Home » » TRẦN HOÀI DƯƠNG

TRẦN HOÀI DƯƠNG

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011 | 22:27

Trần Hoài Dương - người chắt chiu sự trong trẻo
(Toquoc)- Ở Việt Nam, nhà văn viết cho thiếu nhi không nhiều, chuyên viết cho thiếu nhi thì chỉ đếm trên đầu ngón tay và nhà văn Trần Hoài Dương là một trong số ít đó. Giờ đây, khi ông ra đi đột ngột với nhiều dự định dang dở đã để lại những tiếc nuối và khoảng trống cho văn học thiếu nhi…

Trần Hoài Dương được nhiều người biết và kính trọng trong giới văn chương cũng như thế giới tuổi thơ. Ông có khuôn mặt đôn hậu, nụ cười dễ mến và mái tóc rất nghệ sĩ. Cuộc đời thăng trầm của ông dù khó tin nhưng lại có thật và khiến người ta xúc động. Với trên 20 đầu sách, cùng với các kịch bản phim hoạt hình và múa rối thiếu nhi đủ để thấy sức sáng tạo bền bỉ của nhà văn Trần Hoài Dương với sự nghiệp văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi.
Cuốn sách thiếu nhi Nàng công chúa biển xuất bản gần đây nhất của ông có số phận như một câu chuyện cổ tích có hậu. Ông hoàn thành bản thảo cách đây mấy chục năm nhưng rồi bị thất lạc và không thể tìm thấy để in. Bỗng một đêm ông mơ thấy mẹ mình và hỏi cái truyện viết về đứa trẻ con ở làng chài đâu rồi sao mãi không thấy in. Ông bảo bị mất bản thảo rồi, có lẽ do chuyển nhà nên thất lạc. Mẹ bảo, bản thảo không mất đâu… Thế rồi tỉnh dậy, ông lục lọi toàn bộ đống sách vở, bản thảo ngút ngàn trên tầng 3 của ngôi nhà và thật bất ngờ bản thảo còn nguyên vẹn. Ông chỉ sửa chữa chút ít rồi đi in. Ông bảo, có lẽ đây là tác phẩm hay nhất và có số phận kỳ lạ nhất trong cuộc đời ông. Sách in ra, còn chưa có mặt trên thị trường, ông chỉ được vài cuốn nhưng ông đã gửi ngay cho tôi một cuốn. Tôi đã đọc một lèo hết cuốn sách và hồi âm cho ông. Tôi có khen cuốn sách nhưng cũng góp ý cho ông một chút và ông bảo có thể lần tái bản sau sẽ chỉnh sửa như thế. Thỉnh thoảng, có những ý tưởng về một truyện thiếu nhi nào đó ông lại hào hứng kể cho tôi nghe như món quà dành tặng để sau này tôi có thể kể lại cho những đứa trẻ.
Tôi và ông cách xa nhau về tuổi tác và khoảng cách không gian nhưng thân thiết với nhau khoảng 4 năm nay từ sau một bài phỏng vấn. Ông có thể kể cho tôi nghe nhiều chuyện mà không chán và không bao giờ hết chuyện; từ chuyện lặt vặt hàng ngày đến chuyện văn chương mà không sợ tôi kể với ai hoặc đưa lên báo. Ông biết khá nhiều chuyện trong làng văn, có cả những đố kị ghen ghét. Kể cho tôi nghe để tôi hiểu thêm chứ ông không muốn làm thay đổi những ý nghĩ của một người quá trẻ so với ông. Ông cũng vậy, biết để mà biết, chứ khi ngồi đối diện với trang giấy trắng viết cho các em thì ông gạt bỏ đi hết, chỉ giữ lại những gì trong trẻo và hồn hậu nhất. Có lẽ vì thế mà truyện của ông thường hay có hậu, thường hướng đến cái đẹp và cái thiện. Tình yêu trẻ em và tình yêu thiên nhiên có thể dễ dàng tìm thấy trong mỗi trang văn của ông. Với ý nghĩ từ sâu thẳm trong con người ông như vậy nên ông dễ dàng từ bỏ mọi thứ mà không chút vấn vương ân hận trên con đường danh vọng để trở thành một nhà văn tự do chuyên viết cho thiếu nhi.
Tôi không hiểu có phải vì ông chuyên viết cho thiếu nhi hay không mà con người ông có cả sự ngây thơ của đứa trẻ và người già. Ông kể, cách đây gần nửa năm ông sang Anh với con trai và thấy có một loại cây rất xấu xí không hiểu sao lại được trồng gần những ngôi nhà đẹp, sang trọng. Thế rồi một thời gian sau, dường như ông đã quên sự hiện diện của nó thì bất chợt cái cây ấy nở hoa. Một loài hoa quá đẹp và lạ mà ông chưa từng thấy bao giờ. Chuyện chỉ có vậy nhưng làm ông cứ day dứt mãi, vì trót chê xấu khi chưa biết nó. Hay chuỵên một cô bé búp bê cũ trong cửa hàng từ thiện, cứ chiều nào ông đi qua cũng nhìn ông. Mỗi lần nhìn thấy cô bé, như thể cô ấy muốn đi theo ông, muốn được ông đón. Ông tự nhủ, phải đón cô bé ấy về với mình. Chưa kịp mua thì chiều hôm sau ông đã không thấy cô bé trong cửa hàng, vậy là đã có người đón cô bé đi rồi. Lại lần nữa ông day dứt vì cự chậm trễ của mình. Đi qua bất cứ cửa hàng từ thiện nào ông cũng nhìn vào như thể tìm kiếm người quen mà không thấy. Bỗng một hôm, ở cửa hàng đó ông lại nhìn thấy cô bé ấy. Hoá ra là chưa có ai mua vì hệ thống cửa hàng từ thiện luân chuyển các món hàng sau một thời gian. Ông nhận ra ngay vì chiếc giày một bên hơi sứt và vội vàng mua cô bé búp bê ấy. Viết thư cho tôi, kể lại câu chuyện trên và bảo cứ như định mệnh của ông và cô bé gắn với nhau. Ông hy vọng khi chuyển lại cho tôi thì tôi sẽ giữ hộ ông cùng với câu chuyện trên. Thế nhưng, có một chuyện mà đến giờ tôi vẫn chưa kể cho ông nghe, tôi cũng rất day dứt vì không làm được điều ông mong muốn, hoặc có thể đó là một điềm báo trước mà tôi không hay biết. Những đứa trẻ nghịch ngợm đã làm vỡ con búp bê. Vậy là, tôi đã không thể thay ông giữ được cô bé búp bê, chỉ còn lại câu chuyện ông kể mà biết đâu trong bản thảo dang dở ông đã viết ra mà chưa kịp in.
Ông có điện thoại nhưng không biết lưu số, không biết nhắn tin. Ai cho số phải ghi ra sổ, khi nào cần gọi thì mang quyển sổ ra tra. Ông cũng dùng e-mail nhưng viết thư lúc nào cũng dùng chữ không dấu. Dù tiện lợi của Internet ông thấy rõ nhưng ông không thích viết thư qua e-mail. Bài báo nào hay trên mạng ông phải in ra đọc và lưu giữ. Ông cứ ao ước thời buổi này có ai đó gửi cho ông thư tay để vừa đọc vừa được ngắm chữ và đoán được tâm trạng cũng như tính cách người gửi. Kể ra chuyện này thế nào cũng nhiều người cười ông, nhưng tôi hiểu, vì ông là người của ngày xưa, ông không thể từ bỏ thói quen của mình đổi lấy một tiện ích khác. Ông có thể buồn nếu sinh nhật mình không ai nhớ đến dù tuổi ngoài 60. Ông có thể mải mê đi theo một người chở hoa lộc vừng dưới phố để xem nhà họ ở đâu mà gạ mua lại… Đấy, sự “ngây thơ” của ông là vậy.
Tôi biết ông đã sống một mình nhiều năm nhưng vẫn thấy một cái gì gợn gợn khi ông đã cập kề thất thập mà con trai thì ở xa. Chắc là chẳng riêng tôi mà tất cả những ai yêu quý ông, bạn bè ông đều có chung cái gợn gợn đó, chỉ không ngờ nó lại đến quá sớm với ông. Ông từng xoá tan những nghi ngại đó bằng việc hàng ngày viết lách. Sự cô đơn vì hoàn cảnh vô tình đã tạo cho ông một thói quen hơi khác lạ theo ông đến cuối đời. Bạn bè có thể đến chơi với ông, có thể nói đủ thứ chuyện nhưng hầu như ông không giữ họ lại ngủ bao giờ dù nhà ông không chật lắm. Ông chỉ kê một chiếc giường đơn đủ mình nằm. Nhất là khi ông viết thì trong nhà phải tuyệt nhiên không có ai. Chỉ cần có thêm sự hiện diện một người, cho dù họ không nói bất cứ câu gì ông cũng không viết được. Ông có thuê một người dọn vệ sinh và dặn cuối tuần đến. Khi nào họ đến thì ông sẽ bỏ lại tất cả nhà cửa đấy mà đi ra ngoài. Xong việc, họ đi thì ông về. Ngôi nhà ông yên tĩnh, thiêng liêng và bất di bất dịch như quan niệm của ông khi viết cho thiếu nhi.
Được chia sẻ với ông dường như trở thành thói quen của tôi từ vài năm nay. Tôi vẫn chưa tin từ giờ mình sẽ không còn thói quen đó. Khi ngồi viết về ông, ý nghĩ của tôi còn lộn xộn và chợt nhận thấy, hoá ra ông đã kể cho tôi quá nhiều chuyện, khó mà sắp xếp chúng theo trật tự. Dù có lúc chưa hẳn đồng tình với ông, nhưng ông đã để lại cho tôi quan niệm về cuộc sống, con người và văn chương thật trong sáng, đẹp đẽ. Tôi kính trọng và yêu quý ông bởi nhân cách một con người và một nhà văn.
Ông đã lặng lẽ về với mẹ nhẹ nhàng như giấc mơ hôm nào và mang theo cả những chuyện mà chỉ tôi và ông biết. Tôi sẽ vẫn mở e-mail và viết lời vĩnh biệt ông, cầu cho ông được thanh thản nơi cát bụi.
Hiền Nguyễn
Nhà văn Trần Hoài Dương
(ảnh Internet)
Tôi có thói quen cứ cách độ một vài tuần, đến thứ 6 thường viết email hỏi thăm ông, cả chuyện sức khoẻ và chuyện viết lách. Thứ 6 tuần này, tôi định viết khoe với ông cơ quan tôi đã chuyển về Hoa Lư, cứ đi hết phố Nguyễn Đình Chiểu nơi trụ sở của Hội Nhà văn Việt Nam là đến, không còn ở Quang Trung như cách đây mấy tháng ông đến nữa. Vậy mà cơ quan mất điện, tôi chưa kịp viết cho ông thì chiều chủ nhật tôi bàng hoàng nhận được tin ông đột ngột ra đi mà không ai hay, cho đến tận 2 ngày sau hàng xóm mới biết. Cái thư mới nhất gần đây ông viết cho tôi, ông bảo sức khoẻ vẫn bình thường, chỉ có cái đầu o o suốt ngày nên không viết và đọc được nhiều. Cứ nghĩ đó là thứ bệnh vặt vãnh của người già, chỉ chốc lát là khỏi để ông lại hàng ngày ngồi vào bàn viết những bản thảo dành cho các em.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved