Home » » CÂU 1: Hoàn cảnh Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

CÂU 1: Hoàn cảnh Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011 | 01:49

CÂU 1: Hoàn cảnh Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
     Cuối thế kỷ XIX, sự kiện lịch sử tác động mạnh mẽ đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam; làm thay đổi kết cấu giai cấp, ảnh hưởng nhiều đến  cuộc sống mọi người dân (trong đó có họ hàng, gia đình và bản thân Hồ Chí Minh) là thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Sau thời kỳ "bình định", thực dân Pháp thi hành chính sách "khai thác thuộc địa" - thực chất là tăng cường bóc lột, vơ vét thuộc địa. Vì vậy, đời sống nhân dân lao động đã khó khăn, càng thêm khốn đốn. Hậu quả là Việt Nam từ một nước phong kiến độc lập trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến.
Sang đầu thế kỷ XX, đời sống các tầng lớp nhân dân càng bị bần cùng hoá. Mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và chế độ thuộc địa ngày một gay gắt, trở thành mâu thuẫn vừa cơ bản, vừa chủ yếu. Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ càng gay gắt. Đây là trở lực lớn, kìm hãm sự phát triển của xã hội Việt Nam.
Vì vậy, chỉ có giải quyết thành công những mâu thuẫn trên đây -  đồng nghĩa với việc tìm ra con đường cứu nước, giành lại độc lập dân tộc thì xã hội Việt Nam mới tiếp tục phát triển. Đó là đòi hỏi khách quan, cấp bách của cách mạng Việt Nam từ đầu thế kỷ XX.
Để giải quyết mâu thuẫn trên, nhiều phong trào đấu tranh diễn ra sôi nổi với mục tiêu "Phen này quyết chống cả Triều lẫn Tây". Đó là phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục... do các sỹ phu yêu nước chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo hay khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân đảng dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài...rồi khởi nghĩa nông dân Yên Thế dưới sự lãnh đạo của Hoàng Hoa Thám kéo dài hơn 30 năm... Đó là trang sử đấu tranh vẻ vang của dân tộc trên con đường đấu tranh giành độc lập. Mặc dù diễn ra sôi nổi, rộng khắp các vùng miền, nhưng tất cả các cuộc đấu tranh cuối cùng đều thất bại. Bối cảnh lịch sử này, sau này, Hồ Chí Minh viết trong bài Con đường cứu nước và giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay: "Trong suốt gần một thế kỷ thống trị của thực dân Pháp, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam không ngừng phát triển, kẻ trước ngã, người sau đứng dậy. Nhưng tất cả những cuộc khởi nghĩa yêu nước ấy đã bị dìm trong máu. Những đám mây đen lại bao phủ đất nước Việt Nam".
Thực tế thất bại của lớp cha ông đã chỉ ra rằng: sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến và hệ tư tưởng tư sản trước nhiệm vụ lịch sử đặt ra là lãnh đạo toàn dân chống Pháp, giành lại độc lập dân tộc. Cách mạng Việt Nam khủng hoảng về đường lối, tức là thiếu hệ thống lý luận cách mạng tiên tiến của giai cấp công nhân có khả năng dẫn dắt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam thành công. Câu hỏi của "bài toán thế kỷ" đặt ra cho dân tộc ta: Ai là người lãnh đạo thành công nhiệm vụ giải phóng dân tộc ở Việt Namđến lúc này vẫn chưa có lời giải.
Bối cảnh trên đây, sau này được Hồ Chí Minh nói rõ khi trả lời nhà văn Mỹ  Anna Luy Xtơrông: "Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác lại nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ"[!?
Xuất thân từ gia đình trí thức phong kiến có truyền thống yêu nước, trọng nghĩa, Hồ Chí Minh sớm mang trong mình lòng yêu nước, thương dân. Tuổi học đường của Người gắn bó với những năm tháng quan trường ngắn ngủi đầy trắc trở của người cha Nguyễn Sinh Huy. Người đã theo cha đến cả ba miền đất nước, biết được cuộc sống khó khăn của người dân mất nước dù họ ở  xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ "bảo hộ" hay Nam Kỳ "thuộc địa". Người có thời gian sống ở Huế. Đó là điều kiện để Người tìm hiểu, làm quen với cuộc sống quan chức, Hoàng triều. Tuy nhiên, thực tế ấy đã  làm cho Người thấy rõ hơn cuộc sống phụ thuộc, thấp hèn của giới quan chức, tay sai. Từ những trải nghiệm đầu đời của mình và cuộc sống lận đận, trắc trở của người cha, Hồ Chí Minh càng thấu hiểu ý nghĩa thực tế của câu chuyện cha mình thường bình giải "Quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ". Cho nên, đầu năm 1910, sau khi ông Nguyễn Sinh Huy bị bãi chức thì ông vào Nam Kỳ hành nghề bốc thuốc trị bệnh cứu người, còn Hồ Chí Minh thì thấy rõ hơn sự thối nát của chế độ quan trường. Điều này càng thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Trong tác phẩm Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên đã viết: "Người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, Anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc".
Tuy nhiên, đi đâu và làm gì để tìm ra con đường cứu nước thành công luôn  là công việc hết sức khó khăn. Bởi lẽ, bọn thực dân rất bưng bít tư tưởng mới, ngăn trở sách báo tiến bộ với âm mưu giam hãm dân ta trong vòng nô lệ. Người đã nói với nhà báo Liên Xô Ôxip Manđenxtam: "Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế...Trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người ta như con vẹt.Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rútô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài...
Trong quá trình xác định con đường cứu một dân tộc, lòng căm thù giặc và quyết tâm chưa đủ, mà còn phải lý giải được nguyên nhân thất bại của các bậc tiền bối, hiểu được điều kiện chủ quan và khách quan của bối cảnh lịch sử, trên cơ sở đó mà vạch ra hướng đi của con đường cũng như những yếu tố đảm bảo thắng lợi.
Trước thất bại liên tiếp về con đường cứu nước của các bậc tiền bối, Người nhận xét:
"Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương...Điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương.
Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì "đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau".
Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì còn trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo người ta kể thì Cụ còn mang nặng cốt cách phong kiến".
Từ những trải nghiệm cuộc sống và với quyết tâm lớn, Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện ra mâu thuẫn giữa chế độ đàn áp bóc lột dã man của bọn thực dân ở Việt Nam với cái lý tưởng cao đẹp của nước  Pháp - quốc gia đã  đề xướng ra lý tưởng cao đẹp và hấp dẫn mọi con người " Tự do - Bình đẳng - Bác ái", muốn biết cái gì bí mật ẩn náu ở "nước Mẹ" xa xôi ! Người cho rằng "Muốn đánh hổ thì phải vào hang hổ!". Và chính những nhận thức về bối cảnh đất nước và những tìm hiểu của Hồ Chí Minh về nước Pháp đã thôi thúc Người sang Pháp và các nước khác... Đây không phải là hành động ngẫu nhiên, tự phát mà là sự lựa chọn, trăn trở; một quyết tâm lớn, nhằm đáp ứng đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved