Home » » Vượt lên trên sự trì trệ của nhận thức

Vượt lên trên sự trì trệ của nhận thức

Written By kinhtehoc on Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012 | 04:19


Vượt lên trên sự trì trệ của nhận thức

Đọc lại Văn minh tân học sách Kỷ niệm một trăm năm Đông Kinh nghĩa thục,ngày 17-5 vừa qua, tại Hà Nội, Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh và Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố đã tổ chức một cuộc tọa đàm chủ yếu bàn về đóng góp của phong trào này ở góc độ văn hóa giáo dục. Hoạt động kỷ niệm năm nay còn được tổ chức ở nước ngoài. Theo tin của tạp chí Xưa và nay, số ra 5-2007, một cuộc hội thảo tại Aix-en - Provence Pháp đã được tổ chức với chủ đề Việt Nam, thời điểm hiện đại hóa - phản ứng của một xã hội trước sự du nhập của một nền văn hóa ngoại lai.Tham gia hội thảo có các nhà khoa học Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Mỹ.Những khám phá mới về phong trào văn hóa này đang được giới thiệu dần trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể nói tinh thần căn bản ôm trùm xã hội VN cả thế kỷ XIX là tinh thần bảo thủ. Sau mấy trăm năm phân chia Đàng Trong Đàng Ngoài và chiến tranh liên miên, con người hình như mệt mỏi và rơi vào một tình trạng trì trệ kéo dài. Cho đến cả khi mất nước, và tiếp đó mọi cố gắng của những cuộc khởi nghĩa Cần Vương mang đầy nhiệt huyết rút cục đều thất bại -- một hậu quả rõ ràng của bảo thủ, trì trệ --, người ta vẫn chỉ biết than thở và không tìm ra phương hướng thay đổi. Khi đang còn ngồi tù, và tìm cách suy nghĩ để Phát hiện Ấn Độ, Jawaharlal Nehru từng chiêm nghiệm và tỏ ra đồng cảm với một khái quát của John Stuart Mill : “Hiện nay tôi tin rằng không có những sự cải thiện lớn nào trong số phận của loài người lại có thể thực hiện được, cho đến khi có sự thay đổi lớn lao xẩy ra trong phương thức suy nghĩ “( nhà tư tưởng Anh viết câu này trong cuốn Tự truyện, 1873) Chẳng những hoàn cảnh Ấn Độ mà hoàn cảnh Việt Nam đầu thế kỷ XX dường như là minh chứng cho cái nhận xét đó của John Stuart Mill. Giá kể trong hoàn cảnh các dân tộc còn sống cô lập như thời trung đại, chắc chắn tình trạng trì trệ kia không biết bao giờ thay đổi nổi. Nhưng châu Á lúc này đang trải qua một trận” mưa Âu gió Mỹ “ sôi động. Việc tiếp nhận phương Tây học theo phương Tây được coi như một lẽ sống ở Nhật Bản, ở Trung quốc và ảnh hưởng đã lan đến Việt Nam. Với phong trào duy tân ( = đổi mới ) nói chung, những nếp nghĩ ngưng đọng ngàn năm đã được khơi gợi theo một hướng mới . theo thuật ngữ hiện nay, một quá trình hội nhập bắt đầu. Mà hội nhập trước tiên là một tầm nhìn khác, một cách nhận thức khác. Trong hoạt động đa dạng của Đông Kinh nghĩa thục , Văn minh tân học sách là tài liệu chính , đánh dấu sự nhận thức mới mẻ đó . Trước kia là tự khép mình lại, coi mình là trung tâm của vũ trụ ( một thứ “ tự kỷ trung tâm luận “ tự phát ), không biết rằng mình đang mỏi mòn thoái hóa. Nay thấy mình là bộ phận của cái thế giới vùn vụt đổi thay, mình không thể đứng ngoài, mình không thể chết. Trước đây, người ta nghĩ mất nước là tại mệnh trời. Nay những đầu óc được giải phóng bắt đầu nghĩ ở đây có vấn đề văn minh, tức là trình độ sống trình độ tư duy của dân tộc. Trước kia là đạo nghĩa trừu tượng giáo điều. Nay là kiến thức mới lạ nhưng đầy sức hấp dẫn. Trước kia là sự chật hẹp của chân trời nhận thức, là hạn chế đến mức tối thiểu tiếp xúc và giao lưu với thế giới bên ngoài, từ đó chỉ muốn yên ổn, sẵn sàng lê lết theo sát những khuôn phép người xưa đã chỉ dẫn. Nay là từ bỏ là tung phá , là tin rằng tất cả có thể làm khác điều mình vốn làm, nghĩ khác điều xưa nay vốn nghĩ. “ Ôi nếu như không biết đến sách báo mới thì thôi, chứ đã biết mà lại bưng bít che lấp đi làm như không nghe, không thấy chuyện gì để tự mình lại củng cố trong mình một căn tính nô lệ, nhân cách như thế, thật nên lấy làm đau đớn “(VTN nhấn mạnh ). Loại khái quát kiểu này không chỉ vạch ra một thực trạng mà còn ghi nhận một thái độ cố chấp, và rộng hơn gọi ra chính xác những nguyên nhân khiến cho tình trạng trì trệ kia kéo dài triền miên dai dẳng. Quá trình tự phê phán một khi khởi động không thể không đi tới cùng. Những đầu óc xưa nay quen tự hào theo lối gồng mình cãi lấy được về sự không kém người của mình nay bắt đầu chân thành nhận ra mọi sự lạc hậu kém cỏi. Nền giáo dục cổ hủ, giáo điều. Tình trạng “ tĩnh” của văn hóa. Kinh tế lệ thuộc nước ngoài. Con người hèn kém sợ sệt chỉ tự khẳng định bằng cách chìm sâu vào trụy lạc, từ “ đàn sáo đầu hồ, bài lá, cờ tướng, đố thơ, đánh chữ “ cho tới “số tướng, địa lý, phù thủy “. ..Tất cả đều đã được đặt trong tầm ngắm. “ Hành chính thì cấm thay đổi sửa sang ; dùng người thì quý im lìm lặng lẽ; chiếu theo lệ cũ, nhưng lệ không nhất định; luật cũng có ban bố đấy, nhưng dân gian không được học luật “ -- những nhận xét sắc sảo loại đó ken dày trong Văn minh tân học sách . Các tài liệu dùng làm sách giáo khoa dùng trong nhà trường như Quốc dân độc bản Tân đính giáo khoa thư cũng đều là những cuộc kiểm điểm nghiêm khắc về một nếp sống nếp nghĩ đã lỗi thời và rao giảng những kiến thức hiện đại tuy là còn đơn sơ song giản dị dễ hiểu. Không phải là một cương lĩnh hành động, song Văn minh tân học sách mở đường cho mọi hành động. Cảm hứng chính bao trùm ở đây là niềm sung sướng của con người khi tìm thấy một chìa khóa và gỡ ra được một bí mật. Là cảm giác tan băng. Là trong đường hầm thấy hé ra lối thoát . Khi quá phấn khích bồng bột trước một nguồn ánh sáng mới, người ta có bị lóa mắt, bước đi như vướng vào nhau và tiếng nói nhiều khi lộn xộn âu cũng là điều dễ hiểu . Điều có thể chắc là trong các văn bản mang tính chất thức tỉnh kêu gọi, hiếm khi thấy cái hôi hổi nồng nhiệt lại đi liền với một sự sáng suốt đến như trong Văn minh tân học sách.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved