Huyền thoại – tên gọi – văn hóa
| Filed under 2. Lý thuyết phê bình
Iu.M. Lotman, B.A.Uspenski
I.
1. – Thế giới là vật chất
– Thế giới là con ngựa
Trong hai câu trên, có một câu dứt khoát thuộc văn bản huyền thoại, còn câu kia có thể trở thành thí dụ cho văn bản thuộc loại khác, đối lập với nó. Dẫu bề ngoài, giữa chúng có sự tương đồng nào đó về mặt cấu trúc, thì hai câu này vẫn có một sự khác biệt hết sức cơ bản:
a) Ở đây, có một hệ từ giống nhau (“là”) biểu đạt những thao tác hoàn toàn khác nhau theo ý nghĩa lôgic: trường hợp thứ nhất nói về một tương quan nào đó (chẳng hạn có thể hiểu là tương quan giữa bộ phận với tổng thể, là sự đập nhập vào một tập hợp v.v…), trường hợp thứ hai hoàn toàn nói về sự đồng nhất.
b) Vị ngữ cũng khác nhau như vậy. Nếu nhận thức dưới góc nhìn hiện đại, từ “vật chất” và “ngựa” trong các cấu trúc nói trên thuộc những cấp độ mô tả lôgic khác nhau: từ trước nghiêng về cấp độ siêu ngôn ngữ, từ sau nghiêng về cấp độ ngôn ngữ – đối tượng. Thật ra, trước mắt chúng ta, trường hợp thứ nhất lấy dẫn cứ từ một phạm trù siêu mô tả, tức là từ một ngôn ngữ mô tả trừu tượng nào đó (nói cách khác, dẫn cứ được lấy từ một cấu trúc trừu tượng nào đó mà nó không có ý nghĩa bên ngoài ngôn ngữ ấy), trường hợp thứ hai, dẫn cứ cũng được lấy từ một đối tượng như thế, nhưng đó là đối tượng được đặt ở bậc cao nhất về mặt đẳng cấp, là đối tượng – khởi thuỷ, là nguyên mẫu của đối tượng. Trường hợp thứ nhất hoàn toàn không có sự đẳng cấu giữa thế giới được mô tả và hệ thống miêu tả, trường hợp thứ hai, ngược lại, – tuyệt đối thừa nhận sự đẳng cấu ấy. Chúng tôi sẽ gọi loại mô tả thứ hai là mô tả theo “kiểu huyền thoại”, loại thứ nhất là mô tả theo “kiểu phi huyền thoại” (hay kiểu mô tả[1]).
KẾT LUẬN: Ở trường hợp thứ nhất (mô tả kiểu mô tả), chúng ta có dẫn cứ lấy từ siêu ngữ (từ một phạm trù hay một yếu tố của siêu ngôn ngữ). Ở trường hợp thứ hai (mô tả kiểu huyền thoại), chúng ta có dẫn cứ lấy từ siêu văn bản, tức là văn bản thực hiện chức năng siêu ngôn ngữ học trong tương quan với văn bản nào đó, hơn nữa, đối tượng được mô tả và siêu văn bản mô tả cùng thuộc về một ngôn ngữ duy nhất.
HỆ QUẢ. Vì vậy, mô tả theo kiểu huyền thoại dứt khoát là sự mô tả độc ngữ[2], tức là các đối tượng của thế giới ấy được mô tả thông qua bản thân cái thế giới được kiến tạo bằng chính cách ấy. Ngược lại, mô tả theo kiểu phi huyền thoại rõ ràng là sự mô tả đa ngữ[3], tức là dẫn cứ từ một siêu ngữ có vai trò quan trọng đúng như dẫn cứ từ một ngôn ngữ khác (từ ngôn ngữ của các cấu trúc trừu tượng, hay ngoại ngữ thì cũng thế cả thôi, cái quan trọng là bản thân quá trình phiên dịch – diễn giải). Ứng với điều đó, ở trường hợp thứ nhất, sự thông hiểu luôn luôn gắn chặt theo kiểu này hay kiểu khác với sự phiên dịch (theo nghĩa rộng của từ ấy), còn ở trường hợp sau, sự thông hiểu lại gắn với sự trải nghiệm, đồng nhất. Quả thật, nếu ở trường hợp các văn bản mô tả, về đại thể, thông tin được xác định qua phiên dịch, còn phiên dịch lại được xác định qua thông tin, thì trong các văn bản huyền thoại, điều được nói sẽ là sự chuyển đổi của các đối tượng, và sự thấu hiểu các văn bản ấy cố nhiên sẽ gắn với quá trình thấu hiểu sự chuyển đổi này.
Tóm lại, rốt cuộc, mọi chuyện có thể quy về sự đối lập về nguyên tắc giữa ý thức mang tính đơn ngữ với ý thức mà cặp ngôn ngữ nào được kiến tạo khác nhau cũng phải cần tới nó. Chúng tôi sẽ gọi ý thức sản sinh ra sự mô tả theo kiểu huyền thoại là ý thức “huyền thoại”.
Ghi chú. Để tránh những hiểu lầm vô ích, cần nhấn mạnh rằng, trong công trình này, chúng tôi không quan tâm tới vấn đề về huyền thoại như một văn bản trần thuật đặc thù và, cố nhiên, không quan tâm tới vấn đề về cấu trúc của các truyện kể huyền thoại (cũng như vậy, chúng tôi không quan tâm tới hướng nghiên cứu huyền thoại như một hệ thống và, cùng với nó, không tập trung khảo sát hệ hình của các yếu tố huyền thoại). Khi nói về huyền thoại hoặc nguyên tắc huyền thoại, bao giờ chúng tôi cũng chỉ xác định huyền thoại như một hiện tượng của ý thức (nếu đôi khi buộc phải dẫn dụ về một số tình huống truyện kể làm nổi bật đặc điểm huyện thoại như một văn bản nào đó, thì điều mà chúng tôi quan tâm trước hết vẫn là sự hình thành của ý thức huyền thoại).
2. Nhìn theo đôi mắt của ý thức huyền thoại, thế giới phải được kiến tạo từ các đối tượng sau:
1) сác đối tượng đồng cấp (khía niệm đẳng cấp lôgic hoàn toàn nằm bên ngoài loại ý thức này);
2) các đối tượng không thể chia nhỏ thành các dấu hiệu (mỗi sự vật đều được xem xét như một chỉnh thể tích hợp);
3) các đối tượng một lần (ý niệm về tính lặp lại thường xuyên của các sự vật đồng nghĩa với việc nhập các sự vật vào những tập hợp chung nào đó, tức là đồng nghĩa với sự hiện diện của cấp độ siêu mô tả).
Theo ý nghĩa về đẳng cấp lôgic, thế giới huyền thoại của những đối tượng đồng cấp là phi lý, thế nhưng ở mức độ cao hơn, trong bình diện ngữ nghĩa – giá trị, nó lại có tầng bậc, thế giới ấy không chia nhỏ thành các dấu hiệu, nhưng ở một cấp độ đặc biệt, nó lại có thể chia thành các bộ phận (các mảnh vật chất hợp thành); cuối cùng, điều kỳ lạ với chúng ta, tính một lần của các đối tượng không cản trở ý thức huyền thoại nhìn nhận các đối tượng hoàn toàn khác nhau, từ giác độ tư duy phi huyền thoại, như là một đối tượng.
Ghi chú. Theo quan điểm của chúng tôi, tư duy huyền thoại có thể xem là phi lý, nhưng dứt khoát không thể gọi là thô sơ, vì nó có khả năng thực hiện những chức năng phân loại cực kỳ phức tạp. Nếu đối sánh cơ chế vận hành của nó với cỗ máy lôgic quen thuộc, chúng ta có thể xác lập một sự song hành nào đó của các chức năng.
Thật ra:
Trong huyền thoại, trật tự đẳng cấp của các đối tượng khác nhau phù hợp với cấp độ của các phạm trù siêu ngữ, suy cho tới cùng kỳ lý, chính là trật tự đẳng cấp của các thế giới;
Sự phân chia thành các bộ phận ở đây (“bộ phận” trong huyền thoại phù hợp về mặt chức năng với “dấu hiệu” của văn bản mô tả, nhưng về cơ chế, lại hoàn toàn khác biệt với nó, bởi vì nó không xác định đặc tính của chỉnh thể mà đồng nhất với chỉnh thể) phù hợp với sự phân chia thành các dấu hiệu loại biệt;
Khái niệm lôgic về lớp (tập hợp của một số đối tượng nào đấy) trong huyền thoại phù hợp với ý niệm về vô số đối tượng như là về một đối tượng, nhìn từ giác độ bên ngoài huyền thoại.
3. Trong thế giới huyền thoại được phác hoạ theo cách trên, một loại hình đặc biệt của quá trình kí hiệu học – loại hình dẫn tới quá trình định danh nói chung: ký hiệu trong ý thức huyền thoại tương đương với một tên gọi riêng, có vai trò hết sức quan trọng. Nhân đây, xin nhắc lại rằng ý nghĩa chung của tên riêng về nguyên tắc mang tính trùng lặp: một tên gọi này hay tên gọi khác không nói lên những đặc tính khác biệt, mà nó chỉ biểu đạt ý nghĩa của khách thể được gán cho tên gọi ấy; ngoài những thuộc tính do một cái tên cụ thể sở đắc, người ta không dùng những thuộc tính đặc biệt nào đó để phân biệt tập hợp các đối tượng có cùng một tên gọi[4].
Theo đó, nếu câu “Ivan là con người” chẳng liên quan gì tới ý thức huyền thoại, thì cái câu đại loại như: “Ivan là Con Người” sẽ là một trong số những kết quả huyền thoại hoá có có thể đối với nó, tức là đúng với ngưỡng mà ở câu thứ hai ấy, từ “con người” sẽ hiện ra như một tên riêng, đáp ứng được nguyên tắc nhân hoá đối tượng, nhưng không quy về “nhân tính” (hoặc những dấu hiệu này khác nói chung, kiểu như “homo sapiens”)[5]. Mặt khác, xin chú ý tới tương quan như vậy giữa các câu: “Ivan là hercules” và “Ivan Hercules”, Hercules ở trường hợp trước là một danh từ, ở trường hợp sau lại là một tên riêng ứng với một nhân vật cụ thể thuộc một cực khác, ở trường hợp sau, cái có ý nghĩa quan trọng không phải là đặc tính của Ivan dựa vào một dấu hiệu riêng lẻ nào đó (ví như dấu hiệu về sức mạnh thể chất), mà là đặc tính của anh ta thông qua chỉnh thể tích hợp, tức là qua tên gọi. Rất dễ nhất trí rằng ví dụ nói trên có đôi chút gượng gạo vì trong thực tế chúng ta rất khó đồng nhất một nhân vật cụ thể với Hercules huyền thoại: với chúng ta Hecules huyền thoại gắn với một giai đoạn văn hoá – lịch sử cụ thể. Nhưng đây là một ví dụ hoàn toàn thực tế: ở nước Nga thế kỷ XVIII, địch thủ của Peter gọi ông là “tên phản kitô” (“kitô” không viết hoa – ND). Đồng thời, có người xem đó là cái cách để xác định tính cách cá nhân và đặc điểm hoạt động của ông, nhưng có người lại tin rằng trong thực tế Peter đúng là tên Phản Kitô. Như chúng ta thấy, cùng một văn bản mà nó có thể hành chức theo những cách hoàn toàn khác nhau.
Như vậy, nếu ở những thí dụ đã khảo sát trên các danh từ chung trong cấu trúc vị ngữ, ý nghĩa quan trọng thuộc về mối tương quan với một khái niệm trừu tượng nào đó, thì trong những thí dụ tương ứng với danh từ riêng, ý nghĩa quan trọng lại thuộc về một sự đồng nhất nào đó (tương quan với một đối tượng đẳng cấu ở một cực khác). Với những ngôn ngữ có mạo từ, sự biến đổi như vậy trong một số trường hợp rõ ràng được thực hiện bằng phương tiện quan hệ chỉ định của tên gọi giữ chức năng vị ngữ với sự trợ giúp của một mạo từ nào đó. Thực ra, một mạo từ nào đó biến từ ( đúng hơn là biến một kết hợp quan hệ chỉ định) thành tên gọi bằng cách làm nổi bật đối tượng được biểu nghĩa như một đối tượng đã biết và mang tính cụ thể[6].
Ghi chú. Cần nhấn mạnh mối liên hệ giữa một số tình huống truyện kể tiêu biểu với đặc điểm gọi tên của thế giới huyền thoại. “Đặt tên” cho các sự vật chưa thời có tên được xem như là hành vi sáng tạo[7], đổi tên như là sự biến hoá hoặc tái sinh, nhận ra tên thật hoặc dấu tên thật[8] là những tình huống như vậy. Một điểm không kém phần quan trọng, ấy là những kiểu huý kỵ khác nhau dành cho tên riêng, đồng thời ngay cả các danh từ (ví như kiêng gọi tên một số động vật, bệnh tật) cũng được xem là huý kỵ trong hàng loạt trường hợp đã chỉ ra một cách cụ thể, rằng các tên gọi tương ứng được xem (và, theo đó, chúng hoạt động trong mô hình thế giới huyền thoại) đích thị là tên riêng[9].
Có thể nói rằng, tên riêng khi được trừu tượng hoá tối đa, thì ý nghĩa chung của nó là dẫn tới huyền thoại. Đúng là trong phạm vi các tên riêng thường xuyên diễn ra sự đồng nhất của từ và nghĩa biểu vật rất đặc trưng đối với các quan niệm huyền thoại và dấu hiệu của nó, một mặt sẽ là những kỵ huý có thể có và mặt khác là sự thay đổi lễ nghi của các tên riêng.
Đến lượt mình, sự đồng nhất tên gọi và cái được gọi nói trên lại quyết định ý niệm về tính chất đặc biệt của các tên riêng, về thực chất bản thể của chúng[10]. Do đó, ý thức huyền thoại, từ quan điểm phát triển của quá trình kí hiệu học, có thể xem là ý thức ký hiệu học.
Tóm lại, huyền thoại và tên gọi, từ trong bản chất có quan hệ trực tiếp với nhau. Theo một ý nghĩa nào đó, chúng chế định lẫn nhau, cái này dẫn tới cái kia: huyền thoại bao giờ cũng có tính nhân hoá (gọi tên), tên gọi bao giờ cũng có tính huyền thoại.
3.1. Dựa vào những gì đã nói, có thể khẳng định, rằng hệ thống các tên riêng không chỉ xác lập lĩnh vực phạm trù của ngôn ngữ tự nhiên, mà còn kiến tạo lớp huyền thoại của nó. Trong hàng loạt tình huống ngôn ngữ, phẩm tính của các tên riêng khác biệt với phẩm tính tương ứng của các từ ở những phạm trù ngôn ngữ khác tới mức buộc phải nghĩ rằng, trước mắt chúng ta là một thứ ngôn ngữ khác nào đó có cấu tạo theo kiểu khác, được sáp nhập vào trật tự đẳng cấp của ngôn ngữ tự nhiên. Lớp huyền thoại của ngôn ngữ tự nhiên không quy trực tiếp về các tên riêng, nhưng các tên riêng thì tạo thành hạt nhân của nó. Như hàng loạt công trình nghiên cứu ngôn ngữ học chuyên ngành đã chỉ ra (vào thời gian hiện nay, người dẫn đầu trong việc nghiên cứu theo hướng này là S.M. và N.I. Tolstoi), trong ngôn ngữ, nói chung, có thể tách ra một lớp từ vựng đặc biệt mang đặc tính của một loại ngữ âm học ngoại chuẩn[11], cũng như những dấu hiệu cú pháp chuyên biệt có vẻ như bất thường trên cái nền của ngôn ngữ này: có thể liệt vào đây những phỏng âm, những hình thức khác nhau của từ vựng biểu cảm, những lời được gọi là ngôn ngữ vườn trẻ (nursery-words)[12], các dạng của tiếng gọi súc vật và tiếng xua đuổi chúng… Đáng chú ý nhất là các yếu tố tương thích được sử dụng để trò chuyện với trẻ em (ngôn ngữ vườn trẻ), với súc vật (tiếng gọi, ví như gọi vật theo màu lông…), và đôi khi cả với người ngoại quốc… Có một điểm rất đáng lưu ý là, các từ thuộc loại trên có thể kết hợp cả theo hình thức, lẫn việc sử dụng các tên riêng, ví như trong tiếng Nga, “ngôn ngữ vườn trẻ” được hình thành theo kiểu tên riêng giảm nghĩa một cách thân mật (“con mướp”, “thằng mãnh”, “sói nhỏ”, “gà con”[13]), còn các từ dùng để gọi (“meo…meo…meo…”, “cúc…cúc…cúc…”) thực chất là hoạt động giống như hình thức gọi tên. Sự tương đồng với ngôn ngữ trẻ con được tìm thấy ở đây có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì nó giúp ta hiểu ra vai trò của tên riêng trong thế giới của một đứa trẻ, nơi tất cả các từ đều có khả năng hoạt động như những tên riêng.
4. Thế giới huyền thoại có quan niệm riêng mang tính huyền thoại về không gian: nó không hình dung không gian dưới dạng một tập hợp các dấu hiệu, mà như một tập hợp các đối tượng cùng mang một tên riêng. Trong các khoảng trống giữa các đối tượng ấy, không gian tựa như gián đoạn, tức là, từ giác độ của chúng ta, thiếu một dấu hiệu nền móng, ấy là tính liên tục. Đó là hệ quả từ tính chất “địa điểm” của không gian huyền thoại, từ việc chuyển đổi từ locus[14] này sang locus khác có thể diễn ra bên ngoài thời gian, hoặc tuỳ ý thu hẹp hay nới rộng bên trong các locus đã được biểu nghĩa bằng các tên riêng theo tương quan với thời gian. Mặt khác, khi đã chuyển qua một vị trí mới, đối tượng có thể sẽ đánh mất mối liên hệ với trạng thái trước đấy của nó và trở thành một đối tượng khác (trong một số trường hợp, điều này tương ứng với chuyện đổi tên). Đây là cơ sở tạo nên khả năng đặc biệt của không gian huyền thoại trong việc mô hình hoá các quan hệ khác, quan hệ phi không gian (quan hệ giá trị, quan hệ ngữ nghĩa). Việc không gian huyền thoại đầy ắp những tên riêng mang lại cho các đối tượng bên trong nó tính xác định, hoàn kết, và mang lại cho bản thân nó tính phân giới. Với ý nghĩa như thế, không gian huyền thoại bao giờ cũng không lớn và khép kín, mặc dù trong bản thân, huyền thoại có thể nói về các quy mô vũ trụ[15].
Bàn về tính chất định giới và khả toán của không gian huyền thoại, chúng ta có thể dựa vào cơ sở sau đây: sự hiện diện của một số nghĩa biểu vật khác nhau nào đó ở các tên riêng hoàn toàn mâu thuẫn với bản chất của nó (nên gây ra nhiều khó khăn cho giao tiếp), trong khi đó, sự hiện diện của các nghĩa biểu vật khác nhau ở danh từ, nói chung, là hiện tượng bình thường.
Ghi chú. Truyện kể trong huyền thoại như một văn bản thường dựa trên giao điểm của ranh giới không gian “tăm tối” khép kín được tạo ra bởi nhân vật và sự chuyển dịch của nó ra một thế giới rộng mở, vô giới hạn ở bên ngoài. Nhưng thiết chế sản sinh những truyện kể tương tự như vậy là cơ sở của quan niệm về sự hiện diện của một “thế giới các tên riêng” nhỏ bé. Truyện kể huyền thoại thuộc loại này thường bắt đầu bằng sự chuyển dịch sang thế giới mà con người hoàn toàn không biết gì về tên gọi của các đối tượng trong đó. Cho nên mới có các truyện kể về cái chết không tránh khỏi của các nhân vật chuyển ra thế giới bên ngoài mà thiếu tri thức về hệ thống tên gọi của con người, và về một nhân vật sống sót nhờ phép lạ ban cho tri thức ấy. Bản thân sự tồn tại của một thế giới rộng mở “xa lạ” trong huyền thoại tự nó khẳng định sự hiện diện của cái thế giới “của mình” với những đặc điểm của tính khả toán và đầy ắp những đối tượng – đại diện của những tên riêng.
5. Ý thức huyền thoại với những đặc điểm như đã chỉ ra ở trên có thể trở thành đối tượng nghiên cứu trực tiếp khi tiếp xúc với thế giới của trẻ vị thành niên. Khuynh hướng xem tất cả các từ của ngôn ngữ đều là tên riêng, đồng nhất nhận thức với quá trình gọi tên, xúc cảm đặc biệt đối không gian và thời gian (ví như trong truyệnGrisa của Tsekhov: “Cho đến nay Grisa chỉ biết mỗi một thứ thế giới tứ giác, góc thứ nhất có cái giường, góc thứ hai có u già và cái rương gỗ, góc thứ ba là cái ghế, còn góc thứ tư có một ngọn đèn lúc nào cũng sáng”) và hàng loạt dấu hiệu phù hợp với những đặc điểm tiêu biểu nhất của ý thức huyền thoại cho phép ta nói về ý thức của trẻ nhỏ như là ý thức huyền thoại điển hình[16]. Rõ ràng, trong thế giới của trẻ em ở một thời kỳ phát triển nào đó không có ranh giới rạch ròi giữa danh từ riêng và danh từ chung, tức là sự đối lập này không mang tính cốt yếu.
Nhân đây, xin nhắc lại một nhận xét rất quan trọng của R.O. Jakobson, theo đó, các danh từ riêng là những danh từ đầu tiên được trẻ em tiếp thụ và là những danh từ cuối cùng bị mất đi khi bị rối loạn lời nói bởi chứng mất ngôn ngữ. Điều được lưu ý ở đây là, khi tiếp thu các hình thức đại từ ở người lớn, theo quan sát của Jakobson, đứa trẻ thường sử dụng chúng như những danh từ riêng. Chẳng hạn, “đứa trẻ bao giờ cũng muốn độc quyền chiếm giữ đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất: “không được tự xưng là “tớ”, chỉ mình tớ là tớ, còn cậu là cậu”[17]. Thật thú vị nếu so sánh điều này với việc sử dụng các đại từ theo kiểu kiêng kỵ (“ngài”, “ông” v.v..) mà chúng ta thường thấy ở các khu vực dân tộc học khác nhau khi phải gọi tên ma, quỷ, yêu tinh, ông táo, hoặc gọi tên vợ, chồng (kiêng gọi tên riêng của vợ chồng), đây chính là trường hợp đại từ hoạt động hoàn toàn như tên riêng[18].
Một điều nữa, nói chung, cũng có ý nghĩa không kém phần quan trọng, ấy là dấu hiệu biểu nghĩa hành động trong ngôn ngữ trẻ em. Tiến sát tới chỗ mà người lớn sẽ dùng động từ, trẻ em có thể chuyển qua mô tả hành động bằng các phương tiện cận ngôn ngữ, đi đôi với sự tạo từ cảm thán. Có thể xem đó là hình thức trần thuật đặc biệt của ngôn ngữ trẻ em. Văn bản sắp đặt một cách nhân tạo, trong đó việc gọi tên các đối tượng được thực hiện bằng cách dựa vào các danh từ riêng, còn việc miêu tả các hành động thì được thực hiện bằng các thủ pháp lắp ghép điện ảnh, là loại văn bản gần nhất với mô hình trần thuật của trẻ em[19].
Phương thức truyền đạt hết sức rõ ràng, trực quan, các ý nghĩa của động từ như thế chính là biểu hiện của nguyên tắc tư duy huyền thoại, bởi hành động chẳng những không bị trừu tượng hoá khỏi đối tượng, mà còn có thể kết hợp với nhân vật đại diện để hoạt động như một trạng thái của tên riêng. Có thể giả định rằng, lớp huyền thoại do sự phát triển của cá nhân tạo ra vẫn dai dẳng bám trụ trong ý thức (và cả trong ngôn ngữ), làm cho nó trở nên không thuần nhất và, rốt cuộc, tạo ra sự căng thẳng giữa thụ cảm huyền thoại và thụ cảm phi huyền thoại.
5.1. Cần nhấn mạnh rằng, cả các dẫn liệu nhân chủng học, lẫn những công trình nghiên cứu trẻ em đều không thể chứng minh về sự tồn tại của một mô hình tư duy huyền thoại “thuần tuý”, triệt để hoàn toàn. Ở cả hai trường hợp, nhà nghiên cứu thực sự tiếp xúc với các văn bản phức hợp về mặt tổ chức và với ý thức ít nhiều nhiễu loạn. Ngoài hành động gây nhiễu loạn của ý thức người quan sát, điều trên có thể giải thích bằng lý do, giai đoạn huyền thoại thuần tuý chỉ có thể là giai đoạn phát triển đầu tiên, giai đoạn mà về nguyên tắc không thể quan sát với những cân nhắc theo trật tự biên niên, cũng như không thể xác lập được sự tiếp xúc với nó, nên công cụ nghiên cứu duy nhất chỉ có thể là giải cấu trúc. Còn có một cách giải thích khác cũng có trọng lượng như vậy, theo đó, thuộc tính không đồng nhất vốn là đặc điểm cố hữu từ thời xa xưa của ý thức con người, cơ chế hoạt động của nó luôn luôn cần tới hai hệ thống không triệt để phiên dịch qua lại với nhau.
Ở hướng tiếp cận thứ nhất, cách giải thích theo lối định kỳ (thông thường, trong thực tế, sẽ thành cách giải thích theo kiểu định giá) đối với bản chất của nguyên tắc huyền thoại được đặt lên hàng đầu, ở hướng tiếp cận thứ hai, nằm ở vị trí hàng đầu lại là cách diễn giải nó như một hiện tượng tổng hợp mang tính loại hình. Hai hướng tiếp cận ấy bổ sung cho nhau. Có thể chỉ ra, rằng từ quan điểm hình thức thuần tuý (rút ra từ bản chất của vấn đề), bản thân nguyên tắc định khu không gian hoặc thời gian của ý thức huyền thoại (gắn với giai đoạn này hay giai đoạn khác trong sự phát triển của nhân loại, hay các khu vực này hoặc khu vực khác đã được định vị về mặt dân tộc học), nói chung, bao giờ cũng phù hợp với quan niệm huyền thoại về không gian mà chúng tôi đã trình bày ở phần trên. Và ngược lại, việc thừa nhận nguyên tắc huyền thoại là hiện tượng tổng hợp về loại hình phù hợp với bức tranh thế giới mang tính lôgic – ước lệ.
Nên nhớ, dù thế nào đi chăng nữa, thì các nhóm dân tộc đang ở các giai đoạn phát triển văn hoá mang tính sơ khai và thể hiện rõ nét đặc điểm của nguyên tắc tư duy huyền thoại, nhiều khi vẫn có khả năng kỳ lạ trong việc kiến tạo các hệ thống phân loại phức tạp và chi tiết hoá theo loại hình lôgic (liên hệ: các hệ thống phân loại đa dạng đối với thế giới động vật và thực vật theo các dấu hiệu trừu tượng tìm thấy ở các thổ dân Úc)[20]. Có thể nói, trong trường hợp này, tư duy huyền thoại cùng tồn tại với tư duy lôgic và tư duy miêu tả. Mặt khác, trong một số trường hợp, các yếu tố của tư duy huyền thoại có thể tìm thấy trong hoạt động lời nói sinh hoạt thường nhật của xã hội văn minh hiện đại[21].
6. Từ những gì đã nói, suy ra: ý thức huyền thoại hoàn toàn không thể phiên dịch vào bình diện mô tả khác, nó đóng kín trong bản thân, và, điều đó có nghĩa, chỉ có thể lĩnh hội từ bên trong, chứ không phải từ bên ngoài. Đây chính là lí do giải thích vì sao quá trình ký hiệu học thuộc về loại ý thức huyền thoại bao giờ cũng tương ứng với tính chất không thể phiên dịch của những tên riêng. Những điều vừa nói hé lộ ánh sáng để ta hiểu ra, rằng nếu như không phải là tính không đồng nhất của tư duy vẫn lưu giữ trong bản thân những tầng vỉa đẳng cấu với ngôn ngữ huyền thoại, thì bản thân khả năng sử dụng người đại diện cho ý thức hiện đại để miêu tả huyền thoại là chuyện rất đáng ngờ. Cho nên, chính tính không đồng nhất ở tư duy của chúng ta cho phép ta dựa vào kinh nghiệm nội tâm của mình để kiến tạo ý thức huyền thoại. Ở một ý nghĩa nào đó, sự nhận thức huyền thoại tương đương với sự nhớ lại, sự hồi tưởng.
II
1. Những ý đồ kiên trì nhằm phiên dịch các văn bản huyền thoại sang các ngôn ngữ văn hoá thuộc loại phi huyền thoại đã nói lên ý nghĩa quan trọng của chúng đối với văn hoá thuộc loại phi huyền thoại. Trong lĩnh vực khoa học, điều đó làm nảy sinh những kiến giải lôgic đối với các văn bản huyền thoại, trong lĩnh vực nghệ thuật – mà chính là trong hàng loạt trường hợp, khi phiên dịch giản đơn sang ngôn ngữ tự nhiên – làm nảy sinh các cấu trúc ẩn dụ. Cần phải nhấn mạnh sự khác biệt về nguyên tắc giữa huyền thoại và ẩn dụ, mặc dù ẩn dụ chính là sự phiên dịch tự nhiên của huyền thoại vào hình thức quen thuộc của ý thức chúng ta. Quả là trong văn bản huyền thoại, nói một cách nghiêm nhặt, không thể có thứ huyền thoại như vốn dĩ.
2. Trong hàng loạt trường hợp, văn bản ẩn dụ phiên dịch sang các phạm trù của ý thức phi huyền thoại được tiếp nhận như văn bản tượng trưng. Tượng trưng cho một nhóm hỗn hợp. Hẳn là vì thế nên Donald Thomson – nhà vạn vật học, theo học vấn – mới có thể nhận xét, rằng các hệ thống dân tộc-thực vật học – dân tộc-động vật học[22] của thổ dân vùng bắc Queensland “có một số điểm tương đồng với cách phân loại Linnaeoideae[23] giản đơn”. P. Worsley, người từng xem những sơ đồ phân loại như thế là sơ đồ “khoa học – giản đơn” (ông nhấn mạnh tính chất lôgic tuyệt đối của nó), kết luận: “Như vậy, chúng ta không chỉ có một, mà có một số kiểu phân loại, và sẽ rất sai lầm nếu nghĩ rằng, phân loại theo kiểu vật tổ là phương thức duy nhất dùng để tổ chức đối tượng của thế giới xung quanh trong ý thức của các thổ dân”. Loại văn bản tượng trưng như thế[24] có thể giải thích như là kết quả của sự đọc huyền thoại từ quan điểm của ý thức ký hiệu học ở giai đoạn đã trưởng thành – tức là bị giải thích sai lệch như là ký hiệu biểu tượng hoặc bán biểu tượng. Nên nhớ rằng, dẫu ở một mức độ nào đó, ký hiệu biểu tượng gần với các văn bản huyền thoại, nhưng, là những ký hiệu thuộc dạng ước lệ, chúng là bằng chứng của một ý thức hoàn toàn mới.
Nói về tượng trưng trong tương quan với huyền thoại, cần phân biệt tượng trưng như một dạng ký hiệu trực tiếp sinh ra từ ý thức huyền thoại và dạng ký hiệu chỉ giả định một tình huống huyền thoại. Tương ứng với điều đó, cần phân biệt tượng trưng như sự dẫn chiếu tới huyền thoại như tới văn bản và tượng trưng như sự dẫn chiếu tới huyền thoại như tới một thể loại. Xin nói thêm, trong trường hợp sau, tượng trưng có thể kỳ vọng sẽ tạo ra một tình huống huyền thoại, hoạt động như một nhân tố sáng tạo.
Trong trường hợp, khi mà văn bản tượng trưng có quan hệ với một văn bản huyền thoại nào đó, văn bản huyền thoại sẽ hoạt động như một siêu văn bản trong tương quan với văn bản tượng trưng, và tượng trưng sẽ tương thích với một yếu tố cụ thể của văn bản ấy[25]. Trong khi đó, với trường hợp, khi văn bản tượng trưng có quan hệ với huyền thoại như một thể loại, tức là với một tình huống huyền thoại nguyên khối nào đó, mô hình thế giới huyền thoại sẽ buộc phải thay đổi chức năng để hoạt động như một siêu văn bản giữ vai trò của một siêu ngữ, ứng với nó, tượng trưng sẽ có quan hệ với một phạm trù siêu ngữ, chứ không có quan hệ với một yếu tố của siêu văn bản. Từ định nghĩa nêu trên, có thể rút ra, tượng trưng trong cách hiểu thứ nhất, nói chung, không vượt ra ngoài khuôn khổ của ý thức huyền thoại, trong khi đó, ở trường hợp thứ hai, nó thuộc về ý thức phi huyền thoại (tức là ý thức sinh ra loại mô tả “bản mô tả”, chứ không phải loại mô tả “huyền thoại”).
Một số văn bản hồi đầu thế kỷ XX, ví như văn bản của các nhà “tượng trưng” Nga có thể xem là thí dụ về loại chủ nghĩa tượng trưng chẳng có quan hệ gì với ý thức huyền thoại. Có thể nói, ở đây, các yếu tố của văn bản huyền thoại được tổ chức theo nguyên tắc phi huyền thoại, và, nói chung, thậm chí, theo kiểu khoa học.
3. Nếu trong văn bản thời hiện đại, các yếu tố huyền thoại có thể trở thành cái hợp lý, tức là được tổ chức theo kiểu phi huyền thoại, thì có thể tìm thấy tình huống đối lập trực tiếp trong các văn bản Baroque, nơi mà, ngược lại, các cấu trúc trừu tượng được tổ chức theo nguyên tắc huyền thoại: các lực lượng tự nhiên và các thuộc tính có thể hoạt động như những nhân vật của thế giới huyền thoại. Điều này có nguyên nhân ở chỗ: baroque sinh ra trên cái nền của văn hoá tôn giáo; trong khi đó, chủ nghĩa tượng trưng của thời đại mới lại sinh ra trên cái nền của ý thức duy lý với những mối liên hệ đã trở nên quen thuộc với nó.
Ghi chú: Nhân thể nói thêm, từ đây, nảy sinh cuộc tranh luận, về mặt lịch sử, baroque là hiện tượng phản cải cách tôn giáo, kích động tư tưởng căng thẳng theo tinh thần Kitô, hay là nghệ thuật “hiện thực”, “lạc quan” của thời đại Phục hưng, thực chất, đó là cuộc tranh luận không có đối tượng: văn hoá baroque, như một loại hình trung gian, có quan hệ đồng thời với cả nền văn hoá này lẫn nền văn hoá kia, hơn nữa, văn hoá Phục hưng được biểu đạt trong hệ thống các đối tượng, còn văn hoá trung đại lại được biểu đạt trong hệ thống các mối liên hệ (nói một cách hình ảnh, văn hoá Phục Hưng quyết định hệ thống tên gọi, văn hoá trung đại quyết định hệ thống động từ).
4. Vì văn bản huyền thoại trong hoàn cảnh ý thức phi huyền thoại, như đã nói, sinh ra cấu trúc ẩn dụ, cho nên ý đồ huyền thoại hoá có thể được thực hiện trong quá trình ngược lại với xu hướng của nó: trong sự hiện thực hoá ẩn dụ, trong sự hiểu biết chính xác (tiêu diệt bản thân tính ẩn dụ của văn bản). Thủ pháp tương thíchữe xác định đặc tính của nghệ thuật siêu thực chủ nghĩa. Kết quả là sẽ có một sự mô phỏng huyền thoại bên ngoài ý thức huyền thoại.
III
1. Với tất cả sự những biểu hiện đa dạng cụ thể, ở mức này hay mức kia, nguyên tắc huyền thoại hiện diện trong những loại văn hoá hết sức khác nhau và tỏ ra có sức sống vô cung bền vững trong lịch sử văn hoá. Hiện tượng di vật, hoặc kết quả của sự tái sinh là những hình tương ứng; chúng có thể là vô thức, hoặc ý thức.
Ghi chú: Cần phân biệt các vỉa huyền thoại xuất hiện một cách tự nhiên và những mảnh huyền thoại trong ý thức cá nhân và xã hội với ý đồ mô phỏng một cách có chủ đích loại ý thức chứa gien huyền thoại bằng các phương tiện tư duy phi huyền thoại do những nguyên nhân lịch sử nào đó quyết định. Loại văn bản như thế có thể xem là huyền thoại (hoặc thậm chí, có thể không khác biệt với nó) từ quan điểm của ý thức phi huyền thoại. Nhưng sự gắn bó hữu cơ của chúng với phạm vi văn bản phi huyền thoại và sự phiên dịch hoàn toàn sang ngôn ngữ văn hoá phi huyền thoại đã nói lên tính giả tạo của sự trùng khớp này.
1.1. Ở bình diện ký hiệu học, có thể giải thích tính bền vững của các văn bản huyền thoại bằng lý do: là con đẻ của quá trình ký hiệu học gọi tên đặc biệt,- khi các ký hiệu không được phân biệt, mà được nhận biết và bản thân hành vi gọi tên thì bị đồng nhất với nhận thức,- trong sự phát triển sau này, huyền thoại được tiếp nhận như là sự thay thế cho tư duy ký hiệu (xem mục I, điểm 3). Vì ý thức ký hiệu tích hợp trong bản thân các quan hệ xã hội, nên cuộc đấu tranh với những hình thức nào đó của cái ác xã hội trong lịch sử văn hoá thường biến thành sự phủ định các hệ thống ký hiệu riêng lẻ (bao gồm cả hệ thống bao trùm, ví như ngôn ngữ tự nhiên), hoặc nguyên tắc về tính ký hiệu như nó vốn dĩ. Ở những trường hợp như vậy, việc hô hào hướng tới tư duy huyền thoại (song song với nó, ở hàng loạt trường hợp, hô hào hướng về ý thức thời niên thiếu) là một thực tế rất phổ biến trong lịch sử văn hoá.
2. Ở bình diện loại hình học, ngay cả khi đã tính tới tính không đồng nhất hiển nhiên của tất cả các loại văn hoá đã được định hình trong văn bản, sẽ vẫn có ích, nếu phân biệt các loại văn hoá định hướng theo tư duy huyền thoại, và các loại văn hoá định hướng theo tư duy ngoài huyền thoại. Có thể định nghĩa loại văn hoá định hướng theo tư duy huyền thoại là văn hoá định hướng theo tên riêng.
Có thể nhận ra sự tương đồng rõ nét, không kém phần lý thú, giữa đặc tính thay đổi trong “ngôn ngữ của các tên riêng” và trong văn hoá định hướng vào ý thức huyền thoại. Có một thực tế rất đáng lưu ý: trong ngôn ngữ tự nhiên, chính tiểu hệ thống các tên riêng tạo thành một vỉa đặc biệt, vỉa này có thể bị thay đổi và điều chỉnh một cách có ý thức (nhân tạo) từ phía người sử dụng ngôn ngữ[26]. Quả thật, nếu vận động ngữ nghĩa trong ngôn ngữ tự nhiên có đặc điểm là phát triển từ từ, – sự chuyển biến ngữ nghĩa ở bên trong, - thì “ngôn ngữ của các tên riêng” lại vận động như một chuỗi gọi tên và đổi tên một cách có ý thức, phân cách nhau hết sức rạch ròi. Tên gọi mới sẽ phù hợp với trạng thái mới. Từ quan điểm huyền thoại, sự chuyển dịch từ trạng thái này sang trạng thái khác được hình dung trong công thức “ta thực sự đã nhìn thấy trời mới và đất mới” (Apok.21,1) và đồng thời như một chứng thư của sơ đổ đầy đủ tất cả các tên riêng.
3. Sự tự nhận thức của thời đại Piter I, một thời đại chưa xa xôi gì, và quan niệm của thời đại ấy do quán tính của nó tạo ra ở nước Nga thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX là một thí ví dụ về sự định hướng nhắm tới ý thức huyền thoại, loại ý thức thường gắn với sự cự tuyệt các quan niệm cũ. Nếu nói về sự nhận thức của người đương thời với thời đại Peter, thì đập ngay vào mắt là bộ quy tắc huyền thoại được hình thành cực kỳ nhanh chóng, không chỉ có các thế hệ sau đó, mà ngay cả với các nhà sử học, nó được biến thành phương tiện mã hoá các sự kiện hiện thực của thời đại. Trước hết, cần chỉ ra niềm tin sâu sắc vào sự tái sinh triệt để, hoàn toàn của đất nước, hiển nhiên, nổi bật hơn cả là vai trò linh thiêng của Peter – bậc thánh nhân sáng tạo hoá ra thế giới mới:
Chỉ dụ của Peter ai cũng thuộc nămg lòng,
Những chỉ dụ giúp dân mình phút chốc hoá thành mới mẻ (Kantamir).
Peter hiện lên trên cương vị người sáng tạo duy nhất của thế giới mới này:
Ngài là Chúa Trời, là Chúa Trời của ngươi, hỡi nước Nga (Lomonosov).
“Tháng tám, ngài, Hoàng Đế La Mã, trước lúc băng hà đã nói những lời có cánh về mình: “La Mã khi mới về tay ta”, ngài nói, chỉ là “tre gỗ”, nay ta “để lại, nó là cẩm thạch”. Chẳng cần phải ca ngợi Hoàng Đế của chúng ta, nhưng đúng là, Ngài đã tiếp nhận một nước Nga tre gỗ, rồi sáng tạo ra một nước Nga vàng son” (Feofan Prokopovich)
Công cuộc sáng tạo ra một nước Nga “mới” “vàng son” ấy được xem là cuộc đổi tên trên diện rộng – nghĩa là tất cả các loại tên gọi đều thay đổi triệt để: đổi quốc hiệu, rời đô rồi đặt cho nó tên gọi của một “miền đất khác”, thay đổi tước hiệu người đứng đầu vương quốc, tên gọi phẩm hàm quan chức và công sở, thay đổi vai trò ngôn ngữ “của mình” và “của người khác” trong sinh hoạt đời sống[27] và thay đổi hoàn toàn cái thế giới như vốn dĩ vẫn gắn với nó[28]. Phạm vi tên riêng nhất loạt được mở rộng tới mức quái đản, vì đa số danh từ chung mang ý nghĩa xã hội đều chuyển đổi chức năng thực thế sang lớp tên riêng[29].
Sự pha trộn những xu hướng trái ngược như thế đã làm này sinh hiện tượng hết sức mâu thuẫn, giống như nạn quan liêu nhà nước thời hậu Peter.
4. Có thể dẫn ra nhiều biểu hiện khác, ở mặt nào đó, chúng hết sức tiêu biểu cho ý thức huyền thoại của một đối cực xã hội khác ở thế kỉ XVIII. Những đặc điểm của nó biểu hiện rõ nhất qua phong trào mạo danh. Trong cặp “Peter III – Pugachev”, cái tên nào là “đích thực”? Bản thân cách đặt vấn đề như thế đã làm lộ ra mối quan hệ huyền thoại rất điển hình đối với vấn đề tên gọi (xin đối chiếu với đoạn ghi chép của Pushkin: “Tôi hỏi D. Dijanov, hãy nói xem, làm thế nào Pugachev của bác lại hoá thành người cha tù tội? Bác tức giận trả lời, với ta, ông ấy là đức vua Peter Fedorovich”). Những câu chuyện về “các dấu hiệu hoàng đế” khét tiếng trên thân thể Pugachev cũng có ý nghĩa không kém phần lí thú[30]. Nhưng có một thí dụ chắc chắn đáng lưu ý hơn, ấy là bức chân dung tuyệt vời của Pugachev trong bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Như đã xác minh, bức chân dung ấy do một hoạ sĩ vô danh vẽ lên trên bức chân dung Ekaterina II[31]. Nếu trong hội hoạ, chân dung có thể xem là tên riêng, thì việc vẽ lại chân dung cũng tương đương với hành vi thay đổi tên gọi. Có thể tìm thấy thêm rất nhiều thí dụ tương tự như vậy.
5. Với nhiều loại văn hoá khác nhau, việc miêu tả các lĩnh vực hoạt động thực tế của tên riêng, mức độ năng động về mặt văn hoá của tầng vỉa ấy và quan hệ giữa nó, một mặt, với bề dày phổ quát của ngôn ngữ, mặt khác, với đối cực của nó, – tức là với phạm vi siêu ngữ trong giới hạn của một văn hoá nào đó, – sẽ là một nhiệm vụ đầy hấp dẫn.
V
1. Đối lập ngôn ngữ “huyền thoại” của các tên riêng với ngôn ngữ mô tả của khoa học rõ ràng khiến ta liên tưởng tới phản đề: thi ca và khoa học. Trong quan niệm thông thường, huyền thoại bao giờ cũng được gắn với lời nói ẩn dụ, và qua ẩn dụ, gắn với nghệ thuật. Nhưng dưới ánh sáng của những điều vừa nói ở trên, đó là mối liên hệ rất đáng ngờ. Nếu chúng ta đặt giả thiết về khả năng tồn tại của “ngôn ngữ tên riêng” và loại tư duy gắn với nó như là cơ chất có nguồn gốc huyền thoại (dù thế nào đi nữa, thì một cấu trúc như vậy hoàn toàn có thể xem là mô hình của một trong những xu hướng ngôn ngữ tồn tại trong thực tế), thì việc khẳng định ở giai đoạn huyền thoại, thi ca không có khả năng tồn tại sẽ là kết luận hoàn toàn có thể chứng minh. Thơ và huyền thoại giống như những đối cực, cực này chỉ có thể tồn tại bằng cách phủ nhận cực kia.
1.1. Xin nhắc lại luận điểm nổi tiếng của A.N. Kolmogorov, người từng xác định đại lượng thông tin của một ngôn ngữ H bất kỳ nào đó bằng công thức:
H = h1 + h2, trong đó h1 là sự đa dạng tạo ra khả năng chuyển tải toàn bộ dung lượng thông tin ngữ nghĩa khác nhau, còn h2 là sự đa dạng thể hiện sự mềm dẻo của ngôn ngữ, khả năng chuyển tải một nội dung có giá trị ngang nhau nào đó bằng những phương thức nào đó, tức là một đại lượng ngôn ngữ hỗn loạn nào đó. A.N. Kolmogorov chỉ ra, chính h1, tức là sự đồng nghĩa ngôn ngữ theo nghĩa rộng của nó, là nguồn cội của thông tin thi ca. Khi h2 = 0, thi ca sẽ không thể có được[32]. Nhưng nếu hình dung ngôn ngữ được tạo thành bởi các tên riêng (ngôn ngữ, trong đó các danh từ chung thực hiện chức năng của tên riêng) và tạo ra một thế giới của những đối tượng độc nhất, thì rõ ràng là sự đồng nghĩa sẽ không có chỗ đứng trong một vũ trụ như vậy. Sự đồng nhất huyền thoại không bao giờ là sự đồng nghĩa. Đồng nghĩa bao giờ cũng tạo ra sự hiện diện của một số tên gọi có thể thay thế lẫn nhau dùng cho cùng một đối tượng và, vì thế, nó tạo ra sự tự do trong việc sử dụng chúng. Sự đồng nhất huyền thoại có đặc tính hoàn toàn ngoài văn bản, nó xuất hiện trên nền tảng không tách rời tên gọi với sự vật. Hơn nữa, vấn đề đang nói ở đây là không phải là sự thay đổi các tên gọi tương đương, mà là sự biến đổi của bản thân chủ thể. Mỗi tên gọi có quan hệ với một thời điểm cụ thể của sự biến đổi và, dĩ nhiên, trong cùng một ngữ cảnh, chúng không thể thay thế lẫn nhau. Cho nên, những tên gọi biểu thị các ngôi vị khác nhau của một sự vật biến đổi không thể thay thế lẫn nhau, không phải là những từ đồng nghĩa, mà thiếu sự đồng nghĩa thì không thể có thi ca[33].
1.2. Sự tan rã của ý thức huyền thoại bao giờ cũng kèm theo những quá trình diễn ra dữ dội: xét lại các văn bản huyền thoại như những văn bản ẩn dụ và phát triển sự đồng nghĩa để biểu đạt theo kiểu vòng vo. Điều này lập tức dẫn tới sự nâng cao độ “mềm dẻo của ngôn ngữ và nhờ thế tạo ra điều kiện cho sự phát triển của thi ca.
2. Bức tranh được phác hoạ theo cách trên tuy đã được khẳng định bằng vô vàn thí dụ qua các văn bản cổ đại, nhưng về cơ bản vẫn chỉ mang tính giả định, vì nó dựa trên việc tái tạo, phục dựng lại một giai đoạn đã lùi xa vào thời viễn cổ không được trực tiếp ghi lại trong bất kỳ một vắn bản nào. Tuy nhiên hoàn toàn có thể nhìn vào chính bức tranh ấy từ góc độ đồng đại, chứ không phải từ góc độ lịch đại. Khi đó, trước mắt ta, ngôn ngữ tự nhiên sẽ hiện ra như một cấu trúc nào đó được tổ chức theo kiểu đồng đại, ở các cực đối lập về mặt ngữ nghĩa của nó là sự phân bố của các tên riêng và các nhóm từ ngang hàng với chúng về mặt chức năng mà chúng tôi đã nói ở trên (điểm I, mục 3.1), còn đại từ là nền móng tự nhiên để phát triển các mô hình có gốc huyền thoại, từ phía này, và các mô hình siêu ngôn ngữ, từ phía kia[34].
2.1. Được giáo dục trong truyền thống khoa học hình thành ở châu Âu từ Aristotle đến Descartes, đầu óc chúng ta thường nghĩ một cách tự nhiên, rằng vận động của tư duy không thể thực hiện bên ngoài hệ thống miêu tả lưỡng cấp (theo sơ đồ “cụ thể – trừu tượng”). Nhưng có thể chỉ ra, rằng ngôn ngữ của những tên riêng từng phục vụ các cộng đồng cổ đại hoàn toàn có khả năng biểu đạt những khái niệm phù hợp với các phạm trù trừu tượng của chúng ta. Chỉ xin dẫn một ví dụ rút ra từ cuốnCác phạm trù văn hoá trung đại của A.Ja. Gurevich. Tác giả nói về loại ngữ cú đặc biệt thường gặp trong các văn bản Skandinavia và được tổ chức theo nguyên tắc kết hợp đại từ với tên riêng. Tán thành quan điểm của S.D. Katznelson, Gurevich cho rằng, những ngữ cú ấy nói về các nhóm bộ tộc ổn định được gọi bằng tên riêng[35]. Tên riêng – kí hiệu của con người riêng lẻ – ở đây giữ vai trò chỉ tên gọi dòng họ, mà với chúng ta, cần phải thêm vào một siêu thuật ngữ nào đó ở một cấp độ khác. Có thể dẫn thêm một ví dụ như thế từ cách sử dụng huy hiệu ở nước Ba Lan hiệp sĩ. Từ trong bản chất, huy hiệu là kí hiệu mang tính cá nhân, bởi vì chỉ có một đại diện đang sống của dòng họ được mang nó, và sau khi chết, ông ta phải trao lại quyền thừa kế cho đại diện khác. Nhưng huy hiệu của đại thần thì nó vừa là kí hiệu của loại huy hiệu mang tính cá nhân, vừa có vai trò của một loại siêu chức năng xác định ý nghĩa nhóm của một tập hợp quý tộc cùng chiến đấu dưới ngọn cờ của nó.
2.2. Tính chất không thể chia tách cấp độ của sự quan sát trực tiếp và tổ chức lôgic, nhờ đó, các tên riêng (sự vật mang tính cá nhân cá thể), một mặt vẫn là nó, mặt khác, vươn lên tới cái ngưỡng thay thế các khái niệm trừu tượng của chúng ta, hoá ra rất thuận tiện đối với loại tư duy kiến tạo trên nền tảng mô hình hoá được lĩnh hội trực tiếp. Rõ ràng, điều này có quan hệ tới những thành tựu cực kì to lớn của các nền văn hoá cổ đại trong việc kiến tạo các mô hình vũ trụ, tích luỹ tri thức thiên văn, khi hậu và nhiều loại tri thức khác.
2.3. Không tạo ra khả năng phát triển tư duy lôgic – tam đoạn luận, “ngôn ngữ tên riêng” và gắn với nó, tư duy huyền thoại kích thích khả năng xác lập những sự đồng nhất, những cái tương đồng, tương đương… Chẳng hạn, khi người đại diện cho ý thức huyền thoại xây dựng mô hình huyền thoại điển hình, theo đó vũ trụ, xã hội và cơ thể con người được xem là những thế giới đẳng cấu (nguyên tắc đẳng cấu có thể được mở rộng cho đến tận chỗ thiết lập quan hệ tương đồng giữa các hành tinh riêng lẻ, các khoáng vật, các loài thảo mộc, giữa các chức năng xã hội và các bộ phận trên cơ thể con người), bằng cách ấy, anh ta đã sáng tạo ra tư tưởng về nguyên tắc đẳng cấu, một trong những quan niệm chủ chốt không chỉ đối với toán học hiện đại, mà còn đối với khoa học nói chung.
Đặc trưng của tư duy huyền thoại nằm ở chỗ, sự đồng nhất các đơn vị huyền thoại diễn ra ở cấp độ của chính các đối tượng, chứ không phải ở cấp độ các tên gọi. Theo đó, sự đồng nhất huyền thoại bao giờ dẫn tới sự biến đổi của đối tượng, một sự biến đổi diễn ra trong không gian và thời gian cụ thể. Tư duy lôgic hoạt động bằng những từ ngữ mang tính độc lập tương đối – bên ngoài thời gian và không gian. Tư tưởng về sự đẳng cấu hoạt động ở cả hai trường hợp, nhưng những điều kiện của tư duy lôgic chỉ tạo ra tư do tương đối cho thao tác bằng các đơn vị khởi điểm.
3. Dưới ánh sáng của những điều đã nói, có thể bác lại quan niệm truyền thống về sự vận động của văn hoá nhân loại từ thời kì thi ca huyền thoại nguyên thủy đến thời kì lôgic – khoa học – theo sau. Ở cả bình diện đồng đại, lẫn lịch đại, tư duy thi ca bao giờ cũng chiếm giữ một khu vực trung gian nào đó. Đồng thời cần phải nhấn mạnh tính chất ước lệ cao độ của các giai đoạn được phân chia. Từ thời điểm xuất hiện văn hoá, rõ ràng, có một kí hiệu bất di bất dịch, ấy là hệ thống kết hợp trong bản thân những cấu trúc được tổ chức theo kiểu đối nghịch với nhau (tính đa kênh của giao tiếp xã hội). Ở đây chỉ nói về vai trò chủ đạo của các mô hình văn hoá cụ thể hoặc sự định hướng chủ quan trong đó của văn hoá như một chỉnh thể. Từ góc độ ấy, thi ca, cũng như khoa học, luôn luôn đồng hành cùng nhân loại trên suốt con đường văn hoá của nó. Điều này không mâu thuẫn với việc những thời đại phát triển văn hoá nào đó có thể diễn ra dưới “kí hiệu” của một tiến trình kí hiệu học thuộc loại hình này, hay loại hình kia./
Người dịch: Lã Nguyên
Nguồn: Лотман Ю.М. Избранные статьи в трех томах.- Т.I . Статьи по семиотике и топологии культуры . – Таллин: Александра, 199. Tr. 58 – 75.
[1] Dịch từ chữ “дескриптивный” (tiếng Pháp: “descriptif”).-ND.
[2] “Độc ngữ”: tiếng Nga “монолингвистично” (tiếng Pháp: “monolingue”, nói bằng một thứ tiếng).- ND.
[3] “Đa ngữ”: tiếng Nga: “полилингвистично” (tiếng Pháp: “polilingue”, nói bằng nhiều thứ tiếng”).-ND.
[4] R.O.Jakobson viết: “Trong mã ngôn ngữ của chúng ta, các tên riêng (…) có một vị trí đặc biệt: ý nghĩa chung của tên riêng không thể xác định, nếu không dựa vào mã. Trong mã ngôn ngữ của tiếng Anh, Jerry “Dzerry” xác định con người có tên là Jerry. Danh từ chung pup “cún con” chỉ một con chó nhỏ, mongrel “giống lai” – chỉ một con chó tạp chủng, hound “chó săn” – chỉ con chó người ta dùng để đi săn, nhưng Fido “Phi-đô” chỉ xác định một con chó có tên là Phi-đô. Ý nghĩa chung của những từ ấy, như pup, mongrel hay hound có thể tương ứng với sự trừu tượng hoá theo kiểu puppihood “loại nhãi nnhép”, mongrelhood “loài lai tạp” hoặc houndness “loại chó săn”, nhưng ý nghĩa chung của từ Fido thì không thể mô tả theo cách như vậy. Phỏng theo lời của Bertrand Russell, có thể nói, có vô khối con chó tên là Fido, nhưng chúng không có một thuộc tính chung nào đó của Fidoness “loài Fido”” (Jakobson R.O.- Biểu hiệu, phạm trù động từ và động từ tiếng Nga// Những nguyên tắc phân tích loại hình các ngôn ngữ có cấu tạo khác nhau. M.,1972, tr.96, hoặc Jakobson R.Shifters, Verbal Categories and the Russian Verb // Selected Writtings. The Hague; Paris, 1971. Vol. 2. P. 131.
[5] Nhân thể, xin dẫn thêm, cụm từ trong Phúc Âm “ессе homo” (“đây là một con người”) (In.19,5) có lịch sử hết sức thú vị. Có cơ sở để giả định, câu này phát âm đúng theo tiếng Aram, thế thì rõ ràng thoạt đầu câu đó chỉ có nghĩa đơn giản “đây là nó”, như vậy, cái từ biểu đạt khái niệm “người” được sử dụng trong tiếng Aram theo nghĩa một đại từ. giống như chữ man vẫn được dùng trong tiếng Đức hiện nay (thông tin miệng của A.A.Ziliznhjax). Việc thay đổi cách nghĩ đối với câu này về sau liên quan tới chữ “người” (dưới dạng phiên dịch tương thích văn bản Phúc Âm) bắt đầu được hiểu về cơ bản như một tên riêng, tức là diễn ra quá trình huyền thoại hoá nó.
[6] Mối quan hệ giữa tên riêng và phạm trù xác định được biểu hiện bằng một mạo từ nào đó đã được phát hiện trong truyền thống ngữ pháp bản địa tiếng Ả Rập. Người ta nhận ra, các tên riêng là những từ mà tính xác định vốn là đặc tính có từ thời xa xưa của những từ ấy theo bản chất ngữ nghĩa của chúng. Xem: Gabuchan G.M.- Lý luận mạo từ và những vấn đề cú pháp tiếng Ả Rập. M.,1972, tr.37. Điểm đặc biệt là, trong Cú pháp Slovène của Fedor Maksimov (Spb., 1723, tr.179-180), ký hiệu của tiêu đề đánh dấu sự thiêng liêng của một từ trong văn bản giáo hội Slavơ được cấu tạo theo ngữ nghĩa của mình với mạo từ tiếng Hy Lạp, cả bình diện này lẫn bình diện kia đều mang ý nghĩa chỉ cái duy nhất.
[7] Ivanov V.v.- Huyền thoại Ấn Độ cổ đại về sự hình thành tên gọi và tuyến song hành của nó trong truyền thống Hy Lạp// Ấn Độ thời cổ đại. M.,1964; Troski [Troiski] I.M. – Từ lịch sử ngôn ngữ học cổ đại//Ngôn ngữ học xô viết. L.,1936, Q.2, tr.24-26.
[8] Một đặc điểm đáng chú ý với ý thức huyền thoại là quan niệm về thế giới như một quyển sách, khi nhận thức được xem là sự đọc có cơ ở chính cơ chế giải đoáan và đồng nhất. Xem: Lotman Iu.M., Uspenski B.A.- Về cơ chế ký hiệu học văn hoá//Những công trình nghiên cứu về các hệ thống ký hiệu. Tartu, 1971, T.5, tr.152.
[9] Chẳng hạn, gọi tên căn bệnh (nói to lên) có thể xem như là gọi nó đến: bệnh có thể đến vì nghe gọi tên mình (về điều này, có thể liên hệ với những câu nói thường nhật, kiểu như “gọi bệnh tới”, “gọi tai hoạ đến”. Có một khối lượng tư liệu rất lớn thuộc loại này được thu thập trong chuyên luận: Zalenhin D.K.-Những từ kiêng kỵ của các dân tộc Đông Âu và Bắc Á// Tuyển tập bảo tàng nhân chủng học và dân tộc học. L.,1929, T.8, tr.1-144.
[10] Có thể liên hệ điều này với ý niệm của người Hy Lạp cổ đại về tính chính xác của tên gọi theo bản chất (xem: Troski I.M. Tlđd, tr.25).
[11] Tiếng Nga: “экстранормальная фонетика” – “экстра” (extra): “bên ngoài”, “ở trên” và “норма” (normal): “quy cách”, “chuẩn mực” – một bộ môn ngữ âm học nghiên cứu những tổ chức ngữ âm phi cách luật, không có những thuộc tính của lời nói bình thường, nhắm tới việc truyền đạt các thông tin ngôn ngữ. Đối tượng nghiên cứu của ngữ âm học ngoại chuẩn là các âm thanh không có âm vị tương thích trong ngôn ngữ, những tổ hợp âm thanh khác thường xuất hiện giữa các thán từ đặc biệt, âm thanh trong các phỏng âm, các cử chỉ âm thanh, các mệnh lệnh dùng cho động vật, trong các phức hợp âm thanh dùng để cuốn hút hoặc đánh lạc hướng động vật, trong lời trẻ nhỏ phát ra một ccsh tự nhiên. Các yếu tố của ngữ âm học ngoại chuẩn có thể sử dụng trong ngôn ngữ nghệ thuật như một phương tiện tạo hình – biểu cảm, ví như tạo ra giai điệu tiếng hót của chim hoạ mi…ND.
[12] Ý muốn nói tới các hình thức từ vựng được người lớn sử dụng để trò chuyện với trẻ nhỏ.
[13] Chúng tôi dịch thoáng cho dễ hiểu. Trong tiếng Nga, các chữ ấy là: “киса” (“mèo nhỏ”, nói giảm nghĩa từ chữ “кот”, “кошка”), “бяка” (từ khẩu ngữ, người lớn dùng để “mắng yêu” đối với trẻ con, kiểu “ông mãnh”, “con ranh”), “вова” (dùng để gọi một cách âu yếm người có tên là Владимир -Vladimir, bởi “вова” gợi ra nghĩa của “волк” – “volk” là “con sói”), “петя” (dùng để gọi một cách âu yếm người có tên là Пётр – Peter, bởi ““петя”” gợi ra nghĩa của “”петух” là “gà trống”.- ND.
[14] Tiếng Anh: “Địa điểm”.-ND.
[15] Quan niệm về sự lệ thuộc của con người vào locus thể hiện rất rõ ở một trong số những huyền thoại Armenia thời trung đại sơ kỳ còn sót lại cho đến nay qua văn bản Lịch sử Armenia của Pavstos Biuzan. Huyền thoại kể một chuyện liên qua tới thế kỷ thứ IV, khi Armenia còn bị tách ra giữa Byzantin và Ba Tư Sassanid. Vì ở miền Đông (Ba Tư) Armenia, suốt một thời gian dài, triều đại của các vua Arsakid người Armenia vẫn tiếp tục tồn tại như thuộc quốc của các hoàng đế Ba Tư và tiếp tục đấu tranh giành độc lập cho đất nước, nên huyền thoại rất độc đáo, dù vẫn nằm trong khuôn khổ của những quan niệm huyền thoại, nó phơi bày khả năng có thể có về tính cách hai mặt của con người như là kết quả của việc nó chuyển từ một locus này qua một locus khác. Vì muốn biết ý đồ bí mật của vua chư hầu Armenia Arsak, Hoàng đế Ba Tư Sapukh đã hạ lệnh đắp một nửa lều của mình bằng đất của Armenia, còn nửa kia đắp bằng đất của Ba Tư. Sau khi mời Arsak vào lều, hoàng đế cầm tay vua Armenia dắt đi từ góc này sang góc kia. “Khi đi quanh lều, lúc bước qua đất Ba Tư, hoàng đế nói: “Này vua Armania Arsak, vì sao nhà ngươi thành kẻ thù của ta; ta yêu ngươi như con, muốn gả con gái cho ngươi làm vợ, muốn ngươi thành con trai của ta, thế mà ngươi nhẫn tâm chống lại ta, tự mình ngược lại ý nguyện của mình, trở thành kẻ thù của ta”. Vua Arsak nói: “Thần phạm lỗi, mắc tội với bệ hạ vì thần đuổi kịp và chiến thắng kẻ thù của bệ hạ, thần đã đánh tan chúng và chờ bệ hạ ban thưởng, nhưng kẻ thù của thần đã làm thần lầm lẫn, khiến bệ hạ sợ hãi và buộc bệ hạ bỏ chạy. Nhưng lời thề mà thần đã thề trước bệ hạ đã đưa thần đến với bệ hạ, nên bây giờ thần mới đứng trước mặt bệ hạ đây. Thần là tôi tớ của bệ hạ, thần trong tay bệ hạ, bệ mạ muốn đánh, muốn trói, muốn xử tội thần thế nào mặc lòng, vì thần là tôi tớ của bệ hạ, có tội với bệ hạ và thật đáng phải chết”. Hoàng đế Sapukh lại giả vờ ngây ngô, cầm tay vua Armenia, cùng nhau tản bộ, dẫn vua Armenia sang nửa lều đắp bằng đất Armenia. Khi tiến tới chỗ của mình, dẫm lên đất Armenia, vua Arsak đùng đùng nổi giận, tỏ vẻ tự hào, đổi giọng, nói: “Hãy xéo khuất mắt ta, một tên ác nhân hèn hạ mà muốn thành bá chủ của các bậc bá chủ sao. Ta không thèm làm con cái của ngươi và muốn trả thù cho tổ tiên ta”. Trong văn bản, sự thay đổi tính cách của Arsak như thế được lặp đi lặp lại nhiều lần tuỳ vào việc nhà vua đứng trên đất Armenia hay đất Ba Tư. “Từ sáng cho đến tận chiều tối hoàng đế (Sapukh.- ND) nhiều lần thử lòng vua Armenia, và mỗi lần, khi bước lên đất Armenia, vua Arsak trở nên kiêu ngạo, hung dữ, nhưng khi đứng trên đất sở tại (Ba Tư.- ND) thì lại tỏ ra hối lỗi” (xem: Lịch sử Armenia của Pavstos Biuzan. Erevan, 1953, tr.129-130). Cần nhấn mạnh rằng, ở đây các khái niệm “đất Armenia” và “đất Ba Tư” mang tính đẳng cấu với các khái niệm “Armenia” và “Ba Tư” và chỉ trong ý thức hiện đại chúng mới được xem là những hoán dụ (liên hệ với cách nói “đất Nga” trong các văn bản Nga thời trung đại, khi Saliapin, trong những chuyến du lịch nước ngoài, bao giờ cũng mang theo chiếc va li đựng một ít đất Nga, thì với ông, đất Nga thực hiện chức năng đồng nhất huyền thoại, chứ không phải, chứ không phải chức năng của một ẩn dụ văn học). Cho nên, cách hành xử của Arsak thay đổi tuỳ thuộc vào phần tên gọi mà nhà vua đại diện. Xin nhấn mạnh thêm rằng, thời trung đại, việc nhận làm chư hầu của một quốc gia khác đi kèm với hành vi ký hiệu học là từ chối quyền sở hữu và ngược lại, thụ nhận được một cái gì đó bao giờ cũng được giải mã ký hiệu học như là sự thay đổi tên gọi sở hữu (liên hệ: tục lệ thay đổi tên gọi điền trang sau khi được một chủ mới mua lại rất phổ biến trong thực tế dưới chế độ nông nô Nga).
[16] Có thể tìm hiểu thêm đặc điểm của lối “tư duy tổng hợp” ở trẻ em trong cuốn sách Tư duy và lời nói của L.S.Vygotski (Vygotski L.S.- Tuyển tập công trình nghiên cứu tâm lý học. M.,1956, tr.168.
[17] Jakobson R.O.- Tlđd, tr.98. Liên hệ với lời của Chúa trong Kinh Thánh: “Ta cũng chính là Người nói: Ta đây!” (Is.52,6, Iskh.3,14).
[18] Xem: Zelenhin D.K.- Tlđd. Phần 2, tr.88-89, 91-93, 108-109, 140.
[19] Có thể tìm thấy trong các điệu múa nghi lễ kiểu trần thuật tương tự như vậy.
[20] Xem: Worsley P. – Groote Eyiand totemism and “Le totemisme aujourd’hui”// The structural Study of Myth and Totemism / Ed. by E. Leach. Edinburgh, 1967. P. 153-154. Xác định đặc điểm tư duy của các thổ dân Úc trong hệ thống thuật ngữ của L.S.Vygotski, tác giả thừa nhận: “Sự phân loại theo vật tổ mà chúng tôi nghiên cứu dựa trên nền tảng của “tư duy tổ hợp” hoặc “tư duy bằng các bộ sưu tập” (các thuật ngữ của L.S.Vygotski, xem: Vygotski L.S.- Tlđd, tr.168-180; theo Vygotski, sự hợp nhất trên cơ sở sưu tập là một trong những biến thể của tư duy tổ hợp.- Iu. L., B. U.), nhưng không dựa trên “tư duy bằng khái niệm”. Nhưng tôi không định nói, thổ dân không có khả năng tư duy bằng khái nbiệm. Ngược lại, cách hệ thống hoá hệ thực vật và động vật đọc lập với sự phân loại theo vật tổ do họ tạo ra, tức là các sơ đồ dân tộc – thực vật học và dân tộc – động vật học, đúng là đã thể hiện khả năng tư duy khái niệm của các thổ dân. Trong một công trình của mình, tôi đã liệt kê hàng trăm loại thực vật và động vật mà thổ dân chẳng những biết rõ, mà họ còn hệ thống hoá theo các nhóm phân loại học, ví như jinungwangba (động vật lớn sống trên cạn), wuradjidja (động vật biết bay, bao gồm cả chim), augwalja (cá và các động vật biển khác) v.v…
[21] Những phát hiện của Vygotski về các yếu tố của “tư duy tổ hợp” tìm thấy chủ yếu ở trẻ em, trong lời nói sinh hoạt của người lớn (Vygotski L.S.-Tlđd. Tr.169,172). Đặc biệt, nhà nghiên cứu chỉ ra, chẳng hạn như khi nói về xoong nồi bát đĩa, hoặc về quần áo, người lớn thường không mấy khi dùng các khái niệm trừu tượng tương ứng, mà thường gọi tên mộ bộ đồ cụ thể (nói chung, đây là đặc điểm của trẻ em).
[22] “Dân tộc-thực vật học”: “Этноботаника”, bộ môn khoa học nghiên cứu tác động quan lại giữa con người với các loài thực vật; “dân tộc-động vật học: “Этнозоология”, bộ môn khoa học nghiên cứu tác động qua lại giữa con người với động vật.- ND.
[23] Dịch từ chữ : “линнеевая классификация”. “Линнеевые” (La Tinh: “Linnaeoideae”): Một loài hoa chùm, luôn luôn giữ được màu xanh, mọc ở khu vực Á – Âu và Bắc Mỹ.- ND.
[24] Ở đây muốn nói tới ý nghĩa đặc biệt được gán cho thuật ngữ ấy trong hệ thống phân loại của Charles Peirce.
[25] Tất nhiên là hiểu theo nghĩa “sign-design”, chứ không phải theo nghĩa “sign-event” (xem: Carnap R. – Introduction to Semantics. Cambrige (Mass.)., 1946. $ 3).
[26] Nhân thể, xin lưu ý: những trường hợp mà ý đồ đổi tên được áp dụng cho các danh từ chung riêng lẻ (ví như ở nước Nga thời Pavel I) đã nói lên sự gắn kết danh từ chung vào phạm vi huyền thoại của các tên riêng, tức là nói lên sự bành trướng của ý thức huyền thoại.
[27] Hiện tượng ngôn ngữ đã được Puskin phát hiện sau đây “Và trên cửa miệng, tiếng quê nhà họ nói. Chẳng thèm đoái hoài thứ ngôn ngữ lũ ngoại bang”là hệ quả trực tiếp của xu thế cố ý tăng cường tính tổ chức. Xin so sánh với chỉ dụ: “Truyền đạt yêu cầu của mình một cách nhã nhặn bằng lời lẽ trang trọng và lịch thiệp tựa như Ngài phải nói với một nhân vật ngoại quốc” (Tuổi trẻ là tấm gương trung thực, hay Bằng chứng về cách hành xử thường nhật do những tác giả khác nhau sưu tầm theo mệnh lệnh của E.I.V. Hoàng đế Peter Vĩ đại. Spb., 1767. Tr. 29). Xin so sánh thêm với phát hiện của Trediakovski trong cuốn Bàn về chính tả về chức năng xã hội đặc biệt của giọng ngoại quốc ở xã hội Nga giữa thế kỉ XVIII, ở đây là “người Ngoại quốc” nói với “người Nga”: “Nếu có những quy tắc rõ ràng về trọng âm của các vị thì chúng tôi sẽ học nói theo tiếng của quý vị dễ dàng, nhưng bây giờ chúng tôi hoàn toàn đã mất quyền hạn của những người nước ngoài mà chắc chắn sẽ tốt cho tôi hơn so với cách phát âm chính xác của quí vị” (Luận văn Trediakovski. Spb., 1849. T. 3. Tr. 164). Chiều sâu của định hướng văn hoá mang tính văn hoá của “thời đại Peterburg” trong lịch sử Nga có lẽ được biểu hiện rõ nhất qua ảnh hưởng của nó đối với các nhóm xã hội bị chi phối bởi tình cảm dân tộc Slavơ. Chẳng hạn, vào năm 1855, V.S. Aksakova đã ghi nhật kí, phát biểu ý hiến về sự xuất hiện của hàng loạt bài báo tiến bộ (trong Tuyển tập Morsk) như sau: “Hít thở thoải mái hơn, giống hệt như bạn đang đọc về một đất nước của người khác” (Nhật kí của V.S. Aksakova, 1854-1855. Spb., 1913. Tr.67). Xin đối chiếu thêm: Kitaev V.A. Từ công kích đến o bế: Qua lịch sử tư tưởng tự do chủ nghĩa Nga ở những năm 50-60 thế kỉ XIX. M., 1972. Tr. 45).
[28] Vấn đề này liên quan tới thực tiễn được hình thành sau Peter về sự chuyển đổi tên gọi theo trình tự áp đặt (không bình thường) của các địa danh truyền thống. Cần nhấn mạnh rằng, ở đây không bàn về mối liên hệ mang tính ước lệ giữa khu vực địa lí với tên gọi của nó, tức là mối liên hệ cho phép thay đổi kí hiệu khi sự vật không thay đổi, mà chỉ nói về sự đồng nhất huyền thoại của chúng, bởi vì sự đổi tên được xem như là huỷ bỏ sự vật cũ và nảy sinh ngay ở đó một sự vật mới đáp ứng đầy đủ hơn cho yêu cầu của người phát kiến ra hành vi đó. Cái bình thường của những hoạt động như thế được khắc hoạ tuyệt vời qua câu chuyện trong hồi ức của S.Iu. Witte: Ở Odessa có một con phố “thời còn là sinh viên ông đã sống ở đấy” trước kia có tên là phố Quý tộc, “về sau theo lệnh của Hội đồng thành phố nó được đổi thành phố Witte” (Witte S.Iu.Hồi ức. M., 1960. T. 3. Tr. 484). Witte viết, năm 1908, Hội đồng thành phố phản động “quyết định đổi tên cho con phố mang tên tôi thành phố Peter Vĩ đại” (Tài liệu đã dẫn). Ngoài ý định xiểm nịnh Nhikolai II (mọi quyết định dùng tên các thành viên hoàng gia đặt cho đường phố đương nhiên là sa hoàng đều biết rõ, vì tên gọi mới chỉ có hiệu lực sau khi có chỉ dụ của nhà vua), ở đây, người ta có thể nhận ra quan niệm rõ ràng về mối liên hệ giữa việc đổi tên phố với ý đồ thủ tiêu bản thân Witte (đồng thời, những kẻ phản động thực hiện một số ý đồ làm tổn hại tới đời sống của Witte, điều quan trọng là tác giả hồi ức đã liệt những hành vi ấy vào loạt hành vi có chung một ý nghĩa). Có điều, kể lại chuyện này, Witte không nghĩ rằng việc lấy tên Witte để đạt cho tên phố cũng nằm trong trình tự đổi tên như vậy (sau cách mạng, phố này lại được đổi thành “phố Quốc tế cộng sản”, nhưng sau chiến tranh, nó lại được khôi phục bằng cái tên “phố Peter Vĩ đại”). Rồi Witte còn thông báo một sự kiện khác, cũng rất có ý nghĩa: dưới thời trị vì của Aleksandr, sau khi thống đốc Moskva, công tước V.A. Dolgorukov bị thất sủng và phải nhường vị trí của mình cho đại công tước Sergei Aleksandrovich, hội đồng thành phố Moskva cho rằng, do thời của Dolgorukov đã được thay thế bằng thời của Sergei, nên “ban hành quyết nghị đổi tên con ngõ Dolgorukov (tên gọi hiện nay là “phố Belinski.- Iu. L., B. U.) chạy ngang qua nhà thống đốc Moskva thành “ngõ đại công tước Sergei Aleksandrovich” (Tài liệu đã dẫn. Tr. 486). Thực tế, việc đổi tên này đã không thể thực hiện. Aleksandre ban chỉ dụ: “Một trò hèn hạ” (Tài liệu đã dẫn. Tr. 487).
[29] Khuynh hướng nhắm tới “huyền thoại hoá” thâm nhập vào xã hội thời Peter rõ rệt tới mức, nó tự xem mình là lực lượng vận động theo chiều ngược lại: lí tưởng “thường trực” ngầm chứa ý đồ xây dựng một cỗ máy nhà nước tuyệt đối “đúng đắn” và hợp quy luật, trong đó thế giới của những tên riêng được thay thế bằng trật tự con số. Độc đáo nhất là ý đồ thay tên gọi các đường phố (tên của những con kênh trong dự kiến) bằng các con số (các tuyến đường trên đảo Vasilievski ở thành phố Peterburg), đưa số thứ tự vào trật tự đẳng cấp công chức (Bảng hạng ngạch). Dựa vào con số như một định hướng là đặc điểm tiêu biểu của văn hoá Peterburg, một nét khác biệt của nó so với Moskva; P.A. Vijemski đã ghi lại: “Quốc vương Yarmouth từng đến Peterburg vào dầu những năm 20; kể về những kỉ niệm ngọt ngào ở Peterburg của mình, ông nói rằng, ông thường làm khách ở nhà quý bà lịch lãm bậc sáu, sống ở đường mười sáu” (Vijemski P.A. Sổ ghi chép cũ. L., 1929. Tr. 200).
[30] Xem: Chistov K.V. Huyền thoại xã hội – không tưởng dân gian Nga. M., 1967. Tr. 149.
[31] Xem: Babenchikov M. Chân dung Pugachev trong Bảo tàng Lịch sử// Di sản văn học. M., 1933. T. 9/10.
[32] Xem: Lược thuật quan điểm của A.N. Kolmogorov: Revzin I.I. Hội thảo ở thành phố Gorki về vận dụng các phương pháp toán học vào việc nghiên cứu ngôn ngữ văn học nghệ thuật// Nghiên cứu cấu trúc – loại hình. M., 1962. Tr. 288-289. Zolkovski A.K. Hội thảo về nghiên cứu ngôn ngữ thi ca: (Tóm lược tham luận)//Dịch máy và ngôn ngữ học ứng dụng. M., 1962. Q. 7. Tr. 93 -94.
[33] Nếu thi ca gắn với sự đồng nghĩa, thì huyền thoại được hiện thực hoá trong hiện tượng ngôn ngữ đối lập: đồng âm (xin tham khảo ý kiến về mối liên hệ giữa huyền thoại với đồng âm trong cuốn sách: Altman M.S. Tàn tích của chế độ bộ tộc trong tên riêng ở Homer. L., 1936. Tr. 10-11.
[34] Rất hay là có thể tìm thấy một quan niệm cơ bản như thế về thơ trong các văn bản trực tiếp phản ánh ý thức huyền thoại. Xin xem định nghĩa về thơ trong Edda quyển hạ (một cuốn sách cổ, của Snorri Sturluson, nhà văn Island, viết vào quãng 1222 – 1225, giống như một sách giáo khoa về thơ Skandinavia.- L.N):
- Ngôn ngữ thế nào thì phù hợp với thơ?
- Ngôn ngữ thơ được tạo ra bằng ba cách.
- Cách thế nào?
- Có thể gọi mọi sự vật bằng tên của nó. Kiểu nói thứ hai của thơ, ấy là những gì được gọi ra bằng cách thay đổi các tên gọi (ý muốn nói tới sự đồng nghĩa.- Iu. L., B. U.). Cách thứ ba gọi là lối nói vòng vo, ẩn dụ. Thực chất là: ta nói “Phật Tổ”, hoặc “Quan Âm”, hoặc một vị khác trong số các Ông Thiện hay Ông Ác, rồi sau đó ta bổ sung thêm tên gọi dấu hiệu của cái vị La Hán khác kia, hay một hành vi nào đó của vị La Hán ấy vào tên Đức Phật đã được gọi ra. Khi ấy, toàn bộ danh xưng sẽ có quan hệ với cái vị La Hán khác này, chứ không phải có quan hệ với các Đức Phật được gọi ra kia (ý muốn nói tới một dạng đặc biệt của ẩn dụ.- Iu. L., B. U.) (Tài liệu đã dẫn. Tr.60).
[35] Gurevich A.Ja. Các phạm trù văn hoá trung đại. M., 1972. Tr. 73-74. Xem thêm: Katznelson S.D. Nghiên cứu lịch sử – cú pháp. M., 1949. Tr. 80-81 và 91-94.