Home » » ĐỈNH CAO CHÓI LỌI - DƯƠNG THU HƯƠNG (P8-9)

ĐỈNH CAO CHÓI LỌI - DƯƠNG THU HƯƠNG (P8-9)

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011 | 02:05

Phần 8
- Bạch sư cụ, chúng tôi phiền nhiễu ngài nhiều quá.
- Thưa chủ tịch, chúng tôi hân hạnh được phục vụ ngài.
- Bạch sư sụ, có thể cuộc trò chuyện của chúng tôi sẽ kéo dài hết buổi chiều, như thế phần đọc kinh chiều của ngài sẽ bị gián đoạn.
- Thưa chủ tịch, người tu hành chúng tôi đọc kinh suốt cả cuộc đời. Khi cần thiết phải ngừng là ngừng. Phật tính tồn tại ngay trong im lặng.
- Bạch sư cụ, ngài không sợ bị các đấng tối cao quở trách ?
Ông hỏi, với nụ cười đa nghĩa mà thiên hạ thường coi là nửa đùa nửa thật.
- Thưa ngài, phật mà chấp thì không còn là phật.
Sư cụ đáp, cũng với nụ cười , một nụ cười nhẹ nhàng, đoạn bước ra khỏi cửa.
Ông và Vũ đứng dẹp sang một bên khi nhà tu hành đi qua. Mùi bồ kết phảng phất trong không gian bởi áo của các nhà sư được giặt bằng bồ kết. Góc vườn chùa có ba cây bồ kết già, tươi tốt um tùm, quanh năm chi chít quả. Ông thường thấy sư nữ ra vườn kéo về từng thúng đầy, rồi đem xếp thành từng lượt trên chiếc dàn bằng sắt thanh gần giống một chiếc vỉ nướng cá khổng lồ để sấy khô. Những chiều mưa dầm, hơi nước từ các khe vực nghi ngút bốc lên hoà cùng mây trắng, hai người đàn bà ngồi sấy bồ kết trong im lặng, sự im lặng này kéo dài cho tới tận bữa cơm tối khi sư nữ thắp nến trên các bệ thờ và khêu ngọn đèn dầu đặt trên chiếc bàn tre cũ.
« Họ nghĩ gì trong sự im lặng triền miên ấy ? Hay họ không nghĩ gì cả ? Nhưng ta không tin rằng họ là những con người đơn giản, thô sơ đến mức không có gì để mà suy nghĩ ...Bởi người không có suy nghĩ thì không thể hành động với lòng can đảm như vậy ! »
Đã nhiều lần, ông thầm đặt câu hỏi cho mình. Chưa bao giờ tìm được câu trả lời thoả đáng. Ông nhớ ngày đầu tới chùa khi nhìn tất thảy các khuôn cửa đều bị khoá chốt như những kho chứa hàng ông đã triệu tập Lễ cùng văn phòng lên hỏi chuyện. Sau khi biết sự thật, ông tức tốc ra lệnh cho họ phải để sư cụ chủ trì và ít nhất một hai đệ tử được quay lại, coi đó như điều kiện tiên quyết để ông chấp nhận an dưỡng ở nơi đây. Hai ngày sau, cận vệ dẫn một đoàn người leo lên dốc núi. Ông biết rằng họ đã thực hiện mệnh lệnh của ông nhưng không hiểu vì sao lại có cả một đám đông :
« Không lẽ họ ưng thuận cho cả mười hai vị sư trở lại chùa ? »
Ông thoáng nghĩ nhưng rồi gạt đi tức khắc giả thuyết ấy vì nó bất khả. Ông lui vào căn phòng của mình, theo rõi. Quả là cả mười hai vị sư đều hiện diện cùng lúc trên sân chùa, nhưng không phải vì họ được phép trở lại mà vì họ tháp tùng bậc trưởng thượng quay về chốn cũ . Theo lề thói xa xưa, đó là phương cách mà học trò có thể biểu lộ lòng tôn kính bậc thầy . Ông nhìn thấy mười nhà sư cao lớn, tràn đầy sinh lực ; bởi chỉ có những con người đầy đủ sức mạnh vật thể và tâm thể mới có thể thực hiện thiền định ở vùng núi xa xôi này. Mười người đàn ông vạm vỡ ấy đứng xúm quanh một bà già bé nhỏ, cao không quá một mét rưỡi, có gương mặt điềm tĩnh với những đường nét rất bình thường của một người đàn bà Việt bình thường. Bà cụ cầm trong tay một cây gậy trúc :
« Chính với cây gậy này, bà cụ đã xuống núi khi bị chính quyền bắt buộc rời chùa, và bây giờ, chính với cây gậy ấy bà cụ leo trở lại đỉnh núi cao trên ngàn thước, không nhờ bất cứ ai cõng. Vậy mà bà già bé nhỏ kia đã ngoại tám mươi ! »
Ông cảm thấy cùng lúc, sự áy náy ngượng ngùng lẫn với nỗi buồn. Vì nhà tu hành kia đã hơn ông bảy tuổi ? Vì cái chính thể bắt buộc bà cụ phải lưu đày là chính thể của ông, và ông là người đại diện cho nó một cách danh chính ngôn thuận ? Ông không tìm được duyên cớ chính xác. Trong khi đó, ngoài sân, sư cụ đã leo lên bậc tam cấp ra lệnh cho đệ tử :
- Mô phật, chúng ta đã lại đứng trên đất nhà. Các con hãy mở tất cả các cửa, lau dọn các ban bệ rồi lên hương, thắp nến. Còn con, sư nữ, phận sự của con là sửa soạn các bình hoa. Chúng ta sẽ đọc kinh để đón rước các đấng tôn kính về chốn cũ.
- Mô phật, chúng con xin thực thi lời người.
Ông nhận thấy vẻ cung kính của tất thảy mười nhà sư kia trước vị sư già bé nhỏ và bất chợt một ý nghĩ chua chát len lỏi trong óc não :
« Ngày mai, liệu trong những đệ tử sùng kính kia, ai là kẻ sẽ đẩy bà cụ xuống vực sâu để trở thành kẻ chủ trì ngôi chùa này ? Ai là kẻ sẽ bỏ thạch tín vào món đậu phụ om tương hay canh rau cải ? »
Nhưng bên kia sân, tiếng chuông đã gióng giả vang lên. Rồi tiếp đó là tiếng gõ mõ, tiếng tụng kinh của cả mười hai nhà tu hành. Không gian thoang thoảng mùi nhang khói. Ông lắng nghe tiếng đọc kinh đều đều không ngớt , biết rằng có một thứ quyền năng khác ngự trị trong cõi nhân sinh, thứ quyền năng vô hình, thứ quyền năng bất khả diễn đạt bằng những con số như quyền năng thế tục.
Những kỉ niệm ấy vụt trở lại khiến ông đứng trầm ngâm trong khoảnh khắc. Rồi chợt nhớ rằng Vũ đang chờ, ông nói:
- Sư cụ đã cho phép, chúng ta có thể vào chùa.
- Anh Cả chưa từng bước chân vào đây ?
- Chưa từng. Tôi không dám xâm phạm vào cõi đất của người tu hành. Riêng việc chúng ta dồn mười nhà sư kia xuống tầng núi dưới đã khiến tôi phải suy nghĩ. Tại sao họ không chọn một địa điểm khác ?
- Em cũng không rõ kẻ nào chọn địa điểm này. Nhưng chắc chắn đây là nơi tốt nhất để chúng ngăn cản mọi người tới gặp anh.
- Về phương diện này, họ là những người thông minh kiệt xuất.
Ông mỉm cười đáp, hình dung rằng bất cứ ai muốn trèo lên đỉnh Lan Vu cũng phải xuất hiện trước ống nhòm của đại đội cận vệ không chỉ trong vài giây, vài phút mà là nửa ngày trời cho dù họ là vận động viên điền kinh hay chuyên gia leo núi. Trong điều kiện như thế, chỉ loài thỏ rừng hay chồn sóc mới hy vọng thoát khỏi sự kiểm soát. Những đồng chí thù địch của ông quả đã suy tính kĩ càng khi chọn đỉnh Lan Vu thay vì một hầm tối ― un oubliette‖ theo kiểu châu Âu xưa. Ở đây, ngay trên đỉnh núi thơ mộng này, ông cũng không thể trò chuyện với người đáng tin cẩn trong phòng của ông hoặc căn phòng của bác sĩ. Tất cả các bức tường đều gắn rệp. Mỗi lần Lễ dẫn một nhân viên kĩ thuật lên ―thay rệp‖, ông đều biết bởi lần nào họ cũng phải cõng bình phun thuốc muỗi trên lưng. Lễ mời ông ―dạo chơi quanh rừng cho đôi chân khỏi tù đọng ‖ trong khi y ―phun thuốc muỗi‖. Phải chờ đợi vài tiếng sau cho mùi thuốc đã bay hết, ông mới có thể quay lại phòng mình. Vì ông không bao giờ vượt qua mảnh sân gạch để bước sang bên chùa chính nên các tượng phật trong ngôi nhà này đã may mắn không phải thưởng thức mùi thuốc sát trùng. Và hôm nay, họ có thể nương nhờ cửa phật trong phút chốc để trò chuyện với nhau.
- Anh tin chắc rằng chúng ta sẽ an toàn khi nói chuyện ở đây ;
Vũ hỏi lại lần cuối, cho thêm phần chắc chắn.
- Chú cứ tin đi.Tôi già nhưng chưa lẫn.
Ông đáp, nhìn thẳng vào mắt người đàn em, người duy nhất còn lại với ông, cùng ông trong cuộc sinh tồn này.
- Em xin lỗi ...Nhưng ...
- Tôi hiểu.
Họ im lặng phút chốc vì những hồi ức quay trở lại trong mỗi lời, mỗi ý. Rồi Vũ run run hỏi :
- Anh Cả có ho nhiều không ?
- Chú cứ an tâm, tôi đỡ nhiều rồi. Vấn đề còn lại là tim mạch. Nhưng thất thập cổ lai hi, tôi cũng đã sống khá dài.
- Anh Cả cần bảo trọng.
- Chú cũng vậy. Nhưng xét cho cùng, chúng ta cũng chẳng có cách nào bảo trọng nổi chúng ta. Mọi sự trên đời giống như canh bạc.
- Vâng, đúng là cuộc đỏ đen.
- Dù muốn hay không cũng phải chấp nhận rằng cuộc đời hạn hữu, sức người cũng vậy .Tôi không thể làm gì hơn vào lúc này, nhưng tôi vẫn muốn biết thật sự những gì đang diễn ra trên đất nước ?
- Nhưng ...
- Cứ nói cho tôi biết. Chúng ta đã cùng chịu đựng những giây phút tột cùng hiểm nguy. Hẳn là chú chưa quên điều ấy ?
―Nhưng anh yếu lắm rồi, anh cả. Chúng ta, những kẻ phàm trần, không thể chống lại sức tàn phá của thời gian‖
―Nhưng tôi vẫn chưa mù, chưa điếc, chưa bại liệt óc não. Tôi vẫn muốn biết sự gì đang diễn ra ở ngoài kia, bên ngoài những bức tường mây trắng, bên ngoài chốn ngục tù thơ mộng này.‖
― Em không đủ can đảm, xin tha lỗi cho em.‖
― Chính tôi mới cần xin lỗi chú. Tôi là kẻ chịu ơn chú. Tôi đã chất lên vai chú quá nhiều nỗi nhọc nhằn. ‖
― Xin anh đừng nói như vậy. Cả dân tộc này chịu ơn anh. Em có làm hơn thế nữa cũng không thấm tháp gì.‖
Trên các bệ thờ, những pho tượng gỗ sơn son thếp vàng đang chăm chú nhìn họ. Ông tưởng chừng cuộc đối thoại thầm kín của họ cũng không lọt khỏi những đôi mắt gỗ, những đôi tai gỗ kia. Mùi hương chầm chậm dâng lên và lần đầu tiên ông cảm thấy mình đang bước lên một cõi đất mới, nhập vào một không gian mới. Bỗng dưng, ông bật lên tiếng thở dài.
- Anh Cả làm sao vậy ?
- Không sao. Chú hãy nói cho tôi biết rõ sự gì đang xảy ra trên đất nước chúng ta ?
- Nhưng ...
- Đừng ngại ngần. Tôi có thể chịu đựng.
- Tình hình đang rất xấu. Sức chưa đủ nhưng họ đã quyết định tổng tấn công. Tướng Hãn gặp em thông báo rằng trận đánh Nậm Phai, toàn bộ ban chỉ huy bị nghiền nát, riêng tướng Hãn đang ở Hà Tĩnh nên thoát. Xác lính ngập đầy khe, nước suối không chảy nổi.
- Tôi cũng đoán như thế, khi họ thúc hối tôi phải làm thơ động viên dân.
- Điều khủng khiếp không phải chỉ có vậy. Hãn quay trở lại mặt trận được hai ngày thì gia đình nhận được giấy báo tử.
- Chú ấy bị hại trên đường, chắc chắn tại tỉnh Thanh.
- Em cũng ngờ như vậy.
- Đất tỉnh Thanh biến thành hang ổ lục lâm từ đã lâu.
- Vâng, nhiều người đều biết điều đó.
- Tội nghiệp cho gia đình chú ấy.
- Vâng, con nhỏ của nó chưa đầy mười tuổi, mà vợ nó lại đau khớp nặng ba bốn năm nay.
- Liệu còn lý do gì khác nữa ? Hay chỉ vì giữ liên lạc với chúng ta ?
- Chắc chắn. Báo, đài chỉ loan tin thắng trận. Lính đào ngũ bị chặn lại trên các ngả đường rừng từ Quảng Trị ra Hà tĩnh và bị đưa vào các trại cải tạo đào binh. Không một ai ngoài miền bắc biết được tin tức thật của mặt trận. Nhưng em nghĩ Hãn bị thủ tiêu còn vì một cớ khác.
- Tôi hiểu.
Ông đáp và bỗng nhiên thấy một cơn gió lạnh buốt chạy dọc sống lưng:
- Có quá nhiều người bị hại vì liên quan đến tôi.
- Anh không thể nói như vậy ...
- Đúng thế!
- ...
- Cả tôi nữa, tôi cũng bị hại bởi chính tôi. Đấy là sự thật.
- Anh Cả, đừng tự dằn vặt mình.
- Chú cũng thấy là tôi chưa mù chưa điếc, chưa bại liệt tâm thần. Tôi vẫn phải chịu trách nhiệm trước dân tộc.
Vũ nhìn ông giận dữ :
- Anh không thể làm gì hơn nữa cho cái dân tộc này. Dân tộc của anh cũng phải chịu trách nhiệm về chính nó.
- Dân tộc ấy không phải là của chú hay sao ?
- Nó cũng là của em.
Vũ cất tiếng thở dài :
- Nó cũng là của em, đúng vậy. Nhưng nhiều khi em thấy nản lòng. Bởi người ta không thể thay đổi nòi giống như thay quần thay áo.
- Nhưng đó là dân tộc của chúng ta. Có muốn chối từ cũng không được.
- Vì không thể từ chối nên con người mới đau khổ.
- Trên hành tinh này chắc chắn có nhiều giống người đáng phải đau khổ như chúng ta. Nhưng đa phần con người không ý thức được là họ cần phải đau khổ vì một điều gì đó , một hiện thực nào đó. Khi họ chưa hiểu được là có những sự thật đáng để cho con người đau khổ thì sự đau khổ ấy không tồn tại.
Ông buông một câu rất đỗi mơ hồ khiến Vũ đưa mắt nhìn ông dò hỏi. Nhưng dường như ông đang theo đuổi điều gì đó trong tâm trí, mắt thờ thẫn nhìn ra sân chùa. Vũ chờ đợi vài giây rồi đằng hắng :
- Anh nói rằng ...
- Tôi muốn nói rằng mọi dân tộc đều có mặt ưu thế và mặt khiếm khuyết. Nhưng để chấp nhận và dám nhìn thẳng vào những khiếm khuyết của bản thể là điều quá khó khăn.
Hai người im lặng. Vũ nhìn ông với cái nhìn khắc khoải :
« Anh đã quá già và quá nhiều đau khổ để còn nghĩ tới những vấn đề như thế. Đời người hữu hạn mà, hãy để cho dòng nước chảy xuôi. »
Còn ông, ông trầm ngâm nhớ tới một ngày xuân trên chiến khu Việt bắc. Lần ấy, đúng dịp Tết Nguyên Đán, cả cơ quan hè nhau làm những món ăn cổ truyền. Trong các món cổ truyền, đứng đầu bảng là tiết canh, lòng lợn. Không những chỉ riêng nhà bếp mà dường như toàn thể nhân viên cơ quan tham gia vào chuẩn bị cuộc ẩm thực quan trọng này. Buổi trưa, văn phòng mang lên cho ông một khay tiết canh lòng lợn. Thời chiến tranh, một miếng thịt cũng đã coi như bữa tiệc, bởi có những thời gian dài, cả cơ quan ăn sắn trừ cơm. Năm trước đó, bên đại đội báo vụ có một chiến sĩ phát điên vì phải ăn sắn liên tục sáu tháng. Cậu ta vốn con nhà khá giả chưa từng chịu đựng sự thiếu thốn. Sáu tháng trời không có một hạt cơm, một miếng thịt hay cá vào bụng, ngày nào cũng sắn, hết luộc lại nướng, hết nướng lại nấu canh xuông với muối và rau rừng, người trai đô thị này đâm ốm, da xanh bủng, bụng trướng như đàn bà có thai. Một sáng, khi nhìn thấy anh nuôi bưng lên mấy rổ lặc lè sắn luộc, chàng trai bỗng nhảy dựng như choi choi giữa sân, la thét inh ỏi tựa hồ bị quỷ ám rồi sau đó anh ta cởi bỏ hết áo quần, ôm đầu chạy tuốt vào rừng ...Sự việc ấy ám ảnh ông. Bởi vậy, ông ý thức được những nhu cầu của sự sống. Tuy thế, ông không thể nào ăn được cái món ăn bổ dưỡng cổ truyền kia. Ông nhìn
bát tiết đặt trên khay một cách chỉn chu. Một bát chiết yêu đầy tràn tiết đỏ, đông cứng như thạch, bề mặt rải đều lạc rang lẫn rau thơm thái vụn. Thêm vào đó là chiếc chén nhỏ xíu đựng ớt tươi. Cần vụ bưng khay thức ăn cung kính đặt trước mặt ông rồi chần chừ đứng lại dường như muốn xem ông ăn có ngon lành hay không, bởi vì đối với tất thảy mọi người đây hiển nhiên là bữa tiệc long trọng nhất trong năm.
- Để đấy cho tôi. Chú xuống nhà ăn trước với anh em ...
Ông đáp vồn vã để cho anh lính yên tâm đi ra. Còn lại ông với bát tiết canh, ông nghĩ kế thủ tiêu nó một cách kín đáo. Ông vốn sợ mùi máu từ nhỏ, cho dù nó được nguỵ trang bởi các loại mùi thơm khác nhau của gia vị, nào húng chó húng thơm rau răm rau mùi, nào hành hoa hành củ, nào lạc rang, ớt tươi giã nhỏ. Mỗi lần gia đình chọc tiết lợn, ông lỉnh ngay ra ngoài đồng. Không ai ép được ông ăn cái món ăn khủng khiếp ấy, cái món ăn mà người ta cho rằng đáng được ao ước nhất khi ngả thịt một con lợn, cái món mà các lão ông , lão bà đánh giá là « bổ cả âm lẫn dương ». Người ta riễu ông :
« Thằng này học khôn nhưng ăn thì ngu hạng nhất ».
Ông cũng không rõ vì cớ gì ông dị ứng với cái món ăn cổ truyền này đến thế. Rồi lúc thành niên, sống ở Paris, lần nào đó ông xem một cuốn phim phong tục châu Phi, nhìn thấy dân bản xứ chọc tiết bò rồi vục đầu xuống chậu, uống máu tươi còn nóng hổi, da ông bỗng sởn gai ốc, mồ hôi vã ướt sống lưng. Mặt ông hết nóng bừng rồi lạnh ngắt. Ông tưởng chừng những người xung quanh đang nhìn ông, phát hiện ra trạng thái tinh thần kì dị của ông, đoán được những ý tưởng thầm kín trong óc não ông ... Ông ngồi chết cứng trong rạp, cho đến khi buổi chiếu kết thúc, chờ những người khác đi vãn mới đứng lên. Bên ngoài, trời rét cóng. Mồ hôi trong lưng áo ông ướt lạnh khiến toàn thân run cầm cập. Ông phải quay vào phòng vệ sinh, lấy nhật báo lót cả trước ngực lẫn sau lưng rồi mới về nhà. Ban đêm, giấc mơ của ông đỏ nhoè máu. Những con vật bị chọc tiết, máu toé thành vòi, kêu thét, co giật, rãy giụa một cách điên cuồng và tuyệt vọng. Những cái miệng nhoe nhoét máu tươi. Những nụ cười cũng nhoe nhoét máu tươi ...Tất cả cùng đồng hiện, chồng chéo, quay đảo, khoan xoáy tâm trí ông. Lần đầu tiên ông hiểu nguyên do nỗi sợ hãi của mình từ thời thơ ấu. Giống như lần đầu tiên ông cầm đèn rọi sáng một căn hầm mà bóng tối kinh niên hù doạ con người. Nhờ cuốn phim phong tục châu Phi kia, ông tìm được một so sánh, một phóng chiếu. Ông biết rằng sự cảm nhận những khuyết tật của giống nòi cũng tựa hồ như cơn sốt. Phải chịu đựng nó trước khi có thể chữa khỏi.
Đêm ấy, không thể nhắm mắt ông đành ngồi dậy đọc sách cho tới sáng, khi những ngọn đèn đường trở nên trắng nhợt trong ánh dương.
Rồi bão tố cách mạng cuốn ông vào vòng xoáy. Nhiều năm, ông tưởng chừng không còn băn khoăn về những thứ mà ông coi là « khuyết tật của dân tộc ». Ông có quá nhiều việc phải toan tính. Cuộc đấu tranh giữa dân tộc của ông với những kẻ ngoại xâm luôn luôn là cuộc đấu không cân sức, mà cán cân bao giờ cũng ngả về phía ngoại bang. Trong tình thế ấy, ông không thể để tâm tới những tiểu tiết. Ông phải tập hợp dân chúng, bởi đoàn kết là sức mạnh duy nhất, nguồn năng lực duy nhất đem lại khả năng chiến thắng trong cuộc đọ sức chênh lệch này ...Vì đoàn kết, ông phải chiều theo cả những thứ trong thâm tâm, ông coi là « khuyết tật » ... Vì đoàn kết, ông phải giả mù nhiều phen trước những hành vi lỗ mãng những cách ứng xử hèn mọn mà ông biết chắc chắn đó là thói quen của sự phản văn minh .Vì đoàn kết, ông phải thoả hiệp với những kẻ mỉa mai sau lưng ông là « người trong máu có rượu Booc-đô ... »
Vào ngày tết trên chiến khu năm ấy, ông đã trút bát tiết canh vào chiếc ống tre vẫn dùng đựng nước, chờ đến chiều tà khi mọi người ra sân chơi bóng chuyền, mới đem ra nhà vệ sinh ...
- Anh làm sao vậy ?
Vũ cất tiếng hỏi đột ngột. Ông hiểu rằng ông vừa đưa tay lên ngực để chặn một cơn nhói trong tim :
- Thi thoảng, những cơn co thắt lại xuất hiện.
Ông đáp, và mỉm cười :
- Với tuổi già, mọi thứ đều khả thể, ngay cả cái chết. Cho nên, khôn ngoan hơn cả là phải biết chung sống với bệnh tật. Và những thất vọng ...
- Trước hết là những thất vọng.
Họ im lặng. Một khoảnh khắc chông chênh lướt qua không gian mùa xuân, thời khắc mà hơi ẩm đan xen ánh nắng tạo thành lớp bọt biển trong suốt. Họ cùng nghe tiếng véo von của một cặp sơn ca đâu đó vẳng lại. Rồi anh chàng cận vệ béo xuất hiện trước trước cửa chùa :
- Thưa chủ tịch, văn phòng vừa điện lên mời thủ trưởng Vũ xuống sân bay.
- Mấy giờ máy bay phải cất cánh ?
Vũ hỏi.
- Dạ, văn phòng không nói rõ.
- Chú quay lại gọi điện hỏi chính xác giờ bay .
Chú lính quay đi tức khắc.
Ngoài sân, nắng trải vàng như mật ong, màu vàng vắng lặng và ngưng đọng của đỉnh non. Cùng với màu vàng ấy, chẳng phải thứ không gian oi ả thường gặp nơi đồng bằng miền Bắc nhưng là làn hơi mát thanh cao êm ả, thứ khí hậu của mùa thu châu Âu. Ông bất giác nhắm mắt lại vì tưởng như đang còn lang thang dọc sông Seine vào mùa lá thay màu, những rặng cây hai bờ điệp vàng hay đỏ thắm, hắt lên khung trời ngọn lửa rực rỡ và mong manh. Những cây cầu trắng hiện lên trong sương mù dường như không thực bởi chúng chẳng dành cho những kẻ bộ hành mà chỉ được dựng nên cho các hoạ sĩ và thi sĩ. Ông thấy lại những sườn dốc xanh rờn vùng đồi Monmartre. Những ngọn đèn dọc phố và những mũi tên chỉ quán rượu bên đường. Châu Âu, một phần đời ông đã trải qua nơi ấy. Ông nhận biết nó bằng những cảm xúc đã ghi khắc đã vĩnh định trong da thịt, bằng vị rượu chát rẻ tiền trên lưỡi và tiếng ồn ã phố phường trong tai, bằng nỗi nhớ nhung màu nắng, màu trời. Những kỉ niệm tươi thắm của tuổi xuân kèm theo nỗi buồn xa xứ. Khi sống ở phương trời ấy, ông đã nhớ quê hương, ông đã thiếu vắng tổ quốc như si dại như điên rồ. Còn bây giờ, không biết vì đâu ông lại nhớ phương trời xa xôi đó ? Điều khó hiểu là lúc này nó lại trở nên một vùng thiếu vắng trong ông...Nỗi nhớ ấy càng ngày càng da diết, càng ngày càng khiến tim ông thổn thức. Buồn ơi, se sắt là buồn !...Nhớ ơi, cồn cào đau đớn nhớ ! Châu Âu ! Châu Âu ! Phải chăng đối với ông, châu Âu chỉ là cái cớ, bởi nó gợi cho ông tuổi trẻ đã qua. Phải chăng ông nhớ châu Âu vì ông nhớ những giấc mơ chưa thành, những con đường dang dở. Phải chăng châu Âu là vùng trời vừa thù nghịch vừa thân thiết và vì thế, nó sẽ là kẻ đồng hành thầm kín và dai dẳng cho đến phút xuống mồ ? Ông đã gắn bó với một miền đất vừa xiết bao gần gũi vừa vĩnh viễn không thuộc về ông ? Đây là bi kịch của riêng ông hay là nỗi khổ đau truyền kiếp của con người ?
- Thưa thủ trưởng, văn phòng nói máy bay cất cánh lúc bốn giờ đúng.
Chú lính đã quay lại báo cáo.
Vũ đáp một cách cộc lốc :
- Bảo văn phòng rằng bốn giờ tôi quay xuống, năm giờ bay cũng chưa muộn.
- Dạ.
Ông chờ cho cậu lính quay đi, bảo Vũ :
- Chú căng với họ làm gì ? Thời nào mà chẳng có nha lại ?
- Đôi khi cũng phải vả vào mặt họ một cái, để họ nhớ rằng chúng ta
là chúng ta. Không phải ai cũng biến thành đầy tớ của chúng nó.
- Lỗi không phải ở những con người nhỏ bé như vậy.
- Anh quên rằng mọi ngai vàng đều bị các đội cấm quân lật nhào, và những kẻ nhỏ bé không có nghĩa là chúng không nuôi những giấc mơ to lớn. Anh đã quên Quốc Tuỳ là ai ? Xuất sứ y chính là gã móc túi nhà nghề chợ Sắt. Bị đòn thập tử nhất sinh vì không chịu nộp tô cho trưởng băng một đêm y đã lén đâm chết đại ca khi gã này đang nằm trong giường nhà thổ. Rồi y trốn khỏi thành phố quê hương lang bạt vào Nam kì làm phu đồn điền. Ở đấy, y được giác ngộ đi theo cách mạng và trở thành thủ hạ của Sáu từ khi hai người cùng ở một xà-lim nhà tù Sơn la.
- Tôi tưởng y nhỏ tuổi hơn Sáu nhiều ?
- Chính xác như vậy. Chúng nó hơn nhau cả một giáp. Thế nên trong nhà tù, Sáu biến thành đại ca ruột của Quốc Tuỳ. Chúng cũng hành xử với nhau theo kiểu như vậy. Quốc Tuỳ thường đổ bô, giặt quần áo, và cả gãi lưng cho Sáu. Thế nên sau này Sáu mới bổ nhiệm y làm bộ trưởng bộ nội vụ. Đó là bộ quan trọng nhất, nhiều quyền lực nhất, ai cũng biết. Lúc đó, nhiều đồng chí thấy được nguy cơ đã phản ứng, nhưng Sáu thẳng tay đàn áp. Sức mạnh của y chính là ở chỗ y biết sử dụng những kẻ mà anh gọi là nhỏ bé . Rồi đến lượt những kẻ nhỏ bé này lại sử dụng những kẻ nhỏ bé hơn. Lý lịch tối ưu là phải thất học và đã từng là tội phạm. Sau thứ tối ưu này là phải thật sự nghèo khổ và ngu dốt, chồng con mẹ Tư hàng cá là ví dụ điển hình. Hai loại người này đều trở thành rường cột của Sáu. Chúng có thể làm bất cứ điều gì mà y muốn. Anh đã quên bản tổng kết của anh Lê Liêm ?
- Mọi sự đều quá muộn.
- Vâng ! Quá muộn !...
Ông nghe tiếng người đàn em nuốt nước bọt, dường như đang nuốt cục hận trong họng. Ông muốn nói điều gì đó để an ủi Vũ nhưng không tìm ra lời. Ông có thể làm gì cho Vũ và Vũ có thể làm gì được cho ông trong tình cảnh này ? Mọi bài toán đều bất khả. Nhưng ít nhất khi ngồi bên nhau họ cũng có được niềm an ủi thầm kín làm nguôi dịu nỗi đau. Ngoài sân, một cơn gió đi qua khiến cây vườn xao xác. Tiếng chim rừng hót dội từ bên kia vực hoà với tiếng lảnh lót của hoạ mi trong vườn chùa làm thành dàn giao hưởng êm đềm và hoang dã của núi non. Cớ chi non nước tươi đẹp như vầy mà lòng người đớn đau đến thế ? Từ khoảnh khắc nào ông biến thành kẻ phạm tội với chính ông, và những người ràng buộc với ông ? Ồ, câu hỏi này chưa ngừng hành hạ con tim già nua của ông, và có lẽ nó sẽ còn hành hạ ông tới lúc chết.
Một cơn gió nữa đi ngang bầu trời. Đám lá vàng bị gió cuốn bay lào xào qua sân. Dường như trời có vẻ lạnh hơn hay hơi nước từ các đám mây bao quanh chùa khiến ông rùng mình. Nắng trên sân đã ngả sang màu vàng nhạt. Rất có thể một cơn mưa xuân sẽ ào tới trong vài phút nữa :
- Có lẽ chú phải xuống núi ; tôi e trời mưa.
- Vâng, em cũng phải về vì còn nhiều việc chờ đợi. Vả lại, máy bay chỉ đăng kí nội trong ngày.
Nói đoạn Vũ nhìn vào mắt ông :
- Anh Cả yên tâm tĩnh dưỡng. Mọi sự vẫn như thường. Dù thường xuyên sống ở nơi sơ tán, thằng bé vẫn học rất giỏi. Nó vừa giật giải toán Marie Quyri trong kì thi khối trường trung học toàn thành phố.
- Cảm ơn chú.
- Có điều này nữa, em cũng phải nói thật với anh.
- Tôi nghe.
- Trung đã đến tuổi biết suy nghĩ, động tâm về mọi chuyện. Để tránh cho cháu những đau buồn, em phải nói với nó rằng nó chính là con của em, con ngoại hôn.
- Chú làm như vậy là rất đúng. Con ngoại hôn còn sung sướng ngàn lần hơn đứa trẻ không mẹ cũng không cha.
Họ cùng đứng dậy, một người cúi đầu nhìn xuống những viên gạch cũ kĩ lát nền chùa, một người nhìn ra ngoài trời, nơi những vẩn mây tê tê đang tụ lại thành bức tường mây trắng.
**********
 Phần 9
Đêm hôm ấy, ông đi ngủ rất sớm.
Khi bác sĩ tới thăm mạch cho ông đã thấy cửa đóng, đèn tắt. Hai người lính gác ca đêm đứng trước hiên. Những ngọn điện đầu hồi rọi sáng một nửa mảnh sân chùa và các lùm cây ở rìa khu vườn. Bác sĩ không dám hát vì sợ kinh động giấc ngủ của ông nên quay về phòng lấy cỗ bài Tu-lơ-khơ, rủ hai chàng lính chơi.
- Nhớ là không được cười to cũng không được la hét. Nếu sướng quá thì phải bụm môi, che miệng rồi mới được cười. Ai thua sẽ bị vẽ râu nhọ nồi lên mặt nhưng tuyệt đối phải im lặng, nhớ chưa ?
- Tuyệt đối tuân lệnh bác sĩ.
Trong phòng, ông nghe tiếng họ thì thầm, tiếng lục cục kê bàn ghế và tiếng chân bác sĩ đi qua mảnh sân xuống khu vực bếp nhà chùa. Chắc hẳn cậu ta đi lấy nồi để vẽ râu người thua. Rồi khi mọi sự chuẩn bị đã xong, đám người ngồi vào chia bài, sung sướng sống với cuộc đỏ đen vô hại của họ. Từ lúc ấy, ông không còn nghe thấy một thứ tiếng nào khác ngoài tiếng thét của chính tâm hồn mình :
« Con ơi, con của ta ơi ! Con trai của ta ơi ! »
Nước mắt hai bên thái dương ướt lạnh. Ông lấy chiếc gối đè lên mặt để những cơn nức nở khỏi bật lên :
« Tại sao ta lại khóc như một người đàn bà tầm thường trong những gia đình tầm thường nhất ? Từ bao giờ xảy ra cái sự kì cục này ? Chẳng lẽ tuổi già làm cho con người đổi thay đến vậy ? »
Ông tự sỉ mắng mình nhưng chỉ vài giây sau, con tim ông lại thét lên :
« Con ơi, con trai của ta ơi ! ».
Và cùng lúc, nỗi thiết tha cháy bỏng được nhìn thấy mặt thằng bé khiến ruột ông quặn lên từng hồi :
« Nó có cao hơn đứa con người tiều phu hay cũng vậy ? Và gương mặt nó giờ đây ra sao ? Ta chỉ còn lưu giữ hỉnh ảnh nó khi tròn ba tháng. Chẳng ai ngờ đó là lần gặp cuối cùng. »
Ông hình dung lại gian nhà gác nơi phố cổ, lối vào phải qua một hành lang dài lúc nào cũng có ba người túc trực trong quần áo dân thường. Hành lang ấy hẹp và rất tối, kéo dọc theo một bức tường dầy, làm ranh giới ngăn cách với một ngôi nhà khác, thuộc một thương gia. Người thương gia này mở cửa hàng buôn bán ở tầng dưới, nàng ở tầng trên cùng với người chị gái. Một cây cầu thang đồ sộ chạy hình xoắn ốc với hàng lan can gỗ dẫn từ hành lang âm u đó lên tầng trên, nơi những căn phòng cao ráo tường quét vôi xanh nhạt. Căn phòng ấy một thời ngắn ngủi là tổ ấm của ông. Tổ ấm, chưa kịp ấm đã tan tác theo gió cuốn ... Giống như sao chổi, hạnh phúc lướt qua đời ông. Ông chưa kịp nhìn rõ , nó đã biến mất. Hạnh phúc, cũng như cát trong lòng bàn tay ông. Chưa kịp nắm tay, cát đã trôi tuột qua các kẽ ngón ...
...Nhưng dẫu sao, nó vẫn là hạnh phúc ....
Ông tưởng đã quên, nhưng nó quay về. Ánh hồi quang của một ngày xuân cũ. Tia chớp rọi chiếu trong khoảnh khắc hình ảnh thiên đường đã qua ....Gian phòng xưa . Chiếc giường xưa. Thằng bé đạp lung tung trong đống tã trắng. Nó mỉm cười với ông. Cặp môi đỏ cong lên hóng chuyện. Và nàng !...Nàng ngồi phía cuối giường. Ngón tay nàng cuốn sợi len đỏ. Những búp len nhỏ nhiều màu sắc bừa bộn xung quanh. Nàng làm gì với những múi len ấy nhỉ ?
Giờ thì ông nhớ ra rồi, nàng cuốn len làm con búp-bê mới để treo lên quang nôi cho thằng bé chơi. Con búp-bê cũ đã bị chị nó làm hỏng từ vài tuần trước. Nàng kể lại như vậy, vì hai ba tuần ông mới tới thăm mẹ con nàng một lần.
Khi nghe nàng kể chuyện, ông hỏi con gái của ông đâu. Nàng nói rằng nó đã đi ngủ với dì Đông. Ông không hỏi gì thêm nữa và nàng phụng phịu nói rằng ông thương thằng Trung hơn con Nghĩa, rằng như thế là ông còn trọng nam khinh nữ, ông vẫn sống theo kiểu người phong kiến. Ông mỉm cười vì nàng nhắc lại cho ông nghe đúng những bài tuyên truyền mà đám cán bộ tuyên huấn dạy nàng. Và chính ông đã dạy họ. :
« Cách mạng sẽ dựng nên một xã hội mới, trong đó mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không phân biệt sắc tộc, tôn giáo và giới tính. ».
Ông không biết nàng nói gì, bởi ông chỉ chăm chú nhìn làn môi thơ trẻ của nàng phụng phịu, ông nhớ lại cặp mắt bồ câu đăm đăm nhìn ông qua ánh lửa đêm rừng. Ông mỉm cười nghe bài diễn thuyết của nàng trong khi thằng bé đang đạp nhoáy nhoáy giữa đống tã trắng. Ông mải mốt nhìn nó, thấy là nó đã thừa hưởng những nét trội nhất của nàng lẫn của ông :
« Nó sẽ vô cùng khôi ngô. Nó sẽ trở thành một chàng trai bảnh bao lịch duyệt. ».
Chắc chắn là nàng đã nhận ra vẻ thiên vị ấy nên một lần nữa nàng nhắc lại :
- Chủ tịch phải yêu cả hai đứa một cách công bằng chứ ?
- Ồ ...đương nhiên. Con nào cũng là con ...
     Ông đáp cho nàng vui lòng. Thực ra ông cũng rất yêu Nghĩa, con bé giống hệt người chị mà ông yêu quý nhất trong gia tộc, mà người chị ấy lại giống ông như hai lưỡi cày đúc cùng một khuôn. Bởi vì nó là hình ảnh của chính ông nên phải chịu thiệt thòi. Trong đứa con trai, ông tìm thấy hình ảnh nàng, người yêu dấu.
Bây giờ, nàng không còn nữa. Không còn ai phụng phịu hờn dỗi vì sự thiên vị của ông, nhưng chính ông nhận ra điều đó :
« Ta có hai đứa con, một gái một trai, đứa nọ hơn đứa kia có một tuổi. Vì cớ gì ta chỉ nhớ đến đứa con trai ? Ta, kẻ vẫn dạy mọi người về sự bình đẳng giữa nam và nữ ? »
« Nhưng sự nguy hiểm dành cho con trai ta nhiều hơn là con gái. Do đó tội trạng của ta đối với nó chắc chắn cũng nhiều hơn. Vì lý do ấy, nỗi ám ảnh thường trực là nỗi ám ảnh về đứa nhỏ. »
Ông tự bào chữa.
Cho dù lời bào chữa ấy vô cùng yếu ớt, ông cũng không quay trở lại lục vấn trái tim mình. Vô ích. Bởi tất thảy những ngả đường suy tư đều dẫn ông quay về chốn cũ. Ông nhớ con trai điên cuồng. Sau mười năm tưởng đã có thể quên, nó bỗng quay lại, trở thành nỗi đau thường trực, trở thành vết rách há miệng trong con tim ông. Giấc mơ quên lãng đã tan như đám mây trước mặt trời và lúc này, một khát khao thiêu đốt :
« Giờ đây nó ra sao, con trai của ta ? Nó có bao giờ tự băn khoăn về lịch sử bản thân hay sống dưới vòng tay bảo trợ của chú Vũ, nó tin đinh ninh rằng nó là con trai của một liệt sĩ mai danh ẩn tích, và bây giờ là đứa con ngoại hôn của chính người cha nuôi ? Nó sẽ tin như vậy. Tin như vậy, ít nhất nó cũng tìm được một nơi bấu víu. Con ngoại hôn ? Có lẽ số kiếp đã tiên liệu vì cuộc tình giữa nàng với ta là cuộc tình ngoài lề luật. Những cuộc tình ngoài lề luật ắt phải cho ra đời những đứa trẻ ngoại hôn. Tội nghiệp thay cho tất cả chúng ta, những kẻ lâm nạn trong trò chơi oan nghiệt này. Giờ đây đứa con ngoại hôn của ta ra sao ? Nó giống nàng hay giống ta, hoặc còn giữ nguyên vẹn những nét lai thuở ba tháng tuổi ? ...Da nó có được trắng như mẹ nó hay không ? Sau lưng nó liệu có cái bớt chàm như cái bớt trên lưng ta, vì chị Thanh nói rằng chỉ khi ta hơn mười tuổi, cái bớt ấy mới xuất hiện. ».
Những nghi vấn đắm đuối ấy ông không thể nói với ai, ngoại trừ nàng. Ông biết người ta theo rõi từng lời ông phát ra khỏi miệng. Ngay một khi ông liều lĩnh nói với Vũ, Vũ cũng không thể đem ảnh Trung lên, bởi Vũ cũng bị theo rõi ráo riết như ông. Nếu để lọt ra một dấu hiệu chứng tỏ lòng ông còn tha thiết, thằng bé sẽ còn bị sử dụng như một thứ vũ khí đắc lực hơn nữa trong tay kẻ thù.
Biết rõ như vậy, mà ông vẫn không thể dẹp đi cơn khắc khoải :
« Cha già con cọc là thế này đây. Kẻ tiều phu xấu số kia có bị dày vò như ta vào lúc này ? Không ! Không !...bởi ông ta đã chết ngay trong võng, trên đường trở về nhà. Như vậy, nếu có lo âu, đau khổ, ông ta cũng chỉ nếm trải cảm giác ấy trong vòng một vài giờ , chưa kể là ngay trong thời gian ngắn ngủi đó, cơn đau sẽ làm não ông ta tê liệt. »
Phụ tử tình thâm, lần đầu tiên ông thấu hiểu ý nghĩa câu nói ấy.
Thời thơ dại, ở tuổi làm con, tâm hồn ông còn chưa hướng tới một chân trời xa xôi, tai ông chỉ nghe tiếng gió thổi trên giải đất quê hương, mắt ông chỉ đăm đăm nhìn về mái tranh tổ phụ. Công cha, nghĩa mẹ, ông chỉ biết tới những thứ tình cảm ấy như mọi con người bình thường khác. Nhưng rồi những thứ tình cảm cốt tuỷ ấy trở nên mờ nhạt hơn, sao nhãng hơn khi con tim ông quay về một mối tình rộng lớn và trừu tượng :
Đất nước. Dân tộc. Xứ sở ...
Những danh từ ấy gợi nên sự vĩ đại, sự siêu tuyệt ...Mọi thứ siêu tuyệt đều trừu tượng. Cách mạng là một thứ gì đó còn vĩ đại hơn, siêu tuyệt hơn. Và vô hình hơn ..... Và vô nhân tính hơn ... Ông nhớ rằng năm cách mạng thành công, người chị ông từ xứ Nghệ ra thăm, ông đã không dành được một buổi để hàn huyên với người đàn bà mà ông vốn coi như người mẹ thứ hai thời ông còn thơ dại. Người đàn bà ấy suốt đời là gái trinh. Gái trinh cho tới lúc chui vào cỗ quan tài. Cuộc đời bà là sự hy sinh trọn gói cho những người thân thuộc ...Không được đứa em tiếp đón, chẳng nửa lời than thở, chị ông lẳng lặng khăn gói ra về ...Ngày ấy, con tim ông đã một lần bị cứa rách ...Nhưng rồi ông buộc phải quên ...Và ông đã quên ... Suốt cuộc đời ông, ông đã quen chấp nhận và thi hành sự quên lãng. Sự quên lãng được chỉ định. Sự quên lãng được tiêu chuẩn hoá. Sự quên lãng được kế hoạch hoá...
Nhưng lần này, ông không thành công. Những con tầu bị đánh chìm bỗng trồi lên mặt biển, hú còi. Những thây ma dưới đáy bùn đại dương không thể thối rữa đã trồi lên mặt nước, dập dềnh, quăng quật trên đỉnh sóng. Tất thảy địa ngục của ông là ở đây :
Bỗng dưng ông muốn làm cha !...Bỗng dưng ông không thể chấp nhận quên lãng. Bỗng dưng ông nhớ đứa con trai và hình dung ra dáng vẻ của nó từng giờ. Bỗng dưng ông thèm muốn được nhìn thấy nó, dù phải đứng từ xa, dù phải ẩn núp sau một bụi cây hay bức tường nào đấy ; vô danh vô diện và tủi hổ như một gã đàn ông giăng gió đẻ vãi đẻ rơi đến lúc về già ăn năn sám hối tìm cách nhìn trộm giọt máu lạc loài của chính mình ....
Ngay cả khi cuộc gặp gỡ vụng lén ấy chỉ xảy ra một lần, một lần duy nhất trước khi cái chết đến chào ông.
Tất thảy những nhớ nhung, ước muốn, dằn vặt tạo thành một vòng vây định mệnh mà ông không bước chân ra nổi. Nhà tù của chính ông. Pháp đình của riêng ông, nơi ông là phạm nhân lẫn quan toà. Sao trời đầy đoạ ông đến nông nỗi này ? Tự nơi nào cơn điên rồ ập tới xáo lộn tâm trí ông, dằn vặt thân xác ông, xé nát con tim ông. ?
Phụ tử tình thâm !...
Giờ đây ông mới biết đến đoạn trường. Cổ nhân nói « Nước mắt chảy xuôi » là thế :
« Tình hiếu đễ với mẹ cha không thể so bì với mối yêu thương xa xót trong tâm hồn kẻ làm cha đối với con mình. Bởi khi ta yêu kẻ sinh thành ta ngước mắt lên. Còn khi yêu những đứa con mắt ta nhìn xuống. Và những dòng lệ bao giờ cũng chảy xuôi theo luật của đất trời. Vả chăng, khi ta đã tự nhận ra mình là người cha tội lỗi. Địa ngục sẽ mở cửa chính ngay lối vào con tim. »
Nỗi khổ đau này xưa cũ như trái đất. Ông đã tưởng có thể vượt qua con sóng tình thường hằng của nhân thế, nhưng giờ đây chính con sóng ấy cuốn vùi ông. Đã có những tháng năm ông tưởng chừng có thể quên đi nỗi đau nhỏ bé của riêng mình, tưởng chừng có thể thâu gom toàn bộ sinh lực để cống hiến cho đất nước. Đã có những tháng năm ông thi hành sự quên lãng khá thành công. Nhưng sự lãng quên cũng là một đối thủ có trí nhớ dai dẳng và khả năng phục thù bạo liệt. Giờ đây, ông mới lãnh nhận những ngọn đòn đánh trả. Bởi cuộc sống muôn đời chỉ là dòng sông trôi giữa hai bờ lãng quên và mong nhớ. Con thuyến nhân thế mong manh lèo lái, chỉ cần cơn gió đổi chiều hay gặp khúc nước xoáy, ắt con thuyền bập bềnh sẽ quay mũi tấp sang bờ bên kia.
« Ta tưởng chừng cuộc sống đã an bài...ta tưởng chừng đã đặt xong con toán và chẳng còn gì hồ nghi nữa. Vậy mà giờ đây mọi thứ đã đổi thay. »
Giờ đây, con thuyền cuộc đời ông bị gió cuốn từ bờ lãng quên sang bờ mong nhớ. Ông không còn khả năng giả vờ sống cuộc sống thanh thản của thánh nhân. Ông buộc phải quay lại với mọi nỗi đau khổ bình thường, chìm đắm trong mọi nguồn lạch của cuộc sống bình thường mà đã từ lâu ông từ chối.
Phải chăng nhân loại đã nhìn thấy cái địa ngục này trước ông cho nên họ vượt qua một cách dễ dàng. Còn ông, nó mở ra khi sức lực không còn nên vị chát càng thêm đậm ?
Ôi những câu hát xưa não nùng thống thiết. Những câu hát ấy chỉ lọt đến tai ông khi mặt trời đã sắp tàn :
« Cha ơi cha sao cha nỡ rời bầy con trẻ
Nắng hè chưa qua mưa thu đã tới
Rồi mùa đông đem gió bấc trở về
Cha đi rồi, mái nhà mất nóc
Ai là người dang tay che chở đám thê nhi ? »
Ông mường tượng như trước mắt mình có gần ba mươi cái đầu quấn khăn tang trắng. Những đôi mắt đỏ hoe, sưng húp lệ. Những tiếng kêu than đồng loạt cất lên ; đều đặn điểm nhịp như điệp khúc trong bài ca ly biệt. Cả đội quân ấy túc trực hai bên quan tài ; xung quanh là những ngọn lửa nến ròng ròng và bát cơm đội quả trứng luộc cắm cây bông tre nghi ngút khói hương :
« Khi ta chết liệu con ta có ai than hời như đám con ông lão tiều phu kia than hời cha nó ?
Ồ không, hai đứa con ta sẽ đứng trong đám đông ồn ào, và thì thầm : « Chủ tịch đã chết »...Hoặc văn vẻ hơn nếu người ta dạy chúng : « Chủ tịch đã từ trần. ». Nếu chúng có nhỏ vài giọt nước mắt thì đấy sẽ là những giọt lệ lây lan vì nỗi buồn tập thể, một hiệu ứng dây chuyền, giống như người ta thường hắt hơi khi thấy người bên cạnh hắt hơi hoặc người ta có thể cười sằng sặc, cười đến ngạt thở vì lây lan cơn cười của đám đông bao quanh họ ...
Các con ta sẽ không bao giờ biết rằng cái ông chủ tịch kia chính là kẻ đã tác tạo nên chúng, rằng máu chảy trong huyết quản chúng là máu của ông ta, rằng da thịt chúng có cùng một kết cấu tế bào như da thịt của ông ta, rằng tim óc gan phổi cho đến mầm mống bệnh tật hay thói quen của chúng cũng từ con người ấy mà ra. Chúng sẽ không bao giờ biết điều đó.
Thân phận ta thua kém xa thân phận lão tiều phu xóm Tiều Phu, bởi xét cho cùng , ông ta vẫn là người hạnh phúc. Một người cha thực thụ, có quyền uy thực sự. Ông ta biết rõ ông ta muốn điều gì, có quyền làm điều gì, và cần thiết phải thi hành những phận sự gì ? »
Tấm chân dung người đã khuất lại hiển hiện trước mắt ông. Ông nhớ rõ cặp mày lưỡi mác tuyệt đẹp trên đôi mắt vừa niềm nở vừa thách thức. Vẻ ngạo nghễ trong cách nhìn ; sự từng trải và lòng cương quyết hằn trên khoé môi sâu như vết chém, cái mũi sổ thẳng một đường như ống tre. Đặc biệt là bộ râu quai nón dài rậm, đen
nhánh, loăn xoăn như râu người phương tây bao quanh khuôn hàm lớn vuông vức, kiểu hàm Từ Hải, người ta thường gọi là hàm én :
« Kẻ quê mùa này chính là người dám đối đầu cùng số phận. Ngay khi đã nằm trong quan tài, ông ta vẫn giữ vẻ ngang tàng của kẻ bất chấp mọi trở ngại trên đường đi. Còn những câu hát đưa vong buồn thảm kia ...liệu chúng có làm tan nát con tim kẻ vừa nhắm mắt ? Ồ không, hoàn toàn không. Người tiều phu kia đã từng là người cha hạnh phúc, bởi ông ta đem lại hạnh phúc cho đứa con trai. Có lẽ câu hát này phải dành cho ta , cho riêng ta !... »
Ông nghĩ với niềm chua chát, và nỗi chua chát này khiến nước mắt ông tiếp tục tuôn tràn. Những dòng lệ bò ngoằn ngoèo qua hai thái dương, luồn vào đám tóc :
« Lão tiều phu kia là người cha xứng đáng. Ít nhất, ông ta cũng đã nuôi đứa con trai út đến tuổi mười ba. Mười ba năm ấy, khi giông gió, khi nắng hạ, mưa đông , ông ta dang tay che chở. Đứa con trai ấy được nếm vị ngọt của tình phụ tử, nó được an toàn hưởng thụ một cuộc đời êm ấm trong tuổi ấu nhi... Lão tiều phu ấy đáng mặt bậc làm cha. Kẻ chất phác ấy chính là tấm gương để ta phải tự hổ thẹn cho tới lúc xuống mồ. Tại sao ta lại đặt lên cõi đất này những giọt máu lạc loài, những đứa bé chơ vơ không cha không mẹ. ? Sinh con mà không bảo vệ được con, thật không đáng là loài cầm thú.Về phương diện ấy, ta là một người cha vô trách nhiệm và vô năng. Hơn thế nữa, ta đã để cho bọn bất lương săn đuổi chúng như thú dữ săn đuổi con mồi. Cái chết chạy sau lưng chúng như hình với bóng. Vậy thì, chẳng những là một người cha bất lực, ta còn là một kẻ thiếu lương tâm. »
Những cơn đau dâng lên từng đợt, dường như có kẻ nào đấm thốc từ dưới cơ hoành dội lên tim. Và những cú đấm ấy mỗi lúc mỗi tàn bạo, mỗi lúc mỗi dồn dập. Chủ tịch chợt nhớ tới một võ sỹ thượng thặng da đen Mỹ, con người nổi tiếng nhất hành tinh vào thời ông trai trẻ. Trong phòng tập, con người này thường có tật nhếch mép sau mỗi một cú đấm. Mỗi lần chiếc bao cát bị đấm tung lên, mặt ông ta lại co rúm và cặp môi lại co giật , một cử chỉ nửa như nụ cười bất đắc dĩ, nửa như cơn co thắt của con bệnh tâm thần ; và gương mặt ông ta lúc ấy có một vẻ đau đớn kinh dị :
« Trái tim ta giống như chiếc bao tải cát kia trước những cú đấm của một kẻ vô hình. Kẻ vô hình này mỉm cười sau mỗi cú đấm của y. Một nụ cười thực sự, thay vì cơn co thắt của con bệnh tâm thần. »
Liệu ông có nên đứng dậy bật đèn, gọi bác sĩ ?
Nhưng nếu thế, chắc chắn anh ta sẽ phát hiện ra là ông khóc. Chẳng những khóc, mà ông đã khóc từ lâu, khóc rất nhiều. Tóc hai bên mang tai còn ướt, chiếc gối ông úp mặt cũng ướt, mi mắt hẳn đã sưng. Những dấu vết ấy không thể xoá đi một cách mau lẹ :
« Ta cũng đã quá già, sống làm gì thêm nữa trong tình cảnh này ? »
Bỗng nhiên, ý tưởng đó đến với ông. Giống như tiếng thở dài từ thăm thẳm muôn trùng vẳng tới. Nhưng ông không kinh ngạc. Chẳng có gì đáng kinh ngạc. Hoàn toàn trái ngược lại cảm giác của chính ông khi nghe tiếng gọi thống thiết của đứa con trai người tiều phu xấu số. Tiếng gọi ấy vọng động tới một tiếng gọi câm nín. Tiếng gọi bị bóp ngạt của đứa con ông. Đứa con ông không còn biết mặt. Đứa con ông đã cố tình bỏ rơi và cố tình quên lãng ...
**********

Phần 10
- A ha ha ha ....
Tiếng cười của bóng ma nào đó bùng nổ bên tai ; nói đúng hơn là một trận cười như mưa rào quất trên mái tôn ngày giông bão. Điệu cười rất lạ bởi nó kèm theo những cơn rung khào khào trong cuống họng như tiếng gừ của đám mèo hoang. Tiếng cười ấy như vọng ra từ một nấm mồ sâu hun hút, rộng thênh thang, hoặc từ một lâu đài hoang chôn vùi trong lòng đất :
« Ai nhỉ ? ...Ai là người có giọng cười ghê rợn ấy ?»
Ông cố lục tìm trong trí nhớ xem đã từng gặp con người có điệu cười kì lạ kia ở nơi đâu ?..Giọng cười ấy ẩn chứa tiếng gầm gừ của thú dữ lẫn tiếng rít của gió quẩn nơi vực tối ...Dường như lạ, dường như quen ...
- A ha a a ha ha ha ...
Cơn đau biến mất bởi ông dồn tâm trí vào tìm kiếm điệu cười ma quái ...Nhưng ông không tìm được ai. Lúc này, kẻ nhạo báng kia cất tiếng :
- Ngươi không nhận ra ta thật sao ?
Ông bỏ chiếc gối ra để nhìn trân trân vào khoảng không gian tối mờ của gian phòng. Rõ ràng là ánh điện bên ngoài vẫn hằn lên những vệt sáng nơi các khe cửa. Tiếng cười rúc rích của đám người đánh bài vẫn khe khẽ vọng vào căn phòng của ông. Chẳng có gì khác biệt hơn :
- Xin lỗi, tôi không nhận được ra ông.
Ông đáp.
- Ngươi cố thử lần nữa xem sao ?
Kẻ nhạo báng kia đối lại. Giọng y nhỏ và eo éo như giọng nói của kẻ lưỡng dục.
- Xin lỗi, tôi không thể.
Ông cố gắng lặp lại một cách nhũn nhặn.
Tiếng cười lại rộ lên từng cơn dài, và lần này, ông nhận ra gương mặt to béo, tròn như chiếc bánh bao của người cầm lái phương Bắc. Chủ tịch Mãn, kẻ quyền hành vô song một góc trời đông. Đã lâu ông không gặp ông ta nên có đôi phần bỡ ngỡ. Tuy nhiên, chủ tịch Mãn còn đang sống sờ sờ, ông ta sinh vào năm Quý Tỵ, kém ông hai tuổi . Con người đầy mưu ma chước quỷ này đang lãnh đạo cuộc cách mạng văn hoá Trung hoa, nói cho đúng hơn ông ta đang thực thi một cuộc thanh trừng tàn khốc chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Ông hoàng đế ngoại hạng đang diễn đủ thứ trò để dân chúng thấy sức khoẻ vô địch của ông ta, mà vở diễn nổi tiếng nhất là « Bơi qua Dương tử giang » Tại sao giờ đây ông ta lại xuất hiện dưới dạng bóng ma ? Tại sao ông ta lại mượn hình dáng của những cư dân chốn U tì ? Tò mò, ông căng mắt chăm chú nhìn kẻ đối diện và dần dần quen với những đường nét mới của ông vua phương bắc. Gương mặt chủ tịch Mãn lơ lửng trong không gian, cặp mắt nheo nheo vui vẻ, lằn môi đang còn nhếch lên trong dư âm của một nụ cười ngạo nghễ.
- Chào đồng chí ..
Ông cất lời :
- Ông từ đâu đến đây, người anh em vĩ đại ?
- Ta vĩ đại nhưng ta không là anh em với ngươi. Cũng đừng gọi ta là đồng chí bởi khí sắc của từ này đã phai tàn. Từ ấy đã chết. Nó biến thành xác thối từ lâu ...
- Xin lỗi ...
- Xin lỗi. Cám ơn. Nếu điều đó khiến ngài vui lòng....Ô, những công thức lịch lãm mà ngươi đã thuộc lòng ! Ô...món pho-mát phương tây bốc ra mùi thối tai !
Chủ tịch Mãn cất tiếng cười to hơn, và lần này, phô ra hai hàm răng nhỏ màu vàng ngà giống như răng một người đàn bà thôn quê ít vệ sinh và lười chải chuốt. Mắt ông ta nheo lại trong một cái nhìn đầy riễu cợt và khinh bỉ :
- Ngươi lịch sự lắm ...thứ lịch sự vô dụng và xảo trá của bọn da trắng. Còn ta, ta bất chấp mọi lễ nghi, ta dày xéo lên mọi quan niệm và phong tục, ta áp đặt lên tất thảy giống người luật lệ của riêng ta.
Ông ta cất tiếng cười to hơn nữa và lần này, hơi thối nồng nặc xông ra từ cái mồm mở rộng.
Bình thường, chủ tịch Mãn không bao giờ há rộng miệng. Nói hay cười, khuôn miệng ông ta cũng chỉ mở ra đúng một mức độ cần thiết và mức độ này đã được chính ông ta đong đếm. Mọi người đều biết rằng chủ tịch Mãn không bao giờ đánh răng, với niềm tin rằng hổ có sức mạnh bởi vì hổ không bao giờ đánh răng. Chắc ông ta cho rằng sự bắt chước này sẽ mang đến một năng lượng thần thánh , khiến ông ta có thể vô địch như mãnh thú. Chỉ có điều khác biệt là hổ thường há miệng thật to khi ngáp cũng như khi gầm. Còn chủ tịch Mãn hành sự ngược lại. Phải chăng đó cũng là một chỉ định có tính huyền bí chỉ riêng ông ta biết ?
Hết cơn cười ngạo nghễ, người cầm lái vĩ đại nói tiếp :
- Từ đồng chí đã chết rồi. Cùng chết đi với nó là mọi tấn tuồng thời ấy. Giữa ta và ngươi chỉ có thể vĩnh viễn là Vương triều và Chư hầu Bách Việt mà thôi. Một hòn đá không đổi thành một lưỡi rìu cho dù người ta gọi nó như vậy. Chỉ có những kẻ ngu mới tin vào trò phù phép biến giấy trắng thành chim bồ câu. Ta tưởng ngươi khá hơn ?
- Tổ tiên tôi dạy rằng : « Bẩy mươi chưa đui chưa què chưa khoe làm tốt » Ai cũng có thể nhầm lẫn cho đến tận lúc bước tới trước cửa mồ.
- Sự khiêm tốn dù thành thực hay giả vờ đều là trò chơi của hạng người vô năng hoặc thấp cổ bé họng. Ngươi có thấy trong lịch sử một hoàng đế hùng mạnh nào phải kiêng dè trước thứ dân không ? Có thể ngươi sẽ nhắc đến vua Nghiêu, vua Thuấn. Hai cái thây ma tưởng tượng này được bầy đặt là để an ủi đám nhân sĩ giá áo túi cơm. Nghiêu Thuấn cũng giống như chủ nghĩa cộng sản. Ấy là những thứ quần áo giấy người ta đốt cho các hồn ma. Người sống không mặc được . Chúng chỉ là những đồ vật dùng chơi hay loè thiên hạ. Về phương diện là đồ chơi thì chúng hữu ích. Giống như bọn nông phu dùng cái cào cào thóc, dùng cái hái để cắt lúa, ta sử dụng những thứ đồ chơi tương thích này để lùa dân chúng vào những nơi ta muốn họ phải đến, buộc họ làm những gì ta muốn họ phải làm. Lý thuyết cộng sản tốt hơn những rừng mơ của Tào Tháo nhiều lần.
- Điều ấy tôi biết rõ, bởi ông đã từng gọi binh lính là các đồng chí hồng quân khi ông muốn làm cuộc vạn lý trường chinh. Rồi ông lại kêu gọi đám dân cày là các đồng chí nông dân, nòng cốt cách mạng, bệ phóng tương lai của đất nước... khi ông muốn lùa họ ra đồng hò hét, đánh đuổi chim sẻ như những kẻ mắc chứng tâm thần hoặc như lũ rối gỗ. Khi ông ép họ nhổ lúa, cho lợn ăn phân trâu, hoặc bỏ ruộng hoang mở lò nấu gang nấu thép, họ lại được tôn vinh là giai cấp nông dân thần thánh, là động lực tiến hoá của nhân loại. Với xảo thuật tung hứng các mỹ từ, ông đã thực hiện tất thảy những trò chơi rồ dại nhất và cũng độc ác nhất mà chưa vua chúa nào trong lịch sử dám làm. Những bài học ấy, tôi nhớ rất rõ. Bởi chính chúng tôi cũng đã từng học theo các ông và phải trả giá. Dẫu rằng cái giá ấy không quá đắt như cái giá mà nhân dân ông đã chịu.
- Nhân dân, đó là những quân cờ gỗ trong ván cờ lịch sử, việc của nó là phải hữu ích trong trò chơi. Nếu không còn dùng được thì phải ném vào lò mồi lửa.
- Vâng, điều này tôi cũng biết. Mấy chục triệu Hồng vệ binh rồi đây sẽ được dùng làm mồi cho lửa, sau khi họ hết phận sự trong trò chơi. Cả điều này nữa tôi cũng đã mường tượng ra từ lúc khởi sự cuộc cách mạng văn hoá ở phương bắc. Lịch sử Trung hoa đã thực thi nhiều lần kiểu « Dụng binh thí tốt », nhưng với quy mô của cuộc cách mạng văn hoá lần này, ông sẽ là bạo chúa vĩ đại nhất trong sử sách.
- Phi tàn bạo bất thành anh hùng. Ngươi đừng quên câu nói ấy.
- Tôi không quên. Nhưng có thể tôi bất khả. Địa vị của tôi, tôi sẽ vô cùng kinh hoảng khi thấy những cư dân của mình ăn xác chết hoặc đánh gục nhau để lấy miếng ăn...Đôi khi tôi ngờ vực, chẳng đủ can đảm để tin vào những gì đang diễn ra trước mắt mình : Phải chăng ông không biết rằng nông dân trong nhiều tỉnh Trung hoa đang chết đói. Ở những vùng ấy người ta ăn cỏ như trâu bò hay lợn hoang ? Các gia đình trao đổi xác chết những người thân cho nhau để khỏi ăn thịt chính kẻ đã sinh thành ?
- Giống người là giống ăn thịt lẫn nhau. Điều này diễn ra thường xuyên trong lịch sử nhân loại và trên xứ sở của ta. Ngươi quên chuyện Võ Tòng do vô tình mà ăn bánh bao nhân thịt người hay sao ?
- Tôi không quên, nhưng tôi nghĩ đó là chuyện xảy ra từ hàng ngàn năm trước. Và con người cố gắng tranh đấu, cố gắng tiến lên là để bỏ lại cuộc sống dã man ở sau lưng mình. Ranh giới giữa sự man rợ và nền văn minh nhân loại được xác lập bởi sự huỷ bỏ thói ăn thịt người và sự loạn luân.
- Ngươi quả là tên học trò ngoan của mấy thằng gõ đầu trẻ mắt xanh mũi lõ. Bọn học trò bao giờ cũng bị mọi thứ lý luận dắt mũi đi. Ta, ta không tin ở bất cứ thứ lý luận nào, ngoài thứ lý luận do chính ta đẻ ra.
- Ông quá huyênh hoang. Ông được Sta-lin bảo trợ và nhờ sự bảo trợ đó ông lên ngôi.
- Ta được Sta-lin bảo trợ hay ta dùng gã xây bệ đặt ngôi báu cho ta như thuở xưa các vua Ai-cập dùng nô lệ xây kim tự tháp ? Hiểu theo cách nào cũng đúng. Nghệ thuật dùng lưỡi là ở chỗ này.
- Lịch sử Trung hoa sản sinh ra không thiếu những con người quỷ quyệt. Nhưng có thể ông là trường hợp đặc biệt nhất.
- Ta không nhìn lại phía sau, ta cũng chẳng nhìn lên phía trước. Ta là kẻ độc nhất vô nhị trên hành tinh này.
- Tôi đồng ý. Về sự tàn bạo và về mức độ khôi hài ông đều đứng ở đỉnh cao. Khi ông bắt nông dân ra đồng hò hét đuổi chim sẻ, khi ông buộc họ trở thành thợ luyện kim nghiệp dư, và khi ông dửng dưng nhìn họ ăn cỏ, hoặc ăn thịt lẫn nhau ông đem lại cả hai cảm giác đó cùng một lượt.
- Ta chọn sự khôi hài tàn bạo thay vì ngươi chọn sự đau đớn hèn nhát, thảm thương.
- Tôi là kẻ hèn nhát thảm thương ? Ý ông muốn nói vậy ?
- Chính thế ! Ta sẽ chỉ cho ngươi rõ ngay bây giờ : Một hoàng đế phương đông xứng đáng là hoàng đế không khóc lén khóc thầm bởi một chút máu rơi . Ngươi biết rằng ta đã vãi tinh trùng của ta trên giang sơn như dân cày vãi thóc. Ta không nhớ và ta cũng không cần nhớ là có bao nhiêu đứa bé ra đời dọc đường đi. Ta không có phận sự phải nhớ tới chúng. Kẻ khác phải lo liệu. Chỉ một điều chắc chắn là, nếu trong số những đứa bé ấy, nếu đứa nào muốn mưu phản, ta sẽ ra tay hạ gục nó mau lẹ và quả quyết hệt như khi ta đốn ngã những kẻ dự tính tiếm quyền ngoài huyết tộc. Quyền lực không dung hoà với những thứ tình cảm của lương dân.
Ông thấy gương mặt to béo kia dường như phình ra, mờ tối đi trong khoảnh khắc. Rồi nó lại trắng bạc như có ánh lân tinh. Cặp mắt nhỏ bắn ra những tia xanh đục :
- Cuộc chơi của ta chắc chắn sẽ kết thúc mĩ mãn. Rồi các ngươi sẽ có dịp mở to mắt ra mà nhìn....
Ông chưa kịp mở miệng, chủ tịch Mãn đã biến mất.
Ông đăm đăm nhìn vào khoảng không hồi lâu, nhưng ông ta không trở lại :
« Từ đồng chí đã chết rồi! Cùng với nó là mọi tấn trò thời ấy. Dẫu sao, y cũng đã nói tuột móng heo. Muốn hay không thì sau rốt, mọi tấm màn cũng rơi xuống. Chẳng phải ngẫu nhiên Ban-zac đặt tên cho bộ trường thiên tiểu thuyết của ông là tấn trò đời. Nhưng có thể là y có lý khi nói rằng quyền lực không dung hoà với những tình cảm của lương dân. Bởi đã là vua thì chỉ có nghĩa vụ bảo vệ chính thân xác của mình, chính quyền lợi của mình ...mọi thứ khác đều coi như cỏ mọn. »
« Nhưng làm sao ta có thể coi như cỏ mọn những con người mà vì họ ta đã phải hiến dâng đời sống ? Và nàng nữa, nàng và những đứa con của nàng, làm sao ta có thể coi ba sinh linh ấy như ba mô đất dọc đường hay một lũ thỏ dùng nấu món ra-gu sau khi đã nhìn chán mắt ? Liệu ta có thể bắt chước con người quyền uy phương bắc được không? »
« Nếu không làm được đúng như thế, ta sẽ mắc kẹt giữa hai tấm thớt quyền uy và tình cảm.Ta sẽ bị nghiền nát vì hệ luỵ. »
« Nhưng quá muộn để mà thay đổi. Dù muốn hay không mọi sự cũng đã rồi. Bánh xe thời gian không quay ngược lại . »
« Nhưng vấn đề đặt ra là thoạt kì thuỷ. Là nếu ... »
« Chữ nếu không tồn tại. Avec le si, on peut mettre la Paris dans une bouteille. »
« Nhân loại biết không có chữ Nếu nhưng họ vẫn phải đặt ra chữ Nếu để tìm kiếm sự thật ...Giả như trời cho ta một cơ hội để mà chọn lựa ?»
Khi ấy, ông nghe rõ một tiếng thét não nùng cất lên trong đáy con tim :
« Nếu Trời có cho ta quyền khởi sự một lần nữa, ta ngờ rằng ta cũng không thể hành động như con người quyền lực bắc phương .»
Ông hiểu rằng chủ tịch Mãn là chủ tịch Mãn và ông chính là ông. Không ai thay đổi được tính cách và số phận cho ai. Mọi lời khuyên trên đời đều vô dụng !
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved