Đề dẫn nội dung của các tiểu ban thuộc Hội thảo "Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hoá khu vực và quốc tế"
21/07/2006 03:07Theo truyền thống, quan hệ văn chương - văn hóa được hình dung như là quan hệ giữa một thành tố với tổ hợp mà nó thuộc về (bao gồm các tri thức, nghệ thuật, tín ngưỡng, thể chế, hay phong tục tập quán của con người). Đó cũng là quan hệ giữa một thành tố với những thành tố khác còn lại. Bản chất của các mối quan hệ này là tương tác và đa phương.
Đề dẫn nội dung cụ thể các tiểu ban
1. Quan hệ giữa Văn chương và Văn hóa
Theo truyền thống, quan hệ văn chương - văn hóa được hình dung như là quan hệ giữa một thành tố với tổ hợp mà nó thuộc về (bao gồm các tri thức, nghệ thuật, tín ngưỡng, thể chế, hay phong tục tập quán của con người). Đó cũng là quan hệ giữa một thành tố với những thành tố khác còn lại. Bản chất của các mối quan hệ này là tương tác và đa phương.
Việc nghiên cứu văn chương Việt Nam trong mối quan hệ với văn hóa dân tộc trong động thái của nó đã thu được nhiều kết quả khả quan. Ngoài những nghiên cứu mới và sâu hơn theo hướng này trên cơ sở những thành tựu gần đây của các ngành khoa học xã hội nhân văn, hội thảo cũng rất mong việc nghiên cứu quan hệ văn chương – văn hóa được đặt trong một khung khổ rộng hơn: văn chương Việt Nam (quá khứ và hiện tại) như một thành tố của văn hóa khu vực, văn hóa nhân loại. Theo đó, bản sắc dân tộc, tính nhân loại trong văn chương, văn hóa sẽ có thể được nhìn nhận một cách mới mẻ, đa dạng hơn.
2. Vai trò của Dịch thuật văn chương với sự phát triển của văn chương dân tộc
Theo thời gian, văn chương dịch thuật Việt Nam đã sử dụng hai thứ văn tự: chữ Nôm (từ khoảng thế kỷ 15) và Quốc ngữ (từ khoảng cuối 19 đầu 20). Nội hàm của nó có thể bao gồm từ diễn âm, diễn nghĩa, vay mượn cốt truyện, đến phiên dịch hiện đại. Do vị trí và khả năng riêng của cơ cấu ngôn ngữ, văn tự trong từng thời kỳ, các bản dịch Nôm và Quốc ngữ đã có những đóng góp khác nhau vào quá trình phát triển của văn chương dân tộc, trong đó mảng dịch thuật bằng chữ Quốc ngữ có vị trí nổi trội hơn.
Văn chương dịch - với tư cách là đường truyền dẫn các giá trị văn chương - văn hóa ngoại lai vào bản địa, đồng thời là sự lựa chọn có ý thức và ngẫu nhiên của người dân bản địa - đã thay đổi qua từng thời kỳ, dưới tác động của những nhân tố lịch sử, văn hóa, xã hội cụ thể. Nó cung ứng các chủ đề, motif mới, bổ sung phương thức thể hiện mới, và nhân đó làm thay đổi cách viết, và góp phần chuyển hóa quan niệm/thị hiếu/nhu cầu thẩm mỹ và nhất là góp phần phát triển về ngôn ngữ văn học dân tộc. Nhìn từ một hướng khác, văn chương dịch là căn cứ cho việc khảo sát, tìm hiểu sự tiếp biến từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, tìm hiểu tính dân tộc trong tiếp nhận và nhu cầu phát triển nội tại của một nền văn học. Ngoài ra, việc nghiên cứu văn chương dịch Việt Nam trong lịch sử, bên cạnh nhu cầu có những phát hiện mới về tư liệu, cũng cần đến những tiếp cận theo hướng liên ngành, tiếp cận dưới giác độ liên/xuyên văn hóa và văn hóa học… để các kết quả nghiên cứu ngày càng phong phú và có tính khoa học hơn. Tiểu ban mong nhận được các tham luận liên quan đến các vấn đề nêu trên, hoặc đề xuất và tiến hành theo những hướng tiếp cận khác phục vụ cho việc nghiên cứu vai trò của phiên dịch trong tiến trình văn học Việt Nam.
3. Quan hệ tương tác giữa văn học truyền miệng và văn học viết
Ở giai đoạn đầu của việc hình thành một nền văn học viết, văn học truyền khẩu và văn học viết từng có mối quan hệ khăng khít. Mối quan hệ này không phải diễn ra một chiều mà diễn ra theo hướng tương tác và tùy từng giai đoạn mà sự tương tác này có tính chất khác nhau. Việc biên soạn và văn bản hóa văn học truyền khẩu, phóng tác và sáng tạo dựa trên chất liệu văn học truyền khẩu…là một chiều ảnh hưởng; việc lưu hành các tác phẩm văn học viết theo lối truyền khẩu với nhiều sửa chữa ngẫu hứng của người lưu truyền, sự vay mượn những thành tựu của văn học viết vào văn học truyền khẩu, việc dẫn nhập các tác gia văn học và nhân vật lịch sử vào đời sống tín ngưỡng dân gian trên cơ sở cuộc đời và trước tác của họ hay những tác phẩm viết về họ…lại là một chiều ảnh hưởng khác. Hai chiều ảnh hưởng này cùng song song tồn tại và tác động lẫn nhau. Ở Việt Nam, khi các vấn đề của văn hóa thủ bản (“manuscript culture,” với đặc điểm là tác phẩm thành văn được lưu truyền dưới dạng các bản chép tay) và văn bản của văn học viết, cũng như sự lưu hành trong môi trường truyền miệng của văn học dân gian chưa được chú ý đúng mức thì kết quả và hậu quả của sự tương tác giữa văn học truyền khẩu và văn học viết vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi sự quan tâm nghiên cứu đặc biệt đối với tác gia, tác phẩm và lịch sử văn học. Hội thảo mong nhận được những tham luận dựa trên sự thẩm định kỹ càng văn bản cũng như những tư liệu thực địa để khảo sát và luận giải các vấn đề này.
4. Văn học và các nghệ thuật khác
Văn học có quan hệ tương tác với các nghệ thuật khác: tác phẩm văn chương có thể là nguồn cảm hứng, có ảnh hưởng sâu sắc với tác phẩ̉m của nghệ thuật tạo hình hay biểu diễn, và ngược lại. Khi “văn bản” không còn hạn chế ở những tác phẩm ngôn từ được viết (hay in), thao tác “đọc” hàm nghĩa cũng được mở rộng đến những sản phẩm nghệ thuật khác như điêu khắc, hội họa, hay âm nhạc. “Liên văn bản” (intertextuality) cho phép đọc được những yếu tố “liên nghệ thuật” (interarts) có trong tác phẩm văn học và các nghệ thuật khác. Cũng chính ở đây, có thể thấy sự hồi đáp của “người đọc” trong vai trò chủ thể sáng tạo ở một loại hình nghệ thuật cụ thể. Tiểu ban hoan nghênh các nghiên cứu về các tác phẩm điện ảnh, sân khấu với tư cách là “văn bản” viết (kịch bản) và biểu diễn, quan hệ giữa văn học và sân khấu - điện ảnh (đặc biệt với các tác phẩm chuyển thể), mỹ thuật tạo hình (chú trọng các tác phẩm hội họa - điêu khắc có cảm hứng từ tác phẩm văn chương, ví như tranh minh họa Truyện Kiều qua các thời kỳ). Tham luận trình bày trong tiểu ban này cũng có thể̀ khảo sát quan hệ tương tác giữa văn học và các ngành nghệ thuật từ nhiều góc độ khác, không nhất thiết chỉ giới hạn trong các gợi ý trên đây.
5. Văn học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (1986-2006)
Đánh giá thành tựu văn học Việt Nam sau 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới hiện nay đang là mối quan tâm của giới nghiên cứu lý luận, phê bình và sáng tác văn học; đồng thời là sự quan tâm của dư luận xã hội trong và ngoài nước. Vấn đề đặt ra trong hội thảo khoa học quốc tế lần này không chỉ dừng lại ở đánh giá thành tựu mà còn đánh giá thực trạng, đánh giá triển vọng của nền văn học, đánh giá khả năng hội nhập của khu vực và thế giới, đánh giá bản lĩnh của nền văn học dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa. Những kinh nghiệm nghệ thuật đúc rút từ thực tiễn văn học trong quá trình đổi mới 20 năm qua cũng cần được trao đổi. Đặc biệt, ở hội thảo này, giới nghiên cứu văn học Việt Nam muốn được lắng nghe ý kiến của các học giả nước ngoài như một sự nhìn nhận khách quan và như một tư duy phản biện cần thiết để hướng tới những đánh giá toàn diện, chân xác thực trạng cũng như viễn cảnh của nền văn học dân tộc.
PHIẾU ĐĂNG KÝ THAM GIA HỘI THẢO