Tại sao lịch sử Việt Nam lại bắt đầu bằng huyền thoại? Câu hỏi này có thể được trả lời bằng cách tranh luận có nên bỏ truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân ra khỏi chính sử hay không. Cũng có thể bàn đến độ đáng tin cậy của câu chuyện đó, hay các phiên bản của nó theo thời gian. Hoặc có thể bàn về mối quan hệ của câu chuyện huyền thoại được cho là đã xảy ra trong quá khứ với hiện tại, như giáo sư sử học chuyên về Đông Á người Ba Lan Krzystof Gawlikowski [1] đã làm, khi so sánh các mối quan hệ này ở Việt Nam với Trung Quốc, Do Thái và Ba Lan quê ông.
"Mỗi con người phải xác định mình với một nhóm, và mỗi nhóm ít nhiều được huyền thoại hóa. Các cộng đồng lớn và ổn định cần huyền thoại hóa nhiều hơn do phương tiện thống nhất: "các trung tâm và các hệ thống hội nhập", cả hai đều có lõi thuyền thoại. Các phần tử thống nhất đó dựa trên một "hệ thống huyền thoại dân tộc" tạo ra khung tư tưởng cho sự thống nhất dân tộc. Mỗi cá nhân thường xác định bản thân với một vài cộng đồng cùng lúc, và tất cả các mối quan hệ đó liên hệ qua lại. Vì vậy mà khi phân tích thì "bản sắc dân tộc" có thể được tách ra một cách giả tạo, nhưng không thể hiểu một cách tách rời. Hơn vậy, nhiều bản sắc khác nhau đều có thể được coi là "dân tộc", dao động qua lại và cạnh tranh với nhau. Nhiều loại bản sắc quan hệ chủ yếu với một quốc gia, tôn giáo và tư tưởng xã hội nhất định, và phần nào phi dân tộc nếu xét riêng nội dung, dù là phục vụ mục tiêu đoàn kết dân tộc." (Gawlikowski 1983)
GS Gawlikowski nhận thấy truyền thuyết là cơ sở cho thống nhất dân tộc và việc tạo ra huyền thoại hiểu theo nghĩa rộng là cơ chế cho quá trình thống nhất này cùng diễn ra với các quá trình vật thể hóa và liên hệ qua lại. Theo ông, một dân tộc được sinh ra chính vào thời điểm tạo ra những huyền thoại dựng nước đó.
Bản sắc của mỗi cá nhân cũng chính là mối quan hệ tình cảm với một nhóm xã hội xung quanh mình, cho nên có thể ở mức độ gia đình, làng xã, cho đến tỉnh thành và quốc gia, lẫn khu vực như Trung Hoa xưa từng là thể chế Khổng giáo đa quốc gia. Có dân tộc xây dựng bản sắc trên thuộc tính sắc tộc nhưng cũng có dân tộc định nghĩa bản sắc là tiến bộ, văn minh, hay thể chế công dân.
"Trong khi gia đình, dòng tộc và cộng đồng làng xã vốn ổn định, thì sự thống nhất trong các khu vực và quốc gia văn hóa lại dao động, mạnh lên và yếu đi. Dân tộc không phải là vật chất, là "sự vật" tồn tại "mãi mãi" sau khi được tạo ra, mà chỉ là một trạng thái nhất định của xã hội. Một xã hội có thể đạt trạng thái hội nhập trong một hoàn cảnh nhất định, và thay đổi theo hoàn cảnh. Có thể so sánh dân tộc như một thanh nam châm hút hết tất cả các mảnh sắt xung quanh đó. Có điều trong xã hội thì sức hút của trung tâm (tức là "thanh nam châm") đó là do đám đông tạo ra: các hệ thống khái niệm của họ, cảm xúc, thái độ dâng hiến và sẵn sàng hành động đều liên quan đến trung tâm hội nhập đó." (Gawlikowski 1983)
Và khối trung tâm kết dính này có thể được thực hiện qua các giá trị văn hóa (chuẩn mực cư xử), qua thể chế chức năng (như là nơi hội họp đình làng), qua liên lạc xã hội (ví dụ như giáo dục và tuyên truyền) và cũng có thể là hội nhập qua biểu tượng đại diện cho bản sắc của nhóm. Theo đó thì một dân tộc có thể được hình thành qua việc thiết lâp một hệ thống qui tắc ứng xử giữa các thành viên, hay một biểu tượng được truyền bá rộng rãi và duy trì bằng hệ thống cơ quan chức năng. Dân tộc có thể được hình thành qua các bước lịch sử lần lượt là cơ chế hóa rồi tổ chức hóa cộng đồng, tiếp theo là biến chuyển và rồi là thống nhất văn hóa, và liên kết các trung tâm văn hóa khác nhau để đi đến một bước hình thành truyền thuyết dựng nước. Truyền thuyết hóa ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, tức là tạo dựng ý nghĩa văn hóa đặc biệt gán cho các đối tượng vật chất và văn hóa, chuyển thành giá trị, hay vật thờ. Các yếu tố bị đánh giá tiêu cực sẽ bị loại trừ.
Như vậy, phương pháp sử của GS Gawlikowski mở ra một con đường phân tích đầy thú vị với lịch sử một dân tộc như Việt Nam [2] trong mối quan hệ liên quan giữa nhiều thành phần cơ sở lẫn giữa các quốc gia với sợi dây xuyên suốt là truyền thuyết dựng nước như hệ thống chuyện thời Vua Hùng hay di sản huyền thoại như chuyện Tấm Cám, không chỉ để hiểu hơn cội nguồn lịch sử dân tộc trong quá khứ mà ngay cả những tranh cãi và lễ nghi trong hiện tại. Trong nhiều trường hợp những gì người ta "biết" về những câu chuyện đó không bằng những gì người ta "tin" từ những câu chuyện như vậy, và luôn lập luận bằng tình cảm (cảm tính) hơn là lý tính. Nhân vật "tốt" luôn được đề cao và nhân vật "xấu" luôn bị hạ thấp, nhưng vấn đề ai tốt ai xấu đã được định nghĩa từ trước và nằm ngoài vòng tranh luận, ví dụ vậy.
Tham khảo:
Gawlikowski, Krzystof 1983, [Dân tộc: Thực tại huyền thoại] Nation: A mythological being, in Wolfram Eberhard & Krzysztof Gawlikowski & Carl-Albrecht Seyschab ed. East Asian Civilizations - New Attempt at Understanding Traditions, vol.2 Nation and Mythology,
Simon&Magiera p.10-18
[1] GS Krzystof Gawlikowski hiện là chuyên gia tại Trung tâm Đông Á do ông sáng lập thuộc Viện nghiên cứu chính trị thuộc Viện hàn lâm khoa học Ba Lan (www.isppan.waw.pl), có giờ giảng dạy tại Trường cao học Tâm lý học xã hội ở Warszawa (www.swps.pl) đồng thời là tổng biên tập tạp chí do ông sáng lập chuyên nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương (www.azja-pacyfik.pl), lấy bằng thạc sĩ tâm lý học năm 1967 rồi sang Trung Quốc nghiên cứu và về bảo vệ bằng tiến sĩ về chính trị học năm 1971, sau đó là tiến sĩ khoa học về lịch sử năm 1977.
[2] GS Gawlikowski cho biết lý thuyết của ông cũng được giới khoa học tại Phillippines áp dụng rất thành công vào nghiên cứu văn hóa và lịch sử dân tộc tại đó. Độc giả muốn đọc toàn văn lý thuyết gốc bằng tiếng Anh có thể liên hệ với ông tại trang
| |
Lê Hải* |
Home »
CÂU CHUYỆN KHOA HỌC
» Dân tộc và Huyền thoại