Mai Linh
Công luận đã ròng rã, kiên trì, không mệt mỏi theo dõi từng động thái, từng lời phát biểu, từng câu nói của Bộ trưởng Đinh La Thăng ở mọi nơi, mọi lúc tức là công luận đã đi sát với đời sống người dân, đồng lòng với mối quan tâm và bức xúc của dân.
”Giao thông” của giới truyền thông ồ ạt và có thể sẽ ùn tắc, chắc đã đến lúc phải có biện pháp tháo gỡ.
Cần phải tháo gỡ từ chính Bộ GTVT. Làm bất an Bộ trưởng Đinh La Thăng là cái lý của công luận.
Công luận đòi hỏi những cái chưa đúng lý phải trở về với cái lý của nó.
1. Sự phi lý của phí giao thông đường bộ do Bộ GTVT nghĩ ra mà không dựa trên bất cứ một khảo sát hoặc đánh giá nào mang tính khoa học.
Sự phi lý này dẫn đến nền công nghiệp ô tô đã và sẽ hóa đá ở Đồng Đăng với thất thu thuế khoảng 12 tỷ USD trong vòng tám năm tới. Một con số không nhỏ so với Vinalines.
Sự phi lý này còn dẫn dắt đến những hệ lụy “con đàn cháu đống” khó mà kể ra hết được.
2. Sự phi lý của đề án “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa Bộ GTVT”. Đề án này phi lý từ cái tên gọi cho đến nội dung của nó (về mặt logic kinh tế) và đến cả quy mô, tiền vốn (200 nghìn tỷ đồng).
Sự phi lý này, nếu xảy ra sẽ giống như việc vay tiền để mua ví vì chẳng ai đi vay vốn ODA để xây trụ sở cả.
3. Sự phi lý của việc bổ nhiệm cán bộ là ông Dương Chí Dũng từ Vinalines sang làm Cục trưởng Cục Hàng hải vì để tránh mất đoàn kết nội bộ của Vinalines theo lời Bộ trưởng Đinh La Thăng thì không cần phân tích gì nhiều về lý giải ngược đời này.
Một đơn vị doanh nghiệp lớn đang trong quá trình thanh tra mà Chủ tịch Hội đồng thành viên được điều lên làm Cục trưởng của Bộ thì cái lý ấy nghe chừng chưa lọt tai công luận.
Bổ nhiệm một nhân sự “có khả năng hùng biện tốt” (Tốt đã là khả năng rồi) thì lập ngôn chưa thuyết phục.
4. Trả lời như người có trách nhiệm của Bộ GTVT ngày 31/5 về trường hợp bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng rằng “không vì nghi ngờ mà làm lỡ cơ hội của ông Dũng” thì tên “tội phạm nguy hiểm” (theo cách nói của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh) đã không bỏ lỡ cơ hội để tẩu thoát.
Triết học dạy: một lần là hiện tượng, hai lần là hiện tượng, lặp lại đến lần thứ ba là bản chất.
Công luận chắc sẽ còn tiếp tục với Bộ GTVT và cá nhân Bộ trưởng Đinh La Thăng cho đến khi sự phi lý được trở về với cái lý.
Giải quyết hàng loạt vấn đề mắc mớ trên, thiết nghĩ, cũng cần đến một “tư lệnh ngành” như Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tuyên bố sau khi nhậm chức. Chắc thế.