Home » » Martin Heidegger-Thông diễn học P15

Martin Heidegger-Thông diễn học P15

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011 | 01:19



đào trung đạo

Thông Din Lun
của

Martin Heidegger
- 15 –


Trước khi tóm gọn quan niệm buổi đầu về ngôn ngữ của Heidegger trong Sein  und Zeit tưởng cũng nên nhớ lại rằng vào năm 1920 Heidegger trong một giáo trình ở Freiburg tên Phänomenologie der Anschauung und des Ausdrucks. Theorie der philosophischen Begriffsbildung – không hiểu vì lý do gì sau này trong những tác phẩm từ 1939 trở đi Heidegger khi nhắc tới giáo trình này chỉ vắn tắt gọi là Anschauung und Erscheinen – đã cho thấy kể từ thời điểm này trọng tâm tư tưởng của Heidegger đã xoay quanh mối liên hệ giữa ngôn ngữ và Hữu. Điều này được chính Heidegger nhắc lại trong Unterwegs zur Sprache: “Vào thời điểm đó tôi đặc biệt bức xúc về vấn đề/câu hỏi về mối quan hệ giữa từ/lời của Thánh Kinh và sự suy tưởng thần học thuần lý. Mối quan hệ này, giữa ngôn ngữ và Hữu, nếu như ông [Người Nhật đối thoại] muốn, cũng là một mà thôi, có điều mối liên hệ này bị che kín và tôi không tiếp cận được, thế nên qua bao nhiêu sự lệch hướng và khởi đầu không đúng cách tôi đã hoài công để tìm ra được một sợi chỉ dẫn lối.”(On the Way to Language, bản Anh văn Peter D. Hertz trang 9-10). Thời trẻ tuổi Heidegger được giáo dục trong môi trường tôn giáo, dù đã đổi đạo từ Thiên-chúa sang Tin Lành sau một thời gian khủng hoảng niềm tin, nhưng dấu vết tôn giáo trong tư tưởng Heidegger tuy nằm xâu nhưng luôn hiện diện, nhất là vào giai đoạn về già. Otto Pöggeler trong Der Denkweg Martin Heidegger/Những Con Đường Tư Tưởng của Martin Heidegger (trang 270) khi diễn giải đoạn trích dẫn trên đã chỉ ra rằng nếu như tư tưởng trừu tượng (speculative thinking) là có liên hệ với Lời của Thánh Kinh thì tư tưởng này hẳn phải vén mở ra một lời tuyên xưng có tính chất của một  sự nhìn  nhận vốn có tính cách lịch sử. Lời tuyên xưng rước đón và nhìn nhận này không thể được xác lập bằng những phương tiện có tính cách khoa học của khoa sử ký (historiography) vì nó không phải là cái sẵn sàng trong tầm tay, bất biến vĩnh cửu, nhưng là một diễn biến không bao giờ hoàn tất. Trong sự thỉnh vọng này chân lý tự hiến dâng đồng thời cũng tự thủ trì dấu mặt cho nên thỉnh vọng này luôn luôn là một ẩn mật triển hạn chờ đợi sự khải huyền trong tương lai. Nói cách khác, sự thỉnh vọng đón chào này ban phát một Hữu mới, nhưng sự ban phát này được thể hiện theo cung cách có tính lịch sử, và ở vào đúng thời điểm. Heidegger cho rằng siêu hình học truyền thống đã thất bại trong những nỗ lực phơi mở Hữu của những hữu vì đã coi Hữu như hiện diện thường hằng vĩnh cửu. Ngược lại Heidegger tư tưởng Hữu như một biến cố (event) chính nó đáp lời con người đồng thời lại tự thủ trì, dấu mặt. Ngôn ngữ hiểu như tuyên xưng chào đón Hữu vì vậy có tính thời gian, lịch sử. Như vậy ta thấy rõ nằm sâu khuất sau bề mặt của Sein und Zeit là những điều nói trên về Lời của Thánh Kinh di chuyển sang Hữu. Tra vấn về ý nghĩa của Hữu do đó là tra vấn về thời gian, mối liên hệ giữa Hữu và thời gian là những hiện tượng không thể dùng khoa luận lý cổ điển để khám phá ra được. Heidegger viết: “Rằng điều khoa luận lý truyền thống khiến chúng ta thất bại khi đối mặt với những hiện tượng này không phải là điều đáng ngạc nhiên nếu chúng ta đừng quên rằng khoa luận lý này đặt nền tảng trên một hữu thể luận về cái sẵn-sàng-đề-sử-dụng (the present-at-hand) – một thứ hữu thể luận đúng ra còn thô thiển.”(GA 2:129, bản Anh văn của  M&R:166-7). Như trong một phần trên đã nói, trong giai đoạn trước Sein und Zeit, trong giáo trình GA 21 1925-1926 khi dạy học Heidegger đã khảo sát tường tận khoa luận lý cổ điển, tìm hiểu luận lý cổ điển trên quan điểm hữu-thể-luận, và cuối cùng đi tới kết luận là phạm vi nghiên cứu của khoa luận lý cổ điển chỉ là hữu có mặt thường hằng trong hiện tại, trong-tầm-tay-với, trong khi Hữu trong hữu-thể-luận từ trong căn cốt gắn liền với thời gian và lịch sử, vì vậy luận lý cổ điển không hữu dụng cho việc tìm hiểu mối tương quan giữa Hữu và ngôn ngữ. Heidegger quay trở lại với quan niệm về logos của Aristotle nhằm xây dựng một hiện-tượng-học thông-diễn-luận để phân tích Hiện-thể trong việc tự am hiểu bản thân qui chiếu nơi Hữu luôn chuyển biến. Chính cái logos thông-diễn (hermeneutic logos) duy trì cái “như” hiện hữu và “như” thông-diễn khỏi sa đà thành cái “như” đề quyết (apophantic as) chỉ trình ra được hữu trong-tầm-tay-với.(Cf. GA 2:157-159; M&R 199-202, GA 2:351-364; M&R:412-415). Chính vì vậy trong Sein und Zeit Heidegger đưa ra con đường khảo sát vấn đề ngôn ngữ và luận lý trong viễn tượng của ngôn từ con người (Rede), và Rede lại được hiểu như sự phát biểu (Artikulation) của in-der-Welt-sein thông qua cảnh trạng (Befindlichkeit – chữ này Heidegger hiểu theo nghĩa chữ διαθεσις của Aristotle trong quyển Metaphysics V. 19, 1022b2 có nghĩa là tư thế trong thế giới/trên đời) và am hiểu (Verstehen). Heidegger dùng chữ Rede để dịch chữ logos được hiểu là thành tố hiện thế (ek-sistential component) của Dasein, và chính nhờ có thành tố này Dasein có thể phát biểu điều mình hiểu biết. Nói vậy cũng có nghĩa là ngôn ngữ chỉ khả hữu dựa trên sự tạo lập về mặt hữu-thể-luận (ontological constitution)  của Dasein. Ngôn ngữ trở thành sự phát biểu của một thế giới theo lịch sử và thời gian, và vì vậy thế giới luôn được làm mới trong trong mỗi phát biểu này. Như chúng ta đã thấy trong SuZ  Heidegger đã đề cập tới vấn đề ngôn ngữ một cách gián tiếp; lần thứ nhất khi bàn về ý nghĩa “nguyên ủy” của logos được coi như một thành tố cơ bản của hiện-tượng-luận (SuZ §7b;132-4), và sau đó trong §7c giải thích tại sao hiện-tượng-luận phải là hiện-tượng-luận thông diễn. Trong cả hai trường hợp này ngôn ngữ đều được khảo sát như logos của Hiện-thể. Heidegger trở lại chủ đề ngôn ngữ khi bàn về thế-giới-tính của ngôn ngữ và tính chất dụng cụ của ngôn ngữ trong §17 “Qui chiếu và Dấu chỉ/Reference and signs) ” trình bày mối tương quan giữ dấu chỉ (sign) và chỉ nghĩa (signification) nhằm giải thích  cấu thức chỉ nghĩa của ngôn ngữ và chức năng của cấu thức này trong Hữu thường nhật của Hiện thể và mối quan tâm của Hiện thể với tha nhân. Tựu trung, chủ ý của Heidegger khi bàn về ngôn ngữ là để giải thích sự cấu tạo sinh hiện của “Da/Hiện” của Hiện-thể trong vòng tròn thông diễn khởi từ am hiểu qua diễn giải, và khẳng quyết tùy thuộc vào am hiểu và diễn giải để chỉ ra  rằng “cái ‘lý’ của logos cội rễ nằm trong phân tích sinh hiện về Dasein ” (GA 2:160; M&R:203) cũng như cái thông-diễn (hermeneutic) có quan hệ gắn bó với cái đề quyết (apophantic). Trong những phần này của SuZ Heidegger mô tả cảnh trạng nguyên ủy (Befindlichkeit) và am hiểu nguyên ủy (Verstehen) và kết luận rằng hai thành tố này là những sinh hiện (ek-sistentials) nền tảng của cách thế của Hữu là đặc trưng của Hiện-thể/Dasein hiểu trong khung cảnh in-der-Welt-sein. Am hiểu nguyên ủy này tự bản thân đã dung chứa khả hữu minh giải (Auslegung), minh giải bao gồm điều am hiểu được biểu lộ ra một cách thích hợp và rõ ràng. Theo Heidegger, phát biểu (Aussage/enunciation) chỉ là một cách thế phụ tùy của minh giải vì trước hết phát biểu có nghĩa là chỉ ra, bày ra, sau đó mới có nghĩa là gán một cái/vật gì cho một cái/vật gì, và sau cùng mới có nghĩa là thông giao/ báo cho biết một điều gì đó. Và chỉ khi người ta chuyên chú vào nghĩa sau cùng này thì lời nói (speech) và ngôn ngữ (language) mới được nhắc tới. Có thể nói khi luận về ngôn ngữ Heidegger chủ yếu đặt ngôn ngữ trong tương quan với Hữu, gán cho ngôn ngữ chức năng phơi mở thế giới (world-disclosure). Như vậy ngôn ngữ có thể nói ăn xâu trong phơi mở thế giới, mà phơi mở thế giới lại là một đặc tính của cách thế của Hữu của Dasein hiện hữu trong thế giới. Vậy phải chăng ngôn ngữ bắt nguồn từ logos hay từ Hữu của Dasein? Trong SuZ Heidegger tuy không trực tiếp đề cập tới vấn đề nguồn gốc của ngôn ngữ nhưng những phân tích khá phức tạp trong suốt §34 đã không đưa ra một giải quyết dứt khoát những vấn đề xoay quanh sự phân biệt giữa “ý nghĩa” và “vật qui chiếu” tồn tại trong triết lý về ngôn ngữ Đức truyền thống trải dài từ Leibniz qua Kant đến Hamann-Herder-Humboldt. Quan niệm về ngôn ngữ của Heidegger nằm trong truyền thống này khi cho rằng ngôn ngữ có vai trò phơi mở thế giới, nhưng quan niệm về ngôn ngữ của Heidegger trong SuZ  dường như vẫn chưa thoát khỏi siêu-hình-học truyền thống khi bàn về Hữu của ngôn ngữ. Khi luận về mối quan hệ giữa phát biểu (Aussage) và logos (Rede)  Heidegger chưa chỉ ra được một cách rõ ràng mối liên hệ này như thế nào tuy cho rằng logos  là nền tảng của phát biểu và minh giải, và cái được phát biểu trong minh giải là ý nghĩa và vì in-der-Welt-sein là toàn bộ những ý nghĩa cho nên việc chỉ nghĩa đã luôn luôn chuyên chở ý nghĩa. Nhưng câu hỏi đặt ra là: phải chăng logos của Dasein trong việc phơi mở thế giới hẳn phải có một mô thức Hữu có tính chất thế giới, cấu thức của Hữu này  nằm trong sự kiện cái toàn thể ý nghĩa khả tri có thể được đặt trong từ/chữ (Vort) qua ngả logos. Nói cách khác chính qua logos mà từ (coi như sự vật) được phân phối cho những chỉ nghĩa (significations), và điều ngược lại nghĩa là những sự chỉ nghĩa lại được gán cho từ-sự vật (word-things) là không thể chấp nhận được đứng trên quan điểm của Heidegger. “Cách thế diễn ngôn được biểu lộ là ngôn ngữ. Ngôn ngữ là toàn thể những từ - một toàn thể trong đó diễn ngôn có một Hữu có tính ‘thế giới’ (worldly) của riêng ngôn ngữ; và như là một thực tại trong-thế-giới, cái toàn thể này vì vậy trở thành một thứ chúng ta có thể hiểu như nằm-trong-tầm tay sử dụng.Ngôn ngữ có thể tách rời ra thành những từ-Sự vật sẵn-sàng-sử dụng. Diễn ngôn là ngôn ngữ xét về mặt hiện thế bới vì tính chất phơi mở (discloseness) của cái thực thể này ngôn ngữ Phát biểu  theo những chỉ nghĩa có một loại Hữu, Hữu-trong-thế-giới – một Hữu đã bị ném vào và giao nộp cho thế giới. ” GA 2:161; R&M:203). Như vậy, xét về mặt hiện thể, ngôn ngữ chính là phát-biểu-tính (enunciatedness) của logos, logos diễn ngôn (discursive logos) do đó là  phát biểu chỉ nghĩa của tính khả tri của in-der-Welt-sein của con người và của tất cả mọi thứ thiết yếu nằm trong thế giới. Tính khả tri trong logos diễn ngôn này có gốc rễ từ am hiểu và cảnh trạng nguyên ủy được phát biểu trong những chỉ nghĩa. Sự phát biểu có những yếu tố tạo thành gồm: cái/điều nói về, cái/điều được cho dạng thức qua nói, chính sự thông giao hiểu theo nghĩa rộng nhất, và việc làm cho tha nhấn biết về cái/điều đó. Những thành tố này không phải của ngôn ngữ mà là những tính chất căn bản của logos đã bắt rễ trong am hiểu và cảnh trạng nguyên ủy và chính nhờ những tính chất căn bản này mà có ngôn ngữ.

   Như chúng ta đã biết ngôn ngữ có những cấu trúc của sự chỉ định nghĩa cho các từ mà người sử dụng ngôn ngữ phải tuân thủ, cái hệ thống luận lý-từ nghĩa (logico-semantic system) này tạo thành ngôn ngữ có tính chất độc lập với cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó. Trong SuZ Heidegger coi Dasein là trọng điểm/sở cứ và cũng là chủ thể của diễn ngôn về Hữu, logos của Hiện thể có chức năng trình ra, chỉ ra cho thấy, làm cho ta hiểu một cách độc lập với những cấu thức chỉ nghĩa của ngôn ngữ. Nhưng khi Heidegger cho rằng diễn ngôn chỉ có khả năng sản xuất ra ý nghĩa trong chừng mực khi diễn ngôn được phát biểu bằng các từ, nghĩa là diễn ngôn đã được tạo lập trong ngôn ngữ thì rõ ràng quan điểm của Heidegger không ổn về mặt lý luận. Một mặt Heidegger cho rằng ngôn ngữ chỉ là phát-biểu-tính (enunciatedness)  của cái logos của Dasein, phát-biểu-tính này là toàn thể ý nghĩa trong logos, logos này có riêng một Hữu “thế giới”, cái toàn thể ý nghĩa này sau khi được đưa vào từ/chữ  để chỉ nghĩa thì từ (số nhiều) tích lũy “to significations words accrue.” (GA 2:161; R&R:204). Heidegger rõ ràng đã thất bại không giải thích được mối liên hệ giữa phạm vi toàn thể ý nghĩa bất biến, phi thời gian nằm trong in-der-Welt-sein  với cấu trúc luận lý-từ nghĩa của ngôn ngữ vốn biến thiên theo thời gian. Arion Lothar Kelkel trong La légende de l’être: Language et poésie chez Martin Heidegger (Ed. Vrin, Paris 1980, p.328-336) cho rằng  ở giai đoạn sau SuZ Heidegger đã nhận ra sự nghịch lý này nguyên do vì vẫn còn tư tưởng về ngôn ngữ theo đường lối siêu-hình-học cổ điển nên đã nỗ lực chuyển hướng tư tưởng, không bảo lưu ý tưởng cho rằng Hiện thể “có” ngôn ngữ nữa mà cho rằng Hiện thể là sở cứ để ngôn ngữ lên tiếng. Ngôn ngữ không chỉ là một dụng cụ, nhưng chính ngôn ngữ lên tiếng (language speaks), và việc nói/lên tiếng của con người chỉ là lời đáp lại tiếng nói của ngôn ngữ. Và để đáp lời được tiếng nói của ngôn ngữ Dasein phải học hỏi để nghe tiếng và lắng nghe/ngóng ngôn ngữ của Hữu.

(còn tiếp)

đào trung đạo


©gio-o.com 2010


Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved