Home » » Martin Heidegger-Thông diễn học P18

Martin Heidegger-Thông diễn học P18

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011 | 01:30



đào trung đạo

Thông Din Lun
của

Martin Heidegger
(18)


   Qua thông diễn Đoạn B 50 của Heraclitus lần đầu tiên Heidegger đưa ra quan niệm về yếu tính của ngôn ngữ. Theo Heidegger câu hỏi tại sao λέγειν từ nghĩa nguyên ủy là Đặt Nằm lại biến thành có nghĩa là nói (saying) và cất tiếng nói (talking/speaking) là một câu hỏi vô nghĩa cho nên chúng ta thay vì bận tâm về sự biến đổi này chúng ta thấy vấp phải một biến cố thật đơn giản đã quá lâu không  được nhận ra. Biến cố đầy bí ẩn của việc chuyển biến nghĩa chữ λέγειν  từ đặt nằm sang nói, cất tiếng này quan trọng hàng đầu cho việc đi tìm yếu tính của ngôn ngữ được Heidegger giải thích như sau: “…từ thời xa xưa nói và cất tiếng của con người diễn ra như λέγειν, đặt nằm. Nói và cất tiếng thiết yếu diễn ra như là sự đặt-nằm-cùng-trước mặt của mọi vật không ẩn dấu đi vào sự hiện bày.  λέγειν nguyên ủy theo nghĩa đặt nằm tự phơi mở ngay từ buổi đầu và theo một cách thế qui định mọi thứ không bị ẩn dấu như nói và cất tiếng. Thế rồi λέγειν như là chính sự đặt nằm bị nghĩa nói và cất tiếng tranh quyền trở thành nghĩa chính… Cái λέγειν  như sự đặt nằm trong khi nói và cất tiếng biểu lộ yếu tính của chúng này qui chiếu về sự quyết định về yếu tính của ngôn ngữ từ rất xa xưa và tạo nhiều hậu quả.  Do đâu lại xảy ra như thế? Câu hỏi này quan trọng tương tự như câu hỏi: Sự qui định đặc điểm yếu tính của ngôn ngữ  từ sự đặt nằm xuống lan rộng ra bao nhiêu? Câu hỏi này đạt tới mức độ tận cùng nhất của nguồn gốc thiết yếu khả hữu của ngôn ngữ. Bởi vì tương tự như sự đặt-nằm-ra -phía-trước thu tập, nói tiếp nhận được hình thức cốt yếu từ sự phơi mở của cái nằm cùng nhau trước mặt ta. Nhưng sự phơi mở của cái bị ẩn dấu thành không còn ẩn dấu chính là sự làm cho hiện diện cái hiện có mặt. Chúng ta gọi cái đó là Hữu của các hữu. Vậy thì việc nói thiết yếu của ngôn ngữ, λέγειν như sự đặt nằm, được xác định không phải do sự cất tiếng nói (vocalization φωνή) cũng không phải do sự chỉ nghĩa (signifying σημαίνειν.) Đã từ lâu sự bầy tỏ thành lời và gán nghĩa được chấp nhận như là những biểu thị rõ rệt, điều này  là không trung thực với một số những đặc tính của ngôn ngữ. Chúng thực sự đã không những không tiếp cận được vào lãnh địa nguyên ủy, thiết yếu của sự xác định ngôn ngữ mà còn không có khả năng qui định được cái lãnh địa đó cùng với những tính chất chính yếu của lãnh địa này. Rằng nói hiểu như đặt nằm ngự trị nhưng đã không được chú ý tới và lại từ rất xa xưa – và – cứ như thể  không có sự gì xảy ra ở đó cả – rằng nói theo cách đó đã hiện ra như λέγειν, việc này đã gây ra một tình cảnh đáng tò mò. Đầu óc con người chẳng bao giờ ngạc nhiên về biến cố này, và cũng chẳng tách bạch tìm hiểu  điều bí mật nằm trong đó, cái biến cố đã phủ lấp một sự ban phát thiết yếu của Hữu cho con người.”  (GA 7 :212; 63-64) Như vậy sự kiện chữ λέγειν cùng có nghĩa là “để-nằm-ra” và “nói hay lên tiếng” được hiểu ngầm rằng nói hay cất tiếng bước ra hiện diện như là một diễn biến của việc đặt-nằm-ra trong tính chất thu tập mọi thứ hiện ra chính  trong chừng mực như được đặt nằm ra trong sự không-bị-che-khuất, không ẩn dấu (GA 7:212-13; 63-63). Như vậy, theo Heidegger, không có sự chuyển biến nghĩa mà từ nguyên thủy hai nghĩa này là một (…Sagen und Reden wesen als das beisammen-vor-liegen-Lassen alles dessen, was, in der Unverborgenheit gelegen, anwest…” và λόγος chính là Lời-bản-nguyên (aboriginal Saying/Utterance, Sage) của Hữu, Hữu-như-lời-bản-nguyên  và ngôn ngữ của con người  có cùng mối liên hệ với Lời-bản-nguyên này tương tự như mối liên hệ giữa sở cứ/không gian/điểm thu tập với sự thu tập (gatheredness/collectedness.) Nhưng lời nói của con người chỉ là xác thực khi Dasein thuận hợp với Hữu-như-lòi-bản-nguyên, thủy chung với sự cam kết của mình, hoàn tất tính xác thực công chính của mình, là kẻ chờ đợi tham dự vào việc nghe Lời-bản-nguyên của Hữu. Để quảng diễn ý này  Heidegger phân biệt lắng nghe Hữu khác với việc người đời thường nghe một tiếng động nào đó. Khác biệt giữa nghe và lắng nghe nằm ở chỗ ta chỉ là lắng nghe khi thuộc về lời/tiếng hướng tới mình: “Người đời nghe tiếng sấm sét từ trên trời, tiếng lao xao của rừng cây, tiếng nước chảy róc rách, tiếng dây đàn gẩy, tiếng động cơ ầm ì, những tiếng động của thành phố - chỉ và chỉ nghe như thể dường như họ luôn luôn sẵn sàng theo một cách nào đó đã như thuộc về những tiếng động đó, nhưng thực ra họ chưa thực sự thuộc về chúng…Chúng ta thực sự nghe (gehȍrt) khi chúng ta thuộc về (gehȍren) cái nói/cất tiếng với ta tức là  λέγειν , đặt-nằm-cùng-trước-mặt.” (GA 7:65-66). Để cho thêm đầy đủ khi xét quan niệm về ngôn ngữ của Heidegger tưởng cũng cần nhắc lại là theo Heidegger gọi/đặt tên có nghĩa là gọi thẳng ra, đặt một hữu ra ngoài ánh sáng, ra chỗ Phơi mở để cho hữu có thể tỏa sáng không bị ẩn dấu. Tóm lại, khi đã nắm được  nghĩa nguyên ủy của λέγειν cũng có nghĩa hiểu được rằng “…định yếu tính của ngôn ngữ theo định yếu tính của Hữu  (…das Wesen der Sprache aus dem Wesen des Seins…” (GA 7:228). Khi ta đưa một cái gì đó vào ngôn ngữ có nghĩa là ta “canh giữ Hữu trong sự xuất hiện của ngôn ngữ, nghĩa là để cho logos tỏa sáng trong và qua từ/chữ (…Sein in das Wesen der Sprache Bergen…). Chính vì quan niệm như vậy nên Heidegger cho rằng chỉ có nhà tư tưởng và thi nhân là có khả năng sử dụng ngôn ngữ để Hữu tỏa sáng và được bảo vệ, được canh giữ.
(còn tiếp)
Đào trung đạo

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved