TECHNÊ (HÊ) : Nghệ thuật / Kỹ năng
[t.Latinh : ars ; t.Pháp : l’art]
Hoạt động của con người, thay vì theo các quy luật của Tự nhiên, cho phép con người hành động theo bản tính riêng của mình.
Tuy nhiên, chữ technê thể hiện hai loại hoạt động rất khác nhau.
Ở Aristote cũng vậy. Một mặt, ông đối lập nghệ thuật với Tự nhiên ; có hai loại tồn tại : những gì đang tồn tại theo bản tính tự nhiên (phusei), tức là các động vật, thực vật và các đơn chất ; và những gì được tạo ra bởi nghệ thuật (apo technê). Mặt khác, ông đã định nghĩa nghệ thuật là một sự mô phỏng về Tự nhiên : hê tecnê mimeîtai tên phusin (Phys., II, 2, 194a).
Trên thực tế, trong cả hai vị đại tác gia đã để lại cho hậu thế nền triết học về nghệ thuật ấy, người ta nhận thấy ở mỗi vị đều có những lý thuyết nào đó của riêng mình.
Platon đối lập nghệ thuật với thần cảm. Nghệ thuật thấp kém hơn Tự nhiên, vì nó là sự mô phỏng về Tự nhiên ; và tự nhiên thấp kém hơn các Bản chất vĩnh hằng, vì nó là bản sao của các Bản chất này. Thi ca, như ta bắt gặp ở Homère và Hésidote, vì thế là thứ không có giá trị siêu hình học, và hơn nữa là thứ giả dối, nên không có giá trị luân lý. Ta có thể nói như thế về những bức tranh và những tấm thảm thêu, vốn là những cái tái tạo lại những câu chuyện ngụ ngôn của các thi sĩ (Rep., II, 376e-378c) ; trái lại, Ion, khi ông nghị luận về Homère, không tỏ lòng tôn kính nghệ thuật, mà tôn kính một năng lực thần linh (théia dunamis) ; và Socrate soạn một bài thơ để vâng theo một mệnh lệnh thần linh (Phédon, 61a-b). Trong Nền Cộng hòa, nghệ thuật được tách ra làm hai : người ta phân biệt kỹ năng của người thợ thủ công (kỹ năng chế tác, poiêtousa) và nghệ thuật của người nghệ sĩ (nghệ thuật mô phỏng, mimêsoménê). Như vậy, người họa sĩ vẽ một chiếc giường thì thấp kém hơn người thợ đóng một chiếc giường, vì người thợ đã tạo ra một thực tại khả giác, bản sao của Ý niệm vĩnh hằng của chiếc giường, trong khi đó người họa sĩ chỉ mô phỏng cái thực tại khả giác đó mà thôi (Rep., X 595b-597a), nghĩa là anh ta chỉ đạt đến một bản sao của bản sao, đạt đến “một sự mô phỏng vẻ bề ngoài” : mimésis phantasmatos (598b).
Đến lượt mình, Aristote phân biệt :
a. nghệ thuật và kinh nghiệm (emperia) : “Kinh nghiệm là sự nhận thức về cái cá biệt, nghệ thuật là sự nhận thức về cái phổ quát” (Met., A, 1, 581a) ;
b. nghệ thuật và khoa học (épistêmê). Nghệ thuật là sự áp dụng cái phổ quát vào cái cá biệt (sđd.) ;
c. hành động (prâxis) và chế tác (poiêsis). Nghệ thuật thuộc về phạm trù “chế tác” : nó là “sự sắp đặt, kèm theo lý tính (méta logou), theo cách chế tác” (Eth. Nic., VI, IV, 3) ;
d. nghệ thuật sử dụng (chrôménê) và kỹ năng chế tác (poiêtikê) (Phi., II, 2, 194b). Sự phân biệt sinh ra từ b. và c. là : “như ở Platon, cuối cùng ta có nghệ thuật khéo léo (người thầy thuốc) và kỹ năng biến đổi chất liệu (người thợ thủ công).
Đinh Hồng Phúc dịch
Nguồn: Ivan Gobry. Le vocabulaire grec de la philosophie / Từ vựng triết học Hy Lạp, Ellipses, 2000. Bản dịch tiếng Việt đăng lần đầu trên triethoc.edu.vn