Home » » Nguyễn Hiến Lê và Đào Duy Anh(*)

Nguyễn Hiến Lê và Đào Duy Anh(*)

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011 | 21:54

Nguyễn Hiến Lê và Đào Duy Anh(*)


...Cuối năm 1975, chính quyền phát động phong trào thống nhất tổ quốc. Nhà văn Nguyễn Đỗng Chi, tác giả cuốn Cổ văn học sử, lại thăm tôi, xin tôi viết một bài về vấn đề thống nhất để đăng trong một tạp chí nào đó. Tôi từ chối, lấy cớ là đau và không có tài liệu lịch sử. Giá tôi có viết thì cũng uổng công vì tạp chí ông nói đó sau không thấy ra.
Cũng vào khoảng đó, Đào Duy Anh ở Hà Nội vào, tìm tôi. Hôm đó, khoảng bảy giờ, tôi đang ăn sáng thì một ông già tóc râu bạc phơ, mập, lùn, to xương đứng ở ngoài sân nhìn qua cửa sổ có lưới sắt hỏi tôi.

- Ông Nguyễn Hiến Lê có nhà không?

Tôi không biết là ông, mà không muốn tiếp người lạ, nên đáp:

- Không, ông ấy về Long Xuyên rồi. Chưa biết bao giờ về.

Ông ta quay ra. Ít bữa sau ông trở lại, gặp nhà tôi, xưng danh, nhà tôi cho tôi hay, tôi ở trên lầu xuống tiếp liền.

Hỏi nhau về gia đình, hoạt động văn hóa của nhau, rồi nói chuyện thời cuộc. Ông khuyên tôi nên coi các cán bộ ở bưng về như con cháu mình, tìm hiểu họ chứ đừng trách họ. Họ gian lao chiến đấu cả chục năm, thành công thì tất nhiên muốn được hưởng lạc, muốn được nắm quyền và tin chắc rằng chính sách của họ đúng, phải có tin như vậy mới làm việc được. Họ ít được học, không có kinh nghiệm hành chánh, cho nên phải dò dẫm… Khi ra về ông hỏi con trai tôi ở đâu, tôi đáp làm kĩ sư ở Pháp, ông bảo: “Tốt, Pháp là một nước văn minh”.

Tôi hỏi ông:

- Làm sao anh biết tôi mà lại thăm?

Ông đáp:

- Tôi vô đây kiếm tài liệu viết về trí thức tiến bộ miền Nam. Khi tới Huế tôi đã nghe nhiều người nói về anh; tới Nha Trang Quách Tấn khuyên tôi vào Sài Gòn nên lại tìm anh; sau cùng tới Sài Gòn, Phạm Văn Diêu bảo nên lại thăm anh trước.

Năm đó (1975) tôi gặp ông một lần nữa, tặng ông ít cuốn sách, ông tặng tôi cuốn Tự điển Truyện Kiều (viết công phu) soạn xong đã lâu, đưa nhà xuất bản, bị họ dìm cả chục năm, sau nhờ thủ tướng Pham Văn Đồng can thiệp, họ mới in cho. Sách mới phát hành mấy tháng đã hết.

Năm sau ông lại vô Sài Gòn, chúng tôi gặp nhau vài lần.

Năm 1978 ông trở vô một lần nữa, tôi mời ông ở lại chơi ít ngày, được biết rõ ông hơn. Ông ân hận rằng có hồi làm chính trị, thất bại, tự xét kĩ không làm chính trị được, nên chuyên về Văn hoá. Ông ngại rằng hai ba chục năm nữa, kinh tế vẫn chưa tiến được, và xã hội chủ nghĩa vài trăm năm nữa cũng chưa xây dựng xong, mình sẽ bị phương Tây bỏ lùi lại sau rất xa nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ.

Năm ngoái (1979), ông lại vô Sài Gòn, ở sáu bảy tháng, nhưng tôi bận việc nên ít có dịp gặp ông. Ông mất một lá phổi, một vai xệ xuống, hơn tôi bảy tuổi mà còn mạnh quá: nói chuyện suốt ngày được, ngồi nghe ông tôi thấy rất mệt. Ông mượn tôi ít cuốn sách Trung Hoa về Hàn Phi và bản thảo tôi viết về Hàn Phi để kiếm tài liệu.

Tôi đọc được một tập Hồi kí khoảng 50 trang đánh máy, chép lại những hoạt động chính trị và văn hóa của ông từ hồi trẻ (thời dạy học) đến năm 1970. Cơ hồ ông muốn minh oan rằng suốt đời ông trung thành với cách mạng. Ông viết được khoảng bốn chục tác phẩm (kể cả những tập chưa in, như dịch Đạo đức kinh, Thi kinh, dịch Thơ Đường…), chuyên khảo về sử, hiệu đính văn thơ Nôm (Kiều, Hoa Tiên), và nghiên cứu về chữ Nôm. Ông đào tạo được ba nhà biên khảo về sử: Hà Văn Tấn tác giả cuốn Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Phan Huy Lê tác giả cuốn Lam Sơn khởi nghĩa, và Trần Quốc Vượng, người soạn chung với Vũ Tuân Sán cuốn Hà Nội nghìn xưa. Ông là học giả siêng năng, có uy tín nhất ở Bắc. Hè năm 1981, ông vô Nam nữa, ở 5-6 tháng, đi thăm Rạch Giá, Long Xuyên, ghé chơi tôi một ngày. Trong lúc tậm sự, ông tỏ vẻ buồn về thời cuộc, hy vọng có sự thay đổi lớn; và bảo rằng đọc tác phẩm của tôi ông càng thấy thích, thèm một cuộc đời viết văn tự do, độc lập như tôi. Chính ông đã sống một cuộc đời như vậy khi mở nhà xuất bản Quan Hải tùng thư còn bà thì mở tiệm sách ở Huế. Ông tiếc thời đó chăng?

Quê ông ở làng Thanh Oai (Hà Đông), hồi nhỏ học ở Thanh Hoá, rồi Vinh, sau dạy học ở Quảng Bình, bà con một vị tổng đốc ở Huế cũng có một thời dạy học. Con cái thành tài hết. Em ruột ông có vài người làm cán bộ cao cấp.

Mấy năm sau 1975 tôi còn gặp non mười nhà văn và học giả miền Bắc như Vũ Tuân Sán, bạn học trường Bưởi của tôi, có cử nhân luật, thông chữ Hán, chuyên khảo về danh nhân và bia Hà Nội; Thạch Giang, nghiên cứu chữ Nôm và Truyện Kiều; Hoàng Phê soạn Tự điển Việt; Hướng Minh, bạn học trường Bưởi, dịch sách Pháp và viết báo v.v…

Có vài người ngỏ ý muốn lại thăm tôi, nhưng tôi nhờ bạn từ chối khéo cho. Ai lại thăm tôi cũng niềm nở tiếp nhưng không đáp lễ ai cả.

Xét chung, các học giả miền Bắc có cảm tình với tôi, chính quyền đối với tôi cũng có biệt nhãn. Sở Thông tin Văn hoá Thành phố coi tôi như một nhân sĩ; Ban Tuyên huấn Thành phố có lần phái một nhân viên lại thăm tôi, nghe tôi sức khoẻ mỗi ngày mỗi suy, nhân viên đó đề nghị giới thiệu tôi để vào điều trị ở bệnh viện Thống Nhất (bệnh viện cho hạng cán bộ cao cấp, nhiều máy móc và thuốc men nhất thành phố). Tôi từ chối, tự xét bệnh chưa nặng có thể điều trị ở ngoài được.

Khi nhân viên đó ra về rồi, ông Đào Duy Anh hỏi tôi:

- Người ta săn sóc sức khoẻ của anh như vậy mà sao anh tỏ vẻ lơ là?

Tôi đáp:

- Tôi có công gì với cách mạng đâu mà vô đó nằm? Hưởng một ân huệ mà mình không đáng hưởng, tôi cho không phải là phúc. Vô đó người ta gọi tôi là đồng chí tôi sẽ mắc cỡ, chịu không nỗi. Tôi chỉ mong được sống yên ổn, không ai nhắc tới tôi, không ai nhớ tên tôi nữa.

Khi có phong trào vượt biên rầm rộ, có tháng 65.000 người bỏ quê hương. Cơ quan cho người lại dò xét xem tôi có ý định đi ngoại quốc không và khuyên tôi đừng nên đi đâu cả. Tôi bảo họ: “Nếu tôi muốn đi Pháp thì đã đi từ lâu rồi vì tôi có đủ điều kiện để đi theo cách chính thức”.

[…]


Năm 1976, tôi lại khạc ra máu như năm 1954, mới lên Sài Gòn, nhưng lần này nhẹ hơn. Tôi uống đọt chùm ruột hai lần thì hết. Bác sĩ Liêu Thanh Tâm rọi phổi, chụp hình quang tuyến, so với năm 1954 thấy không tăng, nên tôi chỉ cần nghỉ ngơi và uống thuốc bổ. Bác sĩ Trần Ngọc Ninh hay tôi đau lại thăm và giúp đỡ vài việc.

Nhờ có bệnh đó tôi xin phép miễn dự Đại hội Văn nghệ thành phố thảo luận về đường lối văn nghệ. Hội họp làm ba đợt, mỗi đợt khoảng một tuần, cho vài trăm nhà văn. Các nhà biên khảo dự đợt đầu, rồi tới các thi sĩ, tiểu thuyết gia v.v… Gọi là thảo luận, chứ thực ra Uỷ ban của Hội đem ra mổ xẻ tác phẩm một số nhà văn, có ý mong họ tự kiểm thảo. Đa số nhà văn trách Uỷ ban không hiểu hoàn cảnh của họ: ở dưới chế độ kiểm duyệt của chính phủ Thiệu không thể muốn viết gì là viết được. Một vài nhà văn còn can đảm nhận rằng đã viết những tác phẩm mà cách mạng gọi là đồi truỵ, nhưng như vậy không phải là tội lỗi: những truyện đó tả đúng xã hội thời đó, và ở trong xã hội nhà văn có hoá đồi truỵ cũng là chuyện thường.

Rốt cuộc ba tuần kiểm thảo chẳng đi tới đâu, so với phong trào chỉnh huấn ở Bắc năm 1953 thì dễ dãi, cởi mở hơn nhiều, mà đa số nhà văn Nam có thái độ đàng hoàng hơn.

[…]

Suốt một năm rưỡi từ 5/75 đến cuối thu 76, tôi sống tương đối thảnh thơi: sách của tôi được phép bán, và nhiều người, cả Bắc lẫn Nam, mua; giá mỗi ngày mỗi tăng như cuốn Đắc nhân tâm: năm 1975 giá 2đ thì năm 1981 giá 50đ ở chợ sách cũ]. Năm 1983 giá 300đ. Tôi không làm gì cả, nằm nhà dưỡng sức, vài ba ngày lại toà soạn Bách Khoa cũ một lần để gặp lại bạn văn (ngày nào cũng có 5-6 anh em cầm bút lại đó tán gẫu); rồi dạo khu chợ trời từ đường Lê Lợi tới Chợ Cũ, đường Nguyễn Huệ. Mỗi tuần họp tổ một lần. Mỗi tháng lại chen chúc, chờ đợi ở ngân hàng xin rút ra
60đ cho hai vợ chồng.


Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved