Home » » BAO GIỜ CHO ĐẾN THÁNG MƯỜI

BAO GIỜ CHO ĐẾN THÁNG MƯỜI

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012 | 23:19

Khi còn nhỏ tôi đã xem phim này, sau đó năm nào cũng xem lại, cảm xúc tuy thay đổi nhưng vẫn thấy thú vị. Còn nhớ khi tôi hơn 10 tuổi, xem phim lần đầu, tới đoạn Duyên cùng người chồng ra miếu đốt diều, cảm giác gai người. (Lưu Danh Khách)


Người gửi: Lưu Danh Khách
Trước kia, khi truyền hình Việt Nam chưa tràn ngập quảng cáo, game show, phim truyền hình Hàn, Trung... năm nào, đến hẹn lại lên, nhà đài lại phát "Bao giờ cho đến tháng Mười" mỗi dịp lễ.
Khi còn nhỏ tôi đã xem phim này, sau đó năm nào cũng xem lại, cảm xúc tuy thay đổi nhưng vẫn thấy thú vị. Còn nhớ khi tôi hơn 10 tuổi, xem phim lần đầu, tới đoạn Duyên cùng người chồng ra miếu đốt diều, cảm giác gai người. Rồi đoạn Duyên đi chợ Âm, gặp người chồng mà không chạm vào nhau được cứ ám ảnh tôi mãi.
Lớn lên một chút, ngày lễ chiếu phim này, tôi thường ngồi nhà xem mà không đi chơi với bạn bè anh chị, mọi người thường trêu tôi mê Lê Vân. Hình ảnh Duyên gầy ngồi bên bờ ao khỏa tay xuống nước, mái tóc dài, hàm răng trắng đều, cánh tay thon thả (diễn viên múa mà) mãi mãi là hình ảnh thật đẹp không thể quên vì nó đó là nét đẹp đặc trưng của người phụ nữ VN lúc ấy.
Đến tuổi yêu, có người bạn gái gửi thư cho tôi trong đó có dẫn câu thơ của giáo Khang (Hữu Mười đóng): Bao giờ cho đến tháng mười / Lúa chín trên cánh đồng giông bão. Ý cô bạn tôi là, tháng mười dù có giông có bão, nhưng lúa vẫn chín tốt, nên dù chúng tôi có chút hiểu lầm nhưng rồi tình yêu cũng sẽ chín. Rốt cục chuyện yêu đương chúng tôi cũng chẳng tới đâu, cái kết lơ lửng như chính bộ phim vậy, mà cũng chẳng sao, tình chỉ đẹp khi còn dang dở!
Và khi đã vào đời, biết được mặt trái của nó, thì các chi tiết “đời thường” của bộ phim như vụ sửa thơ của giáo Khang (lúa chín trên cánh đồng năm tấn), hay cảnh ông anh “cán bộ” rửa xe đều gây cho tôi cảm giác thích thú, nó mang lại nhiều màu sắc cho bộ phim. Cha mẹ tôi thường ngạc nhiên khi tôi lớn đùng mà vẫn “xem đi xem lại” bộ phim cũ rích đó, và người thường buồn phiền vì thấy mắt tôi đỏ hoe sau mỗi lần xem lại.
Vì hơn hết ông đã đưa người xem vào các cung bậc đau khổ, sức chịu đựng và bi kịch của thân phận con người từ thấp tới cao. Từ cảnh Duyên ngất trên đò, bi kịch dần tăng lên, từ những lời hỏi ngây thơ của con trẻ, tới lo lắng của ông bố chồng bệnh nặng, từ lời bàn tán của bọn trẻ học sinh giáo Khang, tới lời móc máy của bà chị chồng, cảnh nhà vui vẻ nghe thư của người đã chết (thày Khang viết thay) tới cảnh Duyên mơ gặp chồng trong ngày xá tội vong nhân, khó có thể cầm được nước mắt, vì nỗi đau của Duyên ngày một chồng chất.
Có người nói đoạn hát chèo dài quá, làm để cho Tây xem, tôi lại thấy không thể cắt ngắn được hơn, thực đúng là cảnh đoạn trường, từ cổ tới kim nỗi khổ của những người đàn bà trên mảnh đất chiến tranh liên miên này không khác nhau là mấy.
Và khi bi kịch tới đoạn cao trào, ông bố chồng hấp hối, lại một lần nữa ta thấy sự cao tay của ông Đặng khi cho nhân vật đồng đội gặp ông bố trong giờ phút lâm chung, khiến Duyên lại thấy mình có lỗi, nước mắt của nàng dồn nén bao lâu nay chợt bung ra thành những tiếng nức nở, không gì có thể sầu thảm hơn thế. Ôi ông Đặng Nhật Minh , ở xứ này ngoài ông ra còn ai có thể làm được như vậy… Về phương diện lấy nước mắt của khán giả họa chăng chỉ có cô Kim Cương có thể so sánh mà thôi!
Tôi là kỹ sư, làm việc suốt ngày bên máy móc. Mỗi lần xem phim thường ước mơ trở thành một đạo diễn điện ảnh. Tôi nghĩ bộ phim này sẽ là giáo trình tốt cho các đạo diễn Việt Nam, vì ta thấy rất nhiều các kỹ thuật khác nhau, những chi tiết độc đáo, các thủ pháp nghệ thuật có thể bắt gặp trong nhiều phim của Đông Âu thời trước.
Dàn diễn viên cũng tuyệt vời, người bố chồng, bà chị chồng, giáo Khang (anh Hữu Mười chuyên vào vai thày giáo), cả em bé vào vai cậu con trai, ông cán bộ đi xe ba bét nhè… và ngay cả anh Việt Bảo dù xuất hiện rất ít nhưng diễn thật tự nhiên, không “kịch” như các phim Việt Nam khác. Một bộ phim hay nhất mà tôi được xem, có thể là hơi quá lời vì là phim ta và tôi yêu bộ phim này quá? Nhưng một điều chắc rằng còn lâu chúng ta mới có một bộ phim thành công như thế nữa.
Tôi thường thích một cái kết mở trong phim, vì nó sẽ làm ta phải nhớ phải day dứt về bộ phim. Cô Duyên có gặp lại thày giáo Khang không? Hồi nhỏ tôi cứ tự hỏi mình như vậy? Chẳng ai biết sau này sẽ thế nào, ông Minh sau này cũng làm nhiều phim lắm, cũng có phim nhạy cảm như "Cô gái…” có phim hay hay như "Mùa ổi", "Thương nhớ…", nhưng cũng có phim vớ vẩn như “Hà Nội mùa đông…” mặc dù là đề tài này rất hay và dễ làm. Lần này cái phim mới nghe tiêu đề cũng thấy bất ổn như thế nào, coi chừng “cháy” mất.
Và thế là lại ca bài ca cho đến... bao giờ!
Việt Báo (Theo_VnExpress.net)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved