Home » » VỀ VỤ ÁN NHÂN VĂN GIAI PHẨM - 20

VỀ VỤ ÁN NHÂN VĂN GIAI PHẨM - 20

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012 | 01:39

Khóc Phùng Quán

Đêm khuya, chuông điện thoại reo có vẻ giục giã... Tôi cầm ống nghe. Từ đầu dây, tiếng nói hồi hộp của anh bạn từ Hoa Kỳ vang lên: "Anh ạ, Phùng Quán đã qua đời!" Tim tôi thắt lại, tâm trí bàng hoàng, thẫn thờ... Một lúc sau, tôi bỗng thốt lên: "Phùng Quán ơi! Sau bao nhiêu bão táp của cuộc đời mà anh phải hứng chịu, cuối cùng thì anh đã đứng vững!" Đúng thế, anh đã đứng vững!

Phùng Quán ơi! Cách đây hơn nửa năm, tôi mừng xiết bao khi được đọc bài anh viết hồi tháng 12.1992, kể lại chuyến anh cưỡi xe đạp đường trường phóng về đến tận Thái Bình để tìm thăm Nguyễn Hữu Đang, và bằng những nét chấm phá tinh tế anh đã mô tả cuộc đời của người trưởng ban tổ chức "Ngày Độc lập" (2.9.45) sau khi mãn án 15 năm tù ngồi dưới chế độ gọi là "xã hội chủ nghĩa" vì "tội gián điệp" (!) trong vụ án văn chương quái gở nhất lịch sử nước nhà, được mệnh danh là "vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm". Tôi rất mừng vì nghĩ rằng anh còn "chân cứng đá mềm", còn mạnh khỏe lắm cả về thể chất lẫn tinh thần...

Và cũng cách đây vài tháng thôi, tôi được xem bản tài liệu "mật" của Ban tư tưởng - văn hóa Trung ương ĐCSVN để thanh minh trước đảng viên về "vụ án xét lại - chống Đảng", về việc bắt Nguyễn Hộ, v.v... thì tôi thấy tên anh "được" liệt kê vào loại "một số người trong vụ Nhân Văn - Giai Phẩm còn có tư tưởng chống đối" (nguyên văn). Người ta viết: "... Đầu năm 1994, Đỗ Trung Hiếu đã tổ chức cho Phùng Quán từ Hà Nội vào gặp gỡ ở nhà riêng, trong đó có cả Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Hồ Hiếu, Bùi Minh Quốc để nghe Phùng Quán trình bày...", cố nhiên, theo họ là những tư tưởng "chống đối, đả kích Đảng cộng sản Việt Nam" (những chữ trong ngoặc kép là nguyên văn). Đọc tài liệu đó, tôi vừa lo cho anh và tất của các anh chị em khác, lại vừa mừng cho anh đã có một chuyến đi và những cuộc gặp gỡ chắc là thú vị và bổ ích lắm.

Thế mà hôm nay anh không còn nữa! Đau đớn thật! Song cuộc đời "sớm còn tối mất", sống chết là lẽ thường. Điều quan trọng là sống thế nào, chết thế nào, phải không anh?

Nghĩ đến anh, suốt đêm tôi cứ trằn trọc mãi, nước mắt giàn giụa, đọc đi đọc lại từ đầu đến cuối bài thơ "Lời Mẹ Dặn" của anh đăng trên tờ báo "Văn" số 21 ngày 17.9.1957:

"Tôi mồ côi cha năm hai tuổi

Mẹ tôi thương con không lấy chồng

Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải

Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.

Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ

Ngày ấy tôi mới lên năm

Có lần tôi nói dối mẹ

Hôm sau tưởng phải ăn đòn.

Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn

Ôm tôi hôn lên mái tóc

- Con ơi, trước khi nhắm mắt

Cha con dặn con suốt đời

Phải làm một người chân thật.

- Mẹ ơi, chân thật là gì?

Mẹ tôi hôn lên đôi mắt

- Con ơi, một người chân thật

Thấy vui muốn cười cứ cười

Thấy buồn muốn khóc là khóc.

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu.

Từ đấy người lớn hỏi tôi

- Bé ơi, bé yêu ai nhất?

Nhớ lời mẹ tôi trả lời:

- Bé yêu những người chân thật.

Người lớn nhìn tôi không tin

Cho tôi là con vẹt nhỏ.

Nhưng không! Những lời dặn dò

In vào trí óc của tôi

Như trang giấy trắng tuyệt vời

In lên vết son đỏ chói.

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi

Đứa bé mồ côi thành nhà văn

Những lời mẹ dặn thuở lên năm

Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.

Người làm xiếc đi dây rất khó

Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn

Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu.

Tôi muốn làm nhà văn chân thật

Chân thật trọn đời

Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi

Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã

Bút giấy tôi ai cướp giật đi

Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá".

Tôi còn nhớ rõ hồi đó, khi bài này được đăng báo, đám "bồi bút" lồng lộn, nhao nhao la ó: "Bọn Nhân Văn ngoan cố lại ngóc đầu dậy" (toàn là từ ngữ cải cách ruộng đất!). Còn Tố Hữu, trùm "văn nghệ xã hội chủ nghĩa", cậu ruột nhà văn, thì nói: "Cái thằng đó chỉ huênh hoang, khoác lác thế thôi". Riêng tôi thì coi bài thơ của anh là "Bản tuyên ngôn cuộc đời nhà văn Phùng Quán", định rõ cách sống cũng như phương châm sáng tác của nhà văn. Tôi luôn luôn thầm theo dõi bước chân anh... "đi dây" trong cái chế độ độc tài, đảng trị, cực kỳ khắc nghiệt, xem anh có "đi trọn đời trên con đường chân thật" được không và thầm cầu mong sao để "sét nổ trên đầu không xô" anh "ngã". Cho nên khi thấy anh "đi trọn đời" rồi thì câu đầu tiên tôi thốt lên là: "...Cuối cùng thì anh đã đứng vững!" Đó là tiếng reo ca ngợi "chiến tích" vẻ vang của anh!

Phùng Quán ơi! Cha ông ta từ xưa đã nói "cái quan luận định", nghĩa là sau khi đậy nắp quan tài rồi thì lời bàn hay dở về một người mới xác định được. Bây giờ thì anh đã đi trọn cuộc đời rồi mà không đường mật, công danh, tù tội, đọa đày nào có thể làm anh khuất phục, có thể làm anh bẻ cong ngòi bút, viết lên những điều không chân thật. Bạo lực, bão táp, sấm sét không thể nào quật ngã được anh và anh đã đứng vững, ngẩng cao đầu để nêu tấm gương sáng muôn đời cho trí thức, văn nghệ sĩ, cho mỗi người Việt Nam noi theo để sống "chân thật trọn đời", không quỳ gối, uốn lưỡi ca ngợi bọn độc tài khoác áo dân chủ, bọn "tư bản đỏ" đội lốt công nhân, vô sản, bọn cường hào mới mạo xưng nông dân lao động. Bài thơ anh viết đến nay đã 38 năm trời, những điều tâm niệm của anh ghi trong bài thơ đó anh đã làm đúng, hoàn toàn đúng, không mảy may "huênh hoang, khoác lác". "Lời Mẹ Dặn" thực sự đã chỉ phương hướng cho cuộc đời của anh, cho lẽ sống của anh: chân thật trọn đời. Điều đó làm tên tuổi anh thêm vinh quang sáng chói, đồng thời làm hởi lòng hởi dạ cho những ai đang đấu tranh để xóa bỏ chế độ cực quyền, xây dựng chế độ dân chủ đích thực, trong đó mọi quyền tự do, nhân quyền và dân quyền được hoàn toàn bảo đảm.

Phùng Quán ơi! Anh với tôi là người cùng trên một chiến tuyến dân chủ, dù chúng ta chỉ đấu tranh bằng ngòi bút, lời nói mà thôi; chúng ta là đồng hương, lại cùng chung số phận đau thương, đầy oan trái; trong giờ phút này, tôi thắp một nén hương, thành kính hướng toàn tâm toàn ý đến anh để cầu nguyện cho hương linh của anh sớm được siêu thoát.

Tháng 2 năm 1995

1. Bài này đăng trên "Thế giới Ngày Nay" số 127, tháng 3.1995 và trên tờ"VietNam- Forum" số 4, do Nguyễn Thị Thu Cúc dịch ra tiếng Đức.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved