Home » » GS Cao Chi, người tôn vinh cái đẹp trong vật lý hiện đại

GS Cao Chi, người tôn vinh cái đẹp trong vật lý hiện đại

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011 | 02:19

GS Cao Chi, người tôn vinh cái đẹp trong vật lý hiện đại
Phạm Văn Thiều
Là người có cơ may được gần gũi và có nhiều dịp trao đổi với anh Cao Chi trong những năm gần đây, tôi thấy ở anh là một người đa tài và uyên bác trong nhiều lĩnh vực, và có thể nói không ngoa rằng, GS Cao Chi – nhà khoa học - nhà sư phạm và người nghệ sĩ. 

Anh Cao Chi thuộc lứa những người làm vật lý chuyên nghiệp (nghĩa là nghiên cứu và giảng dạy, mà nghiên cứu là chính), được đào tạo rất cơ bản đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi có bằng tú tài ở một trường nổi tiếng ở miền Trung, anh tập kết ra Bắc và được cử đi học ở một trong những trường đại học nổi tiếng, một trong những thánh đường khoa học uy tín nhất thế giới mà hồi đó lũ sinh viên chúng tôi hằng mơ ước, đó là trường ĐH Tổng hợp Mátxcơva, mang tên Lômônôxốp, hay thường gọi tắt là MGU, với những giáo sư lừng danh thế giới như Ivanenco, Landau, Kikoin... Sau khi tốt nghiệp xuất sắc khoa vật lý ở đây, anh về nước dạy ở ĐH Sư Phạm HN một năm, năm 1963 anh được cử đi nghiên cứu tại Viện liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna, một trung tâm nghiên cứu lớn hồi bấy giờ của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa. Do được đào tạo rất cơ bản ở MGU cộng với niềm đam mê cháy bỏng muốn theo kịp trình độ vật lý lý thuyết thế giới theo lời dặn dò của GS Tạ Quang Bửu trước khi anh lên đường, nên chỉ trong một thời gian ngắn anh đã bắt nhịp được với nhóm làm việc. Anh đã không ngại ngần chọn vấn đề nghiên cứu “hot” nhưng rất khó, đó là lý thuyết trường chuẩn. Điều thú vị là thực tế sau này đã chứng tỏ rằng hướng đi này là đúng đắn và đã dẫn tới lý thuyết thành công nhất của vật lý hiện đại là mô hình chuẩn ngày hôm nay. Điều thật đáng tiếc là năm 1968, “ba chàng ngự lâm pháo thủ” của nền vật lý Việt Nam là Cao Chi, Đào Vọng Đức và Đoàn Nhượng đều phải rời Dubna về nước với rất nhiều dự định còn dang dở. Về nước, cái bộ ba này một thời gian sau, mỗi người mỗi ngả, anh Cao Chi mấy năm sau chuyển sang làm về dự án điện hạt nhân. Có thể anh Cao Chi đã có những đóng góp to lớn cho lĩnh vực này, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng niềm đam mê của anh không phải ở đó, sự trăn trở, khao khát của anh mãi mãi vẫn là những vấn đề của vật lý hiện đại.    

Tôi không phải là sinh viên của anh Cao Chi, nhưng có nhiều lần được tham dự các xêmina của anh. Với một giọng Huế dễ thương, với cách trình bày bảng rất nghệ thuật, chữ anh vốn bay bướm, nhưng khi nào dùng chữ to, khi nào dùng chữ nhỏ và viết vào chỗ nào trên bảng anh đều có dụng công cả, tuy nhiên, điều thực sự đặc biệt trong các bài giảng của anh, đó là sự hiểu biết rất sâu sắc những vấn đề mà anh trình bày lại kèm theo những ví dụ rất dí dỏm làm cho người nghe dễ tiếp thu những vấn đề hết sức trừu tượng và phức tạp vốn là những chủ đề anh thường đề cập trong các xêmina. Mấy năm sau khi về nước, tại một xêmina có một loạt bài giảng của GS Cao Chi. Những phương trình tính toán trong các bài giảng đó, sau hơn 30 năm tôi còn chỉ nhớ mang máng, nhưng có một ví dụ mà GS Cao Chi đưa ra về sự phá vỡ đối xứng tự phát thì tôi còn nhớ mãi. Đó là ví dụ có tên là tình huống con lừa Buridan (J. Buridan là một triết gia Pháp, thế kỷ XIV): hai bó cỏ non giống nhau được đặt hoàn toàn đối xứng ở hai bên mõm của một con lừa đói. Song dẫu rằng ta có thể chọn được hai bó cỏ lý tưởng hoàn toàn giống nhau đi nữa thì chú lừa sớm muộn cũng sẽ chén một trong hai bó cỏ đó, nghĩa là con lừa vẫn tự phát phá vỡ đối xứng. Điều thú vị là phá vỡ đối xứng kiểu này lại rất thường xảy ra trong tự nhiên, trong cuộc sống và cả trong ... nghệ thuật nữa. Có thể nói rằng, trong số những chuyên gia vật lý hàng đầu của Việt Nam, anh Cao Chi là người có vốn văn hóa chung rộng lớn và phong phú nhất. Và chính cái vốn văn hóa vững vàng đó cộng với vốn kiến thức giàu có và sâu sắc cùng với tài năng sư phạm đã làm nên sự hấp dẫn đặc biệt trong các bài giảng của GS Cao Chi.

Anh Cao Chi sinh năm 1931 ở Kontum, nhưng phần lớn tuổi niên thiếu sống ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định) và Sông Cầu (Phú Yên) xinh đẹp. Anh nổi tiếng học giỏi ở trường Võ Tánh (Bình Định) và trường Lương Văn Chánh (Phú Yên) thời đó. Nhà vật lý Thái Quảng, thủ trưởng cũ của tôi ở ĐH Kỹ thuật Quân sự, trong một lần tâm sự với tôi có kể rằng, thuở nhỏ anh trọ học nhà anh Cao Chi ở gần trường Lương Văn Chánh, và vào thời đó anh Cao Chi đã nổi tiếng là thần đồng Phú Yên. Trước anh, học ở trường Võ Tánh Quy Nhơn có nhà thơ Xuân Diệu và nhóm Bàn Thành Tứ Hữu (Bốn người bạn thơ đất Bình Định) gồm Chế Lan Viên, Yến Lan, Hàn Mặc Tử và Quách Tấn, những nhà thơ trẻ này đã cực kỳ nổi tiếng ở thời đó (và cả sau này nữa) trên thi đàn Việt Nam. Sống trong một vùng đất thơ mộng và đậm đặc không khí văn chương như thế, một tâm hồn lãng mạn và nhạy cảm như anh Cao Chi làm sao có thể không hấp thu. Chỉ cần đọc các bài viết của anh, dù là những bài nói về những thứ khoa học cao siêu và trừu tượng, ta vẫn thấy phảng phất đâu đó chất văn chương kín đáo, mà đặc biệt là những bài anh viết về đối xứng thì cái vốn văn thơ, nhạc họa mà anh đã hấp thu từ thuở hoa niên đã được bộc lộ một cách hết sức tinh tế.

Để kết thúc phần giới thiệu này tôi xin trích dưới đây lời đánh giá vô cùng xác đáng của GS Tạ Quang Bửu sau khi đọc bài báo “Đối xứng, sự phá vỡ đối xứng và nguyên lý của cái đẹp”, một bài viết rất tài hoa của anh đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật (số 5, 1984): “Bạn Cao Chi là một chuyên gia về lý thuyết trường lượng tử và là một nhà toán học sâu sắc, và cái gì bạn ấy viết cũng đều đã được suy tính kỹ, những bài viết của bạn ấy dù là về các vấn đề chuyên môn cũng đẹp về nhiều mặt: ý tứ, lời văn, tình nghĩa và trách nhiệm tương hỗ giữa người viết và người đọc...”.  Thiết nghĩ khỏi cần phải nói gì hơn!  

Vật lý hiện đại – những vấn đề thời sự
Vào dịp đầu xuân 2009, anh Chu Hảo và tôi có gặp nhau trao đổi về một dự án. Sau khi bàn bạc công chuyện xong, chúng tôi có nói về một số nhà vật lý đàn anh và nảy ra ý định, nếu có thể, NXB Tri Thức sẽ in cho mỗi anh một quyển sách “giối già”. Người đầu tiên chúng tôi nghĩ tới là anh Cao Chi. Ban đầu, do biết anh Chi đã xấp xỉ bát tuần, không còn sung sức như xưa nữa, nên chỉ định sắp xếp lại theo chủ đề các bài báo mà anh đã cho đăng nhiều năm trên các tạp chí Tia Sáng, Khoa học và Tổ quốc, Hoạt động Khoa học, Nghiên cứu Nghệ thuật  v.v.  Nhưng vốn là người tôn sùng cái đẹp và thích sự toàn bích, anh Cao Chi đã bỏ ra hai năm trời viết nên một quyển sách đồ sộ: bản thảo ban đầu dày tới 500 trang, và để làm được việc đó anh Cao Chi đã phải tham khảo biết bao bài báo và cuốn sách, cả phổ biến cũng như chuyên sâu, quả là một kỳ công đối với một người đã ở tuổi 80. Cuốn sách đề cập tới hầu hết các vấn đề thời sự của vật lý hiện đại được trình bày nhất quán như một cuốn sách hoàn chỉnh, nhưng cũng có thể coi nó như một cuốn từ điển mà bạn có thể tra cứu gần như bất cứ vấn đề gì mà bạn cảm thấy khúc mắc khi đọc những tài liệu khác. Chúng tôi hy vọng các bạn có thể tìm thấy trong cuốn sách này một kho tàng kiến thức phong phú và cập nhật, nhưng đồng thời cũng sẽ được thưởng thức những trang viết tài hoa giàu chất văn chương của nhà khoa học, nhà sư phạm và nhà nghệ sĩ Cao Chi.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved