Home » » Martin Heidegger-Thông diễn học P22

Martin Heidegger-Thông diễn học P22

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011 | 01:42


đào trung đạo

Thông Din Lun
của

Martin Heidegger
(22)


Có thể nói cho mãi tới năm 1950 Heidegger mới sẵn sàng đúc kết có hệ thống quan niệm về ngôn ngữ và mối tương quan giữa ngôn ngữ với Hữu. Quan niệm này được trình bày trong một loạt những bài thuyết trình được gom lại in trong toàn tập GA12 Unterwegs zur Sprache/ Những Ngả Đường Đến Ngôn Ngữ. Thật ra sự quan tâm về vấn đề ngôn ngữ của Heidegger đã có từ giai đoạn biến đổi triết học bằng thông-diễn-luận trong SuZ. Trong suốt hành trạng tư tưởng triết học của mình Heidegger luôn luôn nói về bản chất và nguồn gốc của ngôn ngữ khi bàn về Hữu, ngôn ngữ thiết yếu gắn liền, đồng nhất với Hữu, ngôn ngữ là cánh cửa mở vào Hữu. Trước sau Heidegger vẫn ở trong tuyền thống Hamann-Herder-Humbold quan niệm ngôn ngữ có chức năng chính phơi mở thế giới, ngôn ngữ không phải là một dụng cụ truyền thông dù rằng từ sau bước ngoặt/Kehre Heidegger khai triển quan niệm về ngôn ngữ này theo một hướng mới nhằm giải quyết vấn nạn về sự khác biệt hữu thể học. Môt điểm khác rất quan trọng các chuyên gia về Heidegger nhiều khi không nhấn mạnh tới đó là: Sau SuZ Heidegger đã không khai triển tiếp phần II như được loan báo chính vì Heidegger muốn tìm một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của siêu-hình-học cổ điển để phân tích vấn đề Hữu. Bước ngoặt/Kehre có nghĩa một mặt quay trở về với triết học cổ Hy Lạp trước Plato và mặt khác tìm đến với thi ca để thử nghiệm một diễn ngôn khác hẳn với diễn ngôn siêu-hình-học truyền thống. Heidegger viết trong Unterwegs zur Sprache/ Những Ngả Đường Đến Ngôn Ngữ:Sự biến đổi phải có về ngôn ngữ là sự biến đổi mối quan hệ của chúng ta vối ngôn ngữ: chúng ta cần trải qua một kinh nghiệm với ngôn ngữ trong đó chúng ta học hỏi cách từ bỏ sự hiểu biết thong thường về mối quan hệ giữa từ/chữ và sự vật được coi như mối gắn kết giữa hai hữu hay hai đối tượng.” (GA12:170) Ở đầy chúng tôi không lập lại quan niệm của Heidegger về ngôn ngữ đã trình bày trong SuZ cũng như trong Logik als die Frage nach dem Wesen der Sprach (1934) GA38 và trong Vom Wesen der Sprache (1939) GA85, nhưng để hiểu rõ quan niệm về ngôn ngữ của Heidegger sau bước ngoặt/Kehre đã thay đổi ra sao chúng ta không thể không sơ lược nhắc lại mấy điểm quan trọng trong bài Hőlderlin und das Wesen der Dichtung(1936)/ Hőlderlin và Yếu tính của Thi ca in trong tập Erlȁuterungen zu Hőlderlin Dichtung (1936-68) GA4. (Bản anh văn Elucidations of Hőlderlin’s Poetry do Keith Hoeller dịch, bản Pháp văn Approche de Hőlderlin). Bài thuyết trình này có thể coi như một dấu mốc của hành trạng tư tưởng của Heidegger trước khi chuyển sang bước ngoặt. Từ sau bài thuyết trình này Heidegger không phổ biến một công trình nào khác cho mãi tới đầu thập niên 50s.
   Khi thông diễn thơ Hőlderlin để trình bày yếu tính của thi ca Heidegger minh xác trong hai dòng tựa đặt ở đầu quyển Erlȁuterungen zu Hőlderlin Dichtung/Minh giải Thi ca Hőlderlin ‘Không tự nhận là những đóng góp vào việc nghiên cứu lịch sử văn chương hay thẩm mỹ học. Những minh giải này xuất phát từ sự thiết yếu của tư tưởng.” Chúng ta cũng không quên rằng Heidegger coi khoa mỹ học lấy đối tượng là tác phẩm nghệ thuật như một hữu trên bình diện thể tính (ontic) chứ không đi vào phân tích nghệ thuật ở tầng hữu-thể-học.  Hőlderlin und das Wesen der Dichtung được dẫn giải dựa trên 5 câu thơ của Hőlderlin: 1. Làm thơ là “một nghề vô hại nhất trong các nghề”; 2. “Đó là vì tại sao ngôn ngữ, tài nguyên/sản nguy hiểm nhất trong các tài nguyên/sản, được giao phó cho con người…để con người có thể mang chứng tích cho cái hắn là…”; 3. “Con người đã kinh nghiệm thật nhiều, đã đặt tên rất nhiều thần linh, Bởi chúng ta đã là một cuộc đàm thoại, Và có thể người này nghe được người kia,”; 4. “Nhưng cái trụ lại được xây đắp bởi thi sĩ,” 5. Con người đầy phẩm chất vậy mà, Cư ngụ trên trái đất này một cách thật thi nhân.” Để trả lời câu hỏi tại sao lại chọn Hőlderlin để bàn vế yếu tính của thi ca Heidegger đưa ra nhận xét: Hőlderlin là thi sĩ của thi sĩ bởi Hőlderlin làm thơ để chỉ nói về yếu tính của thi ca.
    Về câu thơ thứ nhất của Hőlderlin nói làm thơ là làm nghề vô hại nhất Heidegger cho rằng vì theo đuổi thi ca là một cuộc chơi nên làm thơ là vô hại, chẳng gây nên hậu quả gì, chỉ là ‘nói láo mà nghe, nghe láo chơi’, thi ca như một giấc mộng chứ không là thực tại, chỉ chơi với chữ nghĩa chứ không đi đến hành động nào. Tuy câu thơ này của Hőlderlin không giúp chúng ta nắm được bản chất thi ca nhưng nó chỉ ra ta phải đi tìm yếu tính thi ca ở đâu. Thi ca sáng tạo nên tác phẩm trong lãnh vực ngôn ngữ và bằng chất liệu ngôn ngữ. Nhưng Hőlderlin nói về ngôn ngữ ra sao? Dẫn giải câu thơ thứ nhì của Hőlderlin tại sao làm thơ là một nghề vô hại nhất trong khi ngôn ngữ là một tài nguyên/sản nguy hiểm nhất Heidegger tách vấn đề ra ba câu hỏi: Ngôn ngữ là tài nguyên/sản của ai? Bằng cách nào ngôn ngữ lại là tài nguyên/sản nguy hiểm nhất? Theo nghĩa nào ngôn ngữ lại là một tài nguyên/sản? Theo Heidegger con người được phú cho ngôn ngữ để chứng thực sự hiện hữu của mình, chứng thực mình thuộc về trái đất,  sự chứng thực hữu của con người chỉ thực sự vẹn toàn trong quyết định tự do: “Con người là một nhân chứng của việc hắn thuộc vào trong những hữu như một toàn thể diễn ra như lịch sử. Nhưng để lịch sử khả hữu, ngôn ngữ đã được trao phó cho con người. Ngôn ngữ là một trong những tài nguyên/sản của con người.” (Elucidations:54). Ngôn ngữ là tài nguyên/sản nguy hiểm nhất vì ngôn ngữ có khả năng tạo nên sự hiểm nguy, chính ngôn ngữ làm con người phơi trần trước sự hiển lộ ngay trước mắt : đó là nỗi hiểm nguy các hữu đe dọa Hữu, các hữu áp đảo, làm cháy bỏng con người, hay các vô-hữu (non-beings) dối lừa, làm con người thất vọng. “Ngôn ngữ được giao cho nhiệm vụ làm cho các hữu hiển lộ và giữ cho chúng như vậy trong các công trình của ngôn ngữ. Ngôn ngữ cho cái gì tinh túy và ẩn mật nhất cách bày tỏ, đồng thời cũng vậy với cái gì không rõ ràng và tầm thường.” (Elucidations:55)   Một mặt ngôn ngữ tinh thúy thiết yếu , trong cái đơn giản của nó, trông như chẳng thiết yếu gì. Mặt khác cái tự nó bày ra trong sự tinh lọc khi xuất hiện lại thường chỉ là cái người đời lặp đi lặp lại hoài hủy. Thế nên ngôn ngữ phải luôn luôn tự đặt mình trong cái ảo tưởng tự nó sản sinh ra, và như vậy gây hiểm nguy cho cái gì là cốt lõi của nó, sự cất tiếng nguyên chất. Còn câu hỏi tại sao ngôn ngữ là tài nguyên/sản nguy hiểm nhất của con người Heidegger cho rằng vì khi ta cho rằng ngôn ngữ là một dụng cụ, một phương tiện trong khi đúng ra ngôn ngữ  cấp cho chúng ta khả hữu đứng trong sự phơi mở của Hữu, đứng trong thế giới, khiến con người có sử tính: “Ngôn ngữ không phải là một dụng cụ trong tầm tay sử dụng của con người, nhưng là cái biến cố nguyên ủy bố trí cái khả hữu tính cao nhất của hữu của con người.” (Elucidations:56). Tại sao Hőlderlin lại cho rằng chúng ta là một cuộc đàm thoại? Trước hết ngôn ngữ chỉ là thiết yếu trong đàm thoại, còn nếu hiểu ngôn ngữ như là một kho chữ/từ và những qui lậut kết hợp từ thì đó chỉ là cái vỏ ngoài của ngôn ngữ. Đàm thoại có điều kiện tiên quyết là nghe chứ không phải nói. Chúng ta là đàm thoại vì chúng ta có khả năng nghe nhau nói, điều này cũng có nghĩa chúng ta là một đàm thoại, cuộc đàm thoại hợp nhất được vì chúng ta thỏa thuận với nhau về từ/chữ thiết yếu, trên căn bản đó chúng ta thống nhất với nhau, chúng ta thực sự là mình. “Đàm thoại và tính chất nhất quán hợp nhất của đàm thoại củng cố cho sự hiện hữu của chúng ta.” (Elucidations:57)  Hőlderlin nói “Từ khi chúng ta là một đàm thoại…” có nghĩa chúng ta một đàm thoại từ khi có thời gian, khi thởi gian trỗi dậy và được dựng lên chúng ta /sử tính. Một đàm thoại và là sử tính thuộc vào nhau, và hai là một. Chính bởi ngôn ngữ xuất hiện một cách chính thực như đàm thoại nên các thần linh đi vào sự bày tỏ và thế giới xuất hiện. Nhưng sự hiện diện của thần linh và sự xuất hiện của thế giới không phải là hậu quả của ngôn ngữ, nhưng cả hai đồng thời xảy ra. Thần linh chỉ bày tỏ khi chính thần linh nói với chúng ta và đặt chúng ta dưới sự nhìn nhận của thần linh. Một từ/chữ đặt tên thần linh luôn luôn là một đáp lời sụ nhìn nhận đó, và sự đáp lới này luôn luôn xuất phát từ trách nhiệm về một sinh phần/mệnh. Chính bởi thần linh đưa sự hiện hữu của chúng ta vào ngôn ngữ cho nên chúng ta đi vào lãnh vực của sự quyết định liên quan tới việc có phải chúng ta cam kết mình với thần linh hay chúng ta từ chối mình với thần linh. Câu thơ “Nhưng cái trụ lại được xây đắp bởi thi sĩ” của Hőlderlin trích trong bài thơ ‘Hồi tưởng’ chỉ ra rằng Thi ca làm công việc xây đắp cái còn trụ lại bằng chữ/từ và trong chữ/từ, thi ca đưa ra chỗ phơi mở nền tảng của các hữu, Hữu phải được tỏ lộ để các hữu có thể hiện bày. Nhưng mọi thứ thiêng liêng qua đi nhanh chóng, cái còn trụ lại được gửi gấm cho những kẻ làm thơ. Vì thi sĩ nói từ/chữ thiết yếu nên việc đặt tên trước hết có nghĩa chỉ định những hữu để chúng được biết đến như hữu cho nên thi ca làm công việc đặt nền tảng cho Hữu trong chữ/từ. Ở đây một lần nữa Heidegger lại muốn nhấn mạnh rằng Hữu và yếu tính của sự vật không bao giờ có thể được tính toán đong đếm và rút ra từ cái hiện diện trong tầm tay. Tóm lại, yếu tính của thi ca la việc xây đắp nền tảng cho hiện hữu cũng như cho Hữu trong từ/chữ. Chính từ điều này ta có thể hiểu được rằng hiện hữu con người ‘có chất thơ’ từ trong nền tảng, “ ‘Cư ngụ một cách thi tính’  có nghĩa đứng trong sự hiện diện của thần linh và bị sửng sốt bởi sự cận kề thiết yếu của các hữu. Hiện hữu là ‘có chất thơ’ trong cái nền của nó – điều này có nghĩa, đồng thời, như đã được xây nền, hiện hữu không phải là cái được trả công, nhưng đúng ra là một tặng phẩm.” (Elucidations:60). Heidegger tỏ ra khinh thị quan niệm cho rằng thi ca là một sự trang trí đời sống, sự hứng khởi nhất thời, sự phấn khích hay trò tiêu khiển. Hơn thế nữa vì thi ca làm công việc giữ vững nền tảng của lịch sử nên thi ca không thể là diện mạo của văn hóa, trên hết thảy thi ca không phải ‘chỉ là biểu lộ’ của ‘linh hồn một nền văn hóa’. Thi ca chẳng bao giờ coi ngôn ngự như chất liệu có sẵn trong tầm tay, đúng ra chính thi ca làm cho ngôn ngữ khả hữu:Thi ca là ngôn ngữ nguyên ủy của một dân tộc có sử tính, yếu tính của ngôn ngữ nhất thiết phải được thấu hiểu từ yếu tính của thi ca. Về vai trò của thi sĩ Heidegger cho rằng thi sĩ là kẻ bị ném vào đứng giữa thần linh và con người – thi sĩ là kẻ nữa thần linh nửa con người, nửa tiên nửa tục nói theo kiểu Đông phuơng -  và chính vỉ ở vị thế nằm giữa này mà con người là gì và con người ở đâu được xác định như lời Hőlderlin ‘Con người cư ngụ một cách thi tính trên trái đất này.’ “Không ngưng nghỉ và mãi mãi ngày càng an nhiên hơn, từ sự đầy tràn hình ảnh đè nặng trên mình, và mãi mãi ngày càng đơn giản hơn, Hőlderlin đã tôn phong chữ nghĩa thơ của mình cho cái vương quốc của vị trí đứng giữa trung gian. Chính điều này khiến chúng ta nói rằng ông là thi sĩ của thi sĩ.” (Elucidations:64)
(còn tiếp)
đào trung đạo

© gio-o.com 2011

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved