đào trung đạo
Thông Diễn Luận
của
Martin Heidegger
- 17 –
Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7, Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10, Kỳ 11, Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14 Kỳ 15, Kỳ 16, Kỳ 17,
Logos (Heraclitus, Fragment B 50) là một trong những bài thuyết trình của Heidegger vào năm 1944 được in lại trong quyển Vorträge und Aufsätze (GA 7:207-229; bản Anh văn của David Farrel & Frank A. Capuzzi Early Greek Thinking: 59-78). Bài thuyết trình này được Heidegger viết lại năm 1951 dựa trên giáo trình cùng tên gọi năm 1944 để in vào một tuyển tập tưởng niệm Hans Jantzen in năm 1951. Quan niệm của Heraclitus về λόγος đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong triết lý Heidegger nên Heidegger đã có hẳn một tác phẩm dành riêng nghiên cứu triết gia cổ Hy Lạp này là quyển Heraklit gồm 2 tập, tập I Der Anfang des abendländischen Denkens (Herakilt) in năm 1943 và tập II Logik, Heraklits Lehre vom Logos in năm 1944; cả hai được in chung vào GA 55. Giáo trình Logos năm 1944 nằm trong tập II Logik. Một điều đáng ngac nhiên là mãi tận những năm đầu thập niên 40s Heidegger mới chú tâm nghiên cứu Heraclitus, ở những thập niên trước Heidegger quan tâm nhiều về môn Luận lý – nhất là Luận lý của Hegel - như chủ đề những giáo trình từ 1916 cho đến 1936 cho thấy. Theo William J. Richardson trong Heidegger: Through Phenomenology to Thought (490-1) giáo trình năm 1934 Logik als die nach dem Wesen der Sprache (GA 38) là dấu mốc của Khúc Ngoặt/Kehre trong hành trạng tư tưởng của Heidegger vì như đã trình bày ở trên trong Einführung in die Metaphysik (1935) Heidegger đã đồng nhất λόγος hiểu theo Heraclitus một mặt với φύσις và mặt khác với νοεῖν và diễn trình λέγειν được hiểu như sự xuất hiện của ngôn ngữ.
Trong lời mở đầu Heidegger xác định bài thuyết trình này chỉ là một suy tư tự do, những bước mạo muội theo con đường tư tưởng của Heraclitus qua Trích đoạn B50, đúng ra trong diễn trình thông diễn tư tưởng Heraclitus này Heidegger sẽ đưa ra không phải là những gì Heraclitus đã nói mà là điều Heraclitus không nói ra.
Trích đoạn này như sau:
ούκ έμοΰ άλλά τοϋ Λόγου άκούανιας Khi ngươi không nghe ta nói mà nghe Ý Nghĩa
όμολογείν σοφόν έστιν “Εν Πάντα thật khôn ngoan trong cùng một Ý Nghĩa đó nói
rằng: Một là Tất cả. (Bản dịch của Snell)
Câu nói trên của Heraclitus dường như có thể hiểu được nhưng theo Heidegger mọi thứ quanh câu nói này thật đáng tra vấn vì hầu hết câu hỏi xứng đáng là câu hỏi đều có vẻ tự nó hiển nhiên rõ rệt, nghĩa là chúng ta đã giả thiết rằng bất cứ điều gì Heraclitus nói đối với chúng ta ngày nay dĩ nhiên hẳn là rành rành ra đấy rồi. Nhưng thật ra điều này ngay cả đối với những kẻ đương thời của Heraclitus cũng chẳng hề được như vậy. Vì vậy nếu chúng ta nhìn nhận rằng câu nói chứa đựng những bí ẩn và nếu chúng ta bước lui vài bước trước những bí ẩn này chúng ta sẽ có thể Trong câu nói này Heraclitus nhắc đến άκούειν nghe và đang nghe, όμολογείν nói cùng một điều, λόγος cái được nói về và việc nói ra, έγώ chính nhà tư tưởng hiểu như λέγων tức là người đang nói. Heraclitus phát biểu điều λόγος nói: Εν Πάντα tất cả là Một. Để hiểu nghĩa chữ λόγος theo Heidegger ta phải hiểu theo chữ λέγειν. Từ thời thượng cổ Hy Lạp chữ λέγειν vẫn được hiểu là nói chuyện (talk), nói (say). λόγος nghĩa là λέγειν khi nói lớn tiếng, cao giọng, và λεγόμενον là điều nói ra. Nhưng theo Heidegger nghĩa nguyên thủy của λέγειν là “đặt nằm” hoặc “đặt nằm xuống” hay “đặt nằm trước”. Chữ λέγεσθαι có nghĩa đặt một người nằm xuống nơi qui tụ an nghỉ, λέϰος là nơi an nghỉ. Đặt nằm cái nọ bên cạnh cái kia nghĩa là đặt nằm chung với nhau, thu nhặt lại, những vật đã thu tập được duy trì vả canh giữ. Theo Heidegger nghĩa đích thực của λέγειν là “đặt-nằm-ngay-trong-tính-chất-qui-hợp” Ở đây ta cần phân biệt cái được đặt nằm ra và việc đặt nằm ra, nhưng cả hai xảy ra tương ứng đồng thời trong cùng một diễn tiến của “đặt-nằm-ngay-trong-tính-chất-qui-hợp” chính là sự nổi hiện trong không-ẩn-dấu, diễn tiến chân lý xuất hiện trong λέγειν là sự “đi-đến-sự-có-mặt’, cũng có nghĩa là sự xuất hiện của Hữu trong các hữu. Tại sao nghĩa của chữ λέγειν là đặt nằm lại biến thành nói? Để giải thích câu hỏi này Heidegger lấy thí dụ khá lý thú về việc làm rượu nho theo từng khâu, từ việc hái nho, thu góp nho, đem nho vào nhà chứa để ủ, làm sao cho thích đáng và phải coi sóc trông chừng. Nếu ai đã quen thuộc với lối suy tưởng của Heidegger thì không khó nhận ra câu trả lời. Giữa đặt “nằm ra” với “nói ra” rất giống nhau ở điểm chung là biến một cái gì trong tình trạng bi che khất/dấu sang tình trang được phơi mở, hiện diện. Heidegger viết: “chữ λέγειν với nghĩa đăt nằm nguyên gốc, từ rất sớm mở ra và trong một cách thế qui định tất cả mọi vật không-ẩn-khuất như là đang nói và đang truyện trò.”
Trong chiều hướng diễn giải này λόγος phải được hiểu ra sao? Heidegger cho rằng công thức Εν Πάντα của Heraclitus mô tả cách thế λόγος hoạt động: λόγος như Εν là cái Một. cái Duy Nhất kết hợp mọi hữu để chúng là chúng, trong trạng thái không-ẩn-dấu. Vì Λόγος cũng là Εν cái Duy Nhất, cũng có thể gọi là Đơn Nhất, giống như một ánh chớp soi sáng các hữu trong Hữu của chúng. Heidegger tuyên bố: “Εν Πάντα nói cho chúng ta biết Λόγος là gì. Λόγος nói cho chúng ta biết Εν Πάντα xuất hiện ra sao. Hai cũng chỉ là một.” (GA 7:221). Cái biến cố Hữu tự thu tập trong những hữu được Heidegger đặt tên là Geschick – chữ này William J. Richardson là người đầu tiên đề nghị dịch sang Anh ngữ là “mittence” vì Geschick do từ động từ Geschehen có nghĩa “to-come-to-pass”. Vì Heidegger dùng chữ Ereignis để chỉ sự cố Geschick trong đó Hữu “tự gửi đi, giao phó” (sich schickt) cho con người. Như vậy coi như đây là một diễn biến khởi từ Hữu cho nên việc gửi đi/giao phó là “mittence”. Do đó chúng tôi chuyển “mittence” sang tiếng Việt là “gửi gấm/giao phó”. Tóm lại, theo Heidegger Λόγος cũng chính là Hữu và Nền (Grund), nghìa là cái Một.
Cái Một λόγος chuyển hiện trong một λέγειν hiểu như đặt-hữu-nằm-ra và duy trì hữu trong thể qui tập. Trong diễn trình này cái được qui hợp và kẻ qui hợp cùng nằm chung trong sự quy hợp. Nhưng đâu là điểm quy hợp? Heidegger không nói rõ điều này nhưng ta có thể suy diễn từ SuZ rằng điểm qui hợp đó không đâu khác là Da/Tại và không gian quy hợp đó chính là In-der-Welt-sein.
(còn tiếp)
Đào trung đạo
© gio-o.com 2011