đào trung đạo
Thông Diễn Luận
của
Martin Heidegger
- 14 –
Heidegger nhắc nhở mọi người khi đọc tuyển tập những bài viết trong Gesamtausgabe của ông rằng ‘Wege, nicht Werke’ [Những Con đường, chứ không phải những Công trình/Tác phẩm] – câu chỉ dẫn này được in ngay trên bìa sách – vừa là một chỉ dẫn vừa là một đòi hỏi người nghiên cứu tư tưởng của Heidegger hãy chú trọng vào ‘những con đường tư tưởng’ hơn là vào những thành tựu. Khi xét quan niệm về Ngôn ngữ của Heidegger, để công bình và khách quan chúng tôi luôn dành cho lời nhắc nhở này một vị trí trung tâm xuyên suốt. Lý do rõ rệt nhất chính vì quan niệm về Ngôn ngữ của Heidegger có một quá trình triển khai không những trải dài trong nhiều thời kỳ mà còn khá phức tạp, nhiều khi những ý tưởng, những luận giải không mấy rõ ràng, nhất là trong quyển Sein und Zeit. Một lý do khác nữa là nếu ta không nhìn thấy sự nhất quán của con đường tư tưởng của Heidegger về ngôn ngữ, khi đọc những tác phẩm giai đoạn sau ta có thể hoặc không nắm vững những phát biểu khá khác lạ của Heidegger hoặc có cảm tưởng những phát biểu này đối nghịch với quan niệm về ngôn ngữ của ông trong giai đoạn trước. Mục tiêu chính của việc tìm hiểu quan niệm về Ngôn ngữ của Heidegger trong khuôn khổ sự khảo sát Thông diễn luận của Heidegger là để chỉ ra cách Heidegger tiến hành vòng tròn thông diễn để đi tới sự biến cải hiện tượng luận và sau đó là triết lý qua thông diễn luận.
Chính Heidegger cũng đã nhận xét rằng trong “Tôi chỉ biết mỗi một điều là: bởi vì sự suy tưởng về ngôn ngữ, và về Hữu, đã định rõ con đường tư tưởng của tôi ngay từ buổi đầu, do đó việc thảo luận về những vấn đề này đã được đặt nằm ở cái nền phía sau càng xa bao nhiêu càng hay. Khuyết điểm căn bản của quyển Sein und Zeit là ở chỗ có lẽ tôi đã mạo hiểm đi quá xa về phía trước sớm sủa quá…” Chúng ta hãy thử khái quát vạch con đường tư tưởng về ngôn ngữ của Heidegger. Trong phần Phụ Lục của quyển Besinnung GA 66 chính Heidegger đã cho biết ngay từ khi viết luận án tiến sĩ Die Kategorien – und Bedeutungslehre des Duns Scotus/GA 1 vào năm 1916 “là một thử nghiệm để có một tiếp cận có tính cách lịch sử vào hữu thể học, và đồng thời vào câu hỏi liên quan tới ngôn ngữ…Xét về toàn thể thì thử nghiệm này đã thất bại bởi vì đã muốn hoàn tất quá nhiều và đã không hoàn toàn nắm vững chính vấn đề…Trong những năm 1920-1923 những khảo nghiệm dò đường đề cập đến chân lý, những phạm trù, ngôn ngữ, thời gian và lịch sử, tất cả cho đến thời điểm đó được gộp chung lại trong một chương trình về một “hữu thể luận về Hiện thể con người”. Tuy nhiên, hữu thể luận này không được suy nghĩ như là một thảo luận có tính cách “riêng vùng” của cuộc khảo nghiệm con người, nhưng là một sự đặt nền tảng cho việc khảo nghiệm về những hữu (beings) như chúng là – đồng thời cũng là một sự trình bày nhằm tách rẽ những sự khởi đầu của siêu hình học Tây phương với [tư tưởng] của người Hy Lạp. Về Sein und Zeit của năm 1927 [được coi] như con đường khởi đầu, cuộc thử nghiệm này đã bắt đầu từ những năm 1922-1926 về sự khả hữu là rạch ròi – đi từ nền tảng trở lên và qua một sự khởi hoạt thực sự - vấn đề hữu theo một cung cách sao cho một cách nền tảng dẫn xa hẳn ngoài những khảo sát thời bấy giờ, và tuy thế cũng đồng thời cũng dẫn quay ngược trở lại sự trình bày tách bạch về [tư tưởng] của người Hy Lạp và triết lý Tây phương.” (Bản dịch Anh văn Mindfulness của Parvis Emad và Thomas Kalary, Continium xb., trang 365-366).
Trong Sein und Zeit con đường tư tưởng về Ngôn ngữ của Heidegger, một cách khái quát, đã diễn tiến như thế nào? Ngay cả William Richardson, một đệ tử thân cận của Heidegger, trong quyển Heidegger: Through Phenomenology to Thought – quyển này xuất bản từ năm 1963 tuy được tham khảo nhiều nhưng xét ra vì tác giả viết trong giai đoạn Gesamtausgabe chưa được Heidegger cho phép ấn hành nên có phần thiếu sót – cũng phải nhìn nhận ở thời điểm Sein und Zeit tư tưởng Heidegger trong §34 hãy còn tối tăm, và tiết này có lẽ là một phần ít thỏa đáng nhất trong toàn bộ quyển Sein und Zeit (Cf. William Richardson, S.J., Heidegger: Through Phenomenology to Thought, trang 66). Chúng tôi sẽ đề cập tới sự tối tăm này và thử giải thích nguyên do căn cứ trên sự kiện Heidegger trong nỗ lực vượt cặp phân chia chủ thể-đối tượng đã gặp phải những trở ngại do chính mục tiêu này của Heidegger đặt ra khi muốn vượt bỏ quan niệm về ngôn ngữ của những triết lý về ý thức (từ Descartes cho tới Husserl) đã đưa ra cặp đối nghịch ontic(al)/ontologic(al) [sinh hữu/hữu luận] hay cũng được gọi là sự khác biệt về mặt hữu thể luận (ontological difference) và meaning/referent [ý nghĩa/vật qui chiếu].
Chúng ta có thể thấy những bước chuẩn bị cho quan niệm về Ngôn ngữ trong Sein und Zeit trong loạt bài giáo trình năm 1925-1926 Logik: Die Frage nach der Wahrheit, GA 21: “Cái kinh nghiệm nguyên ủy, tự nhiên của chúng ta về cách thế hiện hữu người nọ với người kia như thế nào của nhân hữu (human being), kinh nghiệm này hiểu được rằng việc phát ngôn (speaking) như là việc nói ra (talking) để vén mở, như thể một sự suy nghĩ qui định, chuẩn định. Phát ngôn-nói-nghĩ hợp nhất làm một như là cách thế của hữu của con người, trong đó con người vén mở hay chiếu sáng cho chính bản thân hay cho người khác cả cái thế giới lẫn chính Hiện thể [Dasein] của mình, để từ đó có được cái nhìn {sight) nằm trong sự chiếu sáng đó , cái nhìn này như thể sự thấu thị (insight) bản thân, một ưu thế [Aussicht] trên thế giới, và cũng là sự xem xét cẩn trọng (Umsich) về thế giới. Khoa Luận lý như một khoa học về diễn ngôn hay nói khảo sát vấn đề này đúng theo nghĩa của phát ngôn: sự phơi mở một cái gì.” (GA 21, trang 6)
Như chúng ta đã biết, theo Heidegger Hiện thể/Dasein có ba thành tố hiện thể (existential components) là am hiểu (Verstehen/understanding), thiên hướng (Befindlichkeit/disposition), và Logos hiểu như Rede/Ngôn ngữ. Trong Sein und Zeit yếu tố thứ ba này không được nhấn mạnh, khai triển vì tiêu điểm của Heidegger là phân tích Dasein. Trong §34 quyển Sein und Zeit Heidegger sau khi chỉ ra hai thành tố hiện thể (existentialia) tạo nên Hữu của cái “hiện/Da”, sự phơi mở của Hữu-trong-thế giới là tâm trạng và am hiểu, đã nhấn mạnh “Sự kiện ngôn ngữ giờ đây lần đầu tiên trở thành một chủ đề của chúng ta sẽ chỉ ra rằng hiện tượng này có căn rễ trong sự cấu thành hữu hiện của sự phơi mở của Hiện thể. Nền tảng hiện thể thữu thể luận (existential-ontological foundation) của ngôn ngữ là diễn ngôn hay nói [Rede].” Từ Rede Heidegger dùng ở đây được dịch khi thì là phát ngôn (speech), khi thì là ngôn ngữ (language) hay diễn ngôn (discourse). Theo William Richardson trong văn mạch của đoạn trích dẫn trên Rede không có nghĩa là ngôn ngữ nói mà là một thành tố của Hữu-tại làm cho ngôn ngữ nói khả hữu. (Xem: William Richardson, Heidegger:Through Phenomenology to Thought, trang 66). William Richardson cũng đề nghị nên để nguyên Rede theo Heidegger hiểu và dịch từ chữ λόγος theo nghĩa nguyên thủy là diễn tiến làm hiện rõ hay làm cho nhìn thấy khi xem xét quan niệm về Ngôn ngữ của Heidegger trong những bước đầu này. Trong Sein und Zeit trước khi bàn về Hữu-tại (Being-there) và Diễn ngôn trong §34 Heidegger đã đề cập thoáng qua vấn đề ngôn ngữ khi nói đến mối tương quan giữa việc quan sát đối tượng tìm thấy trong các từ và câu xuất hiện trong vai trò nói ra thông tin này là thành tố tạo lập thứ ba và là thành tố ít chủ yếu nhất trong cấu trúc của việc xác quyết, nghĩa là trong việc cho thuộc từ trong phán đoán (Aussage ist mitteilend bestimmende Aufzeigung, GA 2:156). Trong việc gán thuộc từ này khi nói xảy ra việc di chuyển của chủ thể từ trạng thái bị bận tâm/ưu lự về mốt cái/điều gì đó sang việc nói ra cho người khác điều đó xảy ra. Điều này xác nhận tính ‘tại’ của Hiện thể là chỉ ra và cư ngụ trong thế giới. Ngoìa ra việc chỉ ra một cái gì đó này sẽ được định rõ sau đó giả thiết cái gì đó có một ý nghĩa (Sinn/meaning) hay có việc trao cho nó một ý nghĩa (Bedeutung/signification) Vì Sinn và Bedeutung khó phân biệt, nhiều khi dễ lầm lẫn cái nọ với cái kia, hơn thế nữa sự phân biệt này lại rất quan trọng khi bàn về mối tương quan giữa ý nghĩa và vật qui chiếu cho nên ta cần căn cứ vào trích dẫn trong Sein und Zeit: “Khi những hữu tìm thấy trong thế giới được khám phá cùng với Hữu của Hiện thể - nghĩa là khi chúng được hiểu biết – chúng ta nói rằng chúng có một ý nghĩa. Nhưng cái được hiểu, hiểu một cách chính xác, không phải là ý nghĩa mà là hữu, hay, nói cách khác, là Hữu. Ý nghĩa là cái tự nó trụ vững trong tính khả tri (Verständlichkeit/intelligibility) của một vật nào đó. Cái có thể hợp phối (articulated) trong sự phơi mở nhờ đó ta hiểu biết, chúng ta gọi là “ý nghĩa”…Ý nghĩa là cái “ở trên đó” của một sự phóng chiếu nhờ đó cái vật gì đó trở thành được hiểu là cái đó; ý nghĩa lấy cấu trúc từ một tiền-hữu [fore-having], một tiền-thị [fore-sight], và một tiền-niệm[fore-conception.] (GA 2: 151.)
(còn tiếp)
đào trung đạo
©gio-o.com 2010