những thông điệp tư tưởng của người viết, mặt khác, vẫn không hề nghèo nàn, đơn điệu, vẫn đầy sinh động, cuốn hút với người đọc. Nhưng bao trùm lên tất cả, và tạo nên dấu ấn riêng ở Người trong văn (cũng như trong phần lớn những trang phê bình văn học của Phong Lê), theo tôi, chính là ở chỗ, những chân dung văn học này luôn được mô tả, tái hiện, hoặc tái hiện lại từ một quan niệm nhân sinh và nghệ thuật nhất quán, một ngôn ngữ chặt chẽ và uyển chuyển, một giọng điệu hào sảng và nồng nhiệt. Có thể nói, tính chủ thể luôn được khẳng định một cách đầy ý thức và đầy chủ động trên từng trang viết. Chính điều đó, giống như nam châm hút sắt, đã liên kết và tập hợp lại tất cả những yếu tố xa cách, rời rạc trong một mối liên hệ chung, và tạo nên một văn mạch mạnh mẽ, xuyên suốt tác phẩm của tác giả này.
3. Có thể thấy tác giả của Người trong văn rất linh hoạt trong việc sử dụng ngòi bút khắc hoạ chân dung văn học. Nhiều khi chỉ qua một vài đường nét mô tả chấm phá hay phác thảo tóm lược, ông đã cho thấy khá rõ cá tính, phong cách hay tầm vóc nhân cách, trí tuệ của người nghệ sĩ, học giả. Tuy nhiên, đấy không chỉ là những chân dung được xây dựng theo những tiêu chí hoặc định hướng thuần kĩ thuật mà còn là kết quả của một sự mẫn cảm văn chương tự nhiên, được rèn giũa bởi nghề nghiệp và sự trải nghiệm sâu sắc đời sống, do đó, những phân tích, mô tả hoặc lí giải của tác giả thường tích đọng nhiều nung nấu suy nghĩ và cảm xúc, và mang màu sắc cá nhân rõ nét (không phải ngẫu nhiên mà trong cuốn sách này, Phong Lê thường nói đến những ám ảnh và ấn tượng bền lâu và mạnh mẽ của những trang văn của Thạch Lam, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài... đối với ông hay những buồn vui đối với những học giả mà ông kính trọng, cũng là những người thầy, người bạn, đồng nghiệp thân thiết của ông). Độ chín của nhận thức và tư duy cho phép ông đặt vấn đề trong nhiều bài viết theo những cách thức có vẻ đầy phóng túng mà vẫn giữ được sự rành mạch, nghiêm ngắn riêng; đồng thời, diện mạo tinh thần của người nghệ sĩ, người trí thức, qua góc nhìn của ông, hiện lên vừa chân thực, sống động, vừa gần gũi và gợi nhiều xúc động. Có thể nói, đấy không chỉ là cách viết của một người đọc ngưỡng mộ, một nhà nghiên cứu am hiểu đối tượng, đấy còn là cách viết của một con người luôn hết mình với văn chương và bao giờ cũng nhìn thấy ở văn chương cũng như nghề văn một ý nghĩa cao quý nào đó; và viết, còn là một hành động để chiêm nghiệm, để “nghĩ ngẫm” (từ dùng của chính tác giả), nhất là nghĩ ngẫm. Cũng vì vậy mà nhiều trang viết của ông có được một vẻ đẹp vừa giản dị, thanh thoáng, vừa lắng đọng, thâm trầm.
Thực ra, viết về văn chương cũng là để viết về con người, về đời sống, về thế thái nhân tình. Dường như Phong Lê đã tìm thấy chính ông trong những khắc khoải về nhân sinh, về cõi đời của Nam Cao; cái tinh tế, đằm thắm trong văn của Thạch Lam; cái bền bỉ, dẻo dai đến thâm trầm, đến độ cứ như không của Tô Hoài; cái khát vọng được viết và kí thác mình trọn vẹn trên trang viết của Nguyên Hồng, Nguyễn Thi; cái mạnh mẽ đến quyết liệt trong tác phẩm Ma Văn Kháng; tình yêu với nhiều cung bậc gợi nỗi lo âu khắc khoải trong thơ tình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ... Ông rất nhạy với những gam màu trầm ẩn, những giọng điệu khắc khoải, những nỗi buồn chìm sâu, hay những nghịch lí gợi nhiều ngùi ngẫm trong đời văn, đời người. Chính vì vậy, nhiều khi, điểm gây ấn tượng trong bài viết không phải ở những mô tả về sự nghiệp của nhà văn, điều mà có lẽ nhiều người đã biết và đã nói tới, cũng không phải là cái bề nổi của đời sống văn nghệ sĩ nhiều khi có phần ồn ào và được tô vẽ, mà là một thoáng đời thực nhiều khi nhuốm màu quạnh hiu, buồn bã, chẳng hạn, hình ảnh “ông đồ” Vũ Đình Liên đơn độc giữa phố phường Hà Nội hiện đại, náo nhiệt; hình ảnh nhà văn Võ Quảng giữa một buổi chiều 30 tết trong căn phòng nhỏ bé, hiu quạnh; cuộc sống lặng lẽ của vợ chồng nhà nghiên cứu, nhà thơ Vũ Ngọc Phan – Hằng Phương ở kho sách thư viện Viện Văn học hay tâm sự ngùi ngẫm của nhà nghiên cứu Hoài Thanh những năm cuối đời,... Đấy là những góc khuất đầy nhạy cảm của đời sống người cầm bút, cũng là một sự thật đáng lưu tâm mà trong dòng chảy mưu sinh ồn ã ngoài kia, nhiều khi người ta đã thản nhiên bỏ qua hoặc không hề biết đến.
4. Viết phê bình, Phong Lê cũng thường xuyên sử dụng nhiều thao tác nghiên cứu, lập luận chặt chẽ (có lẽ cũng vì thế mà ngay trong Lời đầu sách, ông đã nói rõ, trong tập sách, “một số bài nghiêng về Chân dung, một số bài nghiêng về Tiểu luận. Một phân biệt như thế chỉ là tương đối [...]. Nói đúng hơn là một sự kết hợp, và điều đó là thích hợp với thói quen và cách viết của tôi” (tr.5)). Ông thường bắt đầu vấn đề từ một nhận định, đánh giá mang tính tổng hợp, khái quát hoá, sau đó mới cụ thể hoá bằng các minh chứng. Bài viết thường được ông dựng khung và triển khai theo một luận đề trung tâm (thường được thể hiện ngay trong cái tên bài viết), chẳng hạn như Ngô Tất Tố – người cùng thời với chúng ta, Thạch Lam – tinh tế và đằm thắm tình người, Người và văn Nguyên Hồng, Nam Cao trong khắc khoải Sống mòn, Trữ lượng Ma Văn Kháng, Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ, tình yêu và số phận... Tính luận đề thoạt nhìn dường như làm cho những bức chân dung văn học trở nên có vẻ quy phạm, khô khan (bởi lẽ có vẻ ít chất “đời” hơn so với cách viết chú trọng khai thác những yếu tố tiểu sử hoặc đời tư) và thu hẹp diện vấn đề mà tác giả có thể khai thác, nhưng bù lại, nhà phê bình có cơ hội đi sâu vào những vấn đề văn chương và sáng tác cụ thể – vốn là sở trường và thế mạnh của một người làm công tác nghiên cứu lâu năm như ông và do đó mà có thêm những phát hiện thấu đáo, mới mẻ trong hệ tri thức tác giả, tác phẩm.
Cũng có nhiều khi, nhà phê bình chỉ dừng lại ở một vài cảm nhận hay ấn tượng chung mà không đi sâu vào luận chứng. Song do đấy không chỉ là cảm nhận xuất phát từ một trực giác văn chương - dù hết sức nhạy bén - mà còn là kết quả của một quá trình tiếp xúc và nghiên cứu lâu dài và sâu sắc về đối tượng (tác giả là một chuyên gia uy tín về văn học Việt Nam hiện đại), cho nên, được “bảo chứng” bởi một nguồn tri thức văn hoá, văn học sâu rộng, những nhận định ấy vẫn luôn đạt đến một tầm khái quát cao. Chỉ với một vài câu ngắn gọn, ông đã có thể “điểm” hết sức chính xác về tính chất, thần thái của hiện tượng văn học đang được nói đến. Nhận định về văn Thạch Lam là một ví dụ: “Có lẽ không thể không dành vài lời về đặc sắc của câu văn Thạch Lam. Đó là một lối văn nhuần nhị, tinh tế, gọn và gợi được thật là rành rõ những trạng thái của sinh hoạt, xúc cảm và tâm hồn. Một lối văn không nặng vì những chữ dùng to tát, hoặc những cấu trúc gấp gáp, vội vàng. Ở đây câu chữ chỉ cần đủ cho phô diễn và ôm sát những cảnh ngộ hoặc tâm trạng cần phô diễn. Có lúc sự diễn tả còn vượt ra ngoài câu, chữ, vì sức gợi mở và khả năng khơi sâu vào cảm giác, vừa cho ta nhìn, vừa cho ta cảm...” [tr.18].
Đặc biệt, những trang viết của Phong Lê luôn cho thấy một khả năng thẩm văn hết sức tinh nhạy và cùng với ưu điểm đó là một ý thức nghiêm nhặt trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Câu văn của ông nhiều hình ảnh và nhạc tính, hơi văn, giọng văn mạnh mẽ, khúc chiết, nồng nhiệt nhưng không kém phần uyển chuyển, mềm mại. Xin dẫn ra đây một trích đoạn trong Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ, tình yêu và số phận, đoạn ông bình về Thuyền và biển: “... Tứ hay, lời da diết. Nghe trong thơ có sóng gió của cao rộng đất trời, và sóng gió trong biển lòng dào dạt của con người. Đó là tiếng nói, là vang vọng của một Tình Yêu Nói Chung, đúng cho mọi người, chung cho muôn đời. Thế nhưng tình yêu, có khác với bất cứ tình cảm nào khác của con người, còn là riêng, là rất riêng; và cái phần riêng đó thật sự chi phối để làm nên cả hạnh phúc và đau khổ, cả bù đắp và chia sẻ, cả gắn nối và chia phôi, cả niềm vui và xót xa...” [tr.133].
Nhiều cách diễn đạt của Phong Lê dễ dàng “găm” vào trí nhớ độc giả bởi những hình ảnh so sánh và liên tưởng đầy mới mẻ, chẳng hạn cách ông gọi Hồ Chí Minh là “người giải quyết những so le lịch sử”, Nguyễn Công Hoan là người có “một đời văn lực lưỡng”, Tô Hoài – người lao động “kì khu và kiên nhẫn trên công cụ chữ nghĩa” hay Ma Văn Kháng với “một kho chữ rủng rỉnh để tiêu dùng”, v.v... Không phải là người quá cầu kì trong việc “đúc chữ, dựng lời”, nhưng Phong Lê quả rất kĩ lưỡng trong việc sử dụng ngôn từ và điều này đã đem lại những hứng thú cho người đọc trong quá trình đọc, mà cũng là thưởng thức văn phong phê bình của ông. Có thể nói, cũng như Hoài Thanh, nhà phê bình văn học mà ông ngưỡng mộ, Phong Lê là “người rất dụng công trong nghệ thuật viết” (tr.192). Điều này đem lại cho những trang viết của ông một sắc thái trữ tình thật đậm đà.
5. Không lan man vào những triết lí nhiều khi làm cho chệch hướng chủ đề chính, không lạm dụng những chi tiết đời tư nhằm thoả mãn tính hiếu kì của độc giả, cũng không bi đát hoá những cảnh ngộ trong đời sống nhà văn nhằm tìm kiếm sự mủi lòng không cần thiết, Phong Lê rất nhất quán và chủ động trên mạch nghĩ và mạch viết của mình: người trong văn. Đối với ông, tác phẩm văn chương vừa là tâm điểm hội tụ tài năng và nhân cách người cầm bút, vừa là nơi để cho người đọc hình dung rõ nét hơn cả về đời sống tinh thần nghệ sĩ. Có thể nói, khi cầm bút viết về những tác giả mà ông yêu mến, Phong Lê không chỉ đứng trong tư cách một người đọc khách quan – kẻ quan sát từ bên ngoài, mà còn với tư cách một “kẻ trong cuộc”, với bao đam mê, nếm trải nhận từ nghiệp viết, hay nói như chính ông, trong tư cách một người đọc “ở quá nhiều tâm thế và vị thế” (tr. 68), do đó, viết, như một nhu cầu tự thân, không chỉ là để phân tích, lí giải, mà còn là để hiểu, để cảm thông và san sẻ. Cũng do vậy, cùng với cảm giác trở trăn, bùi ngùi, day dứt, thương cảm... thường trở đi trở lại trên những trang viết, người đọc còn nhận thấy rõ một sự lựa chọn như là xác tín của người cầm bút, và trong sự “đày ải tinh thần ấy”, không phải không có chút kiêu hãnh ngấm ngầm và dường như, đó không chỉ là sự lựa chọn của nhân vật mà cũng là sự lựa chọn của chính nhà phê bình - tác giả.
Với Người trong văn, người đọc “hiếu kì” và “hiếu sự” quả sẽ khó tìm thấy những chi tiết lạ, giật gân, dễ gây “sốc” trong đời tư của nhà văn, một “chiêu thức” vẫn thường được sử dụng trong nhiều cuốn chân dung văn học. Với một ý thức nghề nghiệp tỉnh táo, tôi nghĩ không hẳn Phong Lê không nhận ra cả những “thiệt thòi” của cách viết mà ông lựa chọn. Nhưng dường như với ông, đấy cũng là một lựa chọn nữa, một lựa chọn đầy xác quyết và bản lĩnh, như khi ông đã quyết định dấn thân với nghiệp cầm bút nhọc nhằn bao nhiêu năm qua. Chính vì vậy, với Người trong văn, và rộng ra là mảng phê bình văn học của Phong Lê, độc giả có thể tìm thấy những bức chân dung tinh thần thật chân xác, giản dị mà xúc động, và tôi nghĩ, đó chính là yếu tố then chốt tạo nên sức thu hút trên những trang viết này./.