Home » » CÂU 2: Những hoạt động của Nguyễn Tất Thành giai đoạn 1911-1914.

CÂU 2: Những hoạt động của Nguyễn Tất Thành giai đoạn 1911-1914.

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011 | 01:50

CÂU 2: Những hoạt động của Nguyễn Tất Thành giai đoạn 1911-1914.
Quyết định sang phương Tây của Hồ Chí Minh là sự phủ nhận sự tồn tại nhà nước thực dân nửa phong kiến ở Việt Nam. Đó là đòn tiến công đầu tiên của Hồ Chí Minh đối với nhà nước đương thời, mở cửa ra thế giới để đón nhận những nhân tố mới của thời đại, tiếp thu lý luận tiên tiến, tích hợp tinh hoa văn hoá nhân loại để hình thành con đường cứu nước Việt Nam thông qua Hành trình cứu nước của một con người -  Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Ngày 3 tháng 6 năm 1911, Người xuống tàu buôn Pháp Amiran Latusơ Tơrêvin( Amiral Latouche Treville) thuộc Hãng Năm sao đang cập cảng Nhà Rồng gặp thuyền trưởng Maixen (Maisen) và được nhận vào làm phụ bếp trên tàu. Ngày 5 tháng 6 năm 1911 tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời bến cảng Nhà Rồng mang theo người thanh niên Việt Nam 21 tuổi với khát vọng cháy bỏng là tìm ra con đường cứu nước Việt Nam khỏi ách thống trị thực dân phong kiến.
Khi rời Tổ Quốc, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có quyết tâm cao, nhưng sự hiểu biết về thế giới còn hạn chế. Sự ra đi ấy khẳng định một quyết tâm lớn, nhưng  biết bao câu hỏi còn bỏ ngỏ. Vốn hiểu biết của Người chưa có thể nhận thức được đặc điểm, xu thế của thời đại. Từng bước một, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập lý luận và hoạt động xã hội, Hồ Chí Minh dần dần nhìn ra bối cảnh của hành trình tìm đường cứu nước. Từ hoạt động trong nhiều tổ chức chính trị, xã hội, những trải nghiệm cuộc sống trong nhiều quốc gia thập niên 10, 20 thế kỷ XX, Hồ Chí Minh sớm nhìn ra những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam như con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, tư tưởng Lênin và đường lối giải phóng thuộc địa của Quốc tế Cộng sản (QTCS). Nhiều bài viết, bài nói, báo cáo của Hồ Chí Minh gửi QTCS đã thể hiện quá trình nhận thức của Người về thời cuộc và sự tổng hợp, vận dụng sáng tạo những nhân tố tích cực của bối cảnh lịch sử để hình thành con đường cứu nước của mình.
Điều cần lưu ý ở đây là Hồ Chí Minh rời Tổ quốc hoà nhập vào thế giới trong thời điểm chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Hệ thống thuộc địa đã hình thành trên phạm vi thế giới. Trong Tham luận trình bày tại Đại hội lần thứ V của QTCS (1924), Hồ Chí Minh chỉ rõ:  Năm 1876: 1/4 tỷ người dân thuộc địa thì năm 1914: 1/2 tỷ dân thuộc địa. Đến đầu những năm 20, diện tích các nước thuộc địa gấp 5  diện tích các nước chính quốc, còn dân số chính quốc chưa bằng 3/5 số dân các nước thuộc địa. Số dân thuộc địa Anh đông gấp hơn 8,5 số dân nước Anh còn đất đai rộng gấp 252 lần của nước Anh..  Cuộc đấu tranh giải phóng của các thuộc địa và phụ thuộc tuy đã được đẩy mạnh ở các nước châu Âu như: Airơlen, Ba Lan nhưng chưa có nước nào giành được độc lập. Còn ở châu Á, tuy đã trỗi dậy một "Châu Á thức tỉnh" nhưng các quốc gia lớn như: Ấn Độ, Trung Quốc, Inđônêxia vẫn đang là thuộc địa của bọn đế quốc. Trên phạm vi toàn thế giới, chưa có một thuộc địa nào được giải phóng. Con đường giải phóng dân tộc chưa có một hình mẫu, tấm gương soi chung!
Vì vậy, hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh lúc này cũng mới chỉ là quyết tâm và định hướng. Người bắt đầu bằng nghề phụ bếp rồi sau đó là công nhân trên tàu buôn Pháp. Nhờ đó, Người có dịp qua nhiều quốc gia như: Xinhgapo, Côlômbô, Aicập, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Mỹ. Đầu năm 1913, Người từ Mỹ về Lơ Havơrơ sau đó sang Anh. Tại đây, Người làm nghề đốt lò, quét tuyết, phục vụ khách sạn. Bất kỳ hoàn cảnh nào, Người thường xuyên chú ý tìm hiểu đời sống và gần gũi với người lao động. Người rất xúc động trước điều kiện sống cực khổ và bị đàn áp của người da đen. Sau những tháng năm trải nghiệm cuộc sống người dân thuộc địa làm thuê, Người dần dần nhận ra một điều: Ở đâu cũng có người nghèo và sự giàu nghèo không phụ thuộc vào màu da, chủng tộc. Người lao động ở đâu cũng khổ cực và biết thương yêu nhau.
Cuối năm 1917, Người từ Anh trở lại Pháp, vừa tiếp tục lao động kiếm sống, vừa tích cực tham gia hoạt động chính trị xã hội. Người liên hệ chặt chẽ với công nhân Pháp, những đại biểu thuộc địa  và những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Đây là thời kỳ hoạt động sôi nổi và có hiệu quả trong hành trình tìm thấy con đường cứu nước Việt Nam. Đầu năm 1919, Người vào Đảng Xã hội Pháp: "Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái" Giữa năm 1919, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi "Bản yêu sách tám điểm "của nhân dân An Nam tới Hội nghị các nước đế quốc họp tại Vécxây (Versailles). Mặc dù Yêu sách chỉ nêu những yêu cầu tối thiểu trong khuôn khổ cải cách, nhưng các tác giả của bản Yêu sách ấy đã không nhận được một lời phúc đáp. Từ thực tế ấy, Người kết luận: "Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình"Thực tế trên đây đã giúp Hồ Chí Minh hiểu thêm bối cảnh khách quan mà hành trình cứu nước không thể bỏ qua. Hành trình đi tìm con đường cứu nước của Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục.

CÂU 3: Các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc khi tham gia Đảng Cộng sản Pháp.
     Năm 1917, Người trở lại Pháp, tham gia Đảng xã hội Pháp, tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin và tìm thấy chân lý giải phóng dân tộc từ Cương lĩnh của Lênin. Người tham gia Đảng Cộng sản Pháp với tư cách là thành viên sáng lập rồi tìm đường về nước. Những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, không có sự giàu sang phú quý nào mua chuộc được Người, không có uy vũ nào làm lung lay ý chí cứu nước của Người. Khi nghiên cứu về Người, một giáo sư Sử học người Mỹ đã tìm hiểu và xác nhận rằng có một người con gái người Mỹ gốc Pháp tên là Côlet yêu say đắm Người và chủ động nói lời kết hôn, nhưng Người đã khéo léo từ chối. Côlet có một gia tài lớn, sau này trở thành một nhà văn có tên tuổi và rất giàu có… Khi Người làm phụ bếp cho một khách sạn lớn nổi tiếng ở Anh, vua đầu bếp Étcốpxpie vô cùng cảm động khi phát hiện ra tấm lòng nhân ái bao la của Bác. Mỗi buổi chiều, Người đã gói những đồ ăn dư, còn ngon và tốt lại, dành cho những người đói khổ chứ không bỏ đi như những người khác. Étcốpxpie đã ngỏ ý truyền nghề cho Người… Bác lúc đó, là người làm thuê, nghèo khó. Nếu chỉ vì vinh hoa phú quý cho riêng mình, chắc Bác đã trở thành người kế nghiệp của vua bếp Étcốpxpie. Nếu chỉ vì hạnh phúc của riêng mình thì Bác đã nhận lời cụ Bùi Quang Chiêu trên con tàu mang tên “Đô đốc Latusơ Têvơrin” để được có công ăn việc làm, thu nhập khá ngay khi đặt chân đến Pháp 1911. Trở lại Pháp năm 27 tuổi, tham gia Đảng xã hội Pháp, soạn và ký bản yêu sách của nhân dân Việt Nam năm 29 tuổi, gia nhập và sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 30 tuổi, sáng lập báo “Người cùng khổ” năm 32 tuổi… Những năm tháng ấy, Bác được Bộ Thuộc địa Pháp và cảnh sát Pháp “chăm sóc” khá đặc biệt. Anbexarô - Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp đã hai lần gọi Bác lên gặp và từ hăm dọa đến mua chuộc, những câu trả lời của Bác vẫn khẳng định chân lý của cả cuộc đời Người: Cảm ơn ông, những cái tôi cần đó là độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi, ông không thể cho tôi được… Tuổi trẻ của Bác Hồ, tuổi trẻ của một nghị lực, của một ý chí phi thường nhưng hết sức chân thực và cụ thể để tìm đến một con đường giải phóng cho dân tộc. Cả dân tộc lúc đó chưa có đường. Tất cả các con đường giải phóng đều bế tắc. Bác đã đi, đã tìm, đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình và đã tìm thấy - con đường đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin, con đường giải phóng chân chính cho dân tộc, con đường định hướng cho nhân loại tiến bộ. Tuổi trẻ của Bác Hồ, Người đã đi, đã học tập và tìm hiểu không ngơi nghỉ để gom góp, tích lũy trí tuệ của nhân loại. Người đã sống và cống hiến cho dân tộc, đất nước, sự nghiệp này trọn vẹn cuộc đời mình. Cả cuộc đời Người là tuổi trẻ, trong sáng, khỏe mạnh cho đến lúc đi xa. Con đường Người tìm ra cho dân tộc ta là con đường cách mạng vô sản, là trí tuệ, là đạo đức, là văn minh, con đường để cả dân tộc đi tới ấm no, công bằng và hạnh phúc. Dân tộc chưa có đường, Bác đi tìm đường và mở đường. Con đường của Bác là toàn dân đi dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh. Cả thế hệ trẻ Việt Nam tự hào đi trên con đường ấy, tiếp tục mở đường theo hướng Bác chỉ ra. Hãy học Bác để có một nghị lực, một ý chí, để xứng đáng là người kế tục sự nghiệp cách mạng, là người chủ tương lai của đất nước.
Tháng 12/1920, trong Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp, Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện trên đây đánh dấu bước ngoặt trong đời hoạt động cách mạng của Người, bước ngoặt chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved