Home » » Martin Heidegger-Thông diễn học P20

Martin Heidegger-Thông diễn học P20

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011 | 01:34



đào trung đạo

Thông Diễn Luận
của

Martin Heidegger
(20) 


      Vào thời điểm năm 1946 sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt, trước cảnh hoang tàn đổ nát toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần của thế giới, nhất là sự kiện “Không những các thần linh và Thượng đế đã bỏ đi, nhưng ngay cả sự sáng tỏa của tính chất thiêng liêng cũng đã lụi tắt trong lịch sử thế giới,”(GA5,Y&H:202) và Heidegger tìm đến thơ và thi nhân như con đường nhìn lại vấn đề cơ sở tư tưởng trong thời đại thảm họa vực thẳm hiện tại. Tìm đến thi ca vì theo Heidegger thi sĩ (thực sự là thi sĩ) là kẻ lặn xâu xuống vực thẳm nhất so với nhân gian. “Chính trong bản chất của thi sĩ những thi sĩ thực sự là thi sĩ ở vào một thời đại như vậy khởi đi từ sự hoang tàn tuyệt vọng của thời đại thì hoàn cảnh và sứ mệnh của thi sĩ trước hết trở thành vấn nạn thi ca đối với họ. Chính vì lẽ đó tại sao “thi sĩ trong thời hoang tàn” phải chỉ nói về yếu tính của thi ca trong những bài thơ của họ.  Khi nào việc đó xảy ra chúng ta có thể suy ra rằng hoàn cảnh của thi sĩ tương hợp [s. schickt] với sinh mệnh [Geschick] của thời đại. Còn chúng ta phải học cách nghe những gì các thi này nói – điều này giả định rằng chúng ta không tự lừa dối về cái thời đại  che dấu [verbirgt] Hữu bằng cách cất giữ [birgt] Hữu; chúng ta tự lừa dối mình , tức là  chỉ tính toán đong đếm thời gian trên căn bản những hữu bằng việc mổ xe chúng.” GA5,Y&H:203) Chúng ta biết rằng khi thông diễn giải cấu lịch sử tư tưởng Tây-phương để tìm câu trả lời cho câu hỏi về sự chấm dứt/tận cùng của triết học nhằm vượt qua siêu hình học Heidegger cho rằng Nietszche là nhà siêu hình học cuối cùng. Chính vì vậy Heidegger quan niệm “Thi sĩ  tư tưởng xâu xa vào nơi chốn được thiết định bởi sự soi sáng Hữu đã được đóng ấn như thể là cái lãnh địa trong đó siêu hình học Tây-phương đã làm tròn nhiệm vụ của mình. Suy tư về thơ của Hőlderlin cũng đã đóng dấu ấn cái lãnh địa của tư duy thi ca đó.  Thi ca của Hőlderlin cư ngụ trong nơi chốn này thân thiết hơn mọi thi ca của thời đại ông ta. Cái nơi chốn Hőlderlin bước vào là một nơi chốn Hữu hiển lộ, một sự hiển lộ bản thân tùy thuộc vào sinh mệnh của Hữu; từ sinh mệnh này sự hiển lộ được dâng tặng cho thi sĩ.” Heidegger thông diễn thơ Hőlderlin bằng cách không những chỉ thong diễn những điều thi sĩ đã nói trong thi ca của ông ta mà còn  “trải nghiệm điều thi sĩ không nói ra.” Theo Heidegger đó là dòng chảy/lộ trình của lịch sử của Hữu.  “Nếu chúng ta đi vào lộ trình này, việc đó sẽ đem tư tưởng và thi ca gặp gỡ nhau trong một cuộc đối thoại dấn thân vào lịch sử của Hữu.” (Y&H:204)  Heidegger tra hỏi: Thế thời nay có một thi sĩ thời đại nào đối diện/chạm mặt với chúng ta trên lộ trình đó không? Heidegger tìm thấy trong thơ của Rilke con đường muôn dặm tra hỏi thơ, trải nghiệm tính chất hoang tàn của thời đại, một thời đại hoang tàn không chỉ vì Thượng đế đã chết mà còn vì con người hiếm khi biết hoặc ngay cả có thể biết sự tử vong của mình, nhưng không nắm trong tay bản chất của mình. “Cái chết rút lui vào sự bí ẩn. Sự bí ẩn của khổ đau bị che kín…Con người chỉ biết yêu thương chừng nào khi có ngôn ngữ…Thời đại là hoang tàn bởi vì vắng mặt tính chất không bị che dấu của bản chất nỗi đớn đau, cái chết, và tình yêu” (Y&H 204-5) Khổ đau, cái chết, và tình yêu rơi vào vực thẳm lãnh địa của Hữu. Thi sĩ liều thân lặn xâu xuống vực thẳm, là kẻ đồng hành vĩnh cửu của Hữu. Khi thi sĩ mạo hiểm đời mình cũng có nghĩa là đánh liều Hữu của các hữu, cùng với Hữu xuyên suốt Hữu trong siêu vượt để tìm về chân lý của Hữu. “Hữu băng suốt, như chính Hữu, khu giới [Bezirk] của Hữu được phân giới [bezirkt] (τέμνειν, tempus) bằng  sự kiện Hữu tạo bản chất trong chữ/từ. Ngôn ngữ là khu giới/lãnh địa (templum) nghĩa là ngôi nhà của Hữu. Yếu tính của ngôn ngữ không bị cạn kiệt trong việc qui chiếu, ngôn ngữ cũng không phải chỉ là những dấu chỉ và những mật mã. Chính vì ngôn ngữ là ngôi nhà của Hữu do đó chúng ta có thể tìm đến các hữu bằng cách đi qua căn nhà này.” (H&Y:232) Thi sĩ là kẻ mạo hiểm khu giới của Hữu tức là đánh liều/mạo hiểm ngôn ngữ vậy.
   Quan niệm “Ngôn ngữ là Căn nhà của Hữu” (Haus des Seins) được Heidegger triển khai thêm trong Űber den Humanismus/Thư về Nhân bản Chủ nghĩa [1946] (Bản Pháp văn Letter sur l’humanisme của Jean Beaufret trong Heidegger, Questions III&IV:67-127; bản Anh văn  Letter on “Humanism” của Frank A. Capuzzi trong Martin Heidegger: Pathmarks:239-276). Từ năm 1945 chính quyền Quốc xã tìm cách trù dập Heidegger vì triết gia này chống lại thế giới quan, ý thức hệ quốc xã, quan chức quản lý giáo dục ra lệnh cấm Heidegger giảng dạy ở các đại học, tác phẩm bị cấm xuất bản, và tệ hại hơn nữa vào lúc cuộc chiến sắp tàn Heidegger bị xung vào  đơn vị trừ bị cuối cùng Vollssturm gồm toàn những người già nua và thiếu niên. Heidegger bị đưa đi đắp tuyến phòng thủ ngoài mặt trận (Xem “Only a God Can Save Us, The Spiegel Interview, 1966 do William J. Richardson dịch in trong Heidegger: The Man and The Thinker, edited by Thomas Sheehan: 45-67). Thư về Nhân bản Chủ nghĩa là bài viết Martin Heidegger trả lời ba câu hỏi của Jean Beaufret: 1. Làm sao cho lại danh từ “Chủ nghĩa Nhân bản một ý nghĩa?; 2. Làm sao minh định mối tương quan của hữu-thể-học với một đạo-đức-học khả hữu?; 3.Làm sao cứu vãn được yếu tố phiêu lưu trong bất kỳ mọi khảo cứu đều có mà không biến triết học thành đơn giản chỉ là một cuộc phiêu lưu?. Không trả lời lần lượt mỗi câu hỏi, Heidegger đề nghị xoáy mạnh vào câu hỏi thứ nhất, hai câu hỏi sau sẽ được soi sáng khi thảo luận câu hỏi thứ nhất. Trong phạm vi chỉ thu hẹp trong việc trình bày quan niệm về ngôn ngữ của Heidegger trong giai đoạn này chúng tôi không đề cập tới toàn bộ tư tưởng của Heidegger trong Thư về Chủ nghĩa Nhân bản mà chỉ đưa ra những ý trực tiếp lien hệ tới ngôn ngữ. Trước hết cần nhắc lại khái niệm hiện hữu (ek-sistence) của Heidegger. Heidegger quan niệm con người là hiện hữu trong ý nghĩa phơi mở về Hữu “…Việc đứng trong ánh sáng của Hữu là cái tôi gọi là hiện hữu…”(…Das Stehen in der Lichtung des Seins nenne ich die Ek-sistenz des Menchen). Như vậy Hữu là diễn trình soi sáng các hữu, nơi chốn Hữu soi sáng chính là Tại/Da, do Hữu khởi động, Hữu giao phó mình cho Tại Tại nắm chắc, canh giữ các hữu trong ánh sáng của Hữu trong dạng thức được phơi mở. Tuy Hữu là chủ chốt khởi dẫn nhưng Hữu cần có Tại, nhưng Tại lại không chủ động quyết định mà tùy thuộc vào tính tự phát của Hữu khi giao phó mình cho các hữu, Tại là nơi bị Hữu “ném vào”. Chính sự giao phó của Hữu trong ánh sáng chân lý của nó tạo nên lịch sử của Hữu, và vì vậy hoàn cảnh thân phận con người được quy định tùy theo  từng giai đoạn lịch sử của Hữu. Nhưng Hữu không phải luôn luôn hiện lộ/phơi mở mà cũng thu mình ẩn dấu vì Hữu ban phát cho các hữu ánh sáng để các hữu chứ không có Hữu: ngay sau khi Hữu tự phơi mở Hữu lại lập tức rút về ẩn dấu. Lý do vì khi Hữu ban phát cho các hữu Hữu không còn là chính Hữu nữa nên Hữu lại ẩn dấu trong sự ban phát, gửi gấm. William J. Richardson định danh cho diễn biến này bằng khái niệm Giao phó bất liên tục (Inter-mittence). Từ đấu có thể suy ra những giai đoạn khác nhau của siêu-hình-học trong lịch sử triết học Tây-phương tương ứng với những giai đoạn giao phó bất liên tục trong lịch sử của Hữu. Dẫn chứng cho quan niệm này Heidegger chỉ ra trong dòng lịch sử của chuyển vận siêu-hình-học ta có thể phân biệt những khoảnh khác khác nhau tùy lúc tùy thời, mỗi khoảnh khắc mỗi thời đại có cách nhìn nhận khác nhau về sự giao phó của Hữu khác nhau, chẳng hạn siêu-hình-học thời trung cổ với hai khái niệm yếu tính vả bản thể của hữu, Hegel đưa Hữu vào Ý niệm tuyệt đối, Marx giảm trừ con người vào thực thể xã hội, cho rằng bản chất con người là toàn bộ những nhu cầu vật chất, Nietszche quan niệm Hữu như Ý chí Quyền lực, thời hiện đại qui bản chất của Hữu vào tính chất kỹ thuật…Tất cả những triết học này có điểm chung là đều chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của sự giao phó của Hữu, là mặt chân lý của Hữu bị ẩn dấu, cho nên nói chung đều lạc đường trong sự quên lãng Hữu. Heidegger khái quát chỉ ra như vậy và không giải thích rõ ràng sự khác biệt của từng giai đoạn lịch sử của Hữu.
(còn tiếp)
đào trung đạo
    

© gio-o.com 2011

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved