Home » » Martin Heidegger-Thông diễn học P16

Martin Heidegger-Thông diễn học P16

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011 | 01:21



đào trung đạo
Thông Din Lun
của

Martin Heidegger
- 16 –


Quan niệm về ngôn ngữ của Heidegger giai đoạn sau SuZ theo trình tự thời gian được trình bày lần lượt trong: Logik als die Frage nach dem Wesen der Sprache (GA 38,1934)/Luận lý như Vấn đề về Yếu tính của Ngôn ngữ, Einführung in die Metaphysik (GA40, 1935)/Đưa vào Siêu-hình-hoc, Holzwege (GA5, 1935-46)/Những Con Đường Mòn Mất Dấu, Vorträge und Aufsätze (GA7, 1936-53)/Giáo trình và Khảo luận, không đầy 10 trang cuối trong quyển Beiträge zur Philosophie (Vom Ereignis) (GA65, 1936-38), Vom Wesen der Sprache (GA 85, 1939) Về Yếu tính của Ngôn ngữ, Brief über den “Humanismus” 1946/Thư về Chủ nghĩa Nhân bản (in trong Wegmarken GA9), Unterwegs zur Sprache (GA 12, 1950-59)/Con Đường dẩn tới Ngôn ngữ, và đôi chỗ trong Nietzsche I (GA6, 1936-39), và Erläuterungen zu Hölderlins Dichtung (GA4, 1936-68)/Minh giải Thi ca Hölderlin. Ở đây chúng tôi cần nói ngay khi liệt kê những sách của Heidegger theo trật tự thời gian không có nghĩa chúng tôi cho rằng quan niệm về ngôn ngữ của Heidegger phát triển theo trình tự thời gian. Tư tưởng về ngôn ngữ cũng như về Hữu của Heidegger không triển khai theo trình tự thời gian hiểu theo nghĩa thông thường mà là một tiến trình thông diễn được bắt đầu lại liên tục trong những ‘quyết định’ xảy ra trong hữu tại của ngôn ngữ (language’s ownmost) mở ra một con đường phía trước mặt cho suy tưởng hữu có tính lịch sử (the being-historical thinking) để hoàn tất điều Heidegger gọi là Be-wëgen/mở đường. Đường ở đây được dùng không như một ẩn dụ, cũng không phải là một chỉ dấu có tính cách chưa hoàn thành hay tạm bợ của những tìm kiếm, trên hết thảy không phải diễn trình đời người của một cá nhân hay tư tưởng. Mở đường theo Heidegger quan niệm là “tạo ra một con đường và, khi tạo ra rồi, giữ sao cho con đường sẵn sàng. Mở-đường hiểu theo nghĩa này không còn có nghĩa là vận chuyển một cái gì đó gập ghềnh lên cao xuống thấp trên một con đường đã có sẵn. Mở-đường có nghĩa trước hết là khai thông con đường và cũng con đường đó.” (GA 12:186; Bản Anh văn On the Way to Language của Peter D. Hertz trang 130). Thêm vào đó, những người thân thuộc với tư tưởng Heidegger hiểu rằng ở trong vòng tròn thông diễn/luận theo Heidegger trước hết là nhắm tới, am hiểu vấn đề và tạo những cơ hội đối mặt/thoại với những nhà tư tưởng và thi sĩ, chờ đợi và lắng nghe tiếng nói của họ và cả những điều họ không nói ra trong bản viết, những trăn trở xoay quanh ‘vấn đề’ trong tác phẩm của họ. Heidegger đã làm công việc này khi đọc những triết gia cổ Hy Lạp (Anaximander, Parmenides, Heraclitus) hay Plato, Aristotle hoặc những triết gia trong truyền thống tư tưởng Tây Phương như Descates, Leibniz, Kant, Hegel, Nietzsche và những thi sĩ như F. Hölderlin, Stefan George, G. Trakl, Rainer Maria Rilke, René Char, Paul Celan. Thông diễn không phải để hoàn tất, kết toán, hay vượt bỏ một tư tưởng, một thi ca mà là “đưa thêm” vào vòng tròn thông diễn yếu tố thông diễn là những điều không nói ra trong tác phẩm, những vấn đề nền tảng trăn trở nhìn từ hôm nay, nhằm vạch con đường hướng tới cái Đơn Thuần/ Giản Đơn.
   Logik als die Frage nach dem Wesen der Sprache (GA 38,1934)/ Logic as the Question Concerning the Essence of Langage,Luận lý như Vấn đề về Yếu tính Ngôn ngữ, (bản Anh văn của Wanda Torres Gregory và Yvonne Unna (G&U), State University of New York Press) là loạt bài thuyết trình vào mùa hè năm 1934 ở đại học Freiburg không bao lâu sau khi  Heidegger từ chức Viện trưởng của trường đại học này. Điểm đặc biệt là trong đó ta tìm thấy được dấu vết sự tham dự cá nhân của Heidegger với chế độ Quốc xã và những kích thước chính trị trong triết học của ông. Bài thuyết trình này quan trọng vì nó đánh dấu “bước nhảy” trong tiến trình triển khai tư tưởng về ngôn ngữ của Heidegger như chính Heidegger đã nói: “…đã hai mươi năm từ sau bài luận văn tiến sĩ của tôi bây giờ tôi mới dám thảo luận trong lớp học vấn đề ngôn ngữ…Trong giảng khóa mùa hè năm 1934, tôi đã cung cấp một loạt bài thuyết trình dưới đề tựa “Luận lý.” Song thực ra, đó là suy tưởng về logos, trong đó tôi cố gắng thử đi tìm bản chất của ngôn ngữ.” (Trích dẫn theo Wanda Torres Gregory và Yvonne Unna (G&U), dịch giả tiếng Anh quyển Logik als die Frage nach dem Wesen der Sprache/Logic as the Question Concerning the Essence of Langage dựa theo bản ghi chép đánh máy của những học trò của Heidegger.) Ngay trong phần mở đầu quyển này Heidegger – một cách đáng ngac nhiên – báo hiệu sự bất đồng với chế độ Quốc xã vế mặt tư tưởng khi đề cập với Volt (chủng tộc)  khi cho rằng “thật là một sự ngộ nhận khi muốn loại bỏ tính chất tầm thường của nhân hữu; sự tầm thường thật thiết yếu cho cá nhân và cho một chủng tộc (Volt)” Mục tiêu của Heidegger trong quyển Logik này là đưa ra quan điểm môn luận lý phải được đặt nền tảng trên triết học hiểu như hữu-thể-luận nền tảng qua chứng minh khoa luận lý này khi tự nhận là khoa học về tư tưởng đã bế tắc, quẩn quanh trong giải quyết vấn đề nền tảng của chính khoa luận lý,  thế nên cần phải “lay chuyển” môn luận lý cố điển vì môn luận lý này đặt cơ sở trên thứ siêu-hình-học về sự hiện bày (presence-metaphysics). Vì cho rằng luận lý là khoa học về  λόγος nên đi vào câu hỏi bản chất ngôn ngữ Heidegger cho rằng trước hết phải tra hỏi về nhân hữu (human being) và lịch sử vì đó là cái nền của sự tra hỏi. Lật ngược chiều hướng của môn luận lý cổ điển Heidegger cho rằng tra vấn về bản chất ngôn ngữ gắn liền với Dasein có tính lịch sử (historical Dasein) vì Dasein ‘quan tâm’ (Sorge) về vận hành của thế giới trong sự phơi mở của ngôn ngữ. Có thể nói chỉ có Phần Thứ Ba chừng 4 trang sách dưới tựa đề “Nhân-hữu và Ngôn ngữ” trong quyển này là quan trọng hơn cả. Heidegger kết luận “Từ tra hỏi và trả lời của chúng ta, rõ ràng thiết yếu chính [tra hỏi và trả lời] phải được thấu hiểu từ cái hữu của Dasein lịch sử - từ sự quan tâm – rằng việc tra hỏi và trả lời…có tính chất của cái hữu của chúng ta, cái tính chất của sự thủ trì, mãi mãi thủ trì, trong việc tra hỏi một cách thủ trì cũng bao gồm cả những kẻ tra hỏi.” Heidegger cho rằng Ngôn ngữ là quyền lực điều hành thế giới đang thành hình và cũng là trung tâm bảo tồn của Dasein có tính lịch sử của Giống nòi (Volt). Để kết thúc loạt bài thuyết trình này Heidegger cũng vắm tắt đưa ra gợi ý Thi ca là ngôn ngữ nguyên ủy vì yếu tính của ngôn ngữ là làm thành yếu tính (wesen dùng như động từ) khi nào ngôn ngữ là một quyền lực tạo thành thế giới, nghĩa là khi ngôn ngữ tiên phong tiên-tạo và nối khớp hữu của các hữu/sự vật. “Thi ca đích thực là ngôn ngữ của cái hữu (Sein) được tiên-thoại (forespoken) cho chúng ta đã từ rất lâu và rằng trước đây chúng ta không hề bắt kịp. Chính vì lý do đó, ngôn ngữ của thi sĩ không bao giờ là của hôm nay, nhưng luôn luôn trong cách thế của quá khứ và của tương lai. Thi sĩ không bao giờ là người đương thời cả…Thi ca, và cùng với thi ca, ngôn ngữ riêng mình của nó chỉ xảy ra tại nơi chốn sự trị vì của hữu được đem vào trong tính chất không thể đụng chạm tới thượng đẳng của cái chữ/từ nguyên ủy.” (G&U:141-2)
    Trong Einführung in die Metaphysik (GA40, 1935)/Đưa vào Siêu-hình-hoc Heidegger chỉ ra rằng có một mối liên hệ mật thiết giữa việc tra hỏi về Hữu và tra hỏi về nguồn gốc của ngôn ngữ, đặt câu hỏi về Hữu có nghĩa là cố gắng “đưa Hữu vào từ” (zum Wort zu bringen), nhưng Wort ở đây phải được hiểu là logos theo nguyên ủy có nghĩa là “thu tập lại” chứ không chỉ là “từ” hay “lời” như người đời vẫn thường dịch logos. Diễn trình thu tập này của Dasein xảy ra như νοεĩν của Dasein có nghĩa là việc Dasein chấp/nhận (Vernehmen) sự phơi mở của Hữu (GA 40:104-08; Bản Anh văn của Ralph Manheim (RM):114-19). Quan niệm về  νοεĩν này Heidegger kết thu từ Parmenides và hơp nhất nó với λόγοσ hiểu theo Heraclitus. Nhưng νοεĩν theo Heidegger, Dasein không chỉ chấp nhận mà còn cưỡng chế Hữu như sự thu tập phải hiện bày. Diễn trình Dasein trên cơ sở logos phơi mở Hữu cúa một hữu/sự vật phát biểu hữu/sự vật trong cái Hữu của chính nó bằng từ/chữ. Bằng từ/chữ đặt tên một hữu/sự vật được thiết định rộng mở trong Hữu của nó và duy trì Hữu này trong sự phơi mở. Như vậy đặt/gọi tên không đơn thuần chỉ là một cách thức khiên cưỡng, tự ý con người đặt ra như một dấu chỉ tiện dụng, nghĩa là không phải là một diễn trình đến sau việc khám phá ra một hữu/sự vật bằng tư tưởng. Heidegger cho rằng “Trong những từ/chữ, trong ngôn ngữ, mọi vật hiện thành và hiện hữu…/ Im Wort, in der Sprache wird das Sein warden und sind erst die Dinge…” (GA40:11; RM:13). Trong sự cất tiếng nguyên ủy của Hữu (original saying of Being) của một hữu/sự vật, tính thu tập của nó rộng mở. Như vậy Ngôn ngữ là tiếng nói nguyên ủy của Hữu. Chúng ta không nên quên rằng Hữu theo Heidegger không phải là một hữu thể tối thượng mà là một diễn trình của sự ẩn dấu và phơi mở trong đó logos như một trong ba thành tố nền tảng của sư phơi mở của  Dasein đóng vai trò tiếp nhận tiếng nói nguyên ủy của Hữu. Ngôn ngữ chính là Hữu được phát biểu thành từ/chữ. Như vậy rõ ràng là giữa Hữu như Ngôn ngữ và Dasein nói thì Ngôn ngữ của Hữu nguyên ủy hơn, đóng vai chủ trì. Theo Heidegger, việc con người nói một cách xác thực (authentic) chỉ là sự đáp lời tiếng nói im lặng của Hữu. Và chỉ khi Hữu xuất hiện trong trạng huống phơi mở thì mới có ngôn ngữ. Theo quan niệm thông thường thì ngôn ngữ là dụng cụ trong tầm tay với sử dụng của Dasein, ngôn ngữ do con người sáng chế ra. Nhưng như Heidegger quan niệm ở trên, sự thật ngược lại: chính Dasein khám phá hữu của nó trong và bằng ngôn ngữ, Dasein trong phát biểu của mình chỉ đạt đến chân lý khi việc lắng nghe và lên tiếng hướng về tiếng nói nguyên ủy thầm lặng của Hữu. Như vậy sự nổi hiện của Hữu và nguồn gốc của ngôn ngữ là một. Theo William J. Richardson trong Heidegger: Through Phenomenology to Thought , về mặt luận lý “nếu Hữu không có ý nghĩa và Hữu-tại không am hiểu ý nghĩa của Hữu thì không thể có ngôn ngữ vì từ/chữ và ngôn ngữ gọi tên hữu (beings) như hữu trong cái chúng là, và chỉ khi Hữu có ý nghĩa tự phơi mở và qua ngôn ngữ thì ngôn ngữ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ của nó. Tương tự, trừ phi Dasein am hiểu hữu như hữu và như vậy am hiểu Hữu của chúng, và như vậy Hữu-tại sẽ không thể gaio tiếp hay thương thảo các hữu/sự vật. Ngược lại cũng vậy:trừ phi Dasein có khả năng nói thì tất cả các hữu/sự vật trong tư cách hữu/sự vật sẽ bị khép kín trước Dasein  (cf:Richardson:293) Ngôn ngữ có tính cách hữu hạn  vì Ngôn ngữ nguyên ủy chỉ được phơi mở cho Dasein không phải trong yếu tính của nó, nghĩa là trong dạng thức tới-hiện-diện (coming-to-presence – wesen), dường-như-là-hữu (seeming-to-be),  nên đã bị triệt hủy xâu xa bởi sự hữu hạn, nghĩa là trong tư thế chủ động Ngôn ngữ nguyên ủy ở trạng thái ẩn dấu. “Nhiệm vụ của Dasein là khi đi trên con đường của dường-như-là-hữu, bằng quyết định sử dụng ngôn ngữ, tìm ra con đường dẫn tới sự xác thực (GA 40:120). Làm sao đến được sự xác thực? Diễn ngôn (Rede) của Dasein trong đời sống hàng ngày chỉ có thể tiến tới sự thực khi nói và nghe hướng về   λόγος vì tính thu tập (gathered-ness) của Hữu nằm trong λόγος từ đó ngôn ngữ bùng phát. Heidegger viết: “λόγος là tiêu chí qui định của bản chất ngôn ngữ…” (GA40:141). Và sự hướng về này chính là việc “chú tâm” vào λόγος. Quan niệm này của Heidegger có được do minh giải sự phân biệt giữa thực sự chú tâm nghe (Hören) và “nghe” một cách đơn thuần (blossen Hören, Herumhören) theo Heraclitus. Thực sự chú tâm nghe không dính dấp gì tới việc nghe hay nói trong đời sống hàng ngày, nhưng có nghĩa là “…sự tuân thủ  hướng về  cái gì là λόγος: tính chất thu-về-một-mối của chính các hữu/sự vật…” (…Folge leisten gegenüber dem, was der λόγος ist: die Gesammeltheit des Seinden selbst…[chữ in nghiêng do Heidegger](GA 40:99). Như thế nói hay nghe chỉ xác thực khi trước đó đã thực sự chú tâm tới Hữu, và chỉ khi chính Hữu đã tự phơi mở thì âm phát ra từ miệng mới là một từ/chữ. Kẻ nào không nắm được Hữu cũng sẽ không khởi động được cái Dasein của mình để có một chỗ đứng trong Hữu của các hữu/sự vật, điều này cũng có nghĩa không hoàn thành một cách xác thực được cái Da/Tại, nghĩa là không dọn chỗ phơi mở đón chờ Hữu như λόγος ngôn ngữ nên không làm chủ được từ/chữ, ngôn ngữ. Theo Heidegger chỉ có thi sĩ và nhà tư tưởng đúng nghĩa mới có khả năng làm được điều này vì họ là những kẻ tuân thủ λόγος.
   Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm quảng diễn của Heidegger về quan niệm nêu trên trong bài thuyết trình “Logos” (Heraclitus, Fragment B 50) vào năm 1944 in trong Vorträge und Aufsätze (GA7, 1936-53)/Giáo trình và Khảo luận, Bản Anh văn của David Farrell Krell & Frank A. Capuzzi Early Greek Thinking trang 59-78).
(còn tiếp)

đào trung đạo


©gio-o.com 2011



Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved