Home » » Martin Heidegger-Thông diễn học P19

Martin Heidegger-Thông diễn học P19

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011 | 01:32



đào trung đạo

Thông Din Lun
của

Martin Heidegger
(19)


   Heidegger giải thích mối quan hệ giữa ngôn ngữ của con người với Hữu-như-lời (Being-as-saying) bằng όμολογείν: Nghe đúng nghĩa, tức là lắng nghe, thiết yếu xảy ra trong λέγειν như là όμολογείν (homologein, đồng tình) khi Dasein thuận thảo với Hữu-như-lời, nghĩa là ngôn ngữ con người hoàn toàn đồng tình với Lời-bản-nguyên của Hữu. Trích dẫn Heraclitus: Ούκ έμού άλλὰ το͓ύ Λóγου άκούσαντας “Khi ngươi đã nghe, không chỉ đơn thuần nghe ta nói (người nói) nhưng đúng ra khi ngươi tự chủ trong việc lắng nghe thuận hợp [Gehören] , khi đó mới là nghe đúng nghĩa…Khi có sự nghe đúng nghĩa như vậy tức là có σοφòν. Nghe đúng nghĩa thuộc về λόγος .” (GA 7:212; Krell&Capuzzi:67).  Heidegger cho rằng chỉ có nhà tư tưởng và thi nhân biết nghe đúng nghĩa là căn cứ vào lời Heracltus: σοφòν ε̎στιν: Khi όμολογείν diễn ra thì σοφòν  xuất hiện. Người ta thường dịch σοφòν là “khôn ngoan”, người xưa cho rằng người không ngoan là kẻ đồng nhất cái đã nhìn thấy với cái đã nghe thấy, nghĩa là trụ tại nơi chốn của con người tử sinh, trụ vững nơi cái gì Đặt-nằm thu-tập đưa ra trước mắt.  Như vậy σοφòν có nghĩa là cái gì nhập vào cái được chỉ ra, có thể tự hiến cho cái được chỉ ra, và có thể chuyển giao cho cái được chỉ ra. Từ đó Heidegger cho rằng kẻ biết nghe là kẻ có  khả năng nghe như “tặng phẩm” được giao cho để nghe đúng nghĩa. Heidegger truy nguyên σοφòν cũng còn có nghĩa là “tính chất quyết đinh” (geschicklich) vì khi nghe đúng nghĩa như όμολογείν hiện hữu thì định mệnh xuất hiện và λέγειν của con người được chuyển giao cho λόγος , và khi đó λέγειν mới hiện ra như λόγος. Nhưng theo Heidegger σοφòν không phải là  τò Ʃοφóν (Định Mệnh), tính quyết định không phải là Định mệnh. Câu hỏi đặt ra là: “tính quyết định” đó ở đâu và là cái gì trong hiện diện?  Dẫn lời Heraclitus:  σοφòν σοφòν έστιν ΄Έν-Πάντα  “điều quyết định hiện ra trong chừng mực như Một Tất cả.”. Nhưng Έν-Πάντα  không phải là cái λόγος  nói lên mà Έν-Πάντα  gợi ra cách thế λόγος xảy đến. Έν là Cái Một duy nhất thu về một mối. Έν-Πάντα  trong câu nói của Heraclitus chỉ cho chúng ta hiểu λόγος là gì một cách thật đơn giản. Trích Đoạn B7 của Heraclitus Еί πάντα τà őντα…” Nếu mọi vật (như tên gọi) hiện diện…” thì “Đặt-nằm thu-tập như là λόγος, đặt mọi sự hiện diện nằm xuống trong trạng thái không-ẩn-dấu. Và đặt-nằm cũng có nghĩa đem vào nơi cất giữ. Đặt vào chỗ cất giữ mọi thứ có mặt trong sự hiện diện của chúng, từ đó bất kỳ cái gì còn vương vất trong chốc lát trong sự hiện diện có thể được thu tập một cách tương xứng và được λέγειν của con người đem vào hiện diện.” GA7:213;K&C:70). Theo Heidegger ΄Έν-Πάντα nói cho chúng ta biết λόγος là gì và λόγος cho biết ΄Έν-Πάντα thiết yếu hiện ra như thế nào. Hai là Một. Vì nguồn cỗi của sự thu tập về một mối nguyên ủy của Đặt-nằm cùng khởi nguyên. Heidegger trở lại câu nói của Heraclitus ΄Έν-Πάντα (Một là Tất cả) để chỉ ra cách thế λόγος vận hành. Như cái Một ΄Έν, λόγος thu tập tất cả các hữu về tự bản thân chúng, đặt chúng nằm rõ trong sự không-ẩn-dấu để chúng hiện ra đúng là chúng. Chính bởi λόγος là ΄Έν cái Đơn nhất thượng đẳng,΄Έν có thể coi như tia chớp soi sáng các hữu trong Hữu. Tia chớp đột nhiên soi sáng đem mọi vật về chỗ chỉ định cho chúng. Sự đột nhiên đem lại đó là Đặt-nằm thu- tập, λόγος. Λόγος như ΄Έν-Πάντα không là gì khác hơn đấng thần linh tối cao. Do đó yếu tính của Λόγος chỉ dấu cho ta biết tính linh thiêng của thần linh. Toàn thể những hữu có mặt nằm dưới khuôn diện tối thượng của ΄Έν như là Zeus, thần linh của các thần linh. Tuy nhiên bản thân΄Έν  như ΄Έν-Πάντα  chính là λόγος, Đặt-nằm thu tập về một mối. Như là λόγος thì một mình  Έν  là τὸ Σοφóν, tính chất quyết định như chính Định mệnh : sự thu tập của căn phần vào hiện diện. Giải thích tính chất định mệnh/quyết định của ngôn ngữ con người Heidegger viết: “Nếu như άκούειν của con người được hướng đến riêng λόγος thôi, hướng đến Đặt-nằm thu-tập, thì khi đó λέγειν của con người được chuyên chở một cách khéo léo tới sự thu tập của λόγος. λέγειν của con người nằm an toàn trong λόγος. Ngôn ngữ con người được hướng định để thích hợp với όμολογείν. Như thế ngôn ngữ con người yên vị thích nghi với Λόγος. Theo cách đó λέγειν của con người có tính định mệnh. Nhưng ngôn ngữ con người không bao giờ là chính Định mệnh cả. nghĩa là ΄Έν-Πάντα như là ó Λóγος. (GA 7:213; K&C:74).  Heidegger minh giải câu nói của Heraclitus theo nghĩa nhà tư tưởng tối cổ Hy Lạp này dạy  chúng ta làm mới tư duy về λέγειν để biết được trong chừng mực nào λέγειν hiểu theo nghĩa nói, cất tiếng chỉ có nghĩa khi cũng được hiểu là đặt nằm, thu tập. Việc gọi/đặt tên (ο̎̎νομα), suy nghĩ theo λέγειν không phải là sự biểu lộ ra bằng từ/chữ-chỉ nghĩa, nhưng đúng ra là để nằm ra phía trước trong ánh sáng nơi một cái gì đó trụ vững theo cách có một cái tên. Thông diễn giải cấu lịch sử tư tưởng cổ Hy Lạp Heidegger cho rằng bao lâu nay siêu-hình-học và khoa học Tây-phương đã quên lãng tia chớp soi sáng Hữu cho nên người ta không thể quan niệm được rằng Hữu của các hữu có thể dấn nhập vào ngôn ngữ trong chữ/từ ó Λóγος. “ Ό Λóγος, τὸ Λέγειν, là Đặt-nằm để thu-tập. Nhưng đồng thời λέγειν đối với người Hy Lạp luôn có nghĩa là đặt nằm trước, trưng bày, nói, nói ra. Như vậy Ό Λóγος hẳn là tên người Hy Lạp đặt cho việc nói, nói ra, ngôn ngữ. Không phải chỉ có vậy. Khi Ό Λóγος được suy tưởng như là sự Đặt-nằm thu tập, hẳn là yếu tính của nói (die Sage) như người Hy Lạp vẫn nghĩ. Ngôn ngữ sẽ là việc nói. Ngôn ngữ sẽ là việc thu-tập để nằm-trước của cái gì hiện diện trong sự xuất hiện của nó. Trên thực tế người Hy Lạp cư ngụ trong sự thiết định ngôn ngữ. Có điều họ chẳng bao giờ nghĩ ngợi về điều này – kể cả Heraclitus.” (K&C:77)
   Qua lược trình bài thông diễn Logos Đoạn B50 của Heraclitus như trên chúng ta mới hiểu ngọn nguồn câu nói của Heidegger thường được trích dẫn từ quyển Uber den Humanismus/Thư về Chủ nghĩa Nhân bảnNgôn ngữ là căn nhà của Hữu.”
   Trong bài thuyết trình năm 1946 Wozu Dichter? (in trong tập Holzwege GA5) Thi sĩ Để Làm Gì (Bản Anh văn Off the Beaten Track  trang 200-241 của Julian Young & Kenneth Haynes [Y&H], bản Pháp văn Chemins qui ne mènent nulle  part do Wolfang Brokmeier dịch và Francois Fedier hiệu đính) nhân dịp thông diễn câu thơ/hỏi “...và tại sao lại là những thi nhân trong thời đại hoang tàn?” của Hőlderlin trong bài bi ca “Bánh mì và Rượu vang” Heidegger trình bày quan điểm “làm thơ cũng là một cách thế tư tưởng” qua thơ của Hőlderlin và Rilke, từ đó nói về mối quan hệ mật thiết giữa ngôn ngữ và Hữu. Theo Heidegger: “Là thi sĩ trong một thời đại hoang tàn có nghĩa: cất tiếng ca, quan tâm tới lối đi của những thần linh đã bỏ đi. Đó là lý do tại sao thi nhân, ở thời đại đêm đen của thế giới, nói lên sự linh thiêng. Đó là lý do tại sao trong ngôn ngữ của Hőlderlin đêm đen thế giới có nghĩa là đêm linh thiêng.” (GA 5, Y&H:202). Đến thời điểm sau thế chiến 2 hành trạng tư tưởng của Heidegger đi vào một bước ngoặt qua ngả suy tưởng về yếu tính của ngôn ngữ để giải quyết vấn đề về sự khác biệt giữa Hữu và những hữu (Being/beings: ontological difference) là nan đề chính chưa giải quyết kể từ Sein und Zeit. Đây là vấn nạn cốt tủy nhất trong triết học Heidegger chúng tôi sẽ bàn đến sau. Nỗ lực của Heidegger dùng phân tích yếu tính ngôn ngữ để giải quyết vấn đề này xét ra chỉ là một thử nghiệm mở đường.
(còn tiếp)
đào trung đạo


© gio-o.com 2011


Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved