Home » » TRIẾT HỌC

TRIẾT HỌC

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012 | 23:51


LOTMAN VÀ CHỦ NGHĨA MÁC
(Phần 1)

M.L.GASPAROV

    Trong bài điếu B.Eikhenbaum, Roman Jakobson có một câu nói móc: Eikhenbaum trêu gan đám nghiên cứu văn học nửa mùa bằng việc viết ngay một bài hay hơn hẳn bọn họ, khi họ buộc ông phải viết về đề tài “Lenin và Lev Tolstoi”.

    Chắc chắn cũng có thể nói như thế về Lotman. Trong lịch sử văn học Nga, Lotman nghiên cứu toàn những tác giả được tin cậy tuyệt đối: Radisev, các nhà tháng Chạp, Pushkin.

    Trong những công trình của ông, Radisev đúng là nhà cách mạng, các nhà tháng Chạp là những vị anh hùng, Pushkin là thiên tài toàn diện, và ngay cả Karamzin hoá ra cũng đồng cảm với cách mạng Pháp. Chỉ có điều, những nhà văn ấy hiện lên phức tạp hơn và sâu sắc hơn rất nhiều so với hình ảnh của họ được khắc hoạ ở những bức chân dung mà bên dưới có ký tên các học giả giỏi giang. Hơn nữa, với đám nghiên cứu văn học xô viết nửa mùa, nếu Radisev là người tốt, thì Karamzin dứt khoát phải là kẻ xấu. Còn với Lotman, lại không phải như vậy. Thế mới trêu gan nhau!

    Nghiên cứu văn học xô viết được xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác có hai bình diện: phương pháp và tư tưởng hệ. Phương pháp của chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Chủ nghĩa duy vật là định lý: “tồn tại quyết định ý thức”, nó quyết định cả đại diện của văn hoá, ấy là nhà thơ và độc giả. Còn chủ nghĩa lịch sử thì có nghĩa: văn hoá là kết quả sinh ra từ những hiện tượng kinh tế-xã hội của thời đại mình. Phép biện chứng có nghĩa: sự phát triển của văn hoá, cũng như mọi thứ trên thế gian này, đều diễn ra như là hệ quả đấu tranh giữa các mặt mâu thuẫn nội tại của nó.

    Ấy vậy mà tư tưởng hệ lại dạy người ta hoàn toàn khác: lịch sử đã kết thúc, bắt đầu mở ra thời đại vĩnh hằng của một xã hội lý tưởng không còn giai cấp, xã hội mà toàn bộ quá khứ chỉ có thể mon men tới gần nó. Toàn bộ mâu thuẫn bên trong đã giải quyết xong xuôi, chỉ còn lại những xung đột bên ngoài giữa các hiện tượng tốt và hiện tượng xấu; cần phai phân chia các hiện tượng văn hoá thành hai loại tốt, xấu, và phấn đấu sao cho, cái xấu bị tiêu diệt, cái tốt ngày càng phát triển toàn diện. Đã nắm chắc trong tay chân lý tuyệt đối, cái ý thức đã chiếm hữu được nó từ nay chỉ còn mỗi việc sáng tạo ra tồn tại mới. Hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác chiến thắng hoàn toàn vênh lệch với phương pháp của chủ nghĩa Mác chiến đấu, nhưng điều đó được che đậy rất kỹ lưỡng. Lotman tỏ thái độ rất nghiêm túc với phương pháp của chủ nghĩa Mác, còn tư tưởng hệ, ông ứng xử với nó như nó xứng đáng được hưởng. Vậy mà ai cũng biết, người đáng gờm nhất đối với một giáo điều là những ai ứng xử với nó một cách nghiêm túc. Đám bồi bút và trí thức nửa mùa cảm nhận rất rõ điều ấy.

    Khi Lotman viết về lịch sử văn học, thì điều vừa nói ở trên lộ ra ít hơn. Có thể chấp nhận là Radisev dẫu sao vẫn là nhân vật ưu tú, tạm thời bưng tai nhắm mắt trước những phương pháp được sử dụng để chứng minh điều đó. Nhưng khi Lotman bắt đầu viết về lý thuyết, thì sự khó chịu của đám nửa mùa bộc lộ ra mặt. Bước ngoặt được đánh dấu bằng ba cuốn sách dành cho phạm vi độc giả ngày càng rộng hơn: Các bài giảng về thi pháp cấu trúc (1964), Cấu trúc văn bản nghệ thuật (1970) và Phân tích văn bản thơ (1972). Những câu chuyện về sự lựa chọn âm vị, về sự lặp lại của tiết tấu, về các cặp đối lập thời gian của các động từ, về sắc thái ý nghĩa vi tế của các từ, về các trường ngữ nghĩa giao cắt lẫn nhau - tất cả những cái đó chiếm giữ ở đây một dung lượng lớn tới mức, nhìn vào giống như một sự khiêu khích ngỗ ngược, nhất là trong việc vận dụng vào thơ cổ điển của Pushkin, Chiuchev, Nhekrasov, nơi mà từ lâu, hễ đọc là người ta chỉ suy ngẫm về những tư tưởng và tình cảm cao cả. Trong khi đó, lại không thể nào tìm được lý do chính đáng để hoạnh hoẹ Lotman về phương pháp luận. Chính chuyện này thực sự trêu gan giới phê bình nhiều nhất.

    Trong thực tế, khi bắt đầu phân tích một bài thơ từ vẻ đẹp từ vựng, nhịp điệu, âm điệu của nó, Lotman tuân thủ đặc biệt nghiêm nhặt quy tắc của chủ nghĩa duy vật: tồn tại quyết định ý thức. Thoạt đầu là sự tồn tại của từ ngữ được nhà văn viết ra trên giấy; rồi từ sự thụ cảm chúng (thụ cảm một cách có ý thức khi bàn về ý nghĩa từ vựng của chúng; thụ cảm từ trong tiềm thức khi nói về sắc thái tu từ hoặc các tổ hợp âm thanh), sự thông hiểu của chúng ta về bài thơ được hình thành. Sẽ chẳng có bất kỳ một nội dung cao cả nào ở thơ thể hiện tình yêu tự do hay thơ tình yêu của Pushkin được chiếm lĩnh nếu bỏ qua sự biểu đạt bằng ngôn từ đối với nội dung ấy (cho nên, sẽ sai lầm nghiêm trọng về phương pháp luận, nếu bắt đầu phân tích từ nội dung tư tưởng, rồi sau đó hạ xuống phân tích bình diện “kỹ thuật”). Tư tưởng của nhà thơ phải được giải cấu trúc, mà con đường từ tư tưởng đến văn bản, ấy là quá trình hình thức hoá. Vấn đề thậm chí cũng chẳng phải vì làm như thế sẽ khiến sự “thụ cảm trực tiếp sinh động” các bài thơ bị nguội lạnh. Vấn đề là ở chỗ, nếu làm thế thì sẽ phải chứng minh cho cái tưởng như đã rõ ràng. Phương pháp của chủ nghĩa Mác thực sự yêu cầu nhà nghiên cứu phải có các bằng chứng (phương châm ghi trong sổ tay của Mác là: “hãy hoài nghi tất cả”). Nhưng hệ tư tưởng thì lại ưa thích làm việc với những cái hiển nhiên, rành rành: bởi nếu không làm thế, nó cũng bị buộc phải chứng minh về quyền tồn tại của bản thân mình.

    Trong bài Những bài thơ đầu tay của Pasternak và một số vấn đề nghiên cứu cấu trúc văn bản (Những công trình nghiên cứu về các hệ thống ký hiệu. IV. 1969), Lotman đã nghiên cứu vấn đề hình thức hoá con đường của nhà thơ từ tư tưởng đến văn bản. Kết luận rút ra từ sự phân tích: các nguyên tắc lựa chọn phù hợp và không phù hợp với thơ (ở tất cả các cấp độ, từ tư tưởng đến ngôn ngữ và vận luật) có thể rất khác nhau, chẳng những thế, chúng không bao giờ trùng khuýp hoàn toàn với các chuẩn mực của ý thức thường nhật và ngôn ngữ tự nhiên. Điều đó chứng tỏ, các hệ thống thi ca của Pushkin và Pasternak đều cùng dựa vào sự đối lập giữa lô gíc của “nhà thơ” với lô gíc của “đại chúng” và, trong khi chịu lệ thuộc vào thị hiếu thường thay đổi theo hoàn cảnh lịch sử, chúng có quyền tồn tại ngang nhau. Với hệ tư tưởng vẫn xem thị hiếu của mình là tuyệt đối, thì một sự cào bằng như thế là không thể chấp nhận. Vấn đề hình thức hoá con đường độc giả đi từ văn bản đến tư tưởng của nhà văn được Lotman nghiên cứu trong tất cả các công trình phân tích văn bản, và để dưa ra một ví dụ thuyết phục, ông đã chọn dòng thơ trong bài Tự do của Pushkin: “Hãy vùng lên, hỡi những nô lệ bị đè đầu!”. Về mặt ngữ nghĩa, chữ “hãy vùng lên” có nghĩa là “hãy nổi loạn”, về mặt tu từ, nó chỉ đơn giản có nghĩa là “hãy đứng dậy”(với ký hiệu của văn phong cao cả); nghĩa thứ nhất gần với thi cảm của chúng ta, nhưng chỉ nghĩa thứ hai mới hoà hợp, không mâu thuẫn với lô gíc của bài thơ. Điều này chứng tỏ, chỉ dựa vào cảm giác ngôn ngữ của mình thì chưa đủ để hiểu bài thơ, cần nghiên cứu ngôn ngữ của nhà thơ như một ngôn ngữ lạ, trong đó mối liên hệ giữa các từ theo phong cách (hay thậm chí theo âm thanh) mang lại ý nghĩa nhiều hơn so với mối liên hệ theo ý nghĩa từ vựng. Với tư tưởng hệ lúc nào cũng đinh ninh, trong thế giới văn hoá chỉ có một ngôn ngữ duy nhất, và nó, tư tưởng hệ, chính là chủ nhân của ngôn ngữ ấy, thì điều này cũng không thể chấp nhận. Vậy mà rõ ràng, chính ở đây, Lotman bám rất chặt vào nguyên lý của chủ nghĩa Mác, vào nguyên lý của phép biện chứng. (“Cơ sở phương pháp luận của cấu trúc luận là phép biện chứng. Một trong những nguyên tắc cơ bản của cấu trúc luận là không chấp nhận phân tích theo nguyên tắc liệt kê các dấu hiệu một cách máy móc. “Nhà nghiên cứu không liệt kê các “dấu hiệu”, mà xây dựng mô hình của các mối liên hệ”,- ông đã viết như thế trong bài Nghiên cứu văn học cần trở thành khoa học trên “Những vấn đề văn học” (1967, số 9, tr.93)). Luận điểm về mối liên hệ phổ quát giữa các hiện tượng khẳng định: cả trùng điệp, cả nhịp điệu, cả ẩn dụ, cả hình tượng, cho tới tư tưởng cùng tồn tại trong câu thơ, chúng đan cài vào nhau, chỉ có thể cảm nhận trên cái nền của những sự tương phản; sự tương phản về ngữ  âm và phong cách lại bện kết với ý nghĩa, và kết cục là: cặp đối lập (ví như) giữa các phụ âm vô thanh và phụ âm hữu thanh lại kết nối với cặp đối lập “anh” và “em”, hoặc “tự do” và “nô lệ”. Chẳng những thế, điều quan trọng là ở chỗ, mối quan hệ qua lại nói trên chẳng bao giờ viên mãn, đơn nghĩa: khuôn nhịp iambơ hoặc phong cách ẩn dụ của bài thơ không thể trực tiếp rút ra từ nội dung tư tưởng của nó; nó vẫn duy trì các mối liên hệ ngữ nghĩa trước đó đã được sử dụng, và một loạt cách sử dụng thế này thì phù hợp với ngữ nghĩa của ngữ cảnh mới, còn những cách sử dụng khác lại xung đột với nó. Đó chính là cấu trúc của văn bản, chẳng những thế, là cấu trúc biện chứng, một loại cấu trúc mà trong đó, tất cả được kiến tạo luôn luôn nằm trong thế xung đột hết sức căng thẳng.

    Mâu thuẫn biện chứng chính yếu làm cho văn bản bài thơ thành một sinh thể thực chất nằm ở chỗ: văn bản ấy hiện lên như một đấu trường căng thẳng giữa quy phạm và xoá bỏ quy phạm. Khi đọc một bài thơ (nhất là đọc những bài thơ của cùng một loại văn hoá thi ca), một hệ thống đón đợi được hình thành ở người đọc: nếu bài thơ được bắt đầu bằng thể iambơ của Pushkin, thì ở đó, trọng âm bao giờ cũng được chờ đợi rơi vào các âm tiết thứ hai, từ vựng sẽ được nống lên trang trọng, cao cả và (với chúng ta) có đôi chút cổ kính, còn các hình tượng, về cơ bản, được lựa chọn theo phong cách lãng mạn.

    Những sự chờ đợi nói trên, từng bước, có thể trúng, có thể không trúng: vì rằng trong thơ iambơ, nhiều trọng âm có thể được bỏ qua, về cái chết của Lenski, sau một câu thơ lãng mạn “Trên bàn thờ ngọn lửa leo lét”, lại có câu nói thế này: “…như trong ngôi nhà hoang, những ô cửa sổ …trắng loá màu phấn” v.v… Chính việc trúng hay không trúng ở sự chờ đợi của độc giả đối với văn bản sẽ được cảm nhận như là xúc động thẩm mỹ. Nếu sự chờ đợi trúng cả trăm phần trăm, thì các câu thơ sẽ gây cảm giác về một bài thơ kém cỏi, buồn tẻ; nếu sự chờ đợi sai trăm phần trăm (thông tin mới không dựa trên những thông tin đã có), thì các câu thơ sẽ gây cảm giác, đó không phải là bài thơ. Chuẩn mực đánh giá các câu thơ hoá thành chuẩn mực thông tin. Mác từng cho rằng, “khoa học chỉ đạt được sự hoàn hảo, khi nó sử dụng được toán học”,- câu nói ghi trong sổ tay của Lafarge rất ít người biết này được Lotman nhắc lại trong bài Nghiên cứu văn học cần trở thành khoa học.

    Cũng như chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng, quan điểm lịch sử chính là nguyên tắc khởi điểm của Lotman - và quan điểm lịch sử trong phương pháp luận này cũng xung đột với chủ nghĩa phản lịch sử của tư tưởng hệ hệt như vậy. Sơ đồ tư tưởng hệ bao giờ cũng lấy bản thân làm trung tâm, nó gán cho tất cả các thời đại một hệ thống giá trị duy nhất: hệ thống giá trị của chúng ta. Những gì không đặt vừa vào hệ thống ấy sẽ được lý giải bằng những mâu thuẫn đáng tiếc, bằng hệ quả của sự thiếu chín muồi lịch sử. Với phương pháp luận mác - xít, mâu thuẫn là động lực của lịch sử, với hệ tư tưởng mác - xít, mâu thuẫn lại là trở lực của lịch sử, cần thay thế bằng “đồng thuận”.

    Lotman cũng đã cự tuyệt chủ nghĩa phản lịch sử lấy bản thân làm trung tâm một cách tĩnh tại để bảo vệ quan điểm lịch sử như thế. Với từng loại văn hoá, Lotman giải cấu trúc hệ thống giá trị riêng của nó, ngay cả những gì nhìn bề ngoài, có vẻ mang tính chiết trung pha tạp, nhưng nhìn từ bên trong lại cân đối, nhất quán, ngay cả những trường hợp quá quắt, ví như ở phần mở đầu tác phẩm, Radisev phủ định sự bất tử của tâm hồn, đến cuối tác phẩm, ông lại khẳng định sự bất tử ấy. Tất nhiên, sự nhất quán này chỉ là tạm thời: cùng với sự vận động của thời gian, những mâu thuẫn chưa phát hiện ra bắt đầu được cảm nhận, mà cái được cảm nhận là sự đánh mất ý nghĩa, diễn ra sự phá vỡ hệ thống và, ví như, văn hoá công chức sẽ thay thế cho văn hoá quý tộc.

    Sự hiện diện của những mâu thuẫn tiềm ẩn bên trong mỗi hệ thống văn hoá là động lực phát triển của nó, điều đó hoàn toàn đúng với những gì mà phép biện chững mác - xít đòi hỏi. Còn hệ tư tưởng tỏ ra phi mâu thuẫn mà mỗi nền văn hoá ra sức buộc mình và những nền văn hoá khác phải phục tùng thực ra chỉ là sự hư cấu, bịp bợm của lối hành xử trong thực tế đời sống. Với nền văn hoá xô viết chính thống hoàn toàn bị tư tưởng hệ hoá, cái nhìn như vậy đối với các nền văn hoá quá khứ là rất chướng ta gai mắt.

    Được thúc đẩy bởi những mâu thuẫn nội tại, khi thì hoà hoãn, khi thì gay gắt, lịch sử vận động nhờ những cú va đập: khi thì phát triển nhịp nhàng, lúc lại bùng nổ dữ dội, khi thì tiệm tiến, lúc lại cách mạng sục sôi. Đó cũng là điểm chung của chủ nghĩa Mác và Lotman cũng tiếp thu một cách nghiêm túc. Nhưng ông còn nhớ thêm một luận điểm trong sách vỡ lòng của chủ nghĩa Mác - một luận điểm sơ đẳng tới mức, rất hiếm khi người ta nghĩ tới nó: “chân lý bao giờ cũng cụ thể”. Điều này có nghĩa, là nhà sử học, ông không hẳn chỉ nghĩ xem, chúng ta cảm thấy các thời đại ấy thế nào, mà chủ yếu nghĩ xem, bản thân các thời đại ấy vẫn nhìn mình ra sao. Hoặc diễn đạt theo cách của Lotman, ông trình bày chúng trong các tên riêng, chứ không phải trong những danh từ chung. Nhìn vào hệ thống văn hoá của thời đại từ bên trong, điều đó có nghĩa, phải đứng trên quan điểm của nó, hãy quên đi cái gì xẩy ra sau này. Có một câu đã trở thành giai thoại thường được gán cho L.Sabanheev: “Berlioz là bậc tiền bối đáng tin cậy nhất của Wagner”[1],- thế tức là, quan điểm lịch sử đòi hỏi phải hiểu rằng, mỗi thế hệ không để tâm vào chuyện mình là tiền bối của ai, không dốc sức làm cho chúng ta thích họ và đoán định câu trả lời của chúng ta đối với mọi câu hỏi: không, mỗi thế hệ chỉ giải quyết những nhiệm vụ của riêng mình. Nó không biết trước con đường tương lai của lịch sử - trước nó có rất nhiều ngã ba ngã bảy, rất nhiều những con đường có thể có.

(còn tiếp)

LÃ NGUYÊN dịch



Nguồn: vanhoanghean.com.vn


[1]
  Sabanheev L.L.(1881-1968): Nhạc sỹ, nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Liên Xô;  Berlioz Louis-Hector (1803-1869): Nhạc sỹ, đạo diễn, nhà văn Pháp; Wagner Wilhelm Richard (1813-1883): Nhạc sỹ, nhà lý luận nghệ thuật, nhà cách tân Opera kiệt suất người Đức. Câu nói của Sabanheev sở dĩ được xem là giai thoại, có lẽ bởi vì Berlioz là nhà văn, nhạc sỹ lãng mạn, còn Warner là tín đồ của chủ nghĩa thần bí và chủ nghĩa phản tình cảm pha màu sắc tư tưởng hệ.- ND.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved