Home » » Từ lí luận văn học Mác- Lê Nin đến di sản lý luận văn học dân tộc và nhân loại

Từ lí luận văn học Mác- Lê Nin đến di sản lý luận văn học dân tộc và nhân loại

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011 | 02:37

Từ lí luận văn học Mác- Lê Nin đến di sản lý luận văn học dân tộc và nhân loại

23/01/2008 01:04
Từ chỗ đứng trong lòng dân tộc mà nhìn ra bên ngoài và những thu nhận từ bên ngoài cũng để có thêm điều kiện nhìn nhận xác thực hơn những vấn đề trong văn chương và nghệ thuật dân tộc. Phương Lựu đã tâm niệm với mình và cũng là kỳ vọng vào đội ngũ những nhà lý luận văn học Việt Nam: “Đường lối, quan điểm là then chốt, nền tảng, nhưng không nên nghèo nàn mà phải phát triển lên xây dựng một nền lý luận vừa giữ vững định hướng, vừa thật phong phú, vững chắc, hàm chứa cho được những tinh hoa của dân tộc và nhân loại thì mới vừa đủ sức giải quyết những vấn đề trước mắt của văn học nước nhà, vừa đối thoại được với bên ngoài trong bối cảnh giao lưu, hội nhập hiện nay” ...
            
Tuyển tập Phương Lựu (3 tập, Nxb. Giáo dục, H, 2005, 2006), mới xem qua hình thức và bố cục..., ta cảm thấy có cái gì hơi khác so với nhiều tuyển tập thông thường. Với tư cách nhà khoa học gắn với công việc đào tạo của một Giáo sư đầu ngành, tác giả chỉ tuyển những công trình chuyên khảo hoàn chỉnh thoát thai từ những chuyên đề giảng dạy, còn những tập sách tiểu luận - phê bình chủ yếu viết theo tư cách nhà văn, anh lại tập họp trong bộ sách Lý luận phê bình văn học (Nxb. Đà nẵng 2004, gần 1000 tr, khổ lớn), như thể tránh được sự lẫn lộn giữa sách với báo. Ba tập trong bộ tuyển này đều có tên riêng (Lý luận văn học cổ điển phương Đông, Lý luận văn học hiên đại phương Tây, Lý luận văn học Mác- Lênin) chứng tỏ tác giả vừa bao quát khá toàn diện vừa cân đối những mảng lý luận văn học tiêu biểu cổ kim đông tây.
Từ chỗ đứng trong lòng dân tộc mà nhìn ra bên ngoài và những thu nhận từ bên ngoài cũng để có thêm điều kiện nhìn nhận xác thực hơn những vấn đề trong văn chương và nghệ thuật dân tộc. Phương Lựu đã tâm niệm với mình và cũng là kỳ vọng vào đội ngũ những nhà lý luận văn học Việt Nam: “Đường lối, quan điểm là then chốt, nền tảng, nhưng không nên nghèo nàn mà phải phát triển lên xây dựng một nền lý luận vừa giữ vững định hướng, vừa thật phong phú, vững chắc, hàm chứa cho được những tinh hoa của dân tộc và nhân loại thì mới vừa đủ sức giải quyết những vấn đề trước mắt của văn học nước nhà, vừa đối thoại được với bên ngoài trong bối cảnh giao lưu, hội nhập hiện nay” (Tập I, tr.12).  Đó là sự nhận thức đổi mới mực thước và chuẩn xác khi lý luận đi vào chiều sâu trong sự biến đổi giá trị của đất nước và thời đại. Điều đó có tác dụng góp phần làm phong phú thêm lý luận văn học Mác-Lênin bằng những di sản tương ứng của dân tộc và nhân loại. Đó cũng chính là con đường chủ yếu đi từ lý luận văn học Mác-Lênin đến di sản lý luận văn học cổ kim đông tây trong cuộc đời học thuật của Phương Lựu
I) Về tập một: Lý luận văn học cổ điển phương Đông
Mặc dù đã từng nghiên cứu và viết về lý luận văn học cổ trung đại Ấn Độ nhưng chưa đạt đến độ chuyên khảo, nên trong tập một Lý luận văn học phương Đông này, tác giả chỉ tuyển chọn hai cuốn: Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc (Nxb. Giáo dục, 1989) và Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam (Nxb. Giáo dục, 1997; Nxb. VHTT tái bản, 2002)... Phương Đông đang là vấn để nổi cộm trong xu thế tìm về những giá trị nhân bản trong quá khứ, trong khi “Trung tâm châu Âu” già cỗi đã dần mất đi vai trò lịch sử của mình. Tìm ra và đề cao những tinh hoa phương Đông là một vấn đề thời sự của thế giới ngày nay. Qua hai cuốn sách được tuyển chọn, Phương Lựu vừa muốn đi vào chiều sâu của nhiều vấn đề hãy còn mới mẻ ở ta, vừa qua đó đính chính một số ngộ nhận còn khá phổ biến ở nhiều người. Là nước thuộc nhóm đồng văn với Trung Quốc, ông cha ta đã chịu ảnh hưởng nhiều về di sản phong phú và lâu đời Trung Quốc, nhưng cho đến nay nhiều người vẫn nghĩ rằng lý luận văn học cổ điển Trung Quốc chỉ có từ quan niệm của Nho giáo, hơn nữa chỉ là Văn dĩ tải đạo!
Không phải thế, trong cuốn Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc, Phương Lựu đã chỉ ra rằng, di sản lý luận văn học cổ điển Trung Hoa là một thể thống nhất đối lập của nhiều quan niệm và luôn luôn tiến triển không ngừng, phản ánh mâu thuẫn nội bộ giữa nhiều lực lượng xã hội diễn biến trong mấy ngàn năm qua. Nhưng đó chỉ là trên bình diện có tính chất nguyên lý chung, còn lý luận văn học cổ điển Trung Hoa là cả một hệ thống lý thuyết về tác giả, tác phẩm và thể loại. Trong từng triều đại Trung Hoa, tác giả lại làm nổi bật lên những lĩnh vực tiêu biểu khác nhau: lúc chọn công trình lý luận, lúc nghiêng về các khuynh hướng lý luận, lúc lại đào sâu vào toàn bộ sự nghiệp của một nhà lý luận, v.v Có những sự kiện, những vấn đề, những danh nhân mà sách báo nghiên cứu Việt Nam xưa cũng như nay ít nhiều có đề cập qua như: Các quan niệm văn học và mỹ học của các phái Nho, Đạo, Mặc và Pháp Gia trong giai đoạn Trăm nhà đua tiếng; Văn tâm điêu Long của Lưu Hiệp; Kim Thánh Thán nói về tiểu thuyết; Viên Mai và lý luận thơ ca cổ điển, v.v... nhưng sau khi đọc lại những vấn đề này trong Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc được tuyển chọn, thì rõ ràng sự hiểu biết về văn học cổ điển Trung Hoa của ta lâu nay còn quá nhiều thiếu hụt. Mặt tiêu biểu nhất trong thiếu hụt đó, có lẽ là sự ngộ nhận lâu ngày về Văn dĩ tải đạo, cho rằng Khổng Tử đã nêu ra công thức đó và lược qui lý luận văn học cổ điển vào Văn dĩ tải đạo. Thật ra, Khổng Tử chưa hề có khái niệm đó, mà đây là sản phẩm của Tống nho, một loại hậu nho có nhiều bước tiến về vũ trụ quan nhưng lại có lắm thụt lùi về nhân sinh quan. Phương Lựu kết luận: “Đạo chỉ là lý học của Tống nho. Văn chỉ là một công cụ, một phương tiện minh hoạ thuần tuý, không cần phải thật và đẹp. Nó chở đạo như thuyền và xe để chở vật. Quan niệm giữa văn và đạo, do đó chỉ là cơ giới, chứ tuyệt nhiên không hề là quan niệm biện chứng giữa nội dung và hình thức(tr.94) Trước và sau Tống nho, còn có nhiều công thức khác: Văn dĩ quán đạo (Văn để quán xuyến đạo); Văn dĩ minh đạo (Văn để làm sáng tỏ đạo); Văn dĩ hoàng đạo (Văn để mở rộng đạo), nghĩa là mặc dù với nhiều hình thức và nghĩa khác nhau, nhưng đều đề cao ý nghĩa của văn, chứ không phải chỉ để chở cái đạo có sẵn.
Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc là cuốn chuyên khảo vào loại đầu tiên ở ta trình bày có hệ thống các vấn đề súc tích về lý luận văn học cổ điển Trung Quốc. Đây là cơ sở thuận lợi để tác giả xác lập quan niệm văn học trung đại Việt Nam, khi ta xác lập tính “đồng văn” với Trung Quốc. Viết về Trung Hoa cổ đại, Phương Lựu có thừa hưởng thành tựu  của những học giả Trung Quốc, còn viết về hệ thống quan niệm văn học trung đại của ta thì Phương Lựu đã cố gắng nhiều trong sáng tạo khoa học. Về vấn đề học thuật này, nhiều nhà nghiên cứu qua nhiều giai đoạn đã có những thành tựu nhất định, nhưng nhiều người bằng những hình thức văn bản khác nhau, do ngộ nhận giản đơn về lý luận văn học cổ đại Trung Hoa nên cũng khá hồn nhiên cho rằng, quan niệm văn học trung đại Việt Nam chẳng qua cũng chỉ là Văn dĩ tải đạoThi dĩ ngôn chí! Phương Lựu với tìm tòi liên tục, với phương pháp hệ thống khá hiệu nghiệm, kết hợp giữa lý luận văn học hiện đại với lý luận văn học cổ điển phương Đông, cuối cùng đã xác lập nên một hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam; trong đó có hệ thống quan niệm về các chính thể chủ yếu của văn học và các mối liên hệ lịch sử của hệ thống. Phương Lựu nhận định khá sắc sảo: “Giai cấp thống trị phong kiến Việt Nam cùng tầng lớp Nho sĩ của nó trong thời hưng thịnh, chủ trương văn học phải bảo vệ và truyền thụ đạo lý phong kiến, nhưng phần nào cũng phản ánh thực tế cùng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là phải góp phần vào việc đuổi giặc và gìn giữ chủ quyền cho đất nước, tự hào với truyền thống dân tộc. Nhưng đến khi chế độ nhất là vương triều phong kiến suy thoái dần thì họ mới nhấn mạnh phiến diện một chiều vai trò truyền thụ đạo lý phong kiến, và đến vua quan triều Nguyễn thì đã đề xướng một cách rập khuôn công thức “Văn dĩ tải đạo” của Tống nho phương Bắc. Nhưng như thế, để đối trọng lại, quan niệm văn học hiện thực và nhân dân vốn đã manh nha trước kia, đến giai đoạn này lại hình thành một cách tương đối hoàn chỉnh từ tầng lớp văn nhân nho sĩ tiến bộ. Còn quan niệm văn học yêu nước và tự hào dân tộc, vốn đã có những biểu hiện rực rỡ trước kia, vẫn tiếp tục phát triển cho đến thời nước ta bị thực dân Pháp xâm lược” (tr.415).
Qua Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam  Phương Lựu thông qua các chương trong từng phần cũng lần lượt chỉ ra rằng ông cha ta rất quý trọng nhà văn chân chính, những người học vấn uyên bác, tư chất nhạy bén, thông minh và phong cách văn chương đặc sắc. Tác phẩm văn học không chỉ là phản ánh mà còn biểu hiện, sáng tạo, thông báo, gửi gắm ,tâm tình. Vấn đề quan hệ giữa nội dung và hình thức, giữa chủ thể và khách thể, bằng những cách nói khác nhau ông cha ta cũng quan tâm khi bàn đến sự hình thành tác phẩm, từ thai nghén ý đồ đến quan sát nhập thần. Ông cha ta tuy có bàn đến các thể văn như phú, văn bát cổ, thậm chí cả tiểu thuyết, nhưng chủ yếu chỉ bàn về thơ: tình sâu, cảnh đượm, ý giàu và lời tinh. Phân loại thơ theo hình thức ngôn từ, theo mục đích hoặc nội dung, theo phương thức phản ánh hoặc theo loại hình phong cách... cũng được người xưa quan tâm. Riêng đặc điểm thơ lục bát cổ truyền cũng đã được sơ bộ đề cập. Do tính chất có phần “trung tính” của đặc trưng thể loại, công thức Thi dĩ ngôn chí (thâm nhập vào ta từ thế kỷ XIV với Phan Phu Tiên) sớm hơn Văn dĩ tải đạo nhiều và cũng được nhiều khuynh hướng khác nhau cùng sử dụng.
Quan niệm văn học Việt Nam đã được tác giả đối sánh với văn học trung đại Trung Hoa. Ngoại trừ tính chất rập khuôn của vua quan triều Nguyễn đối với công thức “Văn dĩ tải đạo”, còn tính chất chịu ảnh hưởng của ông cha ta có nhiều mặt tiếp biến và linh hoạt theo đặc điểm hoàn cảnh và tâm hồn Việt Nam. Nho gia Việt Nam trong thời đại Lý-Trần hưng thịnh chịu ảnh hưởng quan niệm văn học của các tiên nho, nhưng lồng vào đó là tính nhân dân sâu sắc. Quan niệm văn học của các khuynh hướng văn học phái Mặc gia và Phật Lão sang ta có phần mờ nhạt; đặc biệt ông cha ta về cơ bản không tiếp nhận quan niệm văn học của phái Pháp gia. Rõ nét nhất và trở thành một khuynh hướng ưu việt trong văn học trung đại Việt Nam là ông cha ta rất quan tâm đến khuynh hướng văn học gắn liền với vận mệnh đất nước; nó trở thành một bộ phận cấu thành trong chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Mặt khác ở cấp độ bao quát toàn bộ quan niệm văn học trung đại Việt Nam, thì ông cha ta tuy cũng có những phát kiến lẻ tẻ và sâu sắc về những mặt nào đó về ý nghĩa của văn chương, nhưng nhìn chung rất nghèo nàn về phương diện lý luận, nhất là về thể loại. Ta hầu như không có truyền thống triết học, chưa thể hình dung về mặt thế giới quan, chỉ quanh quẩn trong phạm vi nhân sinh quan, nên đã hạn chế rất nhiều tầm vóc của quan niệm văn học. Quan niệm văn học (bác học) trung đại Việt Nam cũng có những điểm tương đồng với quan niệm văn học dân gian, và được kế thừa, phát huy trong nền lý luận văn học hiện đại v.v...
Có thể thấy, một hệ thống quan niệm văn học của ông cha ta đã được Phương Lựu xác lập với một nội dung phong phú và bao gồm nhiều cấp độ. Đây là một đóng góp thiết thực, hiệu quả cao.
II) Về tập hai: Lý luận văn học hiện đại phương Tây
So với nhiều chuyên gia văn học phương Tây đã đi được một chặng đường dài, thì Phương Lựu hãy còn mới mẻ khi lần vào cái thế giới phương Tây ngổn ngang những trường phái, trào lưu phức tạp và chồng chéo nhau. Nhưng điều quan trọng trong nghiên cứu khoa học không phải từ lằn ranh giới trước hay sau, mà ở chỗ nắm bắt trúng vấn đề và lý giải đủ sức thuyết phục theo thang bậc giá trị phải có. Tiếp thu thành quả của người đi trước và không ngừng tìm tòi, phát hiện cái mới để hoàn thiện dần một vấn đề nào đó, là yêu cầu chung của khoa học. Nhưng với lĩnh vực nghiên cứu lý luận văn học phương Tây còn đặt ra nhiều mặt cao hơn về phương pháp luận, bởi hoàn cảnh trước đây ta hầu chỉ khẳng định những mặt thẩm mỹ gần gũi với quan niệm tích cực về nhân đạo, nhân văn, còn không hiếm trường hợp bị bỏ ngỏ hoặc tạm bằng lòng với các khái niệm “suy đồi” và “tha hoá”! - Sự đổi mới của đất nước mà trước hết là đổi mới tư duy đã tạo thuận lợi cho Phương Lựu tìm “hạt nhân hợp lý” trong lý luận văn học hiện đại phương Tây. Qua các tập sách được tuyển vào tập hai này, đã chứng tỏ tính chất hợp lý trong ý thức “gạn đục khơi trong” của tác giả. Còn nhớ sau ngày đất nước thống nhất (1975), với tư cách là người khởi thảo chương trình lý luận văn học cho bậc cao học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phương Lựu là người đã đưa vấn đề lý luận văn học hiện đại phương Tây vào chương trình và đã tiến hành dăm ba bài giảng hãy còn sơ lược. Nhưng từ đó, anh tích tụ dần, không ngừng học hỏi và tìm tòi sáng tạo, để cuối cùng kết tinh thành Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX (Nxb. Văn học và Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, 2001). Công trình được tổng hợp cùng với tác phẩm Thi học so sánh (Nxb. Văn học, 2002) được tuyển chọn trong tập hai bộ Tuyển tập này
Với tư tưởng “dứt khoát không thể kéo dài thái độ phê phán, phủ nhận một chiều, nhất là với những định kiến hời hợt, chưa chịu tìm hiểu, nghiên cứu, thấu đáo”, như lời Mở đầu trong tập hai đã nói, có nghĩa là phải hết sức nghiêm túc khoa học, chú trọng trong mọi thao tác nghiên cứu. Tìm ra “hạt nhân hợp lý” ở đây tức là không “vứt bỏ, không thay thế nó bằng một cái đối lập phiến diện khác”, nhưng không phải giữ nguyên hoặc gán ghép một cách máy móc, mà phải “phát triển nó tiếp tục”, phải “đưa nó vào một cái gì đó cao hơn”. Phương Lựu còn khẳng định, có thể và cần phải, trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, đưa các khái niệm của lý luận văn học hiện đại phương Tây như trực giác, vô thức, cấu trúc, v.v vào hệ thống lý luận văn học của ta, “miễn là phải xác định vị thế của nó”. Đó là một cách làm đổi mới việc nghiên cứu, giới thiệu lý luận văn học phương Tây hiện đại trong thời kỳ mới ở nước ta.
Khách quan thừa nhận rằng, tuy đến với thế giới phương Tây vào loại muộn, nhưng Phương Lựu là người đầu tiên ở Việt Nam giới thiệu lý luận văn học hiện đại phương Tây hoàn chỉnh và có hệ thống nhất. Chúng ta có thể bắt gặp những hiện tượng mới lạ trong khối lượng 22 trường phái, trào lưu  lý luận văn học hiện đại phương Tây, chẳng hạn: Chủ nghĩa duy ý chí (Voluntarism) của A. Schopenhauer và F.W. Nietzsche; Thuyết chuyển cảm (Empatheties) của Théoder Lipps; Thuyết hoàn hình (Gestalt) của Wertheimer; Giải thích học (Hermeneutics) cổ điển và hiện đại...; đặc biệt về lý luận phê bình chủ nghĩa Mác phương Tây (Western marxism) với đặc trưng không theo chủ nghĩa Lênin và có xu hướng “hội tụ” với tư tưởng phương Tây hiện đại. Ta dễ dàng nhận thấy Phương Lựu cố gắng cập nhập đến mức tối đa khi đề xuất những trường phái mới xuất hiện vào cuối thế kỷ vừa qua, như Xã hội học văn học (Sociology of litterature); Phê bình nữ quyền (Feminist Criticism), Phê bình hậu thực dân (Post - colonial Criticism). Trong công trình, tác giả cũng giới thiệu những trường phái, trào lưu lý luận văn học hiện đại phương Tây từng ít nhiều quen thuộc ở ta, nhưng đã chú ý phân biệt những biến thái của nó. Như chủ nghĩa hình thức (Formalism) đâu phải chỉ có ở Nga mà còn có chủ nghĩa hình thức Anh của Clive Bell; Phê bình mới (New criticism) đã biến thành Phê bình mới “mới”; Phân tâm học (Psychonalysis) cũng đã phát triển thành Tâm phân học (Analytical psychology). Chủ nghĩa cấu trúc cũng vậy, đã biến thành chủ nghĩa cấu trúc phát sinh (Structuralisme génétique) và chủ nghĩa hậu cấu trúc (Post - Structuralisme), v.v...
Từ những điều vừa nói trên, tác giả đã cho ta cảm nhận được chiều rộng lẫn chiều sâu của lý luận phê bình văn học hiện đại phương Tây thế kỷ XX. Nghiên cứu khoa học ở đây, chẳng những là sự tìm tòi mà còn ý thức trách nhiệm góp phần bổ sung vào những gì ta đã biết về nền văn học này. Khi tái hiện khách quan những hiện tượng lý luận phê bình trong văn học phương Tây hiện đại, Phương Lựu đã tránh được hai thái cực: hoặc “phủ nhận sạch trơn” mà ta thường thấy trước đây hoặc “nhẹ dạ cả tin” sau khi có chủ trương đổi mới. Sự sáng tạo về phương pháp luận ở đây là tác giả thực hiện một quy trình ba bước: Vừa phá vỡ hệ thống cực đoan, phiến diện; vừa ra sức cứu vớt những hạt nhân hợp lý; vừa phát triển cái hợp lý và đưa nó vào một cái gì cao hơn. Đấy là tinh thần biện chứng khoa học chân chính mà Lênin đã chỉ ra trong Bút ký triết học. Tiêu biểu về mặt này là những trang Phương Lựu viết về lý thuyết biểu hiện chủ nghĩa của nhà mỹ học Italia B. Crose: phản bác quan niệm cho rằng nghệ thuật là phi lý tính và phi tư tưởng, nhưng ghi nhận tư tưởng trong nghệ thuật đã chuyển hoá thành ý tưởng “chẳng khác nào viên đường đã hoà tan trong cốc nước, trong từng giọt nước đường vẫn tồn tại và gây tác dụng, nhưng không tìm đâu ra đường nữa”, từ đó nâng cao lên, cho rằng nghệ thuật chỉ là hình bóng chứ không phải bản thân cuộc đời, nó không đem lại sự hưởng thụ bằng chiếm lĩnh nhưng vẫn chan chứa khoái cảm của sự thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng về mặt tâm hồn (tr.112-115). Tuy đến sau nhưng Phương Lựu là người nghiên cứu có quy mô và hệ thống với thái độ khách quan khoa học, không phiến diện theo chiều hướng nào, nên có cái nhìn đúng mức về lý luận văn học hiện đại phương Tây.
Và đến đây, sau khi đã nghiên cứu một số nền lý luận văn học của dân tộc và nhân loại, thì như một bước tất yếu, tác giả tuyển chọn vào đây những mặt cần thiết trong Thi học so sánh, để tiến hành đối chiếu, tìm ra những chỗ tương đồng và dị biệt giữa chúng với nhau, tạo thêm điều kiện cho việc tiếp thu tinh hoa lý luận văn học nước ngoài. Thi học so sánh hãy còn mới mẻ ở nước ta, những vấn đề so sánh qua tuyển chọn và đưa vào đây, cũng xa lạ với nhiều người nhất là những khái niệm dường như lâu nay chưa từng đề cập, như Thi học so sánh nội văn hoá (Intracultural comparative poetics), Thi học so sánh xuyên văn hoá (Intercultural comparative poetics), v.v... Thi học so sánh nội văn hoá sẽ đối sánh các nền thi học ở các vùng văn hoá lớn, thường gần gũi nhau về nhiều yếu tố văn hoá nhưng có những đặc thù riêng. So sánh lý luận văn học giữa Việt Nam và Trung Quốc là nằm trong phạm vi này và vốn được triển khai thành 5 chương trong chuyên khảo Thi học so sánh (Nxb. Văn học, 2002). Nhưng riêng phương Tây, tác giả đã giải toả sự ngộ nhận cho rằng lý luận văn học hiện đại phương Tây là đồng nhất, vì có chung ngọn nguồn văn hoá Hy Lạp. Mặc dù nhiều trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây đã mang tính quốc tế, nhưng vẫn mang đặc điểm dân tộc riêng, thể hiện ở chỗ đều phát tích hoặc hưng thịnh ở những nước có những nét truyền thống văn hoá khác nhau. Trường phái Ngữ nghĩa học (Sémantics) dựa trên cơ sở chủ nghĩa kinh nghiệm logic (logical empiricism) xuất hiện ở Anh, vốn là quê hương lâu đời của chủ nghĩa kinh nghiệm từ thời F. Bacon, Th. Hobbes, J. Locke và D. Hume. Trường phái Hiện tượng luận (phénomenology) giàu màu sắc tư biện thì bắt đầu từ Đức. Chủ nghĩa hiện sinh cũng bắt nguồn từ Đức, nhưng thời cực thịnh của nó lại ở Pháp - nơi giàu truyền thống nhân đạo, v.v...
Thi học so sánh xuyên văn hoá là loại so sánh thi học ở những vùng văn hoá khác nhau; và chính vì khác nhau giữa Đông và Tây, muốn so sánh “buộc phải lấy việc đối sánh về lịch sử, xã hội, nhất là hệ tư tưởng triết học, rồi từ cơ sở đó tiến hành đối sánh một cách đồng đẳng những phạm trù và quan niệm tương ứng giữa hai bên”. Đây là việc làm hết sức khó khăn, nhất là với những hệ tư tưởng và triết học khác nhau về thời đại, nhưng không phải là việc bất khả thi, bởi vẫn có những đặc điểm chung của nhân loại và quy luật chung của lịch sử. Vả chăng, so sánh không có nghĩa là đồng nhất mà còn cần tìm ra sự khác biệt, rồi giải thích nguyên nhân xã hội của nó. Những dẫn chứng và lý giải cụ thể về Chu Dịch với Tiến hoá sáng tạo của H. Bergson, về Đối sánh tư duy nghệ thuật Đông Tây từ mô thức vũ trụ Đối sách tổng quát giữa hai hệ thống thi học Đông Tây, v.v... đã làm sáng tỏ thêm quan niệm chính xác của tác giả về bộ môn khoa học này. Thi học so sánh tổng thể (General comparative poetics) thật ra  cũng chính là  Thi học so sánh xuyên văn hoá được mở rộng ra đến phạm vi toàn bộ lịch sử và nhân loại. Tuy vậy, trong bước đi ban đầu, tác giả chỉ so sánh thi học từ ba chiếc nôi văn minh của nhân loại: Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Hoa. Về các mũi tiếp cận, tác giả cho rằng, “Thi học so sánh tổng thể cần được tiếp cận không những từ chiều sâu triết học, mà còn từ hạt nhân của đạo đức và từ đặc điểm tôn giáo nữa” (tr.529). Vài nhận xét sơ lược về Thi học so sánh trên đây cũng đủ thấy rằng chuyên ngành khoa học này tuy còn non trẻ nhưng quan trọng biết bao! Nó có tác dụng đính chính sự ngộ nhận tưởng đâu lý luận văn học là chân lý phổ biến và bất biến. Mặc dù có những điểm chung, nhưng nó mang theo nhiều sắc thái khác nhau theo đặc điểm các vùng và thời đại. Chưa nói đến lý luận văn học Đông Tây có những thời kỳ dài phát triển nhanh chậm khác nhau, chỉ riêng về “hạt nhân của hệ thống” thì lý luận văn học phương Tây thiên về quan hệ với khách thể, tức là lấy lý thuyết “tái hiện” làm then chốt, trái lại lý luận văn học Trung Hoa thiên về quan hệ với chủ thể, nghĩa là lấy thuyết “biểu hiện” làm hạt nhân” (tr.466). Về tính chất của khái niệm, thì tư duy khoa học truyền thống của phương Tây là tư duy logic, phân tích - bất kỳ một sự vật, hiện tượng gì cũng cần vươn tới một định nghĩa rành mạch, rõ ràng. Trái lại, các nhà hiền triết Trung Hoa cho bản thể vũ trụ là siêu logic, hỗn độn, mông lung... Chính vì thế, muốn nắm bắt bản chất của thế giới, không thể phân tích logic mà chỉ có thể cảm nhận một cách trực quan, tổng hợp. Khái niệm lý luận văn học Trung Hoa, do đó, dường như không phải để xác nhận mà chỉ để cảm nhận. Những điều nói trên dẫn đến tính chất mơ hồ trong nhiều khái niệm lý luận văn học Trung Hoa.
Qua công trình này, Phương Lựu đã đưa ra những luận cứ dồi dào và giàu sức thuyết phục. Chính vì thế, vào giữa những năm 1995, 1996, khi Tạp chí Văn học và Tuần báo Văn Nghệ đăng bài Đối sánh tư duy nghệ thuật Đông Tây từ mô thức vũ trụ Đối sánh tổng quát giữa hai hệ thống thi học Đông Tây của Phương Lựu, thì liền sau đó được Tạp chí Quốc ngoại xã hội khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc dịch và đăng lại. Như thế về Thi học so sánh, hiển nhiên là có thừa hưởng thành tựu của nươc ngoài, nhưng Phương Lựu đã có những đóng góp trở lại của riêng mình.
III) Về tập ba: Lý luận văn học Mác-Lênin
Tập ba trong bộ tuyển này bao gồm 4 chuyên khảo: Nghiên cứu tư tưởng văn nghệ V.I. Lênin; Những phương diện lý thuyết và lịch sử của vấn đề tính dân tộc trong văn học; Nhìn lại nửa thế kỷ lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Lỗ Tấn, nhà lý luận văn học. Mặc dù có cuốn công bố sau nhưng tất cả đều được hoàn thành trong thời kỳ trước Đổi mới, và được sắp xếp vào cuối bộ tuyển, có lẽ vì viết đã lâu, cần có thời gian sửa chữa ít nhiều, miễn là không vi phạm tính lịch sử của nó. Nay có dịp đọc tập trung những công trình đầu tay này của tác giả vẫn thấy nổi bật lên những đặc điểm rất ấn tượng xin điểm qua theo từng cuốn như sau:
Trước hết là khai thác ý kiến của các tác gia kinh điển, Phương Lựu không dừng lai ở những nguyên lý một chiều, mà đã triển khai vấn đề một cách biện chứng, nhất là những kiến giải liên quan đến đặc trưng nghệ thuật. Từ  ý kiến của Lênin: “Ý thức con người không phải chỉ phản ảnh thế giới khách quan, mà còn sáng tạo ra thế giới khách quan” (Bút ký triết học), anh đã sớm khẳng định trong văn nghệ, phản ảnh lại càng gắn bó chặt chẽ với sáng tạo. Anh hào hứng trích dẫn ý kiến của Lênin ngay từ năm 1915, trong một lần tranh luận với M. Gorki, cho rằng ngoài chất anh hùng ra, nền nghệ thuật cách mạng còn “cần chất trữ tình, cần Sêkhốp, cần cả sự thật hàng ngày nữa”, nghĩa là cần đi sâu vào thế giới nội tâm và cuộc sống đời thường mà về sau trong thời Đổi mới sẽ nhấn mạnh. Từ ý kiến của Lênin về Ôblômốp, anh đã chứng minh cặn kẽ tính chung của điển hình không tất yếu là tính giai cấp. Trái lại về tính riêng của điển hình (cả tính cách và hoàn cảnh) thì Phương Lựu lại tập trung khai thác quan niệm của Lênin cho rằng văn học hoàn toàn có thể viết về những cái rất cá biệt, ngẫu nhiên: “Nếu chọn đề tài về một trường hợp cá biệt của những cái hôn bẩn thỉu trong hôn nhân và những cái hôn trong sạch trong quan hệ thoáng qua, thì phải nghiên cứu kỹ đề tài đó trong tiểu thuyết, vì rằng tại đây tất cả mấu chốt là ở hoàn cảnh cá biệt, ở việc phân tích các tính cách và tâm  lý của những điển hình này” (tr.158). Có thể nói không có “vùng cấm” đối với ngòi bút của tác giả trong viêc khai thác những ý kiến táo bạo mà chính xác của Lênin về những vấn đề mang tính đặc thù của nghệ thuật. Dạo ấy ngay tập sách biên dịch Lênin bàn về văn hoá văn học (Văn học, H, 1977) mà cũng không đưa được vào bài báo Cuốn sách tài hoa của Lênin viết về tập truyện ngắn Mười hai lưỡi dao đâm vào sau lưng cách mạng của nhà văn bạch vệ Avéesencô với câu kết: “Một số truyện nên được in lại. Phải khuyến khích tài năng chứ!”. Ấy thế, nhưng hai năm sau, trong chuyên khảo của mình, Phương Lựu đã phân tích cặn kẽ bài báo này để rút ra kết luận về một khía cạnh trong quan niệm văn học của Lênin thể hiện ngay thành một tiêu mục hẳn hoi: “Về tính độc lập tương đối của nhiệt tình và sự hiểu biết đối với lập trường chính trị trong sáng tác”, v.v... Qua những điểm trên có thể thấy không phải ngẫu nhiên mà chuyên khảo này của tác giả chỉ vài năm sau khi ra đời đã được giới thiệu ở Liên xô.
Thứ hai, Phuơng Lựu không quán triệt quan điểm đường lối theo kiểu “thuật nhi bất tác”, mà nỗ lực làm giàu có thêm bằng cách đặt ra và giải quyết những vấn đề ít nhiều mới mẻ. Về đường lối văn nghệ của Đảng Phương Lựu đã tập trung giải quyết vào một trọng điểm của nó là nguyên lý tính dân tộc trong văn nghệ. Trong mô hình lý luận truyền thống bắt gặp nhiều khái niệm về lắm thứ Tính, nhưng thật ra phải phân biệt một loại chỉ thuộc tính (chưa bao hàm sự đánh giá), một loại chỉ phẩm chất (giá trị, chất lượng). Nhưng còn một loại thứ ba mang tính chất song trùng lúc thì chỉ thuộc tính, lúc thì chỉ phẩm chất rất không nhất quán, cho nên khi đưa vào thao tác lập luận là rắc rối ngay, vì mỗi người đều hiểu theo cách của mình. Cho nên một nhiệm vụ của tư duy lý thuyết là phải tách loại khái niệm song trùng này ra làm đôi với hai hàm nghĩa đối sánh rạch ròi. Phương Lựu khẳng định “tính chất dân tộc” cũng là một khái niệm nhập nhằng như vậy, và bằng những lập luận khoa học chặt chẽ, anh đã tách khái niệm “tính chất dân tộc” ra thành “thuộc tính dân tộc” và “phẩm chất dân tôc”: “Thuộc tính dân tộc là tất yếu và thường tại. Phẩm chất dân tộc là có điều kiện và không tất yếu, thuờng phải được nhìn nhận theo một lập trường tư tưởng và quan điểm mỹ học nhất định” (tr.256). Sự phân biệt này không phải là chơi trò “thể thao trí tuệ”, mà rất có tác dụng tháo gỡ những mắc mứu trong tranh luận một thời như tính dân tộc có bao hàm mặt tiêu cực không? Mối quan hệ giữa tính dân tộc với tính giai cấp như thế nào? Các cái sai, giả, xấu từ ngoài xã hội đến trong nghệ thuật có mang tính chất dân tộc không? Khẳng định, là không những có, mà còn nhiều, nếu được hiểu chỉ trên bình diện thuộc tính dân tôc... Còn như trước đây, chỉ vì hiểu tính chất dân tộc như một khái niệm chỉ giá trị, cho nên không tránh khỏi lúng túng, không dám trả lời như vậy. Tất nhiên trở lên chỉ là một điểm nhấn trong chuyên khảo về tính dân tộc của tác giả. Không phải ngẫu nhiên, mà chỉ với chuyên khảo này (nghĩa là không phải đi đâu và làm gì khác), anh đã nhận được học vị TS của chuyên ngành mà hồi ấy chỉ gọi là Lý luận văn học.
Ba là, thành tâm học hỏi ở nhiều nguồn như đã thấy, nhưng ngay trong giai đoạn đầu này, Phương Lựu cũng bắt đầu đối thoại với quyền uy học thuật bên ngoài một cách thành tâm. Có lẽ về một mặt nào đó mà nói, chuyên khảo Nhìn lại nửa thế kỷ lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được viết khó nhất vì phải đối thoại trực diện với hàng mấy chục tác giả đương thời. Nhưng càng không chút dễ dàng hơn là phải thẳng thắn bày tỏ chủ kiến về luận điểmhệ thống mở của Viện sĩ Marcov. Khẳng định đây là một bước tiến của lý luận văn học Xô-viết, nhưng bằng những luận cứ dồi dào, Phương Lựu đã chứng minh rằng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không phải chỉ là một hệ thông mở về mặt thi pháp, mà còn dần dần phát triển trên tất cả các thành tố về mặt nội dung từ nguyên lý tính đảng đến nhân vật trung tâm v.v... Và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng trong tương lai, đến một độ phát triển dồi dào nào đó, thì chính bản thân thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng phải thay đổi(tr.448). Một  cách nhìn, một dự báo, tất nhiên không thể trúng hết, nhưng có khác và đi xa hơn Marcov!
Cuối cùng là Phương Lựu không làm lý luận thuần tuý tư biện. Đã đành là anh đã viết không ít về văn học Việt Nam và Trung quốc, cổ điển lẫn hiện đại và đã đuợc tập họp trong cuốn Lý luận phê bình văn học nói trên. Nhưng ngay trong những công trình lý luận, anh cũng nỗ lực khái quát thực tiễn sáng tác của nhà văn cùng những thể nghiệm và kinh nghiệm viết văn của họ. Tiêu biểu là công trình Lỗ Tấn, nhà lý luận văn học, một tên sách gây không ít ngạc nhiên. Là  bởi vì khi khởi thảo công trình này vào giữa thế kỷ trước, ngay ở Trung Quốc tuy cũng có người viết về di sản lý luận văn học Lỗ Tấn, nhưng chỉ trên dưới 100 trang, vì chỉ tập trung khai thác những ý kiến mang tính chất lý luận trực diện của ông. Cách làm của Phương Lựu có khác như trên đã nói. Thí dụ như chỉ căn cứ mấy lời phát biểu của Lỗ Tấn cho rằng nểu Trung Quốc làm cách mạng thì thế nào AQ cũng theo cách mạng, nhưng nào ngờ lại gặp phải cảnhđại đoàn viên thê thảm như vậy... rồi kết hợp với việc phân tích cặn kẽ tính cách và vận mệnh của AQ, tác giả đã nâng lên thành một nguyên tắc điển hình hoá hiên thực chủ nghĩa. Đó là nhà văn hiện thực phải phục tùng logic nội tại của tính cách nhân vật vốn luôn luôn được quyết định bởi hoàn cảnh khách quan của nó, ngay cả khi nhân vật nổi loạnchống lại dự kiến chủ quan ban đầu của mình. Cho nên không lấy làm lạ, chuyên khảo này dày đến 450 trang với 10 chương như Điển hình văn học, Loại thể văn học, Ngôn ngữ văn học, Phê bình văn học, v.v... và cũng đã được giới thiệu ở Trung Quốc.
Phương Lựu lại đem công trình đầu tay này xếp ở sau cùng bộ tuyển, dường như ngụ ý rằng đến tuổi cổ lai hy cũng là dịp nên kiểm kê, hồi ức lại mà thôi, chứ chưa phải là kết thúc, cái cuối cùng còn đang ở phía trước. Quả vậy, trong khi các tập của bộ tuyển này lần lượt ra đời, thì tác giả lại cho công bố Phương pháp luận nghiên cứu văn học (Nxb. ĐHSP, H, 2005) không phải luận bàn chung, mà với những chương cụ thể: như Phương pháp luận lý luận văn học, Phương pháp luận phê bình văn học, Phương pháp luận văn học sử, v.v... Như thế tuy chưa đến lúccái quan’’, song những gì tác giả đã làm mà tiêu biểu là bộ tuyển này thì với những giải thưởng hàng năm của các báo, tạp chí, nhà xuất bản đến các giải thưởng của Hội Nhà văn, Nhà nước đãđịnh luận rồi, bất tất phải dài lời. Tôi chỉ muốn nói rằng, thật ra cái phương châm muốn góp phần xây dựng nền lý luận văn học hiên đại của nước nhà bằng việc mở rộng từ lý luận văn học Mác-Lênin ra đến những tinh hoa tương ứng của dân tộc và nhân loại chẳng qua là cái nguyên lý kế thừa và hấp thu của chính mỹ học mác-xít, mà ai nấy đều biết và luôn luôn được tái thuyết khắp nơi nơi. Nhưng dù có hùng hồn đến mấy thì cũng vậy thôi, bởi vì vấn đề là phải làm, chuyên tâm làm, làm suốt đời. Cho nên có đến nghìn lẻ một lý do để giải thích nền lý luận văn học nước ta còn non yếu, nhưng nói cho cùng bao trùm lên tất cả chẳng qua chỉ vì có quá ít người suốt đời chuyên tâm làm lý luận. Mặc dù vậy, trong số không nhiều đó, nếu kể đến tác giả của bộ tuyển tập này, tưởng cũng là điều thoả đáng1
                                                                                    Tháng 7-2007
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved