Hà Văn Thịnh
NGUYỄN PHƯƠNG UYÊN |
Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10.2012, đọc lá thư của 107 sinh viên trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM gửi Chủ tịch nước, tôi đã xúc động đến mức khó nói thành lời: Đau đớn, uất nghẹn trước cái ác; cảm phục và trân trọng những nữ sinh viên “liễu yếu đào tơ” đã mở mắt cho tôi, để tôi thấy rõ hơn – xuyên qua màn sương cay nhòe thở dài và rên rỉ – lòng yêu nước và sự can đảm của những cô gái trẻ trung mà các chàng trai, những người đàn ông (tất nhiên kể cả tôi) phải xấu hổ, cúi đầu…
Tại sao có thể bắt người, giam giữ người bất chấp luật pháp? Tại sao họ không sợ dân, khinh dân và bây giờ nghênh ngang coi thường cả tầng lớp sinh viên – tinh hoa của đất nước, tương lai của giống nòi? Những câu hỏi đó chắc chắn sẽ được dư luận trong những ngày tới luận bàn, riêng tôi, muốn tâm sự với 108 sinh viên (kể cả Nguyễn Phương Uyên) với tư cách là một người thầy, tuy rằng tôi chưa – không bao giờ được dạy các em…
Các em thân mến!
Trong những buổi lên lớp ở nơi mà tôi công tác, khi giảng về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, tôi đều nhấn mạnh rằng một khi đất nước gặp tai ương mà người đàn bà (cô gái, phụ nữ) phải mặc váy leo lên mình voi, trèo lên lưng ngựa là cả một nỗi nhục nhã đắng cay cho hàng triệu đàn ông (!). Đó là một sự thực dù biện minh theo bất cứ lý lẽ nào. Việc đấu tranh nơi đầu sóng ngọn gió để chống lại kẻ thù của dân tộc, ở đâu, bao giờ, trọng trách cũng thuộc về nam nhi… Vậy mà, như là sự mỉa mai của định mệnh, những Phạm Thanh Nghiên, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Phương Uyên và 88 nữ sinh* trong lá đơn, đều chỉ ở lứa tuổi hai mươi. Sự thật quả là phũ phàng, nhức buốt. Tại sao hàng triệu người lớn, khỏe mạnh, đĩnh đạc về kiến thức, cường tráng về sức vóc, bề thế về địa vị… lại lặng im, chấp nhận mọi trái ngang? Câu hỏi đó không dễ trả lời. Chẳng lẽ chỉ có thể thờ dài cho não nuột hơn để tự AQ với chính mình rằng thôi thì âm thịnh, có nghĩa là vận nước đã suy vi?…
Các em đã cho tôi thấy ở đường chân trời rất rõ ràng rằng ánh hồng đang tỏa rạng bởi không ai có thể ngăn được ánh sáng ban ngày! Hàng chục năm, tôi và các em được dạy rằng phải khiêm tốn, rằng lãnh đạo bao giờ cũng sáng suốt, rằng mọi điều đen tối luôn luôn là “một số”… Những mê hồn trận bịp lừa ấy buộc mỗi chúng ta từ vô thức phải cúi đầu. Trò không dám cãi thầy dù thầy sai bét sai be; dân không dám cãi quan bởi cãi có nghĩa là phản động; lên án một ai đó cấp cao đồng nghĩa với sự quy chụp vi phạm điều này điều kia của Hiến pháp… Chúng ta trở thành kẻ nô lệ của sự câm mồm. Tôi kể các em nghe một câu chuyện nhỏ: Buổi học tiếng Nga đầu tiên của tôi ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Thầy Lê Thế Thép dạy rằng khi quân Đức tiến vào xâm lược nước Nga, người Nga hỏi cái gì chúng cũng im lặng (có lẽ vì không hiểu), nên họ gọi người Đức là Nhemetx – không có mồm! Chúng ta không phải người Đức nhưng cách giáo dục của thời nay đã biến hàng triệu người thành những kẻ không mồm. Đó thực sự là thảm họa. 88 nữ sinh của trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM đã chứng minh rất rõ rằng, các em không phải là như thế!
Các em thân mến!
Các em cần phải rút kinh nghiệm bằng cách đọc – học luật để hiểu những gì người dân được quyền làm nếu luật pháp không cấm. Đây là điều tối thiểu để bảo vệ chính mình khi sự càn rỡ của không ít kẻ có quyền lực đang thi nhau lạm quyền và lộng quyền. Khám nhà phải có lệnh của Viện Kiểm sát, phải có đại diện tổ dân phố làm chứng, bắt người (“mời”) phải có giấy tờ có dấu đỏ (trừ phi bắt được quả tang sự phạm tội hiển nhiên). Phải kêu la thật to cho đông người kéo đến để làm chứng, càng đông càng tốt. Các em đã sai khi 4-5 người đến đồn công an làm việc mà không ghi lại tên, số hiệu, cấp bậc (ví dụ không biết thì ghi 1 vạch, 1 sao một vạch, một sao hai vạch…, tức là hạ sĩ, thiếu úy, thiếu tá), trước khi để bạn lại một mình không yêu cầu gặp trưởng hay phó đồn để hỏi (nhắc rằng “đã nhớ, khỏi cãi”)… Những bài học đó không phải chỉ hôm nay mà có thể còn phải dùng biết sau này, để đừng bao giờ sai nữa…
Chắc chắn vụ việc này Chủ tịch nước không thể cho qua bởi lời ông nói còn nóng rẫy giữa Sài Gòn. Chắc chắc sẽ có rất nhiều người đấu tranh vì Nguyễn Phương Uyên và cũng là để bảo vệ các em. Thật đáng trách đối với Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm – cho đến tận bây giờ vẫn im hơi lặng tiếng không hề đứng ra xác minh hay bảo vệ người của cơ quan mình. Nhưng, đó là chuyện của người lớn, họ có nhiều nên luôn sợ “mất”, kể cả ảo ảnh đui mù và sự kém cỏi về nhận thức…
Tôi đang mệt nên không thể viết dài, trước khi dừng “bút”, một lần nữa, cho phép tôi tự xưng là thầy – bởi có lẽ đó là cách tốt nhất để khẳng định sự trân quý, biết ơn của một người lớn với những con người thơ trẻ. Yêu nước không bao giờ có tội. Chỉ những kẻ bán nước, cố dùng xiềng xích để khóa những cái chân ghế quyền lực gớm ghiếc mới là tội lỗi!
* Vì chỉ đoán nam – nữ qua tên nên có thể không chính xác: Theo tôi nghĩ, có 19 nam/107 người ký tên.
Quảng Trị, 04:50 – 21.10.2012
H.V.T.