Home » » Martin Heidegger-Thông diễn học P23

Martin Heidegger-Thông diễn học P23

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011 | 01:47


đào trung đạo

Thông Din Lun
của

Martin Heidegger
(23)


Vào tháng Mười năm 1950 Heidegger đọc bài thuyết trình Die Sprache/Ngôn ngữ (bài thứ nhất trong GA12, bản Anh văn của Albert Hofstadter Poetry, Langage, Thought [LPT]:189-210) để triển khai vấn đề yếu tính của ngôn ngữ qua thông diễn bài thơ ‘Một Đêm Đông’ của Georg Trakl. Mở đầu bài thuyết trình Heidegger tóm tắt quan niệm về ngôn ngữ của Wilhelm von Humboldt cho rằng ‘chỉ có lời nói có khả năng làm cho con người trở thành một sinh vật là còn người.’ Như thể chính vì con người nói nên con người hiện hữu – là con người.’ Heidegger muốn nhấn mạnh tới khía cạnh ‘động’ của lời nói, tuy rằng nói không nhất thiết phải phát thành tiếng: “Chúng ta luôn luôn nói, cho dù khi chúng ta không thốt lên một từ/chữ nào, nhưng chỉ nghe hay đọc, và ngay cả khi chúng ta không hẳn nghe hay nói nhưng chúng ta đang làm việc gì đó hay đang nghỉ ngơi. Cách này hay cách  khác chúng ta không ngừng nói. Chúng ta nói bởi nói thật là tự nhiên đối với chúng ta.” Ngoài ra, theo Heidegger con người nói từ một ngôn ngữ, nghĩa là ngôn ngữ đã được tạo lập và con người chỉ sử dụng ngôn ngữ thôi. Trong cái nói của con người, tai con người thường nghe ngôn ngữ của mình ‘phải nói gì”. Nói tức là nghe ngôn ngữ mình nói, như vậy có nghĩa nghe đi trước nói. Ta cũng cần phân biệt giữa nói (speaking) và nói lên điều gì (saying-something). Vì rất có thể một người nói  rất nhiều nhưng chẳng nói lên điều gì cả, ngược lại  khi ta lặng thinh nhưng lại là đã nói lên rất nhiều. Nói lên (tiếng Đức sagen) theo Heidegger có nghĩa gốc là “chỉ ra, đem bày ra, cho một cái gì đó xuất hiện, cho nó được nhìn thấy hay nghe thấy.” Thế nên muốn tìm bản chất ngôn ngữ ta phải tìm không phải ở việc nói mà ở trong việc nói lên nguyên ủy hiểu như sự bày ra (sagen-zeigen). Việc nhấn mạnh vào hành động nói trong im lặng này của Heidegger chủ ý để phi bác quan niệm đã được nhiều người chấp nhận của những nhà ngữ học cho rằng ngôn ngữ là sự kích hoạt những bộ phận để phát âm và nghe, lời nói là sự biểu lộ và thông tin, những tình cảm con người, và những tình cảm này kèm theo tư tưởng, ý nghĩ.  Heidegger cũng không đồng tình với quan niệm cho rằng ngôn ngữ có nguồn gốc thần linh chẳng hạn như trong Lời mở đầu của Kinh thánh St. John cho rằng từ khởi đầu Lời ở cùng Chúa. Tư tưởng về ngôn ngữ theo Heidegger không phải là việc thu giảm bản chất của ngôn ngữ vào một khái niệm nhưng là đặt ngôn ngữ vào chỗ hữu của ngôn ngữ: Ngôn ngữ là ngôn ngữ, nhưng bằng cách nào ngôn ngữ xảy ra như ngôn ngữ? Ngược với quan niệm thông thường ‘con người nói’ Heidegger cho rằng đúng ra phải là Ngôn ngữ nói. Như vậy suy tưởng về ngôn ngữ đòi hỏi chúng ta phải đi vào cái nói của ngôn ngữ để chiếm một chỗ ở với ngôn ngữ, nghĩa là trong cái nói của ngôn ngữ, chứ không phải trong cái nói của chính chúng ta. Chỉ có bằng cách này ngôn ngữ từ chỗ đó mới mời gọi chúng ta và ban cho chúng ta bản chất của ngôn ngữ. Nói cách khác, phải xét ngôn ngữ trên chính cái nền của nó. Heidegger trích dẫn đoạn thư Johann Georg Hamann gửi cho Johann Gottfried Herder ngày 10 tháng 8 năm 1784: “Nếu như tôi hùng biện được như Demosthenes thì tôi sẽ chẳng cần làm cái gì khác hơn là chỉ nhắc lại mỗi một lời này ba lần: lý trí là ngôn ngữ, logos. Tôi gậm  vào cái khúc xương có tủy này và sẽ một mình gậm mãi cho đến chết thì thôi. Nhưng với tôi vẫn cứ luôn luôn còn lại mãi mãi một sự tăm tối ở trên cái hố xâu; tôi vẫn chờ đợi vị thiên thần khải huyền mang theo một cái chìa khóa cho cái vực thẳm này.” Thay vì  như Hamann  quá quan tâm tới lý trí nên rơi vào vực thẳm – cái vực thẳm của vấn nạn không biết có phải lý trí nằm trong ngôn ngữ hay chính ngôn ngữ là vực thẳm – vì vậy Heidegger gạt vấn đề lý trí là gì sang một bên và chỉ suy tư về ngôn ngữ qua câu nói ‘Ngôn ngữ là ngôn ngữ’ và lắng nghe ngôn ngữ nói gì. Ngôn ngữ là – ngôn ngữ, lời nói. Ngôn ngữ nói. Nếu chúng ta để mình rơi xuống cái vực thẳm biểu thị bởi câu này, chúng ta sẽ không chúi đầu vào quãng không. Chúng ta tung mình ngược lên phía trên, tới một độ cao. Độ cao mở ra một độ xâu. Độ cao và độ xâu bắc qua một địa giới trong đó chúng ta mong muốn nơi đó như trở thành nhà mình ở, như thể để tìm một nơi cư trú, một nơi cư ngụ cho cuộc sống con người. Suy tư về ngôn ngữ nghĩa là – vươn tới cái nói của ngôn ngữ cách nào sao cho sự nói diễn ra như thể nó ban phát một sở cứ cho hữu của con người.” (LPT:191-2)
Ngôn ngữ nói, nhưng cái nói đó thế nào, và chúng ta đối mặt, gặp gỡ cái nói của ngôn ngữ ở đâu? Hẳn nhiên là ở cái được nói ra. Nhưng nói không chấm dứt ở cái được nói ra, nhưng trong cái được nói ra việc nói thu tập những cách thế nó ở lại cũng như cái gì qua nó không chấm dứt: đó là sự liền lỷ, liên tục dai dẳng của nói, cũng chính là việc làm mình hiện diện (presencing) của nó. Nhưng theo Heidegger, thông thường chúng ta chỉ đối mặt  với cái được nói ra như cái gì đó tồn đọng của một việc nói đã xảy ra quá lâu. Thế nên nếu muốn tìm thấy cái nói của ngôn ngữ trong cái được nói ra chúng ta phải tìm được cái được nói ra thật thuần túy. Nói ra một cách thuần túy nghĩa là trong đó sự hoàn tất của việc nói xứng hợp với cái được nói ra, và cái được nói ra đó phải là nguyên thuần: bài thơ chính là cái được nói ra một cách thuần túy. Heidegger chọn bài thơ ‘Một Đêm Đông’ của Tralk để nghe ngôn ngữ nói. Việc chọn lựa này không phải là tùy thích mà chính vì bài thơ này cho chúng ta biết cái gì là yếu tố tạo sự hiện diện (presencing element), có mặt nếu chúng ta tư tưởng theo dõi việc ngôn ngữ nói trong bài thơ này, từ đó chúng ta có thể khám phá ra được cái gắn bó tư tưởng với thi ca.

EIN WINTERABEND                               MỘT ĐÊM ĐÔNG
Wenn der Schnee ans Fenster fȁllt,                  Tuyết đổ hàng hàng trên cửa sổ,
Lang die Abendglocke lȁutet,                     Chuông giáo đường buổi chiều ngân dài,
Vielen ist der Tisch bereite                                Bàn ăn cho mọi người đã được dọn sẵn
Und das Haus ist wohlbestellt.                 Và ngôi nhà đã sẵn sàng đầy đủ.

Mancher auf der Wanderschaft                        Mấy  kẻ  lang  thang  màn  trời chiếu  đất
Kommt ans Tor auf dunklen Pfaden.           Trên những  ngả  đường  tối  thẳm  đến  bên  cửa   nhà.
Golden blȕht der  Baum der Gnaden             Cây  ân  sủng  trổ  bông  vàng  óng
Aus der Erde kȕhlem Saft.                                  Rẽ  mở làn  sương  lạnh lẽo của trái  đất.

Wanderer tritt still herein;                                Kẻ  lang  thang  lặng  lẽ  bước  vào;
Schmertz versteinerte die Schwelle.                 Nỗi đớn  đau  biến  ngưỡng  cửa  thành  đá.
Da erglȁnzt in reiner Helle                        Nằm im, trong  ánh  sáng  rạng  ngời  phơi  bày
Auf dem Tische Brot und Wein.                 Bánh  mì  và  rượu  vang  trên  bàn.
Georg Trakl
(Bản Anh văn của A Hofstadter: Window with falling snow is arrayed,/ Long tolls the vesper bell,/ The house is provided well,/ The table is for many laid./ Wandering ones, more than a few,/ Come to the door on darksome courses./ Golden blooms the tree of graces/ Drawing up the earth’s cool dew./ Wanderer quietly steps within; Pain has turned the threshold  to stone./ There lie, in limpid brightness shown,/ Upon the table bread and wine.Trong bản dịch này Hofstadter đã để câu thơ thứ tư lên chỗ câu thứ ba.)
Tuy có nói rõ bài thơ này do Georg Trakl viết nhưng Heidegger cho rằng ai là tác giả những bài thơ bậc thầy thật không quan trọng, vì tính chất bậc thầy này nằm ngay ở chỗ bài thơ có thể phủ nhận cá nhân hay cái tên của thi sĩ. Bài ‘Một Đêm Đông’ về nội dung dễ hiểu, vế từ ngữ không có một chữ nào là không quen thuộc hay không rõ ràng. Nhưng để chuẩn bị cho người đọc – thực sự đọc - bài thơ , Heiddeger báo trước những câu thơ gây ngạc nhiên, cần chú ý:
Golden blȕht der  Baum der Gnaden
Aus der Erde kȕhlem Saft
Tương tự, câu thơ thứ hai trong đoạn thứ ba thật lạ lùng:
Schmertz versteinerte die Schwelle.
Heidegger cho rằng chính những câu thơ này biểu lộ được cái đẹp đặc biệt của việc tượng hình. Tuy vậy, nếu ta vẫn cố kết với quan niệm cổ điển về ngôn ngữ cho rằng ngôn ngữ là sự bày tỏ tình cảm và thế giới quan do con người tạo ra thì không thể thấu hiểu được bài thơ này.
Heidegger thông diễn bài thơ theo từng đoạn/khổ như sau:
Đoạn/khổ thứ nhất: mời gọi sự vật đi vào thế giới chúng xuất hiện trong đó. Đoạn thơ này không chỉ đặt tên sự vật mà  đồng thời cũng đặt tên thế giới theo nghĩa thế giới tứ-tượng ((Geviert) trời-đất-thần-người.
Đoạn/khổ thứ hai: Mời gọi và đặt tên  người – nhưng không phải mọi người – mà chỉ những kẻ đang lang thang trên những con đường tối thẳm, những kẻ này có thể chết, đi vào cái chết.  “Trong sự chết tính chất ẩn dấu tối thượng của Hữu kết tinh. “ (LPD:200). Những bộ hành này trên hết phải lê gót qua những ngả đường tối thẳm đến căn nhà và bàn ăn ; họ phải làm vậy không phải chỉ và trên hết thảy vì cá nhân họ nhưng vì rất nhiều người khác, bởi nếu như mọi người nghĩ rằng nếu họ chỉ đến những căn nhà và ngồi vào bàn ăn thì họ đã bị vật hóa, điều kiện hóa, bởi sự vật và đã tới được nơi cư ngụ. Tuy hai câu đầu trong khổ thơ này không mời gọi thế giới một cách rõ ràng nhưng hai câu kế tiếp đã  làm công việc này. Hai câu này gây ngạc nhiên vì sự chuyển đổi đột ngột trong việc gọi ra một cái gì đó khác hẳn: cây ân sủng nở hoa vàng óng. Sự vật vắng mặt (rễ) trong lòng đất nhả nhựa nuôi nấng (ân sủng)  được gọi về hiện diện bằng hoa bừng nở sẽ đơm trái vươn lên bầu trời  - sự vật có mặt – đất trời phụ thuộc nhau: thiêng liêng, cất giữ, tình yêu hướng về con người. Heidegger viết: “Tứ tượng hợp nhất của chúng là thế giới. Nhưng chữ thế giới giờ đây không còn được dùng trong nghĩa siêu-hình-học nữa. Chữ này không chỉ định vũ trụ của thiên nhiên và lịch sử trong cái cách hình tượng thế tục, nó cũng chẳng là một sự sáng tạo được quan niệm theo kiểu tôn giáo (mundus), hoặc nó cũng không đơn giản có nghĩa là toàn thể những thực tại hiện có mặt. ” (LPT:201). Nói tóm lại, hai câu thơ thứ ba và thứ tư của khổ hai cất tiếng gọi thế-giới-tứ-tượng nơi đây, và như vậy mời gọi thế giới đến với các sự vật, gửi gấm các sự vật cho thế giới. Nhưng hai cách mời gọi thế giới và sự vật ở đây tuy khác nhau nhưng không tách rời, cũng không đơn giản được song đôi với nhau vì thế giới và sự vật không hiện hữu song song mà chúng ăn xâu vào nhau qua một khoảng giữa tách biệt. Gặp nhau trong khoảng giữa này chúng là một. “Nhưng sự thân cận giữa thế giới và sự vật không phải là sự nhập vào nhau, trái lại sự thân cận này chỉ có được khi thế giới và sự vật tự chúng phân cách nhau một cách dứt khóat. Trong khoảng giữa của cả hai, trong khoảng giữa của thế giới và sự vật, trong cái inter của chúng, sự phân lập thắng thế: một sự biệt-qui (dif-ference).” (LPT:202). Ở đây chúng ta nhận ra Heidegger thông diễn thơ để nỗ lực giải quyết vấn đề về sự khác biệt hữu thể học. “Vây nên chúng ta phải  quan niệm  sự khác biệt (hữu-thể-học)  như  một  đường nứt tách rời  ra   -Schied  giữa  Unter-  Hữu và các hữu, sự tách rời này qui chiếu chúng với nhau bằng chính sự kiện sự tách rời này bửa chúng ra làm hai.” (GA12:25)
Đoạn/khổ thứ ba: Trong khổ thứ ba cái trung gian/đứng giữa thế giới và các sự vật được xướng gọi xuất hiện để hoàn thành sự gần gũi. Trakl không cho biết “Kẻ lang thang lặng lẽ bước vào” – vào đâu? Câu thơ mời gọi kẻ lang thang bước vào vùng tĩnh lặng, sự tĩnh lặng này biến bực thềm nhà thành đá. Chỉ một câu thơ này tự nó đã nói lên được điều bài thơ muốn nói lên: bài thơ đặt tên cho sự đớn đau. Trong suốt bài thơ chỉ có câu thơ   “Schmertz versteinerte die Schwelle” này động từ ở thì quá khứ, tuy vậy thì quá khứ không nhằm chỉ một cái gì đó đã đi vào quá khứ, nhưng nhằm chỉ ra một cái gì đó vẫn mãi còn đó, từ lâu vẫn còn đó: chỉ có bằng cách biến thành đá cái ngưỡng cửa mới hiện diện, có mặt. Ngoài ra ngưỡng cửa chính là vật ‘ở giữa” ngoài và trong nhà, là chỗ ngoài thông thương với trong, cho nên ngưỡng cửa phải dắn chắc, bền vững. Cái gì đã làm cho ngưỡng cửa thành bền vững? Sự đớn đau. Không phải đớn đau hòa vào ngưỡng cửa biến ngưỡng cửa trở thành đá, nhưng vì nỗi đớn đau có mặt/hiện diện không ngưng nghỉ nơi ngưỡng cửa. Theo Heidegger, nỗi đau này chính là khoảng nứt rạn tuy không tách hẳn hai phần ra mỗi cái mỗi ngả nhưng vừa tách rời vừa nối kết chúng lại với nhau. Do đó sự “đớn đau là tác nhân phân ly và nối kết: sự đớn đau nối kết vết nứt của sự biệt-qui . Đớn đau chính là khác biệt/qui.” (LPT:204). Nhưng chính sự đau đớn cũng là sự khác biệt/qui này đã hiện diện trong thu tập hiện bày thế giới và sự vật. Vết nứt của khác biệt/qui làm cho ánh sáng rạng ngời chiếu vào ngưỡng cửa làm  tỏa sáng thế giới trong/ngoài, trên bánh mì và rượu vang vốn là những tặng phẩm của trời đất, của thần linh ban cho con người. Bánh mì và rượu vang kết tập trời-đất-thần-người. Sự sáng ngời trong suốt của thế giới và sự lấp lánh đơn thuần của các sự vật đi xuyên suốt khoảng nằm giữa của chúng, tức là xuyên suốt sự khác biệt/qui.
Chỉ có đoạn/khổ thứ ba của bài thơ kêu gọi thế giới và sự vật đi vào khoảng giữa của sự thân cận của cả hai, và đường nối hữu của thế giới và hữu của sự vật đem chúng đến với nhau là sự đớn đau. Đó là tiếng gọi nguyên ủy yêu cầu sự thân mật gần gụi của thế giới và của sự vật đi tới, do đó tiếng gọi này là lời yêu cầu chính thực. Lời yêu cầu này là bản chất của việc nói. Nói xảy ra trong điều được nói ra trong bài thơ. Và đó là việc nói của ngôn ngữ: Ngôn ngữ nói. Và cái được yêu cầu như vậy được điều khiển đi từ sự khác biệt/qui vào sự khác biệt/qui. “Sự yêu cầu của ngôn ngữ cam kết đưa cái được yêu cầu đến việc yêu cầu của sự khác biệt/qui. “Sự khác biệt/qui  để cho sự trở thành sự vật (thinging) của sự vật yên vị trong sự trở thành thế giới (worlding) của thế giới. Sự khác biệt/qui chiếm đoạt sự vật yên vị chúng trong thế giới tứ tượng. Sự chiếm đoạt này không làm giảm sự vật. Chỉ có bằng cách này sự vật mới xứng đáng như chính nó để ở trong thế giới. Giữ yên vị là làm cho không chuyển động. Sự khác biệt/qui làm sự vật đứng yên, như sự vật, vào trong thế giới…Sự khác biệt giữ yên theo hai ngả. Nó giữ yên bằng cách để sự vật yên nghỉ trong sự biệt đãi của thế giới. Nó giữ yên bằng cách để cho thế giới tự túc trong sự vật. Trong việc giữ yên kép này của sự khác biệt sự bất động (stillness) diễn ra. ” (LPT:206) Như thế sự khác biệt/qui chính là kẻ yêu cầu, yêu cầu thế giới và sự vật ra khỏi tự thân để đi vào nơi chia cắt cũng chính là sự khác biệt/qui. Lời kêu gọi thu tập này là sự ngân rung. Ngân rung của sự bất đông cũng chính là tiếng gọi kép của sự khác biệt/qui điều khiển yêu cầu thế giới và sự vật thu tập, đứng chung. Heidegger viết: “Ngôn ngữ nói như tiếng ngân rung của sự bất động…Ngôn ngữ, sự ngân rung của bất động, là/hiện hữu, lý do vì sự khác biệt/qui xảy ra. Ngôn ngữ tiếp diễn như sự xảy ra hay sự xuất hiện của sự khác biệt/qui cho thế giới và cho sự vật.” (LPT:207) Tiếng ngân rung của bất động cũng là bản chất của ngôn ngữ không phải của con người, nhưng vì con người được trở thành con người bằng ngôn ngữ nên con người xứng hợp với bản chất ngôn ngữ vì từ bản chất và sự hiện bày ngôn ngữ cần và sử dụng con người để có thể cất tiếng như hồi ngân rung của sự bất động để cho con người nghe thấy. Khác với lời nói thông thường, trong thơ cái được nói lên là lời yêu cầu thuần túy, thơ thực sự là thơ không bao giờ là lời nói thông thường theo một sự sắp đặt, phương thức cao hơn. Ngược hẳn với ngôn ngữ thơ ngôn ngữ thông thường hàng ngày là thứ ngôn ngữ đã bị dùng mòn, đã bị quên lãng. Ngôn ngữ thơ đánh thức tiếng ngân vang của bất động, cất tiếng đón nhận và trả lời tiếng nói của ngôn ngữ.
(còn tiếp)
đào trung đạo

© gio-o.com 2011
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved