Home » » Triết luận về tôn giáo và chủ nghĩa xã hội bằng ngôn ngữ tự sự

Triết luận về tôn giáo và chủ nghĩa xã hội bằng ngôn ngữ tự sự

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012 | 08:07

Triết luận về tôn giáo và chủ nghĩa xã hội bằng ngôn ngữ tự sự

 | Filed under 4. Các thể tài phê bình
Lại Nguyên Ân
Trước tiên nên có sự phân biệt cần thiết: một là, trong chủ nghĩa xã hội, công dân có quyền tự do tín ngưỡng, các tôn giáo được tự do hành đạo trong phạm vi luật pháp; hai là, trên địa hạt tư tưởng, chủ nghĩa xã hội tiến hành một cuộc đấu tranh bền bỉ, vạch rõ tất cả những gì là phi khoa học, phản tiến bộ còn tồn tại trong nhận thức tư tưởng và thế giới quan, nhằm giáo dục quần chúng, giải phóng họ từng bước khỏi mọi hình thức nhận thức duy tâm tiêu cực mà các tôn giáo và các tập tục mê tín dị đoan từ hàng ngàn năm nay đã để lại những dấu vết nặng nề trong tư tưởng và tình cảm con người. Cuộc đấu tranh về mặt lối sống và nhận thức tư tưởng với các tôn giáo và ý thức thần quyền nói chung, hoàn toàn không trái với chính sách tự do tín ngưỡng. Tham gia (cùng với triết học, khoa học, chính trị, đạo đức…) vào cuộc đấu tranh này, một công cụ tư tưởng sắc bén như văn học chắc chắn có một vai trò đáng kể. Triển khai đúng hướng trên đề tài này, một số sáng tác trước đây của văn học ta, với những mức độ thành công khác nhau như Xung đột, Bão biển, Nắng… đã tranh thủ được sự đồng tình của công chúng, gây được dư luận tốt trong số đông người đọc. Có thể kể thêm tiểu thuyết Cha và Con và…(*) vừa ra mắt gần đây vào số sáng tác này.
***
Tiểu thuyết Cha và Con và… có cái vắn gọn của một kiểu truyện “cổ điển”, nghĩa là không có mới mẻ gì lắm ở bố cục chung: một người trẻ tuổi bước vào một môi trường thực tế nào đó, anh ta va chạm, vấp váp và xử sự, khắc phục, tìm ra chỗ đứng cho mình. Cái đáng lưu ý ở đây là cái cụ thể: người trẻ tuổi ở đây là một tu sĩ Thiên Chúa giáo vừa rời trường dòng đến nhậm chức thày cả ở một xứ đạo, với đầy đủ ý thức về sứ mệnh cao cả của một đấng chăn chiên đem đức tin thiêng liêng đến khắp mọi giáo dân làm rạng danh Thiên Chúa. Cái con người lý tưởng − lý tưởng Thiên Chúa giáo − ấy có thành công được không? Cả câu chuyện như muốn đem lại một câu trả lời tiêu cực. Là vì câu chuyện thoạt nhìn như nhỏ hẹp của ông thày cả và một ít con chiên thực ra chỉ là sự cụ thể hóa một tình thế chung, trên một phạm vi còn rộng lớn hơn nhiều, diễn ra theo chiều hướng bất lợi cho vị trí của đạo Thiên Chúa (và mọi tôn giáo nói chung) trong đời sống hiện tại. Thời thế đã đổi thay không chỉ ở một xứ đạo nhỏ hẹp này. Ngay ở phương Tây tư bản, nơi đạo Thiên Chúa có những cơ sở xã hội lịch sử và dân tộc lâu đời, người ta cũng buộc phải chứng kiến tình trạng “vô thần hóa đức tin bên trong” của giáo dân. Không thể để mất quần chúng, nhiều người trong các giáo hội đã phải tính đến những cách tân: Cộng đồng Va-ti-căng II là một cố gắng tiêu biểu. Nói riêng, đối với chủ nghĩa xã hội, đối với người cộng sản, thái độ đối lập, thái độ triệt để chống “cộng sản vô thần” trước đây cũng đã được nhiều người tán thành thay bằng chủ trương “đối thoại”, hơn nữa “hợp tác”, là vì dù thế nào thì cũng không thể để mất quần chúng − chỗ dựa cho sự tồn tại của chính  mình − nhất là trên những đất đai của chủ nghĩa xã hội.
Chính là người viết tiểu thuyết đã rất chú ý đến hiện tượng kể trên trong khi tìm hiểu thực tế một vùng đạo Thiên Chúa có lịch sử khá lâu đời so với nhiều vùng khác của đất nước, nơi ngòi bút anh đã gắn bó từ khá sớm. Ở câu chuyện này, tình trạng mất dần quần chúng của nhà thờ Thiên Chúa giáo đã được nêu lên và phân tích như một sự thực khó chối cãi. Nói riêng một chi tiết nhỏ, đoạn cha Hòe than thở vì những khó khăn, lo lắng trong chuyện lập hội hát không thành. Công việc của người linh mục chủ trương “đối thoại” cởi mở này vẫn gặp khó khăn, những khó khăn dường như chẳng ai cố ý gây cho. Là vì đám quần chúng tiên tiến cũng như số đông quần chúng bình thường đã hầu như đứng ngoài quỹ đạo của nhà thờ, dù họ vẫn là giáo dân. Rốt lại hăng hái nhất chỉ có lác đác một vài kẻ vô công rồi nghề hoặc thành tích bất hảo mà vị linh mục ấy không dại gì lại cố ý tập hợp nếu như không muốn đối đầu với chính quyền. Dưới cái bề ngoài có vẻ “tưng tửng đùa đùa” của giọng kể, dưới những sự việc thông thường được chọn sao cho có vẻ thật hiền lành, câu chuyện vẫn bao hàm một tính chất luận chiến.
Diện chú ý trung tâm ở đây tưởng như sự đạo, thế nhưng thật ra đó chỉ là cách soi tỏ một sự đời.  Những vấp váp, những “khốn khó” của một ông linh mục trẻ − cha Thư, nhân vật chính − chỉ là tia phản chiếu của một sự thực: trên một vùng nông thôn “đạo gốc” xưa nay ở miền bắc, chủ nghĩa xã hội đã thật sự chiến thắng, mặc dù nó chưa đạt tới những thành tựu thật cao. Chưa phải là thành tựu của một mức sống, mới chỉ là thành tựu của một lối sống, một cơ chế xã hội, dầu thế, nó cũng đã chiến thắng.
Ở đây không có những mâu thuẫn gay gắt, những sự đối đầu quyết liệt như ở Bão biển hay Xung đột, ở đây là một thời kỳ đã khác. Lối sống mới, cơ chế mới đã không còn ở tình trạng phải giành giật quần chúng với bá quyền tôn giáo, nó đã đủ vững để đi theo quỹ đạo của nó, tập hợp được tuyệt đại đa số quần chúng, khiến cho tôn giáo ngày càng bộc lộ rõ là một tồn tại đứng bên lề. Cho nên khi cần diễn tả lối sống mới ấy một cách trực tiếp, có lẽ chỉ cần một vài chi tiết đời thường dung dị, chẳng hạn qua cảm quan khá háo hức và tươi tắn của một “cậu nhà đạo” (định theo đòi con đường trở thành linh mục) đang ở trong cái vòng quẩn quanh của những bức tường nhà thờ và những điều sùng tín đơn điệu bỗng có lúc  − vì một lý do bình thường thôi − được bung ra ngoài “cõi tục”: một buổi đào mương có những chuỗi cười tinh nghịch của các cô gái và những lời trò chuyện chân tình hồn hậu của mấy ông già, một buổi học hát cũng của nhóm các cô gái ấy trong ngôi nhà khang trang của một gia đình nông dân khéo tay… Có khi, những chi tiết đời thường của chủ nghĩa xã hội ấy được lọc qua chính cặp mắt của linh mục Thư: một vạt ruộng bên đường, ấm chè tươi và nải chuối chín ở một tổ trồng màu của phụ lão… Nó rất dung dị, bởi vì chủ nghĩa xã hội ở đây là cuộc sống dựng xây, làm lụng, vun vén phúc lợi chung cho mọi người dân. Những chi tiết đời sống có vẻ ít ỏi nhưng cô đúc, ánh lên màu xanh và căng đầy sự sống đã luôn luôn được ngầm đem đối chiếu với những màu tối và buồn của cái xã hội riêng biệt bên trong nhà thờ. Ở đấy đức tin mê muội vẫn còn, và nó được trộn lẫn một cách bi hài với những thù hằn, ganh ghét lặt vặt cụ thể. Chỉ chưa đầy ba trang in (tr. 117 – 119), bức tranh về cái xã hội nhỏ này đã rõ mồn một, dù đấy chỉ là một cảnh nhỏ gồm mấy người giúp việc cha xứ.
***
Bước đường tư tưởng của cha Thư, vị linh mục trẻ tuổi, trên một số nét chính, có ý nghĩa khá tiêu biểu. Ở vị sứ đồ mới rời chủng viện này, lý tưởng tôn giáo hãy còn khá nguyên vẹn, khá “thuần túy”; chính vị linh mục quản hạt già đã nhìn thấy ở cha Thư một gương mặt thánh thiện ít thấy, một linh hồn sùng kính, thành thực, một ý thức sâu sắc về trách nhiệm và tư cách thày cả. Tất nhiên là ở con người được tòa giám tin cậy và kỳ vọng này đã không còn những mưu đồ nhữn “kẻ đến trước” từng để lại vết nhơ cho Hội Thánh và thù hận cho giáo dân. Lý tưởng hành đạo ở ông ta đã được lượng định trong phạm vi tinh thần công dân: ông ta muốn phát huy vai trò vị thầy cả chân chính trong khuôn khổ phận sự một công dân (ban đầu còn gượng gạo và thụ động) của xã hội mới. Tất nhiên trong đáy sâu thiên kiến của nhân vật còn có một “khoảng tối” mà nhà văn sẽ dùng vào động tác tháo cởi, mở đường cho nhân vật ở phần cuối câu chuyện.
Bước chân vào con đường hành đạo, con người này đã gặp những gì? Cái mô-típ “sự khốn khó của vị sứ đồ”, một mô-típ tôn giáo tiêu biểu, đã được lồng vào khá nhiều chi tiết, giống như một nét láy chủ đạo, nhưng lại có âm hưởng ngược hẳn với âm hưởng của văn chương kinh thánh khi diễn tả mô-típ này: nó chủ yếu không tạo hiệu quả đề cao (đề cao sự thánh thiện như là những kỳ tích của các tông đồ) mà chủ yếu là nhấn mạnh cái bối rối của vị thày cả nọ khi vấp phải một thực tế khác hẳn dự tính.
Thật ra thì những khốn khó của cha Thư từ “ngày khó khăn đầu tiên” cho đến “năm khó khăn đầu tiên” không thuộc loại những va chạm và đối phó gay gắt, dữ dội; đây là những bức bối ngấm ngầm tạo nên do tích lũy hàng loạt những điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng không thể bỏ qua, nhất là với con người như ông ta đang cố duy trì vai trò của nhà thờ, từ những thủ tục, nghi thức đến tinh thần giáo lý thiêng liêng.
Ông ta muốn các con chiên kính Chúa phải lo cho đồ thờ phượng tế lễ Chúa được tươm tất, sang trọng ư? Nội một chuyện om sòm do cuộc quyên cúng áo lễ quá sốt sắng của các cô hội hát đã đủ làm cho vị thày tu trẻ tuổi vốn thánh thiện và ngay thật phải một vố điếng người. Ông ta muốn ủng hộ một họ lẻ lập xứ đạo riêng ư? Nhưng nếu không có người nói cho biết cái mưu mô bên trong công việc có vẻ như là sự nhiệt thành “mở rộng nước Chúa”, chắc gì vị thày tu cả tin đã tránh khỏi phải làm bung xung cho một vụ lừa đảo, móc túi giáo dân của tay trùm họ?
Nhưng đấy mới là một loại “sự khó” thông thường mà dù sao thì vị chăn chiên có thể coi như lỗi lầm riêng của đôi ba kẻ tục trong đám bổn đạo giống như nhan nhản những chuyện phàm tục của những thày tu đồng nghiệp mà ông ta buộc phải đau đớn chứng kiến. Còn có những “khốn khó” loại khác, động chạm đến những khía cạnh thuộc nguyên tắc. Ví dụ như chuyện có chấp hành hay không thông tư của tòa giám làm lễ nhân “kỷ niệm” ngày một linh mục đã “dâng địa phận Tây đàng ngoài trong tay Đức Mẹ”, tức là ngày Hà thành thất thủ? Là vì lịch sử truyền giáo ở xứ này, khốn thay, lại là một bộ phận của lịch sử cuộc xâm lược thực dân. Con người công dân − đã tự giao ước tuân phục chế độ − sẽ phải đối lập chăng với con người tu hành nếu con người này hân hoan tưởng niệm cái hành vi mở rộng nước Chúa đầy máu và khói súng trong quá khứ? Ở tình thế lựa chọn căng thẳng này, dĩ nhiên cha Thư hoàn toàn bị động, vì nó chạm đến cái phần còn chông chênh nhất trong con người ông ta, cái phần mà ông ta sẽ phải giải quyết lấy trong sự lựa chọn ở cuối câu chuyện. Một trường hợp khác gần với trường hợp trên, nhưng ở phạm vi rộng hơn: với quần chúng. Vị linh mục buộc các cuộc hôn nhân của con chiên phải theo đúng lề luật, phép tắc nhà thơ ư? Nhưng nếu ông ta không làm phép cưới cho họ, họ vẫn thành vợ thành chồng theo đúng pháp luật và gác hẳn lại một bên những phiền hà của kẻ chăm sóc phần hồn. Ai được, ai mất trong chuyện này? Cũng chính ở đây, với một ý nghĩa rộng hơn, ông ta đã gặp phải sự chất vấn của một trong những con chiên đương sự: “Chúng tôi vẫn tự hỏi: sự có mặt của các cha có cho thêm chúng tôi được cái gì không? Một câu hỏi đứng đắn đấy. Cha còn trẻ, tôi tin rằng cha có đủ thời gian để trả lời” (tr.60). Câu hỏi của một “kẻ nghịch”, một con chiên đã nhạt đạo, nếu xét theo lô-gích cố chấp của lề luật truyền thống, nhưng lại là một sự thực mà nhà thờ đang phải đối mặt với rất nhiều lúng túng.
Không thành trong những dự định chưa lấy gì làm to tát ban đầu, bị xáo động và buồn nản trước một sự đạo và sự đời không dễ dàng, dĩ nhiên cha Thư phải tự cắt nghĩa, tự tìm tòi. Ông ta phải để mắt tới cách sống của những linh mục khác. Nhưng không được quên rằng ông ta vẫn giữ một tâm hồn sùng kính và một đức tin thật sự của lý tưởng tôn giáo, hơn nữa, ông ta còn quá trẻ, còn muốn mình là con người hành động. Theo cách linh mục Hòe cùng lứa tuổi − con người phàm tục ưa xử sự “được việc” đến mức vô nguyên tắc (nguyên tắc Hội thánh) thì cha Thư không thể chấp nhận được, cũng như ông ta không thể theo cách của cha quản hạt đã hơn tám mươi tuổi và sắp về chầu Chúa, con người biết tất cả, lắng nghe tất cả nhưng không làm gì cả, mặc dù có trong thâm tâm những hoài bão cải tổ tôn giáo lớn lao và tốt đẹp.
Cái ý thức rằng mình bị đặt ra ngoài lề cuộc sống, kể cả cuộc sống giáo dân, đã đẩy ông ta đến những xử sự “lẩn thẩn” − cái lẩn thẩn của con người vẫn chân thành giữ lấy đức tin nhưng chưa nhìn ra những tương quan thực tế. Điểm nhìn xa nhất mà ông ta có lúc tính đến thì thực ra một kẻ khác (một “thày xuất” bỏ trường dòng nhập cuộc thế nhưng vẫn giữ riêng lấy đức tin) đã làm, và làm với một cố gắng còn cao hơn nhiều so với điều cha Thư tưởng, khiến cho ông ta tự thấy không sao bắt chước nổi, mặc dù ở ông ta đã bắt đầu thấy có sự gì gần như là nỗi chán ghét cái cuộc sống u ám, buồn tẻ trong bốn bức tường nhà thờ. Ý hướng được là con người hành động, được tự trọng về nhân cách (những phẩm chất này, như chính ông ta nghĩ, là sản phẩm phổ biến của chế độ mới chứ không phải của sự đào luyện bởi các bề trên) không thể thực hiện được trong khuôn khổ nhà thờ, khuôn khổ một Hội Thánh mà lịch sử không lấy gì làm tốt đẹp, một tổ chức đã mọt ruỗng từ những cây cột chính. Những gắng gỏi riêng của ông ta muốn bằng gương sáng cá nhân để “chuộc lại tiếng tốt cho Hội Thánh”, rút lại, vẫn là những dự định không có hiệu quả, có khi còn thành chuyện nực cười. Ngay cái tư cách thánh thiện, sùng kính của ông ta cũng không khỏi có lúc bị lật trái, bị chất vấn bởi những đồng liêu mà ông ta liệt vào loại phàm tục không hợp với bộ áo tu hành. Treo gương sáng để minh oan cho những “kẻ đến trước” tội lỗi đầy mình thì cũng là một trò đạo đức giả tội lỗi vậy!
Có thể nói, những băn khoăn và bế tắc tinh thần của cha Thư ở đây có một ý nghĩa khái quát đáng kể. Nó cụ thể hóa cái tình thế ngày càng thiếu chỗ đứng của mọi thể chế kiểu tôn giáo trong xã hội hiện đại, hơn nữa, nó còn cho thấy một tổ chức tôn giáo đã từng một thời gian dài đứng đối lập với lợi ích dân tộc và nhân dân, không dễ dàng lấy lại được uy tín của nó, nhất là khi quần chúng đã thực sự đi vào một quỹ đạo khác, ở đây là chủ nghĩa xã hội.
Thế nhưng vẫn phải tính tới chỗ đứng hiện thời, trước mắt của một tồn tại lịch sử. Cụ thể hơn, phải “mở đường” cho con người chân thành tin vào lý tưởng của mình (lý tưởng tôn giáo) có lẽ đã sinh ra hơi lỗi thời này. Mà sự “mở đường” ấy lại không phải là không có ý nghĩa thực tế! Đến đây, câu chuyện đã phải rẽ ngoặt. Từ chỗ lấy tư tưởng làm chú ý trung tâm tạm ngoặt sang lấy sự việc quá khứ (số phận những con người cụ thể trong lịch sử một xứ đạo) làm chú ý trung tâm. Kể ra, làm như vậy thì sức căng của vấn đề quả có bị chùng xuống và yếu đi. Điều có ý nghĩa khái quát (đã làm nên hứng thú suốt 4 chương đầu) ít nhiều bị suy giảm do chỗ nó chuyển thành sự biện minh và giải quyết nói riêng cho một trường hợp cụ thể. Để trả lời: ông linh mục “lẩn thẩn” sẽ đi đến đâu, lại phải giải đáp qua một câu hỏi bổ sung: ông ta thuộc “nhóm máu” nào? Nó có vẻ muốn tránh đi một phán đoán hơi nặng nề: bất kỳ trường hợp nào thì cũng phải thế… Nhưng nếu có thể nói một cách tư biện tới tính chất thiếu triệt để trong việc giải quyết một vấn đề tư tưởng bao quát, nếu tác dụng luận chiến mạnh mẽ đến đây có bị hụt hơi đi ít nhiều thì sự thuyết minh cụ thể (cho các trường hợp loại này chứ không phải cho mọi trường hợp) vẫn có chỗ cần thiết, hơn nữa, hợp lý. Là vì hoàn cảnh mất quần chúng của tôn giáo hiện đại vẫn đặt những người phụng sự nó vào một tình thế lựa chọn được chứ không phải vào một ngõ cụt định mệnh. Và sự lựa chọn cụ thể của nhân vật cần đến những xác minh cụ thể thuộc lai lịch. Sẽ gặp phải một câu trả lời rất không xác định về con đường của nhân vật nếu không gài sẵn vào nhân vật cái mặc cảm uẩn ức xung quanh số phận người chị ông ta (Những tiểu thuyết thuần túy đuổi theo một vấn đề tư tưởng có lẽ không cần đến một tình tiết ngẫu nhiên cài vào mạch cốt truyện như thế. Để “sòng phẳng” với bạn đọc duy lý, nó không muốn mượn đến những biện minh cá biệt thuộc tiểu sử riêng). Nhưng nếu để cắt nghĩa rằng một thày tu chân chính như cha Thư có thể thật sự đứng về phía cách mạng, thật sự hiệp tác được với chế độ mới thì việc gạt bỏ giúp ông ta cái mối thù không có thật mà các “bề trên” đã dựng lên − cái việc tìm thêm “điều kiện đảm bảo” cho một câu trả lời vui vẻ, một sự chuyển hướng tích cực của nhân vật − là điều dễ hiểu.
Quả thật, thành kiến với “những người cộng sản cầm quyền” ở cha Thư đã được cởi bỏ rất nhiều khi biết rằng cuộc đời mình từ thuở ấu thơ đã được cưu mang trong tình nhân ái của những người nghèo khó cùng bị đày đọa bởi những kẻ nấp sau thế lực nhà thờ, khi biết rằng câu chuyện “tử vì đạo” của người chị gái chỉ là một chuyện bịa cố ý của các cha bề trên. Ở ông ta, sự “hòa giải với các bổn phận và với chính mình” dĩ nhiên từ đây sẽ đi theo chiều hướng thuận lợi. Một sợi dây liên hệ với quần chúng đã được chăng nối, có điều sẽ chủ yếu không phải là liên hệ giữa kẻ chăn dắt và bầy chiên mà là liên hệ giữa những số phận có chỗ gần gũi nhau. Cái mà đám quần chúng gần gũi − tức là những người thân thích, ruột thịt − quan tâm là lẽ công bằng và tình nhân đạo thật trong cuộc đời cụ thể chứ không phải những gì cao xa trừu tượng, mơ hồ. Là những người đã từng vác thập giá (theo một nghĩa nào đó tức là đã từng đau khổ dưới nanh vuốt giặc và ngọn roi của các linh mục theo giặc), là dân một vùng mà cuộc đấu tranh giai cấp xung quanh nhà thờ đã từng hết sức ác liệt, một vùng mà thời kỳ “hai năm bốn tháng” (thời kỳ nước công giáo tự trị của bọn phản động đội lốt tôn giáo) còn để lại những hằn vết sâu xa mỗi khi người ta ngoảnh nhìn phía sau, có thể nói sự lựa chọn của họ đã dứt khoát từ lâu. Bây giờ đến lượt vị thày cả trẻ tuổi vừa bước vào đời. Đây là giác ngộ mới của ông ta, là sự lựa chọn của ông ta: “Đi với giáo hữu, tuân theo ý muốn của giáo hữu là sẽ hòa hợp được tất cả, vì giáo hữu là nền tảng, là cội nguồn. Cách mạng cũng từ đấy mà có. Hội Thánh cũng từ đấy mà có, bổn phận của linh mục cũng từ đấy mà có. Không có gì là trái ngược” (tr. 217). Cái ý thức “xem giáo hữu là Chúa của mình” này, dù có viện đến truyền thống thì cũng vẫn là một thái độ cách tân. Là vì, với tư cách một thế lực xã hội, nhà thờ xưa nay chỉ buộc người ta nghĩ đến thánh thần, tức là nó chỉ biết đến sự tồn tại của chính nó, chỉ chăm lo cho sự ngự trị của chính nó trong lòng và trên đầu giáo dân chứ chưa hề bao giờ thực sự đoái nhìn tới quần chúng và những nguyện vọng đời sống của họ. Hành động “rửa tội lại” của cha Thư rõ ràng là một cử chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Ông cha xứ đòi những bề tôi của mình (mà thực ra là những bậc cha chú đã nuôi lớn và giờ đây lại mở mắt cho mình) “rửa tội lại” cho mình và thay lời mô truyền của phép rửa tội “Tao rửa mày nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” thành ra “…nhân danh Cha và Con và Giáo hữu…”. Tình tiết này mang sắc thái một giai thoại hài hước hơn là một tình tiết hiện thực nghiêm nhặt; nó giống như một thủ tục, một nghi thức để kết thúc câu chuyện, dù vậy, nó vẫn được dùng như một thứ chìa khóa tư tưởng của cuốn sách. Vị linh mục có thể có chỗ đứng hiện thời của mình nếu hoạt động tôn giáo trở thành một bộ phận không ngược chiều trong cơ chế đời sống thường ngày của chủ nghĩa xã hội. Điều cần thiết là đi với nhân dân − một nhân dân đã nhất quyết lựa chọn chủ nghĩa xã hội, người trí thức công giáo với thái độ chân thành và thiện chí như cha Thư cuối cùng đã chấp nhận lịch sử và lịch sử ở đây không phải là lịch sử Thiên Chúa giáo ở xứ này mà chính là lịch sử của xã hội này, đất nước này, cái lịch sử mà tiến trình của nó đã dẫn tới kết quả là chủ nghĩa xã hội chiến thắng.
***
Triển khai vấn đề tư tưởng là nhiệt tình chính của cuốn truyện, cũng như trí tuệ − một thứ trí tuệ phân tích sắc sảo đôi khi lạnh lùng − là ưu thế chính của người viết ở đây, điều này không chứa đựng nguy cơ thủ tiêu chất tiểu thuyết của tác phẩm trong chừng mực nó chưa hy sinh nhân vật cho một thứ tiểu luận triết lý. Ở đây nhân vật vẫn là một thân phận chứ không hoàn toàn chỉ là một thứ loa phát ngôn, mặc dù cái được quan tâm chủ yếu ở nhân vật là những tình thế tâm lý-tư tưởng, tức là cái liên quan chặt chẽ đến màu sắc riêng của cuốn truyện. Song, phải thấy chỗ mạnh khác: chỗ mạnh của những quan sát và phân tích xã hội học không chỉ trên tình hình bao quát (bản thân việc nêu vấn đề tôn giáo và chủ nghĩa xã hội đã là một khảo sát xã hội học nghiêm túc) mà ngay cả trong những chi tiết đời sống nhỏ nhặt − tức là cái mà thông thường vẫn được quan tâm hàng đầu ở những người viết tiểu thuyết phong tục. Tất nhiên có thể lấy làm tiếc là số lượng những chi tiết này không nhiều. Đứng trên yêu cầu của một tiểu thuyết mô tả bức tranh sinh hoạt xã hội, có thể thấy những cảnh sống đã bị lấn át ít nhiều so với các suy tư và đối thoại về những nguyên tắc và vấn đề tư tưởng. Song, dưới một hình thức rút tỉa vắn gọn nhưng có sức chứa (có thể nghĩ rằng không khó khăn gì lắm nếu người viết dàn rộng kéo dài những chi tiết ấy ra), cái không khí đời sống cũng đã được phác ra gần đủ. Ví dụ như đoạn vắn gọn ở chương hai kể chuyện quyên cúng áo lễ. Hơn nữa, những mảng đời sống, sinh hoạt ở đây chủ yếu cốt tô đậm sự đối lập giữa không khí xám xịt, ẩm mốc, quẩn quanh của xã hội bên trong nhà thờ với sự sống bên ngoài. Những mảng màu đối lập này rõ nhất là ở chương ba mà có lẽ người viế còn có ý dùng để làm giãn bớt những căng thẳng của người đọc do quá tập trung vào những tình thế tinh thần trong mấy chương trước, đồng thời chuẩn bị cho những bước mới trong sự phát triển của câu chuyện và của vấn đề tư tưởng. Đến chương cuối, mảng đời sống này được đào sâu về phía quá khứ. Dù rằng nó cũng cốt làm cơ sở cho một sự nhận thức trên bước đường tư tưởng của nhân vật chính, nhưng nó ít nhiều vẫn có sức hấp dẫn riêng, nó vẫn tạo được một bề dày lịch sử cho câu chuyện ngay trong cái vắn gọn của nó.
Nhân vật trong tiểu thuyết này cũng như ngôn ngữ của nó nói chung đều bị quy định bởi bút pháp chung của cả cuốn sách. Đây là những kiểu quan niệm và thái độ sống đối chiếu với nhau (bốn linh mục: Thư, Hòa, cha quản hạt, ông “thày xuất”) hơn là những con người của các cảnh sinh hoạt. Màu sắc duy lý trong việc tạo dựng nhân vật rất đậm trong khi nét đa dạng ở họ lại thiếu, mặc dù cá tính của họ không gượng gạo chút nào.
Ngôn ngữ của tác phẩm, tương xứng với chất tư tưởng của nó, là một ngôn ngữ quánh, đặc, giàu sức căng. Các thành phần của ngôn ngữ này − ngôn ngữ tôn giáo, ngôn ngữ triết luận, ngôn ngữ phong tục − khá già dặn và hòa hợp, tạo được những phong vị khác nhau: tính kịch của những tình thế tư tưởng, chất sống khá ngọt của những cảnh đời thưa thoáng chấm phá, cái hài hước của đôi chi tiết hơi cường điệu chút ít v.v…
Câu chuyện của Cha và Con và… mới chỉ có được cái mạnh ở phần đề xuất một vấn đề có ý nghĩa khái quát và còn ít sức nặng thuyết phục tình cảm ở phần giải quyết vấn đề. Dầu vậy, nó vẫn là cuốn tiểu thuyết triết lý bổ ích và hấp dẫn. Khẳng định sức sống của chủ nghĩa xã hội − qua một phối cảnh ngược − nó làm rõ hơn con đường đúng của người hoạt động tôn giáo: thành thật đi với dân tộc và nhân dân, họ có thể có chỗ đứng nhất định trong đời sống, mặc dù tình trạng mất dần quần chúng là một thực tế khó tránh khỏi của mọi tôn giáo hiện đại. Nhất là trong chủ nghĩa xã hội, theo diễn đạt của Mác − con người ngày càng không cần một ảo tưởng về hoàn cảnh khi đã có một hoàn cảnh không cần đến ảo tưởng.
1980

(*)  Tiểu thuyết Cha và Con và… của Nguyễn Khải (Nxb. Tác Phẩm Mới, Hà Nội, 1979).
Nguồn: Lại Nguyên Ân, Văn học và phê bình, Nxb. Tác phẩm mới, 1984
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved