Home » » Martin Heidegger-Thông diễn học P21

Martin Heidegger-Thông diễn học P21

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011 | 01:40



đào trung đạo

Thông Din Lun
của

Martin Heidegger
(21)
   

Như chúng ta đã thấy câu nói ‘Ngôn ngữ là căn nhà của Hữu’ Heidegger lần đầu phát biểu trong khi đối thoại với thơ của Rilke. Qua tới Űber den Humanismus/Thư về Nhân Bản Chủ  nghĩa Heidegger sau khi giải thích tường tận vấn đề Hữu và hiện sinh trong SuZ – phải giải thích tường tận vì có sự ngộ nhận từ nhiều phía nhất là sau khi chủ nghĩa hiện sinh của Sartre lên ngôi ở Pháp – tóm tắt điểm chủ yếu trong mệnh đề “Hữu là cái siêu nghiệm thuần túy và đơn giản” để mô tả cách thế theo đó yếu tính của Hữu soi chiếu cho con người. Đây là điều cơ bản cho mọi tư tưởng về Hữu, đặt vấn đề vế chân lý của Hữu. Theo cách thế này tư tưởng chứng thực được rằng sự phơi mở thiết yếu của tư tưởng như là sinh mệnh. Chính vì vậy trong SuZ (trang 230) Heidegger nói rằng Hữu hiện phải được hiểu trên hết từ “ý nghĩa” [Sinn]  của nó, nghĩa là từ chân lý của Hữu. Và “Hữu được làm sáng tỏ cho con người trong dự phóng siêu vượt [Entwurf]” (Question III&IV : 96; Pathmark:257) Dự phóng này là một dự phóng ‘ném vào’, Hữu ném mình vào Tại, số/vận mệnh xảy đến như sự làm sáng tỏ Hữu. “Số/vận mệnh này thỏa thuận sự cận kề với Hữu” và “…cận kề xuất hiện như chính ngôn ngữ” (Diese Nȁhe west als die Sprache selbst…) , Ngôn ngữ là sự đi tới chiếu sáng-ẩn dấu của chính Hữu (…Sprache ist lichtend-verbergende Ankunft des Seins selbst). Heidegger cho rằng trong sự cận kề này, trong sự chiếu sáng Tại, con người cư ngụ trong đó như hữu hiện, vậy mà ngày nay người ta cũng chưa trải nghiệm được sự kiện này một  cách thích đáng và nắm lấy quyền cư ngụ. Sự cận kề Hữu này chính là Tại của Dasein. Quê quán/nhà của kẻ cư trú chính là sự cận kề với Hữu. Heidegger nhắc lại trong bài thuyết trình về bài bi ca Heimkuntf/Trở Về Nhà của Hőlderlin vào năm 1943 tính cận kề Hữu này đã được suy tưởng từ căn bản quyển SuZ, được mượn lại từ lời ca trong bài thơ, và nếu nhìn từ kinh nghiệm của sự lãng quên Hữu sự cận kề này có thể được gọi là “Quê Nhà”/”Tổ Quốc,” nhưng  chữ này thiết yếu phải được hiểu trên bình diện lịch sử của Hữu chứ hoàn toàn không phải có tính yêu nước hay chủ nghĩa dân tộc gì cả. Theo Heidegger, chính Nietszche là kẻ cuối cùng kinh nghiệm tình cảnh “Không Quê Nhà”. Trong tương cận/kề với Hữu, nếu Hữu bỏ rơi các hữu, tình cảnh không quê nhà/vô sở cứ xảy ra. Không quê nhà chính là sự lãng quên Hữu, trở thành sinh mệnh/số phần của thế giới.
   Vì ngôn ngữ làm công việc chiếu sáng-phủ lấp Hữu cho nên ngôn ngữ là một sự cố có nguồn gốc tối thượng từ Hữu, là căn nhà của Hữu được sắp đặt bố trí theo khuôn mẫu của Hữu và bởi Hữu. Heidegger cho rằng: “…Hữu luôn luôn trên đường hướng về ngôn ngữ..” (…Es ist stets unterwegs zu ihr..), và khi Hữu tới từ/chữ khi đó “…ngôn ngữ là ngôn ngữ của Hữu giống như mây là mây của bầu trời…” (…Die Sprache ist so die Sprache des Seins, wie die Wolken die Wolken des Himmels sind…) Nhưng làm sao có thể “gần gũi” Hữu? Câu trả lời của Heidegger: thông qua tư tưởng Hữu đến với ngôn ngữ vì ngôn ngữ của con người, như tư tưởng của Dasein, “phải được xét theo khung khổ của một sự trả lời Hữu như thể đó là một sự trả lời.” Tư tưởng Hữu phải đi theo con đường của ngôn ngữ. Mối tương quan giữa ngôn ngữ và Hữu Tại (Being’s There) là mối tương quan giữa hiện hữu (Ek-sistence) với Hữu. Vì con người hiện hữu trong ngôi nhà của Hữu, canh thức Hữu trong chân lý của Hữu, chỉ có con người là có ngôn ngữ vì chỉ có con người mới tiếp cận được Hữu cho nên chức năng của ngôn ngữ là cho Hữu được là Hữu. Khi ngôn ngữ trở thành xuống cấp, tầm thường, chính vì con người đã lãng quên Hữu, con người không còn cận kề Hữu, không cất tiếng đáp lời Hữu. Trong SuZ con người hoàn tất việc canh giữ Hữu và chân lý của Hữu qua sự quan tâm (Sorge), qua hành vi chấp nhận bản chất hữu hạn của mình để sẵn sàng được kêu gọi, giải phóng mình khỏi hữu hạn để được/nghe Hữu kêu gọi, và đó chính là cái tạo nên sự chọn lựa bản thân của Hiện thể. Nếu sự chọn lựa này là xác thực, đáng tin cậy Heidegger gọi đó là ‘kiên định’ (Entschlossenheit). Sang đến Thư về Nhân Bản Chủ nghĩa Heidegger cho rằng chính bằng tư tưởng Hữu trở thành hiện toàn, tràn đầy bởi vì tư tưởng Tại làm công việc hoàn tất sự giao phó của Hữu để soi sáng các hữu. Chức năng nền tảng của tư tưởng là để cho Hữu là Hữu, thỏa mãn đòi hỏi của Hữu đối với Hiện thể là đem chân lý của Hữu vào ngôn ngữ. Như vậy tư tưởng về Hữu đóng vai trò tiên khởi, Hữu là ‘thành tố’(element)  của tư tưởng giống như nước là thành tố của cá – thành tố ở đây hiểu theo nghĩa cái gì làm cho một cái gì khác khả hữu, nghĩa là tạo yếu tính (essence-ing) cho cái khác đó để hiện thành. Nhưng Hữu làm cho tư tưởng khả hữu, “…duy trì tư tưởng trong việc tạo yếu tính, giữ cho tư tưởng ở trong thành tố của tư tưởng” (…es in seinem Wesen wahren, in seinem Element einbehalten.” Nhưng tư tưởng trong việc đưa Hữu hiển lộ trong vai trò kẻ chờ đợi Hữu nên tư tưởng không phải là thụ động vì tư tưởng đóng góp vào việc làm cho biến cố chân lý hoàn toàn tỏa sáng trong Tại.  “Hữu   như sự trao gửi cho tư tưởng.” (…Das Sein ist als das Geschick des Denken…”
   Đâu là mối quan hệ giữa tư tưởng và ngôn ngữ? Nhờ tư tưởng nên Hữu hiển lộ nơi Tại, sự hiển lộ này xuất hiện “…qua tư tưởng Hữu tiến vào sự bày tỏ trong ngôn ngữ…” (daß im Denken das Sein kommt…) Cũng như tư tưởng ngôn ngữ phải được quan niệm như sự đáp lời/ứng Hữu. Nếu ta xét về mặt lịch sử của Hữu thì chính theo qui cách này ta thấy Hữu mở ra giao phó/cho và nơi con người qua sự phát biểu trong lời lẽ của những nhà tư tưởng đặt nền tảng cho cơ sở tư tưởng nhân loại. Heidegger tóm lược: “Tư tưởng xây dựng trên căn nhà của Hữu, cái căn nhà trong đó sự tham gia của Hữu, trong khai mở giao phó của Hữu, nối kết với yếu tính con người mỗi khi cư ngụ trong chân lý của Hữu. Việc cư ngụ này là yếu tính của “hiện-hữu-trong-thế-giới”…Tuy vậy tư tưởng chẳng bao giờ tạo nên căn nhà của Hữu. Tư tưởng dẫn dắt hiện hữu có tính  lịch sử, nghĩa là cái humanitas của homo humanus đi vào lãnh vực nơi bình minh của sự khôi phục (des Heilen) ló rạng” (Heidegger, Question III&IV:120-121; Pathmark:272). Không xây dựng nên căn nhà của Hữu nhưng Hữu-Tại bằng tư tưởng làm công việc hoàn tất căn nhà này. Hữu như λόγος tự khai minh đã trên đường đến ngôn ngữ và “…hiện hữu tư duy, về phần mình, đem [Hữu] tiến vào [ngôn ngữ] qua việc thốt lời trong ngôn ngữ…” (…Dieses Ankommende das ek-sistierende Denken seinerseits in seinem Sagen zur Sprache…) Mối quan hệ giữa Hữu và tư tưởng là mối quan hệ đi lại hai chiều: tư tưởng cung cấp ngôn ngữ cho Hữu để phơi mở và Hữu ban ánh sáng qua ngôn ngữ. Chính trong việc hoàn tất căn nhà này  Hữu Tại dọn vào cư ngụ trong căn nhà này. Nếu muốn tư tưởng thực sự là sự đáp lời/ứng Hữu trong và qua ngôn ngữ nhà tư tưởng phải tuân thủ Hữu khi đưa Hữu vào ngôn ngữ, dù rằng nhiều khi  rất kiệm lời. Chỉ có thể bằng cách này nhà tư tưởng mới trùng hưng cái gì quí giá nhất của từ/chữ của ngôn ngữ, và tái tạo cho con người sự biết ơn việc cư ngụ trong căn nhà của Hữu. Đấy là công việc của nhà tư tưởng. Còn thi sĩ thì sao? Hỏi vậy cũng có nghĩa như hỏi: mối quan hệ giữa  giữa tư tưởng và thi ca là gì? Giống như nhà tư tưởng thi sĩ cũng là kẻ canh giữ căn nhà của Hữu. Trong Was ist Metaphysik?/Siêu-ình-học là gì? Hiedegger viết “…nhà tư tưởng nói về Hữu. Thi sĩ đặt tên cái Thiêng Liêng…” (…Der Denker sagt das Sein. Der Dichter nennt das Heilige…). Câu nói này khá bí ẩn và không được Heidegger giải thích trực tiếp. Nhưng ta có thể căn cứ vào câu nói của  Heidegger rằng “yếu tính của Thiêng Liêng chỉ có thể được tư tưởng theo chân lý của Hữu” (…Erst aus der Wahrheit des Seins lȁßt sich das Wesen des Heiligen denken…” ta có thể hiểu cân nói này theo nghĩa thi sĩ đặt tên cho Hữu là Thiêng Liêng.
   Heidegger dành phần cuối của Thư về Nhân bản Chủ nghĩa để giải thích zur Sprche bringen/đem vào Ngôn ngữ trong câu “Bởi tư tưởng khi cất tiếng chỉ đem  vào ngôn ngữ lời không phát thành tiếng của Hữu” phải hiểu sao cho đúng. Theo Heidegger, ‘zur Sprache bringen’ phải được hiểu theo nghĩa đen. Hữu tỏa sáng đến với ngôn ngữ,  không ngừng trên đường tới ngôn ngữ. Về phần mình , tư tưởng hiện sinh đem  vào ngôn ngữ, trong lời của mình, việc Hữu đến/tới.  Chính vì vậy ngôn ngữ được đem vào  trong sự chiếu sáng của Hữu. Ngôn ngữ chỉ ngôn ngữ theo con đường ẩn mật này, cho nên đối với chúng ta đó luôn luôn là con đường tràn lan. Khi mà ngôn ngữ được đem trọn vẹn vào yếu tính của nó khi đó ngôn ngữ có tính lịch sử. Hữu được giao phó trong thu tập. Hiện sinh cư ngụ trong căn nhà của Hữu một cách có suy tưởng. Và trong hết thảy điều này như thể, qua lời suy tưởng, chẳng có gì xảy ra cả.
(còn tiếp)
đào trung đạo
   

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved