Home » » Những xuất bản phẩm và công trình hàn lâm của Viện văn học thế giới mang tên A.M. Gorki đầu thế kỉ XXI

Những xuất bản phẩm và công trình hàn lâm của Viện văn học thế giới mang tên A.M. Gorki đầu thế kỉ XXI

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011 | 02:34

Những xuất bản phẩm và công trình hàn lâm của Viện văn học thế giới mang tên A.M. Gorki đầu thế kỉ XXI

05/03/2008 02:33
Trong Chỉ dẫn thư mục các công trình của IMLI từ ngày thành lập đến năm 2000 (E.A. Lebedeva biên soạn, A.S. Kurilov phụ trách biên tập) đã liệt kê được một ngàn rưởi tên sách...
           
Viện Văn học thế giới mang tên A.M. Gorki (IMLI) trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga được thành lập ngày 17 tháng 9 năm 1932. Hiện nay nó tập hợp hơn 300 cán bộ nghiên cứu khoa học và thực hiện một chương trình nghiên cứu và xuất bản lớn.
 
Trong Chỉ dẫn thư mục các công trình của IMLI từ ngày thành lập đến năm 2000 (E.A. Lebedeva biên soạn, A.S. Kurilov phụ trách biên tập) đã liệt kê được một ngàn rưởi tên sách.
Những gì sẽ nói dưới đây là sự triển khai tiếp tục những dự án và chương trình đã được xây dựng và bắt đầu thực hiện trong thế kỉ trước.
 
Thứ nhất, một chương trình tối quan trọng và rộng rãi chưa từng thấy: chuẩn bị những vựng tập hàn lâm của các nhà văn. Xưa nay đây vẫn là một hướng công tác được ưu tiên của IMLI và IRLI (Viện Văn học Nga) thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga. Tại IMLI hiện nay, trong khuôn khổ những toàn tập và tổng tập hàn lâm đang ấn hành các tập sách của các nhà văn cổ điển Nga A.S. Pushkin, N.V. Gogol, L.N. Tolstoi, D.I. Pisarev, V.V. Rozanov, A.A. Blok, M. Gorki, M.A. Sholokhov, V.V. Tolstoi, A.N. Tolstoi, A.P. Platonov - tất cả mười tám tác giả.
 
Không cường điệu, mỗi bộ sách trong loạt sách này là một lời mới trong khoa học. Ở đây, được đưa ra những giải pháp mới cho nhiều vấn đề phức tạp và gây tranh luận của văn bản học thực hành, liên quan đến sự lựa chọn văn bản chính của tác phẩm, khảo đính khoa học, xác định tác giả và thời điểm sáng tác, chú giải...
 
Trong năm 2004 đã được ấn hành tập IV của Tổng tập tác phẩm của A.S. Pushkin được sắp xếp theo niên đại (1825-1827). Thành phần tập này bao gồm bi kịch lịch sử Boris Godunov, trường thi Bá tước Nulin, chương IV, V, VI của Evgheni Oneghin, 120 bài thơ trữ tình, 92 bức thư và 14 bài viết. Sự sắp xếp các văn bản theo niên đại trong bộ sách này đem lại lợi ích gì? Tập sách đang nói tới (chủ biên V.S. Nepomnjatshi) đưa ra giải pháp cho một số vấn đề văn bản học, thời điểm sáng tác một số bài thơ trữ tình, hai bài viết và mấy bức thư của A.S. Pushkin được xác định lại.
 
Công việc chuẩn bị tập III của Toàn bộ tác phẩm và thư từ của N.V. Gogol gồm 23 tập cũng đã hoàn thành (Chủ biên S.G.Bocharov). Tập này giới thiệu tác phẩm Những hoa văn kiểu Ảrập như một tác phẩm riêng được đưa vào toàn tập của nhà văn.
 
Đã được chuyển tới Nhà xuất bản “Khoa học” (Nauka) tập IX của bộ Tổng tập đầu tiên các tác phẩm của D.I.Pisarev gồm 12 tập. Nó được hợp thành từ những bài viết năm 1967. Đó là những sáng tác đầu tiên sau khi nhà phê bình này ra khỏi nhà tù thành Petropavlovskaja, trong đó có những bài phê bình văn học như Đám đông có học, Đấu tranh vì sự sống, Henrich Heine, công trình Lược khảo lịch sử các dân tộc châu Âu, bài viết về đề tài giáo dục Những quan điểm của các nhà tư tưởng Anh về những nhu cầu trí não của xã hội ngày nay. Bài tranh luận gay gắt Những người ru ngủ chúng ta cho thấy nhà phê bình vẫn bảo lưu những xác tín của mình. Đây là một xuất bản phẩm kiểu mẫu (chủ biên G.G. Elizavetina), mà giá trị đặc biệt không chỉ là phần văn bản được sưu tầm đầy đủ, mà còn cả “bộ máy khoa học”: những chú giải, những bảng chỉ dẫn.
 
Sắp được hoàn tất bản thảo tập III thuộc phần Một và phần Hai của bộ Toàn tập L.N. Tolstoi gồm 100 tập, với những truyện vừa Hai người lính kỵ binh, Albert, Lucern, Kẻ bị giáng chức, Buổi sáng của một điền chủ, Ba cái chết, Hạnh phúc gia đình. Lần đầu tiên hiện diện toàn bộ lưu trữ viết tay của những tác phẩm ấy. Trên cơ sở những bút tích được đọc lại hơn 40 sửa chữa được đưa vào văn bản những trước tác rất quen biết và hay được tái bản. Lịch sử sáng tác truyện Albert được minh xác một cách cơ bản.
 
Cũng đã được chuẩn bị tập XII trong phần Thư từ của Toàn tập M. Gorki. Hai phần trước của bộ Toàn tập này là Các tác phẩm nghệ thuật (25 tập) và Dị bản của các tác phẩm nghệ thuật (10 tập) đã được ấn hành từ 1968 đến 1982. Trong tập XII này có 429 bức thư do Gorki viết từ tháng 1 năm 1916 đến tháng 3 năm 1919. Một phần ba số thư được công bố lần đầu tiên. Đây là những bức thư đặc biệt trong di sản thư từ của nhà văn này; chúng cho thấy thái độ thật của Gorki đối với những sự kiện cách mạng tháng Hai và tháng Mười. Tâm điểm của những bận tâm của nhà văn trong thời gian này không chỉ là sáng tác văn học, mà còn là hoạt động xã hội – chính trị và xuất bản (trong đó có việc thành lập hai nhà xuất bản Cánh buồm và Văn học thế giới. Thư từ của Gorki thời kỳ này phản ánh cuộc tranh luận của ông với những người Bônsêvich mà chúng ta chỉ được biết một phần qua tập văn chính luận Những suy nghĩ không hợp thời. Trong số những người nhận thư từ của Gorki thời này có những tên tuổi mới, đó là những nhà khoa học nổi tiếng K. Timiriazev, A. Bakh, S. Oldenburg, những nhà hoạt động xã hội và chính trị V.D. Bonch – Bruevich, F. Nansen, M. Pokrovski), những văn nghệ sĩ A. Tolstoi, F. Gladkov, V. Shishkov, v.v... Chủ biên tập này là I.A. Reviakina.
 
Sự ra mắt tập một (gồm hai quyển) của Tổng tập A.P. Platonov, lần đầu tiên được chuẩn bị theo các tiêu chí hàn lâm, là kết quả của lao động quên mình của nhà nghiên cứu N.V. Kornienko. Chỉ giờ đây chúng tôi mới dần dần ý thức được hết tầm cỡ của nhà văn này. Tập một bao gồm những sáng tác thuộc giai đoạn sơ khởi, khi nhà văn còn sống ở Vononezh; một phần mười khối lượng văn bản được công bố lần đầu tiên, những chú giải khoa học chiếm hơn 1/3 số trang sách. Tập sách cung hiến cho khoa học gần 500 nguồn thông tin mới (các văn bản, các thực tại được chú giải, các tư liệu về tiểu sử nhà văn, v.v...). Lần đầu tiên trong thực tiễn xuất bản ở trong và ngoài nước các văn bản của Platonov được rà soát lại theo tất cả các nguồn (bút tích tác giả, bản đánh máy được tác giả xem lại, các bản in thử, các xuất bản phẩm sinh thời), trên cơ sở đó người biên soạn xác lập văn bản được hiệu chỉnh khoa học. Những chú giải văn bản học được trình bày theo phương pháp mới.
 
Một chương trình xuất bản những vựng tập hàn lâm của các nhà văn rộng lớn chưa từng thấy như vậy được thôi thúc bởi cái gì? Khoa học thế giới ngày càng cố gắng khai thác các nguồn thông tin mới, dỡ bỏ mọi hạn chế. Hạnh phúc thay, tình hình ở Nga giờ đây cũng thế. Đã xuất hiện khả năng công bố những tư liệu lưu trữ trước đây thuộc diện bí mật hoặc nằm ở nước ngoài.
 
Những mảng tư liệu lưu trữ quý hiếm như thế hợp thành nội dung của những xuất bản phẩm đồng hành với các tổng tập và toàn tập của các nhà văn, bổ sung và soi sáng tuyệt vời cho chúng. Đây là những công trình khoa học cơ bản rất công phu, hãn hữu trong khoa học thế giới: những thư mục, những biên niên thân thế và sáng tác của nhà văn, những vựng tập hồi ký, sưu tập thư từ. Được khoa học ngữ văn Nga dày công xây dựng, chúng tạo cơ sở cho những khảo cứu lịch sử và lý luận văn học vững chắc. Xin đơn cử mấy thí dụ.
 
Nhân kỉ niệm 100 năm ngày mất của A.P. Chekhov, tập II của bộ biên niên thân thế và sáng tác của nhà văn này (tất cả 5 tập, chủ biên L.D. Gromova-Opulskaia) đã ra mắt độc giả. Xuất bản phẩm này một lần nữa cho thấy một cách đầy thuyết phục rằng những Biên niên như thế không còn là sách tra cứu đơn thuần nữa, mà đã trở thành một kiểu xuất bản phẩm hàn lâm gần với thể loại tiểu sử khoa học. Tập sách đang được nói đến bao gồm những tư liệu liên quan đến hai năm cuộc đời của Chekhov: từ tháng 1/1889 đến tháng 4/1891. Trong thời gian này Chekhov đi thực tế ra đảo Sakhalin, thực hiện chuyến du lịch đầu tiên sang châu Âu, sửa lại kịch Ivanov và theo dõi việc dàn dựng nó ở Peterburg, viết truyện vừa Câu chuyện tẻ nhạt, hài kịch Ma rừng, bút kí Từ Xibia, xuất bản tập truyện ngắn Những người ảm đạm.
Một Biên niên nữa – thân thế và sáng tác của F.I. Tiutchev – cũng được chuẩn bị. Nhân dịp 200 năm ngày sinh của nhà thơ tập II của bộ sách này đã được ấn hành (Chủ biên T.G. Dinesman). Nó bao gồm những tư liệu thuộc giai đoạn từ năm 1844 đến hết 1860. Đây là thời kỳ hoạt động tích cực của Tiutchev – nhà chính luận, cũng là thời điểm sáng tác những bài thơ hay nhất thuộc chùm thơ về mối tình với Denisieva. Qua những tư liệu, người đọc thấy được vai trò của Tiutchev như là một trung gian giữa dư luận xã hội và các giới cầm quyền của nước Nga.
 
Đã được duyệt y ấn hành tập III của bộ Biên niên thân thế và sáng tác của S.A. Exenin gồm 5 tập. Đường đời và đường sáng tác của nhà thơ được tái hiện trên nền những sự kiện lịch sử giai đoạn 1921-1923. Lần đầu tiên được soi sáng tỉ mỉ những chuyến đi của nhà thơ sang châu Âu và châu Mỹ trong những năm 1922-1923.
 
Trong bộ sách Di sản văn học được IMLI thực hiện đã mấy chục năm đặc biệt đáng chú ý những tập sách mới xuất bản gần đây công bố nhiều tư liệu mới về Chekhov, Briusov, Bunin, Goncharov, Leskov, Tiutchev, Fet và các nhà văn khác.
Sách Leskov chưa được in (Di sản văn học, tập 101, quyển 1-2) cung hiến những tài liệu rất quý giá soi sáng lịch sử sáng tác những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn như Dòng họ lụn bại, Lữ khách mê hồn, Dân xứ đạo. Từ lưu trữ được đưa ra một loạt bài viết dài ngắn của Leskov chưa công bố bao giờ. Những tư liệu ấy bổ khuyết khá cơ bản quan niệm của chúng tôi về nhà văn này, cho thấy rõ hơn “màu sắc dân tộc và tính dân tộc như là vấn đề”, nói theo lời D.S. Likhachev, cũng như chiều sâu chính giáo trong sáng tác của Leskov.
 
Đã và đang ấn hành những tập hợp tác phẩm của K.N. Leontiev, Vl.S. Soloviev, V.V. Rozanov; những triết gia do hoàn cảnh phải sống ở nước ngoài nhưng không bao giờ ngớt suy nghĩ về tổ quốc Nga bây giờ đã trở về với chúng tôi.
 
Chúng tôi tất yếu trở lại với những bài học của quá khứ. Một công việc tối hệ trọng là khôi phục bức tranh toàn vẹn không bị bóp méo về các thế kỉ XVIII, XIX, XX cho phép từ đó nhìn thấy tiền đồ lịch sử cũng không có những xuyên tạc và lệch lạc. Một sự tự nhận thức như thế là thiết yếu cho mọi thế hệ, cho toàn thể nhân dân. Và để thường xuyên bồi bổ tri thức khoa học, cần phải công bố nhiều tài liệu mới.
 
Các học giả phương Tây đã nhiều năm quan tâm sát xao tới những tài liệu như thế. Chiều sâu bí ẩn của phương Đông Nga đã trở thành một đối tượng nghiên cứu quan trọng ở phương Tây. “Sự cọ xát và đan bện lịch sử của nhân loại phương Đông và nhân loại phương Tây” - định thức này của N.A. Berdajev vẫn giữ nguyên hiệu lực.
 
Ban văn học Nga cổ điển của IMLI đang thực hiện một đề tài nghiên cứu có tiền đồ: “Nước Nga và phương Tây: tầm hiểu biết lẫn nhau. Những tài liệu văn học thế kỉ XI-XIX”. Hướng nghiên cứu này có ý nghĩa thời sự cả về mặt khoa học lẫn văn hoá – xã hội: nhiệm vụ đặt ra cấp thiết hôm nay là nghiên cứu không thiên vị những xu hướng phát triển quan hệ giữa Nga và phương Tây trên tư liệu lịch sử rộng lớn, trong đó có tư liệu văn học.
 
Một bộ hợp tuyển được chuẩn bị gồm hai loạt sách song song: Nước Nga nói về phương Tây Phương Tây nói về nước Nga. Mỗi série có 5 tập sách. Trong từng loạt tập một dành cho thế kỉ XI-XVII, tập hai - thế kỉ XVIII, các tập còn lại - thế kỉ XIX.
 
Tập đã ra mắt năm 2003 (chủ biên V.M. Guminski) giới thiệu những tài liệu văn học thế kỉ XVIII (giai đoạn 1726-1762). Người đọc được tiếp cận với những phán xét của Antiokk Kantemir về văn hoá Tây Âu được trình bày trong Những bức thư từ Moscovia của ông, lịch sử văn học Pháp dưới mắt Trediakovski, đề tài “Nước Nga và phương Tây” trong sáng tác của Lomonosov, những bài viết của Sumarokov về chính sách ngôn ngữ, những bút kí về những địa điểm linh thiêng ở châu Âu của Grigorovich Barski và cuối cùng, những thuyết giáo trong nhà thờ về phương Tây và nước Nga thời nữ hoàng Elisaveta.
 
Hi vọng hướng nghiên cứu này sẽ được nối tiếp bằng một hướng nữa: “Nước Nga và phương Đông”. Đã có bước khởi đầu: công trình tập thể Phương Đông trong văn học Nga thế kỉ XVIII-đầu thế kỉ XIX. Sự làm quen. Những bản dịch. Sự tiếp thu đã ra mắt bạn đọc.
Nhiều vấn đề quan trọng khác của lịch sử văn học Nga thế kỉ XIX-XX trở thành đối tượng của những công trình nghiên cứu chuyên khảo tập thể và cá nhân. Trong số đó có tập 4 của bộ sách tập thể Văn học Nga hải ngoại 1920-1940. Tập thể tác giả tiếp tục khảo cứu những đặc điểm phát triển của văn học Nga thế kỉ XX trên tư liệu sáng tác của các nhà văn Nga thuộc làn sóng lưu vong thứ nhất. Cơ sở của công trình là quan niệm về văn hoá Nga hải ngoại như một hiện tượng rất phức tạp, nơi mà những hoạt động sáng tạo tinh thần của những người Nga lưu vong có quan hệ chằng chịt với những lĩnh vực hoạt động khác của họ. Trong giới nhà văn lưu vong cuộc đấu tranh tư tưởng diễn ra đặc biệt gay gắt. Công trình làm nổi bật nhiều đặc điểm nghệ thuật cũng như những thực tại tiểu sử được phản ánh trong một loạt tác phẩm văn học Nga lưu vong.
 
Việc chuẩn bị những xuất bản phẩm mới đang tiếp tục. Khoa học hàn lâm về văn học ở Nga đang vững tiến./.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved